Văn Hoá Thánh Ca: Liên Ca Đoàn Thánh Ca Dallas-Fort Worth  Kỷ Niệm 25 Năm

Trần Thu Miên

Văn hoá bao gồm văn học nghệ thuật kể cả âm nhạc, các sinh hoạt hàng ngày của gia đình, cộng đoàn, xã hội hay quốc gia. Văn hoá cũng bao gồm những gì còn sót lại trong kho tàng ký ức của xã hội như truyền thống đạo đức, phong tục tập quán, và cả những phát minh khoa khọc, kỹ thuật,  hay công trình kiến trúc vv. Như vậy Thánh Ca Công Giáo Việt là yếu tố văn hoá quan trọng trong đời sống Công Giáo Việt khắp nơi trên địa cầu. Ngoài việc giúp tín hữu Công Giáo tham gia trực tiếp vào các nghi lễ thờ phượng, cầu nguyện, Thánh Ca còn là phương tiện truyền giáo hữu hiệu, mang tin mừng đến anh chị em không phải là tín hữu Công Giáo. Thánh Ca Công Giáo Việt Nam phản ảnh văn hoá và tâm tình tín hữu qua từng thời kỳ và giai đoạn lịch sử. Có những bài Thánh Ca diễn tả, chuyên chở lời cầu nguyện thống thiết của một dân tộc đang chìm ngập trong lo âu sợ hãi vì chiến tranh. Chẳng hạn như nhạc sĩ Hải Linh viết: “Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt Nam/ Trời u ám chiến tranh điêu tàn...” Thánh Ca nhắn nhủ con người làm việc tốt lành, đối xử tử tế với nhau, với xã hội như Nhạc sĩ Kim Long viết trong Kinh Hoà Bình: “Để con đem tin yêu vào nơi oán thù/ đem thứ tha vào nơi lăng nhục/ đem an hoà vào nơi tranh chấp…” Thuyền nhân Công Giáo Việt trên đường tìm tự do đã hát Thánh Ca giữa đại dương mênh mông mù khơi. Thánh Ca Việt đã được hát trong các trại tỵ nạn. Rồi khi định cư ở xứ người, Thánh Ca Việt vẫn được hát vang lên ở những vùng đất lạ xa. Nhạc sĩ Nhất Chi Vũ diễn tả cảm giác lạc lõng hụt hẫng của người Việt ở đầu đời xa xứ: “Xin Cha thương nhận đây giấc mơ chưa tròn nơi xứ lạ quê người.” Và khi những người xa xứ gặp nhau, ông hát: “Giờ gặp lại nhau trên vùng đất lạ/ Ôi bao là nhớ quê nhà xa xôi…” Ở bất cứ nơi nào, chỗ nào và lúc nào có vài ba người Công Giáo Việt gặp nhau cầu nguyện là Thánh Ca Việt được hát vang lên. Đấy chính là biểu tượng văn hoá tôn giáo Việt.

Liên Ca Đoàn DFW Kỷ Niệm 25 Sinh Hoạt Thánh Ca

Chiều Thứ Bảy 24 tháng 9, tại Thánh Đường Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Arlington, Texas, 12 ca đoàn, trên dưới 200 trăm ca viên thuộc các giáo xứ quanh vùng Dallas-Fort Worth đã tụ họp hiệp dâng Thánh Lễ Tạ Ơn và Kỷ Niệm 25 năm sinh hoạt Thánh Ca của Liên Ca Đoàn. Phần I là Thánh Lễ Tạ ơn. Nhạc sĩ Đỗ Vy Hạ điều hợp tập dượt với sự tham dự của 7 ca đoàn. Phần II là trình diễn Thánh Ca do MC Phạm Quỳnh Giao dẫn chương trình. Danh sách các ca đoàn tham gia và trình bày trong chương trình phần II gồm có:  Ca đoàn Suối Thiêng, Giáo Xứ (GX) Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (CTTĐ), Arlington, ca đoàn Thánh Gia, GXCTTĐ, ca đoàn Triển Dương, GXCTTD, ca đoàn Andrê Dũng Lạc, GX Thánh Giuse, Grand Prairie, ca đoàn Phục Sinh, GX Thánh Tâm Chúa Giêsu (TTCG), Carrollton , ca đoàn Thánh Linh, GX Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (ĐMHCG), Garland, ca đoàn Augustine, GXĐMHCG, ca đoàn Hồng Ân, GX Đức Mẹ Fatima (ĐMF), Fort Worth, ca đoàn Têrêsa, GX Thánh Phêrô (TP), Dallas, ca đoàn Fiat, GXĐMHCG, ca đoàn Trinh Vương, GXĐMHCG, và ca đoàn Ngôi Lời, GXTTCG, Carrollton.

Ca Đoàn Trinh Vương

Ca Đoàn Triển Dương

Điểm Son Của Chương Trình

Là người đã theo dõi sinh hoạt Thánh Ca Việt Nam tại Hoa Kỳ từ năm 1975 ở nhiều nhiều giáo xứ tại nhiều tiểu bang, tôi khẳng định khách quan rằng các ca đoàn đã trình bày các bài Thánh Ca của chương trình rất xuất sắc. Quý  ca trưởng cả nữ lẫn nam đã điểu khiển ca đoàn rất điêu luyện. Các ca viên hẳn đã hy sinh nhiều thời giờ luyện tập rồi chẳng ngại đường xá đã tề tựu đông đủ để cùng nhau hát vang lời Ca Thánh. Chủ quan mà nói, tôi rất thích hai bài Thánh Ca cuối chương trình: Ave Maria (Đoạn Hai) trong Trường Ca Ave Maria của cố nhạc sĩ và nhạc sư Hải Linh, và Bài Ca Ngàn Trùng của nhạc sĩ Hoàng Khánh và nhạc sĩ lm Kim Long. Đây là hai bài hợp ca nhiều bè và khó hát, nhưng ca đoàn Trinh Vương, GXĐMHCG, và ca đoàn Ngôi Lời, GXTTCG đã trình bày rất thành công và đầy ấn tượng.

Vài Thiếu Sót Rất Nhỏ

Theo nhận xét chủ quan của tôi, chương trình thiếu một chủ đề rõ ràng. Dù ai cũng biết đây là buổi trình bày Thánh Ca kỷ niệm 25 sinh hoạt của liên ca đoàn vùng DFW, nhưng các bài Thánh Ca của chương trình cần có chủ đề. Về phần dẫn chương trình nên tránh lập lại những lời “kính thưa hay kính chào” dễ gây chia trí và tốn thời giờ. Người biên soạn chương trình nên tìm kiếm thêm tài liệu về tác giả hay bài hát để tăng thêm sức hấp dẫn và lôi cuốn khán giả. Cần có một ban nhạc với nhiều nhạc cụ để nâng tiếng hát các ca đoàn lên. Nhiều bạn trẻ Công Giáo gốc Việt có khả năng sử dụng các nhạc cụ, và nếu được mời gọi, họ có thể tham gia tích cực. Chúng ta cần tạo cơ hội cho họ trực tiếp tham gia vào các chương trình thánh ca cộng đồng. Đa số ca trưởng và ca viên hiện nay đã bước vào tuổi trung niên. Những chương trình Thánh Ca Việt sẽ chẳng còn nữa nếu không có người trẻ tiếp nối. Tôi hơi ngạc nhiên dù chương trình rất công phu nhưng quyển sách chương trình thiếu nghệ thuật và chi tiết cần thiết như tên quý ca trưởng. Sau cùng, chương trình khá dài nên nhiều giáo dân lớn tuổi không thoải mái vì phải ngồi lâu.

Cảm Nghĩ Của Ban Tổ Chức và Khách

Ông Thanh Trưởng Ban Trật Tự

LM Josepth Phạm Minh

Anh Hoàng Điệp, đoàn trưởng ca đoàn Suối Thiêng, GXCTTĐ, được cha chính xứ và ban mục vụ giao trọng trách tổ chức. Anh chia sẻ: “Đây là lần đầu em tổ chức chương trình Thánh Ca kỷ niệm 25 năm.  Cha xứ giao cho em trách nhiệm hiệp nhất các ca đoàn trong giáo xứ nên chúng em đã làm tất cả mọi việc từ đầu đến cuối, kể cả việc nấu ăn đãi tiệc liên hoan sau Thánh Lễ.” Theo tôi thì anh, các ca đoàn và ca viên trong GXCTTĐ Arlington đã thành công mỹ mãn.  Ông Thanh, trưởng ban Trật Tự GXCTTĐ cho biết ông đã tham dự các chương trình Thánh Ca liên ca đoàn những năm trước, nhưng chương trình lần này quy mô hơn những lần trước. Ông bảo: “Sinh hoạt Thánh Ca như hôm nay mang lại sinh khí mới cho cộng đoàn và cho giáo dân.” Cha Joseph Phạm Minh, giáo xứ Thánh Phêrô Dallas đến rất sớm, có lẽ,  để ủng hộ các ca viên giáo dân của cha.  Theo cha, ca đoàn và ca viên giữ vai trò rất quan trọng trong các nghi lễ thờ phượng và sinh hoạt cầu nguyện của tín hữu. Ngài khẳng định rằng: “Ca đoàn giúp cho giáo dân (trong giáo xứ) tham gia vào các nghi lễ phụng vụ và cầu nguyện sốt sắng và tốt lành thêm.” Quan sát chung thì giáo dân đã thật tình sốt sắng tham dự chương trình Thánh Ca kỷ niệm 25 năm liên ca đoàn sinh hoạt tại vùng DFW. Mong cho ngày kỷ niệm tới sẽ phong phú và tốt đẹp thêm.

Trưởng Ban Tổ Chúc Hoàng Điệp Và Ca Viên

Thánh Ca Và Văn Hoá Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại

Từ ngày 30 tháng Tư, 1975 đến nay, các cộng Công Giáo Việt Nam ở khắp thế giới đã đem Thánh Ca Việt Nam vào các địa phương xa lạ. Quanh vùng DFW, sinh hoạt Thánh Ca đã tiếp nối từ những ngày tháng đầu đời tỵ nạn trong các cộng đoàn nhỏ bé. Khi người Công Giáo Việt Nam tụ họp trong các sinh hoạt thờ phượng hay xã hội là họ đã tích cực bảo tồn và phát huy văn hoá Việt cho con cháu, và giới thiệu văn hoá Việt đến các cộng đoàn Công Giáo bản xứ. Việc các nhạc sĩ Thánh Ca Công Giáo Việt ở Hải Ngoại tiếp tục sáng tác tích cực cho các ca đoàn hát trong sinh hoạt thờ phượng hay xã hội rất cần thiết cho sự phát triển và thăng hoa văn hoá Việt Nam. Nghi lễ phụng vụ và thờ phượng của Công Giáo ở đâu cũng giống nhau.  Tuy nhiên, các bài Thánh Ca vẫn phản ánh đời sống, hoàn cảnh lịch sử và tâm tình cá biệt của giáo dân ở mỗi địa phương.

Mong liên ca đoàn sẽ trình bày các bài Thánh Ca do các nhạc sĩ Thánh Ca Hải Ngoại sáng tác từ năm 1975 đến nay.  Ban tổ chức nên mời khách đại diện những sắc tộc và văn hoá khác đến tham dự để giới thiệu văn hoá Thánh Ca Việt cho các cộng đoàn bạn. Cảm ơn liên ca đoàn đã cống hiến một chương trình Thánh Ca hay và ấn tượng.

Previous
Previous

Ứng cử viên liên bang đơn vị 32 Antonio Swad thăm Trung Tâm Người Việt tại Saigon Mall

Next
Next

Hội đồng hương Bình Định và thân hữu họp mặt mùa thu