Lạm phát dai dẳng, khủng hoảng tín dụng đe dọa sự lạc quan về kinh tế của TT Biden
Tác giả Emel Akan
Trong chuyến công du kéo dài ba tuần của mình, tổng thống và các thành viên nội các của ông sẽ đến thăm hơn 20 tiểu bang để nêu bật những thắng lợi về mặt lập pháp của chính phủ, bao gồm Đạo luật Giảm Lạm phát, Luật Cơ sở hạ tầng Lưỡng đảng và Đạo luật Khoa học và CHIP, cùng nhau đưa ra 2 ngàn tỷ USD trong chi tiêu mới của chính phủ trong 10 năm tới.
Theo ông Biden, chi tiêu liên bang nhiều hơn khuyến khích đầu tư tư nhân nhiều hơn, giúp mở rộng nền kinh tế “từ dưới lên và từ giữa ra.”
Những người ủng hộ kinh tế học “từ giữa ra” tin rằng sự thịnh vượng của quốc gia không thẩm thấu xuống từ các cá nhân hoặc công ty giàu có. Thay vào đó, một giai tầng trung lưu thịnh vượng là động lực chính của tăng trưởng bền vững và thịnh vượng.
Cụm từ “xây dựng nền kinh tế từ dưới lên và từ giữa ra” đã trở thành một câu thần chú trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden.
Nhưng theo ông Nick Hanauer, một doanh nhân kiêm nhà đầu tư mạo hiểm, người đã đặt ra cụm từ “kinh tế học từ giữa ra,” cụm từ này không chỉ là một khẩu hiệu.
Trong một bài báo mới đây trên tờ The American Prospect, ông Hanauer lập luận rằng việc ông Biden áp dụng thuật ngữ này phản ánh một sự thay đổi mô hình trong hoạch định chính sách, nhưng chỉ một số người Mỹ hiểu được tầm quan trọng của mô hình này.
Ông viết: “Rất ít người Mỹ đánh giá cao tầm quan trọng của sự đảo ngược này trong cách tiếp cận chính sách kinh tế, cũng như một sự khác biệt tích cực mà những thay đổi này sẽ tạo ra trong cuộc sống của họ ra sao.”
Việc phát đi thông điệp kinh tế của ông Biden dường như không gây được tiếng vang với người dân Mỹ, vì tỷ lệ ủng hộ ông tiếp tục giảm.
Trong một cuộc thăm dò mới đây của The Associated Press – Trung tâm nghiên cứu các vấn đề công cộng của NORC, xếp hạng tín nhiệm của tổng thống đã giảm xuống 38% từ 45% trong tháng Hai.
Việc ông Biden giải quyết nền kinh tế quốc gia là một mối lo ngại của nhiều người Mỹ kể từ cuối năm 2021 vì lạm phát cao liên tục và lo sợ về suy thoái kinh tế đang diễn ra.
Ông thường xuyên cảnh báo rằng các chính sách của Đảng Cộng Hòa sẽ hủy hoại những tiến bộ mà chính phủ của ông đã đạt được. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò cho thấy cử tri tin tưởng Đảng Cộng Hòa hơn Đảng Dân Chủ về kinh tế.
Suy thoái kinh tế bị trì hoãn?
Bất chấp những dự đoán thảm khốc và những nỗi lo sợ về suy thoái kinh tế, cho đến nay chính phủ ông Biden vẫn cố gắng trì hoãn một sự sụp đổ kinh tế.
Theo ông Daniel Lacalle, nhà kinh tế trưởng tại quỹ phòng hộ Tressis và là một cộng tác viên của The Epoch Times, lý do khiến nền kinh tế Hoa Kỳ chưa trải qua một cuộc suy thoái toàn diện là do chi tiêu của chính phủ rất lớn, giúp duy trì việc làm và hoạt động kinh tế mạnh mẽ.
“Thâm hụt và nợ nần chồng chất đã trì hoãn cuộc suy thoái kinh tế này nhưng lại làm cho gánh nặng lạm phát thêm trầm trọng,” ông nói. “Suy thoái là không thể tránh khỏi.”
Cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers đã thúc giục Cục Dự trữ Liên bang tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
“Tôi chắc chắn nghĩ rằng Fed cần tập trung vào thách thức lạm phát,” ông Summers nói với CNN hôm 13/03. “Và tôi nghĩ đó là điều mà lịch sử dạy chúng ta: rằng nếu chúng ta không kiểm soát được lạm phát, cuối cùng chúng ta sẽ có những cuộc suy thoái lớn hơn nhiều và khó khăn hơn nhiều.”
Bình luận của ông Summers được đưa ra sau cuộc khủng hoảng ngân hàng vừa qua, khi nhiều người kêu gọi Fed tạm dừng tăng lãi suất.
Ngày càng nhiều nhà kinh tế tin rằng nếu lạm phát không quay trở lại vùng an toàn của Fed, thì sẽ cần phải thắt chặt tiền tệ hơn nữa, dẫn đến một cuộc hạ cánh cứng trong nền kinh tế.
Theo nhà kinh tế học Arthur Laffer, một cựu cố vấn của Tổng thống Ronald Reagan, những người theo chủ nghĩa Keynes và những người theo chủ nghĩa tiền tệ muốn hạn chế lạm phát bằng cách cắt giảm nhu cầu, đây không phải là biện pháp đúng đắn.
“Những gì chúng tôi muốn thấy được thực hiện đối với lạm phát là những gì chúng ta đã làm vào đầu những năm 1980. Chúng tôi cắt giảm thuế suất, chúng tôi mở rộng sản lượng một cách đáng kể, và chúng tôi hạn chế lượng tiền,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn mới đây với The Epoch Times. “Lạm phát giảm xuống, và nền kinh tế bùng nổ ngoài sức tưởng tượng. Đó là biện pháp trọng cung để kiểm soát lạm phát.”
“Cách mà ông Larry Summers muốn làm là cắt giảm nhu cầu. Và vâng, ông nói đúng, chúng ta sẽ có lạm phát thấp hơn. Nhưng chúng ta sẽ có lạm phát thấp hơn với sản lượng, việc làm, sản xuất thấp hơn nhiều, và nhiều tuyệt vọng và khó khăn hơn. Vì vậy, quý vị chọn mô hình nào mà quý vị ưa chuộng hơn.”