Mỹ thấy có ít khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza trong nhiệm kỳ của Biden
Tổng thống Joe Biden.
Các quan chức Hoa Kỳ giờ đây tin rằng có ít khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và nhóm Hồi giáo Hamas của Palestine ở Gaza trước khi Tổng thống Joe Biden rời nhiệm sở vào tháng 1/2025, tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin hôm 19/9.
Báo này trích dẫn lời các quan chức cấp cao tại Tòa Bạch Ốc, Bộ Ngoại giao và Ngu Giác Đài cho biết như trên nhưng không nêu tên những người đó. Các cơ quan này không trả lời ngay lập tức khi Reuters đề nghị họ bình luận.
“Tôi có thể nói với quý vị rằng chúng tôi không tin rằng thỏa thuận đó đang đổ vỡ”, người phát ngôn Ngũ Giác Đài Sabrina Singh nói với các phóng viên hôm 19/9 trước khi bản tin được đăng.
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết hai tuần trước rằng 90% thỏa thuận ngừng bắn đã được thống nhất.
Trong nhiều tháng qua, Hoa Kỳ và các bên trung gian là Qatar và Ai Cập đã cố gắng để đạt được lệnh ngừng bắn nhưng không thể đưa Israel và Hamas đến một thỏa thuận cuối cùng.
Có hai trở ngại đặc biệt khó khăn: Yêu cầu của Israel về việc duy trì lực lượng tại hành lang Philadelphi giữa Gaza và Ai Cập và các chi tiết cụ thể về việc trao đổi con tin Israel lấy tù nhân Palestine bị Israel giam giữ.
Hoa Kỳ nói rằng thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza có thể làm giảm căng thẳng trên khắp Trung Đông trong bối cảnh lo ngại xung đột có thể lan rộng.
Tổng thống Biden đưa ra đề xuất ngừng bắn 3 giai đoạn vào ngày 31/5 mà ông cho biết vào thời điểm ấy Israel đã đồng ý. Nhưng khi các cuộc đàm phán gặp phải trở ngại, các quan chức trong nhiều tuần nay nói rằng một đề xuất mới sẽ sớm được đệ trình.
Vụ đổ máu mới nhất trong cuộc xung đột Israel-Palestine kéo dài hàng thập kỷ xảy ra vào ngày 7/10/2023 khi Hamas tấn công Israel, giết chết 1.200 người và bắt giữ khoảng 250 con tin, theo số liệu của Israel.
Theo bộ y tế địa phương, cuộc tấn công tiếp theo của Israel vào vùng đất do Hamas cai quản đã giết chết hơn 41.000 người Palestine, đồng thời khiến gần như toàn bộ dân số 2,3 triệu người phải di dời, gây ra cuộc khủng hoảng nạn đói và dẫn đến cáo buộc diệt chủng tại Tòa án Thế giới mà Israel phủ nhận.