Ủy Ban Bảo Tồn Tượng Đài Việt-Mỹ Arlington Texas Tưởng Niệm Ngày Quốc Hận 30 Tháng 4.

Arlington, TX.- Tưởng Niệm Quốc Hận 30 tháng 4 năm nay đánh dấu 49 năm ngày Miền Nam mất vào tay Cộng Sản Miền Bắc nhiều người tưởng chừng quên lãng vì thời gian quá dài dần nửa thế kỷ. Nhưng điều này hoàn toàn ngược lại trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ, nơi nào cũng đều nhớ đến và tổ chức một cách ngậm ngùi trang trọng. Ủy Ban Bảo Tồn Tượng Đài cùng một số hội đoàn cựu quân nhân, các hội ái hữu đã tổ chức một buổi lễ Tưởng Niệm vô cùng xúc động với bài văn tế lay động lòng người và những lời phát biểu xuất phát từ đáy lòng vô cùng xúc động. Có lẽ người biểu lộ nỗi niềm ấy là bác sĩ Đàng Thiện Hưng, trưởng ban tổ chức lễ Tưởng niệm năm nay. Ông chia sẻ với tôi: “Linh hồn của các chiến sĩ rất linh thiêng, theo dự báo thời tiết cũng như mọi người đều lo lắng buổi lễ sẽ không tránh khỏi mưa. Em cầu nguyện và mọi người quan tâm cùng cầu nguyện vong linh anh hùng tử sĩ hữu danh cũng như vô danh đã chứng giám để chúng ta có một buổi lễ Tưởng niệm trọn vẹn đúng nghĩa…”

Một buổi sáng Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ thành phố Arlington không khí trời thật dễ chịu nhưng gió không nhẹ nên các anh chị em có bổ phận mang đại kỳ đặc biệt các chị ốm yếu nhỏ người phải dùng hết sức mình để khỏi bị chệch choạng tiến về kỳ đài khi rước lá cờ thiêng qua lời ca của nhạc sĩ Hoàng Tường bắt đầu…

Sau nghi thức thường lệ, rước quốc quân kỳ, phút mặc niệm đến chương trình tế lễ cổ truyền do Hội Người Việt Cao Niên Dallas đảm trách và tiếp theo cô Oanh Vũ thuộc Hội Hải Quân Trùng Dương đọc bài Văn tế do Cánh Dù Viễn Xứ biên soạn thật bùi ngùi xúc động với cách diễn ngâm và đặc biệt hoàn toàn thuộc lòng không cầm giấy:    

Văn tế

Âm u gió thổi ngập ngừng 

Hồn ai lơ lững chập chừng về đây.

Quốc hận 30 tháng Tư đến, trời xanh xao quá

Những giọt buồn hiu hắt chảy vào tim

Nhìn tượng đài nhớ cố quốc ruột đau như thắt từng cơn

Bao năm tháng vẫn mù Dương Thiên Lý

Đời chiến binh đường sinh tử không ngờ 

Giục dã quân hành đội pháo đi

Nghe dân khóc lo gia đình thất lạc

Tranh nhau sống chết vượt biển đông 

Mặt trời máu sa xuống tận miền Nam

Việt cộng truy sát quay lưng nỗi chết

Tủi nhục thay bị cán ngố còng tay

Mới hay,

Bạn đồng minh phản bội

Giết miền Nam và giết cả tự do, đành đổi chác dân Nam cho Tàu cộng

Nên thế sự

Chiến cuộc giằng co, cao nguyên bỏ ngỏ

Chưa đánh đã lui, rắn không đầu, chiến sĩ bàng hoàng ngơ ngác

Không người lãnh đạo, gà lạc mẹ, đồng bào hốt hoảng tản cư

Đau đớn thay,

Tỉnh lộ bảy, dầy xéo nhau mà chết.

Thảm não thay,

tầu bè chen chúc, đói khát phải thác oan

Anh hùng thay,

chiến sĩ lâm đường cùng, quyên sinh tập thể

Can đảm thay,

quyết một lòng diệt địch, vị quốc vong thân

Than ôi ! 

Nói chẳng hết lời

Nghe càng thêm khổ 

Bãi chiến trường kia còn vẳng tiếng quan quân rầm rộ

Đường oan hồn nọ tưởng như loài quỷ mị lao xao

Đất nước thay ngôi đổi chủ

Màu đỏ nhuộm khắp non sông

Vào vơ vét về, đỉnh cao trí tuệ, thêm tỏ uy danh

Xếp hàng cả ngày, xã hội chủ nghĩa, càng thêm rõ mặt

Cán ngố nghênh ngang

Miền Nam tủi hổ

Quân Cán Chính nhốt tận rừng sâu

Mẹ góa, con côi, khẩn hoang kinh tế mới 

Thịt da vùi hóc núi rừng sâu

Xương gân giập đầu bờ cuối bụi

Vội vàng nửa manh chiếu rách, bạn chung tù trông theo con mắt đỏ

Tiêu điều một nấm đất hoang, người vợ trẻ khóc chồng, mái tóc xanh

Thương thay!

Người chết vì tù đầy ác nghiệt

Người chết vì thiếu thốn thuốc men

Người vì lao động cơ hàn

Người vì chướng khí sơn lam chập chùng

Khi nhắm mắt không người thân thuộc. 

Mối oan tình sao cởi cho ra

Lang thang không cửa không nhà

Hồn siêu phách lạc biết là về đâu

Chiều hiu hắt, thấp thoáng hồn ma bóng quỷ, gió rừng xào xạc, như oán, như than

Tối âm u, chập chờn uổng tử oan hồn, con đóm lượn lờ, dường trêu, dường ghẹo

Não nùng thay!

Thảm trạng ấy, kể sao cho xiết

Tội ác kia, oán khí ngút trời

Hỡi hồn lẩn quất muôn nơi

Trai Đàn Bạt Độ là nơi tìm về

Thương thay!

Người chết vì đói cơm khát nước

Mặt trời soi, thân xác héo khô

Đớn đau, quằn quại từng giờ

Chiếc quan tài nổi, vật vờ bể khơi

Người chết vì biển trời thịnh

Đêm trăng mờ, sóng rì rầm bãi vắng, tiếng người than khóc

Khuya lạnh lẽo, gió ảo não phi lao. hồn quỷ kêu van

Não nùng thay!

Oan khí kia mờ mịt đất trời

Hỡi hồn trôi dạt biển khơi

Câu kinh tiếng kệ là nơi tìm về

Vượt núi cao, sống một, chết mười

Qua biên giới, đạn bay, giặc đuổi

Thịt xương đành tan nát rừng sâu

Quẩn quanh bụi cỏ, bờ lau

Ấy hồn đường xá, biết đâu bây giờ?

Bốn mươi chín năm uất hận

Hồn hỡi hồn, oan khuất nơi nao?

Còn vấn vương hờn vong quốc?

Ngậm nỗi buồn nơi chín suối khôn nguôi?

Rượu ân tình chỉ còn chum nước lã

Khói hương thơm vài nén

Tháng Tư Đen, Ngày Vong Quốc Hận

Xin cung thỉnh hồn về

Nước tịnh bình tẩy sạch mối oan khiên

Kinh siêu độ xua tan niềm u uẩn

Lễ bạc lòng thành

Hoa quả, chén trà

Hồn linh thiêng chứng

Hiển oai linh, phò trì dân tộc

Cứu nước nhà thoát cảnh lầm than.

Hồn có linh thiêng xin về thượng hưởng.

Cánh Dù Viễn Xứ

Như chúng tôi đã nói trên lần đầu tiên Lễ Tưởng Niệm 30-4 có nhiều vị đại diện đặt vòng hoa trước Tượng Đài Chiến Sĩ và nhiều vị phát biểu từ trước đến nay. Sau đây chúng tôi xin ghi lại một số phát biểu theo thứ tự:

……………………………………………………………………………………….

Bài phát biểu của Bs Đàng Thiện Hưng

Chủ tịch Ủy Ban Bảo Tồn Tượng Đài Việt-Mỹ Arlington

Kính thưa Quý Vị Quan Khách,

 Tôi xin được đại diện ban tổ chức gởi đến quý vị lời chào thương mến nhất trong những giờ phút ngậm ngùi của Tháng Tư Đen.  Mỗi năm đến ngày Quốc Hận 30 tháng Tư trong lòng chúng ta không ai không cảm thấy ngậm ngùi khi nhớ về dĩ vãng và những hình ảnh tang thương của những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến khi hàng trăm ngàn người từ những vùng hỏa tuyến bỏ quê nhà chạy giặc trên Quốc Lộ 1 dưới trận mưa pháo của cộng sản bắc việt bạo tàn, khi những người chiến sĩ QLVNCH vẫn lẽ loi anh dũng trong giờ phút cuối cùng chiến đấu chống quân thù trên quốc lộ Biên hòa, như muốn dùng thân xác mình ngăn chận những chiến xa T54 và làn sóng đỏ, khi những người dân vô tội bị thương nằm bên đường trong chiếc áo bà ba trắng nhuộm đỏ máo hồng, khi những người thương phế binh phải dắt dìu nhau bị đuổi ra khỏi những quân y viện.  Ngày Quốc Hận 30 tháng Tư đã đánh dấu một đổi đời trong tất cả chúng ta.  Ngày đó đã chứng kiến cảnh chia ly của người ở lại, kẻ ra đi, gia đình tan nát trong cảnh vợ xa chồng, con xa cha, mẹ mất con, anh em xa cách.  Ngày 30 tháng Tư đã bắt đầu những chuỗi ngày dài trong ngục tù cộng sản của hơn một triệu người Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa - đã một thời oanh liệt giữ gìn bờ cõi trên biển cả, trên trời cao, trên bốn vùng chiến thuật, bảo vệ tự do cho Miền Nam thân thương, nay phải chịu đọa đầy khổ đau trong rừng sâu, đất hiểm.  Hàng chục ngàn người đã vĩnh viễn ra đi, để lại những bộ xương khô dưới những nấm mộ hoang lạnh không người nhang khói trên những núi rừng Bắc Việt.  Và từ ngày đó người Miền Nam đã bắt đầu những tháng năm đau thương miệt mài dưới gông cùm cộng sản.  Bao triệu người đã phải vượt biên vượt biển, và hàng vạn người đã không đến được bến bờ tự do, đã vùi thây trên biển cả, trong rừng núi hoang vu, tiếng kêu khóc đau thương như còn vang vọng trong tiếng sóng rì rào của Thái Bình Dương, như còn vang vọng cùng tiếng côn trùng khắc khoải trong những đêm khuya nơi chốn rừng thiêng nước độc.

Tổ quốc ta còn đó.  Nhưng dân tộc ta đang bị cai trị bởi những người đã làm giàu vì bán quê hương cho bọn ngoại bang, phá hại môi trường, và cướp quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng của người dân, không cho đồng bào ta được quyền nói lên những sai trái và bất công trong xã hội, không được quyền bày tỏ tình yêu Tổ Quốc trước nguy cơ giặc ngoại xâm, không được quyền bày tỏ tình yêu Quê Hương khi quê hương mình đang bị tàn phá bởi những ô nhiễm môi trường.  Quê hương ta còn đó và giờ đây đã thay hình đổi dạng theo thời gian.  Nhưng bên cạnh những tòa cao ốc là những người nghèo không cửa không nhà đêm đêm co ro trong những chiếc chiếu rách mong manh.  Bên cạnh những chiếc xe Mercedes, Lexus là những xe bán hàng rong và vé số của những người tàn tật và của những người già, lang thang trên những nẻo đường vất vưỡng cố tìm miếng cơm manh áo để sống qua ngày.  Bên cạnh những gia đình giàu sang hạnh phúc ăn no mặc đẹp là những đứa trẻ mồ côi ngày sống lê la bên lề xã hội, đêm về cô đơn hiu quạnh cố tìm trong giấc ngủ mong manh hình ảnh của mẹ của cha đã phai mờ trong ký ức thơ ngây, cố tìm trong giấc mơ một mái ấm gia đình và một vòng tay bảo bọc của đấng sinh thành, nhưng khi tỉnh giấc thì chỉ có mình và những giọt nước mắt tiếc nuối đắng cay khóc cho thân phận lạc loài.

Hôm nay trong những giờ phút tang thương của Dân Tộc, xin cùng nhau nguyện cầu cho những Anh Hùng Tử Sĩ Quân Dân Cán Chính VNCH được yên giấc ngủ ngàn thu trong lòng Đất Mẹ. Cho những Cựu Chiến Sĩ được bình an trong quãng đời còn lại, cho bụi thời gian làm phai mờ những khổ đau của hơn hai mươi năm chinh chiến, của những tháng năm ngiệt ngã trong chốn lao tù.  Cho đời không quên những hy sinh xương máu của những Chiến Sĩ VNCH, không quên những khổ đau của những gia đình tử sĩ.  Xin cùng nhau nguyện cầu cho một ngày Quê Hương không đau khổ, cho hận thù lãng quên, cho tình người bừng dậy.  Cho người Việt Nam được sống trong tự do yên lành, trong hạnh phúc ấm no.  Cho nẻo đường Việt Nam không còn những bóng dáng trẻ thơ, những người ăn xin tàn tật, những cụ già lang thang vất vưởng như những cặn bã bên lề xã hội.  Và xin cùng nhau nguyện cầu cho dân tộc ta sớm được sống trong Tự do, Dân chủ, và Hạnh phúc.

Xin kính chào

Đàng Thiện Hưng, M.D.

……………………………………………………………………………………………………………………………. 

Bài Phát biểu của ông Trần Thái

Liên Hội Trưởng Liên Hội Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa

Thêm một năm nữa, tháng Tư Đen lại đến với chúng ta. Đây là một ngày đau buồn, tượng trưng cho sự tàn phá, đánh mất và hy sinh của một quốc gia độc lập và chủ quyền.

Ngày 30/4/1975 do sự áp đặt của thế lực quốc tế, phân chia địa bàn thống lãnh thế giới, nhờ đó CSBV với sự tiếp tế dồi dào của CS Quốc tế Nga-Tàu đã chiếm Miền Nam Việt Nam. Đã khiến cho hàng triệu người dân Miền Nam đã liều mình bỏ nước ra đi tỵ nạn nhiều quốc gia trên thế giới.

Và đến nay đã 49 năm trôi qua, có người đã quên, có người muốn quên nhưng đại đa số không bao giờ quên được. Từ khi CS vào chiệm miền Nam VN giá trị con người đã bị tước đoạt hết quyền tự do căn bản, đời sống con người không còn có nhân quyền, sống trong xã hội mà giá trị con người không còn được tôn trọng.

Bời vì từ đó, Việt Cộng đã phá tan tài sản Quốc gia của nổi cũng như của chìm, nhượng đất nhượng biển cho ngoại bang qua công hàm năm 1958 và các hợp thương, hiệp ước năm 1990, làm băng hoại toàn diện đất nước về vật chất lẫn tinh thần, những truyền thống văn hóa tốt đẹp và nền đạo đức luân lý cổ truyền của dân tộc bị đảo lộn, phá hủy. Thay vào đó cái gọi là : Nền đạo đức cộng sản chủ nghĩa để cai trị.

Hằng năm vào Tháng Tư Đen, những người Việt nam như chúng ta ở khắp nơi trên thế giới đều không khỏi ngậm ngùi thương tiếc những người thương yêu của chúng ta đã cầm súng chiến đấu, hy sinh thân xác chống lại đạo quân xâm lăng để bảo vệ nền Tự Do – Dân Chủ cho miền Nam VN. Những người bạn Đồng minh cũng hy sinh cho chúng ta vì hai chữ Tự Do. Thật là một ngày đen tối nhất trong lịch sử VN gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng chúng ta không bao giờ quên được và mãi mãi không bao giờ quên.

Mỗi năm chúng ta làm lễ Tưởng niệm 30 tháng 4 là để nhắc nhở cho chúng ta và con cháu chúng ta rằng: “Đây là cơ hội để Người Việt Nam chúng ta gặp nhau tưởng nhớ những người đã nằm xuống cho Tổ Quốc, và cũng là dịp để hậu duệ chúng ta hiểu thêm về những nguyên nhân vì sao phải bỏ nước ra đi để trưởng thành trong nhận thức  làm hành trình tiếp bước theo cha ông. Tuy rằng chúng ta đau buồn, nhưng phải nhớ đến ngày này, như một vết thương của đất nước không bao giờ lành cho đến khi nào dân tộc được tự do, thoát khỏi chế độ Cộng sản, khi đó mới là ngày hạnh phúc thật sự. Và khi đó, người dân trong nước không bao giờ nghĩ đến việc phải bỏ nước ra đi. Chế độ nào rồi cũng phải đi qua, chỉ có sức mạnh dân tộc mới trường tồn trong lòng người dân Việt.

Trân trọng kính chào
………………………………………………………………………………………

Bài phát biểu của bà Trần Thủy Tiên

Hội trưởng Người Việt Cao Niên Dallas và Thừa Thiên Huế

Chúng tôi xin được mạn phép giới thiệu: Tôi, Trần Thủy Tiên rất hân hạnh đại diện cho Hội Người Việt Cao Niên Dallas và Hội Thừa Thiên Huế Dallas-Fort Worth được ban tổ chức Ủy Ban Bảo Toàn Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ  Arlington cho tôi cơ hội phát biểu đôi lời cảm niệm về ngày Quốc hận 30-4 trước sự hiện diện của quý vị trong buổi lễ truyền thống  trang nghiêm, long trọng và ngay trước Tượng Đài CSVM/Arlington.

Kính thưa quý vị,

Thấm thoát từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay cũng đếm được 49 năm, 49 năm đau thương mất nước, mất luôn chính thể VNCH. Những người Việt tỵ nạn CS đã lưu lạc khắp nơi trên thế giới. Tính đến gia đoạn lưu vong này đã có được 4 thế hệ. Hầu hết người Việt chúng ta với tinh thần cầu tiến, kiên cường, chịu đựng, nhẫn nại nên sớm hội nhập và thích nghi cuộc sống với quốc gia mình địn cư nên mọi thế hệ đều thành công, thành đạt trong nhiều lãnh vực. Bên cạnh những ưu điểm này lại có những điều tủi hổ; chúng tôi xin thành thật trình bày vì đã nhìn thấy, đã chứng kiến những điều đau lòng mà nói lên những sự việc của một số đông người Việt chúng ta với chiều bài di tản, vượt biên đ tìm tự do… Nhưng khi đã đến được bến bờ tự do, ngày qua ngày theo dòng thời gian những biến cố đau thương đã xảy ra ngay trên đất nước Việt Nam trước và sau ngày 30-4-1975 với những thảm cảnh không thể nào phôi pha trong tâm trí, thế mà họ dễ quên hết những ngày đen tối nhất trong lịch sử  VN chúng ta: Trước hàng vạn quân, dân, cán chính  đã hy sinh bảo vệ đất nước trên 4 vùng chiến thuật trên 20 năm, những vị tướng lãnh oai hùng đã tuẩn tiết vì không muốn rơi vào tay giặc Việt Cộng, tay sai bán nước cho Nga – Tàu. Những quân, dân, cán chính không may mắn di tản được bị lùa vào các trại gọi là “học tập cải tạo”, một trại tù trá hình của CS trong rừng thiêng nước độc. Đời sống của họ bị đày ải trong mỏi mòn, bệnh tật và chết dần mòn sau những năm nghiệt ngã trong tù mà trong những người đó có cha chúng tôi, một nạn nhân không còn cơ hội gặp lại gia đình. Bên cạnh đó, thân nhân họ chịu cảnh mất nhà, mất của, mất cả công việc, gia đình phải ly tán từ thành thị đến vùng kinh tế mới với màn trời chiếu đất, phá rừng làm rẫy lây lất khắp nơi để mưu sinh với đàn con thơ dại. Khi được thả về từ tù ngục với thân xác gầy gò thiếu dinh dưỡng và cuộc đời từ trại tù nhỏ ra ngoài trại tù lớn hơn. Ngày nào cũng phải khai báo công an khu vực; lúc nào cũng bị rình rập theo dõi…

Hồi tưởng lại những cảnh kinh hoàng này sau cuộc chiến như vậy mà họ có thể đành tâm thờ ơ mà quên chính bản thân hay gia đình họ phải đánh đổi mạng sống của mình từ rừng sâu, biển cả hay các trại tù để tìm con đường tự do cho cuộc sống tương lai. Và biết bao nhiêu người đã bỏ mình vì mục đích này!

Qua những thảm cảnh nêu trên, chúng tôi mạo muội nhắc lại đề tha thiết mong rằng tất cả người Việt chúng ta đã may mắn vượt thoát được sự cai trị độc tài, độc đảng, tham nhũng bán nước của chế độ CSVN xin hãy cố gắng quên đi những dị biệt cá nhân; cũng mong những Cộng Đồng đại diện đồng hương, những hội đoàn cựu quân nhân, những đoàn thể Quốc Gia, Ái hữu bất kỳ ở đâu trên thế giới mà người Người tỵ nạn định cư cần phải duy trì hằng năm tổ chức và tham dự Tháng Tư Đen để mọi người đừng lãng quên biến cố kinh hoàng và đau thương của ngày Quốc Hận – Mong sao tạo điều kiện cho các con cháu , các thế hệ về sau hiểu rõ ý nghĩa ngày Tưởng niệm 30 tháng 4 và vì sao 4 thế hệ người Việt có mặt và thành đạt như ngày hôm nay.

Chúng tôi thiết nghĩ đó là bổn phận của những người đi trước cần thể hiện việc làm này cho thế hệ tiếp nối noi theo mà các bậc tiền bối nặng lòng với chính thể VNCH đã gầy dựng trong thời gian qua nơi đất khách quê người.

Lời nói cuối cùng trước Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ hiển linh, chúng tôi với tuổi già sức yếu chỉ còn biết thành tâm khẩn nguyện anh linh của những chiến sĩ hữu danh, vô danh đã vị quốc vong thân xin phù hộ cho tất cả quý vị  cho đồng báo Việt Nam hải ngoại được an bình, đoàn kết, nhân ái, phù hộ cho 90 triệu đồng bào quốc nội được tự do, no ấm và sớm giải thể chế độ  độc tài do CSVN tài thống trị!     

Trân trọng kính chào.

……………………………………………………………………………………….

Lời phát biểu của cựu Đại tá Phạm Long, Nghị viên khu vực 6 thành phố Arlington

“Chúng tôi đại diện cho thành phố Arlington Thị trưởng Jim Ross và 8 Nghị viên của thành phố này.

Kính thưa quý Hội đoàn, đoàn thể cùng đồng hương thân mến

Biến cố 30 tháng 4 là cái tang chung của đồng bào Miền Nam Việt Nam. Mỗi khi nghĩ đến 30 tháng 4 tôi cảm thấy trong lòng đau đớn khi nhớ lại một thời an bình ngày nào được sống dưới một nền Dân Chủ của chế độ Việt Nam Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam. Tôi không bao giờ quên ơn Quân, Cán Chính Miền Nam Việt Nam đã hy sinh xương máu để bảo vệ để xây dựng và bảo vệ Việt Nam Cộng Hoà trong suốt 20 năm. Biến cố 30 tháng 4 làm cho tôi đau xót nhận ra rằng: Để giữ được quyền tự quyết và một quốc gia đó có đủ mạnh không dựa vào bất cứ một thế lực nào khác. Muốn đứng vững chúng ta phải tự lực cánh sinh, chính sinh lực của chúng ta không ai lo lắng cho chúng ta bằng bàn tay khối óc của chúng ta. Tương lai của một dân tộc đều năm trong tay những người trẻ tuổi. Vì vậy, tôi tha thiết kêu gọi thế hệ trẻ Việt Nam ở hải ngoại phát huy tinh thần dân tộc phải dấn thân vào dòng chính; hãy ra tranh cử các chức vụ dân cử trong chính phủ Hoa Kỳ. Có như vậy chúng ta mới có đủ sức mạnh để vận động chính phủ Hoa Kỳ thực hiện các nguyện vọng của chúng ta ngỏ hầu tranh đấu bảo vệ để đem lại quyền lợi thiết thực cho dân tộc Việt Nam chúng ta.

Trước khi dứt lời tôi xin chúc đồng hương thật nhiều sức khỏe và thành công về mọi mặt.

Trân trọng kính chào

……………………………………………………………………………………….

Lời phát biểu của TS Hà Mạnh Chí Hội trưởng Hội Hải Quân Trùng Dương

“Kể từ ngày tan thương 30 tháng 4 năm 1975 và cũng đã 50 năm kể từ ngày Trung Cộng sử dụng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hoà ở ngoài Biển Đông mà người Trung Cộng gọi là Biển Nam Hải. Trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974. &4 chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa dưới quyền chỉ huy của thân phụ tôi là Hải quân Đai tá Hà Văn Ngạc đã anh dũng chiến đấu hy sinh để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Việt Nam Cộng hòa. Nhớ lại thời điểm vi phạm đó chính quyền CSVN ở ngoài Bắc đã im hơi lặng tiếng chỉ vì tên Việt gian Phạm Văn Đồng với tư cách là Thủ tướng đã gửi một công hàm ngoại giao cho Trung Cộng nhượng bộ quần đảo Hoàng Sa cho Trung Cộng. Mỉa mai thay người Cộng sản Việt Nam để giành lại quần đảo Hoàng sa họ đã buộc phải chính thức thừa nhận sự hiện hữu hợp pháp của chính phủ Việt Nam Cộng hòa mà họ gọi trước năm 1975 là Miền Nam Việt Nam về pháp lý trên diễn đàn quốc tế. Khi thừa nhận tính chất hợp pháp chế độ Việt Nam Cộng hòa, nhà cầm quyền CSVN phải nhận thức rằng muốn một nước Việt Nam giàu mạnh, người dân Việt Nam cần phải sống trong tự do – dân chủ và nhân quyền.”

Xin cảm ơn quý vị.                  

Previous
Previous

Một linh mục Guadalup bị bắt vì lạm dụng tình dục

Next
Next

Tưởng niệm 49 Năm Quốc Hận tại Chùa Đạo Quang