Trung tâm lưu trữ tài liệu Việt Nam tại Đại Học Texas Tech tổ chức hội luận kỷ niệm 50 Năm Hiệp Định Hòa Bình Ba Lê và sự rút quân đồng minh ra khỏi Miền Nam Việt Nam.

Tin Lubbock (Tổng hợp).- 50 năm nhìn lại Hiệp Định Paris (1973 – 2023), Trung tâm lưu trữ tài liệu Việt Nam tại Đại học Texas Tech đã tổ chức 3 ngày hội luận từ Thứ Năm ngày 2 tháng 3 đến Thứ Bảy ngày 4 tháng 3 năm 2023. Chương trình chính thức bắt đầu ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy. Ngày Thứ Năm chỉ làm thủ tục ghi danh và sinh hoạt riêng có tính cách cá nhân. Chúng tôi, “phái đoàn Dallas” gọi cho quan trọng một chút gồm có 4 người: Tiến sĩ Vũ Đình Hiếu tham dự trong chương trình tham luận với đề tài “Hiệp Định Paris Tháng Giêng năm 1973 và Hậu Quả”, còn lại ba chúng tôi gồm có anh Đỗ Văn Hạnh – Thu Nga Đài Truyền Hình SBTN Dallas & Đài Phát Thanh Saigon Dallas 1160AM cùng cá nhân chúng tôi đại diện Báo Người Việt Dallas.

Ông bà Đỗ Hạnh và Thu Nga gặp anh chị em trẻ tại Lubbock

Khởi hành từ Grand Prairie trên đường dài gần 6 giờ đồng hồ lái xe. Nhưng khi từ 20 West rẽ vào 84 West để đến Lubbock, một trận mưa lớn có lẫn đá và gió lớn nhưng lại không một chỗ ẩn núp an toàn trong khoảng không gian rộng lớn. Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện và tiếp tục chỉ mong đến nơi đến chốn một cách an toàn. Gần 20 phút trong sự lo sợ, chúng tôi đã vượt qua vùng mưa bão và đến khách sạn Elegante thành phố Lubbock cũng là nơi tổ chức các buổi hội thảo về Hiệp Định Hòa Bình Ba Lê. Sau khi làm thủ tục lấy phòng và ghi danh, chúng tôi đến nhà Tiến sĩ Alex Thái dùng bữa ăn thân mật theo lời mời của anh từ trước. Ngày thứ nhất tại Lubbock theo chương trình của chúng tôi kết thúc.

Qua ngày thứ hai mới là ngày chính thức của chúng tôi, ngày từ sáng cả bốn chúng tôi đều thức dậy sớm sẵn sàng cho một ngày làm việc dài vì ngay sau khi phần thuyết trình của Tiến sĩ Vũ Đình Hiếu, chúng tôi phải về lại Dallas; trong chúng tôi có người bận việc khác. Bài thuyết trình của Tiến sĩ Vũ Đình Hiếu, Người Việt Dallas đã đăng tải trong số báo phát hành Thứ Sáu, ngày 3 tháng 3 tuần qua: “ Hiệp Định Paris Tháng Giêng năm 1973 và Hậu Quả”.

Quang cảnh một buổi họp của các bên tại Hội nghị Ba Lê năm 1973

Chúng tôi xin trở lại một chút về Hiệp Định Ba Lê ngày 27 tháng Giêng, 50 năm về trước, 1973, Hiệp Ðịnh Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình cho việt Nam, được ký kết bởi bốn bên trong cuộc chiến: Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hoà, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (tức Cộng sản Bắc Việt) và Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam (con đẻ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, công cụ thôn tính cộng sản hóa Miền Nam Việt Nam của Cộng Sản Bắc Việt).

Theo một số nhận định chung Hiệp Định Ba Lê có giá trị như một bản án tử hình chế độ Việt Nam Cộng Hoà, được Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger và Lê Ðức Thọ của Cộng sản Bắc Việt hợp soạn; để rồi hai năm sau đó cưỡng tử Việt Nam Cộng Hoà vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, vi phạm trắng trợn bản Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho Việt Nam; trước sự phủi tay không thương tiếc của người bạn đồng minh Hoa kỳ, và sự làm ngơ của những cam kết quốc tế bảo đảm cho việc thực thi hiệp định này. Thật vậy, như mọi người đều biết, sau biến cố Tết Mậu Thân 1968 ít lâu, Hội Nghị tại Paris khởi sự ở Pháp Quốc để tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Thất thế đầu tiên cho chính quyền Việt Nam Cộng Hoà ở Miền Nam là, dưới áp lực của Hoa Kỳ, đã phải ngồi vào bàn hội nghị bốn bên (thay vì chỉ có hai bên), dù biết rằng bị đặt ngang hàng với một bên là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, vốn là công cụ thôn tính Miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt.

Kế đến, nhiều ngày tháng sau đó, trong khi bề ngoài các bên tranh cãi nhau về hình dạng bàn họp hội nghị là bàn vuông hay bàn tròn, để sau cùng đi đến bàn bầu dục, thì Cố vấn an ninh quốc gia kiêm Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger và Lê Ðức Thọ Ủy viên Bộ chính trị đảng CSVN, đã bí mật và chủ động soạn thảo ra văn kiện Hiệp Ðịnh Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại Hoà Bình ở Việt Nam, với nhiều điều khoản bất lợi, không chút bảo đảm gì cho sinh mạng chính trị chế độ Việt Nam Cộng Hoà (Trái với ý muốn của chính phủ và nhân dân VNCH; song phù hợp với ý đồ của cả bạn (Hoa Kỳlẫn thù (CSBV)).

Vậy mà Kissinger đã ép buộc chính phủ Việt Nam Cộng Hoà phải ký vào bản Hiệp định Paris. Chính phủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lúc đầu đã quyết liệt chối từ và lập tức bị Kissinger làm áp lực, đe dọa đủ điều. Sau vài sửa đổi một số điều khoản theo đòi hỏi của Việt Nam Cộng Hoà có tính nguyên tắc hơn là giá trị thực thi, cùng với sự gia tăng áp lực nặng nề lên chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, kèm theo những lá thư phủ dụ, cam kết bảo đảm thực thi trong quan hệ riêng tư của Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon gửi cho Tổng Thống Thiệu, chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đã không có sự chọn lựa nào khác là phải ký vào bản Hiệp Ðịnh Paris ngày 27-1-1973. Hệ quả là: Hoa Kỳ đã có căn bản pháp lý để rút chân ra khỏi cuộc chiến một cách danh dự, sau khi đạt được những mục tiêu chiến lược trong vùng thông qua cuộc chiến Việt Nam, vì động thái này xảy ra sau Thông cáo chung Thượng Hải 1972 ký giữa TT. Hoa Kỳ Richard Nixon và Chủ tịch Trung quốc Mao Trạch Đông. Đây là kết quả những chuyến đi ngoại giao con thoi của Henry Kissinger giữa Washington – Moscow và Bắc kinh để tìm sự đồng thuận đi đến kết thúc hình thái chiến tranh nóng trong vùng; để thiết lâp một “nền trật tự kinh tế quốc tế mới” hay là “chiến lược toàn cầu mới” hậu Chiến tranh lạnh hay chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Hiệp định Paris chính là căn bản pháp lý để Hoa Kỳ rút hết quân tham chiến về nước. Việc làm này đồng nghĩa với việc bỏ rơi Việt Nam Cộng Hoà và thả nổi cho Cộng Sản Bắc việt thôn tính Miền Nam Việt Nam vào ngày 30-4-1975. Chiến tranh Việt Nam kết thúc như một kịch bản, diễn ra không bình thường, ít nhiều bất ngờ cho cả hai bên nội chiến (CS Bắc Việt và Quốc gia Nam Việt), Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc như thế, không phải là thắng lợi của phe này (Việt cộng) đối với phe kia (Việt Quốc); mà chỉ là vì nhu cầu thay đổi thế chiến lược quốc tế mới của các cường quốc cực mà thôi.

Chương trình dày đặc diễn tiến trong hai ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy. Chương trình bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều không kể giờ ăn trưa. Trưa Thứ Sáu chương trình tổng hợp và phân tích so sánh chiến tranh Việt Nam & chiến tranh Ukraine của Tiến sĩ Ron Milan.

Có tất cả 3 phòng dành cho hai ngày hội luận: Petroleum Room, University Roomvà Heritage Room. Do đó, tham dự viên chỉ có thể chọn một trong ba đề tài mà mình muốn tham gia mà thôi!

Chúng tôi chỉ tham dự những thuyết trình viên tại Phòng Petroleum của ngày Thứ Sáu, 3 tháng 3 năm 2023 gồm có Hội Nghị Bàn Tròn Đại Sứ hướng về Tương lai với hai cựu Đại sứ Ron Neumann và Chase Untermeyer.

Giám đốc SBTN Dallas phỏng vấn Tiến sĩ Ron Milam - Executive Director Texas Tech University

Giám Đốc Thu Nga phỏng vấn TS Vũ Tường

Chương trình thứ hai do Tiến sĩ Alex-Thái điều hợp với phần thuyết trình của Giáo sư Tiến Sĩ Vũ Tường, trường Đại Học Oregon đề tài: “The Republic in Its Best Moments: Govement and the Press in South Vietnam, 1973-1975. Tiếp theo phần thuyết trình của anh Châu Thụy thuộc Heritage Museum, nam California với đề tài: “The US Withdraw and the Need to Preserve the Republic of Vietnam’s History”. Phần thuyết trình cuối cùng trước giờ ăn trưa của anh Trần Hồng Tiên thuộc tổ chức Caltrans and DeMille Elementary School về đề tài: “Vietnamese Dual Language Immersion (VDLI) Program in the public School system: Vietnamese Refugees and the Struggle for Their Heritage Preservation”.

Tiến sĩ Alex Thái điều hợp chương trình hội luận

Sauk hi dùng bữa ăn trưa nghe thuyết trình về chiến tranh Ukraine so sánh với chiến tranh Việt Nam với Tiến Sĩ Ron Milan; chúng tôi trở lại Petroleum Room tham dự tiếp tục phần thuyết trình của Giáo sư Tiến Sĩ Vũ Đình Hiếu, Fort Hays State University với đề tài đã đăng trong số báo 1518 Người Việt Dallas: “Hiệp Định Paris Tháng Giêng năm 1973 và Hậu Quả”. Tiếp theo là phần thuyết trình của Bác sĩ Võ Nghĩa với tính cách biên khảo cá nhân về đề tài :”Two Vietnam” và cuối cùng ông Jeffrey Schultz của Luzerne Community College về đề tài: “Leaving Vientiane: Ambassador Godley, the USAF Ravens, and the Embattled Defense of Lao, 1972-1973. Ba phần thuyết trình này do cô Jenny Nguyễn, một cô gái Việt Nam trẻ điều hợp…

Hai nhân vật trẻ trong lần tham dự năm nay

Lần đầu tiên đến tham dự, tôi thấy mọi việc đều lạ từ cách tổ chức đến người tham dự. Đa số những người đến tham dự về phía Hoa Kỳ hầu hết là những người lớn tuổi có học vị và chức vụ trong quá khứ khá cao. Họ đến từ nhiều nơi trên khắp đất nước Hoa Kỳ, họ quan tâm đến lịch sử và tương lai của Hiệp Chùng quốc Hoa Kỳ. Đối với người Việt Nam, tôi thầm nghĩ thế nào cũng gặp những thuyết trình viên từ trong nước như một số người đã đi tham dự trước đây kể lại. Nhưng lần này, tôi chưa phát hiện được ai từ trong nước ra. Do đó, chúng tôi không phải bận tâm đối phó. Chúng tôi đã gặp không ít những anh chị em còn rất trẻ như Alex-Thái, Châu Thụy, Trần Hồng Tiên, Jenny Nguyễn, Lê Hằng My…nhưng tất cả đều quan tâm đến diễn biến trong nước, sinh hoạt của công đồng tỵ nạn và chính họ sẽ là những ngọn đuốc soi sáng những đam mê cá nhân, những chia rẽ bè phái đã và đang phá nát tinh thần Quốc Gia của người Việt hải ngoại.

Giờ ăn trưa

Những người Mỹ già không bỏ cuộc

Giờ giải lao

Những nhân vật đã tham dự tại Lubbock năm 2004.

Previous
Previous

Dự luật số 220244 đã được thông qua 14/14

Next
Next

Sóng gió khu hội Nam Cali ngày nay nhớ lại biến động năm cũ