Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã từ trần

(TH.- )Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã qua đời ở tuổi 100 tại nhà riêng vào ngày 29/12.

Cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter (Ảnh: Reuters).

Trong một tuyên bố chính thức vào ngày 29/12, Trung tâm Carter thông báo cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã ra đi thanh thản tại nhà riêng ở Plains, bang Georgia, "bên cạnh gia đình" gồm các con cùng 11 cháu và 14 chắt.

"Cha tôi là một người hùng, không chỉ đối với tôi mà còn đối với tất cả những ai tin vào hòa bình, nhân quyền và tình yêu thương vị tha", con trai cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, James E. Carter III, chia sẻ.

Theo Trung tâm Carter, các buổi lễ tưởng niệm tôn vinh di sản của cựu Tổng thống Carter sẽ được tổ chức tại Atlanta và Washington, DC, sau đó là lễ an táng riêng tư tại Plains.

Trung tâm cho biết các công tác chuẩn bị cuối cùng cho tang lễ cấp quốc gia của ông Carter đang chuẩn bị.

Năm 2023, Trung tâm Carter tiết lộ vị tổng thống thứ 39 của Mỹ chiến đấu với căn bệnh ung thư da hắc tố ác tính. Ông đã dành những năm cuối đời tại nhà để được chăm sóc tại nhà. Ông Carter đã chống chọi với bệnh ung thư não, ung thư gan và một ca phẫu thuật vào năm 2019.

Ông Carter từng vượt qua căn bệnh ung thư não vào năm 2015, nhưng vẫn đối mặt với vấn đề về sức khỏe vào năm 2019, do vậy ông phải trải qua cuộc phẫu thuật để loại bỏ áp lực lên não.

Ông Carter ít xuất hiện trước công chúng trong những năm gần đây, nhưng vẫn bình luận về các vấn đề quốc tế.

Sinh ngày 1/10/1924 tại Plains, ông Carter tốt nghiệp học viện hải quân và làm kỹ sư trên tàu ngầm. Ông từng là trung úy Hải quân Mỹ trước khi tham gia chính trường và là thành viên của đảng Dân chủ. Ông giữ chức thống đốc bang Georgia, sau đó là tổng thống Mỹ từ năm 1977 đến năm 1981.

Vai trò của cựu Tổng thống Mỹ trong việc làm trung gian cho Hiệp định Trại David vào năm 1978 giữa Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và Thủ tướng Israel Menachem Begin được xem là trọng tâm trong di sản của ông Carter.

Ông cũng mở đường cho việc bàn giao Kênh đào Panama cho chính quyền Panama vào năm 1999.

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, ông Carter đã thành lập Trung tâm Carter cùng với vợ của mình, bà Rosalynn, với hy vọng thúc đẩy hòa bình và y tế thế giới. Ông đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 2002 vì những nỗ lực thúc đẩy hòa bình toàn cầu.

"Những thành tựu của ông ấy đáng kinh ngạc. Và tôi cho rằng đó là những thành tựu chưa từng có trong thế kỷ này", người viết tiểu sử của ông Carter, Kai Bird, cho biết, sau khi liệt kê một số thành tựu lớn nhất của cựu tổng thống.

Tổng Thống Carter và Việt Nam

Năm 1979, Tổng Thống Jimmy Carter đứng trước một quyết định khó khăn trước vấn đề thuyền nhân Việt Nam đang ồ ạt đổ ra biển khơi hay tạm dung trong các trại tị nạn Đông Nam Á với hy vọng được Hoa Kỳ cùng các nước phương Tây chấp nhận cho định cư. Thăm dò trên CBS và The New York Times cho thấy gần hai phần ba công chúng Mỹ, khoảng 62% người dân cùng một số nhà lập pháp Hoa Kỳ không muốn nhận người tị nạn Việt Nam vào Mỹ.

Bất kể điều này, Tổng Thống Carter đã đi một bước xa hơn những gì người khác dự liệu khi tăng số người tị nạn Đông Dương từ 7,000 người được nhận vào Mỹ mỗi tháng lên gấp đôi là 14,000 người, rồi tiếp tục gia tăng về sau.

Tại sao ông đưa ra quyết định này?

Tổng thống Carter tuyên thệ nhậm chức Thống Đốc Georgia năm 1971.

Trong bài báo "Tổng Thống vận động cho thuyền nhân Châu Á" (President Makes Appeal for Asian Boat People) của ký giả Bill Peterson đăng trên tờ Washington Post vào ngày 23 tháng 8 năm 1979, Peterson tường thuật rằng, đứng trên một bờ dốc thoai thoải phía trên sông Mississippi, từng là con đường chính cho những người nhập cư di chuyển về phía Bắc và phía Tây, Tổng thống Carter đã đưa ra một lời kêu gọi đầy cảm xúc cho thuyền nhân Đông Nam Á.

Ông phát biểu trước hơn 2,000 cư dân tại đây rằng, "Cho tôi nhắc với quý vị rằng Hoa Kỳ là một quốc gia của những người di dân. Chúng ta là một quốc gia của những người tị nạn. Những người tị nạn Đông Nam Á từng là đồng minh của chúng ta trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Họ đang chạy trốn khỏi một đất nước đã tước đi các quyền căn bản của họ. Họ tin vào giá trị, khả năng của mỗi người cùng sự tự do cá nhân. Về mặt tâm thức, họ gần với chúng ta hơn là một chế độ cộng sản". Ông đã trả lời như trên sau khi một sinh viên đặt câu hỏi rằng, liệu người tị nạn có lấy mất đi công việc của người dân Mỹ.

Ông tiếp rằng, "Tôi tin rằng, cứ 1,000 người Mỹ có thể giúp cho một người tị nạn đang tìm kiếm tự do chỉ trong một vài tuần, đặc biệt là khi những người này đã chứng tỏ rằng họ mong muốn học ngôn ngữ của chúng ta. Họ quyết tâm đứng bằng đôi chân mình. Vì vậy, tôi hy vọng rằng tất cả người dân Mỹ sẽ nhận ra rằng, gia đình của quý vị đã đến quốc gia này từ nhiều năm trước để tìm kiếm chính xác những điều mà những người tị nạn Việt Nam đang tìm kiếm hiện nay.”

Với suy nghĩ gởi đến người dân Mỹ như trên, Tổng Thống Carter đã ra lệnh cho các tàu Mỹ đón những thuyền nhân tị nạn chạy trốn khỏi Đông Dương và cho phép những người tị nạn tái định cư tại Hoa Kỳ nếu họ mong muốn, theo như Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông báo vào thời gian này. Ông vận động các nhà lập pháp để gia tăng số người tị nạn Đông Dương, đa phần là người tị nạn Việt Nam được định cư tại Mỹ. Đạo luật Refugee Act of 1980 do Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy đề ra đã cho phép gia tăng số người tị nạn Đông Dương được nhận và giúp đỡ họ tái thiết cuộc sống mới tại Mỹ theo sau chính sách của Tổng Thống Carter.

Trưng bày về đạo luật tưởng niệm các cựu chiến binh Mỹ của Tổng Thống Carter, bên cạnh là một trích dẫn lời của nhà văn Nguyễn Thanh Việt.

Không dừng tại đây, Tổng Thống Carter đã gởi Phó Tổng Thống Walter Mondale sang Geneva, Thụy Sĩ để họp bàn cùng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cùng các quốc gia phương Tây trong việc giúp đỡ người tị nạn Việt Nam. Chính từ các hội nghị này, Cao Ủy Tị Nạn đã thay mặt Hoa Kỳ thương lượng với Hà Nội để bắt đầu chương trình tái định cư ODP cùng các chương trình HO, con lai về sau này. Tháng 1 năm 1980, văn phòng ODP được thiết lập tại Bangkok, Thái Lan để bắt đầu tiếp nhận hồ sơ ODP. Các nhân viên văn phòng cùng nhân viên lãnh sự quán, Sở Di Trú Hoa Kỳ đã bay sang Sài Gòn mỗi tháng để phỏng vấn những người nộp hồ sơ, cho đến khi văn phòng ODP chính thức được mở ra tại Sài Gòn về sau này.

Như lời Tổng Thống Carter phát biểu, chính sách di dân và người tị nạn với người tị nạn Việt Nam đến từ việc ông xem người Việt là đồng minh của Hoa Kỳ. Và cũng như một phần không ít các chính khách hay tổng thống Mỹ khác, ông cũng thuộc hậu duệ của một giòng họ di dân đến từ Anh hàng đôi trăm năm trước nên thông cảm với tình trạng người tị nạn. "Bởi vì chúng ta tự do, chúng ta không bao giờ có thể thờ ơ với số phận tự do nơi khác" là một mục tiêu và cam kết của ông không chỉ với người tị nạn Việt Nam và với cả thế giới.

Cuối đời ông cũng đã giúp cho Phó TT Kamala Harris một lá phiếu ân huệ của ông vào ngày 5-11-2024 nhưng tiếc bà không thành công.

Xin Chúa Toàn năng đón nhận Linh hồn cựu Tổng thống về Thiên Đàng.

NVDL

Previous
Previous

Các trường đại học Mỹ kêu gọi sinh viên quốc tế trở lại trường trước lễ nhậm chức của ông Trump

Next
Next

Tin Nội Các Trump