Ngũ Giác Đài 'tê liệt' chỉ vì một thượng nghị sĩ
Hàng trăm chức danh trong quân đội Mỹ, bao gồm các vị trí lãnh đạo hàng đầu, hiện chưa được thượng viện phê chuẩn vì sự phản đối của duy nhất một thượng nghị sĩ.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tommy Tuberville đang tiến hành một chiến dịch chưa từng có nhằm thay đổi chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ liên quan đến việc phá thai: cản trở thượng viện phê chuẩn hàng trăm đề cử chức danh trong quân đội Mỹ. Nỗ lực của ông Tuberville đã dẫn đến tình huống những người ít kinh nghiệm hơn phải đảm đương các vị trí hàng đầu và gây ra lo ngại sâu sắc tại Ngũ Giác Đài về sự sẵn sàng của quân đội Mỹ, theo AP.
Các thượng nghị sĩ của cả hai đảng đã chỉ trích nỗ lực của ông Tuberville, nhưng ông vẫn quyết không nhượng bộ. Nhà lập pháp đại diện bang Alabama của Mỹ cho biết ông sẽ không bỏ cuộc trừ khi các thành viên đảng Dân chủ, phe chiếm đa số ở thượng viện, cho phép tiến hành bỏ phiếu về chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản của Ngũ Giác Đài
Một người chống lại tất cả
Theo AP, phê chuẩn danh sách đề cử và thăng chức trong quân đội từ lâu đã là một trong những nhiệm vụ mà lưỡng đảng ở thượng viện Mỹ có sự thống nhất. Song ông Tuberville đã phá vỡ thông lệ đó với việc "phong tỏa" toàn bộ danh sách này. Ngũ Giác Đài cho biết số lượng sĩ quan cấp cao chưa được phê chuẩn vì ông Tuberville hiện là 260 và có thể tăng lên đến 650 vào cuối năm nay.
CNN cho biết, theo truyền thống của thượng viện Mỹ nhiều thập niên qua, các đề cử trong quân đội thường được gom lại và được phê chuẩn đồng loạt theo luật "unanimous consent", tức chỉ cần không có thượng nghị sĩ nào phản đối (khác với việc toàn bộ thượng nghị sĩ phải đồng ý) thì danh sách này sẽ được thông qua. Song ngay khi một thượng nghị sĩ phản đối thì việc này sẽ không thể diễn ra.
Trong trường hợp đó, thượng viện Mỹ vẫn có thể giải quyết bằng cách áp dụng quy trình tiêu chuẩn: tổ chức các cuộc biểu quyết "roll call" một cách riêng lẻ cho từng đề cử trong danh sách. "Roll call" có thể hiểu là biểu quyết theo kiểu điểm danh, tức gọi tên tới thượng nghị sĩ nào thì người đó nói sẽ nói đồng ý hay không. Vấn đề là làm vậy sẽ khiến quá trình phê chuẩn kéo dài, nhất là khi danh sách có tới hàng trăm người.
Điêu này có nghĩa là sự cản trở của ông Tuberville không thể hoàn toàn ngăn chặn hoặc loại bỏ bất cứ một đề cử nào, mà chỉ là trì hoãn quá trình phê chuẩn. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ thượng viện Mỹ Jack Reed tuần trước cho biết việc tổ chức biểu quyết phê chuẩn hơn 260 đề cử quân đội theo hình thức "roll call" sẽ mất 27 ngày nếu thượng viện làm việc “suốt ngày đêm” (24/24) hoặc 84 ngày nếu thượng viện làm việc 8 tiếng/ngày.
Ông Tuberville không phản đối việc tổ chức bỏ phiếu riêng lẻ cho từng đề cử. "Tại sao chúng ta không bỏ phiếu cho từng người một? Chúng ta có thể làm điều đó, nhưng họ không muốn làm điều đó vì một số lý do", ông nói trong một chương trình của CNN hôm 10.7, cho rằng việc này "rất dễ thực hiện". Ông sau đó cũng cho biết ông "không ngăn cản việc phê chuẩn đối với bất kỳ ai".
Ông Tuberville, cựu huấn luyện viên bóng bầu dục trong trường đại học và là người ủng hộ nhiệt thành của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ khi ông đắc cử thượng nghị sĩ vào năm 2020, gần như chưa cho thấy dấu hiệu bỏ cuộc. Ông tuyên bố ông sẽ không từ bỏ nỗ lực của mình cho đến khi có một cuộc bỏ phiếu về chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản của Ngũ Giác Đài.
Năm ngoái, Tòa án Tối cao Mỹ đã lật ngược phán quyết trong vụ "Roe v. Wade" năm 1973 và kết luận phá thai không phải quyền hiến định, dẫn đến việc nhiều tiểu bang của Mỹ sau đó đã cấm phá thai. Trong bối cảnh như vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ban hành một chính sách mới nhằm đảm bảo tất cả quân nhân đều được tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe sinh sản.
Theo đó, ông đã ra lệnh cho phép binh sĩ và những người phụ thuộc được nghỉ phép để di chuyển đến các bang khác và tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản mà địa phương họ đóng quân không có. Các dịch vụ đó bao đó bao gồm thụ tinh trong ống nghiệm và các biện pháp hỗ trợ mang thai khác, cũng như phá thai. Chính sách của Ngũ Giác Đài không tài trợ chi phí phá thai, mà chỉ chi trả tiền cho quân nhân đi lại.
Ông Tuberville muốn Ngũ Giác Đài chấm dứt chính sách này. Song ông chưa đệ trình bất cứ dự luật nào để lật ngược chính sách. Thay vào đó, ông đã đề xuất đảng Dân chủ đưa ra dự luật của riêng họ về chính sách và tổ chức bỏ phiếu.