Kỵ binh quân lực Việt Nam Cộng Hòa và những trận xa chiến mùa hè đỏ lửa 1972
PHẠM PHONG DINH
Từ sau khi có sự xuất hiện của những xe tăng loại T54 nặng 35 tấn của binh đội Bắc Việt trên chiến trường Hạ Lào, Bộ Tư Lệnh Quân Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam MACV đã nghĩ đến một kế hoạch phát triển binh chủng Thiết Giáp của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa lên một tầm vóc tương xứng với cường độ ngày càng khốc liệt của chiến cuộc. Với sự xuất hiện của T54, PT76, BTR85 đã cho thấy dấu hiệu sớm muộn gì Thiết Giáp của chúng ta cũng phải có những cuộc đối đầu trực tiếp với thiết giáp Bắc Việt. Những chiến xa hạng nhẹ M41 và thiết kỵ M113 trên nguyên tắc, không thể so sánh và đương cự được với T54, cần phải có một loại chiến xa có tầm vóc và hỏa lực tương đương, từ đó sự cần thiết phải thành lập thêm một hay nhiều thiết đoàn đặc biệt nữa là điều rất rõ ràng.
Lực lượng Kỵ Binh bảo vệ vùng giới tuyến khu phi quân sự phía Nam vĩ tuyến 17 và sông Bến Hải, phía Việt Nam Cộng Hòa chỉ có ba Thiết Đoàn 7, 11 và 17 Kỵ Binh bao quát một vùng lãnh thổ bao la hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên. Trong khi đó, lực lượng Kỵ Binh hùng hậu của Hoa Kỳ đang dần dần rút về nước, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nhận định rằng, phải cần ít nhất một thiết đoàn chiến xa nặng để làm lực lượng trừ bị, hầu đáp ứng tức khắc nhu cầu chiến trường của phía Bắc và Tây Vùng 1 Chiến Thuật (ngày 1.7.1970, bốn Vùng Chiến Thuật được cải danh thành bốn Quân Khu). Phía Hoa Kỳ đã chọn lựa chiếc M48 mà lúc đó đã được dùng rộng rãi từ lâu trong các đơn vị chiến xa Mỹ trên chiến trường Việt Nam. Bộ Tổng Tham Mưu quyết định thành lập Thiết Đoàn 20 Kỵ Binh chiến xa nặng trong một Sự Vụ Văn Thư ngày 31.7.1971.
Công cuộc huấn luyện thiết đoàn tân lập không phải dễ dàng và hết sức nhiêu khê. Chương trình giảng huấn được khởi đầu từ Căn Cứ Ái Tử ở phía Tây Bắc thành phố Quảng Trị và phía Bắc sông Thạch Hãn, nhưng tiến trình phát triển rất chậm chạp bởi nhiều trở ngại, đặc biệt là vấn đề bảo trì. Khoảng 60% M48 do Kỵ Binh Hoa Kỳ bàn giao lại đều bị nhiều hư hỏng vượt quá khả năng sửa chữa của các Kỵ Binh Việt Nam. Cơ phận thay đổi và sách kỹ thuật đều đã mất tất cả, rồi sự khác biệt ngôn ngữ cũng là chuyện đau đầu cho huấn luyện viên Mỹ. Trong thời gian này thì Bộ Tổng Tham Mưu cũng đã soạn thảo kế hoạch thành lập một sư đoàn giới tuyến là Sư Đoàn 3 Bộ Binh vào cuối tháng 10.1971, nhưng MACV không bảo trợ dự án này. Tuy vậy, nhu cầu cấp bách thay thế các sư đoàn Bộ Binh Hoa Kỳ rút đi đã buộc Bộ Tổng Tham Mưu gấp rút thành lập Sư Đoàn Hỏa Tuyến. Trung Đoàn 2 Bộ Binh và Thiết Đoàn 11 Kỵ Binh thiện chiến của Sư Đoàn 1 Bộ Binh được điều động qua làm cái cột xương sống chủ lực cho Sư Đoàn 3 để dìu dắt hai Trung Đoàn 56 và 57 non trẻ.
Ngày 1.2.1972, chương trình huấn luyện chiến thuật hành quân Kỵ Binh được tổ chức trên những ngọn đồi phía Tây thành phố Quảng Trị và đã được lượng giá rất cao khi đến giai đoạn cuối. Chỉ có một khuyết điểm khá là quan trọng. Kỵ Binh Việt Nam đã không bảo trì đúng mức qui định trước, trong và sau khi hành quân. Khuyết điểm này dần dần được cải thiện, với tấm gương quân phong quân kỷ của Trung Tá Nguyễn Hữu Lý, Thiết Đoàn Trưởng, một sĩ quan Thiết Giáp cực kỳ gương mẫu và đầy tinh thần trách nhiệm. Trung Tá Lý luôn mặc quân phục thẳng nếp, tóc hớt ngắn, bút nịt đồng (khóa dây nịch) luôn sáng choang, giày đánh bóng đúng tiêu chuẩn quân trường. Ông yêu cầu binh sĩ, sĩ quan của ông cũng phải có tác phong như vậy. Mỗi Kỵ Binh phải hãnh diện được đứng dưới lá cờ của một binh chủng của những người quí phái theo truyền thống Kỵ Binh Pháp: Những Noble Man ngoại hạng dưới lá Quân Kỳ của Thiết Đoàn Chiến Xa M48.
Nhưng trên hết, Trung Tá Lý luôn kiểm soát những con thần mã của ông và đòi hỏi các Kỵ Binh phải luôn chăm sóc chúng nó bóng loáng, vô dầu mỡ đầy đủ, đại bác 90 ly phải được thông nòng thường xuyên, cứ y như là đoàn quân của ông sắp sửa tham dự một cuộc diễn hành trong ngày Quân Lực 19.6 hay ngày Quốc Khánh 1.11. Nhiều sĩ quan cố vấn Kỵ Binh Hoa Kỳ đã rất nễ phục cung cách trân trọng chiến cụ của Trung Tá Lý. Với cung cách đó, tinh thần đó, chỉ với 50 chiếc M48 ít ỏi mà Thiết Đoàn 20 Chiến Xa đã viết nên thành những trang kỳ tích phi thường trong Mùa Hè Đỏ Lửa, khi đương đầu với hàng trăm chiến xa địch. Trước khi được đề bạt làm Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 20 Chiến Xa, thì Trung Tá Lý đã là Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 4 Kỵ Binh thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh. Thiết Đoàn 4 Kỵ Binh được các nhà quân sử Thiết Giáp và cố vấn Hoa Kỳ ca ngợi là một thiết đoàn thiện chiến, bách thắng.
Buổi sáng sớm ngày 30.3.1972, hàng trăm trái hỏa tiễn, súng cối và đại bác tầm xa của cộng sản Bắc Việt đã đồng loạt dội những cơn bão pháo khủng khiếp xuống tất cả những căn cứ của Sư Đoàn 3 Bộ Binh và Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến trên vòng đai phía Bắc và Tây Quảng Trị và dọc theo Quốc Lộ 1 trong vùng các quận Gio Linh, Cam Lộ và Đông Hà. Căn Cứ Ái Tử, nơi đặt Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh của Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai cũng hứng pháo.
Lần đầu tiên, quân ta nghe tiếng départ rất lạ của một loại pháo, chưa kịp phán đoán và xoay sở ra sao, thì những tiếng nổ chát chúa kinh hồn đã bao trùm lên căn cứ. Khoảng cách giữa tiếng đầu đạn được tống đi và tiếng chạm nổ cực kỳ ngắn, ngắn đến nỗi vừa nghe tiếng bắn đi thì tiếng nỗ đã vỡ bùng ra, đất đá, cát bụi cuốn tung mù mịt. Đó là loại đại pháo sơn chiến 130 ly lần đầu tiên được cộng quân sử dụng trên chiến trường Miền Nam. Sư Đoàn 3 Bộ Binh được chọn làm mục tiêu đầu tiên. Hà Nội muốn ngay trong những loạt đạn đầu dành cho những chiến sĩ giới tuyến sự ngạc nhiên và hoảng hốt cực độ.
Trong cơn bão lửa đại pháo đó, ba chục ngàn quân cộng sản Bắc Việt thuộc các Sư Đoàn 304, 308, hợp cùng 400 chiến xa đủ loại thuộc hai trung đoàn thiết giáp, năm trung đoàn pháo binh, ba trung đoàn bộ binh độc lập, một tiểu đoàn Đặc Công ồ ạt và hung hãn tràn qua sông Bến Hải uy hiếp các căn cứ của quân ta và chia quân tiến đánh các quận Gio Linh, Đông Hà, Cam Lộ mở đầu cho cuộc tổng tấn công trên khắp bốn quân khu Việt Nam Cộng Hòa. Quân số tổng cộng của địch tương đương sáu sư đoàn.
(Các sử gia Việt lẫn Mỹ không cho biết cách thức quân Bắc Việt “tràn qua sông Bến Hải” như thế nào. Vượt sông bằng thuyền, phà, bè, ca nô, cầu phao.v.v..? Có thể là quân BV đã âm thầm chuyển quân từ Lào sang khu phi quân sự DMZ (Demilitarized Zone) ở sát phía Nam sông Bến Hải. Tại sao lại là bất ngờ, khi mà máy móc điện tử phát hiện chuyển động ồ ạt, rầm rộ của quân địch của quân Mỹ rất chính xác và tinh xảo. Và không ảnh nữa? Phải đợi đến khi quân địch tràn ngập Nam Bến Hải, Không Quân và Hải Pháo Hoa Kỳ mới can thiệp giúp Sư Đoàn 3 của chúng ta. Có thể đây là kế dụ rắn ra khỏi hang để đập đầu chăng?)
Những báo cáo khẩn cấp của các căn cứ tới tấp gửi về Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh. Là một sư đoàn tân lập được thiết trí trấn giữ những căn cứ có nhiệm vụ an ninh chiến thuật hơn là đương đầu với một cuộc tổng tấn công liên binh chủng của cộng quân, các đơn vị nhỏ cấp tiểu đoàn của Sư Đoàn 3 Bộ Binh với vũ khí yếu kém và những pháo đội 105 ly không với tới được những vị trí pháo tầm xa của địch đã gồng mình chiến đấu trong một cuộc chiến qui ước mà Sư Đoàn chưa được chuẩn bị đầy đủ. Nhiều căn cứ đã phải xin lệnh rút lui. Pháo địch tiếp tục cày nát công sự chiến đấu mỏng manh của quân ta.
Thiếu Tướng Nguyễn Văn Toàn, Chỉ Huy Trưởng Thiết Giáp kiêm Phụ Tá Hành Quân Quân Đoàn I đã lên trực thăng bay vào Căn Cứ Ái Tử họp với Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai, người hùng Hạ Lào 719, Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh. Tình hình càng lúc càng tồi tệ khi hầu như những căn cứ phía Tây khu phi quân sự đều thất thủ hay đã triệt thoái, nhưng Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh vẫn chưa khẳng định được đâu là điểm tấn công chính của địch. Thiếu Tướng Toàn đề nghị Chuẩn Tướng Giai đừng sử dụng Thiết Đoàn 20 Kỵ Binh vội, mà hãy giữ lại làm lực lượng trừ bị sư đoàn, từ đó sẽ tung ra cuộc phản công khi cần thiết. Chuẩn Tướng Giai đồng ý và ra lệnh Trung Tá Nguyễn Hữu Lý dẫn dắt Thiết Đoàn về ngay Căn Cứ Ái Tử.
Mặt trận hỏa tuyến bước sang ngày 1.4.1972, tin tức bất lợi từ những căn cứ hỏa lực đang hứng chịu những cơn bão pháo, những cuộc tấn công cường kích của bộ binh và xe tăng địch dồn dập gửi về Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh. Hầu như không còn lực lượng nào còn hiện diện ở bờ Bắc con sông Hiếu Giang, sông Đông Hà và sông cửa Việt. Cả ba con sông này chỉ là một, sông Hiếu Giang thượng nguồn xuất phát từ vùng núi cao Trường Sơn, nhưng khi nó chảy qua Đông Hà và Cửa Việt thì đã mang tên của địa danh đó. Hỏa lực yếu và trang bị chưa được đầy đủ của chiến sĩ Sư Đoàn 3 Bộ Binh khó thể chống ngăn hỏa lực quá mạnh của cộng quân, cộng thêm với thời tiết xấu ngăn cản Không Quân Việt – Mỹ yểm trợ, quân ta đã phải tháo lui ra khỏi các căn cứ. Hải pháo Hoa Kỳ ngoài khơi Quảng Trị đã hoạt động tích cực, làm chậm một phần nhỏ vận tốc tiến quân của địch. Hình ảnh tháo lui đó đã được báo chí, truyền thông Tây phương tô vẽ như là một cuộc bỏ chạy hoảng loạn. Nhưng thực sự thì những chiến sĩ thiện chiến của Trung Đoàn 2 Bộ Binh, thậm chí Trung Đoàn 57 Bộ Binh tân lập đã đánh thiệt hại nặng cho quân địch, trước khi chịu lìa khỏi những căn cứ mỏng manh của mình.
Trung Đoàn 2 và 57 Bộ Binh lập kỳ công, cùng với Địa Phương Quân Quảng Trị và Tiểu Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến, trong suốt 30 ngày dài của tháng 4.1972, các chiến sĩ đã chận đứng bước tiến công vũ bão của địch tại chiến tuyến Đông Hà. Cũng chính là ở tại Đông Hà, đoàn kỵ mã bóng loáng của Trung Tá Nguyễn Hữu Lý đã bắn cháy nhiều chiến xa địch, góp phần kéo dài thời gian chờ viện binh ra mở cuộc phản công.
Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai, Tư Lệnh mặt trận, sáng ngày 1.4.1972 đã điều động Thiết Đoàn 20 Kỵ Binh lên Cam Lộ tiếp ứng cho Thiết Đoàn 11 Kỵ Binh của Sư Đoàn 3 Bộ Binh giải tỏa áp lực địch dọc theo Quốc Lộ 9 từ Ái Tử đi Cam Lộ và Căn Cứ Carroll (Tân Lâm) của Trung Đoàn 56 Bộ Binh. Cùng hành quân với Thiết Đoàn 20 Kỵ Binh là Tiểu Đoàn 3 Sói Biển Mũ Xanh của Thiếu Tá Lê Bá Bình. Trung Tá Lý chở quân Mũ Xanh băng đường đồng ở hướng Tây Nam Đông Hà. Trên con đường này, các đơn vị 20 Chiến Xa đã bất ngờ chạm trán với một lực lượng phục kích địch mà đang chờ đoàn xe của quân ta.
Các chiến sĩ Mũ Đen và Mũ Xanh đã nhanh chóng hủy diệt lực lượng này. Chúng làm sao đương cự nỗi với thành phần ưu tú của các Kỵ Binh về qui tụ dưới cờ của Thiết Đoàn 20 Kỵ Binh, và Tiểu Đoàn 3 Sói Biển Mũ Xanh. Tù binh đã cung khai rằng chúng thuộc thành phần của trung đoàn chiến xa địch có nhiệm vụ đi theo bộ đội để tịch thu và lái chiến xa của quân ta. Đoàn thiết mã M48 tiếp tục xông lướt về hướng Cam Lộ, mà từ xa đã trông thấy những cột lửa khói bốc lên ngùn ngụt.
Buổi sáng sớm ngày 2.4.1972, Thiết Đoàn 20 Chiến Xa nhận được báo cáo, rằng hàng chục ngàn quân bộ binh và hàng trăm xe tăng Bắc Việt ầm ầm tiến xuống uy hiếp Đông Hà, đã đưa đến mệnh lệnh của Chuẩn Tướng Giai gọi Thiết Đoàn 20 Chiến Xa và Tiểu Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến phải cấp tốc trở lại, rồi sẽ vượt qua bờ Bắc cầu Đông Hà để nghênh chiến với T54 địch. Thiết Đoàn 20 Kỵ Binh lại hối hả chở Tiểu Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến theo Quốc Lộ 9 về hướng Đông. Làn sóng đồng bào hãi sợ cộng sản vẫn cuồn cuộn chảy trên đường, đoàn thiết mã lại phải đánh một vòng theo hướng Tây Nam bọc dưới thị trấn Đông Hà rồi tiến lên hướng Đông để đi qua cây cầu Đông Hà. Nhưng khi đã đến được phía Nam cầu Đông Hà, thì phía bờ Bắc cầu, quân địch đang rầm rộ xông tới, đã có thể nghe tiếng xích sắt xe tăng địch nghiến trên con đường nhựa Quốc Lộ 1 rổn rảng đến buốt óc.
Sáu trăm chiến sĩ Mũ Xanh đã đào hầm hố bên bờ Nam sông Đông Hà, cấp tốc thiết lập ngay một chiến tuyến dài 500 thước, tính trung bình cách 1 thước là một cái hố chiến đấu. Chiến tuyến Đông Hà ngăn chống đạo quân Sư Đoàn 304, 308 và hai trung đoàn xe tăng cộng sản Bắc Việt chỉ có thế, chiều sâu phòng thủ của chiến tuyến không quá 4 tấc, tức là bề dầy thân thể của một người lính Thủy Quân Lục Chiến. Nhờ chiến tuyến này mà Chuẩn Tướng Giai đã có thể điều động Trung Đoàn 2 và 57 Bộ Binh của ông rải quân hai bên Tiểu Đoàn 3 Sói Biển về hướng Tây đến gần Cam Lộ và về hướng Đông ra đến biển tiếp giáp với tuyến của Địa Phương Quân – Nghĩa Quân Quảng Trị ở Cửa Việt. Cuộc quyết chiến Đông Hà bắt đầu.
Trung Tá Nguyễn Hữu Lý, Thiết Đoàn Trưởng 20 Chiến Xa đã phối trí 50 chiếc M48 để chống với ít nhất 200 chiến xa cộng quân như sau:
- Chi Đoàn 1/20 của Đại Úy Đặng Hữu Xứng lên trấn giữ một cao địa 3 cây số hướng Tây Đông Hà để kiểm soát hướng xâm nhập của địch từ Cam Lộ trên Quốc Lộ 9 và từ Tỉnh Lộ 559. Cao điểm này cây cối rậm rạp nhưng tầm quan sát rất thoáng và xa đến nhiều cây số.
- Chi Đoàn 2/20 của Đại Úy Hà Mai Khuê di chuyển về phía Nam Đông Hà để theo dõi những chuyển biến trên Quốc Lộ 1 phía sau lưng và sẵn sàng cơ động khi cần.
- Chi Đoàn 3/20 của Đại Uý Đoàn Chí Sanh rải quân bên trong thị trấn Đông Hà để trực tiếp đương đầu với bộ binh và thiết giáp địch, ngăn chận không cho chúng tràn qua cầu. Nhiệm vụ của Chi Đoàn thật nặng nề, chỉ với hơn chục chiếc M48 mà phải đánh nhau với hàng trăm chiến xa địch.
Buổi trưa cùng ngày, các chiến sĩ Chi Đoàn 1/20 đang trông chừng hoạt động địch ở hướng Tây Quốc Lộ 9, thình lình đã phát hiện một đoàn xe tăng đông đảo của cộng quân đang rùng rùng tuôn xuống Quốc Lộ 1 về phía hướng Bắc cầu Đông Hà. Những máy ngắm tối tân của M48 đã có thể nhìn thấy xe tăng địch ít nhất từ 3 miles trước khi chúng nhìn thấy quân ta. Cẩn thận hơn, Đại Úy Đặng Hữu Xứng cho con cái ông ẩn núp và ngụy trang dưới những chòm cây thấp rậm rạp trên đồi. Đoàn chiến xa địch kéo thành một hàng dọc nối nhau ầm ầm di chuyển trên con lộ. Quân địch mới gặt hái vài chiến thắng ban đầu trong những ngày qua đã tỏ ra rất kiêu ngạo, tưởng rằng đã có thể dẫm nát cỏ Miền Nam dưới những chiếc dép râu và sẽ vào “tiếp thu” Đông Hà dễ dàng.
Được trang bị bằng cái án tử hình đó, đoàn chiến xa địch đã vào vùng tử địa mà không hề hay biết. Những chiếc máy nhắm Rangefinder của M48 có thể nhìn thấy xe tăng địch rất rõ ràng từ hơn 3 dặm (khoảng 4 km 8). Trên màn hình máy tính, chiếc xe tăng địch đã nằm ngay điểm tác xạ hữu hiệu. Mười một chiếc M48 đã chọn xong cho mình một “con mồi” trong đám T54 và PT76.
Khi đoàn xe tăng địch đã lọt vào trong khoảng cách 2 cây số rưỡi đến 3 cây số, những khẩu đại bác 90 ly của Chi Đoàn 1/20 đã đồng loạt dậy lên những chuỗi sấm rền của trừng phạt. Trong giây phút ngắn ngủi, nhiều tiếng nổ chát chúa và những cột lửa đỏ đã vỡ bùng lên trong đội hình chiến xa địch: 9 chiếc PT76 và 2 chiếc T54 bị hủy diệt, có nghĩa là tất cả 11 xe M48 của Chi Đoàn 1/20 đã có một cuộc thực tập tác xạ thực địa đạt đến 100% hiệu quả.
Đội hình địch hỗn loạn ngay, bộ binh ôm súng nháo nhác chạy túa ra mọi hướng. Những lái xe chiến xa địch phía sau cuống cuồng quày xe chạy lung tung trên cánh đồng cát giữa những cơn gió Lào nóng nung người làm đích nhắm thực tập tác xạ của những M48. Những chiếc xe tăng địch may mắn sống sót đã hối hả quày đầu chạy trở ngược về hướng Bắc. Trong điện đàm vô tuyến của địch, hiệu thính viên của ta đã nghe được những báo cáo hốt hoảng của cấp chỉ huy đoàn thiết giáp địch, đã bối rối không hiểu tại sao có những loạt đạn lạ dội lên đội hình chiến xa, mà chẳng trông thấy hay biết được hướng xuất phát, và cho là loại vũ khí tối tân mới của Hoa Kỳ. Viên chỉ huy địch bị cách chức.
Thiếu Tá Hà Mai Khuê (lúc đó là Đại úy Chi Đoàn Trưởng 2/20 Kỵ Binh) đã chỉ huy đơn vị của mình trong trận đánh phối hợp tại căn cứ Phượng Hoàng ngày 9 tháng Tư năm 1972 (trong chiến dịch phản công Hè đỏ lửa tại tuyến đầu Quảng Trị) tiêu diệt khẩu đại liên 12.8 mm cộng sản trên pháo tháp chiếc tăng Morinco Type 59 (danh số ẩn tế T-59 của Trung cộng (Chinese MBT/ Morinco Battle Tank) từ trí tuệ kỹ thuật chiếc T-54 của Liên xô, nói cách khác là "hàng nhái" sở trường của Trung cộng) và ngay sau đó trọn xa đội và đơn vị tùng thiết của quân Bắc Việt bị đơn vị TQLC trong phối hợp hành quân tiêu diệt và chiếc chiến xa này bị chiến sĩ thiết giáp Chi Đoàn2/20 bắt sống.
Chiến lợi phẩm T-59 này được trưng bày trong cuộc họp báo quốc tế và triển lãm vũ khí tịch thu của cộng sản Hà Nội tại thủ đô Saigòn sau đó.
Giữa chiến thắng lớn ngày 2.4.1972, một tin nức lòng khác đã bay đến chiến truyến Đông Hà. Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh của Đại Tá Nguyễn Trọng Luật đang trên đường đến tăng viện mặt trận. Những chiến xa M41 và thiết vận xa M113 của Thiết Đoàn 17 Kỵ Binh từng bắn hạ xe tăng địch trên chiến trường Hạ Lào giờ đây sẽ có cơ hội lập lại chiến tích đó. Đại Tá Luật được Chuẩn Tướng Giai ủy nhiệm làm Tư Lệnh mặt trận Đông Hà, chỉ huy Thiết Đoàn 20 Kỵ Binh, Thủy Quân Lục Chiến và Bộ Binh. Khi được biết trước đó Sư Đoàn 3 Bộ Binh đã hai lần đặt mìn giật sập cầu Đông Hà nhưng không phá hủy nổi, Đại Tá Luật quyết định giữ nguyên cây cầu để chờ cơ hội vượt qua phản công.
Quyết định này lại do một phần lớn từ một kỳ công phi thường của một người lính Thủy Quân Lục Chiến. Trung Sĩ Huỳnh Văn Lượm nằm sau những chiếc thùng gỗ Pháo Binh đầy cát, với hai khẩu M72 đã bắn hư hại pháo tháp một T54 khi nó định vượt cầu xông qua, đã làm cho toàn đội hình chiến xa địch phải chạy trở về hướng Bắc vài cây số án binh bất động chờ lệnh. Rồi tiếp theo là cuộc xa chiến 2.4.1972 hủy diệt nhiều chục chiếc nữa, đã làm cho đoàn quân xâm lấn cộng sản hoàn toàn bị chận đứng tại chiến tuyến Đông Hà. Đại công này thuộc về Trung Sĩ Mũ Xanh Huỳnh Văn Lượm và Thiết Đoàn 20 Chiến Xa.
Giữa lúc quân ta có vẻ thắng thế và Đại Tá Luật có thể đưa đoàn thiết mã của ông xông qua cầu đánh đuổi giặc, thì một sự kiện bất lợi không mong muốn đã xảy ra. Một chiếc phản lực cơ Hoa Kỳ bị phòng không địch bắn rơi, viên phi công nhảy dù rơi xuống vùng kiểm soát của địch. Phía Hoa Kỳ yêu cầu Quân Đoàn I ra lệnh cho quân ta không dội hỏa lực xuống điểm rơi một khu vực có đường bán kính chừng 27 cây số tính từ Đông Hà nhiều tiếng đồng hồ, để phi cơ trực thăng tìm cứu người phi công. Khu vực ngưng bắn này bao phủ hầu hết diện tích phía Bắc cầu Đông Hà, quân ta không làm gì được, chỉ có thể bất lực nhìn đoàn quân cộng sản thong dong tiến xuống phía Nam. Cho đến 10 giờ đêm, lệnh ngừng bắn mới được hủy bỏ, thì quân ta đã bị lấy mất thế thượng phong, cuộc phản công của Đại Tá Luật không bao giờ có nữa, khi mà chiếc cầu Đông Hà cuối cùng cũng đã bị phá sập để ngăn chận đoàn chiến xa địch.
Hoạt động của quân địch trong vài ngày kế tiếp tương đối nhẹ, tuy rằng đã tổ chức vài cuộc tấn công bộ binh sau những trận pháo dập dữ dội. Tiền sát viên pháo binh Bắc Việt luôn bám sát gần vị trí của quân ta, nên mức độ chính xác rất cao và gây thiệt hại không ít cho quân phòng thủ Đông Hà. Để tránh pháo, các đơn vị quân ta phải di chuyển thường xuyên, nhưng được một thời gian thì pháo địch vẫn cứ ùng oàng dội xuống ngay giữa vị trí. Điều đó chứng tỏ tiền sát viên pháo binh Bắc Việt bám rất sát mọi cử động của quân ta, nhưng phía ta lại không thể phát giác được chúng.
Ngày 3.4.1972, quân ta phát hiện một chiếc xe Jeep cứ chạy lên chạy xuống khu vực gần thị trấn Đông Hà trông rất khả nghi, bèn bao vây bắt giữ nó. Trên xe là một tiền sát viên Việt cộng ăn mặc giả dạng sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, có máy truyền tin liên lạc, trong người hắn có nhiều giấy tờ quân vụ với nhiều tên khác nhau, có lẽ là lấy được trên xác những tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Đó chỉ là một trong hàng trăm cuộc giả mạo của Việt cộng, nhiều lúc chúng ăn mặc áo rằn ri của quân ta nhưng lại hớ hênh mang dép râu. Hoặc nếu có mang giày thì khi cởi chân trần, nhìn hai cái lằn tréo của dép râu trên mu bàn chân, thì đích thực chúng là vẹm.
Trận xa chiến lớn ngày 9.4.1972
Cuộc xa chiến lớn thứ nhì đã nổ bùng lên trong ngày 9.4.1972, khi Thiết Đoàn 20 Chiến Xa tham chiến, mà đã dậy lên niềm phấn chấn của quân ta trên khắp mặt trận Trị – Thiên, Kontum và An Lộc. Chi Đoàn 1/20 ngày 3.4.1972 theo lệnh Trung Tá Nguyễn Hữu Lý di chuyển lên những cao địa về hướng Tây Đông Hà thêm vài cây số để khống chế giao lộ giữa Quốc Lộ 9 và Tỉnh Lộ 559. Một cánh quân địch với bộ đội và thiết giáp hùng hổ vượt cầu Cam Lộ tiến về Đông Hà.
Muốn chiếm Đông Hà thì phải đánh Căn Cứ Phượng Hoàng do Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến trấn giữ. Căn Cứ Phượng Hoàng, giống như những căn cứ trên vùng phi quân sự, không có những công sự kiên cố, mà chỉ là những đường giao thông hào, hầm hố. Bộ chỉ huy Tiểu Đoàn trú trong những chiếc thùng Conex, do Công Binh thiết lập, nối liền và được đào âm xuống lòng đất một nửa. Một bãi mìn chống chiến xa được thiết trí phía Tây căn cứ.
Cuộc hủy diệt thảm khốc ngày 2.4.1972 được lập lại, khi đoàn xe tăng địch vào tầm tác xạ 2,800 thước của Chi Đoàn 2/20 Chiến Xa của Đại Úy Kỵ Binh Hà Mai Khuê tiếp viện Tiểu Đoàn 6 TQLC. Khi hàng loạt đại bác 90 ly bắn cháy nhiều chiến xa địch, những chiếc còn lại đã hoảng loạn chạy xuống những cánh đồng ruộng khô, làm mục tiêu cho hàng trăm khẩu M72 của Tiểu Đoàn 6 Thần Ưng TQLC. Khi trận chiến tàn, 16 chiếc T54 bị bắn cháy nằm la liệt khắp Căn Cứ, trên bãi mìn, ngoài vòng rào phòng thủ và trên đồng ruộng.
Một chiếc T59 do Trung cộng sản xuất bị bắt sống, quân ta lái ngay về Quảng Trị và đem về Huế triễn lãm.Trung Sĩ Kỵ Binh Phan Ngọc Tuấn, xa trưởng một chiếc M48 của Chi Đoàn 2/20 đã lập kỳ công khi anh bắn hạ nhiều T54 của địch. Một chiếc trốn chạy nấp sau một căn nhà trống, nhưng Trung Sĩ Tuấn đã dùng ống dòm trông thấy cần ăng ten của nó lấp ló, anh chơi một phát đại bác 90ly thổi văng cây đại liên 12ly7 trên pháo tháp và bắt sống chiếc tăng này. Nhưng cuộc đối đầu giữa hai lực lượng chiến xa đã có vài dấu hiệu bất lợi cho quân ta, khi cộng quân nhận được loại hỏa tiễn hữu tuyến cầm tay AT3 Sagger từ Liên Sô. AT3 được điều khiển bằng một cái cần giống như trò chơi game ngày nay, nó bay đến mục tiêu theo ý muốn của người điều khiển với vận tốc 120m/giây và tầm hữu hiệu 500 thước. AT3 đã bắn cháy 1 chiếc M48 và 1 chiếc M113. Tuy vậy, sau này nhận thấy tốc độ của AT3 khá chậm, nên Kỵ Binh của quân ta chờ cho nó tà tà bay đến gần sẽ khéo léo bẻ lái tránh. Chiếc hỏa tiển bay vèo tuốt luốt qua khỏi và nổ bùng, bởi người điều khiển nó không thể cho chiếc hỏa tiễn “quẹo” lại được. Nhưng AT3 rất ghê gớm, không bắn xe tăng thì nó bắn công sự nổ tung tan tành còn hơn B40, B41 nữa.
Cũng nên nhắc lại một vài giai thoại lý thú trong trận xa chiến, với sự có mặt của Bác Sĩ Quân Y Trung Chỉnh, Y Sĩ Trưởng Tiểu Đoàn 6 TQLC. Ông người sinh trưởng tại Mỹ Tho, là sinh viên xuất sắc và hào hoa của Đại Học Y Khoa Sài Gòn, ông còn nổi danh là một ca sĩ tài danh, đã thu âm rất nhiều nhạc phẩm, từng song ca với nhiều nữ ca sĩ nổi tiếng như Hoàng Oanh. Chẳng những thế mà ông còn rất điêu luyện trong lãnh vực cổ nhạc, đàn lục huyền cầm không chê vảo đâu được. Mùa hè năm 1972, vừa ra trường là ông đã chọn ngay binh chủng hào hùng Thủy Quân Lục Chiến, sống hùng sống mạnh nhưng không sống… lâu. Và ông đã được thảy ngay vào lò lửa Phượng Hoàng do Tiểu Đoàn 6 Mũ Xanh của Trung Tá Đỗ Hữu Tùng trấn đóng.
Những ký ức trận chiến Phượng Hoàng hãy còn tươi đậm trong lòng người y sĩ trẻ, thì trong cuộc đại phản công Lôi Phong của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, tháng 8.1972, Trung Úy Trung Chỉnh lại cùng Tiểu Đoàn 1 Quái Điểu nhảy xuống Triệu Phong, cách thành phố Quảng Trị 2km về hướng Đông Bắc, đoàn trực thăng CH47, CH53 không vận toàn tiểu đoàn đáp ngay cho trên đầu một trung đoàn BV. Lại một lò lửa kinh thiên khác đón chào người y sĩ trẻ. Cuộc không vận đưa Tiểu Đoàn 1 TQLC nhảy xuống khu vực đồng bằng Triệu Phong để đập nát những đơn vị của địch không cho chúng tiếp cứu những phần cố thủ trong Cổ Thành Quảng Trị, giúp cho các tiểu đoàn của Sư Đoàn TQLC tấn công tái chiếm Cổ Thành.
Theo lời Đại Úy Hà Mai Khuê, thì Trung Tá Tùng và Bác Sĩ Trung Chỉnh đã cùng ngồi trên chiếc chiến xa chỉ huy M48 của ông tiến vào Căn Cứ Phượng Hoàng. Tại sao lại phải tiến vào. Trung Tá Trần Thiện Hiệu, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Pháo Binh TQLC, kể lại, thì trong những khoảnh khắc đầu, binh sĩ Tiểu Đoàn 6 TQLC lần đầu tiên đối địch với xe tăng, đã khá là núng thế trước đoàn chiến xa T54 hùng hậu của địch, phải lùi dần ra hướng Đông. Bác Sĩ Chỉnh thì kể là xe tăng địch rượt ông… chạy. Chi Đoàn 2/20 vẫn còn đang trên đường đến tiếp viện, nên chiến xa địch đã tràn vào được một phần căn cứ, dù nhiều chiếc cán phải mìn gài.
Trong lúc lửa đạn ùng oàng mịt trời, những chiếc A1 Skyraider của Không Quân Việt Nam xuất hiện tiếp cứu quân ta mặc dù trần mây rất thấp, Không Quân Mỹ từ chối xuất kích, thì Chi Đoàn 2/20 của Đại Úy Hà Mai Khuê cũng đã đến, và trận xa chiến lịch sử bắt đầu.Đây có lẽ là trang sử lừng lẫy nhứt của Đại Úy Khuê và chiến sĩ Chi Đoàn 2/20 M48, đã bắn cháy 10 chiếc T54. (Trong một bài khác chúng ta sẽ nghiêng mình vinh danh trước những anh hùng Không Quân Việt Nam Cộng Hòa Đi không ai tìm xác rơi, Tiếc nuối tấm thân làm gì, đã anh dũng khu trục bọc thây trên vùng trời hỏa tuyến: Trần Thế Vinh, Phan Quang Tuấn, Nguyễn Du, v.v..,). Với chiến công này, Đại Úy Khuê xứng đáng được trao gắn chiếc lon mới Thiếu Tá Nhiệm Chức đặc cách tại mặt trận. Tháng 10.1973, Thiếu Tá Khuê được vinh thăng Thiếu Tá Thực Thụ tại mặt trận.
Rạng sáng ngày 27.4.1972, cấp chỉ huy chiến trường địch quyết định mở cuộc tổng tấn công dứt điểm Đông Hà dọc theo chiến tuyến phía Nam sông Đông Hà và chiến tuyến phía Tây. Chiến tuyến phía Tây được thành lập từ chiến dịch Quang Trung 729, sau chiến thắng 9.4.1972 gồm các Liên Đoàn 4, 5 Biệt Động Quân được gửi ra tăng viện, Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến, Trung Đoàn 2 Bộ Binh và Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân.
Một lực lượng hùng hậu bộ binh, chiến xa địch mở cuộc cường kích rất quyết liệt vào vị trí của Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân của Trung Tá Ngô Minh Hồng và Chi Đoàn 3/20 Chiến Xa. Hỏa lực của địch quá mạnh, chúng dùng chiến thuật biển người để tràn ngập vị trí của Biệt Động Quân. Quân Mũ Nâu và Mũ Đen nhất quyết không lùi, súng chống chiến xa M72 bắn ra rền trời.
Cuộc chiến đấu quá khốc liệt đến đỗi tất cả sĩ quan chỉ huy Chi Đoàn 3/20 đều tử trận hay bị thương, 3 chiếc M48 bị AT3 bắn cháy. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã viết những lời tiếc thương Đại Úy Kỵ Binh Nguyễn Ngọc Bích, danh xưng chiến trường là Bắc Đẩu với nhạc phẩm “Bắc Đẩu” Người chết ba lần thịt xương nát tan. Thật vậy các chiến hữu binh sĩ của ông vừa triệt thoái vừa cố gắng đem thi hài người chỉ huy về Mỹ Chánh, thật bi thương, pháo giặc đã dội lên quan tài Đại Úy đến ba lần, sắt thép còn phải chảy mềm.
Trên khắp chiến tuyến phía Tây, quân ta dần dần bị tràn ngập hay buộc phải tháo lui. Trung Tá Ngô Minh Hồng của Liên Đoàn 5 Mũ Nâu cũng bị thương nặng ở chân. Các Liên Đoàn Biệt Động Quân 1, 4, 5 và các chi đoàn M48 yểm trợ nhau rút lui về hướng Đông Nam. Các tiểu đoàn Mũ Nâu quân số thiếu hụt chưa bổ sung kịp, chiến tuyến quá mỏng, lại không có quân trừ bị phía sau lên tiếp ứng. Trong khi đó thì các đơn vị tươi rói của Bắc Việt thay nhau đánh xa luân chiến.
Mặc dù đã bị thiệt hại rất nặng, nhưng binh đội Bắc Việt vẫn thúc tới quyết liệt, khi đêm xuống thì nhiều đơn vị bộ đội đã khống chế được 4 cây số phía Nam Đông Hà. Chi Đoàn 3/20 trên đường triệt thoái đã bắn hạ được 5 chiếc T54. T54 không phải là đối thủ của M48, nhưng quân Bắc Việt đã có AT3 Sagger tham chiến với nhiệm vụ hủy diệt xe tăng của các thiết đoàn, đặc biệt trong đó Thiết Đoàn 20 Chiến Xa.
Sang đến ngày 28.4.1972, Trung Tá Lý chỉ có dưới quyền ông 18 chiếc M48 còn hoạt động được. Đại Úy Khuê được lệnh đánh mở đường trên phần Quốc Lộ 1 phía Nam Đông Hà và bảo đảm an ninh khu vực cầu Vĩnh Phước. Chi Đoàn 2/20 Chiến Xa đã vướng vào trận địa phục kích của địch ở đây, chỉ một số chiến xa vượt qua được cầu rút về hướng Quảng Trị. Đại Tá Nguyễn Trọng Luật nhận ra rằng, với sự khống chế cây cầu, địch đã hình thành thế chận đường và cô lập Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh bên bờ Bắc sông Vĩnh Phước. Muốn đưa Lữ Đoàn về đến sông Thạch Hãn, con sông chảy ngang thành phố Quảng Trị, phải qua con sông Vĩnh Phước. Đó không phải là chuyện dễ dàng, có lẽ còn phải trả giá bằng sự hy sinh.
Cuộc đột phá của Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh xông qua những chốt chận của địch thật đẫm máu trong vòng hai ngày kế tiếp. Đại Tá Luật có mặt trên một trong hai chiếc M113 chỉ huy chạy ra đến giữa cầu Trường Phước (hay Vĩnh Phước), thì một quả đạn pháo đã làm sập một đoạn cầu, Đại Tá Luật bị thương nặng. Nhưng hai Kỵ Binh lái hai chiếc M113 này đã nhấn ga hết tốc lực mạo hiểm phóng được qua khoảng trống trên cầu. Bảy chiếc M113 khác vẫn còn bị kẹt bên bờ Bắc.
Các Thiết Đoàn 4, 11, 17, 18 và 20 vẫn tiếp tục chiến đấu, nhưng đoạn Quốc Lộ 1 đã bị cắt ở phía Nam, tiếp tế nhiên liệu và đạn được không lên được chiến trường. Đoàn chiến xa phải bỏ Quốc Lộ 1 băng đồng lùi về Quảng Trị, rồi từ đó về Mỹ Chánh. Địa thế vùng địa đầu hỏa tuyến thật quá khắc nghiệt. Những chiếc M48, M41 và M113 lầm lũi chạy trên những cánh đồng sình lầy, những con sông sâu, những con suối dốc ngược và trên hết luôn luôn hứng chịu những loại hỏa tiễn B40, B41 và AT3 cùng pháo địch rải theo từng thước đất. Bước sang ngày 1.5.1972, thì nhiều chiến xa của quân ta đã hoàn toàn nằm bất động. Những giọt xăng cuối cùng đã được đốt hết trong lòng máy, hay đơn giản là bị lún sình.
Ngày 1.5.1972 cũng là ngày đánh dấu cuộc lui quân của tất cả đơn vị tham chiến ở Đông Hà, khi trong những ngày 27 và 28.4.1974 các phòng tuyến đều bị vỡ, quân ta phải rút về Căn Cứ Ái Tử bên bờ Bắc sông Thạch Hãn. Khi được tin các thiết đoàn đã rút xuống phía Nam trên Quốc Lộ 1, nhận định tình hình đã suy sụp đến mức quân ta không còn đủ lực lượng để phòng thủ khu vực chung quanh Cổ Thành hay lập chiến tuyến Thạch Hãn, Chuẩn Tướng Giai họp tất cả các vị chỉ huy trưởng và ban lệnh lui quân về Mỹ Chánh, cuộc hành quân bắt đầu từ sáng ngày 1.5.1972.
Riêng đối với Thiết Đoàn 20 Kỵ Binh, thì ngày 2.5.1972 đánh dấu trang chiến sử bi thảm. Khi các thiết đoàn về đến được Căn Cứ Evans (Hòa Mỹ), thì tất cả M48và M41 không hoàn thành được cuộc hành trình của mình và đã nằm câm nín đâu đó trên vùng đất Quảng Trị, phía bờ Bắc của những con sông Thạch Hãn, Vĩnh Phước và Mỹ Chánh. Chỉ có một số M113 về đến được Huế.
Tuy rằng Thiết Đoàn 20 Kỵ Binh cùng các quân binh chủng tham chiến trong tháng 4.1972 không giữ được Quảng Trị, nhưng trong ròng rã một tháng trời, Thiết Đoàn 20 và quân bạn đã đánh thiệt hại rất nặng tất cả những lực lượng tham chiến của địch, với Lời Thề Bên Giòng Sông Đông Hà của Thiếu Tá Lê Bá Bình: “Chúng ta không được lui quân nữa. Chúng ta ở lại đây và chúng ta sẽ sống chết với Đông Hà”. Chiến sĩ Tiểu Đoàn 3 Sói Biển với quân số 600, sau khi được Lữ Đoàn 147 TQLC thay thế, về đến Huế chỉ còn có 60 chiến sĩ lành lặn dàn hàng chào đón Trung Tướng Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến.
Chỉ có 50 chiến xa, những Kỵ Binh Mũ Đen đã làm tròn trách nhiệm của mình, thậm chí vượt qua cái giới hạn gọi là phi thường. Các anh đã chống chọi lực lượng chiến xa địch với một tỉ số quá lớn 1: 8. Cứ một M48 phải ngăn chống ít nhất tám chiếc T54 của địch. Sức mạnh của đạo quân sáu sư đoàn cộng sản Bắc Việt đã bị giảm đi một nửa, tốc độ tiến quân của chúng bị chậm lại và hoàn toàn bị Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến của Đại Tá Phạm Văn Chung triệt tiêu thành con số 0 tại chiến tuyến Mỹ Chánh. “Không một tên Việt Cộng nào qua sông Mỹ Chánh mà toàn xác trở về”.Đó là lời thề của Đại Tá Chung, khi ông trả lời vị cố Mỹ, rằng liệu Lữ Đoàn 369 TQLC xuôi Nam hay không.
Để chấm dứt loạt bài biên khảo này, kính mời quý huynh trưởng và độc giả cùng theo dõi một bài phóng sự ngùn ngụt lửa đỏ của phóng viên chiến trường SAO BẮC ĐẨU, về một cuộc chiến đấu kỳ dị, lạ lùng nhưng rất anh dũng của một chiếc chiến xa M48 lạc loài giữa trùng vây của địch, một Triệu Tử Long của thời lửa binh. Trong cuộc đấu súng tăng với tăng, một chiếc M48 của Thiết Đoàn 20 Kỵ Binh không hiểu bởi lý do gì, có thể là vì đã hăng say xông xáo quá sâu vào tuyến địch, nên nó đã chiến đấu cách biệt với những chiến xa bạn trong Chi Đoàn 2/20 của Đại Úy Hà Mai Khuê. Chiếc chiến xa lạc loài này đã bị đến 9 chiếc T54 truy đuổi. Còn hình ảnh nào hào tráng hơn, khi một M48 tả xung hữu đột giữa vòng vây của những T54 mà vẫn ngang tàng giương súng đối địch.
Chúng ta tri ân sự dũng cảm phi thường của những phóng viên chiến trường, mà nếu không có các anh, thì những trang sử lẫm liệt của QLVNCh sẽ nhiều lúc bị bỏ trắng. Chúng ta cùng theoSao Bắc Đẩu ra mặt trận qua bài viết NGÀY XA CHIẾN LỚN MÙNG 9 THÁNG 4 đăng tải trên báo Chiến Sĩ Cộng Hòa ấn hành trong năm 1972:
“Diễn biến đầu tiên mà tôi ghi nhận được của trận xa chiến lớn ngày 9.4.1972 là một sự việc khá ngộ nghĩnh, khó giải thích nhưng lại là điều thường xảy ra trên chiến trường: Người Thiếu Tá phi công của chiếc trực thăng đang đưa chúng tôi ra mặt trận quay lại nói với Thiếu Tướng Nguyễn Văn Toàn, Phụ Tá Hành Quân Quân Đoàn I:
- Một chiếc M48 của mình gặp hai chiếc T54 của nó. Hai bên cách nhau 100 thước.
Sự kiện này khó giải thích ở nhiều dấu hỏi như: Tại sao chiếc M48 lại đi một mình? Cả hai loại M48 và T54 đều là những chiến xa nặng được trang bị nhiều loại súng bắn xa, tại sao hai bên lại tiến gần nhau chỉ 100 thước? Những dấu hỏi này chỉ có thể do chính người xa trưởng của chiếc xe tăng này trả lời. Tôi không có dịp tìm gặp anh. Người Thiếu Tá phi công lại báo cáo với Thiếu Tướng Toàn những diễn biến mới mà anh vừa nghe được qua máy truyền tin:
- Chiếc M48 bắn cháy một chiếc T54 rồi bỏ chạy!
Thiếu Tướng Toàn, vị Tư Lệnh Phó của chiến trường Giới Tuyến cau mặt hỏi lại:
- Chiếc nào bỏ chạy?
- M48 của mình.
Tôi đoán được cái thắc mắc của Tướng Toàn: hoặc chiếc M48 bỏ chạy ngay từ đầu, hoặc nó phải bắn luôn chiếc thứ nhì khi đã khai hỏa. Hành động bắn cháy một chiếc T54 và hành động bỏ chạy là những việc làm mâu thuẫn với nhau. Có thể người xạ thủ và người lái xe đã tự quyết định riêng lẽ với nhau. Đọc đến đây, chắc nhiều độc giả quân nhân đã tự hỏi: Vậy người trưởng xa đâu? Tại sao anh ta không chỉ huy? Tôi xin viết lại lần thứ nhì câu tôi vừa viết ở đoạn trên. Những dấu hỏi này chỉ có một người trả lời được, là người trưởng xa. Và tôi đã không có dịp tìm gặp anh ta.
Lần thứ ba, vị Thiếu Tá quay lại. Anh cho Tướng Toàn biết diễn tiến giờ chót: Chiếc M48 đang bỏ chạy trước một chiếc T54 đang đụng phải 7 chiếc T54 khác sau lưng. Đến giờ này, ngồi tại tòa soạn viết bài, tôi thấy rằng biến chuyển này ngộ nghĩnh, khó giải thích, nhưng nó là việc thường xảy ra trên chiến trường. Chắc chắn ngay chính Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tư Lệnh Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh cũng không thể giải thích được những dấu hỏi nêu lên quanh cuộc xa chiến giữa một chiếc M48 và 9 chiếc T54 này.
Không ai chỉ huy chiếc xe đó đi phiêu lưu một mình vào giữa đất địch cả. Và cũng không có người xa trưởng nào vừa ra lệnh bắn vào chiến xa địch vừa ra lệnh chạy. Những việc này chỉ là phản ứng trực tiếp và tự nhiên của người lính. Chính vì vậy mà người ta có thể đo lường giá trị của một đơn vị qua những phản ứng của binh sĩ trên chiến trường: được huấn luyện kỹ, có kinh nghiệm chiến đấu già dặn. Phản ứng của người lính thiện chiến thường nhanh chóng và đúng. Ngược lại, loạt súng đầu tiên thường cướp tinh thần của những đơn vị non nớt, thiếu huấn luyện, thiếu kinh nghiệm. Đó là những phân tách mà tôi tìm được khi về đến Sài Gòn. Ngay trong lúc đó, tôi chỉ thấy lo lắng cho chiếc xe “lãng tử”. Quay nhìn Tướng Toàn, tôi thấy ông ra lệnh cho người sĩ quan có máy truyền tin:
- Gọi Pháo Binh cứu “thằng” M48.
Ông cũng bảo viên Thiếu Tá phi công gọi khu trục. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ chiếc trực thăng: mù mịt sương muối và mưa phùn. Đồng hồ cao độ trong máy bay chỉ 600 bộ (chưa đầy 200 thước). Từ những ngày đầu tiên mặt trận giới tuyến bộc phát dữ dội, khu trục cơ Mỹ vẫn từ chối can thiệp trực tiếp vì thời tiết xấu. Chúng ta có thể trách họ nhưng không thể phủ nhận rằng, thái độ từ chối của họ là có lý do. Với một trần mây thấp 200 thước, chỉ có những phi công Việt Nam vì máu chảy ruột mềm mới dám xuất trận. Chúng ta hãy thử hình dung một chiếc xe hơi với một tốc độ 100 cây số / giờ và chúng ta phải thắng đứng trong khoảng 100 thước, để thấy cái khó khăn, sự can đảm vô biên của người phi công Việt Nam. Lao xuống với tốc độ 300 cây số/giờ, các anh chỉ có hơn 100 thước để làm ba việc: nhận định mục tiêu, oanh kích và ngóc lên kịp thời.
Một phút sau, chúng tôi được tin Pháo Binh đã tác xạ với sự hướng dẫn của những Kỵ Binh trong chiếc M48 đang đụng địch. Một phi tuần AD6 cũng đã cất cánh. Số phận của chiếc M48 vẫn còn chỉ treo đầu mành, nhưng tất cả những gì có thể làm để cứu nó đã được làm trong sốt sắng, trong lo lắng thương yêu.
Tướng Lãm thiếu nợ nửa triệu bạc trong 2 giờ đầu tiên của trận đánh 9.4.1972
Đến Quảng Trị, chúng tôi vào thẳng Trung Tâm Hành Quân của Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai, Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh. Hơn chục cái máy vừa điện thoại, vừa máy truyền tin cùng làm việc một lúc. Hơn chục chàng thanh niên hò hét như những thằng điên trong ống nói. Họ đang sử dụng các hệ thống viễn liên vô tuyến để điều khiền Pháo Binh, Không Quân, Kỵ Binh, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân và Bộ Binh theo lệnh của Chuẩn Tướng Giai. Một anh Trung Úy Không Quân hét thật lớn với người bạn đồng đội đang nói chuyện với anh cách khoảng 200 cây số:
- Mày đừng đem rocket làm gì. Ở đây đang cần bom thứ 500 cân Anh (khoảng 225 kí lô). Mục tiêu là những xe tăng nặng.
Không hiểu đầu giây kia nói gì, chỉ thấy anh Trung Úy chửi thề, rồi lại gân cổ hét lên:
- Xe tăng. Xe tăng là thiết giáp đó. Không phải quân trang.
Viết lại câu “Xe tăng là thiết giáp” nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng trong thực tế, những khó khăn liên lạc thường vẫn buộc người quân nhân phải dùng những cách ví von vô lý hơn như vậy rất nhiều. Hai chữ “xe tăng” có thể nghe lầm thành “quân trang”, nhưng hai chữ “thiết giáp” lại có những âm thanh khác đi rất nhiều. Tôi quan sát người Trung Úy. Nhìn kỹ, người ta có thể đoán gần đúng tuổi của anh: khoảng 25, 26. Nhưng thoạt trông hàm râu 48 giờ chưa cạo, hai mất quầng thâm vì những đêm mất ngủ và vẻ mệt mỏi làm anh già thêm ít nhất cũng mười tuổi nữa. Bên cạnh anh Trung Úy Không Quân là một Thiếu Úy Pháo Binh. Vừa nhai một khúc bánh mì thịt, anh vừa chăm chú theo dõi trên bản đồ những tin tức ghi nhận được về hoạt động của pháo binh địch. Đầu bàn, một gói xôi ăn dở bị tạm quên. Một sĩ quan nào đó đã phải bỏ dở bữa ăn sáng đạm bạc đề đáp ứng một nhu cầu hành quân của những đơn vị đang chiến đấu bên ngoài. Một tấm bảng trên tường ghi nhận 4 diễn biến trong 2 giờ đầu tiên của ngày 9.4.1972:
6 giờ 30, Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến bị tấn công và pháo kích.
7 giờ 10, Thiết Đoàn 20 Kỵ Binh đụng chiến xa địch. Hạ 10 chiếc chưa rõ loại.
8 giờ 15, Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến bắn hạ 12 chiến xa địch.
8 giờ 30, Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân bị tấn công. Chưa rõ kết quả.
Ngày xa chiến lớn 9.4.1972 đã bắt đầu bằng cuộc tấn công một vị trí do Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến trấn giữ. Lực lượng Bắc Việt đã điều động 16 chiến xa để tấn công 300 người lính Thủy Quân Lục Chiến trong một căn cứ mà họ không có vũ khí nặng để chống đỡ hiệu nghiệm chiến xa địch. Thiếu Tá Đỗ Hữu Tùng, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến quyết định dùng lòng can đảm và sức người để trám lổ trống kỹ thuật. Chiến sĩ Cọp Biển được lệnh kiên trì chịu đựng trong những vị trí chiến đấu chờ xe tăng địch vào sát tận trong hàng rào phòng thủ mới nổ súng. Lý do: những khẩu M72 của các anh chỉ có tác dụng trong vòng 150 thước. Bên ngoài, vừa lầm lũi tiến tới, những chiếc T54 khổng lồ rải đạn như mưa vào căn cứ của Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến.
Những phát đạn đại bác thổi tung những công sự phòng thủ, quân xa, chiến cụ trên mặt đất. Nhưng dưới những hố cá nhân, những hào giao thông sâu vào lòng đất, những con Cọp Biển vẫn gan lì ngồi yên chờ đợi. Một tiếng mìn nổ, rồi tiếp theo đó nhiều tiếng mìn khác thi nhau nổ. Những quả mìn này gài trong hàng rào phòng thủ, chúng không đủ sức làm lật những chiếc T54 nặng nề, nhưng chúng đã báo động, đã là một thứ hiệu lệnh cho những xạ thủ M72. Đồng loạt họ đứng dậy. Đồng loạt họ khai hỏa. Và trước khi những lính thiết giáp Bắc Việt kịp hiểu sự việc vừa xảy ra thì trận chiến đã ngã ngũ: 12 trong số 16 chiến xa xung trận đã bị loại trong một phút ngắn ngủi.
Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Quân Đoàn I & Quân Khu 1, đã treo giải thưởng 20 ngàn đồng cho mỗi chiến xa bị bắn hạ. Trong hai giờ đầu tiên của trận xa chiến mồng 9 tháng 4, ông đã phải trả đến gần nửa triệu bạc tiền thưởng. Tướng Toàn tươi cười bảo tôi:
- Trung Tướng Tư Lệnh Quân Khu 1 đã ra lệnh cho Tỉnh Trưởng Quảng Trị ứng trước ngay số tiền này để thưởng cho các đơn vị. Trung Tướng cũng nhắn anh ghi nhận hộ lên bao Diều Hâu, rằng ngày mồng 9 tháng 4 là ngày thê lương nhất của kỵ binh Bắc Việt (kể từ ngày họ xua quân vượt tuyến).
Nồi cơm của lính dã ngoại
Mười giờ sáng, chúng tôi được đưa ra mặt trận để quan sát tại chỗ. Chúng tôi không sử dụng trực thăng vì hiểu rằng trong trận địa, đáp trực thăng xuống đơn vị nào là chúng tôi đã gọi pháo binh địch dội đơn vị đó. Ba chiếc Jeep nổ máy. Chiếc thứ nhất có Thiếu Tướng Toàn và những cận vệ của ông. Hai chiếc sau là của những phóng viên báo chí, điện ảnh chúng tôi. Trước khi lên đường, Tướng Toàn đã dặn chúng tôi nên chạy kha khá cho kịp xe ông, vì dọc theo đường pháo binh Bắc Việt thường bắn chặn những đoàn xe. Ngang Căn Cứ Ái Tử, chúng tôi đã bị bắn hơn chục viên đại bác. Một người lính cận vệ của Tướng Toàn rơi xuống xe sau loạt tiếng nổ. Nửa giờ sau, chúng tôi đến Bộ Tư Lệnh Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh. Trả lời câu hỏi của tôi về ước tính trận đánh. Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tư Lệnh Lữ Đoàn nói:
- Hôm nay là một trong những ngày hoàng đạo của Lữ Đoàn 1. Đến giờ này chúng tôi mới có một chiến xa bị trúng đạn địch. Con số thiệt hại của kỵ binh Bắc Việt thì chắc anh đã ghi nhận được tại Trung Tâm Hành Quân rồi.
Tại một tiểu đoàn khác, tôi bắt gặp một binh sĩ đang nhăn nhó, càu nhàu vì nồi cơm anh đang nấu trên bếp vừa bị pháo binh địch bắn vỡ. Binh sĩ thường nấu cơm ngay trên miệng hố cá nhân của họ. Khi nghe tiếng đại bác của địch bay đến, anh binh sĩ này đã kịp thời nhảy xuống hố cá nhân. Dĩ nhiên anh không thể bưng theo cả nồi cơm đang sôi. Lúc chúng tôi đến thì bài toán khó giải quyết là anh chưa tìm được người bạn đồng đội nào có nồi cơm rộng chỗ để anh “ghé” mớ gạo chưa chín nhưng đã nở mà anh còn vớt vát được trong cái nồi bể”. Sao Bắc Đẩu
Thiết Đoàn 20 Kỵ Binh hầu như đã bị xóa tên trong cơn bão lửa của những ngày đầu hè 1972, các sĩ quan chỉ huy xuất sắc nhất đều đã anh dũng hy sinh trên chiến trường hay đã bị trọng thương. Nhưng những mất mát đau lòng đó không ngăn được sự trỗi dậy của Thiết Đoàn. Ngày 3.5.1972, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng được Tổng Thống Thiệu chỉ định làm Tư Lệnh Quân Đoàn I & Quân Khu 1 thay thế Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm. Trung Tướng Trưởng đã ra đến Huế buổi chiều cùng ngày. Một trong những công tác cấp bách mà Trung Tướng Trưởng thấy cần phải cho thực hiện ngay, là tổ chức lại tất cả những đơn vị đã triệt thoái từ Quảng Trị về, không một đơn vị nào bị giải tán, kể cả Trung Đoàn 56 Bộ Binh đã bị Trung Tá Phạm Văn Đính, Trung Đoàn Trưởng, cưỡng bách ra hàng với quân giặc chiều ngày 2.4.1972. Những chiến xa loại M48A2 của Hoa Kỳ đang hoạt động ở đảo Okinawa Nhật sẽ được bàn giao khẩn cấp cho Quân Đoàn I Việt Nam Cộng Hòa để tái thành lập Thiết Đoàn 20 Kỵ Binh, những M41 và M113 đã bị mất cũng được bổ sung đầy đủ.
Phạm Phong Dinh