Cuộc diễn hành Văn Hoá Quốc Tế 2024 của Người Việt Quốc Gia, ngày 8 tháng 6 tại New York, Hoa Kỳ.
Bài của NGUYỄN ĐỨC CUNG
Ngày thứ bảy 08/6/2024 quả là một ngày đẹp trời ở vùng đông bắc Hoa Kỳ, nhất là tại Thành phố New York thủ đô thương mại và cũng là thủ đô văn hoá, khi thời tiết thiên nhiên đã tỏ ra quá ưu đãi đối với người Việt Nam tị nạn Cộng Sản có mặt tại một điểm hẹn lý tưởng hằng năm để tổ chức và tham gia cuộc diễn hành văn hoá quốc tế, có nhiều sắc dân khác tham dự. Chiếc xe Van 15 chỗ ngồi do bà La Cẩm Tú, Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Mỹ Quốc Gia Thành phố Philadelphia lãnh đạo cùng số đông người tham dự đa số là thành viên Hội Cao Niên và thân hữu đã khởi hành đúng 7 sáng tại địa điểm tập trung theo Xa lộ 95 Bắc trực chỉ New York để tham dự cuộc diễn hành thường niên lần thứ 39, với chủ đề “Bắc-Trung-Nam”. Trong khi chúng tôi khởi hành trong một chiếc xe chung thì bạn bè, thân hữu và nhiều giới chức khác bằng phương tiện di chuyển riêng cũng đã khởi hành từ nhiều con đường khác sẽ hội tụ về trên đó, phấn khởi, tươi vui. Thật là một việc làm cuối tuần đầy ý nghĩa cao đẹp thiêng liêng.
1.- Văn hoá, vùng đất đứng của người Việt Quốc gia chân chính.
Cách đây hơn hai nghìn năm, Lão Tử, một nhà hiền triết Đông Phương tương truyền có nói rằng “Làm thầy thuốc mà lầm thì giết một người, làm chính trị mà lầm thì giết một nước, làm văn hóa mà lầm thì giết muôn đời.” Câu này đã nói lên được tất cả sự quan trọng của công tác văn hóa bởi vì văn hóa là cái gốc của tư tưởng mà tư tưởng luôn luôn điều khiển hành động của con người.
Trước khi đề cập khái quát về nền văn hóa dân tộc và những nỗ lực của các thế hệ đi trước trong việc xây đắp tô bồi gia sản văn hóa thiêng liêng của giống nòi, cùng những hoài bảo đăm chiêu của thế hệ trẻ ngày nay, nhất là ở hải ngoại, thiết tưởng thế hệ chúng ta đang sống cũng cần nắm vững một vài khái niệm về hai chữ văn hóa.
1.1 - Một số khái niệm tổng quan về Văn Hóa
Văn hóa dịch từ tiếng La-tinh Cultus có nghĩa là “trồng trọt”. Văn hóa là một phạm trù hết sức rộng lớn và bao quát vì đã từng có trên 300 định nghĩa nói về văn hóa, bởi thế ở đây chúng tôi chỉ đưa ra một số định nghĩa khái quát làm thí dụ điển hình mà thôi.
Trong bài Bàn phiếm về văn hóa Đông Tây, đăng trên báo Nam-Phong số 84, tháng 6 năm 1924, Phạm Quỳnh, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam đầu thế kỷ XX, đã đưa ra một định nghĩa về văn hóa như sau: “Văn-hóa là cách đào-luyện tinh-thần người ta thế nào cho được thập phần tốt đẹp, để nẩy-nở ra những công-trình to-tát, sự-nghiệp lớn-lao mà đem tư-cách một quốc-dân đến tuyệt-phẩm. Ví người ta như cái cây, thời văn-hóa là cách trồng cây, bón cây, tưới cây, cho cây nở ngành xanh ngọn, kết-quả sinh-hoa, để tô-điểm cho cái vườn hoa của thế-giới.”
Ở một đoạn khác, Phạm Quỳnh viết tiếp rằng: “Văn-hóa là dịch tiếng Tây culture, nghĩa đen là cách cấy trồng. Người ta ví như cái cây thì văn-hóa là cách vun trồng cho nẩy nở được hết cái tinh-hoa. Cây có trồng cây mới tốt, người có hóa người mới hay. Văn-minh với dã-man khác nhau là một bên có văn-hóa, một bên không. Như vậy thời văn-hóa là một sự cần, một dân một nước không thể khuyết được.” (Trích trong tác phẩm Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Phạm Quỳnh (1892-1992) Tuyển tập & Di cảo, An Tiêm xuất bản, Paris, 1992, trang 211). Định nghĩa của Phạm Quỳnh gần tám mươi năm về trước vẫn còn có ý nghĩa rất cụ thể và thực dụng đối với thế hệ chúng ta ngày nay.
Trong Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, học giả Đào Duy Anh viết rằng: “Người ta thường cho rằng văn hóa là chỉ những học thuật tư tưởng của loài người, nhân thế mà xem văn hóa vốn có tính chất cao thượng đặc biệt. Thực ra không phải như vậy. Học thuật tư tưởng cố nhiên là ở trong phạm vi của văn hóa nhưng phàm sự sinh hoạt về kinh tế, về chính trị, về xã hội cùng hết thảy các phong tục tập quán tầm thường lại không phải là ở trong phạm vi văn hóa hay sao? Hai tiếng văn hóa chẳng qua là chỉ chung tất cả các phương diện sinh hoạt của loài người cho nên ta có thể nói rằng: Văn hóa tức là sinh hoạt.” (Đào Duy Anh, Sách đã dẫn, Nhà xuất bản Xuân Thu, Houston, bản in ở hải ngoại dựa theo bản in cũ năm 1938, trang 13).
Quan niệm về văn hóa của Đào Duy Anh mang tính hiện thực, bao quát trong nhiều phương diện và phần lớn dựa trên giới thuyết của Félix Sartiaux khi ông này cho rằng “văn hóa về phương diện động, là cuộc phát triển tiến bộ mà không ngừng3 của những tác dụng xã hội về kỹ thuật, kinh tế, tư tưởng, nghệ thuật, xã hội tổ chức, những tác dụng ấy tuy liên lạc mà vẫn riêng nhau. Về phương diện tĩnh thì văn hóa là trạng thái tiến bộ của những tác dụng ấy ở một thời gian nhất định, và tất cả các tính chất mà những tác dụng ấy bày ra ở các xã hội loài người” (Đào Duy Anh, Sách đã dẫn, trang VIII).
Trong tác phẩm Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam, Trần Ngọc Thêm đã đưa ra định nghĩa như sau: “Văn Hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình.” (Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, Nhà xb Tổng hợp TPHCM, 2004 trang 25).
Với định nghĩa mang tính chất kinh điển này văn hóa không chỉ là những vật thể cụ thể hiện diện trước mắt con người như đền đài, miếu vũ, lăng tẩm, thành quách, các tác phẩm nghệ thuật, ngôn ngữ v.v… hàm chứa giá trị vật chất mà còn có cả những giá trị tinh thần vượt thời gian và không gian. Con người hoạt động trong môi trường tự nhiên và xã hội với trí thông minh và đầu óc sáng tạo, đối cảnh sinh tình cho nên đã tạo ra được các công trình văn hóa như văn học, nghệ thuật, các hình thái cuộc sống, lối ứng xử cũng như đạo đức luân lý của con người.
Trong cuốn Văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam dưới nhãn quan học giả L. Cadière, Giáo sư Đỗ Trinh Huệ cho biết văn hóa là một khái niệm rất mông lung khó lòng mà có thể đưa ra một khái niệm rõ ràng như là một định nghĩa toàn bích và trọn vẹn. Cũng không thể dùng lối chiết tự như có người đã từng làm, dù đựa trên cơ sở ngôn ngữ nào, dù dựa trên khái niệm phương Đông hay phương Tây, La Mã hay Hy Lạp, Trung Hoa hay Ấn Độ… Có điều ai cũng cảm nhận được văn hóa của dân tộc mình, của cộng đồng mình đang chung sống và … của mình. Giáo sư Đỗ Trinh Huệ trích dẫn một định nghĩa được nhiều người quan tâm, bởi thấy nó quen thuộc, cho dù đọc nó lần đầu, tự nó như là một dạng thức cảm nhận: Văn hóa như là “một toàn bộ phức tạp: nghệ thuật, luân lý, lề luật, phong tục và tất cả các khuynh hướng cũng như tập quán mà con người xét như là một thành phần xã hội đã tiếp nhận được” (E.Tylor, 1871). Ý chúng tôi muốn thêm là còn dự phóng cho tương lai. Bởi lẽ, văn hóa không tĩnh mà luôn động, giao thoa và chuyển biến.” (Nhà xb. Thuận Hóa, 2006, trang 78).
Có người như Mạc Định Hoàng Văn Chí trong cuốn sách mang tên Duy Văn Sử Quan dẫn giải quan điểm của nhiều học giả (trong đó có Đào Duy Anh) khi cho rằng “Văn hóa là nếp sống, là lề lối sinh hoạt.” Theo ông Hoàng Văn Chí thì nhận định đó rất gọn nhưng có lẽ vì gọn quá nên thành ra thiếu sót, vì có người có thể nêu lên câu hỏi: Mỗi sinh vật đều có lề lối sinh hoạt riêng biệt, vậy thì chiếu theo định nghĩa ấy chúng cũng có văn hóa hay sao? Thí dụ như loài ong là một xã hội hoàn hảo có phân công, phân phối, có giai cấp, nào ong chúa, ong thợ, v.v… có tổ chức hành chính, có đội quân tình nguyện ‘thần phong’. Và ông đưa ra một định nghĩa khác với dụng ý bổ túc: “Văn hóa phải là lề lối sinh hoạt và suy nghĩ.” (Tủ sách Cành Nam, 1990, trang 27). Thật ra nếu đọc kỹ sách của Đào Duy Anh, chúng ta thấy rằng học giả họ Đào đã nghiên cứu khá tỉ mỉ hệ thống tư tưởng Việt Nam tức là lối suy nghĩ khi viết về phần Trí thức Sinh hoạt trong cuốn sách giá trị của ông.
Trước đây hơn nửa thế kỷ, trong một bài báo có tên Vấn-đề đào-tạo trí-thức tại Việt-Nam, Giáo sư Đặng Vũ Biền cho biết “tìm được một định nghĩa cho thật đúng cho chữ văn hóa quả là một việc khó khăn và vì thế, dĩ nhiên, việc xét giá trị văn hóa của người lại càng khó khăn hơn nữa.” Sau đó, Giáo sư Đặng Vũ Biền đưa ra một định nghĩa mang tính thực dụng:
“Định nghĩa tôi đưa ra dưới đây không phải là một định nghĩa có giá trị tuyệt đối, mà chỉ là một định nghĩa tôi xét thấy thích hợp nhất đối với vấn đề.
Theo ý tôi, cái văn hóa mà ta cần phải huấn luyện cho các học sinh ở Trung học là sự tổng hợp của:
1) Những hiểu biết thực dụng trong đời sống như ngôn ngữ, sinh ngữ, khoa học thường thức.
2) Những tư tưởng hay đẹp, những sự khôn ngoan của các văn gia, các triết gia.
3) Những hiểu biết về văn nghệ, về nghệ thuật.
4) Và nhất là óc suy luận, biết nhận thấy cái hay cái đẹp, cái phải cái trái. (Tạp chí Đại Học, số 11, Tháng 9 năm 1959, trang 152, Viện Đại Học Huế xuất bản).
Những liệt kê các hiểu biết này của Giáo sư Đặng Vũ Biền thực ra không phải là một định nghĩa về văn hóa nhưng là những thành tố cấu tạo nên văn hóa và quan điểm này cũng không có gì khác biệt với một số khái niệm đã trình bày ở trên. Tất cả những định nghĩa nêu trên – qua nhiều thế hệ cầm bút - quả thực đã cho chúng ta một vài khái niệm về hai chữ văn hóa, dĩ nhiên trong hoàn cảnh của một cộng đồng người Việt cư trú ở hải ngoại cũng cần thiết phải rút ra những áp dụng cụ thể mang lại ích lợi cho bản thân mình nhất là cho các thế hệ trẻ đang lớn
lên chung quanh.
1 .2- Văn hóa Việt Nam nhìn qua những nguyên tắc ứng dụng và những mô hình khắc họa đan thanh.
Hoạt động trong môi trường văn hóa dưới hình thức một tổ chức văn học hay nghệ thuật thậm chí trong cơ cấu của một tổ chức chính trị, người đứng đầu tổ chức phải có viễn kiến (vision) đề ra một số nguyên tắc làm chuẩn mực cho các hoạt động của mình để rồi từ đó những nguyên tắc chuẩn mực cho các sáng tác phẩm được thai nghén, sáng tạo và phổ biến.
Năm 1933, khi sáng lập tổ chức Tự Lực Văn Đoàn, Nguyễn Tường Tam đã chủ trương lập một nhóm nòng cốt (formation d’un noyau) lấy tên Tự Lực “là có ý họ tự sức mình gây lấy môt cơ sở chứ không cậy nhờ bàn tay chính phủ hoặc một thế lực tài chính nào, do đó có tư cách độc lập, không tuân theo một chỉ thị nào, ngoài đường lối tự họ vạch ra.” (Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn học sử Giản ước Tân biên, tập 3, trang 433).
Trong lời tuyên bố của Tự Lực Văn Đoàn đăng trên báo Phong Hóa số 87, ngày 2-3-1933, những người thành lập văn đoàn này đã nói rõ cái tôn chỉ và mục đích của họ như sau:
“Tự lực Văn đoàn họp những người đồng chí trong văn giới: người trong đoàn đối với nhau cốt có liên lạc về tinh thần, cùng nhau theo đuổi một tôn chỉ, hết sức giúp nhau để đạt được mục đích chung, hết sức che chở nhau trong những công cuộc có tính cách văn chương. Tôn chỉ gồm 10 điều nguyên văn như sau:
1-Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi: mục đích là để làm giầu thêm văn chương trong nước.
2-Soạn hay dịch những cuốn sách có tư tưởng xã hội. Chú ý làm cho người và cho xã hội ngày một hơn lên.
3-Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những cuốn sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân.
4-Dùng một lối văn giản dị dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách An Nam.
5-Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có trí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ.6
6-Ca tụng những nét hay vẻ đẹp của đất nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả quý phái.
7-Trọng tự do cá nhân.
8-Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.
9-Đem phương pháp khoa học thái tây ứng dụng vào văn chương Việt Nam.
10-Theo một trong 10 điều này cũng được, miễn là đừng trái ngược với những điều khác.
(Nhiều tác giả, Nhất Linh, Người Nghệ Sĩ, Người Chiến Sĩ, Nhà xuất bản Thế Kỷ, 2004, trang 143).
Năm 1943, nghĩa là mười năm sau, Trường Chinh tức Đặng Xuân Khu, người được coi là lý thuyết gia của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đưa ra bản Đề Cương Văn Hóa Việt Nam trong đó có nói đến chính sách văn hóa của Đảng Cộng Sản Đông Dương với ba nguyên tắc như sau: “Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa”.
Rất nhiều cây bút Cộng Sản nhiệt liệt ca ngợi bản đề cương văn hóa này, thí dụ Trần Hoàn, Bộ Trưởng Văn Hóa Thông tin (1987-1996) đã viết: “50 năm qua, hiệu quả của “Đề cương Văn hóa Việt Nam” thật là rộng lớn. Đã có biết bao biến đổi trên các hoạt động tư tưởng, văn hóa, giáo dục và xã hội. Đã có biết bao tác phẩm nghiên cứu, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản cách mạng, giàu bản sắc dân tộc được đưa vào cuộc sống, làm nên những sức mạnh vật chất cực kỳ to lớn, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc, xây dựng nên một diện mạo mới của nền văn hóa Việt Nam đáng phấn khởi và tự hào.” (Trần Hoàn, Tuyển Tập Văn Hóa & Âm Nhạc, Tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật, Nhà xuất bản Văn Hóa – Hà Nội 1997, trang 129). Tuy nhiên phải công bình mà nói, ba nguyên tắc Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa của bản Đề Cương Văn Hóa Việt Nam 1943 do Trường Chinh soạn thảo (có người cho rằng Trường Chinh “cóp” của Mao Trạch Đông, nhưng luận chứng này xét ra không vững. NĐC), đã vay mượn từ tư tưởng hay viễn kiến của Tự Lực Văn Đoàn qua bản tuyên bố năm 1933. Dân tộc hóa rất gần với tôn chỉ số 2 và 4. Đại chúng hóa nằm trong nội dung tôn chỉ số 3, số 6. Khoa học hóa là phản ánh tôn chỉ số 9. Đây là một sự cóp nhặt công trình tim óc của người đi trước nhưng không có can đảm và lương thiện nói ra.
Ở Miền Nam Tự Do, từ ngày mồng 7 đến ngày 16 tháng giêng năm 1957, Đại Hội Văn Hóa Toàn Quốc với sự tham dự của rất nhiều tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, chính khách, nhà báo, nhà văn được triệu tập dưới thời của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và người ta cũng đưa ra ba nguyên tắc ứng dụng trong lãnh vực văn hóa đó là Dân tộc, Nhân bản và Khai phóng. Tuy được khai sinh dưới thời Đệ I Cộng Hòa nhưng ba nguyên tắc này vẫn được mặc nhiên công nhận dưới thời Đệ II Cộng Hòa nghĩa là tiếp tục làm khuôn phép cho các hoạt động văn học nghệ thuật và những bộ môn sáng tác khác. Trong đại hội đó, “một dân biểu Miền Nam, ông Nguyễn Phương Thiệp trình bày về tự do tư tưởng trong hiến pháp VNCH và cho rằng sự “chỉ huy văn hóa” của cộng sản đã tiêu diệt sáng tác văn hóa vì nó phủ nhận bản sắc cá nhân của mọi người nghệ sĩ, nguồn gốc của sự sáng tác.” ( Trần Anh, Chủ nghĩa quốc gia của chánh quyền Đệ Nhứt Cộng hòa, 1954-1963, Tạp chí Talawas số mùa Thu 2009, Chuyên đề “Bao nhiêu chủ nghĩa dân tộc là đủ?”)
Xét chung mỗi miền của đất nước có một lề lối ứng xử trong văn hóa nhưng cả hai đều lấy phải Dân Tộc làm đối tượng đề cao tiên khởi. Con người được đề cao vì con người có tự do đó là ý nghĩa của hai chữ nhân bản và khai phóng. Văn hóa như ở Miền Bắc tuy nói rằng hướng về đại chúng và xây dựng trên tinh thần khoa học nhưng quần chúng miền Bắc trước năm 1975 vẫn đa số mù chữ và sống trong cảnh ngu dốt, mê tín và mông muội thì thật là hoàn toàn trái ngược với đường hướng đại chúng và khoa học.
Để nhận diện rõ nét vóc dáng văn hóa Việt Nam, thiết tưởng nên có một cái nhìn khái khát về phạm vi các nền văn hóa thế giới và như thế có thể dễ dàng đối chiếu khi nhận định về văn hóa của ta. Đây cũng là cơ hội để lớp người trẻ tăng triển kiến thức của mình.
Trong tác phẩm Chính Đề Việt Nam, tác giả Tùng Phong (bút hiệu của ông Ngô Đình Nhu) đã chia khu vực văn hóa trên thế giới làm 5 khối với những luận giải như sau: “Bây giờ nếu chúng ta đứng vào lĩnh vực văn hóa thì nhận thấy thế giới lại chia ra làm nhiều khối hơn. Trước tiên là khối Âu Mỹ gồm các nước ở Âu Châu, kể cả Nga Sô và các nước Đông Âu thuộc Nga. Các nước ở Bắc và Nam Mỹ và những quốc gia do người Âu lập ra ở Úc Châu, Tân Tây Lan và Nam Phi. Khối này gồm các nước thuộc vào xã hội Tây Phương. thừa hưởng văn hóa Hy Lạp và La Mã khi xưa và văn hóa Gia Tô sau này.
Khối thứ hai gồm các quốc gia Ả Rập ở từ vùng cận Đông đến Hồi Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Soudan, Ai Cập và các quốc gia Bắc Phi Châu. Khối này thành lập xã hội Hồi Giáo thừa hưởng văn hóa Hồi Giáo.
Khối thứ ba gồm các quốc gia ở phía Đông Đại lục Âu Á: Nhật Bổn, Đại Hàn, Trung Hoa và Việt Nam, lập thành xã hội Đông Á thừa hưởng văn hóa xưa của Trung Hoa.
Khối thứ tư gồm Ấn Độ và, ngoài các nước nhỏ phụ cận Ấn Độ phía Bắc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt, Mã Lai và Nam Dương. Lập thành xã hội Ấn Độ thừa hưởng văn hóa Ấn Độ.
Và sau hết khối Hắc Phi gồm các quốc gia mới xuất hiện ở Phi Châu lập thành xã hội Hắc Phi có một văn hóa phôi thai.” (Tùng Phong, Chính Đề Việt Nam, Nhà xuất bản Hùng Vương, Los Angeles, 1988, trang 17).
Việt Nam thuộc nền văn hóa xưa của Trung Hoa, thừa hưởng nhiều di sản nhưng lại có tinh thần sáng tạo và nhờ tinh thần đó Việt Nam thoát được sự đồng hóa của Bắc phương.
Ở Việt Nam, nếu xét theo bình diện địa lý, người ta thường dùng tên các con sông để định vị cho một phạm vi văn hóa, thí dụ Văn hóa Sông Hồng ở Bắc, Văn hóa Sông Hương ở Miền Trung hay Văn Hóa Sông Cửu Long thuộc Miền Nam. Tại sao vậy? Bởi vì các con sông nhất là những con sông lớn trên thế giới thường là nơi phát tích và quần cư của cả một dân tộc thí dụ như sông Hoàng Hà, Dương Tử ở Trung Quốc là nơi quần tụ các nền văn minh của Hán Tộc. Các sông Tigre và Euphrate là nơi hình thành nền văn minh Lưỡng Hà Địa vùng cư trú của các giống dân Trung Đông. Sông Nil làm nên nền văn minh Ai Cập. Các sông Seine, Loire, Garonne làm thành nền văn minh Pháp và nói chung Âu châu. Ở Hoa Kỳ, các con sông lớn Mississipi, Missouri đóng góp nhiều công sức vào việc hình thành nền văn minh Hoa Kỳ. Người ta cũng nhắc đến các nền văn hóa Tây Bắc (Thái, Mường), Việt Bắc (Tày, Nùng), văn hóa Đông Sơn thời thượng cổ, văn hóa Đại Việt thời trung cổ, văn hóa Tây Nguyên với trung tâm là bốn tỉnh Gia Lai, Kontum, Đắc Lắc, Lâm Đồng thuộc trên 20 tộc người sử dụng các ngôn ngữ Môn-Khmer và Nam Đảo, và văn hóa Nam Bộ gồm các cư dân Việt, Chăm, Hoa là những sắc dân đi khai phá đất hoang và các cư dân bản địa như Khmer, Mạ, Xtiêng, Chơro, Mnông. (Trần Ngọc Thêm, Sđd, trang 62).
Về phương diện khảo cổ học, ở nước người ta thường hay nhắc đến tên các địa danh văn hóa như Bắc Sơn, Hòa Bình, Đông Sơn (công trình của các nhà khảo cổ học Pháp như Henri Mansuy, Madeleine Colani…) Phùng Nguyên, Gò Mun, Đồng Đậu, v.v.. ở Miền Bắc. Các nền văn hóa Bàu Tró (Lm Cadière, Lm Pirey…) ở Quảng Bình, văn hóa Cù Bai ở Quảng Trị, di chỉ Gò Quảng ở Quảng Nam, Gò Rừng Cây ở Quảng Ngải v.v… ở Miền Trung. Các nền văn hóa Óc Eo, Phù Nam ở Miền Nam và thêm vào đó là các di chỉ khảo cổ học ở Long Khánh, Xuân Lộc, Bà Rịa v.v… (Công trình của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp).
Về nghệ thuật, chúng ta có nền văn hóa thuộc âm nhạc như quan họ Bắc Ninh, hát ví hát dặm Nghệ Tĩnh, văn hóa bài chòi ở Bình Định. Văn hóa chèo, tuồng, hát bội, ca trù, rối nước, hội hè đình đám, thi đua, đánh vật, đánh đu kể cả các hình thức tín ngưỡng dân gian như lên đồng, cầu cơ, xin xăm, xũ quẻ v.v.. cũng được kể như những hình thái văn hóa. Ở Miền Nam, nhất là vùng Lục Tỉnh Nam Bộ, nghệ thuật trình diễn cải lương được xem là một bộ môn văn hóa rất được quần chúng ưa thích.
Về phương diện ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam trước đây được biểu thị trong hơn mười mấy thế kỷ bằng chữ Hán rồi từ thế kỷ 13, với sự xuất hiện của chữ Nôm và thế kỷ XVII với chữ Quốc Ngữ là hai thứ ngôn tự đã giúp cho nền văn hóa chúng ta trở thành phong phú, đa dạng hơn.
Văn hóa Việt Nam vô cùng biến hóa trong lãnh vực ngôn từ, văn chương từ khả năng trao đổi đàm thoại hàng ngày cho đến thứ ngôn ngữ thù tạc đối đáp trong phạm vi ngoại giao, ứng xử, thậm chí cả đến những lúc chửi bới rủa sả nhau cũng có một thứ văn hóa gọi là “văn hóa chửi”, dĩ nhiên cũng phải có bài bản, mạch lạc, văn chương.
Về ăn uống, chúng ta cũng có loại hình gọi là văn hóa ẩm thực mà mỗi miền có một hay nhiều món ăn điển hình cho địa phương thí dụ : nói đến Bắc là nói đến phở, nói đến Huế là nói đến bún bò, nói đến Nam là nói hũ tiếu v.v… Văn hóa ẩm thực là một phạm trù rất bao quát, đa diện, phong phú về nghệ thuật và lối trình bày dưới nhiều chủ đề lại tỏ ra có khả năng hấp dẫn đối với bên ngoài.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Alain Ruscio khoảng năm 1995, khi được hỏi rằng: “Tôi tin rằng ông cũng có một thuyết lý về vai trò đặc thù của người phụ nữ trong sự phòng giữ bản diện, bản sắc Việt Nam?”, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), một học giả nổi tiếng đã cống hiến gần trọn cuộc đời cho nền văn hóa Việt Nam, đã trả lời:
“Đó là sự thể thường xuyên trong suốt lịch sử của đất nước chúng tôi. So với đàn ông, đàn bà khó chấp nhận hơn những tập tục của kẻ chiếm đóng. Đúng là như vậy về trang phục. Đúng là như vậy về những lề thói gia đình. Rõ rệt nổi bật ở lĩnh vực ngôn ngữ. Ai giữ gìn tiếng nói nếu không phải là phụ nữ? Ai dạy cho trẻ thơ biết nói? So với đàn ông, đàn bà ít có dịp tiếp xúc hơn với các nhà chức trách người Trung Hoa. Tôi nghĩ rằng phần lớn công việc phòng giữ văn hóa Việt Nam là do các bà mẹ, các bà vợ.” (La Sơn Yên Hồ HOÀNG XUÂN HÃN, Tập I Con Người và Trước Tác, Phần I, Nhà xuất bản Giáo Dục, 1998, trang 1130).
Câu trả lời của Hoàng Xuân Hãn xác định một thực tế về vai trò của người phụ nữ trong việc giữ gìn bản sắc của nền văn hóa dân tộc.
2.- Chủ đề cuộc diễn hành văn hoá quốc tế lần thứ 39 của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia: Bắc-Trung-Nam.
Chiếc xe Van của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia- Philadelphia do bà La Cẩm Tú làm Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Mỹ Quốc Gia đã tới điểm tập trung trên đường 57 th St, NY vào lúc 9 giờ 30 sáng Thứ Bảy (08/6/2024). Bước xuống xe chúng tôi đã thấy hai chiếc xe hoa của Hội Thánh Cao Đài trang trí rực rỡ, hoa mỹ đã đậu sẵn dọc theo đường số 43rd từ bao giờ. Tờ truyền đơn giới thiệu về chủ đề cuộc diễn hành văn hoá lần thứ 39 năm 2024 với hình ảnh ba cô gái Bắc-Trung-Nam duyên dáng, dịu dàng, dễ thương đã được phát đi trên mạng và gửi đến đồng bào VN từ trước đó ba tháng. Ban tổ chức đứng đầu là LS Nguyễn Thanh Phong, LS Lê Minh Huy, và Đồng trưởng ban TC gồm các ông Lê Thanh Liêm, ông Huỳnh Công Ánh. Dần dần, chung quanh chúng tôi, các đoàn người tham dự cuộc diễn hành văn hoá từ nhiều con đường đổ về tập trung tại điểm khai mạc, vui tươi hớn hở trong đủ mọi thứ quần áo thân thương, quen thuộc của những tà áo dài mầu vàng rực rỡ nổi bật ba sọc đỏ thắm tươi, mỗi người một vẻ.
Đúng 11 giờ, cuộc lễ chính thức đi vào phần khai mạc, do một vị cao niên trong quân phục Quân Lực VNCH, ông Nguyễn Tường Thược, nhân sĩ Công Giáo điều hành nghi thức cử hành quốc ca VNCH và Hoa Kỳ cùng phần tưởng niệm, do sự khởi động của MC Trương Minh Tính. Các vị trong BCH Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia New York đã được mời lên phát biểu ý kiến. Sau đó là đại diện các tôn giáo và các cộng đồng thuộc các tiểu bang khác. Một số các vị được gọi tên nhưng không có mặt, hoặc vì lý do nào đó không dám đứng lên phát biểu ý kiến. Đến lượt bà La Cẩm Tú, Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Mỹ Quốc Gia Thành Phố Philadelphia và Phụ Cận, được mời lên phát biểu ý kiến, với tinh thần năng động, bà phát biểu ý kiến như sau:
“Kính thưa quý vị,
Với chủ đề của cuộc diễn hành văn hoá năm nay, 2024, được biểu trưng trong ba chữ ngắn gọn Bắc-Trung-Nam nhưng thật sự chứa đựng ý nghĩa thuộc nhiều lãnh vực trong đó có cả chính trị, văn hoá, xã hội kể cả kinh tế nữa.
Người Pháp trước đây trong lãnh vực chính trị, đã chủ tâm chia rẽ dân tộc ta với sự phân chia ba miền Nam-Trung-Bắc nhưng người dân Việt Nam đã chống lại manh tâm chia rẽ đó và đã biến chính trị chia rẽ của thực dân thành chính trị đoàn kết và thắng lợi.
Về phương diện văn hoá, ba miền của đất nước chúng ta được liên kết bằng cùng một thứ ngôn ngữ, chữ viết, bằng kho tàng tục ngữ ca dao, có chung một lịch sử đấu tranh cả mấy nghìn năm, đủ mọi thứ nhục vinh, làm sáng tỏ một nền văn hoá nhân bản, dân tộc và khai phóng.
Trong phạm trù xã hội cũng như kinh tế, cả ba miền Bắc-Trung-Nam luôn hỗ trợ lẫn nhau để xây dựng một nước Việt Nam dân chủ và phú cường. Xin các thế hệ tương lai luôn nêu cao tinh thần đoàn kết để dẫn đưa đất nước tiến lên.
Xin cám ơn quý vị đã lắng nghe.
Đúng 12 giờ đoàn diễn hành bắt đầu tiến ra Đại lộ 6th Avenue để cùng cất bước. Chúng tôi ghi nhận có các biểu ngữ và các phái đoàn chính thức tháp tùng sau đây:
Biểu ngữ đại diện toàn thể Cộng Đồng Việt Nam
Biểu ngữ tượng trưng y phục Ba Miền: Áo Tứ Thân, Áo Dài, Áo Bà Ba
1.-United Vietnamese American Community of Pennsylvania/Cộng Đồng Việt Mỹ Quốc Gia
TB Pennsylvania/The Great Phila Vietnamese American Community do Bà La Cẩm Tú cùng các đại biểu tham dự cuộc diễn hành. Cùng đi theo đoàn đại biểu gồm có ông Nguyễn Đức Cung, Cựu Dân Biểu Hạ Viện VNCH, bà Ngô Viết Quyền, bà Hạt Cát, ông Lê Minh và một số thành viên Hội Cao Niên…
Bà La Cẩm Tú, CTCDNVQG Philadelphia và ông Nguyễn Đức Cung, tác giả bài viết.
2.- Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Philadelphia & Phụ Cận của ông Bs S., Cộng Đồng
NVQG/NJ với quý ông NTT, TQN tháp tùng.
3. - Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Vùng Montréal/Communauté Vietnamienne Au Canada, Région de Montréal.
4.-Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Pennsylvania/Vietnamese American Community of
Pennsylvania do ông V. L. điều động.
5.- Liên Hội Người Việt Canada/Vietnamese Canadian Federation/Fédération Vietnamienne Du Canada.
6.-Vietnamese American Community of Massachusetts.
7.-Phong Trào Hưng Ca Việt Nam/Voice of Freedom For Vietnam.
8.- Vietnamese American Community South Carolina/Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Greenville, South Carolina.
9.-Tổng Hội Tù Nhân Chính Trị Việt Nam/Federal Association of Former Vietnamese Political Prisoners, dẫn đầu là ông Huỳnh Công Ánh cùng rất nhiều thành viên trong phái đoàn.
10.- Hội Phụ Nữ Cờ Vàng/The Association of New England Women for The Heritage and Freedom Flag of Vietnam, Boston, Massachusetts, USA.
11.-Vietnamese Community of Colorado/Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Colorado.
12.-Cộng Đồng Việt Nam Georgia.
13.-The Vietnamese American Community of Florida/Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Florida.
14. - Xe hoa của Hội Thánh Cao Đài với phù hiệu đề chữ “Third Amnesty of God”, “Tây Ninh Holy See”.
15.- Xe hoa phía sau trang trí hình bốn cô thiếu nữ Bắc Trung Nam và một phụ nữ người sắc tộc thiểu số, bối cảnh là cờ vàng ba sọc đỏ với hình vẽ trống đồng và bản đồ Việt Nam. Bên hông vẽ hình Cầu Trường Tiền ở Huế, trang trí đẹp, thanh nhã, trên có một số ca công, mỹ nữ mặc quốc phục màu vàng, tím, xanh.
16- Xe hoa bối cảnh Miền Nam với mái lều tranh, bó lúa, vài cô thôn nữ mặc áo bà ba múa nón với những bản nhạc nền đồng quê thuần túy.
Xe hoa phía sau trang trí hình bản đồ Việt Nam với cánh chim én ngậm cờ ba sọc, tiêu đề nhắc nhở nguồn cội “Chim Có Tổ Người Có Tông”, bên hông vẽ hình ảnh Chùa Một Cột.
Số người tham dự cũng trên nghìn người thuộc các cộng đồng nói trên.
Đặc biệt trong nhóm quan khách tham dự có Hoà Thượng Thích Chơn Trí Chùa Pháp Vân, đến từ California, Ca sĩ tài danh Phương Hồng Quế, ca sĩ Việt Khang, nhạc sĩ Hoàng Tường, tác giả bài hát “Lá Cờ Thiêng” và phái đoàn từ Cali, và một phái đoàn nhiều vị chức sắc của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tại USA.
HT Chơn Trí
Ca sĩ Phương Hồng Quế
Ca sĩ Việt Khang (đứng giữa)
Nhạc sĩ Hoàng Tường( đứng bên trái)
Chủ đề cuộc diễn hành văn hoá lần thứ 39 này có tên “Bắc-Trung-Nam” thoạt nghe có vẻ đơn giản cũng khó để cho các diễn giả trình bày những ý kiến cá biệt nếu không chuẩn bị trước. Chủ đề này có thể được đưa ra dưới quan điểm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội hoặc qua một vài khía cạnh khác. Tờ flyer của BTC có in hình trang phục của các cô gái VN ở ba miền cũng chỉ là để nói lên một nét điển hình trong sự đa dạng, phong phú về y phục của người phụ nữ VN.
Đối với chính quyền thực dân Pháp trước đây, qua chủ trương chia để trị (divide ut regnes) vốn là một chính sách nằm trong câu cách ngôn thi ca của Machiavel (1469-1527), một nhà văn và triết gia Ý từng được nhiều chính khách độc tài sử dụng, nhất là người Pháp tại Đông Dương trước đây khi họ chiếm được toàn bộ đất nước ta; họ đã biến Miền Nam thành thuộc địa và Miền Bắc và Miền Trung thành xứ bảo hộ (mặc dù có Nam Triều). Ai muốn lưu thông giữa ba miền Nam, Bắc, Trung đều phải có giấy thông hành. Mỗi miền của Việt Nam đều bị Pháp áp dụng một thể chế chính trị riêng lẻ để khiến cho người Việt nhìn nhau bằng cặp mắt nghi ngờ, thù hận, chia rẽ. Nhưng người Việt Nam không lầm mưu của thực dân mà vẫn xem nhau như anh chị em một nhà. Lối ăn mặc của người dân Việt tuỳ theo khí hậu ba miền mà được cải cách cho thích hợp với phong thổ, địa lý nơi mình ở.
Trong cuốn sách Phong tục Việt Nam, nhà văn Phan Kế Bính (1875-1921) cho biết: “Cách phục sức của ta phần nhiều là theo lối nước Tàu, từ đời Hán Đường cho đến bây giờ. Vua quan có phẩm phục, binh lính có nhung phục, thường dân có lễ phục. Phẩm phục mặc những khi triều hạ lễ bái, nhung phục mặc những khi chiến trận thao luyện, lễ phục mặc những khi tế tự. Ngoại giả là những thường phục, mặc các ngày thường… Lễ phục của thường dân thì mũ ô sa, áo giao lĩnh, hia ủng vải mà thứ gì thì cũng toàn sắc thâm… Lối thường phục hiện bây giờ, trừ ra ít người ăn mặc theo kiểu Tây, còn kiểu mẫu riêng của nước ta thì suốt nước già trẻ, đàn ông, đàn bà toàn theo một cách, chỉ khác nhau dài hay vắn, rộng hay hẹp và khác nhau bằng tơ lụa hay bằng vải, màu thâm hay màu trắng mà thôi.” (Nhà xb.Văn Học, 2014, trang 435).
Trong tác phẩm Việt Nam Thời Bành Trướng: Trịnh Nguyễn, linh mục sử gia Nguyễn Phương (1921-1993) trong tiết mục viết về “Đời sống của dân Nam Hà” đã viết: “Nhiều tài liệu cho thấy sự đố kỵ Nam Bắc đã khiến Đàng Trong thay đổi một số tục lệ thừa hưởng từ các thời trước. Ngay từ thời Chúa Sãi, Đào Duy Từ đã nhấn mạnh rằng nên bắt dân theo những tập tục mới cho khác với Miền Bắc, ví dụ bắt bỏ nón vành lớn mà đội nón chóp lá, bỏ màu đen mà dùng màu nâu, bỏ áo bốn thân và yếm mà dùng áo năm thân, bỏ áo dài mà dùng áo ngắn, bỏ mặc váy mà mặc quần. Sự kiện y phục miền nam khác với của miền bắc, không đâu thấy rõ cho bằng trong lời hiểu dụ của Hoàng Ngũ Phúc, kêu gọi dân Thuận Quảng quay trở lại với y trang của Bắc hà. Ông nói, khi vừa thu phục lại Thuận hoá rằng: “Y phục bản quốc vốn có chế độ, địa phương này từ trước cũng tuân theo quốc tục, nay kính vâng thượng đức, dẹp yên biên phương, trong ngoài như nhau, chính trị và phong tục phải được tề nhất. Nếu còn có người mặc quần áo kiểu người khách thì nên đổi theo thể chế của nước nhà. Đổi thay y phục thì theo tục nước mà thông dụng vải lụa, duy có quan chức mới cho dùng xen the là trừu đoạn, còn gấm vóc và các thứ hoa rồng phượng thì đều không được theo thói cũ tiếm dùng.” (Nguyễn Phương, Di cảo, trang 388).
Năm 1744, chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát vì tin vào một câu sấm lưu hành ở Nghệ An (Đàng Ngoài) nội dung “Bát thế hoàn Trung đô” (Tám đời thì trở lại Trung đô tức Hà Nội) nên đã làm một cuộc đổi thay toàn diện về chính trị, xã hội, văn hoá tại Đàng Trong trong đó có cả đổi thay y phục, vì tính từ thời chúa Nguyễn Hoàng đến ông là tám đời. Vị chúa này sợ Đàng Trong sẽ bị Đàng Ngoài thôn tính nên cương quyết làm một cuộc cách mạng. Câu văn nói trên của Hoàng Ngũ Phúc cho thấy cảnh tượng Miền Nam sau ngày 30/4/1975 khiến người phụ nữ Miền Nam bị cướp mất chiếc áo dài tha thướt, kiều diễm. Nhưng cũng may khoảng thời gian
này cũng không dài. Dưới thời vua Minh Mạng (1820-1840) cũng có sắc lệnh thay đổi y phục, cho nên trong dân gian có câu thơ phản kháng như:
Tháng tám có lệnh vua ra,
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Đi thì phải mượn quần chồng sao đang?
Có quần ra quán bán hàng,
Không quần ra đứng đầu làng trông quan! (Ca dao).
Truyền thống lâu đời nhất trong y phục Việt Nam phải nói là cái váy:
Vừa bằng cái thúng mà lủng hai đầu
Bên ta thì có, bên Tàu thì không (Câu đố: Cái váy).
“Bên ta thì có, bên Tàu thì không vì từ buổi quốc sơ khi phái nam còn mặc khố thì phái nữ đã mặc váy rồi. Chiếc váy Đại Cồ Việt khắng khít với người phụ nữ cho đến khi nước ta nội thuộc nhà Minh. Muốn đồng hoá dân bị trị, người Tàu bắt con trai con gái không được cắt tóc, riêng phụ nữ phải mặc áo ngắn (áo khách), quần dài như người Tàu. Cái quần dài tướng Hoàng Ngũ Phúc bắt buộc đàn bà con gái An Nam phải mặc, thật ra cũng chẳng phải là một phát minh của người Tàu. Đúng hơn, đây là món quà giao lưu văn hoá tiếp nhận được vào thế kỷ thứ 2, từ các dân tộc gọi là Indo-Européen như người Gô-Loa (Gaulois), người Ba Tư cổ đại (Perse), người Thổ Nhĩ Kỳ (Turco-Tartars) di dân hỗn hợp vào miền Bắc Trung Hoa.” (Đặc san Tiếng Sông Hương, do Phương Anh Trang chủ biên, Dallas, 1998, trang 11)
Cách ăn mặc giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài thời Trịnh Nguyễn rồi đến thời vua chúa nhà Nguyễn, sang thời chiến tranh Quốc-Cộng, và Sài Gòn trở thành Hòn Ngọc Viễn Đông, chiếc áo dài Le Mur cách tân chiếm lĩnh trận địa, đổi mới ra mode rồi démoder lại ra mốt... cho đến bây giờ. Thật là một cuộc cách mạng kéo dài liên lỉ không dứt.
Còn chiếc áo Bà Ba, lai lịch như thế nào? Xin đọc nhà văn Sơn Nam thì biết rõ: “Chúng ta không quên ông Trương Vĩnh Ký, một tín đồ Công Giáo hiền lành, thông minh, quê ở Cái Mơn (lúc bấy giờ Cái Mơn thuộc tỉnh Vĩnh Long), được các cố đạo chú ý cho du học ở Poulo Penang (Mã Lai). Sự liên lạc giữa Cái Mơn và Mã Lai đem cho Miệt Vườn nhiều loại cây mới: măng cụt, bòn bon, chôm chôm. Poulo Penang, nơi ông Trương Vĩnh Ký du học là nơi có nhóm người Bà Ba lập rẫy mía. Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa (chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba).” (Sơn Nam, Văn Minh Miệt Vườn, Nhà xb. Hồng Lĩnh, 1992, trang 43).
Nói về tinh thần quốc gia của ba miền Bắc-Trung-Nam, qua lăng kính “Văn tức là người” (Style, c’est l’homme), xin trích dẫn đoạn văn sau đây của nhà văn Phạm Quỳnh, nguyên Thượng Thư Bộ Học, người đã bị Việt Minh thủ tiêu và chôn xác tại quận Hiền Sĩ, tỉnh Thừa Thiên, sau cách mạng tháng Tám, 1945. Với tư cách là một học giả, chủ bút Nam-Phong, nhận xét về tình hình văn hoá nước nhà, ông viết: “Tôi vốn là một nhà văn, nhà học vấn. Cái chủ nghĩa tôi thờ phụng bấy lâu nay, kể trên dưới mười lăm năm trời, thật là dốc một lòng, chung một dạ, chính là chủ nghĩa quốc-gia, nhưng chỉ phụng sự về phương diện văn hoá, chưa hề chuyển-di sang phương diện chính-trị.
Tôi thiết nghĩ rằng muốn cho nước nhà được tiến bộ thì phải gây lấy khí cụ để tuyên-truyền giáo-dục. Cái khí cụ để tuyên-truyền giáo-dục là ngữ-ngôn văn-tự trong nước. Bởi thế nên trong mười lăm năm nay tôi không làm một việc gì khác cả; chỉ cúc-cung tận-tuỵ về một việc, là cổ-động cho quốc-văn, tài bồi cho quốc-văn, gây dựng cho quốc-văn thành một nền văn chương đích đáng, có thể dùng làm lợi khí để truyền bá văn chương trong nước.” (Phạm Thị Ngoạn, Tìm hiểu Tạp-Chí Nam-Phong 1917-1934, bản dịch Phạm Trọng Nhân, Ý Việt, Pháp, 1993, trang 145).
Lời văn của một học giả miền Bắc bộc lộ phong thái chững chạc, đứng đắn. Các bạn trẻ đang muốn dấn thân tranh đấu cho chính nghĩa quốc-gia, hãy nên đọc kỹ những dòng chữ tâm huyết này. Việc trau dồi tiếng Việt cho thông thạo như tiếng Anh là điều rất cần thiết, nhất là những lớp người trẻ đang muốn làm việc trong các cộng đồng.
Nhà văn Hồ Biểu Chánh (1884-1958), một văn gia nổi tiếng của Miền Nam, trong cuốn tiểu thuyết lịch sử “Đỗ Nương Nương báo oán” đã cho nhân vật đối đáp, bộc lộ bản tính người Miền Nam:
“-Mấy ông nhớ cái gì mà un đúc được tinh thần quốc gia, biết thương nước, thương dân? Không phải nhờ vua chúa hay sao?”
-Không. Không phải vậy… Chúng tôi sanh trưởng trong đất Gia Định là vùng ông cha của chúng tôi liều xương máu mà chiếm cứ, rồi rưới mồ hôi nước mắt mà khai thác. Chúng tôi nhờ hy sinh với công lao của tổ tiên mà nung đúc tinh thần quốc gia, thương đất nước, thương giống nòi, chớ có nhờ cái gì khác đâu. (…)
“-Bây giờ ông hiểu tâm hồn người Gia Định hay chưa?”
“-Hiểu rồi.”
“-Ừ, ở đây mọi người đều như vậy hết thảy. Có cái gì trong bụng thì trút hết ra, không thèm giấu giếm vì ghét cái thói phách lối, láo xược, giả dối, bợ đỡ.”
Nên nhớ rằng ông Hồ Biểu Chánh sáng tác quyển tiểu thuyết nầy lúc về già, vào khoảng cuối năm 1954. (Sơn Nam, sách đã dẫn, trang 11-12).
Nhà văn Dương Nghiễm Mậu đã viết về Hồ Biểu Chánh, trong tạp chí Văn, số 80, ngày 15-4-67, (và cũng trích dẫn đoạn văn trên).
“- Vào năm 1954, tôi đã có nhiều cơ hội đi từ Trung đến Nam, những chuyến đi ấy khiến tôi nhận ra giữa một nếp sống miền Bắc khác nếp sống miền Nam hay Trung ra sao. Có một điều chắc chắn, những thôn ấp miền Nam quyến rũ tôi không ít, không phải chỉ riêng sông rạch, ruộng vườn đáng yêu, nhưng con người miền Nam cũng đáng yêu, đáng yêu ở nơi chất phác, hào sảng, đơn giản, thẳng thắn, hiếu khách, không hình thức lễ nghi ràng buộc một cách khắt khe. Cái tinh thần bao dung rộng rãi đó hiện ra từ những lối đi, những bờ rào sơ sài, những ngôi nhà kiến trúc đơn giản như mở ra, những vườn cây trái không sắp xếp cho đến cách ăn mặc, câu nói, đãi khách xưng hô… trong đó tự nó có một trật tự hồn nhiên. Với một tấm lòng, đến bất cứ nơi đâu trong vùng sông Cửu Long chúng ta cũng gặp được những tri âm hào sảng một cách dễ dàng (…)
“Qua tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, chúng ta còn tìm thấy đặc tính của người miền Nam. Cái đặc tính của một vùng đất mới mẻ ở mãi phía cực Nam khiến cho ảnh hưởng của Nho giáo không nặng nề như tại miền Bắc hay Trung, Phật giáo cũng có một vị trí trong ngay những người có Nho học…”
Ông Thanh Lãng, trong bài về Hồ Biểu Chánh (cùng tài liệu dẫn thượng) đã viết:
“-Lần đầu tiên, trong tiểu thuyết Việt Nam, người ta thấy giữa bạn bè, giữa vợ với chồng những cách xưng hô bình dân “mày, tao”. Hơn thế, Hồ Biểu Chánh còn là văn sĩ của miền Nam, dùng tiếng địa phương. Văn của ông là văn cùng chung truyền thống với Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký tức là nói và viết “tiếng An Nam ròng”, là viết tiếng Việt “trơn tuột như lời nói” Cái chủ trương của Trương Vĩnh Ký cũng là chủ trương của các văn gia miền Nam: chống lối văn đài các miền Bắc”. Chúng tôi thấy không cần trích dẫn nơi đây những nhận xét của các nhà nghiên cứu Tây phương xác nhận rằng Việt Nam là quốc gia thuần nhứt từ Bắc vào Nam về ngôn ngữ, phong tục, so với Pháp, Trung Hoa.” (Sơn Nam, Sđd, trang 13-14).
Sau cùng xin mời độc giả tiếp xúc với một nhà cách mạng tiền bối thuộc miền Trung, cụ Sào Nam Phan Bội Châu (1867-1940) để thấy được lối văn nghiêm cẩn, mực thước của cụ. Trong tác phẩm Khổng Học Đăng, qua lời giới thiệu cuốn sách quý báu này với độc giả, cụ Phan viết: “Vậy nên tác-giả xin thề trước với ba hạng người:
a/Hạng người chỉ tranh ngôi thứ xôi thịt trong đình làng;
b/Hạng người muốn loè loẹt khoe-khoang, lấy om cơm túi bạc làm mồi hạnh phúc;
c/Hạng người xu-quyền phụ-thế, lấy đồng-bào chủng-tộc làm mồi vinh-thân.
Ba hạng người ấy, tác-giả xin chớ đọc đến quyển sách nầy; mà tác-giả cũng chắc trước họ nhất định không thèm đọc. Bởi vì họ nhận định một cái giá-trị rất cao, là muông chim, là lục-súc, là ma quỷ, yêu tinh, thời bản sách nầy nói nhân-đạo họ đọc làm gì?
Hễ ai đọc bản sách nầy, trước phải lập định một cái chí-khí tự-nhiên rằng: ‘Ta là Khổng-Tử, ta là Mạnh-Tử, ta là Bá-Lạp-Đồ (Platon), ta là Khang-Đức (Emmanuel Kant), chẳng qua đời tuy có xưa nay, đất tuy có đông tây, mà tâm lý in như nhau, thánh hiền tức là ta, ta tức là thánh hiền; ta chỉ là người hậu-tiến của cổ - nhân mà thôi.” Có chí-khí ấy thời đọc quyển sách nầy mới thích. Nếu ai chưa đọc quyển sách nầy mà trước đã có một ý-kiến sẵn: định làm nô-lệ cho người đời xưa, hay định làm nô-lệ cho người đời nay thời xin chớ đọc.”
Huế, mùa xuân Kỷ-Tỵ (1929)
Sào-Nam PHAN-BỘI-CHÂU
Cách đây hơn hai thập kỷ, một nhà hoạt động chính trị ở Âu châu cũng cho rằng: “Văn hóa của một dân tộc là toàn bộ những giá trị đã được chấp nhận và tạo ra cách suy nghĩ, hành động và ứng xử của dân tộc đó…Văn hóa quyết định tổ chức xã hội và tổ chức xã hội quyết định chỗ đứng và sự hơn kém của các dân tộc.” (Nguyễn Gia Kiểng, Tổ Quốc Ăn Năn, 2000, trang 368).
Lịch sử đất nước trong những thập niên gần đây đã cho chúng ta nhiều kinh nghiệm đau thương về cái gọi là văn hóa vô sản, qua một cụm từ nghe rất kêu “văn hóa hiện thực xã hội chủ nghĩa”, lồng dưới tấm áo chủ nghĩa Mác Lê xâm nhập đất nước Việt Nam do sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh và phe nhóm, từ mùa thu năm 1945 và tiếp tục ngự trị quê hương xứ sở chúng ta cho tới bây giờ.
Ngày nay những giá trị tinh thần cốt lõi tinh túy của nền văn hóa truyền thống Việt Nam dù ở trong nước hay ở hải ngoại đều là những cái cần được bảo tồn, phát huy để làm nổi bật bản sắc của chúng ta. Chúng ta chủ trương duy trì và phát triển một nền văn hóa dân tộc dựa trên ba tiêu ngữ mang tính chiến lược mà cũng rất vắn gọn đó là Chân, Thiện, Mỹ nghĩa là một nền văn hóa tôn trọng sự thật, hướng về cái tốt của con người và xiển dương cái đẹp của thể phách cùng tâm linh trong vũ trụ. Cơ chế chính trị của Hoa Kỳ cũng như nhiều quốc gia khác chấp nhận hình thức đa văn hóa cho nên nhiệm vụ của cộng đồng Việt Nam là làm sao gìn giữ và phát huy nền văn hóa độc đáo của Việt Nam, tiếp tục truyền thụ lại cho các thế hệ mai sau. Mong sao con đường văn hóa đó sẽ được nhiều giới tiếp sức yểm trợ, nhất là các bà mẹ, bà vợ, các thanh niên thiếu nữ ba miền Bắc-Trung-Nam chẳng những trong hiện tại mà còn cả trong tương lai nữa.
Nguyễn Đức Cung
Philadelphia, 12-6-2024