Vành khăn tang nào cho Tháng Tư Đen
Bức Tâm Thư của bà Nguyễn Hữu Đoan Trang Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia hạt Tarrant khi nói về Tháng Tư Đen đã có đoạn viết rằng: “Tháng Tư lại về mang theo những ký ức đau thương của một dân tộc. Năm nay, chúng ta kỷ niệm 48 năm ngày định mệnh 30-4-1975, khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng sản. Hệ quả là hằng triệu người dân miền Nam phải chịu nhiều mất mát và khổ đau. Mặc dầu đã 48 năm, nhưng những đau thương mất mát đó vẫn còn hằn sâu trong tâm khảm hằng triệu người Việt từ bỏ quê hương đi tìm tự do, trong đó có cả triệu người vùi thây dưới lòng biển sâu hay bỏ mình nơi rừng sâu nước độc. Tự do cái giá phải trả quá đắt, phải đổi bằng máu, nước mắt và sinh mạng của hằng triệu người.
Trong niềm cảm thông và chia sẻ những đau thương mất mát của hằng triệu người bỏ nước ra đi, đặc biệt là nỗi thống khổ của đồng bào còn lại ở trong nước. Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hạt Tarrant khẩn thiết kêu gọi quý cơ sở thương mại, quý cơ sở tôn giáo, quý hội đoàn, quý đồng hương… TRÁNH TỔ CHỨC CÁC BUỔI VUI CHƠI, TIỆC TÙNG LINH ĐÌNH ngoài công chúng trong tháng Tư, đặc biệt những ngày cuối Tháng Tư…”
Bức Tâm Thư của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hạt Tarrant được phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội và tuần báo Người Việt Dallas địa phương thật sự không có gì khó hiểu đối với đồng hương tỵ nạn Cộng Sản, ngoài những thành phần người Việt đến Mỹ qua diện kinh tế, du sinh…Và ngay vào tuần sau đó, Thứ Bảy ngày 8 tháng 4 năm 2023 ông Phạm Văn Tiền Hội trưởng Thủy Quân Lục Chiến trong chương trình “ Lật Lại Trang Sử” trên đài Saigon Dallas 1160AM cũng đã cho biết một tổ chức mang tên Nhạc Hội Xuân trong Trung tâm Thương Mại Asia Times Square trong Tháng Tư Đen. Ông khẳng định chỉ có trong nước VN Cộng sản mới tổ chức ăn mừng chiến thắng trong Tháng Tư. Ông nhắc lại lời Thủ tướng CSVN Võ Văn Kiệt là mỗi lần Tháng Tư về thì có hằng triệu người vui nhưng cũng có hằng triệu người buồn. Chắc chắn một điều là người Việt tỵ nạn có bao giờ vui mỗi khi Tháng Tư về! Không vui mà tổ chức để mua vui ngoài công cộng đều không thể chấp nhận được…
Nhưng chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, qua lời nhắn của bà Chủ tịch Nguyễn Hữu Đoan Trang từ cô Phương Thảo cũng là một khuôn mặt trẻ khá quen thuộc tại địa phương trong các sinh hoạt cộng đồng đã hoàn toàn phủ nhận những điều viết trong tâm thư và bản tin phản ảnh trên báo Người Việt Dallas. Cô Phương Thảo đã gửi cho bà Chủ tịch Nguyễn Hữu Đoàn Trang và được chuyển cho chúng tôi, nguyên văn như sau:
“Lòng từ bi không ngừng lại khi con đau khổ hay buồn tủi, làm từ thiện không có nghĩa rằng con quên đi những mất mát mà cha ông đã hy sinh cho con được tự do.
Có quý vị nào có thể trả lời giùm con đã làm gì sai?
Tại sao cha ông của con hy sinh để con được tự do nhưng ngày nay con không được quyền một chương trình có ý nghĩa để giúp đời??
Có ai trả lời câu hỏi này giúp con không?
Là Chủ tịch Cộng Đồng cô Trang có thể mời nhà báo này nói chuyện thẳng với con không?
Khi nói đến lòng từ bi là nói đến đau khổ hay buồn tủi. Nếu là Phật tử thì “từ bi” luôn đứng đầu. Nói đúng hơn, Phật giáo hay “từ bi” cũng chỉ là một. Phật giáo ra đời không ngoài mục đích giải thoát chúng sinh, giải thoát nhân loại khỏi khổ đau. Có khổ đau mới có “từ bi”, có “từ bi” mới có Phật giáo. Quán vô lượng thọ kinh chép: “Tâm của chư Phật là tâm đại từ bi”. Đại trí độ luận giải thích thêm: “Hết thảy những điều trong Phật pháp, từ bi là quan trọng nhất”. Chúng tôi không biết cô Phương Thảo là một Phật tử hay Kitô hữu. Nhưng dù là Kitô hữu hay Phật tử thì lòng từ bi không có gì khác nhau. Lòng từ bi của con người dễ cảm nhận những đau thương của người khác và bước thêm một bước nữa là là từ thiện.
Từ thiện là gì đang là một trong những thuật ngữ được rất nhiều người quan tâm và tìm kiếm hiện nay. Theo quan điểm của nhiều người thì từ thiện chính là những hành động nhân ái, giúp đỡ và chia sẻ khó khăn với những người khác.
Như vậy, từ thiện chính là những việc làm tốt, việc làm thiện xuất phát từ trái tim mỗi người. Còn những hành động đẹp, giúp đỡ người khác mà không xuất phát từ tâm, có vụ lợi, toan tính thì sẽ không được coi là từ thiện, đó chỉ là sự “bố thí” mà thôi. Từ thiện là những hành động tự nguyện, không có ép buộc. Bên cạnh đó, những hành động giúp đỡ, an ủi về mặt tinh thần cũng được coi là hình thức từ thiện đặc biệt. Những hành động đó dù không giúp giải quyết khó khăn về vật chất nhưng sẽ giúp cho tinh thần của người nhận trở nên ấm áp hơn và cảm nhận được tình người sâu sắc hơn. Từ thiện có thể là hành động xuất phát từ những cá nhân đơn lẻ hoặc từ một nhóm người, tập thể, một cộng đồng hoặc cũng có thể thông qua tổ chức nào đó. Dù là xuất phát từ đâu thì hành động này cũng đáng được trân trọng. Nhưng khi nói đến từ bi phải đi kèm theo trí tuệ. Có thể nói, thấu hiểu là trí tuệ, yêu thương là từ bi. Để có thể ứng dụng hiệu quả từ bi vào đời sống cần phải có trí tuệ. Trí tuệ là thấy biết rõ nguyên nhân và hậu quả của nó, biết điều gì nên làm và không nên làm. Khác với người không có trí tuệ, có khi họ biết điều đó không nên làm nhưng vì lý do gì đó thúc đẩy lại dấn thân vào.
Trí tuệ như ánh đuốc soi đường, còn từ bi là hành động cứu người trong đêm tối. Chúng ta chỉ thực sự thương yêu và giúp đỡ người khác vô điều kiện khi thấu hiểu, bởi nếu không thấu hiểu, ta sẽ yêu thương gượng ép, dễ vướng mắc vào sự vị kỷ. Nếu từ bi mà không đi đôi với trí tuệ sẽ rất dễ bị lợi dụng.
Qua ý nghĩa này, chúng tôi rất tôn trọng việc làm của cô Phương Thảo và theo cá nhân chúng tôi tất cả mọi việc làm từ thiện đều cao cả và đáng kính phục. Nhưng điều chúng tôi muốn chia sẻ và yêu cầu là không cần thiết tổ chức “tiệc gây quỹ” vào thời gian đau thương và mất mát của Tháng Tư, 48 năm về trước như bức Tâm Thư của Cộng Đồng Hạt Tarrant đã phổ biến mà ban tổ chức và cô Phương Thảo đã đọc qua. Đã nói đến “tiệc” dù là tiệc dưới mục đích gì bắt buộc phải vui mà chắc cô Phương Thảo là mộc MC đã nghe qua: “Trước mua vui sau làm việc nghĩa” phải không? Những bài hát nào mà cô MC Phương Thảo giới thiệu đến quan khách, đồng hương tham dự buổi tiệc không biết gọi là “buồn” hay “vui” hôm ấy…Có bao giờ người mua vé ủng hộ mua điều buồn phiền, như vậy theo lời ông Võ Văn Kiệt những người đến tham dự đêm hôm đó thuộc về “triệu người vui” hay “triệu người buồn”!
Cô Phương Thảo nói rằng “làm từ thiện là con quên đi những mất mát mà cha ông đã hy sinh cho con được tự do”! “Lời tự khai” của cô Phương Thảo lại mâu thuẫn nữa rồi. Làm từ thiện là một nghĩa cử cao cả như chúng tôi đã nói phần trên. Là người con hiếu thảo như cô Phương Thảo, chúng tôi không nghĩ như vậy. Nhưng có lẽ vì lòng từ bi muốn làm từ thiện cô Phương Thảo đã quên đi những chiến hữu của ông cha cô, đồng bào ruột của chúng ta đã chết oan ức trong những ngày Tháng Tư Đen. Tự Do hôm nay mà chúng ta có được không hoàn toàn giống nhau. Có người vượt biên, vượt biển, H.O., ODP…Về giá trị chữ TỰ DO, nhạc sĩ Nam Lộc đã diễn tả trong ca khúc “XIN ĐỜI MỘT NỤ CƯỜI”
Tôi bước đi, khi Sài Gòn trong cơn hấp hối.
Ôi! Sài Gòn chờ đợi thở hơi cuối cùng.
Tôi bước đi Tân Sơn Nhất lửa khói ngập trời,
khu thương xá cửa khép cuộc đời,
những con tầu ngơ ngác ra khơi.
Tôi bước đi, qua đường rừng chông gai, tăm tối.
Như cuộc đời ở lại từ khi mất người.
Tôi bước đi, như con rết lê lết cuộc đời,
như thân bướm đôi cánh rã rời,
lấy u sầu che dấu tả tơi.
Tự do ơi tự do! tôi trả bằng nước mắt
Tự do hỡi tự do! anh trao bằng máu xương
Tự do ôi tự do! Em đổi bằng thân xác.
Vì hai chữ tự do! Ta mang đời lưu vong.
Tôi nép thân trên mảnh thuyền mong manh sương gió.
Như một người tìm đường về nơi đáy mồ.
Tôi bước đi vì không muốn làm kẻ tội đồ,
vì tôi muốn lại kiếp con người,
muốn cuộc đời còn có những nụ cười.
Tự do ơi tự do! tôi trả bằng nước mắt
Tự do hỡi tự do! anh trao bằng máu xương
Tự do ôi tự do! Em đổi bằng thân xác.
Vì hai chữ tự do! Ta mang đời lưu vong.
Tự do ơi tự do! tôi trả bằng nước mắt
Tự do hỡi tự do! anh trao bằng máu xương
Tự do ôi tự do! Em đổi bằng thân xác.
Vì hai chữ tự do! Ta mang đời lưu vong.
Tự do ơi tự do! tôi trả bằng nước mắt
Tự do hỡi tự do! anh trao bằng máu xương
Tự do ôi tự do! Em đổi bằng thân xác.
Vì hai chữ tự do! Ta mang đời lưu vong.
Vì hai chữ tự do! Ta mang đời lưu vong.
Vì hai chữ tự do! Ta mang đời lưu vong...
Thắc mắc thứ hai của cô Phương Thảo là “Tại sao cha ông của con đã hy sinh để con được quyền tự do nhưng ngày nay con không được tham gia một chương trình có ý nghĩa để giúp đời??
Thực sự thắc mắc thứ hai này đã được giải thích một phần ở phía trên rồi. Đó là sự hy sinh không phải riêng gì ông cha của gia đình Phương Thảo mà tất cả Quân, Dân, Cán Chính miền Nam. Việc làm từ thiện có ý nghĩa giúp đời không có gì sai mà trái lại mọi người đều khuyến khích với khả năng và nhiệt tâm của Phương Thảo nhưng với thời gian tổ chức không thích hợp. Không ai có quyền không cho Phương Thảo tham gia chương trình có ý nghĩa này. Vô tình với lòng hăng say mà từ sự tôn trọng “kính lão đắc thọ”; cô Phương Thảo đã thiếu phần khiêm nhường một đức tính cao trọng của một Kitô hữu từ bà Chủ tịch Nguyễn Hữu Đoan Trang chuyển lời nhắn thật sự không chút nào gọi là “Hậu Sanh Khả Úy”: - “Là Chủ tịch Cộng Đồng cô Trang có thể mời nhà báo này nói chuyện thẳng với con không?”.
Thưa cô Phương Thảo,
Những gì hiểu biết hạn hẹp và sự chia sẻ của tôi là tấm lòng của một người Việt tỵ nạn, mong cô hiểu cho. Có thể tuổi tác của tôi lớn hơn cô nhiều nhưng tôi luôn kính phục sự dấn thân phục vụ của cô cho lợi ích cộng đồng. Qua kinh nghiệm làm báo trên 25 năm nay; rất ít khi độc giả hay đồng hương ra lệnh cho tôi phải gọi điện thoại cho họ. Mong cô thông cảm, nếu thật sự cô Phương Thảo cần thảo luận gì thêm xin đừng ngần ngại gọi tôi bất cứ lúc nào với số điện thoại trên báo Người Việt Dallas.
Thái Hóa Lộc