Đông Dương trong năm con mèo 1975

Radix Press 1975

 I. LỜI GIỚI THIỆU

Quân đội Bắc Việt đã đánh chiếm tỉnh Phước Long đầu năm 1975, đó cũng là dấu hiệu cho sự xụp đổ của miền Nam Việt Nam. Đối với chính quyền Hà Nội, biến cố (Phước Long) để biết được phản ứng của người Hoa Kỳ. Nếu Hoa Kỳ không xử dụng Không Quân yểm trợ cho quân đội VNCH như năm 1972 tái chiếm phần đất mất về tay quân cộng sản… lợi thế đã về phía cộng sản và họ sẽ thay đổi kế hoạch đánh chiếm miền Nam Việt Nam sớm hơn.

Tổng Thống Thiệu kêu gọi Hoa Kỳ tôn trọng lời hứa của Tổng Thống Nixon (đã từ chức vì vụ Watergate) trả đũa nếu Bắc Việt vi phạm hiệp định ngừng bắn Paris. Nhưng Quốc Hội Hoa Kỳ đã ngăn cản Tổng Thống Ford xử dụng Không Quân Hoa Kỳ trong vùng Đông Dương. Điều này đã bật đèn xanh cho Bắc Việt mở trận tổng tấn công.

Quốc Hội Hoa Kỳ cũng không chấp thuận viện trợ ngân khoản khẩn cấp cho quân đội VNCH, rất cần thiết vì lúc đó quân đội VNCH không có đủ đạn dươc cho đại bác và xăng dầu cho xe cộ, phi cơ chở quân, chiến thật. Ngoài vấn đề thiếu thốn đạn dược, quân đội VNCH mất đi khả năng di động (chuyển quân). Với địa hình dài, khu vực hướng tây (dẫy Trường Sơn) phơi bầy ra, phòng thủ yếu kém, miền Nam Việt Nam có thể bị tấn công tại nhiều yếu điểm, việc chuyển quân lên tiếp viện trở thành vấn đề khó khăn cho quân đội VNCH.

Lấp vào khuyết điểm đó, cấp chỉ huy VNCH tiên đoán… địch quân sẽ tấn công vào nơi nào, nhưng rơi vào bẫy nghi binh (đánh lạc hướng) của quân đội Bắc Việt. Vị tư lệnh Quân Đoàn II (Tướng Phú) tin rằng, mũi tấn công chính của địch sẽ nhắm vào Kontum, Pleiku, hai thành phố xa nhất trên vùng cao nguyên và đưa quân (các liên đoàn Biệt Động Quân) lên phòng thủ Kontum và Pleiku. Nhưng “qủa đấm” chính của quân đội Bắc Việt nhắm vào thị xã Ban Mê Thuột hướng nam Pleiku ngày 10 tháng Ba năm 1975. Yếu thế về quân số, hỏa lực, quân phòng thủ Ban Mê Thuột chống cự được ba ngày trước khi lọt vào tay địch quân.

Ban Mê Thuột thất thủ làm cho ông Thiệu ra lệnh bỏ Kontum, Pleiku và vùng cao nguyên (để giữ quân cho trận phản công lấy lại Ban Mê Thuột). Các đơn vị VNCH di tản từ Kontum, Pleiku làm thường dân sợ hãi chạy theo, đoàn xe dân sự hàng dài làm kẹt cứng liên tỉnh lộ 7B, con đường rút về thành phố ven biển Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Sư đoàn 320 chính quy Bắc Việt đuổi kịp, tấn công vào đoàn xe không phân biệt dân quân, gây tổn thất kinh hoàng cho cả quân lẫn thường dân trên con đường rút lui liên tỉnh lộ 7B, đoạn đường từ Pleiku về Tuy Hòa.

Sau cuộc di tản hỗn loạn trên vùng cao nguyên, tình hình ngoài Vùng I Chiến Thuật không sáng sủa hơn. Tướng Trưởng đưọc lệnh rút quân về lập túi phòng ngự bảo vệ Đà Nẵng. Thường dân hai tỉnh điạ đầu giới tuyến Quảng Trị, Thừa Thiên (Huế) lo sợ một trận tấn công như trận Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, lũ lượt kéo nhau chạy vào Đà Nẵng, gây tình trạng hỗn loạn, binh sĩ bỏ đơn vị đi tìm gia đình, người thân. Đến cuối tháng Ba 1975, Quân Đoàn I chỉ di tản được 2 lữ đoàn TQLC, 2 trung đoàn thuộc sư đoàn 2 Bộ Binh.

Quân đoàn I và II VNCH xụp đổ nhanh chóng, quân đội Bắc Việt dồn mọi lực lượng tiến công về Saigon. Nhiều đơn vị quân đội VNCH chiến đấu quyết liệt, nhưng lúc đó cán cân lực lượng đã nghiêng hẳn về phía Bắc Việt, gấp ba lần quân đội VNCH, vũ khí, đạn dược đầy đủ hơn nhiều lần. Trong khi quân đội Bắc Việt tiếp tục đẩy mạnh mũi tiến công về hướng Saigon, người Hoa Kỳ bắt đầu di tản (người Hoa Kỳ và Việt Nam làm việc cho các cơ quan Hoa Kỳ). Người dân Việt Nam đặc biệt Saigon cảm thấy sự xụp đổ đến gần (người Hoa Kỳ di tản)…

Sau cuộc chiến (30 tháng Tư 1975), hàng trăm ngàn quân, dân, cán chính VNCH bị lùa vào các trại Tập Trung Cải Tạo, nhưng thực chất là các nhà tù lao động khổ sai và nhiều người đã bỏ mạng trước khi được tha về đoàn tụ với gia đình, vợ con.

Hia quốc gia láng giềng Lào và Cambodia cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi người Hoa Kỳ chấm dứt viện trợ. Người dân Cambodia kinh hoàng với sự trả thù tàn bạo, ghê gớm của chế độ Khmer Đỏ Pol Pot, từ hai đến 3 triệu người Cambodia bỏ mạng, gần như “tự diệt chủng” của Pol Pot.

II. BỐN CUỘC CHIẾN CỦA TỔNG THỐNG NGUYỄN VĂN THIỆU (Dr. Nghiã M. Võ)

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu được coi như nguời đàn ông thống trị nền Đệ Nhị Cộng Hòa miền Nam Việt Nam. Trong thời gian nắm quyền hành, ông Thiệu trải qua bốn trận chiến lớn, ba trận chống lại quân đội Bắc Việt, và trận chiến thứ tư chống lại Henry Kissinger, người đồng ý lật đổ và cho ông ta ra khỏi miền Nam Việt Nam.

II. 1. CON ĐƯỜNG ĐI TRỞ THÀNH TỔNG THỐNG

Tổng Thống Thiệu sinh ngày 24 tháng Mười Hai năm 1924 (năm con Chuột) nơi làng Tri Túy gần Phan Rang, trung phần, nam Việt Nam. Trước khi trận Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, người Pháp vẫn nắm quyền cai trị Việt Nam, đặc biệt miền Nam. Như bao nhiêu người không cộng sản – yêu nước, ông Thiệu gia nhập cộng sản chống lại người Pháp. Sau khi nhận thức được sự tàn ác, mặt thật của cộng sản, ông Thiệu bỏ làng vào miền nam.

Khi vào Saigon, ông ta ghi tên theo học khóa đầu tiên huấn luyện sĩ quan trường Võ Bị (sau này gọi là trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam hay Đà Lạt), lúc đó mở ở Huế trước khi di chuyển lên Đà Lạt và do sĩ quan người Pháp huấn luyện. Trong năm 1954, ông Thiệu chỉ huy một tiểu đoàn đánh đuổi cộng sản ra khỏi xóm làng quê của ông. Hai năm sau, được thăng chức lên làm Chỉ Huy Trưởng trường Võ Bị (1956-1960), trước khi lên cấp bậc Đại Tá làm tư lệnh sư đoàn 1 BB rồi sư đoàn 5 BB. Ông Thiệu được biết là một cấp chỉ huy thông minh, tài giỏi và nhiều tham vọng, can đảm ngoài trận mạc và có tinh thần trách nhiệm.

Mặc dầu sinh trưởng trong gia đình theo đạo Phật như đa số người Việt Nam, ông Thiệu cưới vợ người miền nam theo đạo Thiên Chúa, bà Nguyễn Thi Mai Anh năm 1951 và theo đạo năm 1957. Tuy nhiên, ông ta không được sự tin cậy của Tổng Tống Diệm như các sĩ quan cao cấp người Thiên Chúa giáo khác. Ông Thiệu cũng không gia nhập đảng Cần Lao của ông Ngô Đình nhu mà theo đảng Đại Việt, một đảng quốc gia chống người Pháp.

Khi cuộc đảo chánh năm 1963 (1 tháng Mười Một) xẩy ra, ông Thiệu trở nên một trong số nhân vật chính. Cuối tháng Mười Hai năm 1962, Tổng Thống Diệm không hoàn toàn tin tưởng (Đ/Tá) Nguyễn Đức Thắng, tư lệnh sư đoàn 7 Bộ Binh đang đóng quân ở Biên Hòa nên ra lệnh cho sư đoàn 7 BB di chuyển về Mỹ Tho. Khu vực trách nhiệm ở Biên Hòa được trao cho sư đoàn 5 BB của ông Thiệu. Việc hoán đổi vùng trách nhiệm của hai sư đoàn bộ binh, sau này trở thành một sai lầm lớn. Hai năm trước (1960), ông Thiệu lúc đó là tư lệnh sư đoàn 7 BB, đã đưa quân về Saigon cứu ông Diệm chống lại quân Nhẩy Dù đảo chánh (11/11/1960). Sau đó, ông Thiệu được ưa ra ngoài Huế làm tư lệnh sư đoàn 1 Bộ Binh, cuối cùng về Saigon trong tháng Mười Hai năm 1962.

Ông Thiệu lại về nắm quyền chỉ huy sư đoàn 5 Bộ Binh gần Saigon. Khi được Tướng Dương Văn Minh chủ chốt cuộc đảo chánh móc nối, ông Thiệu đổi hướng và được trao nhiệm vụ chính, tấn công dinh Độc Lập. Hai anh em ThổngThống Diệm bị quân đảo chính giết chết ngày 2 tháng Mười Một năm 1963, ông Thiệu được thăng cấp Tướng (lúc đó chưa có cấp bậc Chuẩn Tướng). Cái chết của anh em ông Diệm ám ảnh làm ông Thiệu sợ người Mỹ chủ mưu đảo chánh chống lại ông ta.

Sau đó là hai năm rối loạn trong chính quyền VNCH, các tướng lãnh tranh dành quyền hành, đảo chánh lẫn nhau… đưa đẩy thời cơ đến tay nhóm tướng lãnh trẻ. Ông Thiệu nắm lấy cơ hội và chứng minh ông ta có nhiều thủ đoạn chính trị. Các tướng lãnh “hết thời” bị ép buộc giải ngũ. Ông Thiệu được bầu làm chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (Tổng Thống), và Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (Thủ Tướng). Hai người “đưa” Tướng Khánh xuất ngoại sang Hoa Kỳ, củng cố quyền lực. Ông Thiệu đắc cử Tổng Thống năm 1967, ông Kỳ làm phó Tổng Thống, nhưng sau đó trở thành đối lập của ông Thiệu.

II. 2. TRẬN TẤN CÔNG TẾT MẬU THÂN

Lễ tấn phong cho ông Thiệu ngày 1 tháng Mười Một năm 1967, trong khi đó quân cộng sản (Việt Cộng) lợi dụng tình hình chính trị hỗn loạn trong miền nam từ những năm trước, bành trướng sức mạnh, tàng trữ vũ khí chuẩn bị cho trận Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân.

Lúc 3 giờ sang ngày 31 tháng Giêng năm 1968, Tổng Thống Thiệu nhậm chức Tổng Thống nền Đệ Nhị Cộng Hòa được ba tháng, người dân Việt Nam đang đón mừng ngày đầu tiên năm âm lịch. Lợi dụng dịp ngừng bắn ngày tết, quân cộng sản bất ngờ tổng tấn công trên toàn miền Nam Việt Nam. Tất cả 44 tỉnh lỵ, thành phố bị tấn công cùng lúc, kể cả những thành phố lớn: Saigon, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Kontum, Man Mê Thuột, Mỹ Tho, Cần Thơ và Bến Tre.

Trong Saigon, quân Việt Cộng tấn công sáu mục tiêu: bộ Tổng Tham Mưu, dinh Độc Lập, tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, phi trường Tân Sơn Nhất, đài phát thanh Saigon và bộ tư lệnh Hải Quân. Các trận tấn công đa số bị đẩy lui trong vòng ba ngày, ngoại trừ Saigon và thành phố Huế.

Trong thành phố Huế, quân cộng sản chiếm đóng gần một tháng, lập Ủy Ban Cách Mạng, Tòa Án Nhân Dân, bắt bớ, giết chóc viên chức chính quyền, sĩ quan quân đội VNCH. Nhiều người tin họ, ra trình diện, để rồi biến mất… Những nạn nhân kém may mắn bị lùa đi đến nhưng hố chôn tập thể rồi hành quyết, sau này khi quân đội VNCH phản công lấy lại thành phố Huế, mới tìm ra những hố chôn người tập thể này. Ngày 26 tháng Hai, tiểu đoàn 21, 39 BĐQ giải tỏa xong khu Gia Hội, chiến trường Huế coi như kết thúc, hai ngôi mộ tập thể được tìm thấy đầu tiên trong hai trường trung học Gia Long và Gia Hội. Sau đó nhiều ngôi mộ tập thể khác được tìm thấy vùng ngoại ô thành phố Huế, khu vực lăng Tự Đức, Minh Mạng. Tổng cộng hơn 3.000 nạn nhân vô tội bị giết.

Tổn thất thường dân rất cao, hơn 80% nhà cửa gần thành Nội bị hư hại, dân tỵ nạn không được cng cấp đầy đủ lương thực, nước uống, không khí ảm đạm, hôi thối vì nhiều xác chết của cả hai bên đã bị phân hủy. Năm 1968, trở nên năm “chết người” cho người dân miền Nam Việt Nam, 28.000 quân nhân VNCH tử trận, 600.000 thường dân mất nhà cửa, sống trong các trại tỵ nạn do chính quyền VNCH dựng nên.

Ngày 1 tháng Hai, Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố “Thiết Quân Luật” trên toàn miền Nam Việt Nam, và đến cuối tháng Sáu, Đại Hội Đồng Quốc Gia chấp thuận yêu cầu của ông Thiệu ban hành lệnh Tổng Động Viên. Trên phương diện quân sự, VNCH và quân Đồng Minh đã chiến thắng, tinh thần chống cộng của ngưòi dân miền Nam lên cao. Đến tháng Chín 240.000 thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ.

II. 3. SỰ PHẢN BỘI

Ông Thiệu ủng hộ Nixon, đã làm tất cả để giúp Tổng Thống Nixon thắng cử năm 1968. Nhưng sau đó, ông Thiệu biết được “ông luật sư” ăn nói khôn ngoan Nixon, một mặt hứa hẹn, bảo đảm với ông Thiệu, mặt kia để cho Kissinger phá hoại miền Nam Việt Nam. Mặc dầu chưa chắc Kisinger chủ tâm muốn vậy nhưng hướng đi của hai người đem lại kết qủa “phản bội” người bạn đồng minh VNCH.

Ngày 14 tháng Năm 1969, trong bài diễn văn, Tổng Thống Nixon nói về sự can thiệp của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam, rõ ràng đồng ý và bảo đảm với ông Thiệu:

Một quốc gia vĩ đại, phải được sự tin tưởng… Nếu chúng ta xóa bỏ tất cả những nỗ lực ở Việt Nam một cách dễ dàng, đơn giản. Hòa bình sẽ không tồn tại được lâu, và sự thiệt hại sẽ ảnh hưởng các quốc gia khác trong sự tin tưởng vào khả năng của chúng ta.

Kissinger, vẫn tiếp tục tiếp xúc bí mật với đại diện chế độ Hà Nội, Lê Đức Thọ, kể từ ngày 30 tháng Bẩy năm 1969, để chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, Tổng Thống Nixon không cho ông Thiệu biết chuyện này, cho đến khi việc thương thuyết gần xong. Nhưng Ông Thiệu đã nghi ngờ vỉ Kissinger nói chuyện loanh quanh, trả lời không rõ ràng, làm ông Thiệu càng lo lắng.

Saigon không biết ngày 16 tháng Tám năm 1971, người Hoa Kỳ đã hứa (Kissinger – Lê Đức Thọ) sẽ rút quân đội ra khỏi Việt Nam trong vòng sáu tháng khi hiệp định được ký két. Sau đó Tướng Alexander Haig qua Saigon trình bầy với ông Thiệu một kế hoạch bí mật khác, yêu cầu ông ta từ chức. Tổng Thống Thiệu biết Kissinger đã làm yếu thế người Hoa Kỳ trên bàn hội nghị, làm theo yêu cầu cầu của Bắc Việt (Lê Đức Thọ).

Ông Thiệu càng ngày càng lo âu, Tổng Thống Nixon tuyên bố sang thăm Trung Cộng. Rồi thì, Nixon cho biết sẽ bỏ điều kiện, cả Mỹ lẫn Bắc Việt phải rút quân song phương ra khỏi miền Nam Việt Nam. Điều đó có nghĩa quân đội Bắc Việt có thể ở lại trong miền nam, nơi những vùng đã chiếm được, trong khi người Hoa Kỳ đơn phương rút quân đội về nước. Thiệu biết mình đã bị phản bội, nhưng vẫn hy vọng Tổng Thống Nixon sẽ cứu ông ta.

Riêng tư, Nixon nói với Mao Chủ Tịch, ông ta muốn rút quân ra khỏi Việt Nam để đổi lấy số tù binh bị giam giữ nơi miền Bắc Việt Nam, và chấm dứt cuộc chiến. Khi trở về Hoa Kỳ, Nixon lại viết thư bảo đảm cho Tổng Thống Thiệu:

Ông có thể tin chắc rằng, tôi sẽ làm mọi điều trong quyền lực của tôi, để bảo đảm những sự hy sinh của người Việt Nam, và người Hoa Kỳ mà không lại kết qủa gì.

Richrad Nixon, 28 tháng Hai, năm 1972

Để ép buộc ông Thiệu ký tên vào bản hiệp định Paris qua sự thương lượng giữa Kissinger và Lê Đức Thọ, Tổng Tống Nixon viết nhiều lá thư cho ông Thiệu, bảo đảm Hoa Kỳ sẽ yểm trợ trường hợp Hà Nội vi phạm hiệp định ngừng bắn Paris, như gia tăng tấn công hay xâm chiếm miền Nam Việt Nam.

Trong thời gian sau khi ngừng bắn, ông có thể hoàn toàn tin rằng, chúng tôi tiếp tục cung cấp sự yểm trợ cho chính quyền của ông, bao gồm viện trợ kinh tế, và những nhu cầu yểm trợ quân sự, theo các điều khoản của hiệp định ngừng bắn Paris.

Richard Nixon, 16 tháng Mười, năm 1972

Ông được sự bảo đảm tuyệt đối của tôi. Nếu Hà Nội vi phạm điều kiện của bản hiệp định, tôi sẽ ra lệnh trả đũa nhanh chóng và mạnh tay.

Richard Nixon, 14 tháng Mười Một, năm 1972

Ông nên quyết định và tôi tin ông sẽ theo hướng đi của chúng tôi, ông được sự bảo đảm của tôi, tiếp tục nhận được viện trợ, sau khi mọi chuyện đã tạm yên, và chúng tôi sẽ trả đũa toàn lực nếu Bắc Việt vi phạm.

Richard Nixon, 5 tháng Giêng, 1973

Để tôi bảo đảm thêm một lần nữa trong lá thư này:

Thứ nhất, chúng tôi công nhận chính quyền của ông (VNCH) là một chính phủ hợp pháp duy nhất trong miền Nam Việt Nam.

Thứ hai, chúng tôi không công nhận quyền ở lại trong miền Nam Việt Nam đối với một quân đội ngoại quốc.

Thứ ba, chính quyền Hoa Kỳ sẽ phản ứng mạnh mẽ đối với những vi phạm bản hiệp định Paris…

Richard Nixon, 17 tháng Giêng, năm 1973

Năm 1973, vụ bê bối (nghe lén các buổi họp của đảng Dân Chủ) Watergate bị phanh phui ra. Chuyện này tiếp tục trở nên một rắc rối lớn cho chính quyền và Tổng Thống Nixon từ chức ngày 9 tháng Tám năm 1974. Trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau khi nhậm chức Tổng Thống, Gerald Ford viết thư cho Tổng Thống Thiệu, xác nhận “những sự liên hệ giữa hai quốc gia vẫn còn hiệu lực, và chính quyền của ông ta (Ford) sẽ tiếp tục.”

Khi Kissinger gặp ông Thiệu ngày 27 tháng Tám nm 1972 tại Saigon. Ông Thiệu chống lại việc Hoa Kỳ đơn phương rút quân đội về nước, trong khi các đơn vị quân đội Bắc Việt được ở lại trong miền Nam Việt Nam. Ông ta cũng không chấp nhận để cho Mặt Trận Giải Phóng (NLF - Việt Cộng) được nằm trong chính phủ liên hiệp.

Sau đó, Kissinger đã được Tổng Tống Nixon cho phép … tiếp tục, không cần sự đồng ý của ông Thiệu. Khi ông Thiệu tiếp tục chống đối Kissinger, Tổng Thống Nixon công khai “đe dọa ông Thiệu với một cộc đảo chánh, hoặc bết hơn nữa (giết), nếu không chấp nhận những việc Kissinger đã làm.” Ngày 6 tháng Mười năm 1972, Nixon cảnh cáo ông Thiệu.

Sẽ bị thay thế bằng võ lực, ngoại từ hợp tác với người Hoa Kỳ (Kissinger). Tôi khuyên ông nên suy nghĩ chin chắn, để không bị rơi vào tình trạng như năm 1963 (anh em ông Diệm bị giết), mà tôi đã chống đối năm 1968.

Richard Nixon, 6 tháng Mười, năm 1972

Ngày 17 tháng Mười năm 1972, Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho bộ Tổng Tham Mưu đem vào dinh Độc Lập một tài liệu dài 10 trang giấy tịch thâu của địch trong tỉnh Quảng Tín, có tựa đề “Hướng Dẫn Tổng Quát cho việc Ngừng Bắn.” Tài liệu này có nói đến việc thương lượng giữa Kissinger và Lê Đức Thọ. Ông Thiệu chấn động, không biết rõ chuyện đi đêm giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt, trong khi phía cộng sản đã biết và chuẩn bị trước các hoạt động tương xứng khi bản hiệp định được ký kết.

Ngày 18 tháng Mười, Kissinger trao cho ông Thiệu một bản thảo hiệp định Ngừng Bắn Paris bằng tiếng Anh, trong đó, Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) không phải là một chính quyền hợp pháp. Bản hiệp định chỉ nói đến ba quốc gia Đông Dương: Lào, Cambodia và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (DRVN – Hà Nội). Ông Thiệu chỉ muốn “đấm” vào mồm Kissinger. Khi được hỏi về quân đội Bắc Việt trong miền nam. Kissinger trả lời, chuyện đó mâu thuẫn nên không có trong bản thảo. Phía VNCH đòi một bản tiếng Việt và thời gian để xem xét bản thảo.

Phía VNCH nhận được bản tiếng Việt không hoàn toàn đúng như bản tiếng Anh, yêu cầu Kissinger trả lời 23 điểm trong bản hiệp định. Kissinger trả lời 16 điểm có thể thương lượng nhưng số còn lại (7) không thể thương lượng được. VNCH đặt câu hỏi về quân đội Bắc Việt trong miền nam, và Ủy ban Hòa Hợp, Hòa Giải Dân Tộc? Kissinger trao cho ông Thiệu thư tay của Tổng Tống Nixon, thúc dục ông Thiệu ký tên chấp thuận bản hiệp định Ngừng Bắn Paris. Ông Thiệu trả lời, tôi không thể ký được.

Kissinger tức điên lên gọi ông Thiệu là “Chướng ngại vật cho hòa bình” (kỳ đà cản mũi), và sẽ làm theo ý ông ta. Ông Thiệu tố cáo Kissinger đi đêm với Nga Tầu bán đứng VNCH. Kissinger quay sang Hoàng Đức Nhã, người em họ làm cố vấn cho ông Thiệu.

- Tại sao Tổng Thống của ông muốn làm Thánh Tử Đạo? Ông ta không cần thiết làm chuyện đó.

- Tôi không cố gắng làm Thánh Tử Đạo. (Ông Thiệu trả lời) Tôi là người có tinh thần quốc gia, đang tìm câu trả lời chính đáng.

Ông Thiệu không chịu ký tên, Bắc Việt tin tưởng Kissinger có thể thuyết phục ông Thiệu… nhưng không được làm họ ngừng thương thuyết trong tháng Mười Một, cho rằng Washington muốn củng cố “chế độ bù nhìn” (VNCH).

Ngày 17 tháng Mười Hai năm 1972, Tổng Thống Nixon ra lệnh tiến hành chiến dịch Linebacker 2, cho phi cơ B-52 thả bom miền Bắc Việt Nam và thả mìn phong tỏa hải cảng Hải Phòng. Tổng Thống Hoa Kỳ, đồng thời đe dọa ông Thiệu, theo Tướng Alexander Haig, ông Thiệu mệt mỏi tuyệt vọng, biết rằng hiệp định Paris sẽ mở cửa cho cộng sản thôn tinh miền Nam Việt Nam.

Các phi vụ B-52 thả bom Bắc Việt cho đến ngày 30 tháng Mười Hai ngoại trừ đêm Noel (24/12). Hoa Kỳ bị bắn rơi 30 phi cơ, trong đó 15 B-52, tất cả do hỏa tiễn điạ không SAM (SA-II). Ngày 14 tháng Giêng năm 1973, Tổng Thống Nixon nói Kissinger kéo Nguyễn Văn Thiệu theo. Ông ta đe dọa sẽ cắt viện trợ kinh tế, nếu ông Thiệu không chịu ký hiệp định, nhưng vẫn hứa sẽ phản ứng mạnh nếu bản hiệp định bị vi phạm. Ngày 20 tháng Giêng, Nixon nhậm chức Tổng Thống, ngày 21 tháng Giêng, ông Thiệu gọi điện thoại cho Đại Sứ Bunker.

- Tôi đã làm kết sức, tất cả cho đất nước tôi.

Trong hồi kỳ, Nixon khen ông Thiệu là người can đảm. “Ông ta làm tôi tức giận, mất mặt, nhưng phải công nhận tinh thần cao độ.”

Ngày 23 tháng Giêng năm 1973, Kissinger và Lê Đức Thọ ký kết 36 điều khoản căn bản. Đối với VNCH, cuộc chiến đấu từ năm 1969 đến năm 1973 coi như mất tất cả. Số tiền 750 triệu đô la quân dụng chuyển giao cho quân đội VNCH trong chương trình “Nhiều Hơn” (Enhance Plus), các phản lực F-5 và C-123 đã cũ không thể xử dụng được. Thiếu ngân khoản mua phụ tùng thay thế, chương trình (Enhance Plus) là một cử chỉ trống rỗng.

II. 4. TRẬN TẤN CÔNG LỄ PHỤC SINH

Trong khi Kissinger cố gắng thương thuyết để rút quân đội Hoa Kỳ ra khỏi cuộc chiến suốt năm 1972. Hà Nội phóng ra một trận tấn công mới, vi phạm hiệp định Geneva 1954, xâm lăng miền Nam Việt Nam. Họ đặt tên cho trận tấn công quy mô này là Chiến Dịch Nguyễn Huệ, xử dụng quân số lên đến 14 sư đoàn, để tiêu diệt hay làm suy yếu quân đội, chính quyền VNCH. Mặt trận B-5 cộng sản cho rằng “Không thành vấn đề nếu trận chiến kết thúc hay kéo dài thêm… cả hai đều là cơ hội cho chúng ta gieo hạt giống và đợi gặt hái kết qủa.”

Trở lại mùa hè năm 1971, Hà Nội cũng “không dè” Tổng Thống Nixon thăm viếng Trung Cộng. Để tránh bị “đàn em” nghi ngờ, Trung Cộng hứa sẽ tiếp tục viện trợ vào đầu năm 1972. Quan thầy Nga Sô cũng lôi kéo Bắc Việt, mong có sự rạn nứt giữa Trung Cộng và Bắc Việt, nên hứa sẽ tiếp tục viện trợ. Hà Nội “lời to”, trong hai năm 1971, 1972, Nga Sô và Trung Cộng viện trợ cho Bắc Việt 1.5 tỷ (đô la) về quân sự, gấp đôi con số tình báo Hoa Kỳ ước đoán. Quân đội Bắc Việt nhận được vũ khí tối tân: 400 chiến xa T-34, T-54, và loại T-59 (do Trung Cộng biến chế từ T-54), 200 chiến xa lội nước PT-76, hàng trăm hỏa tiễn phòng không, kể cả loại cá nhân đeo vai, tầm nhiệt SA-7 Strela, loại AT-3 Sagger (năm 1972 điều khiển bằng dây điện, sau đó tầm nhiệt) chống chiên xa, đại bác 130 ly chiến lược nòng dài tầm bắn xa 30 cây số.

Ngày 30 tháng Ba năm 1972, quân đội Bắc Việt cho ba sư đoàn cùng với 200 chiến xa T-54 băng qua khu vực phi quân sự, tấn công tỉnh Quảng Trị vùng điạ đầu giới tuyến. Các đơn vị Bắc Việt khác từ bên Lào băng qua biên giới tấn công tỉnh Kontum, xa nhất trên vùng cao nguyên và An Lộc trong Quân Đoàn III gần biên giới Việt Miên. Trong tận tấn công lớn nhất vào thời điểm năm 1972, quân đội Bắc Việt xử dụng 14 sư đoàn cùng nhiều trung đoàn độc lập tấn công các đơn vị VNCH trên ba chiến trường Quảng Trị, Kontum, và An Lộc.

Mặt trận nặng nhất ở Quảng Trị, sư đoàn 3 BB VNCH phải gánh chịu sức tấn công mạnh bạo của địch. Sư đoàn 3 BB VNCH mới được thành lập trong tháng Mười năm 1971, nhằm thay thế các đơn vị Hoa Kỳ rút về nước (TQLC/HK, sư đoàn 101 ND, sư đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ). Ngày 1 tháng Tư, Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai (tư lệnh sđ 3/BB) ra lệnh rút đơn vị đang trấn đóng nơi phiá nam Cửa Việt về để tái tổ chức, chấn chỉnh lại sư đoàn. Ngày hôm sau, Trung Tá Phạm Văn Đính trung đoàn trưởng 56 BB đầu hàng cả trung đoàn 1500 người trong căn cứ hỏa lực Carroll (Tân Lâm, lớn nhất ngoài Vùng I Chiến Thuật, có cả đại bác 175 ly) để cho quân đội Bắc Việt đánh chiếm cả khu vực hướng tây, kéo dài xuống phiá bắc sông Thạch Hãn. Nhưng quân đội Bắc Việt khựng lại, vì bị tổn thất, dậm chân tại chỗ ba tuần lễ, đủ thời gian cho quân đội VNCH bổ sung, tái trang bị, phản công. Vì mâu thuẫn lệnh lạc giữa Tướng Giai và cấp chỉ huy trực tiếp Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm tư lệnh Quân Đoàn I, quân đội VNCH tan rã.

Thị trấn Đông Hà, Quảng Trị, Tân Cảnh, Dakto nơi hướng Bắc tỉnh Kontum, trên vùng cao nguyên bị quân đội Bắc Việt với vũ khí, trang bị mới hơn, tối tân hơn (đại bác tầm xa 130 ly, chiến xa T-54) tấn công tràn ngập.

Tổng Thống Nixon được báo cáo, tức giận ra lệnh thả bom miền Bắc, từ khu vực phi quân ra ngoài bắc 25 dặm, sau đó cho phép ra đến vĩ tuyến 20. Ông ta được cố vấn, thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng nơi Bắc Việt nhận quân dụng, vũ khí viện trợ từ các quốc gia cộng sản.

Ông Thiệu phải đưa Trung Tướng Ngô Quang Trưởng từ dưới vùng IV ra thay thế Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm làm tư lệnh Quân Đoàn I. Binh sĩ ngoài Vùng I Chiến Thuật lên tinh thần, quân đội VNCH thảo kế hoạch phản công lấy lại phần đất mất về tay địch. Sư đoàn 1 BB tấn công về hướng tây (rừng núi dẫy Trường Sơn, biên giới Lào Việt). Sư đoàn Dù, sư đoàn TQLC, được tăng cường liên đoàn 1 Biệt Động Quân tấn công lên hướng bắc về hướng thành phố Quảng Trị.

Trận phản công tái chiếm thành phố Quảng Trị và cổ thành Đinh Công Tráng đẫm máu, số thương vong cả hai bên lên rất cao. Quân đôi Bắc Việt tiếp tục đổ thêm quân vào chiến trường, theo lời một người lính Bắc Việt đã từng tham dự “Các tân binh được đưa vào bổ sung vào buổi tối. Họ chết trước rạng đông ngày hôm sau… Không kịp để biết người lính đó từ đâu bổ sung đến, cấp chỉ huy là ai?” Cổ thành Quảng Trị được phòng thủ mạnh nhất, TQLC VNCH cắm cờ ngày 16 tháng Chín năm 1972. TQLC VNCH báo cáo tổn thất 3.658 quân nhân trong bẩy tuần lễ tấn công tái chiếm cổ thành Đinh Công Tráng. Cứ bốn người lính TQLC VNCH, một người tử trận hoặc bị thương.

        Trên vùng cao nguyên, quân đội VNCH đứng vững bảo vệ thành phố Kontum, quân cộng sản bị thiệt hại nặng phi rút lui. Ở An Lộc trong Quân Đoàn III cũng thế, ba sư đoàn 5, 7, 9 Việt Cộng bị thiệt hại nặng vẫn không chiếm được thị trấn An Lộc cũng phải rút qua đất Cambodia.

II. 5. MÙA HÈ 1975 (TỔNG TẤN CÔNG LẦN THỨ BA)

Theo tài liệu Viện Nghiên Cứu Quân Sử Việt Nam (Bắc Việt), báo cáo của đảng Cộng Sản VN khi chiến tranh chấm dứt. “Số lượng đồ tiếp liệu chuyên chở vào miền nam trên đường Trường Sơn (HCM) từ đầu năm 1974 cho đến cuối tháng Tư năm 1975 là 823.146 tấn quân dụng, vũ khí, đạn dược, hon gấp rưỡi (1.6) lần tổng số lượng đồ tiếp liệu chở vào miền nam trong 13 năm trước đó.” Cũng “trong thời gian 1973-1974, hơn 150.000 thanh niên được gọi nhập ngũ. Nhiều đơn vị tác chiến được bổ sung đầy đủ quân số, 68.000 quân được bổ sung, 8.000 cán bộ, chuyên viên kỹ thuật được đưa ra chiến trường.”

Ngày 1 tháng Bẩy năm 1973, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật ngăn cấm không cho quân đội Hoa Kỳ tham dự trực tiếp hay gián tiếp trên đất Lào, Cambodia và cả hai miền Bắc, Nam Việt Nam. Ngày 7 tháng Mười Một, Thượng Viện phủ quyết quyền tuyên chiến của Tổng Thống Hoa Kỳ, nếu không được Quốc Hội thông qua. Trong thời gian 1972-1973, Nam Việt Nam nhận được 2.2 tỷ đôla viện trợ Hoa Kỳ. Thời gian 1973-1974, con số đó giảm xuống còn 965 triệu đô la, cắt giảm hơn một nửa.

Đến giữa năm 1974, quân đội VNCH mới cảm thấy thiếu thốn sự viện trợ của Hoa Kỳ, kết qủa số tổn thất, thương vong gia tăng (không có trực thăng tản thương…). “Các quân y viện đều chật cứng thương binh, thiếu thốc men, đặc biệt thuốc kháng sinh, và máu (cho người bị thương). Trong thành phố Saigon, đơn vị xe cứu thương không đủ xăng để di tản thương binh…”

Bộ Tổng Tham Mưu quân đội VNCH không giúp được gì, Đại Tướng Trần Thiện Khiêm (Thủ Tướng) có bề ngoài thương gia hơn vị tướng bốn sao. Ông ta luôn đứng trong bóng tối, tránh né tai tiếng, trách nhiệm trực tiếp. Ông ta để cho Tổng Thống Thiệu quyết định mọi việc, hỗ trợ ông Thiệu trong vấn đề chính trị.

Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội VNCH, cũng im lặng trong bóng tối, để cho ông Thiệu trực tiếp làm việc với các tư lệnh quân đoàn, đánh giặc.

Một trong những người tin tưởng chế độ VNCH trong Saigon là Đại Sứ Hoa Kỳ Graham Martin. Ông ta làm việc rất hăng say, không biết mệt. Một nhân viên trong tòa đại sứ nói “Tôi biết có ông đại sứ, nhưng chưa gặp ông ta lần nào.” Đại Sứ Martin trở nên “người tin tưởng tuyệt đối”, ông ta lập lại những điều Tổng Thống Nixon, rồi Tổng Thống Ford hứa hẹn không để VNCH thua trận. Ông ta bị “buộc tội” báo cáo về Washington (Bộ Ngoại Giao) và Tổng Thống Hoa Kỳ “bóp méo sự thật, che dấu khuyết điểm của chính quyền ông Thiệu, cung cấp tin tức sai lạc cho gới soạn chính sách (cho Việt Nam)”

Tệ hại hơn nữa, Tướng Murray, trưởng cơ quan DAO (Phòng Tùy Viên Quân Sự - trực thuộc tòa Đại Sứ) cho rằng ông ta đã hướng dẫn cấp chỉ huy chính quyền VNCH sai lạc, lập đi lập lại lời hứa hẹn của các vị Tổng Thống Hoa Kỳ (Nixon, Ford), sẽ yểm trợ tối đa ông Thiệu. Sự thật, Quốc Hội Hoa Kỳ cắt viện trợ Hoa Kỳ là xong, Tổng Thống Hoa Kỳ không làm gì được.

Ngày 10 tháng Ba năm 1975, quân đội Bắc Việt tấn công bất ngờ thị xã Ban Mê Thuột. Thiếu Tướng Phạm Văn Phú vẫn tin Kontum, Pleiku sẽ là bãi chiến trường chính trên Quân Đoàn II, nên đưa quân lên bảo vệ hai thành phố trên, Ban Mê Thuột chỉ có một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 53, sư đoàn 23 BB cùng các đơn vị Điạ Phương Quân VNCH bảo vệ.

Ban Mê Thuột thất thủ, Tổng Thống Thiệu rối trí, đưa ra quyết định sai lầm chiến lược, ra lệnh cho Tướng Phú rút quân còn lại trên vùng cao nguyên (Biệt Động Quân, Thiết Giáp) về miền duyên hải. Tin đồn về cuộc di tản làm cho người dân trong hai tỉnh Kontum, Pleiku hoang mang, lo sợ, tìm đủ mọi phương tiện, xe cộ chạy theo đoàn xe chở quân đội làm tắc nghẽn con đường độc đạo di tản liên tỉnh lộ 7B. Sư đoàn 320 Bác Việt đuổi kịp và kết qủa, đoàn xe trở thành những mục tiêu dễ dàng cho pháo binh, súng cối, đại bác không dật, quân đội Bắc Việt. Quân dân VNCH về đến Tuy Hòa, Phú Yên chỉ còn một phần ba.

Tiếp theo, ông Thiệu ra lệnh rút sư đoàn Dù về Saigon làm cho tuyến phòng thủ Quân Đoàn I yếu đi. Ra lệnh cho Tướng Ngô Quang Trưởng rút quân về phòng thủ thị xã Đà Nẵng… sau đó đổi ý, ra lệnh bảo vệ thành phố Huế... rồi lại bỏ Huế… sau vài lần thay đổi qua lại, lệnh lạc không được tuân hành nữa.

Đến cuối tháng Ba, cả hai Quân Đoàn I, và II VNCH xụp đổ… Các sư đoàn, quân đoàn chính quy Bắc Việt tiến công về hướng Saigon chỉ dừng lại nơi phòng tuyền Xuân Lộc. Sư đoàn 18 BB VNCH được một lữ đoàn Nhẩy Dù, một lữ đoàn kỵ binh, 1 tiểu đoàn Biệt Động Quân tăng cường chống cự quyết liệt đến gần cuối tháng Tư mới phải rút bỏ… “phòng tuyến thép”.

Ngày 21 tháng Tư năm 1975, trước áp lực chính trị, ông Thiệu từ chức, Saigon xụp đổ ngày 30 tháng Tư năm 1975, kết thúc cuộc chiến kéo dài 21 năm. Thương binh VNCH đang điều trị bị đuổi ra khỏi Tổng Y Viện Cộng Hòa chiều ngày 30 tháng Tư năm 1975.

 III. KẾT LUẬN

Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu được người Pháp huấn luyện, ông cố gắng học hỏi theo hệ thống người Hoa Kỳ. Ông Thiệu tự học hỏi không cần người chỉ dẫn, tin tưởng nơi quân đội sẽ đứng sau lung, trung thành với ông ta.

Trên đường chính trị, ông Thiêu không phải là đối thủ của Henry Kissinger. Ông Thiệu không bao giờ chấp nhận chính sách giới hạn thả bom (miền Bắc) để thúc đẩy việc thương thuyết, được bộ trưởng Quốc phòng McNamara ủng hộ và Tổng Thống Lyndon Johnson nghe theo. Ông ta hy vọng, Nixon sẽ xử dụng sức mạnh tối đa (đối với quân đội Bắc Việt), khi họ tấn công miền nam, sau khi ký kết hiệp định ngừng bắn Paris.

Trong thời gian nắm quyền trong miền Nam Việt Nam, ông Thiệu phải đương đầu với hai cuộc chiến: Chiến Tranh Chính Trị, chống lại Kissinger và người Hoa Kỳ và trận chiến quân sự với Đảng Cộng Sản Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Lê Duẫn. Thua cuộc chiến chống Kissinger, tiếp theo, ông Thiệu thua luôn cuộc chiến quân sự chống Hà Nội.

Ông Thiệu sống ẩn dật trong thời gian sống nơi xứ lạ quê người phương Tây. Lúc định cư ở bên nước Anh, ông Thiệu từ chối gặp gỡ bất cứ ai để trả lời cuộc phỏng vấn. Sau khi qua sống ở Boston, Massachusetts ông Thiệu tiếp tục giữ kín, kể cả viết hồi ký.

Theo tài liệu:

“Dr. Võ M. Nghĩa, “Nguyên Van Thieu’s Four Wars, Radix Press 1975, pages: 5 - 21  

Dallas, Texas 30 Nov., 2023

vđh

Previous
Previous

Binh Nhất đánh cắp trực thăng đáp xuống tòa Bạch Ốc Thiên Ân

Next
Next

Quân Đoàn III VNCH – Trại Lực Lượng Đặc Biệt Katum – Biên Giới Tây Ninh – Kampuchia.