Tương kế tựu kế: Mỹ dùng vụ ‘‘khinh khí cầu’’ tố cáo tham vọng của Bắc Kinh
Mỹ tương kế tựu kế, dùng vụ khinh khí cầu xâm nhập để tố cáo với thế giới tham vọng bá chủ của Bắc Kinh, thách thức chủ quyền nhiều quốc gia. Rộ tin lãnh đạo tình báo Ukraina – một chỉ huy quân sự có quan điểm giành lại toàn bộ lãnh thổ bị Nga chiếm đóng – sẽ trở thành bộ trưởng quốc phòng. Tin đưa ra ngay trước chuyến công du châu Âu của tổng thống Zelensky.
Trừng phạt của Liên Âu phát huy tác dụng: Thu nhập dầu khí của Nga bắt đầu sụt giảm phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Phong trào đặt hoa tưởng niệm người Ukraina chết do hỏa tiễn Nga có mặt tại khoảng 60 thành phố Nga, chính quyền nhiều nơi nhắm mắt làm ngơ. Trên đây là các chủ đề chính của tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.
Vụ khinh khí cầu Trung Cộng bay vào không phận Hoa Kỳ là tâm điểm thời sự quốc tế đầu tháng 2/2023 này. Vào thời điểm vụ việc được Washington loan báo ngày 02/02, Bắc Kinh dường như không coi là quan trọng. Bộ Ngoại Giao Trung Cộng tỏ ý ‘‘lấy làm tiếc’’ về vụ việc, nhưng cho rằng đây chỉ là một ‘‘khinh khí cầu nghiên cứu khí tượng’’ dân sự, di chuyển tự động, bị lạc vào đất Mỹ. Một bài viết trên Hoàn Cầu Thời Báo ấn bản Anh ngữ, của đảng Cộng Sản Trung Quốc, thậm chí còn châm biếm nước Mỹ, việc để cho một khinh khí cầu xâm nhập không phận cho thấy ‘‘hệ thống phòng không của Mỹ chỉ để làm cảnh, chứ không đáng tin’’ (dẫn lại theo nhà báo Pierre-Antoine Donnet, thành viên trang mạng chuyên về thời sự chính trị châu Á Asialyst).
Bản thân nhà báo Pierre-Antoine Donnet, trong một cuộc trả lời phỏng vấn RFI ngay sau khi Washington loan báo về vụ việc, cũng phủ nhận là biến cố này có khả năng dẫn đến khủng hoảng ngoại giao Mỹ - Trung, và không thể có chuyện chuyến đi dự kiến của ngoại trưởng Antony Blinken bị hủy bỏ. Nhà báo Asialyst giải thích:
‘‘Không, không, việc này chắc chắc sẽ không xảy ra. Hai việc này không thể đặt trên cùng một cấp độ. Tôi nghĩ rằng có sự chia sẻ một mong muốn chung, giữa Washington và Bắc Kinh, về việc cần hạ nhiệt căng thẳng… Không, Blinken vẫn sẽ đi. Ông ấy sẽ đến Bắc Kinh ngày Chủ nhật. Ông ấy có kế hoạch không chỉ gặp đồng nhiệm Trung Cộng, mà còn cả lãnh đạo Tập Cận Bình. Tôi cho rằng kết quả của cuộc gặp này sẽ không mang lại gì nhiều cho phía Mỹ, bởi họ cũng không trông đợi gì nhiều ở Trung Cộng, nhưng ít nhất thì đây cũng là việc đối thoại được tái lập, kể từ cuộc hội kiến Tập Cận Bình – Joe Biden ở thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia’’.
Thế rồi sự việc diễn biến như chúng ta đã biết. Chuyến đi Trung Cộng của ngoại trưởng Mỹ bị hủy. Quân đội Mỹ bắn hạ khinh khí cầu. Chính quyền Biden tổ chức nhiều cuộc họp với giới ngoại giao quốc tế tại Washington và Bắc Kinh, với đại diện của khoảng 40 quốc gia. Mỹ tố cáo Trung Cộng duy trì một đội khinh khí cầu gián điệp quân sự trên toàn cầu, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền hàng chục quốc gia.
Về phía Trung Cộng, lẽ dĩ nhiên Bắc Kinh đã phản ứng dữ dội, lên án Washington chuyện bé xé ra to. Hoàn Cầu Thời Báo hôm 09/02/2023 dẫn lời một cựu sĩ quan tình báo thủy quân Mỹ, ông Scott Ritter, khẳng định tính chất không đáng sợ của khinh khí cầu nói trên, và khẳng định đây là một nỗ lực đã được lên kế hoạch để kích động ‘‘tình cảm sợ hãi Trung Cộng’’.