Tòa Bạch Ốc khẽ đánh tiếng kêu gọi các công ty dầu khí đẩy mạnh sản xuất

Hình ảnh mê cung các ống và van dầu thô trong chuyến tham quan của Bộ Năng lượng tại Khu Dự trữ Dầu khí Chiến lược ở Freeport, Texas, hôm 09/06/2016. (Ảnh: Richard Carson/Reuters)

Hôm 01/03, một quan chức của Tòa Bạch Ốc cho biết các công ty dầu khí của Hoa Kỳ có thể và nên thúc đẩy sản xuất trong nước, đồng thời bác bỏ ý kiến ​​cho rằng các chính sách năng lượng của chính phủ Tổng thống Biden đang ngăn không cho các công ty làm như vậy.

Ông Bharat Ramamurti, người đảm trách chức Phó giám đốc của Hội đồng Kinh tế Quốc gia, nói với Bloomberg rằng giá dầu thô đang ở mức cao và “nếu mọi người muốn sản xuất nhiều hơn, họ có thể và họ nên làm vậy.”

Ông Ramamurti đã đáp lại nghi vấn về hoạt động sản xuất năng lượng của Hoa Kỳ và những lời chỉ trích rằng các chính sách năng lượng sạch của Tổng thống Joe Biden đã bóp nghẹt hoạt động khoan dầu nội địa và góp phần đẩy giá xăng dầu lên cao.

Ông Ramamurti cho biết: “Tính đến đầu năm nay, đã có 9,000 giấy phép khoan dầu khí hiện đang bỏ không. Vì vậy, ý kiến ​​cho rằng chính phủ liên bang đang hạn chế khả năng sản xuất nhiều hơn của các công ty dầu khí, tôi nghĩ là không chính xác.”

Ngay sau khi nhậm chức, ông Biden đã đóng băng các hợp đồng thuê dầu khí mới trên đất liền và vùng biển của liên bang, cắt đứt dự án Đường ống Keystone XL và thúc đẩy quá trình loại bỏ cacbon trong nền kinh tế Hoa Kỳ, viện dẫn lý do về tính cấp bách trong việc chiến đấu với biến đổi khí hậu.

Thượng nghị sĩ Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas), một người thường xuyên chỉ trích các chính sách năng lượng của ông Biden, đã kêu gọi các hợp đồng thuê khoan mới và nối lại đường ống Keystone, các khuyến nghị mà Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki gần đây đã bác bỏ như một “sự chẩn đoán sai về những gì cần diễn ra” để kiềm chế giá dầu tăng cao.

Tòa Bạch Ốc phần lớn là chú tâm vào việc thúc giục OPEC+ tăng cường sản xuất để hạ nhiệt giá, một chiến lược cho đến nay vẫn chưa mang lại nhiều thành quả. Một chiến thuật khác đã được phối hợp [để] giải phóng dầu thô từ các kho dự trữ chiến lược.

Hôm 01/03, tất cả 31 quốc gia thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã đồng ý giải phóng 60 triệu thùng dầu khỏi nguồn dự trữ chiến lược của họ. Thế nhưng hành động này đã không thể làm thị trường bình ổn lại, và giá đã tăng sau thông báo đó.

Những tay đòn bơm dầu ở mỏ dầu sông Kern ở Bakersfield, California, vào ngày 09/11/2014. (Ảnh: Jonathan Alcorn/Reuters)

Việc giá năng lượng tăng vọt – ngày càng bị đẩy lên cao do lo ngại rằng cuộc xâm lược Ukraine của Nga sẽ dẫn đến gián đoạn nguồn cung cấp – đang thúc đẩy các lời kêu gọi tăng cường sản xuất dầu khí trong nước, vừa để củng cố sự độc lập về năng lượng của Hoa Kỳ vừa để hỗ trợ các đồng minh Âu Châu.

Cuộc thăm dò gần đây được thực hiện thay mặt cho Viện Dầu mỏ Hoa Kỳ (API), một cơ quan vận động hành lang trong ngành, cho thấy 84% cử tri Hoa Kỳ tin rằng việc sản xuất khí đốt tự nhiên và dầu ở Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy an ninh ở Hoa Kỳ và cho các đồng minh của họ trên toàn thế giới.

Ông Mike Sommers, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của API, đã viết trong một bức thư gần đây gửi Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm (pdf), “ Do sự trỗi dậy trở lại về năng lượng của Hoa Kỳ trong 15 năm qua, Hoa Kỳ đang ở một vị trí lý tưởng để làm dịu cuộc khủng hoảng năng lượng đang gia tăng ở Âu Châu.

Âu Châu phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, với việc Nga cung cấp khoảng 27% dầu thô, 41% khí đốt tự nhiên, và 46.7% than đá của Liên minh Âu Châu.

Ông Sommers nói, khi đề cập đến cuộc chiến ở Ukraine: “Những diễn tiến gần đây cho thấy tầm quan trọng của việc chính phủ hợp tác với ngành công nghiệp để bảo đảm an ninh năng lượng và kinh tế của Hoa Kỳ, cũng như của các đồng minh của chúng ta ở Âu Châu và trên toàn thế giới.”

Ông kêu gọi chính phủ ông Biden khẩn trương thực hiện một loạt khuyến nghị chính sách, bao gồm cam kết “rõ ràng” về việc tiếp tục xuất cảng dầu thô, khí đốt tự nhiên, và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, “nhanh chóng” chấp thuận tất cả các đơn đăng ký khí đốt tự nhiên hóa lỏng, và đẩy nhanh việc ban hành doanh số cho thuê.

Giá dầu tăng vào hôm 02/03 do nguồn cung ứng bị gián đoạn sau các lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng Nga trong bối cảnh xung đột Ukraine đang gia tăng.

Xuất cảng dầu của Nga chiếm khoảng 8% nguồn cung ứng toàn cầu.

Tom Ozimek vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’

Vân Du biên dịch

 từ The Epoch Times

Previous
Previous

Thông điệp ‘yếu đuối’ của Tổng thống Biden là một yếu tố trong cuộc xâm lược Ukraine

Next
Next

Hoa Kỳ giữ vững cam kết với Đài Loan trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine