Những sự thật về ngày 30-04- 1975 ở Việt Nam

Phạm Xuân Quang

Đến năm 1973, ngoại trừ một nhóm nhỏ các kỹ thuật viên và nhân viên của C.I.A - tất cả nhân viên quân sự Hoa Kỳ đã rời khỏi Việt Nam. Việc ném bom Miền Bắc Việt Nam đã kết thúc - những tù binh người Mỹ bị CSVN bắt trước đó đã được phóng thích. Tuy vậy cuộc chiến tranh du kích vẫn còn tiếp diễn ở Việt Nam. Điểm khác biệt ở chỗ lúc bấy giờ cuộc chiến tranh du kích đó đang xảy ra giữa người Việt Nam với nhau - chứ không còn sự tham gia của người Mỹ và đồng minh của họ. Mặc dù vậy - nhiều thế lực ngoại quốc vẫn tiếp tục bảo trợ cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Người Mỹ thì cung cấp vũ khí đạn dược, khí tài quân sự và nhiều phương tiện chiến tranh khác cho VNCH. Liên Bang Xô-Viết và Trung Cọng thì ủng hộ cho CSVN - từ vật chất cho đến tinh thần. Mặc dù Hoa Kỳ đã rút quân đội của họ về nước nhưng các tổ chức phản chiến như Trung Tâm Tài Nguyên Đông Dương, Khối Phật Giáo Ấn Quang ở Việt Nam, những tổ chức văn nghệ sĩ và báo chí thân Cọng Sản tại nhiều nơi khác nhau.... vẫn tiếp tục " vận động hành lang" để Chính Phủ Hoa Kỳ cắt hết viện trợ về tài chánh và quân sự cho Miền Nam Việt Nam.

Sự " vận động hành lang" đó đã thành công bởi vì nó mang lại sự cắt giảm về tiền của có lợi cho nước Mỹ. Đầu năm 1975 - Hoa Kỳ đã viện trợ cho Miền Nam Việt Nam 700 triệu dollars Mỹ. Theo ước tính của những chuyên gia quân sự thì số tiền nói trên chưa bằng 1/2 nhu cầu cần thiết của VNCH - dùng để chống lại CSVN. Đến mức đó thì người Miền Nam Việt Nam bỗng nhiên cảm thấy bị hụt hẫng và thất vọng, bị rơi vào tình trạng thiếu thốn đạn dược, nhiên liệu và khí tài quân sự. Trước đó - tình trạng tồi tệ này chưa từng xảy ra ở Miền Nam Việt Nam. Trong khi đó ở Miền Bắc Việt Nam - CSVN đã nhanh chóng đánh giá được tình hình mới. Họ tiếp tục khẩn trương xây dựng một quân đội to lớn gấp nhiều lần Quân Lực VNCH để chuẩn bị tấn công và cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam.

Đến tháng giêng năm 1975 -CSVN đã phát động một cuộc tấn công trên bộ với qui mô chưa từng thấy nhằm vào Miền Nam Việt Nam. Với sự yểm trợ của xe tăng và trọng pháo - bộ đội CSVN đã tràn qua vĩ tuyến 17. Với cuộc tấn công qui mô này - CSVN đã vi phạm trắng trợn Hiệp Định Ba-Lê 1973. Người CSVN thường quen gọi đây là Hiệp Định Paris 1973. . Hiệp định này đã được ký kết bởi Mỹ Quốc, VNCH, CSVN ở Bắc Việt và Việt Cọng ở Miền Nam Việt Nam.

Vào tháng 3 năm 1975 - Văn Tiến Dũng đã nhận được chỉ thị từ Bộ Chính Trị CSVN rằng ông phải tấn công Ban-Mê- Thuột và chiếm giữ cho bằng được Cao Nguyên Miền Trung ở Việt Nam ( ngày trước gọi là Cao Nguyên Trung Phần ). Theo lệnh của Văn Tiến Dũng - Nhiều đơn vị Việt Cọng đã nhanh chóng chiếm giữ Ban-Mê- Thuột và Cao Nguyên Miền Trung. Lúc đó tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã quyết định chiến thuật rút quân khỏi Cao Nguyên Miền Trung để tập trung lực lượng bảo vệ những vị trí chiến lược khác của VNCH. Quyết định nói trên của ông Nguyễn Văn Thiệu là một sai lầm nghiêm trọng nhất trong suốt cuộc chiến tranh. Thay vì phải giữ vững Cao Nguyên Miền Trung và tiếp tục chiến đấu trước sự tấn công của CSVN tại vùng đất này - những đơn vị quân đội VNCH ở đây đã nhận được lệnh phải nhanh chóng rút khỏi Pleiku và Kontum. Việc rút quân này của VNCH đã trở thành một thảm họa ngoài dự tính. Trên đường rút lui - Binh lính VNCH đã bị bộ đội CSVN tổ chức tấn công đánh chặn. Do bị bất ngờ và hoảng loạn - rất nhiều lính tráng VNCH đang đồn trú tại Cao Nguyên Miền Trung đã đào ngũ và tháo chạy theo nhiều phía. Riêng vị chỉ huy quân sự của VNCH ở Cao Nguyên Miền Trung lúc bấy giờ là Thiếu Tướng Phạm Văn Phú thì khác. Sau khi nhận được lệnh phải rút quân của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu - thay vì thực thi theo lệnh Tướng Phú đã kêu gọi những đơn vị quân đội VNCH trung thành với ông ở Cao Nguyên Miền Trung để tổ chức chống trả lại sự tấn công như vũ bão của CSVN vào Ban- Mê-Thuộc, Pleiku và Kontum. Tướng Phú đã cùng với binh lính của ông anh dũng chiến đấu đến giây phút cuối cùng để chống lại quân CS Bắc Việt với số lượng đông gấp bội. Cuối cùng do thua trận - ông đã tuẫn tiết để bảo toàn danh dự cao quí của một sĩ quan quân lực VNCH trước lịch sử !

Tôi thật sự hết sức cảm động và kính phục hành động cao thượng của Thiếu Tướng Phạm Văn Phú khi nghiên cứu, thu thập các tài liệu lịch sử để viết bài này ! Nếu là Tướng Phú - chắc chắn tôi cũng sẽ hành động giống như ông. Tư cách đạo đức và danh dự cao quí của một sĩ quan cao cấp VNCH không cho phép Tướng Phú khiếp sợ, bạc nhược và khuất phục trước họng súng của quân thù !

Thiếu Tướng Phạm Văn Phú đã thất bại trên chiến trường nhưng ông không hề thất bại trên đường đời ! Cái chết ý nghĩa của ông đã để lại cho hậu thế một bài học sáng giá về sự chiến đấu anh dũng - cũng như hành động tuẫn tiết cao thượng để giữ gìn khí tiết của một sĩ quan VNCH ! Sau khi Cao Nguyên Miền Trung thất thủ và rơi vào tay CSVN - Nhiều thành phố khác ở Miền Nam Việt Nam như Quãng Trị, Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang.....cũng lần lượt rơi vào tay CSVN . Dường như những thành phố này đã bị bỏ rơi và không có binh lính VNCH trấn giữ . Ở những nơi đó đã không hề có một tiếng súng kháng cự lại quân đội CS Bắc Việt. Có thể nói - CSVN chỉ cần một lực lượng quân sự nhỏ vừa đủ để chiếm giữ những thành phố nói trên như là một sự " tiếp quản" - chứ không hề có giao tranh quân sự xảy ra như nhiều nơi khác ở Việt Nam.

Dưới sức ép của dư luận Mỹ, sự tác động và kêu gọi của nhiều tổ chức phản chiến - Quốc Hội Hoa Kỳ đã từ chối tiếp tục viện trợ khẩn cấp cho Miền Nam Việt Nam. Trước khi từ chức - tổng thống Mỹ Nixon có hứa sẽ sẵn sàng giúp đỡ trong trường hợp Miền Nam Việt Nam bị CSVN tấn công. Quốc Hội Mỹ cũng đã từng hứa như vậy với Chính Phủ VNCH ! Trong đó Liên Bang Xô- Viết và Trung Cọng vẫn tiếp tục ủng hộ và viện trợ cho CSVN từ vật chất cho đến tinh thần - nhằm mục đích tiêu diệt VNCH ! Trước tình trạng tồi tệ đó - ông Nguyễn Văn Thiệu ( người đã trở thành tổng thống VNCH từ năm 1967 ) đã bị đồng minh Mỹ bội ước ! Sau đó ông Thiệu phải cam chịu sự nhẫn nhục từ bỏ địa vị tổng thống VNCH và rời bỏ đất nước.

Tiếp đến - Ông Nguyễn Văn Thiệu và gia đình của ông đã đến tị nạn và định cư ở Anh Quốc theo một sự thỏa thuận trước đó !

Trước khi ra đí - ông Thiệu cũng đã có một bài diễn văn trước quốc dân đồng bào Miền Nam Việt Nam. Trong bài diễn văn này ông đã chính thức chỉ trích, lên án và buộc tội Nhà Nước Mỹ đã bội ước với đồng minh và bỏ rơi Chính Thể VNCH trong cơn hoạn nạn !

Tiếp đến - Phó Tổng Thống Trần Văn Hương đã lên thay thế Nguyễn Văn Thiệu với chức vụ tổng thống VNCH. Một tuần sau đó ( tức ngày 28 / 04 / 1975 ) - dưới sức ép của một số phần tử được cho là " loạn thần" trong Chính Thể VNCH - Ngài Tổng Thống VNCH Trần Văn Hương ( xuất thân là một trí thức ưu tú, một nhà giáo dục mẫu mực và đức hạnh của Miền Nam Việt Nam ) đã phải nhường lại chức vụ tổng thống cho ông Dương Văn Minh ( Tên thường gọi là Minh Lớn ). Cho đến ngày nay - đa số dư luận đứng đắn đều cho rằng tổng thống VNCH Dương Văn Minh là một kẻ phản bội và hèn nhát, chủ trương thương thuyết và đầu hàng CSVN.

Như lịch sử đã cho thấy , vào sáng ngày 30 / 04 / 1975 - sau 43 giờ có mặt tại Văn Phòng Tổng Thống VNCH ( Tức Dinh Độc Lập ở Sài Gòn - Bây giờ CSVN gọi là Dinh Thống Nhất ) Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng CSVN ! Liền sau đó - ông ta cũng đã kêu gọi tất cả những đơn vị quân đội VNCH trên lãnh thổ Việt Nam hãy đồng loạt buông súng và đầu hàng CSVN một cách vô điều kiện.

Vài giờ trước khi Dương Văn Minh đầu hàng CSVN - những người Mỹ cuối cùng cũng đã rời khỏi Việt Nam - trên những chiếc tàu thủy to lớn vừa cập bến Cảng Nhà Rồng ở Sài Gòn để đón họ . Sự thật - từ đầu cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ II ( tính từ năm 1954 đến năm 1973 ) người Mỹ chưa một lần tuyên chiến với CSVN ở Miền Bắc. Cuối cùng họ cũng đã tự ý rời bỏ Việt Nam theo cách đó ! Việc tự tung tự tác ra đi khỏi Việt Nam của người Mỹ và sự sụp đổ của Chính Thể VNCH vào thời đó đã biến Miền Nam Việt Nam trở thành một thảm họa. Ngay sau khi những chiếc xe tăng đầu tiên của CSVN tiến vào Sài Gòn - 135 ngàn người Miền Nam Việt Nam cũng đã bỏ nước ra đi bằng nhiều phương tiện khác nhau ( nếu tính từ năm 1975 đến năm 1994 - tổng cọng đã có khoảng 2 triệu người Việt Nam bỏ nước ra đi. Trong đó có khoảng 500. 000 người đã thiệt mạng trên đường đào thoát ). Trong cuộc đào thoát vĩ đại mang tính lịch sử của người Miền Nam Việt Nam vào năm 1975 - sự giúp đỡ của người Mỹ đối với người tị nạn Miền Nam Việt Nam là " không chính thức - Unofficial". Su giúp đỡ đó chủ yếu phát xuất từ động cơ nhân đạo, tình đồng đội, những mối quan hệ cá nhân trong suốt cuộc chiến, nghĩa vụ với đồng nghiệp và ngay cả những trường hợp bất đắc dĩ phải làm....Cho đến ngày 30 / 04 / 1975 - Nhà Nước Mỹ vẫn chưa có chủ trương giúp đỡ người tị nạn ở Miền Nam Việt Nam nói chung -ngoại trừ chiến dịch gọi là " Baby Lift" - Di tản trẻ em không nơi nương tựa tại những trại tế bần ở Miền Nam Việt Nam sang Mỹ định cư. Ngoài ra Chính Phủ Mỹ cũng có một số " chương trình đặc biệt không chính thức" nhằm giúp đỡ sĩ quan cao cấp của VNCH rời khỏi Việt Nam trong ngày 30 / 04 / 1975. Tuy vậy - " những chương trình tạm gọi là đặc biệt" này sau đó đã phải chịu nhiều sự chỉ trích của dư luận - bởi vì trong cuộc di tản lịch sử đó có nhiều người Miền Nam Việt Nam không xứng đáng hay ít nhất cũng là chưa xứng đáng để được ưu tiên ra đi trên những chiến hạm Mỹ. Ngược lại có nhiều người là quân nhân, sĩ quan cao cấp, nhân viên tình báo...của VNCH có công và trung thành với chính phủ nhưng họ đã bị bỏ lại một cách vô lý và oan ức. Sau đó - tất cả họ đã bị tống giam vào những nhà tù mà CSVN thường nói theo lối uyển ngữ là " các trại tập trung học tập cải tạo" . Mãi đến năm 1994 - khi Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận đối với CSVN thì nhiều chương trình nhân đạo khác đã được Nhà Nước Hoa Kỳ mở ra ở Việt Nam như : H.O (Humanitarian Operation ), A. C ( American Children ), O.D. P ( Orderly Departure Program ) ....Đề tài về chiến tranh Mỹ -Việt ở Việt Nam rất đa dạng và phong phú. Bên cạnh đó trong cuộc chiến tranh này vẫn còn nhiều vấn đề bí mật và quan trọng chưa được giải mã hết - cũng như chưa được công bố rộng rãi trên phạm vi thế giới. Bài viết này chỉ là một sự khái quát ngắn gọn và ít ỏi về những ngay cuối cùng khi CSVN cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam vào năm 1975. Dĩ nhiên nó không thể nói lên hết những khúc mắc, suy tư và bất bình vẫn còn tồn đọng trong tâm hồn của người Miền Nam Việt Nam trong suốt 49 năm qua. Một cách khiêm nhường và tự biết về kiến thức hạn chế của bản thân người viết bài này - có thể nói bài viết là một sự lần mò đi ngược lại với thời gian - để tìm kiếm, gom góp và chắt chiu những kỹ niệm đã vụn vỡ về một thời hoàng kim của người Miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Bài viết cũng không nhằm đả phá hay lên án bất cứ ai - Nó chỉ nói lên phần nào sự thật lịch sử trong khả năng giới hạn của tác giả khi nghiên cứu, nhìn nhận và đánh giá về cuộc chiến tranh vừa qua ở Việt Nam. Với kỳ vọng nhỏ nhoi và khiêm tốn - người viết bài này chỉ mong muốn cho giới trẻ Việt Nam ở quốc nội và hải ngoại ngày nay cần biết cách nhìn nhận và đánh giá đúng về lịch sử của đất nước - để nền lịch sử lâu đời của dân tộc Việt Nam sẽ không bị bất cứ một thế lực đen tối và phi nhân nào lợi dụng, xuyên tạc và bóp méo sự thật ....vì mục đích tuyên truyền sai lạc, nhồi sọ, mị dân và thủ lợi cục bộ ! Bài viết này có xử dụng nhiều tài liệu lịch sử đã được công bố đến từ Mỹ Quốc, Anh Quốc, Gia-Nã- Đại, Úc- Đại-Lợi, Việt Nam và một số nơi khác !

Next
Next

Ngô Đình Diệm và vai trò lịch sử của CIA tại Việt Nam