Hậu trường căng thẳng đằng sau thỏa thuận ngừng bắn, thả con tin giữa Israel – Hamas
Ngay sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm 7-10, Qatar đã liên lạc Nhà Trắng, kêu gọi thành lập nhóm cố vấn giúp giải thoát con tin.
Theo Hãng tin Reuters, công việc được Qatar khởi xướng bắt đầu vài ngày sau khi các con tin bị bắt từ phía nam Israel về Dải Gaza, và cuối cùng đã có kết quả với thỏa thuận trao đổi tù nhân và con tin đạt được tối 21-11 theo giờ địa phương (sáng 22-11 giờ Việt Nam).
Thỏa thuận ngừng bắn trên do Qatar và Ai Cập làm trung gian và được Israel, phong trào Hồi giáo Hamas và Mỹ đồng ý.
Qatar khởi xướng nhóm đàm phán ngừng bắn
Thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza trong 4 ngày là thành quả từ những cuộc đàm phán bí mật, trong đó có nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Biden được cho đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán khẩn cấp với Tiểu vương Qatar và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong những tuần trước khi đạt được thỏa thuận.
Nỗ lực này còn là hàng giờ thương thuyết của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Bill Burns, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và cấp phó Jon Finer, đặc phái viên Trung Đông của Mỹ Brett McGurk, cùng những người khác.
Hai quan chức tham gia vào câu chuyện này đã cung cấp nhiều thông tin chi tiết cho Reuters về các đàm phán đằng sau thỏa thuận ngày 21-11.
Theo thỏa thuận trên, Hamas sẽ trả tự do cho 50 con tin để đổi lấy 150 tù nhân Palestine trong thời gian 4 ngày tạm dừng giao tranh.
Các quan chức cho biết ngay sau ngày 7-10, Qatar đã tiếp cận Nhà Trắng với thông tin nhạy cảm liên quan đến các con tin và khả năng thả họ.
Qatar cũng yêu cầu thành lập nhóm nhỏ để giải quyết vấn đề này một cách riêng tư với người Israel.
Trong khi đó về phía Mỹ, ông Sullivan chỉ đạo ông McGurk và một quan chức khác của Hội đồng An ninh quốc gia, ông Josh Geltzer, thành lập nhóm làm việc. Việc này được thực hiện mà không thông báo cho các cơ quan liên quan khác của Mỹ vì Qatar và Israel yêu cầu cực kỳ bí mật, chỉ có một số ít người được biết.
Đặc phái viên McGurk gọi điện cho Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani mỗi sáng, sau đó báo cáo lại cho Tổng thống Biden.
Vào ngày 18-10, tổng thống Mỹ tới Tel Aviv hội đàm với ông Netanyahu. Điều này góp phần dẫn tới việc giải phóng hai con tin người Mỹ là Natalie và Judith Raanan hôm 23-10.
Mỹ hối thúc Israel
Để giải cứu nhiều con tin hơn, giám đốc CIA bắt đầu nói chuyện thường xuyên với ông David Barnea, giám đốc Cơ quan tình báo Israel (Mossad).
Vào ngày 24-10, khi Israel sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công trên bộ ở Dải Gaza, phía Mỹ nhận được tin rằng Hamas đã đồng ý với các điều khoản của thỏa thuận thả phụ nữ và trẻ em, đổi lại việc tạm hoãn giao tranh.
Các quan chức Mỹ đã tranh luận với người Israel về việc liệu cuộc tấn công trên bộ có nên trì hoãn hay không.
Phía Israel lập luận rằng các điều khoản không đủ vững chắc, nên không trì hoãn, vì không có bằng chứng nào về tình trạng của các con tin.
Trong khi đó, Hamas tuyên bố họ không thể xác định ai đang bị giam giữ nếu giao tranh không tạm dừng. Hamas yêu cầu cung cấp danh sách các con tin mà họ đang giữ, thông tin nhận dạng của họ và đảm bảo thả người.
Các quan chức cho biết quá trình này kéo dài và phức tạp, bởi liên lạc gặp khó khăn. Thông tin phải được chuyển từ Doha hoặc Cairo đến Dải Gaza và quay trở lại.
Người Israel yêu cầu Hamas đảm bảo tất cả phụ nữ và trẻ em sẽ ra ngoài trong giai đoạn này. Phía Mỹ đồng ý và yêu cầu Qatar cung cấp bằng chứng về tình trạng sống sót hoặc thông tin nhận dạng đối với phụ nữ và trẻ em do Hamas nắm giữ.
Ba ngày sau (27-10), ông Biden gọi điện cho Tiểu vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani, yêu cầu biết tên hoặc thông tin nhận dạng rõ ràng của 50 con tin, bao gồm độ tuổi, giới tính và quốc tịch. Quan chức này cho biết nếu không có thông tin, sẽ không có cơ sở để tiến hành.
Ngay sau cuộc gọi của ông Biden, Hamas đã cung cấp thông tin chi tiết về 50 con tin mà họ cho biết sẽ được thả trong giai đoạn đầu của thỏa thuận.
Trong cuộc gọi ngày 14-11, Tổng thống Mỹ thúc giục thủ tướng Israel thực hiện thỏa thuận và ông Netanyahu đồng ý.
Ông McGurk đã gặp Thủ tướng Netanyahu cùng ngày hôm đó ở Israel. Một quan chức cho biết bước ra khỏi cuộc họp, ông Netanyahu nắm lấy cánh tay của ông McGurk và nói "chúng tôi cần thỏa thuận này". Ông cũng thúc giục ông Biden gọi điện cho tiểu vương Qatar về các điều khoản cuối cùng.
Các quan chức cho biết Tổng thống Biden đã gọi điện cho tiểu vương Qatar và nói với ông rằng đây là cơ hội cuối cùng. Tiểu vương Qatar cam kết sẽ gây áp lực để đạt thỏa thuận.
"Tổng thống Mỹ khẳng định thỏa thuận phải đạt được ngay bây giờ. Thời gian đã hết" - nguồn tin của Reuters kể.