Tỷ lệ nắm giữ nợ chính phủ Hoa Kỳ ở ngoại quốc giảm khi Trung Cộng tiếp tục bán phá giá công khố phiếu Hoa Kỳ
Nhiều trung tâm tài chính hơn đang theo chân Bắc Kinh, chẳng hạn như Thụy Sĩ và Luxembourg.
Tòa nhà của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 10/04/2023. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times)
Dữ liệu mới cho thấy lượng nắm giữ công khố phiếu Hoa Kỳ của ngoại quốc tiếp tục giảm khi Trung Cộng và một số quốc gia khác giảm mức độ đầu tư vào nợ chính phủ Hoa Kỳ.
Theo Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, lượng nắm giữ công khố phiếu Hoa Kỳ trên toàn cầu đã giảm 0.5%, xuống còn 7.565 ngàn tỷ USD trong tháng Mười, giảm từ mức 7.604 ngàn tỷ USD trong tháng Chín. Đây là tháng thứ hai liên tiếp các nhà đầu tư ngoại quốc bán tháo công khố phiếu. Tuy nhiên, so với cùng thời điểm một năm trước, lượng nắm giữ của ngoại quốc đã tăng khoảng 6%.
Trung Cộng tiếp tục cắt giảm tài sản ở Hoa Kỳ trong tháng thứ Tám liên tiếp, với tổng trị giá bán đi là 769.6 tỷ USD. Con số này đã giảm khoảng 1% so với tháng trước và giảm hơn 12% so với năm trước.
Nhật Bản, chủ nợ lớn nhất thế giới của chính phủ Hoa Kỳ, đã mua được gần 12 tỷ USD trái phiếu trong tháng Mười. Tổng cộng, các nhà đầu tư Nhật Bản sở hữu gần 1.1 ngàn tỷ USD công khố phiếu. Bất chấp sự gia tăng này, lượng nắm giữ của Tokyo vẫn giảm so với mức cao nhất mọi thời đại khoảng 1.3 ngàn tỷ USD vào năm 2021.
Các quốc gia khác đã bổ sung công khố phiếu vào danh mục đầu tư của họ gồm có Vương quốc Anh (4.1 tỷ USD), Ireland (4.4 tỷ USD), Pháp (4.9 tỷ USD), và Canada (1 tỷ USD). Mặt khác, các quốc gia đã giảm bớt khả năng phải đối mặt với khoản nợ quốc gia ngày càng tăng của Hoa Kỳ gồm Luxembourg (28.2 tỷ USD), Bỉ (32 tỷ USD), Thụy Sĩ (4.6 tỷ USD), Ấn Độ (7.1 tỷ USD), và Brazil (3.6 tỷ USD).
Nhà kinh tế học Wolf Richter cho biết, nhìn chung, các nhà đầu tư ngoại quốc đã không đầu tư theo kịp với tốc độ tăng nợ quốc gia nhanh chóng của Hoa Kỳ.
“Các chủ sở hữu ngoại quốc đã không tiếp tục mua khoản nợ chính phủ Hoa Kỳ đang ngày càng phình to, và kết quả là tỷ lệ nắm giữ của họ đã giảm xuống mức 22.4%, từ mức khoảng 33% vào năm 2015,” ông Wolf viết. “Nói cách khác, việc tài trợ nợ của Hoa Kỳ đã trở nên ít phụ thuộc hơn vào các chủ sở hữu ngoại quốc.