Cái Tết đầu tiên trong trại tù cộng sản - Hóc Môn năm Bính Thìn
Tiếng nhạc réo rắt, trầm bổng, vang vọng phát ra từ dàn nhạc dã chiến có một không hai, do anh bạn tù là nhạc sĩ Thăng thuộc Nha Tuyên Úy Công Giáo sáng chế, làm toàn bằng ống sắt, thép đủ cỡ, bù lon, đinh ốc lớn nhỏ, trổi lên những bản nhạc quen thuộc : “Đồn Vắng Chiều Xuân, Hoa Xuân, Xuân Này Con Không Về, Xuân và Tuổi trẻ, Bến Xuân, Cánh Thiệp Đầu Xuân, Ly Rượu Mừng” ... nhắc nhớ anh em chúng tôi là xuân Bính Thìn, 1976 sắp đến và cũng là lần đầu tiên chúng tôi (phải) đón cái Tết trong đơn côi, buốt giá ở chốn ngục tù cộng sản.
Từ khi vào trại tù này, chúng tôi hoàn toàn sống trong bóng tối về đêm. Các bạn tù ngày trước thuộc ngành Công Binh Kiến Tạo cố sửa chữa suốt mấy tuần làm sao cho nhà máy đèn của trại hoạt động trở lại. Thật không thể ngờ, tối hôm 11 tháng 11 năm 1976, sinh nhựt thứ 28 của tôi khi đang họp sinh hoạt tổ thì bỗng dưng đèn sáng lên khắp trại, mọi người reo vui mừng. Một niềm hy vọng lóe lên, tôi thầm nghĩ chắc là thân phận mình không đến nỗi hẩm hiu, bất hạnh như người bạn tù xấu số, Đại Úy C…
Trở lại với chuyện lo ăn Tết, Ban Chỉ Huy trại cải tạo Thành Ông 5/ Hóc Môn thông báo nhân dịp đón mừng mùa Xuân đầu tiên Miền Nam “được hoàn toàn giải phóng”, “toàn đảng, toàn dân hân hoan vui Xuân, hưởng Tết”. Chúng tôi, bị họ đặt cho cái tên mới là “tù, tàn binh Mỹ Ngụy” hay “cải tạo viên” được phép nhận quà từ gia đình gởi qua bưu điện và nghỉ một tuần học tập, không phải lao động. Trại cung cấp cho các Tổ, các Đội phương tiện làm báo tường (bích báo), tổ chức thi đấu bóng chuyền giao hữu, phần ăn được tăng cường với vài lát thịt heo nái, thịt gà băm nhuyễn trộn vào nồi canh rau muống, trong ba ngày đầu Xuân.
Anh em chúng tôi họp bàn đón Tết nguyên đán năm Rồng với thân phận tù đày trong những vòng thép gai ngày càng dày đặc đã 8 tháng nay. Các bạn khéo tay được giao làm trống chầu, phèng la, bện đầu lân, mặt nạ ông Địa, Tề Thiên, với các vật liệu như tre, mây, giấy báo, bột màu, giây nhợ, giẻ rách....
Làm đầu lân đòi hỏi nhiều công phu, cần những vật liệu khó kiếm trong tù, nên anh em bện giấy bao xi măng, săn nhặt cạc tông rồi tô vẽ thành đầu con cá mối, đơn giản hơn và hợp với thực tế, vì cá mối ươn là thức ăn chính được dùng để nuôi tù. Làm xong, đầu cá mối có hình dáng nhọn như mõm cá sấu chứ không tròn trịa như đầu lân, anh em nói đùa là vì phải nuốt thường xuyên cá mối hôi tanh nên hình ảnh con cá mối ăn sâu vào đầu, muốn làm lân sau cùng cũng thành con cá mối ươn sình.
Ở đàng trước khu chuồng nuôi bò trước kia của đơn vị Công Binh mà bây giờ làm nơi ăn ở lâu dài, chúng tôi bỏ bao công khó nhọc kiếm tre già dài, mất nhiều ngày dựng thành cây nêu kèm tràng pháo dởm đỏ và làm bánh chưng độn giấy màu xanh, dựng sừng sững giữa sân. Cán bộ cộng sản, từ rừng núi về thành lấy làm lạ hỏi chúng tôi làm cái “quái” gì? và bắt chúng tôi phải giải thích rành rẽ, nghe hữu lý, hữu tình thì công khó của chúng tôi mới được để yên còn họ nghĩ nếu có ẩn ý tuyên truyền, phản động, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa thì sẽ bị dẹp bỏ tức khắc và những ai chủ trương sẽ bị trừng phạt thích đáng.
Một hôm, khoảng một tuần trước Tết, mới sáng sớm, chúng tôi được lệnh tập họp khẩn cấp, mọi người phải mang hết đồ đạc của mình ra sân để chuẩn bị chuyển trại. Ai bỏ quên, bỏ xót lại bất cứ vật dụng gì quanh nơi mình ăn ở, ngủ nghỉ sẽ bị tịch thu và thiêu huỷ.
Trên 950 anh em chúng tôi bị lùa hết ra sân, xếp hàng ngang dọc, “bày hàng” ra trước mặt như bán chợ trời. Cách soát xét hành lý của tù được cán bộ cộng sản gọi là “điểm nghiệm” có nghĩa là cơ hội để họ soi mói, ăn cắp công khai những đồ vật có giá trị mà người tù còn cất giữ để phòng thân, khi đau yếu có thể đổi thành thuốc men hay thực phẩm cứu đói. Cán bộ VC giải thích sở dĩ họ phải kiểm soát tỉ mỉ hành lý của tù nhân là để bảo đảm an ninh cho kế hoạch mừng Xuân, đón Tết, tất cả những vật bén nhọn, có thể gây thương tích đều bị tịch thu. Nói vậy, nhưng sự thật thì cán bộ cộng sản tạo dịp thu nhặt “vô tư”, họ vơ vét tất cả những gì họ ưa thích, đút túi lấy làm của riêng như đồng hồ đeo tay, kiếng mát, giây nịt da, bật lửa chẳng hạn….
Cuộc điểm nghiệm kéo dài trọn buổi sáng đến quá một giờ trưa mới xong, lúc ấy cán bộ tuyên bố ai về lại chỗ người nấy và bắt đầu lo nấu cơm trưa, đặc biệt cứ hai Đội với 90 người thì ‘được’ lãnh một con heo nái, già ốm còn sống để làm thịt ăn Tết.
Anh em tù chúng tôi lại bị họ lừa phỉnh một lần nữa, không hề có chuyện chuyển đi trại tù nào khác, mà chỉ có màn “ăn cướp ngày công khai”, phải nói là một màn ‘phỉnh lừa’ mà họ cho là rất “khoa học, tinh vi”.
Nhờ được nhận quà của gia đình qua bưu điện, anh em tù chúng tôi có chút ít trà, mứt bánh, đường, đậu để cùng chia sẻ trong mấy ngày Tết, được thong thả, dễ thở hơn lúc phải “học tập chính trị” căng thẳng hoặc những ngày lao động mệt nhọc, chán chường vì không thấy ngày về.
Anh em chúng tôi được nghỉ ngơi mấy hôm, chơi cờ tướng, đánh cờ Domino (làm bằng vỏ bình accu), uống trà nóng, nếm bánh kẹo, xơi mứt, trong khi bên ngoài trời se sắt lạnh, bất thường, chưa bao giờ có dưới Trời Nam vào những ngày đầu Xuân trước tháng tư đen năm 1975.
Trong lá thơ gởi về thăm gia đình, tôi viết cho mẹ: Má ơi, Tết này anh em được làm “mứt cúc”. Thơ này không bị xé bỏ nên khi đọc nội dung trên, người nhà biết rõ thân phận người tù, Tết cũng đi múc c...
Chúng tôi cũng có dịp nấu chè đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ với đường tán hoặc nấu canh rau với mì vụn. Dụng cụ để nấu ăn là cái lon sữa bột Guigoz của Pháp, làm bằng nhôm nguyên chất, không rỉ sét, có dung tích đúng một lít nước, là một tài sản vô giá, quý báu đối với người tù. Lon Guigoz được dùng để lấy nước, đánh răng, súc miệng, rửa mặt buổi sáng, trưa và chiều thì dùng nó để đựng cơm, canh rau hoặc nước chín, lúc ra giếng tắm giặt thì dùng lon Guigoz xối nước. Mỗi lon Guigoz đều được chúng tôi tự gắn quai bằng cọng nhôm chung quanh và phía trên nắp để đặt lên lửa khi nấu và thò que gỗ hay đũa bếp móc lon ra lúc thức ăn đã chín.
Lon sữa Guigoz sử dụng lâu ngày bị chất mặn làm thủng lỗ thì cố vá lại bằng rivet (đinh tán), đến khi quá sức, tàn tạ, móp méo, không còn “phục vụ” anh em tù được nữa thì mang ra lò rèn, nhờ các bạn nấu nhôm chảy ra thành khối, rồi cưa khoét, đục đẽo, mài nhẵn, khắc nên tượng Chúa, tượng Phật hay bông hoa, hình ảnh, chữ viết và se chỉ đeo vào cổ. Mỗi khi “điểm nghiệm” cán bộ tịch thu hết các loại tượng Phật, tượng Chúa, chúng tôi không chịu thua, ít hôm sau lại làm những tượng mới khác với niềm tin vững chắc rằng chế độ vô thần, độc ác sẽ không thể tồn tại mãi với thời gian.
Cán bộ cộng sản gọi lon này là “gô, ca, cống” thường hay tịch thu khi họ bắt gặp anh em chúng tôi nấu ăn bằng lon Guigoz, họ đập bẹp và bỏ thùng rác vì triệt để ngăn cấm chúng tôi không được “cải thiện” tức là nấu ăn riêng, ngoài khẩu phần được trại cấp phát ngày hai buổi. Họ nói rằng nếu chúng tôi cứ lo chăm chú nấu ăn sẽ xao lãng chuyện “học tập”, không yên tâm “nao động”, khó “tiến bộ”, lâu về nhà.
Anh em tù chúng tôi thường nói đùa, có lẽ người Pháp, đặc biệt là nhà sáng chế ra cái lon sữa Guigoz đắc dụng, không bao giờ nghĩ tới những công dụng đa năng của cái lon này, xin đề nghị với bạn nào còn gìn giữ nó sau bao nhiêu năm tháng tù đày thì tặng cho hãng Guigoz làm kỷ vật lưu truyền muôn đời sau. Ai là nhà văn thì có thể viết cả một cuốn sách về sự hiện hữu và công dụng đa năng của lon sữa Guigoz đối với mấy trăm ngàn tù cải tạo trong hoả ngục cộng sản, sau tháng 4 năm 1975.
Năm 1982, tôi và gia đình đi tỵ nạn chính trị và được định cư tại thủ đô Bruxelles, vương quốc Bỉ, ngay khi có dịp sang Pháp, tôi tìm kiếm mãi mà không thể nào mua được một lon sữa Guigoz. Người Pháp giải thích loại lon nhôm chỉ được sử dụng để xuất cảng sản phẩm ra ngoại quốc chứ không lưu hành trong nội địa. Trên thế giới ngày nay, đâu đâu người ta cũng chỉ sản xuất các loại lon bằng hợp chất kim khí, không rỉ sét chứ không bao giờ tìm ra được cái lon Guigoz là “gia sản báu vật” của những người tù lao động khổ sai sau 1975.
Trở lại chuyện tù tội, người cộng sản luôn chủ trương “mềm nắn, rắn buông”, chúng tôi chưa quên vụ anh Đại uý C. thuộc ngành Pháo Binh là người đầu tiên treo cổ tự sát, dù đã chết rồi vẫn bị đem ra đấu tố.
Sau này, gặp lại những anh em từng bị nhốt tù sau tháng 4 năm 1975 thì được biết vào thời điểm đầu năm 1976 đã có nhiều vụ tự tử xảy ra trong những trại tù vì không chịu nổi sự trả thù thâm độc của Bắc Việt, lùa người thua trận vào tù, bắt lao động khổ sai, cho ăn cầm hơi, thiếu thốn thuốc men lúc đau yếu, khiến bao nhiêu anh em tuyệt vọng, chán sống, không muốn kéo dài thêm kiếp làm “trâu ngựa”!
Vì vậy, để lừa bịp công luận quốc tế và thân nhân của các tù nhân chính trị, nhà cầm quyền cộng sản cho ban hành chính sách khoan hồng, nhân đạo đối với tù binh chúng tôi, họ tái xác nhận sự “độ lượng”, không trả thù, không sát hại, không bỏ tù những người họ gán cho là “lầm đường lạc lối”.
Trong nhà tù anh em chúng tôi lại phải đến lớp nghe cán bộ thuyết giảng, tối về thảo luận, “đào sâu suy nghĩ” về chủ trương “sáng suốt” này. Được biết, song song với lúc chúng tôi phải nhai đi nhai lại cái gọi là chủ trương “khoan hồng” của đảng và nhà nước dành cho “nguỵ quân, nguỵ quyền” thì ở nhà, nó cũng được mang ra bắt mọi người học tập, thảo luận tại các Tổ Dân phố và nhất là những ai có chồng, cha, con, anh em đang đi “học tập cải tạo” đều phải tham gia lớp “tẩy não” tại trụ sở phường, khóm, trong các buổi sinh hoạt, kiểm điểm mỗi đêm.
Khi chúng tôi nêu thắc mắc với cán bộ cộng sản lúc học tập chính trị là chủ trương của đảng khẳng định không trả thù, không sát hại, không bỏ tù những viên chức của chế độ Saigon, vậy tại sao, theo như thông báo chính thức , anh em chúng tôi chỉ tập trung không quá 10 ngày, nhưng đến nay xa gia đình đã quá lâu? Cán bộ cộng sản giải thích “các anh được đảng cho đi học tập lao động, chứ không ai bị nhốt tù cả?” . Đúng là luận điệu của cộng sản “nói xuôi, nói ngược, nói sao cũng được”.
Gần một năm sau ngày nhập trại tù Thành Ông 5/Hóc Môn, có một số ít bạn tù là chuyên gia, bác sĩ, kỹ sư, chiếu theo nhu cầu và được các phần sở xin về làm công tác chuyên môn, được phép rời trại. Thỉnh thoảng cũng có nhiều anh em khác được gọi tên, thu gom gấp toàn bộ hành lý, rồi lên đường nhưng không ai rõ là họ đi đâu, về hay chỉ là chuyển đến một nơi giam cầm khác?
Nhiều năm sau, khi thoát khỏi cảnh cá chậu chim lồng, tình cờ tôi may mắn gặp lại vài bạn tù cũ trong những lần phải đi trình diện xin “đăng ký” để được tạm trú, thường trú, hoặc vào “hộ khẩu” thì mới hay là lúc đó họ bị chuyển đi trại tù khác, vậy mà chúng tôi đã ngây thơ đồn đoán và thầm cầu xin cũng như tin tưởng rằng họ đã may mắn hơn mình được đảng tha về. Lại một trò bịp bợm của bọn cộng sản, chuyên đánh lừa mọi người, không biết đến bao giờ màn kịch láo khoét ấy mới chấm dứt?
Đào Hiếu Thảo/Th2