“Duyên nợ ở đời, nơi ấy là tình yêu”
TẠP GHI
Kim Dinh
Thật vô cùng xúc động, vợ chồng tôi được mời tham dự một “đám cưới nhỏ” rất giản dị dưới hình thức một “buổi lễ đính hôn” của hai cháu Nguyễn Minh – Trần thị Quỳnh Hương. Buổi lễ ấy dự trù được tổ chức ngày 20 tháng 4 năm 2024 nhưng phải hoãn và dời lại vì một chuyện buồn bất khả kháng trong gia đình!
Câu chuyện tình của đôi uyên ương Nguyễn Minh – Quỳnh Hương gây cho tôi niềm xúc cảm, sự tò mò nhiều hơn khi lần đầu tiên nhìn thấy chú rể đẹp trai trong chiếc xe lăn bên cạnh thân mẫu của mình trước khi nghi thức hôn ước bắt đầu. Ngôi trên chiếc xe lăn tự di chuyển trong chiếc áo dài truyền thống luôn nở nụ cười thân thiện, cởi mở và niềm nỡ những người khách mà anh chưa gặp lần nào trước đây. Tôi nghĩ ngay đến cháu Quỳnh Hương, cô gái Út của ông bà Trần Xuân Ca, một cô giáo đã nhiều năm lăn lóc trong nhà trường. Cuộc tình thật đẹp kéo dài sau biến cố và cuối cùng họ quyết định cùng sống với nhau theo luật đạo và đời. Tôi nghĩ ngay ngay đến những cuốn sách về tình yêu mà trước đây tôi đã đọc qua. Những mối tình lãng mạn và cao thượng hàm chứa một sự hy sinh lẫn nhau. Sự hy sinh trong đời sống hôn nhân luôn hàm chứa sự đau khổ, mất mát, thiệt thòi. Tất cả những điều này đều nhằm một mục tiêu cao cả và một lý tưởng cao đẹp. Đó là hy sinh để củng cố tình yêu, duy trì hạnh phúc và bảo vệ hôn nhân bền vững của cô dâu Quỳnh Hương – Chú rể Nguyễn Minh.
Cô Dâu Quỳnh Hương và Chú Rể Nguyễn Minh.
Tình yêu trong hôn nhân của Nguyễn Minh – Quỳnh Hương sau một thời gian dài đã đòi hỏi đôi bạn phải hy sinh hết mình vì bạn đời của mình và vì hạnh phúc gia đình. Đó là cách chứng minh tình yêu cụ thể nhất. Hy sinh cũng là điều kiện để bảo tồn và gia tăng sự hiệp thông, hiệp nhất trong gia đình. Như Tông huấn về gia đình của Đức thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã khẳng định: “Chỉ có một tinh thần hy sinh cao cả mới giúp gìn giữ được và kiện toàn được sự hiệp thông trong gia đình. Thực vậy, sự hiệp thông này đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau và hòa giải với nhau”.
Như vậy, nếu phải chiến đấu, phải nỗ lực để có được một tình yêu chân chính trong một cuộc hôn nhân bền vững, thì ta phải dõi theo những gì mà Chúa đã dạy và làm gương. Ngài đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13). Sự đau khổ và sự chết của Đức Ki-tô đã giải thích cho ta hiểu rằng vì yêu và vì hạnh phúc của chúng ta, Ngài đã hi sinh đến chết (x. Ga 10,17; Pl 2,8). Đó là một Tình Yêu đích thực, tình yêu có sức mạnh cứu chuộc, thăng hoa và biến đổi.
Người ta thường nói ví von rằng hoa hồng nào mà chẳng có gai. Cuộc tình nào mà chẳng có nước mắt và đau khổ. Hôn nhân đích thực không phải là thiên đàng của những mộng mơ, viễn tưởng mà trái lại đó là một trường đào tạo, một cuộc chiến đấu cam go của những anh hùng. Như một danh nhân đã nói: “Yêu là ký kết với đau khổ” (Mme de Cohin). Dường như sự đau khổ đã gắn kết với tình yêu như bóng với hình. Cũng vì lý do đó mà có người đã nhận định: “Người ta hưởng được hạnh phúc của tình yêu trong những đau khổ của nó gây ra hơn là những sung sướng nó đem lại.” (Dulos).
Vậy, chúng ta cần xác tín rằng, “Hy sinh quên mình là vì hạnh phúc của vợ, của chồng, của con. Hy sinh trong những vấn đề cụ thể. Hạnh phúc gia đình được xây dựng bằng những điều nhỏ mọn, bằng những hy sinh liên tục hằng ngày của cả đôi bên, chẳng hạn như trong việc sử dụng tiền bạc, thời giờ, mua sắm, giải trí... Đừng chỉ quyết định theo sở thích riêng của mình, bất chấp sở thích của vợ hoặc chồng. Khi xảy ra những mâu thuẫn do bất đồng ý kiến, hy sinh có nghĩa là ‘một nhịn chín lành’. Dĩ nhiên có những điều không thể nhượng bộ, nhất là trong lãnh vực luân lý hay đạo đức. Chấp nhận làm điều xấu để làm vui lòng chồng hay vợ không phải là hy sinh quên mình, nhưng là đồng loã với cái xấu và càng làm hại người kia hơn.”
Và “Hy sinh cũng có nghĩa là tha thứ. Nhân vô thập toàn. Thánh Phaolô dạy: Như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau (Cl 3,12-13). Sự hy sinh còn được biểu lộ qua việc quan tâm đến nhau, chăm sóc, lo lắng cho nhau, không quản ngại vất vả, gian khổ vì nhau, nhất là khi người bạn đời gặp thử thách, bệnh tật, khó khăn. Đây chính là lúc sống lời cam kết trung thành với nhau ngày thành hôn.”
Chúng ta biết rằng, tình yêu tự nó là một sự hy sinh tự nguyện, tức là sự tự nguyện cao hơn hết thảy. Hôn nhân chỉ thực sự có ý nghĩa khi hai người yêu nhau và tự nguyện kết hôn với nhau. Không có sự tự nguyện và sự cam kết tự do, hôn nhân chỉ là một gánh nặng và lúc đó con người làm nô lệ cho nhau. Khi đôi bạn Ki-tô hữu cử hành Bí tích Hôn phối, họ sẽ được chủ tế thẩm vấn về hành vi ưng thuận của mỗi người trước mặt bạn đời, xem họ có tự do ưng thuận đến với nhau, kết ước với nhau, tự do thể hiện tình yêu đối với bạn đời không. Bởi vì, không có tự do ưng thuận, không có dấn thân tự nguyện thì người ta không thể hy sinh cho nhau và cho con cái được…
Chú Rể Nguyễn Minh và Thân Mẫu
Trong buổi lễ của cháu Quỳnh Hương – Nguyễn Minh có thể gọi là đính hôn hay kết hôn cũng được như trong lời giới thiệu ông Hoàng Gia Đích Hội trưởng VAMAS đại diện hai Họ Nguyễn – Trần trong buổi lễ ngày hôm ấy:
“Chào mừng Hai Họ-Quan viên Hai Họ và quý quan khách thân hữu đến dự ngày vui của hai cháu Quỳnh Hương – Nguyễn Minh hôm nay. Sự hiện diện của quý vị là vinh hạnh cho hai gia đình cũng như mừng cho hai cháu trong ngày Lễ Đính Hôn và Kết hôn hôm nay”.
Và ông Hoàng Gia Đích cũng là người làm chứng cho Cô Dâu Quỳnh Hương và Chú Rể Nguyễn Minh trao nhẫn cùng đọc lời thề hứa với nhau trước bàn thờ Chúa cũng như họ hàng hai bên trong tiếng vỗ tay chúc mừng của mọi người.
Ba mẹ Cô Dâu - Ông bà Trần Xuân Ca và Mẹ Chú Rể
Tôi nghĩ rằng Tình yêu của Quỳnh Hương – Nguyễn Minh là Tình yêu hiến tế sẽ làm cho vợ chồng này khắng khít với nhau, dám hiến thân cho nhau, quên đi những quyền lợi của mình để chỉ nghĩ đến hạnh phúc người yêu, như ca dao của ông bà ta để lại:
Sông hồ một giải con con
Gặp cơn sóng gió chớ non tay chèo
Yêu nhau sinh tử cũng liều
Thương nhau lặn suối qua đèo có nhau.
Nhân dịp này, vợ chồng chúng tôi xin cảm ơn ông bà Trần Xuân Ca đã cho chúng tôi tham dự một ngày vui có ý nghĩa. Xin chung vui cùng ông bà và hai họ. Chúc mừng hai cháu Quỳnh Hương – Nguyễn Minh luôn thương yêu và hạnh phúc.
Gia đình Cô Dâu và Chú Rể
Kim Dinh