Đảng Dân Chủ tại Hạ viện giới thiệu ‘kiến nghị loại trừ’ để buộc bỏ phiếu về hạn mức nợ của Hoa Kỳ

Tác giả Mimi Nguyen Ly

Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) và Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York) nói chuyện với các thành viên của giới truyền thông sau cuộc họp về hạn mức nợ với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (không có trong hình) tại Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 16/05/2023. (Ảnh: Mandel Ngan/AFP qua Getty Images)

Hôm thứ Tư (17/05), các thành viên Đảng Dân Chủ tại Hạ viện đã chính thức giới thiệu một nghị quyết về một thủ tục được gọi là “kiến nghị loại trừ” (discharge petition) trong nỗ lực cố gắng buộc bỏ phiếu về việc tăng hạn mức nợ của Hoa Kỳ mà không cần sự chấp thuận của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California).

Bản kiến nghị loại trừ được đưa ra lúc 10 giờ sáng như một phần của một kế hoạch bí mật đã được âm thầm khởi xướng kể từ đầu tháng Một. Dân biểu đứng đầu của Đảng Dân Chủ, Dân biểu Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York), đã thông báo cho các đồng sự Đảng Dân Chủ về kế hoạch này lần đầu tiên hôm 02/05.

Lúc đó, ông nói với các đồng sự rằng một dự luật có nhan đề “Đạo luật Phá vỡ Bế tắc” (Breaking the Gridlock Act) được giới thiệu vào đầu Quốc hội nhiệm kỳ 118 có nhiều mục, nhưng về sau cũng đính kèm theo một mục về tăng mức trần nợ vô điều kiện. Dự luật do Dân biểu Mark DeSaulnier (Dân Chủ-California) đưa ra này vẫn chưa được giải quyết kể từ ngày 07/03, khi luật được chuyển đến 20 ủy ban Hạ viện khác nhau.

Kiến nghị loại trừ, một quy định thủ tục hiếm khi được sử dụng, sẽ đưa một dự luật ra khỏi ủy ban và buộc phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu tại sàn Hạ viện, nếu dự luật không được giải quyết trong hơn 30 ngày. Điều này sẽ xảy ra ngay cả khi không có sự chấp thuận của Chủ tịch Hạ viện.

Hôm thứ Tư, ông Jeffries đã kêu gọi tất cả các thành viên trong nhóm họp kín của mình ủng hộ một kiến nghị loại trừ cho dự luật của ông DeSaulnier.

Trong một lá thư gửi các “đồng sự thân mến”, ông bày tỏ hy vọng tìm được một “giải pháp lưỡng đảng, có thể chấp nhận được để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ,” nhưng lưu ý rằng do thời hạn vỡ nợ ngày 01/06 của Hoa Kỳ sắp đến, nên “điều quan trọng là tất cả các lựa chọn lập pháp phải được theo đuổi trong trường hợp không đạt được thỏa thuận.”

Ông cho biết kiến nghị loại trừ là “một phương tiện có thể cần thiết để bảo vệ toàn bộ niềm tin và uy tín của Hoa Kỳ,” đồng thời nói thêm, “Điều khẩn thiết là các Thành viên phải nỗ lực hết sức để ký vào bản kiến nghị loại trừ ngay hôm nay.”

Để đệ trình kiến nghị loại trừ và thành công trong việc buộc tổ chức một cuộc bỏ phiếu tại sàn Hạ viện, Đảng Dân Chủ cần sự ủng hộ của một khối đa số Hạ viện, hay 218 phiếu bầu. Nếu toàn bộ 213 thành viên Đảng Dân Chủ tại Hạ viện bỏ phiếu ủng hộ, thì nỗ lực này vẫn cần ít nhất 5 thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện cùng tham gia.

Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu tất cả các thành viên Đảng Dân Chủ có ủng hộ kiến nghị loại trừ này hay không.

Previous
Previous

Gặp một CNN mới, mà vẫn như cũ.

Next
Next

Bộ Tư pháp của TT Biden yêu cầu Tối cao Pháp viện bác bỏ vụ kiện lớn về bầu cử của Đảng Cộng Hòa