Lửa hạ cao nguyên
PHẠM PHONG DINH
(Viết để ngợi ca Những Người Lính Địa Phương Quân – Nghĩa Quân Kontum và Những Người Lính Tam Sơn Nhị Hà)
Thạnh đang cùng ba người trung đội trưởng ngồi chung quanh một cái thùng gỗ pháo binh rỗng được biến cải thành một cái bàn dã chiến nhỏ, đầu cây viết sáp màu xanh trong tay chàng vẽ những vòng tròn lên ba đỉnh cao điểm trên một tấm bản đổ trải rộng:
-Chuẩn Úy Mẫn dẫn trung đội lên cái đồi thấp nàylàm tiền đồn. Đại đội chúng ta được giao nhiệm vụ tiếp nhận binh sĩ từ các căn cứ hỏa lực di tản về. Nghe tin từ thẩm quyền cho biết đụng nặng trên Tân Cảnh, Dakto, Delta, Charlie. Mẫn lên cao điểm quan sát và báo cáo về đại đội khi thấy có quân của mình xuôi Nam.
Chuẩn Úy Mẫn, trung đội trưởng Trung Đội Hai trực chiến, về đại đội khá lâu, đã am tường địa hình địa vật trong khu vực đại đội trách nhiệm, nên Thạnh tin cậy trao cho Mẫn trấn giữ tiền đồn cho đại đội. Cao điểm không cách xa Quốc Lộ 14 nhiều, từ đó Mẫn có thể quan sát rõ ràng những chuyển động trên con đường.
-Nhận rõ.
Thạnh gật đầu quay sang ông trung đội trưởng Trung Đội Một:
-Thượng Sĩ Nhân, ông dẫn trung đội lên cao điểm này làm thế yểm trợ cho ông Mẫn bên cánh trái. Ban chỉ huy đại đội và Trung Đội Bacủa Chuẩn Úy Thái làm trừ bị ở trên cao điểm chếch về bên phải.
Thượng Sĩ Nhứt Nhân dân Bắc Kỳ di cư, đã vào quân đội quốc gia từ thời ông đại đội trưởng và mấy ông chuẩn úy trẻ trung đội trưởng còn tồng ngồng tắm mưa giữa trời. Nhiều lần Thạnh đề nghị ông Nhân đi học khóa sĩ quan đặc biệt, nhưng ông từ chối mãi:
-Cám ơn Trung Úy ưu ái, nhưng tôi cũng khá lớn tuổi rồi, tôi ít học,không muốn leo trèo làm chi. Với lại quê quán của tôi là ở nơi này, vợ con ở Kontum, tôi không muốn chuyển đi xa.
Thạnh cười nhẹ:
-Còn ở đâu xa hơn Kontum nữa, ông tưởng mấy ông quai chảo ra trường ai cũng chọn về Kontum lấy chỗ của ông sao?
Ông già vẫn cứ lắc đầu:
-Thôi thôi, nhỡ tôi bị cọp liếm thì khổ!
Thạnh đành chịu thua ông già:
-Tôi muốn bị cọp liếm lắm, mà thứ hạng tôi thấp quá, tụi bạn chúng giành hết.
Ông Thượng Sĩ nhìn Thạnh chăm chăm:
-Nom Trung Úy tướng tá sáng sủa ra phết mà cũng cầm đèn lái sao?
Thạnh thở dài, nhận xét vô tình mà khá phũ phàng của ông già như một mũi dao xoáy vào tim chàng, giòng ký ức đưa chàng về một khoảng đời quá khứ buồn phiền. Chỉ mới ở quân trường được một tuần thì Thạnh nhận được điện tín của mẹ báo tin cha chàng đã đột ngột qua đời vì một cơn đau nặng. Bi thương làm sao, Thạnh chính là sinh viên sĩ quan đầu tiên đi phép tang cha chỉ sau một tuần nhập khóa. Cầm tấm giấy phép bảy ngày, Thạnh tìm gặp ông Trung Úy Ban Năm xin ông giúp cho phương tiện di chuyển. Đọc lướt qua mấy hàng trong tờ giấy phép ông ta thở ra:
-Thành thật chia buồn cùng anh. Để tôi gọi vài chỗ, nhưng tôi ngại giùm anh, anh sẽ mất một thời gian, mất tập bãi và bài vở, không khéo… khi thi ra trường sẽ, sẽ…
Ông Trung Úy lắc đầu, lòng mong Thạnh hiểu những gì ông nói và tiên đoán.
Trung Úy Ban Năm nhấc điện thoại lên gọi chỗ quen biết. Những giây phút chờ đợi dài như một thế kỷ. Mãi sau ông Trung Úy buông ống nói xuống thở dài lắc đầu:
-Có phương tiện đường bộ thôi, nhưng phải hai ngày sau và anh sẽ theo đoàn công voa.
Thạnh cố nén thất vọng, rụt rẻ hỏi:
-Không xin được không vận sao Trung Úy?
Trung Úy buồn rầu trả lời:
-Khắp các quân khu đánh lớn, phương tiện đường không đều ưu tiên cho chiến trường. Thôi thì anh ráng chờ vậy, chặc, mất mẹ nó hai ngày phép!
Không còn chọn lựa nào khác, Thạnh nhất định phải đi ngay, chàng ra bến xe đò, dù con đường dài thăm thẳm ở những đoạn tử thần mà chàng đã nghe bạn bè nhắc nhở trước khi rời khỏi quân trường. Rằng quốc lộ không an toàn, nhất là ở nơi người ta gọi là Rừng Lá. Thật may mắn làm sao, chiếc xe đò chất chở hàng mấy mươi hành khách, trong đó chỉ duy nhất Thạnh là lính, đã vượt qua khu rừng tử thần an toàn. Một bà dì ngồi ghế bên nhìn chàng, vẻ vui mừng:
-Cậu may lắm đó, hôm nay mấy ông ấy không ra chận đường. Cỡ như cậu thế nào cũng bị… Tui không phải là lính như cậu mà tui còn sợ muốn chết luôn. À, mà cậu là lính gì vậy?
Có lẽ Thạnh may mắn thật, vì các sư đoàn Charlie (người Mỹ gọi quân cộng là Charlie) đều được điều động đến các chiến trường đỏ lửa lớn, quân du kích thì đã bị địa phương quân và nghĩa quân ghìm chặt không thể tác oai tác quái được nữa.
Thạnh nhỏ nhẹ trả lời:
-Dạ cháu còn học ở quân trường.
Bà dì vỗ nhẹ bàn tay khô đét lên đùi:
-Trường Đồng Đế phải không, vậy là cậu học ra trung sĩ rồi.
-Dạ, đại khái là như vậy…
Sự suy đoán của bà dì làm Thạnh nhớ lại, đâu có lâu xa gì. Chỉ tháng trước phân nửa tiểu đoàn sinh viên sĩ quan Trường Bộ BinhThủ Đức đã “biểu tình ngồi” ở Vũ Đình Trường sau khi nghe tin quân trường sẽ gởi bọn chàng ra Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế, viện lẽ sau Mậu Thân, cuộc tổng động viên đã đưa hàng nhiều ngàn tân sinh viên vào Thủ Đức, doanh trại không còn chỗ chứa nữa. Bọn Thạnh nhất định ngồi lì, để xem con tạo xoay dần đến đâu, bởi bọn nửa tiểu đoàn may mắn kia hù dọa, rằng bọn mi ra đó thế nào cũng lãnh cái Cánh Gà Chiên Bơ (tức mãn khóa ra Trung Sĩ). Bọn Thạnh ức lắm, uất nghẹn. Mãi sau Bộ Tổng Tham Mưu cử mấy giới chức cao cấp đến trấn an, rằng các em ơi, ra đó mãn khóa các em vẫn mang cái quai chảo chứ không phải cái cánh gà gì gì đâu, yên chí lớn. Tuy vậy, bọn Thạnh vẫn bán tín bán nghi và rất miễn cưỡng leo lên C123 ra miền thùy dương cát trắng. Thế mà lại hay. Ở đấy không có những “hung thần” khóa đàn anh tra tấn đàn em, bọn Thạnh cảm thấy đượcan ủi nhiều. Rốt cuộc bọn chàng vẫn lấy được cái lon mà bọn bạn gọi têu tếu là “Thiếu Tá Lổ”.
Ông trung úy nói đúng một phần, cũng do một tuần phép vắng mặt nên lúc thi ra trường môn tay không cận chiến, tay chân chàng luống cuống chẳng biết thủ thế ra sao, tiến thoái thế nào. Và nhiều món ăn chơi khác, nên Thạnh gần như bị điểm tối thiểu, những tưởng là sớm xách sacmarin mang cánh gà ra đơn vị. Thật may mắn, môn thi lắp ráp súng, cơ bản thao diễn, đếm nhịp bước cho một tiểu đội, quay phải, quay trái, quay đằng sau, bồng súng, giá súng, Thạnh làm ngon lành, nên chàng vẫn vớt được cái quai chảo. Và chàng thấy chàng bay lên cao nguyên trong một chuyến C123 cùng hơn một tá quai chảo khác sau ngày ra trường, trong số này nhiều anh chàng có quê quán trên những tỉnh cao nguyên. Chỉ có Thạnh là dân miền Tây.
Dẫu sao thì lên Kontum cũng không phải là quá xa, còn hơn là ra Bến Hải. Thạnh tự an ủi như thế. Ấy thế mà bọn bạn, nhiều chú chàng quê quán miền hỏa tuyến đã hăm hở chọn về Sư Đoàn Đoàn Nhất Kiếm Trấn Ải, hoặc Sư đoàn 2 Mũi Tên Thép. Lính địa phương chủ yếu đóng đồn giữ an ninh và hành quân gần, còn chuyện đánh đấm lớn và hành quân xa đã có các đơn vị chủ lực, nhưng cũng thường được gởi đi tăng phái, và cũng nhiều lúc hành quân dài ngày, vất vả chẳng kém bộ binh..
Ngày tháng qua dần. Thạnh đã trải qua mấy năm miệt mài dẫn lính băng qua những đường đèo hiểm trở,leo lên những ngọn núi mây mù cao ngút ngàn, xuyên qua ghềnh thác nước trắng xóa ầm ầm đổ xuống trên những vách đá rêu mốc, dẫm khắp nẽo rừng núi Kontum thâm u, dấn mình trong những cơn bão lửa chiến tranh. Chiến công khiêm nhường, không nhiều, nhưng Thạnh cũng bắt được hai bôngmai đặc cách một tháng trước ngày lên lon theo quy định, và cho coi một đại độimà quân số không quá con số tám mươi, hai phần ba là lính Thượng. Đại đội Thạnh nổi tiếng gài mìn cơ giới như… thần, đêm nào cũng dính năm, ba chú. Ông Tư Lệnh vùng rất vui, vì lối đánh mìn cơ giới là sáng kiến của ông, du kích Charlie mò về làng xóm tìm kiếm thực phẩm đều chịu thiệt hại rất nặng. Có lẽ nhờ vậy mà Thạnh được lên lon sớm chăng.
Những làng Thượng thường bị Charlie nhũng nhiễu, được an toàn nhờ lính địa phương bảo vệ, nên có lễ lạc gì họ thường mời lính địa phương đến chung vui. Nào vật trâu, nào rượu cần, nào xôi nếp mới. Những người lính Thượng thông thuộc địa hình địa vật rừng núi như trong lòng bàn tay, họ có thể đánh hơi và lần ra dấu vết biết bộ đội chánh qui Charlie xâm nhập nơi nào.Thạnh theo chỉ dẫn của toán lính thám sát Thượng, cho đại đội đội gài mìn ở những giao lộ đường mòn mà địch quân đi qua. Ban đêm nghe tiếng mìn nổ vọng về, là biết nhiều Charlie đã lãnh đủ. Nhưng cũng có khi là mấy chú heo rừng hay mang, mển.
Ông già Nhân gật gù, vẻ thông cảm:
-Thì ra là vậy. Thôi ông ở đây với tụi tôi cũng… vui chán.
Chuẩn Úy Mẫn chen vào:
-Vui gì mà vui, lính địa phương đóng đồn mà đi biệt phái cũng bị đìlội mệt nghỉ.
Mẫn nói đúng, tiểu đoàn của chàng nhận lệnh tăng phái cho một Liên Đoàn Biệt Động Quân, rồi được lệnh lên trấn đóng gần những căn cứ, cao điểm có những cái tên rất đẹp như Ngô Trang, Võ Định. Hàng ngày, mỗi đại đội đều hành quân ra ngoài lục soát. Núi tiếp núi, rừng tiếp rừng, bao la bát ngát, cây cối chằng chịt, đi dưới những tán lá mờ mịt không thấy ánh mặt trời. Chỉ hành quân lục soát mà cũng đã lội nhừ xương, chứ chưa nói đánh đấm gì. Cũng có điều an ủi là, tiểu đoàn của Thạnh chỉ hoạt động trong vòng bán kính yểm trợ từ một trung đội pháo binh của Liên Đoàn, nên bọn Thạnh thấy cũng ấm lòng chiến sĩ lắm.
Chợt Binh Nhất Lắm, người lính mang máy truyền tin luôn đi bên cạnh Thạnh kêu lên:
-Trung Úy, xem kìa…
Thạnh quay sang hỏi:
-Cái gì vậy?
Lắm hoảng hốt chỉ tay về dãy núi mờ phía trước từ một khoảng cách không xa:
-Nhìn nhanh lên ông thầy, kìa kìa, chiếc cá lẹp đang bốc khói, nó… nó chúi xuống…
Thạnh và mấy ông trung đội trưởng đứng lên nhìn, vừa kịp trông thấy một chiếc Cobra, hẳn nhiên là của quân đội Mỹ, từ phía đuôiđang bốc cháy bừng bừng, nó cất đầu lên được một chút, có lẽ người phi công cố lái nó về nơi an toàn. Nhưng không kịp rồi, lửa đỏ và khói đen mù mịt bao phủ che kín lấy con tàu, chiếc Cobra đâm xuống một rặng cây rừng rậm rạp bên chân núi. Một cột lửa màu cam hình nấm bùng lên dữ dội dưới bầu trời trong xanh của những ngày đầu hè.Ông già Nhân kêu to:
-Chắc tiêu ông phi công rồi!
Thanh sờ cằm gật gù:
-Chưa hẳn vậy, chúng ta không nghe tiếng nổ, có thể anh ta còn sống…
Mẫn nhăn trán suy đoán:
-Nếu như thế thì nguy cho anh chàng Mỹ quá, mình tính làm sao Trung Úy? Anh ta rớt trong vùng địch, chắc không xong rồi…
Thạnh vừa định trả lời thì Lắm đã đưa chiếc ống truyền tin cho chàng hấp tấp nói:
-Ông thầy, thẩm quyền gọi ông thầy.
Thạnh tiếp lấy ống nghe, giọng trầm quen thuộc của ông tiểu đoàn trưởng vọng sè sè bên tai:
-Thạnh Trị, anh có trông trông thấy chiếc Cobra vừa rơi ở gần Võ Định không?
-Trình Vĩnh Bình tôi thấy rồi.
Ám danh đàm thoại của Thạnh là Thạnh Trị, của ông thiếu tá vừa gọi là Vĩnh Bình.
-Tốt, anh ở gần điểm rơi nhất, anh đi cứu nó đi! Rán cứu nó sống nghe, anh ta đang yểm trợ chận hậu cho quân mình di tản về. Bên pháo binh họ sẵn sàng hỏa lực cho anh.
-Nhận năm, tôi đi ngay.
Thạnh quay nhanh sang Mẫn và Nhân:
-Mấy ông tiếp tục lên trấn cao điểm như kế hoạch. Thái dẫn Trung Đội Batheotôi đi cứu anh Mỹ.Mẫn thay tôi chỉ huy đại đội nếu tôi không về được.
Mẫn vùng vằng:
-Trung Úy nói gở, chưa đi mà đã đòi xanh cỏ rồi.
Thạnh cười:
-Chỉ là thủ tục quân giai thôi, cậu là quan thâm niên nhất sau tôi…
Từ cao điểm, nơi Thạnh trấn đóng nếu ước lượng khoảng cách con tàu rơi thì chỉ độchừng không quá hai cây số đường chim bay. Nhưng giữa vùng rừng rậm cao nguyên, cuộc di chuyển một cây số trong những bụi tre gai, xuyên qua những vòm lá dầy bịt, dây dợ chằng chịt như đan lưới, tương đương năm cây số ở đồng bằng, đến được nơi anh chàng Mỹ không phải dễ. Lắm lại trao ống nghe cho chàng, giọng ông Vĩnh Bình rè rè, cuộc đàm thoại từ nay đều được hiểu là đang dùng mật mã truyền tin:
-Phantom đang trên đường đến, và trực thăng cấp cứu sẽ câu phi công Mỹ lên nếu anh ta còn sống và trốn được Charlie. Nhưng vẫn rất cần Thạnh Trị đến, phi công báo về anh ta bị thương và bọn Charlie truy đuổi dữ tợn quá.
-Trình thẩm quyền coi chừng thằng con ma nó bỏ bom lên đầu đàn em…
-Yên chí, chuyện đó để sĩ quan không trợ liên đoàn và cố vấn lo.
Đoàn địa phương quân Kontum xẻ rừng đi được một lúc, thì ông Vĩnh Bình lại gọi:
-Nhanh lên Thạnh Trị. Có tin tốt rồi.Phi công Mỹ còn sống, anh ta đang chạy về hướng Thạnh Trị đó…
Để trả lời điều gọi là niềm vui của ông Thiếu Tá, nhiều tràng đạn nổ cạch cạch bóc bóc dòn dã từ hướng mười một giờ nhìn từ điểm đứng của Thạnh vọng đến, hối hả và giận dữ. Chuẩn Úy Thái đi bên Thạnh khẽ nói:
-Bọn Charlie đang đuổi theo anh chàng phi công Mỹ dữ quá Trung Úy.
-Ừ, nó chạy thì mình cũng chạy, để xem bên nào đến trước.
Có tiếng phản lực xé gió lao đến, âm thanh gầm rú như loài ma tru, soen soét điếc óc. Một chiếc Phantom từ trên đám mây trắng đang trôi lờ lững giữa bầu trời rực ánh nắng vàng chúi xuống, những người lính đại đội đã có thể trông thấy mấy vệt đen dài nhỏ xíu như những cọng tăm rơi lên rặng cây xanh.
Ùm! Ùm! Một dãi lửa màu cam nóng đỏ phủ lên tàn lá dữ dộinhư một đám cháy rừng, khói đen cuồn cuộn bốc lên không trung. Chiếc Phantom vừa cất lên thì một chiếc Phantom khác lao xuống.
Ùm! Ùm! Một vùng đất rừng chìm trong biển lửa hừng hực. Mấy người lính reo hò:
-Bom xăng! Bom xăng!
Thái nhanh nhẩu xen vào:
-Bom Napalm đó!
Tiếng súng truy sát chợt lặng câm, tắc nghẹn. Sau vài khoảnh khắc ngắn ngủi, tiếng bóc bóc quen thuộc nổi lên, nhưng rời rạc, yếu ớt, có lẽ cuộc thiêu sống đã chận đứng được toán Charlie, hay ít nhất cũng làm chậm bước chân của chúng. Hai chiếc Phantom làm xong nhiệm vụ bay đi, một chiếc quan sát cơ nhỏ xíu xuất hiện bay là đà ở một độ cao xa tít, chắc hẳn là tránh hỏa tiễn tầm nhiệt. Ông Vĩnh Bình gọi:
-Thạnh Trị đến đâu rồi? Em Lan Mười Chín (L19) báo có một trảng tranh trống, phi công Mỹ sẽ được câu lên ở đó, trực thăng sắp đến, Thạnh Trị phải bảo vệ bãi đáp an toàn.
-Đáp nhận.
Thạnh đã nghe thấy tiếng cánh quạt phành phạch của mấy chiếc trực thăng cứu nạn. Bọn lính Thượng là những tay đi rừng chuyên nghiệp, họ phạt cây vượt rừng nhanh quá, Thạnh và Thái chạy theo bọn họ, hổn hển thở. Trảng tranh kia rồi. Bọn chàng đã thắng Charlie trong cuộc đua tử thần, ít nhứt là hiệp một. Thái nhanh chóng điều quân rải ra giữ bãi đáp. Thạnh dẫn Binh Nhứt Lắm và vài người lính lùng tìm người phi công Mỹ. Quái, anh ta ẩn nấp nơi nào nhỉ. Chợt Thạnh chú ý đến một mô đất lùm bụi um tùm, Binh Nhứt Lắm kêu lên:
-Thằng Mỹ Trung Úy!
-Nó đâu?
Lắm chỉ tay về hướng mô đất:
-Nó trốn trong đó…
Thạnh chạy đến gần hét lớn bằng thứ tiếng Anh đứt quãng nhờ vốn liếng chàng học ở Hội Việt Mỹ thời sinh viên:
-Bạn đây, đừng bắn… Bạn đây… Ây A Vi En đây (ARVN, Quân Đội VNCH)), ra đi…
Sợ người phi công Mỹ còn nghi ngại, Thạnh bồi thêm:
-Rớp Pớp đây… (Ruff – Puff, danh xưng cố vấn và lính Mỹ gọi lính Địa Phương Quân và Nghĩa Quân).
Một khuôn mặt đen nhẻm nhô ra từ đám lá xanh, đôi mắt màu xanh lơ nhìn quanh ngơ ngác, sợ hãi. Mái tóc vàng của người phi công cháy xém loang lổ thành nhiều vệt đen xám, nhưng Thạnh có thể nhận ra rằng anh ta không bị phỏng mấy. Anh chàng phi công chui ra khỏi mô đất, một cánh tay trần trụi có nhiều vết xước còn chưa khô máu, có lẽ lúc hoảng hốt chạy trốn luồn lõi qua những bụi tre gai. Bên hông áo trái của anh vẫn còn gài một khẩu súng nhỏ, dài. Thạnh cũng nhận ra cấp hiệu của người lính Mỹ, và trên ngực áo miếng vải có hàng chữ JAMES SCOTT, chàng gọi trấn an anh ta:
-Chào Đại Úy, ông có sao không? Bây giờ thì OK rồi, sẽ có trực thăng đưa ông về.
Ông Đại Úy Mỹ ấp úng, giọng khàn đặc:
-Tôi không sao, cám ơn… cám ơn…
Nói là nói thế, chứ Thạnh trong lòng không khỏi lo lắng, chừng nào mà Scott chưa lên được con tàu thì lúc ấy vẫn còn nguy hiểm cho anh ta, và cho cả trung đội tiếp cứu của chàng. Thái đưa bình đông nước cho người phi công, anh chàng tiếp lấy tu ừng ực. Kontum mùa hè, tuy là cao nguyên khí hậu se lạnh, nhưng cuộc chạy trốn tử thần cũng đủ làm cho người lính Mỹ kiệt sức, tay áo tuột mất, cổ họng cháy bỏng vì khát. Hai người lính Thượng dìu người phi công ngồi ẩn vào cỏ tranh, ở giữa vòng cánh cung trung đội của Chuẩn Úy Thái. Lắm đã nhận được tín hiệu của người phi công quan sát, anh đưa ống nói cho Thạnh, Thạnh áp ống liên hợp vào tai:
-Thạnh Trị đây Lạc Long!
-Thạnh Trị tôi nghe…
Chàng chợt nhận biết giọng người phi công bạn có chút gì đó không bình tĩnh:
-Thạnh Trị cẩn thận, có nhiều bụi cây di động bên kia rừng cỏ tranh…
-Đông không?
-Đông thì có đông, chắc chừng một trung đội hay hơn, nhưng tôi đã gọi Cobra tới rồi.
Thạnh thấy yên tâm, nếu là một trung đội Charlie thì trung đội của chàng có thể nghênh chiến dễ dàng. Thạnhnghe thấy tiếng trực thăng và âm thanh cánh quạt phành phạch đưa đến, cùng tiếng chém gió ghê rợn của mấy chiếc Cobra. Mấy tràng hỏa tiễn soèn soẹt bắn xuống bìa đám cỏ tranh, từ trái khói chỉ dẫn của chiếc quan sát cơ, vọng lên những tiếng nổ ầm ầm, chát chúa, những cột lửa nhỏ màu cam bùng lên dữ dội. Thái quẳng ra một trái khói màu vàngtheo yêu cầu của Cô Lan. Một chiếc trực thăng cứu nạn là đà đáp xuống, tiếng gió giật phần phật, bọn cỏ tranh nghiêng ngã rạp theo chiều gió cuốn. Thạnh trông thấy người xạ thủ phi hành vẫy tay, hấp tấp, ngụ ý đưa anh Mỹ lên.
Thạnh cùng mấy người lính dìu người phi công Mỹ chạy ra khỏi đám cỏ tranh. Người xạ thủ nhoài người kéoanh bạn lên, nhưng Scott to lớn kềnh càng quá, cứ hì hục mãi, bọn Thạnh buộc phải đẩy… mông anh ta lên, mới xong. Con tàu nghiêng cánh quạt bốc lên, Scott một nửa người cúi thấp xuống gần chạm chiếc càng sắt đưa tay che miệng gào to:
-Cám ơn… cám ơn… Ruff Puff…
Giữa đám bụi mù bốc lên mờ mịt không gian mà Thạnh vẫn có thể trông thấy những giọt nước mắt của Scott chày dài trên đôi má đem nhẻm vì lửa khói. Thạnh bùi ngùi đưa tay lên vẫy chào, khóe mắt chàng ươn ướt. Chắc là chàng cũng đang khóc như anh ta. Đó có phải là thứ tình cảm thân thiết giữa những người lính chiến đấu trên cùng chiến tuyến. Là tình Huynh Đệ Chi Binh. Là Brothers-In-Arms. Thạnh muốn gào đáp:
-Cám ơn Đại Úy… Cám ơn…
Thạnh liên tưởng đến những người lính di tản sống sót là nhờ những chiếc hỏa tiễn cứu mạng của người Đại Úy…
Thạnh cùng Thái ngồi bên chiếc bàn gỗ dã chiến nhâm nhi cà phê sau chầu mì gói điểm tâm buổi sáng, thì Mẫn từ ngọn đồi thấp bên Quốc Lộ gọi báo:
-Trình Thạnh Trị, đã thấy có lính mình…
-Lính gì?
-Còn khá xa, nhưng qua ống dòm thì có lẽ lính sư đoàn…
-Được bao nhiêu người?
-Để xem, dạ có năm người. Chà chà, có cần ăng ten nữa, nón sắt và súng Em Mười Sáu!
Mẫn dẫn một tiểu đội xuống đón những người bạn di tản. Khi chàng xuống đến chân đồi thì toán lính mặc quân phục màu ô liu cũng dắt díu nhau đi tới, trông tơi tả làm sao, nhưng vẫn giữ đội hình tác chiến. Mẫn thầm ngợi khen anh chàng nào chỉ huy lính quá ngầu. Khi người dẫn đầu toán lính đến gần, Trung Sĩ Hải Tiểu Đội Trưởng tiến lên quát lớn:
-Đứng lại, bỏ súng xuống!
Hải nhận ra người chỉ huy là một Chuẩn Úy, nhìn thấy chiếc phù hiệu Tam Sơn Nhị Hà trên vai áo, anh dịu giọng:
-Lính Sư Đoàn Hai Mươi Hai phải không?
Người Chuẩn Úy trẻ khàn giọng trả lời:
-Phải, chúng tôi từ Tân Cảnh về…
Mẫn bước đến gần, chợt chàng kêu lên, mừng rỡ:
-Ủa, là mày, là thằng Lâm thủ Quốc Quân Kỳ đây mà.
Lâm cũng kịp nhận ra bạn:
-Mẫn…
Mẫn ôm chầm lấy người sinh viên sĩ quan bạn cùng trung đội ở quân trường, từ bộ quân phục sờn rách tỏa ra mùi lửa khói khen khét và cái mùi người lội rừng nhiều ngày không được tắm:
-Lâm…Lâm… mầy…
Giọng Lâm khàn đặc, đôi môi khô nứt rướm máu:
-Khoan hỏi gì hết… Mầy cho tao và lính tao nước…
Câu chuyện người phi công Mỹ kết thúc bằng cuộc đàm thoại giữa Vĩnh Bình và Thạnh Trị:
-Chú mày biết không, anh chàng Mỹ thật may mắn. Ngày mai anh ta về nước, nếu không có chú mày với lính đến cứu thì chắc anh ta tiêu tùng rồi, khỏi còn gặp vợ con đi. Để tao đề nghị Liên Đoàn thưởng huy chương cho chú mày.
-Cám ơn thẩm quyền, tôi có công cán gì đâu. Nếu không có mấy con ma và mấy con cá lẹp thì chắc tụi tôi cũng… tiêu!
PHẠM PHONG DINH