Chuyến tàu định mệnh
Truyện ngắn Kiều Giang
(Viết tặng nhà thơ Tô Thùy Yên nhân ngày giỗ của anh 21-5)
Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay.
(Tô Thùy Yên)
Bóng của hai người đàn ông đổ dài dưới ánh đèn hắt hiu vàng bệch, nhấp nhô trên mặt sân ga xi-măng lở lói bong tróc, lởm chởm đá. Đầu cúi thấp, họ lặng lẽ bước dọc theo đường ray hướng về phía bắc của nhà ga cũ kỹ, chỉ còn trơ trọi hai gian nhà nhỏ, mái ngói đã xỉn đen, vừa được vá từng mảng lớn, dấu tích của một thời bom đạn, một dành cho nhân viên gác tàu và một để đặt máy truyền tin.
Giá Ray, một cái tên nghe ngồ ngộ lạ tai, một cái ga xép, ở về phía bắc của thành phố Sài Gòn, trước 1975, nó còn nằm giữa rừng lá, nơi có thể ẩn nấp cho cả một sư đoàn, vùng oanh tạc trắng. Một nhà ga gần như đã hoang phế, lỗ chỗ những vết đạn đủ cỡ trên lưng, cũng may, nó không mang trong mình cái thân phận hủy diệt như bao nhiêu thứ khác ở xung quanh.
Đất ở đây lại rất mầu mỡ, mới được khai hoang bỡi những người vừa bị đẩy sang bên lề xã hội. Những ngôi nhà mọc lên với tường và mái được che bằng lá buông, lá cọ, xám một màu tiều tụy hoang sơ. Nhà ga giờ đây chỉ là nơi tránh tàu chứ không còn đón khách, nên không được trùng tu, cái vẻ hoang phế gần như dần dà phủ lên gương mặt nó.
Hai người đàn ông dừng lại khi đã cách nhà ga khoảng vài trăm mét. Ánh trăng thượng tuần không đủ sức tạo hai chiếc bóng trên bờ đất lẫn với đá sỏi của đường ray. Nếu nhìn từ xa, người ta chỉ nhận ra hai vệt tối mờ, in trên nền trời đêm mùa đông hiu quạnh của một vùng đất vừa mới hồi sinh.
Người đàn ông đứng tuổi, tóc hoa râm, ôm vai cậu thanh niên rồi kéo sát vào người. Những cơn gió cuối đông nghe thấm buốt, càng làm hiện rõ cái đêm hãi hùng đó trong đầu ông.
Ba năm sau ngày chế độ miền Nam sụp đổ, trên chuyến tàu chợ xuôi Nam, đến ga Mương Mán, một thiếu phụ trạc 25, tay dắt một bé trai, khó nhọc, hấp tấp leo lên tàu, sau khi ném 2 chiếc bao gai vào cuối toa. Người đàn bà có gương mặt thanh tú, dáng mảnh mai, nét đài các vẫn còn phảng phất trên đôi mắt đen ẩn dưới làn mi cong sâu thẳm, nước da trắng đã xanh xao mệt mỏi, nhưng thao tác khá nhanh nhẹn, sau khi đặt đứa con khoảng 3 tuổi ngồi trên dãy băng ghế đối diện với một người thanh niên, chị đưa mắt cho người đàn ông như muốn gửi đứa con, rồi vội vã đi ngược về phía cuối toa tàu, kéo hai cái bao gai chứa đầy cá khô, về nhét dưới gầm chiếc ghế mà đứa nhỏ đang ngồi, rồi ghé người ngồi sát bên cạnh. Chị đưa tay vén lại những sợi tóc mai xòa xuống mắt, rồi cúi hôn lên đầu đứa con, trước khi nó ngã gục vào lòng mẹ ngủ thiếp đi.
Người đàn ông lên tiếng:
-Chị xuống ga nào?
-Ga Giá Ray, chính xác là ở gần đó.
- Chị là người ở vùng Rừng Lá sao?
- Dạ… Nhưng không!
-Tôi chưa hiểu?
- Em không phải là dân Rừng Lá, nhưng đã là dân vùng này vì là diện “kinh tế mới”.
- Chị phải đi kinh tế mới một mình với đứa bé sơ sinh?
- Vì là vợ sĩ quan ngụy, “gây nhiều tội ác”!
-Trước 75, anh ấy ở đơn vị nào?
- Đại úy chiến tranh chính trị sư đoàn 22.
- Chiến tranh chính trị thì không cầm súng, mà cũng không có quyền hành quyết ai?
-Người ta nói cầm bút như anh ấy, còn gây nhiều tội ác hơn người cầm súng. Anh ấy là một nhà thơ. Chắc nhà thơ làm chiến tranh chính trị, gây nhiều tội ác lắm phải không anh?
Người thanh niên tên Lâm nhìn xa xôi vào cánh rừng bạt ngàn lá buông lá cọ, xé gió chạy ngược với đoàn tàu ì ạch lướt tới trong đêm, trong đầu anh ngổn ngang những suy tư xuôi ngược xé nát cõi lòng. Hồi lâu, anh quay nhìn người thiếu phụ đáng thương và hình ảnh của người yêu tên Thư lại hiện về lãng đãng trong anh, “cũng may, hồi ấy ta chưa cưới nàng”, anh thầm lẩm nhẩm.
- Gây tội ác hay không gây tội ác thì cũng tùy quan điểm của từng người, từng chính thể. Người ta nói “bên này dãy Pyrénée là chân lý, nhưng bên kia là sai lầm” mà chị !
- Tội ác hay nhân văn, chắc phải có mẫu số chung chứ?
- Vâng, đúng vậy, nhưng cái mẫu số chung ấy còn nằm trong tay của lịch sử…
Người thiếu phụ chìm trong cơn u buồn, gương mặt như người về từ cõi âm, gắng gượng hỏi:
- Còn anh, sao anh cũng vào đây?
- Khi tôi vào trại cải tạo được một năm, gia đình tôi cũng tự nguyện đi vào đây, nếu không muốn bị lưu đày lên vùng cao nguyên Dakto, theo sự chỉ định của chính quyền. Tôi ở trong trại KS 3 năm, mới vừa được thả ra cách đây một tháng, nay tôi vào thăm cha mẹ mình. Tôi cũng cùng số phận với chồng chị, nhưng thật tội nghiệp, anh ấy chắc phải ở lâu!
Người thiếu phụ trẻ gục đầu lên đứa con đang say ngủ, đôi vai rung lên, có lẽ là để nén tiếng nấc mà chị không muốn nó bật ra trước mặt người đàn ông vừa mới quen, khi nghĩ về những ngày tháng đơn thân nuôi đứa con trai 10 tháng tuổi, đã gần 3 năm nay, trong căn chòi tranh tre nứa lá, ngày nắng lửa, đêm mưa dầm gió hú, hòa trong tiếng ểnh ương và tiếng chim rừng khàn giọng, như nhắc nhở một thời hồng hoang nào, xa xôi lắm.
Ít đêm nào tròn giấc, chị thường thức dậy nửa đêm, lặng lẽ đẩy liếp cửa sổ nhìn vào rừng sâu thăm thẳm, vào khoảng không vô tận. Nhìn đứa con thơ say ngủ, chị càng nhớ đến T da diết. Nước mắt ràn rụa, chị nói trong khốn cùng. “Anh yêu ơi, anh đã từng bảo em rằng ‘văn chương cứu rỗi con người’, như lời của văn hào Vargas Llosa, và đúng như vậy, những vần thơ của anh đã cứu cướp đi linh hồn em từ thuở 15, nhưng bây giờ, chính những vần thơ ấy, lại giam hãm đời anh vào ngục tối, chưa biết bao giờ mới thoát ra được, để đêm đêm em phải lịm dần trong khắc khoải chờ mong…”
Hồi lâu, người đàn bà ngẩn lên, những sợi tóc còn bê bết nước mắt trên gương mặt thanh tú xanh xao, dưới ngọn đèn leo lét như còn gắng gượng nhả những giọt sáng vàng vọt từ trên trần toa xe, chị nhìn người đối diện hình như cũng đang chìm trong suy tư. Chị nghẹn ngào:
- Không biết em còn sống nổi cho đến ngày anh ấy trở về?
- Chị đừng quá bi quan, bi quan không phải là điều cần thiết cho chúng ta lúc này. Thượng đế luôn luôn chừa cho ta một cánh cửa, ta nên cố lách qua cánh cửa hẹp này. Anh ấy rồi sẽ về như tôi. Tôi tin rằng những nhà thơ không bao giờ bi quan, vì trong họ luôn hiện hữu một chân trời mơ ước. Chị hãy cứng rắn lên vì chị còn cháu Nam để yêu thương và phải chăm sóc, còn có anh ấy, dù trong chốn lao tù, có lẽ không phút giây nào không hướng mắt về người vợ hiền, thủy chung đợi chờ, ánh mắt của chị sẽ xé toạc đêm đen để sưởi ấm lòng anh ấy. Đó là niềm hạnh phúc vô biên dù là trong hơi thở ngậm ngùi của sự kiên trung và lòng kiêu hãnh, thời gian sẽ dần xóa đi những tháng năm đen tối của đời người…
Lâm nhìn gương mặt ủ rũ của Thu Lan (tên thiếu phụ) đang thẩn thờ nhìn ra bóng đêm lướt qua thân tàu, rung từng nhịp trên đường ray già cỗi, trong lòng anh ngập tràn lo âu và thương cảm, anh chuyển câu chuyện sang hướng khác:
- Hình như chị đi buôn bán gì?
- Em mua cá khô từ Bình Thuận về vùng kinh tế mới này để bán, kiếm chút ít nuôi con. Ở đây dân nghèo lắm, chỉ ăn cá khô với rau rừng! Nguồn sống duy nhất của họ là lá buông và những khoai sắn trồng được, đem ra ngồi dọc theo quốc lộ bán cho khách qua đường trên các chuyến xe đò liên tỉnh.
- Nhưng sao chị phải giấu đút khổ sở quá vậy?
- Họ coi chúng em là loại người “phe phẩy”, buôn lậu, nếu bị bắt sẽ bị tịch thu, có khi còn bị giam nữa! Em đã một lần bị 2 bao cá khô, em khóc hết nước mắt, đem thằng nhỏ này ra để làm “bùa hộ mệnh”, nhưng họ vẫn không tha!
- Ôi cuộc mưu sinh trong tăm tối, khắc nghiệt quá!
- Nhưng em đâu còn cách nào khác! Tay yếu chân mềm, xuất thân từ một cô nữ sinh lớp 12, chỉ biết tung tăng nơi sân trường với bè bạn, lấy chồng chưa tới tuổi đôi mươi, chưa bao giờ biết đến cây cày, cây cuốc, bây giờ bị đẩy vào đây làm rẫy, làm sao em làm được, mà cũng không ai mướn, hơn nữa biết bỏ thằng nhỏ cho ai!
- Anh ơi, chút nữa đây, em và con em phải nhảy tàu.
- Nhảy tàu? Là sao?
-Hôm nay may quá, có anh xuống cùng ga, anh giúp em một tay nhé!
- Tôi sẵn sàng, nhưng có lẽ là nguy hiểm lắm, mình không nên đâu!
- Nếu đến ga, mình mới xuống, thì 2 bao cá khô của em sẽ bị tịch thu. Do đó khi cách ga chừng 100 mét, tàu sẽ chạy chậm lại, em sẽ ném 2 bao cá xuống, anh nhảy trước, em đưa thằng nhỏ này cho anh ẵm giùm và em sẽ nhảy theo cuối cùng, đi lượm hai bao cá, rồi mình cùng về. Lúc đó tàu chạy chậm lắm, em vẫn thường làm vậy, anh đừng lo!
Lâm nhìn người thiếu phụ trẻ mà lòng dâng trào nỗi lo lắng và thương cảm. Anh là đàn ông, nhưng chưa một lần dám mạo hiểm như vậy, hơn nữa cũng chưa có dịp nào để anh phải nhảy tàu, như cách mà những người phụ nữ buôn thúng bán bưng ở đây phải liều thân mình để kiếm chén cơm? Lâm ái ngại nhìn thiếu phụ:
- Vậy khi nào thì mình nhảy?
-Anh chuẩn bị đi, đến nơi em sẽ nói. Từ chỗ mình xuống, xuôi theo con đường mòn chừng 200 mét, cái chòi lá một gian là nhà của em, chắc nhà cha mẹ anh cách nhà em cũng không xa…
Mọi người trên tàu chắc còn đang ngái ngủ, con tàu hờ hững huýt còi tiến vào sân ga, còn Lâm thì rú lên “Trời ơi, Thu Lan, chị có sao không !”, nhưng tiếng kêu thất thanh đó chỉ rơi vào khoảng không lạnh lùng, dưới màu sương mờ đục ánh trăng rằm cuối đông, nàng vẫn đang hôn mê, mặt úp sấp xuống mặt đá lởm chởm, máu không ngừng rỉ ra từ vết rách dọc theo cổ, có lẽ là do cái bàn đạp sắt lên xuống tàu cắt qua, khi Thu Lan ngã sấp, đầu va mạnh xuống đất, do cái áo lạnh vướng vào cần tay nắm. Lâm ngồi bệt xuống đất, xé chiếc áo sơ mi trắng đang mặc, quấn chặt quanh đầu nạn nhân, đặt đầu chị lên đùi của mình rồi gào to, để may còn có người đến giúp, nhưng sự gào thét của anh cũng chỉ rơi vào khoảng không lạnh lùng. Thằng bé, có lẽ không hiều được câu chuyện, nhưng thấy mẹ nằm bất động, nó ôm mẹ khóc thảm thiết “mẹ ơi, mẹ ơi…mẹ đừng chết bỏ con…,tiếng rên của thằng bé cũng mất hút vào từng cơn gió đông nghẹn ngào.
Giữa khu rừng mênh mông, không còn biết kêu cứu ai, Lâm xốc Thu Lan lên vai đi về phía căn chòi của chị, tay dắt thằng bé vừa đi theo vừa khóc “mẹ ơi..mẹ ơi…”. Trong nỗi đớn đau tuyệt vọng, người thanh niên cũng không ngăn nổi dòng lệ trào lên đôi mắt, mà bao nhiêu năm nay anh chưa nếm trải, kể cả trong những ngày cầm súng, thường xuyên đối diện với cái chết.
Người thiếu phụ nước da trắng bệch, hơi thở thoi thóp trên chiếc chõng tre lót lá, có lẽ đang cố hết sức để chống lại tử thần. Trước khi trút hơi thở cuối cùng dưới mái chòi lá Buông, trong khu rừng tràn ngập hoang vu, đã cố hết sức hé đôi mắt tím bầm đẫm lệ, một tay yếu ớt ôm đứa con vào lòng, một tay nắm áo Lâm, thì thào “Em gửi cháu Nam lại cho anh… xin anh hãy nhận làm cha thứ hai của nó.. mai mốt anh T. về…, anh trao lại cho cha của nó…, xin anh nhắn lại với anh ấy rằng… em xin lỗi,… vì không thể chờ anh ấy được. Dưới suối vàng em nguyền tạc dạ ơn anh !”. Nàng buông đứa con thơ khỏi tay mình, khi nó còn chưa hiểu rằng mẹ nó sẽ ra đi vĩnh viễn. Nhưng một sức mạnh siêu hình nào đó cũng làm cho nó ôm chặt người mẹ xấu số, gào lên nức nở. Vạn vật như chìm vào bóng đen thăm thẳm trước mặt Lâm, anh cúi xuống ôm lấy thiếu phụ “Thu Lan ơi, giữa cái mênh mông nghiệt ngã của số phận, tôi đành bất lực, tôi có tội với chị và với anh ấy!”.
Hai người đàn ông mở cửa bước vào căn nhà mà 25 năm trước họ đã tiễn đưa người thiếu phụ xấu số ra đi trong tức tưởi giữa tuối thanh xuân. Nhưng hôm nay trở về, trên chiếc bàn thờ bằng mi ca chân sắt đơn sơ, lại có đến hai tấm bài vị của đôi vợ chồng, hình như họ đang nhìn nhau mỉm cười vào lưng của thế cuộc. Nam quỳ xuống ôm 2 tấm bài vị, gục đầu khóc nức nở. Hồi lâu, cậu ngẩng nhìn lên hai tấm liễn vải thô màu trắng treo trên vách hai bên bàn thờ, đọc những câu thơ nhói lòng của cha mình để lại, người cũng đã ra đi cùng với mẹ, sau hai năm cậu theo người cha nuôi đến xứ người: “Ta khóc tạ ơn đời máu chảy/ Ruột mềm như đá dưới chân ta/ Mười năm chớp bể mưa nguồn đó/ Người thức mong buồn tự cõi xa…
“Ta về như lá rơi về cội/ Bếp lửa nhân quần ấm tối nay/ Chút rượu hồng đây xin rưới xuống/ Giải oan cho cuộc biển dâu này…”*
Sau hơn 10 năm “mặt sạm soi khe nước”, để “hóa thân thành vượn cổ sơ”*, người tù, nhà thơ tên T. được thả về từ núi rừng, với tấm thân xiêu vẹo trên đôi nạng gỗ của thời gian. Hôm được ra trại, không biết ghi địa chỉ ở đâu, cuối cùng, anh ghi vào hồ sơ: “Rừng lá, Xuân Lộc…”, vỏn vẹn chỉ có thế. Cũng may, còn lại cái xum mái lá để anh ghi vào hồ sơ của người được “khoan hồng”, cái địa chỉ mông lung, không khác gì người ta nói là về âm phủ, chung chung!
Chỉ một năm sau ngày trở về, anh được đi định cư ở Mỹ theo diện HO ưu tiên vì bị thương tật, nhưng anh nhất định ở lại cùng Thu Lan, người vợ mà anh biết rằng trong từng giấc chiêm bao của nàng đều có hình bóng của anh. Anh ở lại với cái mái lá mà nàng và đứa con dại mới 10 tháng tuổi đã núp dưới búa rìu của nhân gian, gần 4 năm trời, trong những đêm mưa rừng như trút nước, người yếu vía có thể nghĩ đến một trận hồng thủy. Anh ở lại với cánh rừng lá Buông bạt ngàn nắng lửa mưa dầm, trên lưng hứng chịu không biết nhiêu tấn bom đạn của một thời đất nước nồi da xáo thịt. Anh ở lại, để đêm về được ôm tấm di ảnh của Thu Lan bên mình, một thời là hoa khôi của một trường trung học. Anh ở lại để mỗi sớm mai anh được thắp nén hương lên ngôi mộ đất với bát hương làm bằng vỏ đạn, để tạ lỗi với nàng. Và anh ở lại để đêm về được nghe tiếng rít của chiếc bánh sắt nghiến vào nỗi đau khôn cùng của anh, tiếng còi của chuyến tàu định mệnh, không chỉ là định mệnh của anh và Thu Lan, mà còn là định mệnh cho cả cuộc bể dâu này. Anh sẽ mãi mãi nằm lại trong nấm đất của quê hương, nơi rừng thiêng, bên cạnh người con gái anh yêu…
Kiều Giang
Sài Gòn, những ngày gió bão tháng 3