Áp lực đè nặng lên Tòa Bạch Ốc vì Israel

Tòa Bạch Ốc khẳng định Israel chưa vượt qua lằn ranh đỏ của Washington, nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc điều chỉnh chính sách với đồng minh vì cuộc chiến ở Gaza.

Trong một cuộc họp báo ở Tòa Bạch Ốc hôm 28.5, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói Washington không nghĩ những hành động gần đây của Israel ở TP.Rafah, phía nam Gaza, là một chiến dịch quân sự toàn diện vượt qua "lằn ranh đỏ" của Tổng thống Biden. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng không có kế hoạch thay đổi chính sách với Israel, theo ông Kirby.

Tổng thống Biden hồi đầu tháng 5 cho biết ông không ủng hộ Israel tiến hành chiến dịch tấn công trên bộ quy mô lớn ở Rafah, nơi khoảng 1 triệu thường dân đã phải sơ tán. Chính quyền Mỹ cũng đã tạm dừng việc giao bom hạng nặng cho Israel vì lo ngại chúng có thể được sử dụng tại thành phố này. Tuy nhiên kể từ đó, chủ nhân Tòa Bạch Ốc không có hành động gì ngay cả khi Israel tăng cường không kích và thậm chí triển khai xe tăng tiến vào trung tâm Rafah.

Hàng chục dân thường Palestine đã thiệt mạng tại các khu vực dành cho người chạy nạn ở phía tây Rafah trong những ngày gần đây. Theo Reuters, giới chức Gaza cho hay ít nhất 21 người tử vong khi xe tăng Israel bắn phá khu lều trại ở Al-Mawasi hôm 28.5, dù Israel phủ nhận liên quan. Trước đó, Israel thừa nhận việc không kích khu lều trại ở Tel Al-Sultan làm 45 người chết ngày 26.5, nói đây là "tai nạn thảm khốc".

"Tôi không có thay đổi chính sách nào cần thông báo sau vụ tấn công (của Israel ở Rafah) hôm 26.5. Sự việc vừa xảy ra, Israel đang điều tra", AFP dẫn lời ông Kirby nói với các phóng viên hôm 28.5. Khi được hỏi rằng liệu cần "bao nhiêu thi thể cháy đen" mới khiến Tổng thống Biden thay đổi chính sách, ông Kirby cho biết Mỹ không "làm ngơ" trước những gì đang xảy ra với dân thường Palestine.

Những người biểu tình ủng hộ Palestine tụ tập bên ngoài Tòa Bạch Ốc hôm 28.5

Trước sự chất vấn liên tục của báo giới, ông Kirby khẳng định Tòa Bạch Ốc không "linh động thay đổi" cách xác định thế nào là một chiến dịch tấn công trên bộ quy mô lớn tại Rafah.

"Chúng tôi chưa thấy họ (Israel) lao vào Rafah. Chúng tôi chưa thấy họ tiến quân với các đơn vị lớn, số lượng binh sĩ lớn theo đội hình dọc và theo kiểu có phối hợp nào đó nhắm vào nhiều mục tiêu trên mặt đất", ông cho hay.

Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Israel và đến nay vẫn ủng hộ nước này trong xung đột ở Gaza, bất chấp việc Israel ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế. Song Tổng thống Biden càng lúc càng phải đối mặt với nhiều thách thức trong nỗ lực tìm điểm cân bằng chính sách, đặc biệt là giữa lúc ông theo đuổi chiến dịch tái tranh cử để ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa.

"Ông Biden muốn tỏ ra cứng rắn trong vấn đề Rafah và đã thực sự cố gắng nghiêm khắc với (Thủ tướng Israel Benjamin) Netanyahu, nhưng trong năm bầu cử này, lằn ranh đỏ của ông ấy ngày càng mờ nhạt", ông Colin Clarke, giám đốc nghiên cứu của Soufan Group (TSG, công ty tư vấn về tình báo và an ninh toàn cầu có trụ sở tại Mỹ), bình luận với AFP.

Câu hỏi đang được đặt ra là liệu Washington có thể chấp nhận để ông Netanyahu theo đuổi chiến dịch ở Rafah trong bao lâu sau khi Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ra lệnh cho Israel dừng ngay hành động này. Cả Mỹ và Israel đều là thành viên của ICJ, một trong 6 cơ quan chính của Liên Hiệp Quốc và là tòa án quốc tế duy nhất phân xử tranh chấp giữa các quốc gia.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller hôm 28.5 cho biết Washington sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc điều tra của Israel về vụ không kích lều trại ở Rafah, nhưng các hoạt động quân sự của Israel tại thành phố này cho đến nay chưa có quy mô lớn như ở miền trung hoặc miền bắc Gaza. Trong khi đó, người phát ngôn Ngũ Giác Đài Sabrina Singh nói rằng chiến dịch mà Israel đang tiến hành tại Rafah "vẫn có giới hạn về phạm vi".

Previous
Previous

Bồi Thẩm Đoàn Dân Chủ kết án đối thủ Cộng Hòa

Next
Next

Vì ông Trump mà Tổng thống Putin sẽ thả phóng viên Mỹ?