Biệt Ðộng Quân Tây Chinh

(Ðể tưởng niệm: Cố Trung Tá Mũ Nâu Ngô Minh Hồng)

Chiến dịch Tây Chinh đánh sang các cứ hậu cần và bộ chỉ huy Cộng Sản trên lãnh thổ Cộng Hòa Cambodia khởi diễn trong cuối Tháng Tư 1970 đầu Tháng Năm 1970, binh chủng Biệt Ðộng Quân vinh dự được chọn làm nỗ lực chính trong cả ba mặt trận Vùng II, Vùng III và Vùng IV. Liên Ðoàn 4 Biệt Ðộng Quân của Vùng IV Chiến Thuật, cùng với Thủy Quân Lục Chiến và Bộ Binh làm thành mũi dùi thọc sâu vào đất Miên, tiến quân dọc theo con sông Mékong đánh vào Kompong Cham, Kompong Trabek và Bến Phà Neakluong.

Trong thời gian này, dân và lính Miên, kể cả quân Khmer (Miên Cộng) dậy lên cuộc tàn sát ghê rợn hàng chục ngàn đồng bào Việt sinh sống từ lâu đời trên đất Cambodia. Lũ Việt Cộng khốn kiếp, chúng có mặt ngay từ đầu cuộc thảm thương đó, mà chúng đã làm ngơ không can thiệp cứu giúp những người cùng đất nước và tổ tiên với chúng. Tiếng kêu khóc của đồng bào Việt Nam thảm thiết dậy khắp đất trời trong nhiều ngày liền, mà bọn súc sinh đó cứ mải mê lo tiến chiếm các vị trí của quân Cộng Hòa Miên, không đoái hoài gì đến nỗi đau của đồng bào. Một quân đội từng tự xưng là Quân Đội Nhân Dân, cao rao công lý và giải phóng cho nhân dân, vậy mà khi nhân dân bị người ta sát hại ngay trước mắt, lũ âm binh ác quỷ đó đã trơ mặt không có phản ứng gì.

Khi những người lính Việt Nam Cộng Hòa tràn sang đánh đuổi quân Việt Cộng và bọn chỉ huy đầu sỏ trong Cục R chạy bán mạng, các anh rải quân lùng sục khắp thôn làng để tìm cứu đồng bào của mình. Khi các chiến sĩ tiền sát của Sư Ðoàn 9 Bộ Binh tiến vào thành phố Prasaut, các anh đã sửng sốt thấy mình đang đứng giữa một thành phố ma hoang vắng lạnh người. Quân và dân Miên sau khi gây tội ác lên chính những người hàng xóm tối lửa tắt đèn hiền lành của mình, nghe tin quân Nam đến đã dắt díu nhau chạy trốn mất dạng, cả con con gà con chó cũng vắng bóng. Hàng trăm cái xác chết oan khuất của người Việt nằm đầy thành phố đã làm cho những người lính chúng ta phải bật khóc.

Ở mặt trận thuộc trách nhiệm Vùng III Chiến Thuật, các Liên Ðoàn 3, 5 và 6 Biệt Ðộng Quân cùng với các Tiểu Ðoàn Nhảy Dù và Bộ Binh đánh tràn vào Trung Ương Cục Miền Nam, tức Cục R và hang ổ các Sư Ðoàn 5, 7, 9 Cộng Sản Bắc Việt trong khu vực Lưỡi Câu và Mỏ Vẹt. Sau những trận đánh thần tốc, gây nhiều thiệt hại cho các đơn vị này, quân ta chuyển hướng tấn công vào Krek, Snoul và đồn điền cao su Chup.

Liên Ðoàn 5 Biệt Ðộng Quân với mặt trận Krek:

Krek là một thị trấn nhỏ của Cambodia, nằm trên ngã ba Quốc Lộ 7 và 22, cách biên giới Miên-Việt khoảng 15 cây số. Từ ngã ba theo Quốc Lộ 7 về hướng Tây là đường đi Suông-Chup, hướng Ðông Bắc lên Snoul qua vùng Mỏ Vẹt. Nếu theo Quốc Lộ 22 sẽ đi về biên giới Tây Ninh. Vì vậy, Krek nằm trên một vị trí chiến lược rất quan trọng. Chiến Ðoàn 5 Biệt Ðộng Quân của Trung Tá Ngô Minh Hồng nhận nhiệm vụ đánh chiếm vị trí này.

Liên Ðoàn 5 Biệt Ðộng Quân với các Tiểu Ðoàn 30, 33, 38 Biệt Ðộng Quân cấu thành Chiến Ðoàn 5 Biệt Ðộng Quân, có Kỵ Binh và Pháo Binh tăng cường hỏa lực. Liên Ðoàn 5 Biệt Ðộng Quân từng hủy diệt nhiều đơn vị Việt Cộng trong hai lần chiến cuộc Mậu Thân, mà đã để lại trong lòng đồng bào thủ đô rất nhiều kỷ niệm đẹp. Các anh vừa đánh giặc vừa di tản đồng bào về phía sau được an toàn. Cam chịu nhiều tổn thất hy sinh, người lính Liên Ðoàn 5 Biệt Ðộng Quân trong những ngày binh lửa ngập trời đó đã tiến rất chậm để bảo toàn tài sản và sinh mạng của đồng bào ruột thịt của mình. Giờ đây, các anh sẽ tham dự vào một chiến trường hoàn toàn mới lạ và đầy thách thức.

Ðược đặt dưới quyền tổng chỉ huy của Trung Tướng Ðỗ Cao Trí, tư lệnh Quân Ðoàn III, Mũ Nâu, Mũ Ðỏ, Mũ Ðen và Bộ Binh đã tấn công địch bằng nhị thức bộ binh-thiết giáp một cách tích cực và dữ dội hơn là trong nội địa Việt Nam. Chính là trên chiến trường ngoại biên, binh chủng Biệt Ðộng Quân đã lập được nhiều kỳ công. Chúng ta cũng được biết rằng, khi chiến vượt biên Toàn Thắng 43 khởi diễn trong Tháng Năm 1970, ngoài các Sư Ðoàn Bộ Binh 5, 25 và Nhảy Dù, thì các Liên Ðoàn 3 và 5 Mũ Nâu được chọn làm nỗ lực chánh cho các chiến đoàn Kỵ Binh-Thiết Giáp tấn công cường kích vào khu Mỏ Vẹt trên đất Chùa Tháp.

Bừng bừng hùng khí, đại quân Quân Ðoàn III QLVNCH với ba Chiến Ðoàn 225, 318 và 333, đã đánh tràn vào những khu hậu cần của Trung Ương Cục Miền Nam, đồng thời bủa lưới truy bắt cơ quan Trung Ương Cục Miền Nam của Việt cộng đang ẩn trốn trong khu Mỏ Vẹt. Cuộc truy đuổi gay gắt và hiệu quả đến nỗi, các cánh quân của quân ta đã suýt nữa tóm cổ được cha con Cục Miền Nam. Trương Như Tảng, bộ trưởng Tư Pháp của cái gọi là “Chánh Phủ Lâm Thời Miền Nam” làm việc trong Trung Ương Cục đã mô tả những khoảnh khắc khủng khiếp ấy trong cuốn hồi ký “Hồi Ức Của Một Việt Cộng,” rằng từ dưới hầm sâu nhìn quan những lỗ thông hơi, ông ta trông thấy các chiến sĩ Toàn Thắng đang di hành chỉ cách đó vài chục thước.

Trước khi Toàn Thắng 43 khởi diễn, hàng loạt B 52 giội bom rung chuyển núi rừng như trong cơn tận thế. Tảng kể rằng, một phái đoàn quân sự Liên Xô sang thăm Trung Ương Cục bị vướng vào trận đánh bom, tuy không nằm trong vùng oanh tạc nhưng tiếng bom rền chỉ cách hầm trú ẩn của chúng không quá một cây số, khiến tên nào tên nấy mặt xanh xám như tàu lá chuối. Lần đầu tiên, người Liên Xô mới biết thế nào là sức mạnh của hỏa lực Mỹ. Thoát nạn B.52 chưa hoàn hoàn hồn được mấy, thì Trung Tướng Ðỗ Cao Trí đã xua quân đánh thốc vào các khu vực đồn điền cao su Chup, Mimot, Damber, quyết dồn bắt cho kỳ được lũ chuột ngày Trung Ương Cục.

Tảng đã kể lại rằng, trong tình thế tan nát và tuyệt vọng ấy, mỗi gã trong cục đứa nào đứa ấy tìm cách lủi. Phạm Hùng, chính ủy, Nguyễn Văn Linh tự Mười Cúc đặc trách Tuyên Huấn, Võ Văn Kiệt, cùng nhiều yếu nhân cục đều vắt giò lên ót chạy quên thở lên đến tận khu vực Kratié cách khu Lưỡi Câu về hướng Ðông Bắc chừng sáu mươi cây số mới dám ngừng lại. Bản thân Trương Như Tảng cùng một cận vệ cũng vác giò cẳng phóng theo như gió, đến đỗi khi hai thầy trò ngồi nghỉ dưới một gốc cây khá xa trận địa, đã thở hổn hển như những con cá mắc cạn, không dám tin rằng chúng vừa thoát khỏi lưỡi hái thần chết trong gang tấc. Ðây chính là một trang sử chói lọi của Quân Ðoàn III trong pho Chiến Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trong đó binh chủng Biệt Ðộng Quân đóng góp những dòng chữ vàng của mình.

Nếu Sư Ðoàn Dù phối hợp hành quân với Sư Ðoàn 101 Không Kỵ Hoa Kỳ trên hướng Ðông Bắc, thì chính Biệt Ðộng Quân và Bộ Binh là cái cột xương sống của đại quân Tây Chinh Quân Ðoàn III Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa dưới quyền chỉ huy của dũng tướng Ðỗ Cao Trí đánh vào Mỏ Vẹt. Khi Trung Tướng Ðỗ Cao Trí tử nạn trực thăng (?) ngày 23 Tháng Hai 1970 trên không phận Tây Ninh ở Trảng Lớn, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh lên thay thế, ông vẫn tín nhiệm và sử dụng lực lượng Biệt Ðộng Quân làm nỗ lực chính trên khắp chiến trường ngoại biên. Các liên đoàn Biệt Ðộng Quân Quân Khu III thay nhau hành quân liên miên không ngừng nghỉ trên đất Chùa Tháp, cố giữ không cho quân Cộng Sản áp sát vào khu vực biên giới Miên-Việt, từ đó chúng quấy nhiễu và uy hiếp những tỉnh Tây Ninh, Bình Long, Phước Long thuộc Quân Khu III. Trong một hoài niệm về người anh cả Liên Ðoàn 5 Biệt Ðộng Quân, Trung Tá Ngô Minh Hồng, chúng tôi tìm thấy được một ít tài liệu nói về sự đóng góp của ông trong những cuộc hành quân ngoại biên.

Trung Tá Ngô Minh Hồng còn cống hiến nhiều hơn nữa trong thời kỳ gọi là Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972, khi Liên Ðoàn 5 Biệt Ðộng Quân của ông đã rất sớm được gởi ra tăng viện mặt trận Quảng Trị trong một tình thế tuyệt vọng nhất. Sự có mặt của các Liên Ðoàn 1, 4 và 5 Biệt Ðộng Quân trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 giữ chặt chiến tuyến phía Tây Quảng Trị trong suốt Tháng Tư 1972 lửa binh dậy trời, đã mua thời gian cho quân ta gởi thêm viện binh Tổng Trừ Bị quyết mở những cuộc tử chiến với giặc. Chính là ở chiến trường này, Trung Tá Ngô Minh Hồng đã bị thương khá nặng ở chân. Vết tích chiến tranh ấy vẫn theo cùng ông đến hết cuộc đời, với những bước đi khập khiễng. Chúng tôi xin nhân bài viết này, thành kính tưởng nhớ đến binh nghiệp lừng lẫy của người hào kiệt Mũ Nâu Ngô Minh Hồng. Tên của ông đã có một chỗ đứng trang trọng trong những dòng sử tri ân những người con đất Việt hiến dâng cuộc đời và xương máu cho nền độc lập và tự do của Tổ Quốc.

Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, tư lệnh Quân Ðoàn III điều động Chiến Ðoàn 5 Biệt Ðộng Quân của Trung Tá Ngô Minh Hồng hành quân tảo thanh Cộng quân chung quanh khu vực Krek. Bộ Chỉ Huy của Trung Tá Hồng đóng ngay tại ngã ba Krek cùng Ðại Ðội 5 Trinh Sát Biệt Ðộng Quân, Công Binh, Vận Tải, một thành phần của Tiểu Ðoàn 251 Pháo Binh và Chi Ðoàn 1/18 Kỵ Binh tăng phái. Trung Tá Hồng phối trí Tiểu Ðoàn 38 Biệt Ðộng Quân giữ mặt Bắc căn cứ. Xa hơn nữa về hướng Ðông cách Krek 6 cây số là Căn Cứ Alpha của Tiểu Ðoàn 30 Biệt Ðộng Quân nằm trên Quốc Lộ 7 cùng với một tiểu đoàn quân Cambodia. Tiểu Ðoàn 33 Biệt Ðộng Quân trở về tăng phái cho Tiểu Khu Biên Hòa.

Suốt nhiều tháng liền án ngữ ngã ba Krek, Cộng quân đã tránh né giao tranh với quân Mũ Nâu. Dù vậy, lúc nào trung tá chiến đoàn trưởng luôn nhắc nhở các đơn vị thường xuyên tu bổ hầm hố, hệ thống phòng thủ, chăm sóc vũ khí, kiểm kê đạn dược, nhưng trên hết luôn đề cao cảnh giác. Chiến trường càng im tiếng súng thì càng là chiến trường của những cơn bão ngầm chết chóc.

Thật như sự tiên đoán của Bộ Chỉ Huy Chiến Ðoàn 5 Biệt Ðộng Quân, sự cẩn thận của Trung Tá Hồng đã không thừa. Khoảng 3 giờ 15 ngày 26 Tháng Chín 1971, quả đạn pháo đầu tiên của địch đã rơi xuống Căn Cứ Alpha, mở màn cho trận đánh khốc liệt tiếp theo sau. Vẫn chiến thuật tiền pháo hậu xung, đợt pháo dập vừa dứt, bộ binh Cộng ôm đủ loại súng và bộc phá từ bốn hướng nhào vào vòng rào phòng thủ của Tiểu Ðoàn 30 Biệt Ðộng Quân. Quân ta đã ghìm súng sẵn sàng dưới chiến hào, mắt nhìn vào đỉnh đầu ruồi tìm mục tiêu. Khi những chiếc áo màu xanh rêu của giặc tràn ngập ngoài vòng rào, là lúc quân ta nổ súng phản công.

Ðể cầm chân quân tiếp viện, pháo binh địch đã dội lửa ùng oàng xuống Căn Cứ Krek và Tiểu Ðoàn 38 Biệt Ðộng Quân. Nhưng Pháo Binh 251 của Sư Ðoàn 25 Bộ Binh tăng phái đã rót những trái đạn 105 và 155 ly yểm trợ rất chính xác cho Căn Cứ Alpha. Càng vững tâm hơn, khi chiến sĩ Tiểu Ðoàn 30 Biệt Ðộng Quân trông thấy hàng đoàn khu trục cơ của Không Quân Việt Nam lên vùng. Tất cả những ngần ấy đã buộc quân địch phải hối hả rút chạy, sự hối hả đó thể hiện qua 80 xác chết nằm ngổn ngang ngoài căn cứ. Tuy vậy, cấp chỉ huy địch vẫn cho quân bao vây quấy rối, pháo kích ngày đêm, đặc công xâm nhập để làm tiêu hao sức mạnh của quân ta và chờ đợi quân chi viện (tức tăng cường hay tăng viện).

Ngày 28 Tháng Chín 1971, Căn Cứ Alpha được tăng cường một đại đội của Tiểu Ðoàn 52 Biệt Ðộng Quân từ Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân, cùng với Chi Ðoàn 3/15 Thiết Kỵ. Nhưng phía địch cũng đã nhận được quân tăng viện và đã tiến chiếm Ðồi 46 nằm giữa Căn Cứ Alpha và Căn Cứ Krek, cắt đứt mọi liên lạc bằng đường bộ. Chúng cũng thiết trí trên cao điểm này nhiều súng phòng không để ngăn chận đường tiếp tế không vận cho Chiến Ðoàn 5 Biệt Ðộng Quân. Cộng quân ngày càng đào giao thông hào lấn dần vào vòng rào phòng thủ thực hiện chiến thuật “bám thắt lưng địch mà đánh.”

Ðịch bám thì quân ta cũng có cách gỡ. Khu trục cơ bay đến thả bom sát ngay căn cứ, vượt qua những nguyên tắc an toàn tối thiểu. Không làm mạnh thì vẹm chúng không chịu buông. Ðiều chỉnh tọa độ trong khoảng cách tối thiểu hay dưới tối thiểu từ lâu đã là một đặc tính của quân ta để chống lại cái bám nhùng nhằng của địch. Quân địch bắt loa kêu gọi quân ta buông súng đầu hàng. Quân Mũ Nâu đã trả lời bằng hàng loạt quả bom từ phi cơ dội xuống. Ðã vậy mà lương thực và đạn dược càng lúc càng cạn dần. Ăn uống thật kham khổ, nhưng quân ta quyết giữ vững vị trí. Tiểu Ðoàn 38 Biệt Ðộng Quân giữ cứng ngắc mặt Bắc Krek, quân Cộng không cách gì đánh thủng nổi.

Ngày 30 Tháng Chín 1971, tin vui đã đến: Tiểu Ðoàn 33 Biệt Ðộng Quân xuất trận. Tiểu Ðoàn 33 Biệt Ðộng Quân từ Biên Hòa được trực thăng vận nhảy xuống Krek đã chạm rất mạnh với quân Cộng. Một niềm vui lớn nữa khi trong ngày 3 Tháng Mười 1971, một kiện hàng thả dù đã rơi được vào Căn Cứ Alpha trong đó có 580 phần lương khô, đã mang lại sự phấn khởi cho căn cứ, tinh thần chiến sĩ lên cao, mà Chiến Ðoàn ở Krek cũng thở phào nhẹ nhõm. Ngày 5 Tháng Mười 1971, thêm 5 kiện hàng khác đã rơi vào giữa Căn Cứ Alpha. Việt Cộng chắc không được vui lắm, nếu chúng nghe được lời chém đinh chặt sắt của người thiếu tá tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 30 Mũ Nâu:

– Bây giờ chúng ta chấp Việt Cộng đánh thêm một tháng nữa !

Tình hình ngày càng khả quan hơn, khi nhiều phi tuần B.52 và F.4 Phantom đánh đúng vào những vị trí tập trung của quân Cộng quanh căn cứ và trong rừng cao su Krek. Có nhiều dấu hiệu cho thấy quân Cộng đang kiệt quệ, Trung Tá Hồng quyết định phóng ra cuộc hành quân tấn chiếm Ðồi 46 vào ngày 9 Tháng Mười 1971. Lực lượng Mũ Nâu và Mũ Ðen đã thanh toán sạch sẽ những chốt Cộng trên cao điểm, rồi từ đó đánh thông đường đến Căn Cứ Alpha, hai đại đội của Tiểu Ðoàn 33 Biệt Ðộng Quân vào tăng viện cho Tiểu Ðoàn 30 Biệt Ðộng Quân. Với sự hiện diện của chiến sĩ Tiểu Ðoàn 33, thiếu tá tiểu đoàn trưởng 30 có thể dời ngày tử thủ căn cứ của ông thêm vài tháng nữa.

Áp lực Cộng quân chung quanh Căn Cứ Alpha giảm dần, những đơn vị tham chiến của chúng tại mặt trận Krek đã bị thiệt hại nặng và tan rã. Sau 20 ngày giao tranh, cấp chỉ huy Cộng quân buộc phải chấp nhận phần chiến bại. Chúng không còn khả năng để làm bất cứ điều gì nữa, ngoài mỗi việc kéo nhau rút mất hết vào phía những cánh rừng cao su bạt ngàn.

Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân và Toàn Thắng 42:

Ngày 29 Tháng Tư 1970, Chiến Ðoàn 333 mà thành phần chủ lực là Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân do Trung Tá Phạm Văn Phúc làm Chiến Ðoàn Trưởng, với hai Tiểu Ðoàn 36 và 52 Biệt Ðộng Quân cùng một thành phần của Thiết Ðoàn 5 Kỵ Binh với 14 chiến xa M 41 rầm rộ vượt biên giới đánh sang Miên trong cuộc hành quân Toàn Thắng 42. Chỉ trong vòng hai giờ đồng hồ tiếp theo, Chiến Ðoàn 333 đã đụng độ mạnh với địch.

Sức mạnh của chiến đoàn chưa được khai thác đúng mức, khi sự phối hợp giữa Mũ Nâu và Mũ Ðen còn lỏng lẻo. Trận đánh kéo dài đến tám tiếng đồng hồ, quân ta buộc quân giặc phải bỏ chạy. Tiểu Ðoàn 52 Biệt Ðộng Quân tiến nhanh và sâu về phía trước. Tiểu Ðoàn 51 Biệt Ðộng Quân và Tiểu Ðoàn 3 Mike Forces (viết tắt từ Mobile Strike Forces) bị tổn thất nặng được chuyển về Việt Nam dưỡng quân. Tiểu Ðoàn 36 và 52 Biệt Ðộng Quân tiếp tục tấn công mạnh xuống khu vực thành phố Prasaut theo trục Quốc Lộ 1.

Ngày 1 Tháng Sáu 1970, Chiến Ðoàn 333 tấn công ngược lên hướng Bắc, theo trục Quốc Lộ 7 tiến đánh đồn điền cao su Chup, cùng phối hợp mở hai mũi tấn công với Chiến Ðoàn 318 của Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi. Ðồn điền cao su Chup rất lớn, diện tích đến 180 cây số vuông, rất thuận lợi cho Cộng quân ẩn núp rình chờ cơ hội phục kích quân ta. Nhưng bị kẹp giữa hai gọng kìm của Chiến Ðoàn 318 và 333, Sư đoàn 9 Cộng quân buộc phải bỏ chạy ra khỏi Chup. Những trận đánh lớn ở Chup đã làm cho quân số của cả hai bên đều bị tiêu hao. Chiến Ðoàn 318 được lệnh quay về Long Khánh ngày 3.6.1970 nghỉ ngơi một tuần, chờ bổ sung quân số và tái trang bị. Ngày 12 Tháng Sáu 1970, Chiến Ðoàn 318 trở lại khu vực Chup thay thế cho Chiến Ðoàn 333 rút về Việt Nam. Ðơn vị Biệt Ðộng Quân duy nhất còn ở lại đất Miên thêm 70 tuần lễ nữa chính là Chiến Ðoàn 5 Biệt Ðộng Quân.

Phạm Phong Dinh

Previous
Previous

Vua Quang Trung chiến thắng Đống Đa Năm Kỷ Dậu 1789

Next
Next

Âm Thoại Viên Theo Chân Các Đại Bàng