Mỹ thờ ơ với hồ sơ Israel/Palestine?

Chưa có lúc nào lệnh ngừng bắn lại mong manh như lần này. Cuộc xung đột vừa qua không giống như những cuộc chiến năm 2008 hay năm 2014. Hỏa tiễn của phe Hamas có thể bắn tới các khu dân cư ở Tel-Aviv, nằm sâu trong lãnh thổ Israel. Phương trình Palestine cũng đã thay đổi. Chính phủ Israel giờ phải đối phó với những cuộc bạo động và xung đột sắc tộc chưa từng có tại những thành phố có người Do Thái và Ả Rập sống chung với nhau. 

Trong bối cảnh này, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã có chuyến công du đầu tiên tại Cận Đông. Một mặt, Hoa Kỳ tái khẳng định sự hậu thuẫn không gì lay chuyển của Washington đối với Israel. Mặt khác, ông hối thúc Israel thông lối vào trên dải Gaza, bị phong tỏa từ 14 năm qua, cho cứu trợ khẩn cấp.

Ngoại trưởng Mỹ thông báo cho tái lập cầu nối với Ramallah – thủ đô của chính phủ Palestine (AP) ; mở lại tòa lãnh sự Mỹ ở Đông Jerusalem ; và hỗ trợ tài chính cho Cơ quan cứu trợ và việc làm của Liên Hiệp Quốc cho người tỵ nạn Palestine tại Cận Đông (UNRWA).

Israel/Palestine : Joe Biden sang trang Donald Trump ?

Giới quan sát lưu ý, chuyến công du Cận Đông lần này của ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tuy nói rằng là để sang trang chính sách chống Palestine của cựu tổng thống Donald Trump, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là chính quyền Joe Biden hiện nay sẽ phá vỡ hoàn toàn những gì chính phủ tiền nhiệm đã thực hiện.

Chính quyền Donald Trump đã đoạn tuyệt hoàn toàn với tiến trình Oslo khi đưa ra một kế hoạch hòa bình cho Cận Đông hồi tháng Giêng 2020. Theo đó, Washington thừa nhận quyền chủ quyền của Israel tại 30% vùng lãnh thổ Cisjordani (thung lũng Jourdain, tất cả các vùng dân cư chiếm đóng) ; Jerusalem là thủ đô duy nhất của Israel – vốn dĩ phải chịu trách nhiệm về mọi điểm Thánh địa. Và cuối cùng, Israel phải bảo đảm an ninh tuyệt đối cho vùng Tây Jourdain.

Về phần Palestine, họ có thể thành lập một Nhà nước « phi quân sự » trên một vùng lãnh thổ bị đứt đoạn mà thủ đô bao gồm những vùng thị trấn ngoài thành Jerusalem nhưng với điều kiện phải đáp ứng một số đòi hỏi như quản lý có hiệu quả, ngừng chính sách tuyên truyền thù nghịch… Và họ sẽ được hưởng một « kế hoạch Marshall » để kích thích phát triển kinh tế.

Theo phân tích của Robert Malley, chuyên gia cố vấn ở Tòa Bạch Ốc, được nhà nghiên cứu Pierre Razoux2 trích dẫn (Diplomatie tháng 4-5/2021), tại vùng Trung Đông, mối bận tâm duy nhất của Mỹ chính là hồ sơ hạt nhân Iran. Chính quyền Biden cũng sẽ không xem xét lại những thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các nước Ả Rập gần đây (Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Barhein và Maroc) mà Washington cho rằng có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực.

Ngoài những yếu tố trên, tờ Le Monde (22/05/2021) trong một bài phân tích còn nhận định rằng sự bối rối và thái độ cứng rắn chậm trễ đối với đồng minh Israel còn cho thấy có « một chiến lược tránh né của tổng thống Joe Biden tại Trung Đông ». Một khu vực mà Mỹ đã hao tốn biết bao tiền của nhưng thu hoạch chẳng được bao nhiêu trong nhiều thập niên qua.

« Trung Đông không còn là một ưu tiên nữa » theo như nhận xét của nhà chính trị học Charles Thépaut, thuộc Institut for Near East Policy, tại Washington (Le Monde ngày 22/05/2021). Bởi vì, nỗi ám ảnh duy nhất hiện nay của Mỹ là cuộc đối đầu lớn với Trung Cộng, mở ra trên nhiều mặt trận từ quân sự, kinh tế, thương mại cho đến cả công nghệ cao.

Washington mong muốn sang trang Trung Đông mà « mô hình chuyên chế mỗi lúc một lan rộng, có những chính sách đi ngược với những lợi ích và các giá trị của Hoa Kỳ », để tập trung củng cố khối các nước đồng minh dân chủ nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến thế kỷ chống Trung Cộng.

Previous
Previous

Nổ súng tại California, 9 người chết kể cả hung thủ

Next
Next

'Khủng hoảng biên giới' tại Mỹ giờ đã trở thành 'khủng hoảng an ninh quốc gia'