Nữ luật sư gốc Việt được tham gia kiểm soát tiền ảo tại Mỹ

(Luật Sư Caroline Phạm, ủy viên Ủy Ban Giao Dịch Tài Sản Tương Lai (CFTC)

Luật Sư Caroline Phạm sinh ra và lớn lên tại khu thung lũng Central Valley ở Bắc California, nơi được gọi là “rổ thức ăn của thế giới.”

Tiền ảo đang là loại tài sản mới, cần có sự kiểm soát của chính phủ. Vì vậy, Ủy Ban Giao Dịch Tài Sản Tương Lai (CFTC) công bố sẽ có những quy định mới để kiểm soát loại tiền này.

Luật Sư Caroline Phạm, một trong năm ủy viên CFTC, công bố điều này sau khi Tòa Liên Bang Khu Vực Nam New York đưa ra phán quyết vào ngày 14 Tháng Bảy, cho biết tiền ảo XRP của công ty Ripple Labbs không phải là chứng khoán khi được bán cho các nhà đầu tư bán lẻ tại thị trường giao dịch ảo.

Đó là vụ kiện được Ủy Ban Chứng Khoáng và Giao Dịch (SEC) mang ra trước tòa án, yêu cầu Ripple ngưng bán tiền ảo XRP như chứng khoán và đòi hỏi kiểm soát nhiều hơn. Vụ kiện này kéo dài từ cuối năm 2020 đến nay, bắt đầu từ lúc SEC kiện hai tổng giám đốc của Ripple và cáo buộc công ty này bán chứng khoán chưa ghi danh.

Sau khi thấy Ripple thắng kiện, Ủy Viên Caroline Phạm cho rằng chiến thắng đó giúp CFTC tìm được hướng để kiểm soát tiền ảo ở Hoa Kỳ bằng cách phân loại từng loại tiền ảo để kiểm soát rõ ràng.

Bà nói với Bloomberg: “Vào năm ngoái, tôi dự đoán chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về định nghĩa của chứng khoán để kiểm soát. Trong những ngày qua, chúng ta đã chứng kiến được những phán quyết quan trọng về vấn đề này.”

“Tôi nghĩ quý vị mới thấy những hướng đi để kiểm soát rõ ràng qua những phán quyết lớn của tòa án. Vì vậy, chuyện các cơ quan kiểm soát của Hoa Kỳ hợp tác với nhau rất quan trọng,” bà nói.

Bà còn cho hay rất nóng lòng được tham gia các nhóm nội địa và quốc tế của Hội Đồng Ổn Định Tài Chánh (FSB) để bảo đảm tiền ảo được kiểm soát một cách toàn diện.

Những hậu quả của phiên tòa giữa SEC và Ripple Labbs chỉ là một phần trong những vấn đề được Ủy Viên Caroline Phạm chú ý. Một vấn đề quan trọng khác là “điện toán hóa” những tài sản có thật.

Ngoài kiểm soát tiền ảo, Ủy Viên Caroline Phạm bày tỏ sự lạc quan về chứng khoán sử dụng công nghệ chuỗi khối. Bà cho hay một thuyết trình cho thấy các công ty có thể tiết kiệm đến $2 tỷ chi phí hành chánh bằng cách sử dụng công nghệ đó.

“Nhiều ngân hàng đầu tư đang nói về cơ hội tiết kiệm $4,000 tỷ đến $5,000 tỷ từ đây cho đến năm 2030. Đây là những con số đáng chú ý trong thị trường,” bà nói.

Bà Caroline còn hy vọng sẽ tránh được chuyện thị trường “điện toán hóa” và thị trường tài chánh bị phân chia ra. Bà còn nhấn mạnh sự quan trọng của các “hàng rào” để bảo vệ các nhà đầu tư.

Luật Sư Caroline Phạm tuyên thệ nhậm chức ủy viên CFTC vào Tháng Tư, 2022, sau khi được Tổng Thống Joe Biden đề cử và được Thượng Viện Hoa Kỳ đồng nhất chuẩn thuận. Bà là một lãnh đạo được quốc tế công nhận, với nhiều kinh nghiệm về thị trường chứng khoán và các sáng kiến điện toán.

Bà có bằng cử nhân đại học UCLA và bằng tiến sĩ luật đại học luật George Washington University. Bà Caroline còn nhận được học bổng Manatt-Phelps vì sự xuất sắc trong ngành luật ngân hàng, và học bổng của Hiệp Hội Luật Sư Người Mỹ Gốc Việt Washington, DC và vùng phụ cận.

Ngoài ra, bà còn nhận được giải thưởng của Hiệp Hội Luật Sư Người Mỹ Gốc Việt vì là phụ nữ gốc Việt đầu tiên được tổng thống và Thượng Viện bổ nhiệm vào chức vụ điều hành.

Previous
Previous

Thẩm phán bất ngờ không chấp nhận thỏa thuận nhận tội của con trai Tổng thống Biden

Next
Next

Người Mỹ mong mỏi giải quyết khủng hoảng biên giới