Xung đột Israel - Hamas: Tổng thống Biden mất một cơ hội thuyết phục các nước Hồi Giáo

Hơn một chục ngày sau loạt khủng bố đẫm máu trên lãnh thổ Israel do phong trào Hamas tiến hành, ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, rồi đến lượt tổng thống Joe Biden đã công du Cận Đông. Nhưng vụ oanh kích vào một bệnh viện ở Gaza, dù chưa biết ai là thủ phạm, đã thổi bùng ngọn lửa phẫn nộ tại nhiều nước Hồi Giáo. Quốc Vương Jordanie hủy một cuộc họp bốn bên, phá hỏng « một nửa kế hoạch ngoại giao » của Joe Biden.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc họp với thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về xung đột Israel - Hamas tại Tel Aviv, Israel, ngày 18/10/2023. via REUTERS - POOL

Thanh Hà

Ttổng thống Joe Biden đã vội vã lên đường sang Cận Đông với hai mục đích : một là thể hiện tình liên đới mật thiết với Israel và cảnh cáo mọi ý đồ của Iran muốn nhập cuộc, mượn tay lực lượng Hồi Giáo vũ trang Hezbollah Liban mở mặt trận ở phía bắc « tiêu diệt » nhà nước Do Thái. Nhưng vế thứ nhì trong chuyến đi này cũng quan trọng không kém : phối hợp với các đồng minh của Mỹ trong khu vực để làm hạ nhiệt tình hình, thuyết phục cộng đồng Hồi Giáo trên thế giới rằng Washington không tán đồng chính sách của Israel « trả thù một cách mù quáng » gây thêm tang tóc cho thường dân Palestine.

Thế nhưng, theo giới phân tích, mục tiêu thứ nhì này của ông Biden đã bị vụ oanh kích bệnh viện Gaza làm tiêu tan trước khi chuyên cơ của nguyên thủ quốc gia Mỹ đáp xuống phi trường Tel Aviv. Joe Biden đã mang hết uy tín của Hoa Kỳ ra để phủi trách nhiệm cho quân đội Israel trong vụ tấn công vào bệnh viện Gaza, đồng thời rầm rộ thông báo là Washington đã thuyết phục được Israel cho phép chuyển viện trợ nhân đạo cho hai triệu người Palestine ở Dải Gaza bị « phong tỏa hoàn toàn » từ hôm 07/10/2023. Nhưng không chắc là thế giới Hồi Giáo nguôi giận.

Cho đến giờ phút này, từ ở Liban đến Ai Cập, hay các nước Hồi Giáo châu Phi, công luận vẫn chỉ chú tâm đến những tuyên bố của Mỹ và một số nước phương Tây khác đồng loạt nhìn nhận « quyền tự vệ chính đáng » của nhà nước Do Thái. Theo họ, một cách gián tiếp phương Tây cũng có trách nhiệm về thảm họa nhân đạo đang diễn ra tại Gaza từ hơn 10 ngày qua.

Có nhiều lý do khiến mối nghi kỵ của các nước Hồi Giáo trước những thiện chí của Hoa Kỳ khó thuyên giảm. Thứ nhất, đành rằng Mỹ kềm chế Israel để tránh gây thêm thảm họa cho người dân Palestine, nhưng đồng thời chính tổng thống Biden và trước ông là bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin hay ngoại trưởng Antony Blinken từng cam kết là Tel Aviv sẽ « được cung cấp đủ các phương tiện để tự vệ », Washington tăng viện trợ quân sự cho Israel, điều hai hàng không mẫu hạm đến khu vực để thị uy. Hiện thời 2.000 lính Mỹ đã được đặt trong tư thế « sẵn sàng » trong trường hợp nổ ra chiến tranh. Trong hoàn cảnh đó, khó mà thuyết phục các nước Hồi Giáo rằng Hoa Kỳ không « thiên vị » và là một nhà trung gian hòa giải « đáng tin cậy ».

Previous
Previous

18 người thiệt mạng trong vụ xả súng hàng loạt tại Maine, Mỹ

Next
Next

TT Biden muốn viện trợ 100 tỷ USD cho Israel, Ukraine, Đài Loan và vụ biên giới