Phía sau cuộc bầu cử Mỹ giữa đàn ông và phụ nữ
Ông Donald Trump muốn tính nam được đặt lên hàng đầu trong cuộc đua lần này. Bà Kamala Harris hầu như không đề cập đến việc mình là một ứng cử viên nữ. Với cách biệt tương tự. Khoảng cách giới tính chính trị này phản ánh một thập kỷ biến động xã hội và có thể góp phần quyết định kết quả bầu cử ở Mỹ.
Đối với người phụ nữ da màu đầu tiên được đề cử ứng viên tổng thống, và là người phụ nữ thứ hai trong lịch sử tiến tới mức này, bà Kamala Harris đã rất cố gắng để không nói tới bản dạng giới của mình. “Nghe này, tôi tranh cử bởi tôi tin mình là người phù hợp nhất vào lúc này để đảm nhận cương vị này vì tất cả người dân Mỹ, bất kể chủng tộc hay giới tính,” phó tổng thống nói trong cuộc phỏng vấn với CNN vào tháng trước. Dù vậy, mặc cho những nỗ lực trung hòa vấn đề giới tính của bà Harris, nó vẫn đang dần trở thành vấn đề then chốt của cuộc bầu cử lần này.
“Quý bà Tổng thống” (Madame President) sẽ là một khái niệm mới đối với nước Mỹ và cũng hợp lý khi cho rằng dù nhiều người thích ý tưởng này, vẫn sẽ có những người thấy sự đổi mới ấy hơi khó chấp nhận. Ban tranh cử của bà Harris sẽ không nói ra một cách công khai, nhưng một quan chức gần đây đã thừa nhận với tôi rằng họ tin có một thứ “chủ nghĩa phân biệt giới tính ngầm” sẽ ngăn cản một số người bỏ phiếu bầu bất kỳ người phụ nữ nào làm tổng thống.
Đã là năm 2024, không mấy ai muốn mình là một kẻ xấu tính sẵn sàng nói thẳng với người thăm dò ý kiến rằng họ không nghĩ một người phụ nữ phù hợp với công việc ở Phòng Bầu Dục (dù có rất nhiều người sẵn sàng chia sẻ những trò đùa kỳ thị giới tính trên mạng xã hội). Một chiến lược gia của Đảng Dân chủ cho rằng có một mật mã: khi cử tri nói với người thăm dò ý kiến rằng bà Harris không "sẵn sàng" hoặc không có "tính cách” phù hợp hoặc "những gì cần thiết," điều họ thực sự muốn nói là vấn đề nằm ở chỗ bà ấy là phụ nữ. Ban tranh cử của ông Trump nói rằng giới tính không hề liên quan.
“Kamala yếu đuối, không trung thực và có chủ nghĩa tự do nguy hiểm, đó là lý do tại sao người dân Mỹ sẽ chối bỏ bà ấy vào ngày 5/11,” ban tranh cử của ông Trump đã nói như vậy trong tuần này. Dù vậy, Bryan Lanza, cố vấn cấp cao của ban tranh cử, đã nhắn tin cho tôi rằng ông tin tưởng vào một chiến thắng cho ông Trump vì “khoảng cách giới tính nam đem lại lợi thế cho chúng tôi”.
Lần gần nhất khi một người phụ nữ đứng ra tranh cử, thái độ tiêu cực về giới tính của bà rõ ràng là đã ảnh hưởng tới cuộc bầu cử. Tám năm trước, bà Hillary Clinton nhấn mạnh vào việc bà là người phụ nữ đầu tiên được một đảng lớn đề cử. Khẩu hiệu tranh cử “Tôi đồng hành cùng bà ấy” là một lời nhắc nhở không mấy tế nhị về vai trò tiên phong của bà Clinton. Nữ Dân biểu bang Pennsylvania, bà Madeleine Dean, nhớ lại những cuộc trò chuyện với cử tri về việc bà Clinton ứng cử.
Tôi dành một buổi chiều với Dean khi bà đang vận động tranh cử tại quận của bà trong tuần này. Bà kể với tôi rằng vào năm 2016, mọi người nói với bà là “có cái gì đó về bà bà Clinton”
Bà nói rằng bà sớm nhận ra vấn đề “nằm ở phần ‘bà ấy’. Đó là một vấn đề. Đó là chuyện bà Hillary là phụ nữ.” Dù bà Dean nghĩ quan điểm này đã bớt phổ biến, bà cho rằng ngày nay “vẫn có những người sẽ nghĩ ‘Một người phụ nữ quyền lực ư? Không, hơi xa vời’.” Đã có nhiều thay đổi đối với phụ nữ kể từ năm 2016. Phong trào #MeToo vào năm 2017 đã nâng cao nhận thức về những sự phân biệt giới tính, cả tinh vi và lộ liễu, mà phụ nữ phải đối mặt ở nơi làm việc. Nó đã thay đổi cách chúng ta nhìn nhận vai trò của phụ nữ về mặt nghề nghiệp. MeToo có thể cũng đã giúp những ứng cử viên như bà Harris dễ được đảng đề cử hơn. Tuy nhiên, một số người coi những bước tiến lớn đó trong các vấn đề về sự đa dạng, công bằng và dung hợp là những bước lùi, đặc biệt là lớp nam thanh niên cảm thấy mình đang bị bỏ lại phía sau. Hoặc những thay đổi này đơn giản là quá lớn đối với những người Mỹ bảo thủ ưa thích vai trò giới truyền thống. Do đó, đối với một số cử tri, cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đã biến thành một cuộc trưng cầu dân ý về những chuẩn mực giới và các biến động xã hội những năm gần đây.
Điều này dường như đặc biệt đúng với những cử tri mà bà Kamala Harris nhọc công tiếp cận: những chàng trai trẻ đang sống trong một thế giới biến chuyển nhanh chóng đối với chính họ. “Trai trẻ thường cảm thấy rằng việc đặt câu hỏi sẽ khiến họ bị coi là kỳ thị phụ nữ, kỳ thị người đồng tính hoặc phân biệt chủng tộc,” ông John Della Volpe, giám đốc thăm dò ý kiến tại Viện Chính trị Harvard, nói. “Khó chịu vì không được thấu hiểu, nhiều người đắm mình vào văn hóa tình anh em của Donald Trump hoặc Elon Musk. Họ nhìn vào những ưu tiên của Đảng Dân chủ - phụ nữ, quyền phá thai, văn hóa LGBT – và hỏi ‘vậy còn chúng tôi thì sao?’.”
Della Volpe chuyên thăm dò ý kiến của cử tri trẻ tuổi. Ông cho biết những chàng trai trẻ ông đang đề cập tới không thuộc về một nhóm cánh hữu cực đoan hay nhóm đàn ông đầy ẩn ức do không kiếm được bạn tình. Họ chính là con trai của bạn, hoặc của hàng xóm bạn. Trên thực tế, ông nói, nhiều người trong số họ ủng hộ bình đẳng giới, nhưng cũng cảm thấy rằng những lo ngại của họ không được để ý. Della Volpe điểm qua một loạt thống kê cho thấy những điều mà nam giới trẻ thiệt thòi hơn so với đồng nghiệp nữ: ít có khả năng tìm được một mối quan hệ hơn, ít có khả năng học đại học hơn so với trước đây, và tỷ lệ tự tử của họ cao hơn so với nữ giới đồng trang lứa. Trong khi đó, đang có những bước tiến vượt bậc cho phụ nữ trẻ Mỹ. Họ có trình độ học vấn cao hơn nam giới, họ làm ở trong các ngành dịch vụ đang tăng trưởng và ngày càng kiếm được nhiều tiền hơn nam giới.