Tạp ghi: Nồi cá nục kho
Thái Hóa Lộc
Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng và ngờ được trong cuộc đời tôi trên đất Mỹ, một ngày nào đó tôi nhận một món quà đặc biệt từ Portland, tiểu bang Oregon qua đường bưu điện. Một phong bì dạng thư phát riêng mà bên trong là những con cá nục đã được kho sẵn của anh Vương Thế Hạnh gửi tặng…
Anh Vương Thế Hạnh
Sự xúc động dâng trào làm tôi nghẹn ngào, vợ chồng tôi cẩn thận bốc từng lớp giấy bao bên ngoài trong chiếc hộp nhựa nhỏ và nước cá đã thấm vào nhiều lớp giấy bao quanh. Và cũng vì vậy mà người đưa thư qua mùi vị khác lạ nên đưa tận tay chúng tôi thay vì bỏ vào thùng thơ như thường lệ. Thật sự khi nhận món quà đặc biệt này, vợ tôi nhắc tôi gọi điện thoại cảm ơn anh ngay. Trong khi đó, tôi nghĩ ngược lại một tiếng cảm ơn qua điện thoại chưa thể hiện những gì tôi đang nghĩ về anh lúc bấy giờ. Tôi gặp anh lần đầu tiên trong chuyến đi thăm gia đình người em của anh tại Fort Worth và người cũng là anh “cột chèo” với tôi. Sự gắn bó này thật sự không đủ để cho anh lưu luyến tôi và cá nhân tôi phải suy nghĩ nhiều về anh. Nồi cá nục do chính anh kho lấy từ lựa chọn cá, ướp cá, gia vị và kho đúng tiêu chuẩn sở trường của anh như ấp ủ cả một tình cảm khá đặc biệt mà anh dành cho cá nhân tôi. Tuy chỉ được một dịp gặp gỡ sơ giao và tình cờ nhưng hình ảnh, cách đối xử và tâm tình của anh đã gây một ấn tượng sâu đậm về cá tính con người thật của anh. Những suy tư và ao ước của anh rất giản dị về cuộc sống hiện tại của mình về các con và đàn cháu. Tuy anh không dấu được sự cô đơn của một người đàn ông không còn người đầu gối tay ấp của mình! Những công việc anh đã và đang làm không không vì mưu sinh cũng như phù hợp tuổi tác, và vị trí của anh. Nhưng đối với anh mọi việc không thay đổi, một ngày như mỗi ngày anh vẫn cặm cụi trong công việc không hề than van hay mệt mỏi. Với tuổi 84, anh thật sự đã già chưa? Nhiều khi tôi tự hỏi lấy mình! Và tôi cũng tự hỏi thời gian anh nấu nồi cá nục kho cho tôi mất bao nhiêu lâu từ lúc mua cá đến khi ra bưu điện gửi tác phẩm “nồi cá nục kho” tâm huyết anh gửi cho tôi. Tôi hình dung hình ảnh của anh lúc làm công việc ấy khơi dậy trong tôi một sự so sánh bà con thân thuộc, bạn bè đã từng chia ngọt xẻ bùi chưa bao giờ cho tôi một cảm giác thân thương nặng trĩu như vậy! Cũng phát xuất từ ân tình này, mỗi tuần qua online tôi liên tục chia sẻ nội dung tuần báo Người Việt Dallas để tạo thêm nhịp cầu với anh về chủ trương của tờ báo, về ký ức đời lính mà anh vẫn còn thao thức trăn trở nhất là phương diện tình báo chiến lược.
Trong dịp Đại học Texas Tech tổ chức Hội thào chính trị với chủ đề “1974: Hòa Bình Tan Vỡ, Xung Đột Tiếp Diễn, và Chuẩn Bị Cho Trận Chiến Cuối Cùng Cho Việt Nam” Ngày 11-13 tháng 4 năm 2024. Mặc dù tôi đã đăng thông báo trên Người Việt Dallas như anh không lưu ý. Đến giờ chót muốn đi nhưng mua vé không được. Tôi hy vọng sang năm, kỷ niệm nửa thế kỷ Miền Nam Việt Nam bị Cộng sàn xâm chiếm. Đại học Texas Tech sẽ tổ chức liên quan đến năm 1975; tôi hy vọng anh sẽ tham dự với bài thuyết trình liên quan về ngành tình báo của anh như năm 2008 của ông Merle Pribbenow, một cựu nhân viên CIA, hoạt động tại Sài Gòn từ 1970 đến 1975, đã thuyết trình với chủ đề “Những điệp viên vô danh nổi tiếng nhất trong cuộc chiến Việt Nam”. Người Mỹ đã sử dụng tình báo trong hàng ngũ Cộng Sản có bí danh X.92, tên Võ Văn Ba. Võ Văn Ba là người điệp viên giỏi nhất của Việt Nam Cộng Hòa. Ông Orin DeForest, nhân viên CIA phục vụ 6 năm ở Việt Nam, nhắc đến tên Võ Văn Ba có mật danh là “Reaper” trong cuốn sách “Slow Burn: The Rise and Bitter Fall of American Intelligence in Việt Nam”. Một chuyên viên khác của CIA, John Sullivan, nói ông Ba là “Điệp viên giỏi nhất mà chúng ta từng có ở Việt Nam”…
Anh nắm vững tình báo Quân Khu II, anh đã nắm vững tình hình lúc bấy giờ. Lực lượng chính tấn công Ban Mê Thuột là Sư Ðoàn 316, với 3 Trung Ðoàn cơ hữu là 148, 149, và 174, tăng cường thêm với 1 trung đoàn của Sư Ðoàn 325 và 1 tiểu đoàn của Sư Ðoàn F10, và, dĩ nhiên, với các đơn vị pháo binh, chiến xa, và đặc công. Sư Ðoàn 316 trước đây chỉ hoạt động tại Lào và từ năm 1974 đã được lệnh quay trở về Bắc Việt. Sư hiện diện của sư đoàn này tại Miền Nam sẽ là một bất ngờ cho giới tình báo VNCH. Việc phe Cộng sản quyết định tấn công Ban Mê Thuột thay vì Pleiku một phần lớn là do họ đã nắm vững được tin tức về buổi họp của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia của VNCH vào 2 ngày 9-10 tháng 12-1974. Toàn bộ kế hoạch phòng thủ cho năm 1975 của Ðại Tướng Cao Văn Viên trình bày tại buổi họp đã được một điệp viên thuộc loại “trường kỳ mai phục,” làm việc ngay trong văn phòng của Tướng Viên tại BTTM QLVNCH, báo cáo đầy đủ về Hà Nội.
Trong khi đó, nội bộ ban tham mưu của Quân Ðoàn II lại không đồng ý với nhau về mục tiêu tấn công của phe Cộng sản tại Vùng II. Tướng Phú không tin vào nhận định của Ðại Tá Trịnh Tiếu.
Về phía Cộng quân, dựa vào kế hoạch phòng thủ năm 1975 của VNCH mà họ đã nắm được cộng thêm việc bố trí lực lượng phòng thủ dày đặc của Quân Ðoàn II ở phía Bắc của Vùng II, họ thấy rõ là Tướng Phú tin rằng họ sẽ tấn công Pleiku. Do đó họ đã tập trung cố gắng làm mọi động tác giả để đánh lừa Tướng Phú, làm cho ông tin rằng ông đã tính toán đúng là họ sẽ đánh Pleiku chứ không phải Ban Mê Thuột.
Nhìn chung, phe Cộng sản đã lại áp dụng phương thức mà họ đã từng sử dụng trong lúc chuẩn bị trận Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân để đạt được mục tiêu này. Hà Nội cũng quyết định giữ nguyên các đơn vị đang có mặt ở phía Bắc của Vùng II (Pleiku-Kontum) là các Sư Ðoàn 2, Sư Ðoàn 3, Sư Ðoàn F10 và 2 Trung Ðoàn độc lập 25 và 95A, và ra lệnh cho các đơn vị đó tăng cường các hoạt động đe dọa vùng này. Trong khi đó, các đơn vị sẽ tham gia tấn công Ban Mê Thuột đều là các đơn vị trừ bị đang đóng quân tại Lào hay tại Bắc Việt được bí mật di chuyển vào các vị trí chung quanh Ban Mê Thuột để chuẩn bị tấn công. Sư Ðoàn 316, đơn vị chủ lực của trận tấn công vào Ban Mê Thuột, trước kia chỉ hoạt động tại Lào, sau đó được điều dộng trở về Miền Bắc, đã nhận được lệnh di chuyển vào Nam vào ngày 15-1-1975, nhưng để lại bộ phận truyền tin tại Miền Bắc để tiếp tục gửi đi các báo cáo nhằm đánh lừa các đơn vị SIGINT của QLVNCH.
Ðầu tháng 3-1975, trước một số tin tình báo về các hoạt động của địch chung quanh Ban Mê Thuột làm Tướng Phú có phần nao núng. Ngày 4-3-1975, ông ra lệnh cho Trung Ðoàn 45 của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh di chuyển về Ban Mê Thuột. Việc di chuyển này sắp bắt đầu thì vào lúc 2 giờ trưa cùng ngày, Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II tại Pleiku bị địch quân pháo kích, Tướng Phú ra lệnh hủy bỏ việc chuyển quân này.82 Cùng ngày địch quân tấn công dữ dội vào các đơn vị của Trung Ðoàn 47 và cắt đứt Quốc Lộ 19 tại hai nơi. Tướng Phú tin chắc là địch quân đã bắt đầu chiến dịch tấn công vào Pleiku.
Việc chuyển quân của Sư Ðoàn 316 từ Bắc vào Nam cũng như của Sư Ðoàn 968 từ Lào sang Việt Nam, mặc dù được ngụy trang rất kỹ như đã trình bày bên trên, sau cùng vẫn bị SIGINT của QLVNCH phát hiện. Sau khi phân tích tín hiệu, và đánh giá, Phòng 7 BTTM QLVNCH nhận định là Cộng quân sẽ tấn công Ban Mê Thuột. Ngày 7-3-1975, 3 ngày trước khi trận Ban Mê Thuột nổ ra, Chuẩn Tướng Phạm Hữu Nhơn, Trưởng Phòng 7, BTTM QLVNCH, cùng với Tom Glenn là Trưởng đơn vị của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia (National Security Agency – NSA) của Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã bay lên Pleiku để đích thân báo cho Thiếu Tướng Phú về nhận định của Phòng 7 là Cộng quân sẽ tấn công Ban Mê Thuột (cuộc họp này có mặt cả Ðại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 của Quân Ðoàn 2) nhưng Tướng Phú vẫn không tin. Ngay cả vào lúc 10 giờ sáng ngày 9-3-1975, sau khi Thuần Mẫn, thuộc tỉnh Phú Bổn, đã mất, và Ðức Lập, thuộc tỉnh Quảng Ðức cũng đã bị chiếm, ông bay xuống Ban Mê Thuột để họp với các đơn vị trưởng tại đây để duyệt xét tình hình, Tướng Phú vẫn còn tiếp tục nghĩ và tin là tất cả chỉ là nghi binh. Ông vẫn chờ cuộc tấn công vào Pleiku, một cuộc tấn công chẳng bao giờ xảy ra. Sáng sớm ngày hôm sau, 10-3-1975, trận tấn công vào Ban Mê Thuột nổ ra và chỉ trong 2 ngày toàn bộ thị xã này đã lọt vào tay Cộng quân.
Không thể phủ nhận được vai trò hết sức quan trọng của tình báo trong Chiến Tranh Việt Nam, cũng như trong bất cứ cuộc chiến tranh nào. Và vì thế, dĩ nhiên, các quân đội của các phe lâm chiến đều phải tổ chức một hệ thống tình báo thật đầy đủ và tinh vi để có thể nắm được ý đồ và mục tiêu của đối phương cũng như che dấu và đánh lừa đối phương về ý đồ, mục tiêu của mình. Trong Chiến Tranh Việt Nam, VNCH và Ðồng Minh Hoa Kỳ đã tổ chức được một hệ thống tình báo rất hữu hiệu. Rất tiếc, trong một số trận đánh quan trọng, các cấp chỉ huy tình báo và quân sự của VNCH và Hoa Kỳ, vì định kiến quá nặng nề, đã không tin tưởng vào chính hệ thống tình báo của mình, và vì thế đã thất bại, không nắm được ý đồ và mục đích của địch quân…
Trong suy nghĩ của tôi, anh Vương Thế Hạnh còn rất tĩnh táo và nhận định còn sắc bén qua kinh nghiệm cũng như đam mê về ngành tình báo sẽ giúp thêm cho anh vài ý niệm để chuẩn bị cho bài thuyết trình năm tới với chủ đề: “MẤT MIỀN NAM VÌ TÌNH BÁO?”.
Gặp anh Vương thế Hạnh lần đầu tiên tại nhà anh Vương Thế Hỷ, bào đệ của anh.
Lời cuối xin cảm ơn “Nồi Cá Kho” của anh từ Portland, Oregon đến Dallas sẽ mãi trong tâm thức tình cảm nồng nàn đối với tôi. Với trong sâu thẩm tận cùng nỗi nhớ, anh là hình ảnh một người lính tình báo Việt Nam Cộng Hoà không bao giờ chết đối với các chiến hữu của anh. Anh sẽ mờ dần và biến mất theo định luật vô thường như lời Đại tướng MacAthur!