Dịch Giả Phan Lê Dũng Và Tác Giả Tuốt Kiếm Phương Xa J. Veith
LTS.- Chúng tôi đã gặp dịch giả Phan Lê Dũng và tác giả Tiến sĩ George J. Veith trong ngày ra mắt sách tại trụ sở Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Dallas 14 tháng 7 năm 2024. Chúng tôi xin giới thiệu dịch giả Phan Lê Dũng qua cuộc phỏng vấn Đài Hồn Việt của phóng viên Nhã Lan và cuộc phỏng vấn dịch giả Phan Lê Dũng với Tiến sĩ George J. Veith 30 tháng 4 năm 2022.
Người Việt Dallas.
Cô Nhã Lan Đài Hồn Việt Nam Cali trong dịp phỏng vấn về cuốn sách “Tuôt Kiếm Phương Xa” đã thắc mắc nguyên nhân nào đã đưa đẩy đứng ra phiên dịch không những chỉ có “Tuốt khách phương xa” mà còn nhiều cuốn sách từ các tác giả người Mỹ khác?
Dịch giả Phan Lê Dũng đã chia sẻ tâm tư của mình: “Thật sự tôi thấy là tôi phải làm và tâm tư thế hệ trẻ như tôi cũng không có gì khác mấy bởi vì trong thế hệ tỵ nạn chúng ta không những là thế hệ đàn anh đi trước từ đệ nhất hay đệ nhị Cộng hòa với tâm trạng của người vượt biên ít khi nào được nghe quá khứ của mình ra sao. Đa số những người lên tàu vượt biên để thoát nạn cộng sản mà không biết khát vọng mình ra sao? Khát vọng trong tâm tư của mỗi người vẫn còn ở đó bên cạnh cuộc sống mưu sinh và khát vọng tạm gạt bỏ khi đến đất nước mới. Gạt bỏ đề hòa nhập cuộc sống mới. Chúng ta tạm gạt bỏ Việt Nam và quá khứ. Và khi cuộc mưu sinh tạm ổn thì những câu hỏi, ưu tư trước kia trở về và quá khứ đã trở lại.
Những người đã có một quá khứ “mồ côi” trong thế hệ cha mẹ và thế hệ anh chị em ít khi nhắc lại chuyện quá khứ…
Ai cũng biết Miền Nam sụp đổ không có gì hãnh diện để mà nói bởi chúng ta yên trí rằng “Được làm vua thua làm giặc”. Mình bỏ xứ ra đi đã là giặc rồi thì tiếng nói mình sẽ vô vọng và những người đàn anh của mình cũng nghĩ như vậy!
Tôi đã tự tìm hiểu từ những năm còn học trung học. Sự hiểu biết của của tôi không thể hỏi ai khác đa số là những người cậu, người anh và những người tôi biết. Có như vậy và hỏi như vậy để làm gì? Họ không hiểu nỗi khát vọng của tôi trong khi người ngoại quốc hỏi tại sao mình ở đây. Câu hỏi này thật sự rất thực tế với những người khác nhưng với tôi kho có câu trả lời chính xác. Không thể trả lời là “tôi chạy” nhưng vì sao phải chạy? Câu trả lời không hoàn toàn và tôi không thể gạt người khác được và quan trọng gạt chính mình. Do đó, tôi tự đi tìm không có hệ thống gì hết và tôi thắc mắc tại sao tôi ở đây. Tại sao một số bạn bè tôi đã chết dưới biển. Tại sao người ta không nói những gì mà người ta đã làm. Phải chăng tất cả những điều gì mình làm đã sai. Nếu thật sự những điều mình làm đều sai thì mình phải biết là cái sai đó như thế nào để mình chấp nhận cái sai đó cho tôi trước tiên và bạn bè tôi sau đó những người có thắc mắc cũng như câu hỏi giống tôi.Do đó, mỗi khi họp lại, khi ăn uống, khi nói năng lúc nào tôi cũng đặt ra.
Vì vậy, mọi người thấy tôi tìm hiểu ít nhiều về chuyện quá khứ và trong số đó có người cho rằng tôi có cái nhìn rõ ràng hơn. Thỉnh thoàng tôi có đọc đâu đó và chia sẻ những điều thâu nhận được. Đó là nguyên nhân đầu tiên đưa tôi đến vấn đề dịch thuật. Trước hết là tìm cho tâm tư nỗi khát vọng , suy nghĩ của tôi cho những người bạn cũ, những người đã khao khát như tôi mà họ không có khả năng đọc sách Mỹ như tiếng mẹ đẻ của mình. Và hơn thế nữa như nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang nói mỗi người đề có một khát vọng là “cho đồng bào tôi khắp bốn phương trời!”. Có lẽ khát vọng nhỏ nhoi và ước muốn như vậy, còn nhiều người bạn của tôi ở Việt Nam và những người còn kẹt ở lại không biết tiếng Anh đề tìm đọc để hiểu một cách rõ ràng hơn khi đọc tiếng Việt. Và có thể nói tự tôi đánh giá nội dung cuốn sách qua cách nhìn của riêng tôi về thể loại, sự thật của cuốn sách để người đọc thấy được tâm tư người viết và thấy được vấn đế…
Sau đây là phỏng vấn tác giả Tiến sĩ George J. Veith về tác phẩm Tuốt Kiếm Phương Xa của dịch giả Phan Lê Dũng.
Dịch giả Phan Lê Dũng (D): Nhìn vào 4 quyển sách của anh tôi thắc mắc, chẳng hiểu có sự liên hệ nào đó giữa 4 quyển sách và luận án tiến sĩ của anh không?
1) Bright Code (Mật Mã: Minh Quang)
2) Leave No Man Behind, (Không Bỏ Rơi Đồng Ngũ)
3) Black April: (Tháng Tư Đen)
4) Drawn Swords: (Tuốt Kiếm)
Tiến sĩ George J. Veith (J): Luận án của tôi thoát thai từ quyển Tuốt Kiếm. Bởi vì quyển Tháng Tư Đen hoàn toàn là về những chiến dịch quân sự, và hai năm cuối của cuộc chiến, trong khi Tuốt Kiếm là về lịch sử của chính trị, kinh tế, và xã hội Miền Nam Việt Nam. Ngay từ lúc đầu, tôi đã thấy thật rõ ràng rằng những dự định xây dựng Dân Chủ là một yếu tố quan trọng của chính phủ Miền Nam Việt Nam. Đó chính là lý do tôi lấy vấn đề cố gắng xây dựng Dân Chủ trong thời chiến làm luận án. Ta phải tiến hành việc đó như thế nào? Và thực sự có thể tiến hành được việc đó không?
D: Vâng, người Việt chúng tôi có câu tục ngữ là: “Được là vua, thua là giặc.”
J: Vâng, tôi có được nghe câu nói đó.
D: Vâng, tôi rất buồn khi phải nói rằng: “Chúng tôi là giặc.” Trong 50 năm qua, chúng tôi gần như im lặng. Đa số người Mỹ nhìn vào cuộc chiến Việt Nam, ít nhất là cuộc chiến Việt Nam như tôi biết: “Tất cả những lãnh đạo Miền Nam đều tham nhũng. Chúng tôi không thuộc phe chính nghĩa. Chúng tôi không có thái độ đứng đắn. Chúng tôi không biết nhìn xa. Nói tóm lại, chúng tôi là những thằng hèn hạ, chẳng có gì đáng nói. Nhưng quyển sách của anh viết cho thấy chuyện không đơn giản như thế?
J: Vâng. Câu chuyện thực sự rất khác. Trong 20 năm qua, tôi đã cố gắng làm 2 điều. Thứ nhất: cố gắng khuyến khích những người Việt đã chiến đấu, đã phục vụ trong cuộc chiến, kể lại câu chuyện của họ, để sửa lại những diễn dịch sai lầm của lịch sử. Với tôi, việc đó quan trọng nhất. Thứ hai: bản thân tôi cố gắng làm việc đó bằng các quyển sách, bằng những cố gắng để hiểu câu chuyện của Miền Nam, để kể lại cho các sử gia và người Mỹ, giúp họ hiểu một khía cạnh khác của Miền Nam Việt Nam. Hy vọng những đóng góp của tôi sẽ giúp được một phần, Nhưng cuối cùng, câu chuyện chính vẫn phải là câu chuyện do những người Việt Nam kể lại. Tôi đã lập đi lập lại điều này nhiều lần: Dù bạn chỉ là một hạ sĩ, bạn vẫn cần phải kể lại câu chuyện đó trước khi mọi sự trở thành quá trễ.
D: Vâng, tôi hiểu điều đó. Trở lại vấn đề “Thua là giặc”, rất nhiều người Việt không muốn nói về quá khứ. Họ không muốn nói chuyện quá khứ, cho dù là nói với chính con em họ, và có thể họ không muốn nhớ. Đã hàng ngàn năm người Việt quan niệm lịch sử như thế. Viết sử là việc của kẻ thắng, và đây có lẽ là lần đầu những người thua cuộc có thể lên tiếng. Trong quyển sách của anh tôi nghĩ rằng anh đã bắt đầu từ những phút rất sớm và kết thúc vào những phút cuối cùng. Như vậy hãy xét lại theo chiều dài lịch sử, và bắt đầu với thập niên 1930.
J: Vâng.
D: Một ký giả, rất có ảnh hưởng, có nêu quan điểm rằng khi Pháp rời Việt Nam, Việt Nam lúc đó đang có nhiều bè phái: Giáo phái Cao Đài, Giáo Phái Hòa Hảo, và Nhóm Bình Xuyên. Một trong những nỗ lực đầu tiên của Tổng Thống Diệm là quốc gia hóa tất cả những giáo phái này. Hợp nhất họ vào quân đội quốc gia. Vị ký giả cho rằng nỗ lực hợp nhất đó có thể không đúng. Điều vị ký giả đó muốn nói là tuy có vẻ không đoàn kết, nhưng những thế lực địa phương này hiểu người dân, có quân đội riêng. Cứ để nguyên cho họ nắm quyền trong địa phương của họ là giải pháp hữu hiệu nhất cho Việt Nam vào lúc đó. Anh nghĩ thế nào?
J: Tôi nghĩ cái mà Tổng Thống Diệm cố làm là đoàn kết quốc gia dưới một chính phủ. Người Pháp đã ủng hộ Cao Đài và Hòa Hảo trong chính sách “Chia để Trị”, giữ cho người Việt ở thế yếu để có thể cai trị họ, trong khi Tổng Thống Diệm muốn đoàn kết quốc gia để chống lại cộng sản. Khó thể làm điều đó khi đất nước bị chia thành những điểm quyền lực đối kháng nhau, và chẳng có gì đối kháng mạnh hơn là các thế lực quân sự. Phải không? Bởi thế Tổng Thống Diệm (đã có nỗ lực hợp nhất) , tuy ít rộng tay hơn là tổng thống Thiệu về vấn đề này. Tổng thống Thiệu muốn cho các giáo phái có tiếng nói chính trị, nhưng không có tiếng nói quân sự. Tôi cho rằng đó là điều đúng. Đó là một đường lối đúng để thực thi.
D: Như thế anh cho rằng không nên để họ có quyền lực riêng từng vùng, như chúng ta vẫn nói là “lãnh chúa”, bất kể các ưu điểm khác như họ đã quen thuộc với vùng đất của họ. Họ hiểu người dân, hiểu những thói quen, lối sống riêng trong vùng của họ, và cộng sản chẳng thể nào xâm nhập vào vùng của họ?
J: Anh có thể thấy là Hòa Hảo đã đẩy hẳn Việt Cộng ra khỏi vùng của họ, và vùng Hòa Hảo có lẽ là vùng ổn định nhất trong các tỉnh Miền Nam, trong khi Cao Đài có vẻ trung lập hơn, vì họ ở vùng Tây Ninh và họ phải thận trọng hơn. Bởi vậy tôi nghĩ rằng Hòa Hảo, một phần cũng vì địa lý, tương đối được để yên, trong khi Cao Đài chưa bao giờ có được quyền lực tương đương, nhưng tôi vẫn nghĩ nỗ lực của Tổng Thống Diệm khi hợp nhất, và cho họ có tiếng nói chính trị, và để họ tự giải quyết vấn đề nội bộ của địa phương họ tương đối là một giải pháp khôn khéo.
D: Như thế, anh đồng ý rằng bước đầu của Tổng Thống Diệm là một nước cờ đúng. Anh tin rằng tất cả các nhóm quyền lực riêng nên đoàn kết để có tiếng nói mạnh hơn? Lý do tôi muốn hỏi về điều này vì rất nhiều lãnh tụ của Cao Đài và Hòa Hảo không muốn sát nhập các lực lượng của họ vào quân đội quốc gia. Họ bảo rằng họ sẽ mất tiếng nói, mất quyền lực. Họ không còn sự uyển chuyển để có thể đối phó kịp thời với những khủng hoảng trong vùng?
J: Điểm chính biểu hiện rõ ràng nhất trong câu: “Họ sẽ mất quyền lực”. Họ không muốn mất hết quyền lực. Lãnh đạo một quốc gia là việc phức tạp. Hãy thử nhìn Hoa Kỳ. Ta không thể để cho những người Miền Nam Hoa Kỳ có tiếng nói riêng, những người Miền Tây Hoa Kỳ có tiếng nói riêng, và đồng thời có một quốc gia đoàn kết. Nhưng dù gì đi nữa đây vẫn chỉ là ý kiến của riêng cá nhân tôi.
D: Lúc này, Tổng Thống Diệm, với sự giúp đỡ của người Mỹ đã hợp nhất quân đội. Dường như ông là một sự chọn lựa hoàn hảo: Ông trưởng thành trong văn hóa Pháp, ông có học vấn, ông đã ở Mỹ một thời gian dài. Ông là người thanh liêm, có phong cách đáng trọng. Ông là hiện thân của Miền Nam. Ông đã giải quyết vấn đề tái định cư của một triệu người Bắc Kỳ di cư. Ông đã sát nhập lực lượng riêng rẽ của các giáo phái để hợp nhất quân đội. Ông cho ra Hiến Pháp. Ông đã trưng cầu dân ý để toàn dân có thể biểu quyết. Ông có vẻ là nhân vật hoàn hảo nhất của quốc gia lúc đó.
J: Vâng, nhưng anh phải hiểu rằng có thể ông Diệm có hiến pháp, nhưng ông và ông Nhu, em ông, điều khiển quốc gia không dựa trên cái khung hiến pháp có sự kềm hãm và cân bằng lẫn nhau của các cơ quan chính phủ. Điểm đặc biệt của hiến pháp Mỹ là cơ quan hành pháp, tức tổng thống, không nắm trọn quyền lực. Thực ra theo hiến pháp thì quyền lực của tổng thống tương đối yếu. Cơ quan lập pháp có quyền lực mạnh hơn, cạnh đó còn có thêm cơ quan tư pháp, trong khi trong hiến pháp của tổng thống Diệm, cơ quan lập pháp chẳng có quyền hành gì cả, và cơ quan tư pháp còn có ít quyền hành hơn nữa. Như thế chính ông là người điều hành tất cả chính phủ. Điều đó không cho phép những tiếng nói chính trị khác được biểu hiện, góp phần vào tiếng nói của quốc gia.
D: Nhưng anh cũng có thể nhìn từ một khía cạnh khác, chẳng hạn như Đài Loan có Tưởng Giới Thạch, Nam Hàn có Phác Chánh Hy. Họ cũng có những khó khăn tương tự Việt Nam và các quốc gia đó tương đối thành công. Ngay cả ở Singapore, Lý Quang Diệu cũng thế. Vâng, họ cũng có hiến pháp, nhưng quyền lực thật vẫn nằm sau hiến pháp. Điều đó có thể hiểu được khi quốc gia đang có chiến tranh.
J: Anh hỏi một câu hỏi rất hay. Dạng thức chính phủ nào sẽ phù hợp, khi đang phải xây dựng một quốc gia, và hơn nữa, một quốc gia đang có chiến tranh. Đây là một câu hỏi rất hay, vì ta có thể hỏi nên bắt đầu xây dựng từ đỉnh hạ thấp dần xuống đáy? Hay nên bắt đầu xây dựng từ đáy tiến dần lên đến đỉnh? Đây là một câu hỏi khó thể trả lời, vì nó liên quan đến vấn đề văn hóa, vấn đề phát triển. Đối với những nước như Đại Hàn, Đài Loan họ phá hủy quốc gia để xây dựng, và vào lúc đầu họ kiến thiết có vẻ rất nhanh với mô hình xây dựng từ đỉnh xuống đáy, nhưng tại thời điểm nào ta nên chuyển đổi từ mô hình độc đoán sang mô hình dân chủ? Và những người lãnh đạo độc đoán có cho phép có sự chuyển đổi đó không? Đó là một câu hỏi luôn luôn không có câu trả lời. Điều đó có thể hiểu được không?
D: Rất nhiều người Việt không bằng lòng với câu trả lời đó, bởi vì họ vẫn nghĩ rằng ông Diệm là hiện thân của Miền Nam. Phong cách của ông chững chạc. Ông có uy tín hơn tất cả những nhân vật quốc gia khác. Ông có vẻ là nhân vật hoàn hảo nhất. Về phương diện chính trị ông có ưu thế. Người ta vẫn nhớ rằng tổng thống Eisenhower đã đứng đợi hàng giờ ngoài phi trường để đón ông. Khó thể chối cãi điều đó. Ngay cả cộng sản miền Bắc cũng viết thư liên lạc với ông như Phạm Văn Đồng. Bởi thế rất nhiều người Việt cho rằng ám sát Tổng Thống Diệm là một nước cờ tử đối với Miền Nam.
J: Khi anh nói về Việt Nam, anh phải nhớ rằng lúc nào cũng có một nhóm trí thức nhỏ ở thành phố, và đại đa số dân chúng ở bên ngoài các vùng quê. Vấn đề là làm thế nào để giảng giải cho những người ở vùng quê hiểu, và thấy rằng chính họ phải là người cầm trong tay số phận của họ. Đây là điều mà Tổng Thống Thiệu rất khác với Tổng Thống Diệm. Tổng thống Thiệu cố gắng xây dựng nông thôn, cố gắng tạo ra một xã hội trong đó nông dân có quyền sở hữu đất, và tự làm chủ số phận của mình. Người dân có thể tự do làm ăn, tự do bầu cho bất cứ người nào họ muốn, thay vì chỉ có một nhóm người ở thủ đô lãnh đạo, và cho rằng cách hay nhất là hướng dẫn người dân làm theo cách của họ.
D: Vâng, nhưng người ta cũng có thể tranh luận từ một khía cạnh khác, vì Việt Nam là một quốc gia đang tiến hóa và thoát thai từ chế độ phong kiến, và đây là giai đoạn chuyển tiếp.
J: Đó đúng là điểm tôi muốn nói. “Bao giờ” thì giai đoạn chuyển tiếp chấm dứt? Đến “khi nào” thì người lãnh đạo tối cao buông bỏ quyền lực?
D: Vấn đề này cũng dính dáng đến cách can thiệp của người Mỹ vào Việt Nam. Nên can thiệp kiểu John Paul Vann hay kiểu Westmoreland? John Paul Vann luôn luôn nói rằng: “Trong cuộc chiến thì phải có giết người, nhưng nếu cần giết thì phải giết bằng dao, hoặc bằng súng lục, chứ không bao giờ nên bằng đại pháo.” Tuy thế, Westmoreland lại hoàn toàn có quan điểm trái ngược. Câu hỏi của tôi là một câu hỏi “Nếu” và đây là một câu hỏi “Nếu loại lớn” của lịch sử: Nếu chúng ta giữ lại chính quyền Tổng Thống Diệm, và áp dụng cách can thiệp nhẹ nhàng, du kích của Vann, giết địch bằng dao để giải quyết vấn đề giết lầm quá nhiều dân chúng? Chuyện sẽ ra sao?
J: Ngồi đây sau 60 năm để nhào nặn, cho Tổng Thống Diệm biến thành một hình tượng nào đó, là việc dễ dàng, nhưng anh phải nhớ rằng khi có cuộc đảo chánh, có hàng ngàn người ăn mừng ngoài đường phố ở Sài Gòn, ở Huế và ở nhiều nơi khác. Và đã có những cuộc biểu tình khổng lồ, thực sự khổng lồ, chống đối ông Diệm. Anh phải nhớ rằng, đã có đông đảo cảnh sát chìm, không có tự do ngôn luận. Các đảng phái chính trị khác bị cấm hoạt động. Ông Diệm thực sự là người độc đoán đã kiểm soát mọi thứ. Vâng, quả vẫn có những vấn đề khác biệt quan trọng về văn hóa khi dẫn dắt một quốc gia chưa từng biết thế nào là Dân Chủ, chưa bao giờ hiểu rõ Dân Chủ, đem áp dụng Dân Chủ ngay. Phần còn lại của câu hỏi là về vấn đề đối kháng quan điểm của John Paul Vann và Westmoreland. Vâng, việc Westmoreland dự định đưa quân vào Việt Nam là một lỗi lầm, nhưng cũng là một vấn đề cần thiết vì giao tranh với du kích khác với giao tranh với quân đội chính quy. Và quân đội chính quy của miền Bắc đang tiến vào. Họ có đại pháo, có đại liên loại nặng. Khó thể dùng dao để đánh nhau với những kẻ có súng đại liên.
D: Điều đó rất đúng, nhưng miền Bắc chỉ đưa quân vào Nam sau khi Mỹ đưa quân vào Việt Nam. Trước khi Mỹ can thiệp quân sự, cuộc chiến chỉ là những trận đụng độ du kích nhỏ.
J: Vào năm 1963, du kích lúc này đã là các tiểu đoàn được trang bị bằng vũ khí của miền Bắc rồi. Họ có các chỉ huy được gửi đi từ miền bắc để huấn luyện các đội du kích. Họ đã chuyển vũ khí ngoài Bắc vào Nam, và du kích đã trở thành những tiểu đoàn. Nhiều trận đánh cấp lớn đã xảy ra, ngay trong thời gian đảo chánh, vì những sự thay đổi bên trong nội bộ du kích.
D: Như thế anh cho rằng cuộc đảo chánh đã giết chết nền Đệ Nhất Cộng Hòa? Hay là . . . Chẳng hạn như nếu nền Đệ Nhất Cộng Hòa kéo dài thêm 5 năm nữa mà không có đảo chánh thì . . .
J: Tôi phải nhắc lại rằng: đảo chánh không phải là ý kiến của người Mỹ. Đó là ý kiến của các Tướng. Tướng Minh, Trần Văn Đôn. Lê Văn Kim. Họ tìm đến người Mỹ và bảo rằng: “Chúng tôi muốn làm điều này. Người Mỹ không tìm đến họ. Họ tìm đến người Mỹ. Họ muốn có đảo chánh, vì họ tin rằng cuộc chiến Miền Nam đang thua, và thua vì những chính sách và cách cai trị của Tổng Thống Diệm. Dân chúng đang theo về với cộng sản. Nếu họ không đảo chánh, Miền Nam sẽ mất vào tay cộng sản.
D: Thế nhưng, điểm định đoạt lại nằm trong tay người Mỹ. Nếu người Mỹ nói: “Không, các ông không thể đảo chánh. Nếu các ông làm thế chúng tôi sẽ cắt viện trợ” thì . . .
J: Vâng, lúc nào cũng có sự tranh luận về vấn đề này, và anh sẽ phải thận trọng khi đọc các tài liệu lịch sử. Người Mỹ không nói họ “ủng hộ”, nhưng cũng không hề nói họ “không ủng hộ”. Bởi thế chúng ta nói rằng họ đã “bật đèn xanh”. Nhưng người ta vẫn phải nhớ rằng quyết định có đảo chánh là của các Tướng Việt Nam, vì họ nghĩ rằng họ đang thua cuộc, đang mất Miền Nam vì Tổng Thống Diệm.
D: Vâng, rất đúng. Nhưng khi người Mỹ ủng hộ tổng thống Diệm, họ ủng hộ bằng những lý do hoàn toàn đúng, nhưng lúc này họ lại “bật đèn xanh”. Có điều gì khác lạ chăng?
J: Tôi chưa rõ ý anh?
D: Nếu người Mỹ ủng hộ ông Diệm vào lúc đầu, gửi các giáo sư ở đại học Michigan sang giúp xây dựng guồng máy chính quyền, huấn luyện quân đội, củng cố kinh tế và rồi bất thình lình lại “bật đèn xanh” rằng mọi việc không đi đúng hướng? Bảo rằng họ không ủng hộ các tướng đảo chánh là việc rất khó tin. Anh đang nói rằng đây là việc “hoàn toàn” của người Việt, thật khó thể đồng ý với điều đó.
J: Chúng ta đang đi vào một chỗ ngày càng khó chịu cho người Mỹ. Tôi thực sự không biết phải nói thế nào. Chúng ta có thể tranh luận về vấn đề này hằng giờ mà vẫn chẳng đi đến đâu.
D: Vâng, đúng. Tôi đang đưa ra những câu hỏi của người Việt. Đa số các câu hỏi của tôi là các câu hỏi của người Việt. Tôi đã đọc nhiều sách, nhưng người Việt lúc nào cũng có những cái gọi là “chủ thuyết mưu mô”. Việc tương tự cũng xảy ra trong xã hội người Mỹ. Đây là một vấn đề mà dường như lúc nào cũng là những điểm dừng của các cuộc tranh luận. Một điểm dừng của hết cuộc tranh luận này đến cuộc tranh luận khác.
J: Cười.
D: Đệ Nhất Cộng Hòa đổ, theo như anh nói là hoàn toàn do người Việt, nhưng đa số người Việt lại cho rằng người Việt chẳng dự phần gì cả . . .
J: Điều đó hoàn toàn sai. Tôi nghĩ đó là một vấn đề văn hóa, ta có thể có những quan điểm khác nhau, nhưng nếu anh xem lại tất cả những tài liệu của Mỹ, lúc nào các tài liệu đó cũng viết rằng: Họ tìm đến chúng tôi. Việc phải đưa ra chứng cớ để biện luận lẽ phải cho những chuyện đã xảy ra đã quá lâu trong quá khứ là việc khó, nhưng nếu cho rằng người Việt chẳng chủ động gì cả, tất cả các hành động của họ chỉ do sự giật dây phía sau của người Mỹ, thì đó là một sự tin tưởng lầm lạc nhất của người Việt. Vì người Mỹ lúc nào cũng cố gắng ủng hộ, và việc hoàn toàn kiểm soát được toàn thể hành động của người khác là việc khó thể xảy ra.
D: Bây giờ chúng ta nhìn về một hướng khác. Khi người Pháp rời Việt Nam, di sản họ để lại cho Việt Nam là một di sản của Pháp? Tất cả những người lãnh đạo Miền Nam có phải là những “thằng con hoang” Pháp-Việt không? Ý tôi muốn nói là tất cả những người lãnh đạo Miền Nam: Tổng Thống Diệm, Tổng Thống Thiệu, tất cả giới lãnh đạo Miền Nam đều là (sản phẩm của Pháp). Quá khứ học vấn của họ là từ môi trường giáo dục của Pháp, và họ bị coi rằng đã được đào luyện để phục vụ người Pháp. Anh nghĩ sao?
J: Không, không phải được huấn luyện để phục vụ người Pháp mà là được huấn luyện từ những trường võ bị của Pháp, và đường lối của các trường võ bị Pháp là cách chỉ huy từ cấp cao truyền xuống, trong khi cách huấn luyện của người Mỹ là hoàn toàn trái ngược. Người Mỹ chúng tôi có đường lối khác hẳn. Chúng tôi cho rằng nên để các hạ sĩ có càng nhiều quyền lực càng tốt. Nên đưa quyền lực xuống càng thấp càng tốt. Nên để họ có trách nhiệm với những hành động của họ, chứ không phải ngồi đó đợi lệnh, và đó đã hẳn là một sự xung khắc văn hóa. Văn hóa của Việt Nam là một văn hóa cổ truyền có thứ tự trên, dưới. Người Việt đặt tên cho con: Thằng Hai, Thằng Ba, Thằng Bốn, Thằng Năm. . . Người Mỹ chúng tôi khác, chúng tôi gọi là “chuyển mũi dùi hành động” xuống mức thấp nhất.
D: Cái mà anh đang mô tả là trên khía cạnh quân sự, nhưng điều tôi muốn hỏi là về khía cạnh chính trị. Khi tôi nói “con hoang”, là khi tôi đang sử dụng danh từ của những người cộng sản miền bắc gọi những người lãnh đạo miền Nam. Họ là “tay sai”. Họ là “con hoang” của Pháp vì đã học hỏi từ văn hóa Pháp, đã làm việc với các thượng cấp Pháp, đã quen làm tay sai cho Pháp, và lúc này khi người Mỹ đến Việt Nam, nếp cũ lại tái diễn. Họ không bao giờ biết hợp tác với người ngoại quốc trên căn bản ngang hàng dù là người Mỹ hoặc người Pháp. Họ chỉ là những thằng con hoang.
J: Vâng, có thể dùng danh từ “bù nhìn.”
D: Không nên để họ cầm quyền. Điều đó có đúng không? Trên phương diện này hay phương diện khác?
J: Không. Anh cũng có thể nói tương tự đối với những người cộng sản. Họ đã được người Tàu và người Nga huấn luyện, và việc có khác gì đâu?
D: Đúng lắm, nhưng có thể nhìn thấy trong quyển sách mới đây của Max Hastings viết theo như tôi nhớ rằng Thứ Trưởng William Bundy đã nói về Thiệu và Kỳ như “những thứ cặn bã nhất dưới đáy thùng.” Vậy cái nhìn của người Mỹ đối với những người lãnh đạo Việt Nam là như thế.. ?
J: Không. Gần như tất cả các tài liệu viết về, phân tích về ông Thiệu, đều viết rằng ông có lẽ là nhân vật xuất sắc nhất trong số những lãnh đạo người Việt. Ông là một người thông minh, làm việc chăm chỉ. Ông Kỳ là người thiếu chủ động đối với cảm xúc. Ông thường hay “bốc đồng”, hay phát biểu trước khi suy nghĩ, và những phát biểu “bốc” đó hay gây ra những khó khăn lớn. Ông Thiệu là người thận trọng. Nếu ta nhìn vào bất cứ nhà lãnh đạo nào, bất cứ tổng thống nào, bất cứ con người nào, chẳng hạn như anh, như tôi hoặc là bất kỳ ai đó. Nếu chúng ta làm 10 điều trong ngày, chúng ta sẽ làm được 6,7 điều đúng, và chúng ta sẽ có 3,4 điều sai, nhưng lỗi lầm của người lãnh đạo lúc nào cũng trở thành nặng ký, vì họ là người lãnh đạo, và những tính cách cá nhân của họ trở nên đậm nét hơn, chỉ vì họ là người lãnh đạo. Nhưng đa số người Mỹ đều cho rằng ông Thiệu là một chính khách xuất sắc nhất trong giai đoạn ông cầm quyền.
D: Như thế trong nền Đệ Nhị Cộng Hòa chúng ta so sánh ông Thiệu với những nhân vật khác. Trong quyển sách anh viết, tôi nhớ rằng anh so sánh ông Thiệu với Dương Văn Minh, và sự tương phản giữa hai người. Anh có nghĩ Dương Văn Minh sẽ là một nhân vật lãnh đạo giỏi hơn không?
J: Không. Tôi nghĩ rằng ông Minh là một người dễ bị người khác ảnh hưởng. Ông không có sáng kiến riêng. Nếu nói một cách khác thì, ông không tạo ra được chính sách. Ông không thể phát biểu chẳng hạn như “chúng ta sẽ áp dụng luật Người Cày Có Ruộng”, hoặc chính sách này, chính sách này, chính sách này. Trên nhiều khía cạnh, ông Thiệu cũng không có sáng kiến tương tự như thế, nhưng ông đủ thông minh để chọn được những người có sáng kiến. Bởi thế, tôi nghĩ, để ông Minh lãnh đạo sẽ là một tai họa. Ông không phải là người giữ vững lập trường. Ông không phải là người có sự suy nghĩ sáng suốt về chính sách. Ông chỉ biết áp dụng những gì ông nói, hoặc nghe theo những gì người khác nói, trong khi ông Thiệu có ý kiến, và có kế hoạch.
D: Anh có nghĩ rằng nếu một người khác, chẳng hạn như bác sĩ Phan Huy Quát, một nhân vật ít dính líu đến quân đội hơn. Có thể nào có một nhân vật dân sự cầm quyền không? Đã có rất nhiều người Quốc Gia phát biểu, ở thời điểm này hay thời điểm khác, rằng chúng ta không có Dân Chủ vì người cầm đầu chính phủ là một quân nhân.
J: Đúng, và tôi nghĩ đó là một đại bi kịch của Miền Nam Việt Nam. Nếu, đây lại là một chuyện “Nếu” của lịch sử. Nếu cộng sản không giết giáo sư Nguyễn Văn Bông, và giáo sư Bông thay thế Thủ Tướng Khiêm, thì ta có thể bắt đầu có một chính phủ dân sự, một khuôn mặt chính phủ mới, không chỉ cho người Việt Nam mà cho thế giới bên ngoài có thể có cái nhìn khác về Miền Nam Việt Nam. Họ sẽ không còn nhìn vào Miền Nam như một chế độ độc tài, quân phiệt vì lúc này có nhân vật dân sự thực sự cầm quyền, và tôi nghĩ đây là vấn đề khó khăn lớn nhất của Miền Nam Việt Nam: Làm sao để kêu gọi được sự ủng hộ của thế giới? Vì mặc dù đã có hiến pháp, đã có bầu cử, thế giới vẫn nhìn Miền Nam Việt Nam như một quốc gia độc tài.
D: Vâng, điều đó dẫn đến chủ đề truyền thông. Cái cách giới truyền thông mô tả, không hẳn đúng. Tôi không muốn đổ trách nhiệm cho giới truyền thông, nhưng đa số những điều họ thấy đều sai.
J: Không phải họ thấy sai, mà là họ viết sai. Họ không hiểu tiếng Việt, họ ít khi ra ngoài đến các vùng nông thôn. Họ thường lấy tin từ những người chỉ trích chính phủ, và họ là những người có đầu óc cấp tiến. Giai đoạn đó là thời điểm bên trong Hoa Kỳ đang thay đổi, và ủng hộ một chính phủ do một quân nhân cầm đầu có vẻ sẽ khiến người khác cho rằng họ ủng hộ lầm phe.
D: Anh đang nói về Đệ Nhất, hay Đệ Nhị Cộng Hòa?
J: Đệ Nhị. Không, đúng hơn thì là cả hai nền Cộng Hòa.
D: Như thế các ký giả có cái nhìn ảm đạm về Việt Nam, và mặt khác, họ không có cái nhìn về Miền Bắc.
J: Vì họ chưa bao giờ đến đó!
D: Như thế, anh có cho rằng không nên có ký giả nào hiện diện trong cuộc chiến không?
J: Chính quyền Việt Nam có thể đuổi tất cả các ký giả, nhưng rồi lại phải trả giá nặng hơn về tai tiếng độc tài! Và thế giới lại có thể la ó rằng: Ồ, chính quyền Miền Nam đàn áp tự do ngôn luận.
D: Và như vậy là “đường nào cũng chết”?
J: Hoàn toàn đúng: “Đường nào cũng chết”.
D: Rất nhiều người Việt đổ tội cho giới truyền thông. Chẳng hạn như cậu tôi, một ký giả, đã có lần nói: “Tao ghét David Halberstam. Tao ghét Neil Sheehan. Bọn nó cao ngạo lắm. Coi người Việt Nam mình không ra gì. Bọn nó đếch biết gì cả.” Và tôi tin rằng cậu tôi có cái nhìn điển hình của giới ký giả Việt Nam.
J: Mặt khác, tôi nghĩ rằng một trong những điều người Việt chưa làm là giải thích rõ ràng cho thế giới hiểu sự suy nghĩ của họ.
D: Vâng, anh có viết về điều đó trong sách của anh, nhưng tôi không hiểu điều trách móc đó thực sự chính đáng đến mức nào? Bởi vì đối với một người Việt Nam điển hình, phải đối phó với tất cả những vấn đề đang xảy ra trong nước, không có đủ kiến thức về thế giới xung quanh, mà đòi họ phải trình bày cho thế giới hiểu hoàn cảnh của họ thì quả là việc chẳng thể làm nổi.
J: Tôi muốn nói là họ nên tìm cách giải thích rằng họ đang xây dựng một quốc gia Dân Chủ và đồng thời phải đối phó với một chế độ độc tài ở Miền Bắc đang xâm lược nhằm lật đổ chúng tôi. Bằng cách nào đó thông điệp đó chưa được chuyển tải đúng mức, bàn luận đúng mức, hoặc giải thích đúng mức. Tôi thấy rằng mọi người có thể hiểu điều đó.
D: Đơn giản là chúng tôi không có phát ngôn viên!
J: Đúng, vâng. Đó là một cách giải thích rất hay.
D: Chúng tôi không đủ lưu loát về ngôn ngữ, chúng tôi thiếu kiến thức về văn hóa Tây Phương. Chúng tôi không có thời giờ, và cũng không có ai chỉ dẫn, thì làm sao có thể mong đợi chúng tôi làm chuyện đó?
J: Tôi không đổ lỗi, không trách cứ . . . Tôi chỉ nêu lên vấn đề, thế thôi.
D: Tôi nhớ, khi tôi đọc đoạn anh viết đó trong sách tôi chợt nghĩ việc anh nói chẳng khác nào bảo một kẻ không có xu nào dính túi: Tại sao anh không vào quán ăn, kiếm một chỗ ngồi kha khá, để có một bữa thịnh soạn?
J: Chí lý. Tôi thừa nhận điều anh nêu.
D: Bây giờ mình trở lại với năm 1970.
J: Rồi.
D: Khi người Mỹ đã vào Việt Nam. Chúng ta đang nói chuyện về Đệ Nhị Cộng Hòa.
J: Rồi.
D: Như anh đã nói về Tổng Thống Thiệu: Ông biết cách dùng người. Ông có viễn kiến. Ông đã từng làm việc với Việt Minh. Ông đã từng là cán bộ Việt Minh. Rất nhiều những dữ kiện tôi biết về ông là nhờ những điều anh viết ra trong sách. Tôi chưa bao giờ có cơ hội nói chuyện với tổng thống Thiệu. Sách báo Tây Phương, đa số viết về ông chỉ như viết về những thứ cặn bã của xã hội. Nếu tổng thống của chúng tôi như thế, thì quả thật chúng tôi xứng đáng thua. Chúng tôi “là giặc”. Đã có lúc, đó là kết luận của tôi. Quyển sách của anh làm tôi thay đổi quan niệm. Giống như anh nói, ông Thiệu biết đặt người vào đúng chỗ, chẳng hạn như dùng ông Phạm Kim Ngọc lo về kinh tế. Ông đã bảo ông Phạm Kim Ngọc: “Anh có toàn quyền lo về kinh tế, để tôi lo việc quân sự”, và ông cũng nói như thế với ông Cao Văn Thân và luật “Người Cày Có Ruộng”. Hai người đó đều có thành tích thành đạt xuất sắc. Ông Thiệu cũng cố kéo quân đội xa dần chính phủ để dần dần Dân Sự Hóa chính phủ. Như anh đã viết, ông là một trong những người xuất sắc nhất. Thế thì tại sao chúng ta lại thất bại? Nếu chúng ta đã có một nhân vật hoàn hảo nhất có thể có?
J: Tại sao chúng ta lại thất bại? Tôi tưởng anh sẽ hỏi tôi về năm 1970?
D: Cười . . . Vâng, và từ đó trở đi.
J: Vâng, anh nói đúng. Cao Văn Thân đưa ra kế hoạch, và điều khiển chương trình Người Cày Có Ruộng và ông là một người Nam. Phạm Kim Ngọc đưa ra kế hoạch, và điều khiển kinh tế, và hai người này đã đóng góp cho Việt Nam nhiều hơn bất kỳ nhân vật lãnh đạo Việt Nam nào khác, bởi vì họ khai phóng tiềm năng của Miền Nam Việt Nam. Họ tạo cơ hội cho những người Việt ở nông thôn gây dựng cuộc sống. Họ có đất cày cấy. Họ có thể làm ăn, buôn bán và tạo dựng cuộc sống riêng của họ. Anh có thể thấy sự thay đổi nổi bật ở miền quê trong một thời gian rất ngắn. Tuy rằng Việt Nam chẳng bao giờ có thể xuất cảng gạo như trước đây vì rất nhiều lý do. Nhưng họ đang trên đường tiến đến điểm đó. Và ở nông thôn, nông dân, như nhiều người nói với tôi, làm ăn khá hơn qua việc bán gạo. Và hai người này, Phạm Kim Ngọc và Cao Văn Thân là hai người thực sự có công lớn với Miền Nam.
D: Trở lại năm 1968
J: Vâng.
D: Trong năm 68 có cuộc Tổng Tấn Công Mậu Thân. Về mặt quân sự, miền Bắc coi như hoàn toàn thất bại, nhưng người Mỹ lại không thấy thế?
J: Có hai phần anh phải nhớ đối với vấn đề này là cộng sản tấn công thành phố, cũng như Putin cho rằng Ukraine có thể sụp đổ dễ dàng. Họ nghĩ là Miền Nam sẽ sụp đổ. Và điểm này quay trở lại điều tôi đã nêu về cách tổ chức Dân Chủ đối nghịch với cách tổ chức từ trên đỉnh xuống. Vào thời điểm này Miền Nam đã có 4 cuộc bầu cử, có 1 tổng thống đắc cử với đa số phiếu, có quốc hội dân cử, có hiến pháp, và người dân Miền Nam, khi phải đối diện với cuộc tấn công khổng lồ, không ngã quỵ. Họ đánh trả. Họ chiến đấu cho quốc gia. Và đối với tôi đây là chứng cớ cho thấy Dân Chủ là một cấu trúc hữu hiệu hơn cách tổ chức từ trên đỉnh xuống. Vì giờ đây dân chúng đã bỏ công sức, đầu tư vào chính phủ, và họ có lý do để chiến đấu. Cũng như lý do chính mà người dân Ukraine chiến đấu với lính Nga. Họ đã bỏ công, bỏ của xây dựng đất nước. Nếu ở một thời điểm nào đó có thể có một cái gọi là “điểm chính”, đối với tôi, thì cái đó chính là điểm này.
D: Người ta cũng có thể nhìn qua một khía cạnh khác. Nếu người dân không ủng hộ cộng sản, họ chẳng thể mở cuộc tấn công toàn quốc, ở khắp mọi tỉnh. Ít ra người dân cũng ủng hộ, nếu không muốn nói là hết lòng ủng hộ?
J: Tôi nghĩ không phải người dân ủng hộ. Họ chỉ làm ngơ. Họ có thể thấy một đội quân cộng sản, nhưng họ chẳng làm gì cả. Nếu 3,4 năm sau thấy thế, chắc chắn họ sẽ chẳng làm ngơ. Và một điều rất hay khác, ông Thiệu đã làm, là kế hoạch Nhân Dân Tự Vệ. Chính phủ tự cung cấp vũ khí cho người trong thôn ấp để họ có thể tự vệ. Đó là cách chuyển quyền lực xuống tận mức thôn, xã. Chính quyền có thể đưa vũ khí cho dân mà không sợ họ xử dụng vũ khí chống chính quyền, không sợ họ chuyển vũ khí cho cộng sản. Đây là một chứng cớ khác cho thấy dân chúng ở thôn quê đã tin tưởng chính quyền.
D: Cái mà chúng ta đang bàn luận là tình trạng 50, 60 năm về trước, có lẽ là chính quyền lúc đó phải thấy rõ vấn đề đó chứ?
J: Tổng Thống Thiệu là người thúc đẩy chuyện đó.
D: Không, tôi không có ý nói Tổng Thống Thiệu. Ý tôi muốn nói là chính quyền Mỹ, là Lyndon Johnson.
J: Johnson không còn là tổng thống lúc này.
D: Vâng, Nixon.
J: Tôi nghĩ rằng Nixon không có cái nhìn lạc quan về Nhân Dân Tự Vệ. Tại thời điểm đó ông chỉ chú tâm vào việc trao quyền lại cho người Việt Nam. Ông chỉ chú tâm vào việc bàn giao lại trách nhiệm quân sự cho Việt Nam để Việt Nam có thể tự phòng vệ. Và nếu nhìn trên khía cạnh đó thì cung cấp vũ khí cho người dân là một việc tốt.
D: Trở lại 1968. Một trong những biến cố lớn của năm 1968 là việc Tổng Thống Johnson tuyên bố ông sẽ “không ra tranh cử”. Anh nghĩ tại sao ông lại làm thế. Làm thế tức là tự hại mình, tự hại nước Mỹ, và hại luôn cả đồng minh. Tổng thống Eisenhower đã nói rằng hành động tuyên bố "không ra ứng cử" của tổng thống Johnson là một hành động đáng khinh.
J: Tôi không có câu trả lời cho câu hỏi đó. Xin lỗi anh. Tôi không trả lời được. Tôi không biết.
D: Và vào thời điểm đó, người Việt đã có đủ vấn đề riêng cần phải đối phó. Người Mỹ không giúp và cũng không thấy rõ những nỗ lực của người Việt. Tổng thống Lyndon Johnson không thấy những nỗ lực anh đang kể. Tổng Thống Nixon không thấy rõ hẳn mục đích tranh đấu của người Việt, và Mỹ chẳng giúp gì họ cả?
J: Điều đó hoàn toàn không đúng. Anh nghĩ xem ai đang trả tiền để vực dậy kinh tế Miền Nam? Và kế hoạch Người Cày Có Ruộng? Mỹ không chỉ ủng hộ về quân sự, mà còn về tài chánh nữa. Miền Nam không có guồng máy thuế má để có ngân quỹ chi trả cho các chi phí. Thực ra, đó là điều ông Phạm Kim Ngọc đã cố gắng làm. Ông đã cố gắng giải quyết không để Việt Nam phải phụ thuộc tài chánh vào chính quyền Mỹ. Tài chánh của Miền Nam không thể đáp ứng được những nhu cầu quân sự đòi hỏi. Quân đội Việt Nam cần có ngân quỹ để củng cố, bành trướng, nhằm thay thế các lực lượng Mỹ và đồng minh đang rút đi. Muốn thế phải có tiền. Có hai cách để có tiền. Cách thứ nhất là in tiền, và chịu hậu quả của sự lạm phát, rất có thể khiến tình hình tệ hơn. Cách thứ hai là lấy tiền từ những nguồn khác. Chính chúng tôi là người đã chi tiền giúp củng cố quân đội Miền Nam. Khi Mỹ rút quân, viện trợ phải gia tăng. Chính nguồn viện trợ đó đã giúp quân đội và tài chánh Miền Nam không sụp đổ.
D: Trong một thời gian.
J: Vâng, trong một thời gian. Cho đến khi chúng tôi rút quân, và rút luôn cả tiền. Đó là lúc vấn đề khó khăn xuất hiện.
D: Anh có nghĩ đó là thời điểm nên cắt bỏ viện trợ tài chánh không? Vấn đề quân sự có thể hiểu được, nhưng ngân khoản để ủng hộ cho Miền Nam, không phải là một ngân khoản lớn.
J: Ngoại viện lúc nào cũng là vấn đề phức tạp vì Quốc Hội phải bỏ phiếu cho việc đó, và trong những năm 72, 73, 74, quốc hội ngày càng phản đối chiến tranh, càng chống đối chính phủ Miền Nam. Việc xin viện trợ cho Việt Nam ngày càng khó khăn.
D: Như thế có thể xem rằng thất bại đó là của người Mỹ không? Vì giới lãnh đạo Mỹ và người Mỹ đã cho rằng giúp đỡ Việt Nam là việc không đáng làm?
J: Vâng, có một phần, nhưng anh phải luôn nhớ một điều. Miền Nam Việt Nam chỉ là ‘một’ vấn đề của Mỹ. Nước Mỹ là một thế lực hoàn cầu, phải không? Chúng tôi còn vấn đề Âu Châu, Á Châu, chúng tôi có nhiều vấn đề trên toàn thế giới. Miền Nam Việt Nam chỉ là ‘một’ trong những vấn đề người Mỹ phải chú tâm. Chẳng những chỉ đối phó với những vấn đề của thế giới bên ngoài, mà còn cả những vấn đề nội bộ bên trong nước Mỹ.
D: Và phải chăng đó là lý do anh đặt tên cho quyển sách của anh là “Tuốt Kiếm”?
J: Vâng, cái tựa đó có ý muốn nhắc nhở người Mỹ rằng đây là một cuộc chiến ở một vùng đất ngoại quốc, nhưng vẫn là một phần của người Mỹ, một phần của những gì người Mỹ đang làm.
D: Anh mở đầu quyển sách bằng cách nhắc đến vấn đề nhìn qua tấm kiếng khi trời tối, một trích dẫn trong thiên Corinthian của Thánh Kinh, và anh kết thúc bằng trích dẫn “Tuốt Kiếm”, một trích dẫn khác trong thiên Leviticus của Thánh Kinh?
J: Hai trích dẫn đó được đưa ra để nhắc nhở mọi người rằng: Quyết định nào cũng có hệ quả. Có người Việt đã bảo rằng: Có lẽ mọi sự sẽ tốt hơn nếu người Mỹ không đến Việt Nam. Nhưng nếu chúng tôi không đến, Việt Nam có lẽ đã mất từ năm 1954. Dù gì chăng nữa thì đây vẫn là những câu hỏi khúc mắc, khó trả lời.
D: J, khi bàn luận về một quyển sách, nhất là một quyển sách như quyển anh viết, chúng ta có thể bàn luận cả năm. Trong tất cả các chương đều có rất nhiều điều tôi chưa đề cập. Vấn đề chỉ đơn giản là chúng ta không có đủ thời gian. Tôi chưa hề đề cập, chẳng hạn như vấn đề bè phái, vấn đề chia rẽ, vấn đề nhân sự . . . nhưng vấn đề to lớn nhất vẫn cần được nhắc lại. Nếu một học sinh trung học hỏi anh: Tại sao chúng ta thua ở Việt Nam thì anh sẽ trả lời sao?
J: À . . .
D: Hãy nhìn vào cả hai nền Cộng Hòa. Anh có nhân vật lãnh đạo có khả năng nhất cho nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Anh có nhân vật lãnh đạo có khả năng nhất cho nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Hai nhân vật lãnh đạo tốt nhất ở hai thời điểm lịch sử, và anh thua cuộc cả hai lần?
J: Tôi nghĩ rằng Miền Nam Việt Nam là một quốc gia rất khó phòng thủ trên khía cạnh quân sự, vì miền Bắc ngày càng gia tăng áp lực, và miền Nam ở thế phòng thủ. Cuối cùng việc trở thành quá khó khi phải phòng thủ chống lại quân xâm lược, một kẻ thù kiên quyết phải chiếm được Miền Nam bằng mọi giá. Nhưng nếu chúng ta có thể trụ thêm 5 năm nữa, chúng ta có thể có một thế hệ lãnh đạo mới, guồng máy kinh tế lúc đó sẽ tự chấn chỉnh vững mạnh dần, và rồi Miền Nam lúc đó sẽ có thể phòng thủ hữu hiệu hơn. Thế hệ lãnh đạo trẻ của Miền Nam, cả quân sự lẫn kinh tế, đã sẵn sàng bước vào chuẩn bị cầm chịch, nhưng . . .
D: Tiếc thay, chúng ta chẳng bao giờ được mục kích điều đó.
J: Vâng, đúng vậy.
D: Điều đó đưa chúng ta đến chương cuối của quyển sách anh viết: Kế hoạch Vanuxem: Nguyễn Xuân Phong và sứ mạng âm thầm của ông mà chưa ai nghe đến bao giờ: Chuyện người Tàu dự định ủng hộ Miền Nam Việt Nam. Xin anh cho biết thêm về chuyện đó.
J: Tôi được nghe câu chuyện đó nhiều năm trước, và đã có nhiều người kể lại với tôi. Đại khái là người Tàu không muốn người Việt thống nhất đất nước, không muốn có một nước cộng sản thống nhất ngả theo Nga. Họ không muốn có một quốc gia Nga thù nghịch ở phía bắc, và một quốc gia cộng sản ở phía nam có khuynh hướng ủng hộ Nga. Họ không muốn lưỡng đầu thọ địch nên muốn ngăn cản chuyện Việt Nam thống nhất. Bởi thế họ nói họ muốn có một nước Việt Nam trung lập. Họ sẽ ủng hộ nước Việt Nam trung lập đó để bớt đi mối lo sẽ có một quốc gia thù nghịch ở ngay biên giới phía nam của họ. Họ muốn có một miền Nam trung lập, không phải với ông Thiệu, mà với Dương Văn Minh. Nước Việt Nam đó không ngả theo Mỹ, mà cũng không ngả theo Bắc Việt. Và họ có ý muốn ủng hộ việc này. Vào lúc cuối họ còn muốn đổ quân vào Việt Nam để trợ giúp, và kế hoạch này không hề ló ra cho đến mãi gần lúc cuối.
D: Anh có nghĩ là ông Dương Văn Minh không khôn khéo khi từ chối đề nghị của người Tàu không?
J: Tại thời điểm đó, việc đã quá trễ. Khi ông Minh được thông báo về kế hoạch đó, Cộng Quân đã vào đến Sài Gòn rồi.
D: Vậy, đối với một học sinh, anh mong mỏi gì khi họ đọc quyển sách của anh? Anh muốn quyển sách của anh có tác động thế nào đối với họ?
J: Tôi muốn họ rút ra bài học về việc làm thế nào để xây dựng một quốc gia giữa lúc chiến tranh. Đâu là những sự thành công. Đâu là những chuyện thất bại? Điều nào hữu hiệu, điều nào không? Tôi hy vọng độc giả sẽ đọc, sẽ hiểu, không phải để đổ lỗi cho người Mỹ, không phải để đổ lỗi cho Miền Nam Việt Nam, mà để thấy rõ việc nào có hiệu quả, việc nào không. Và như thế khi nhìn lại, người ta có thể nhìn việc này như một bản hướng dẫn đại cương để tìm cách tiến hành tốt nhất.
D: Vâng, giả thiết về lịch sử là vậy. Độc giả có thể học hỏi nhiều, nhưng đối với người Việt chúng tôi thì nhìn lại là việc đau buồn lắm. Quyển sách của anh đem lại một cái nhìn trực giác cho thế hệ của tôi, hoặc ít ra cũng là cho cá nhân tôi. Đọc tất cả những sách Mỹ khi trước độc giả hiểu được cái nhìn của Mỹ, nhưng đọc quyển sách của anh, lạ lùng thay, độc giả lại hiểu được cái nhìn của người Việt.
J: Tôi đã cố gắng nắm bắt cho được tâm tư của người Việt.
D: (Đọc sách của anh tôi thấy Miền Nam) chúng tôi không đến nỗi tệ. Chúng tôi thua, nhưng chúng tôi đã cố gắng hết sức như các tuyển thủ trong một cuộc tranh thắng thể thao. Chúng tôi thua, nhưng chẳng có gì đáng hổ thẹn vì chuyện đó.
J: Vâng, đúng vậy. Như tôi đã nói từ đầu, tôi cố trình bày Miền Nam Việt Nam theo cái nhìn của họ. Để đưa ra những cái tốt họ đã làm. Bởi vì khi muốn nói về những cái xấu, người ta cũng nên đưa ra những cái tốt để cân bằng hai vế của một phương trình, phải không? Và đó là điều tôi cố gắng để đạt: Tận dụng tất cả khả năng để kể lại câu chuyện Việt Nam.
D: Cám ơn anh rất nhiều. Giờ đây nếu nhìn lại quyển sách, có đoạn nào anh muốn viết lại, hoặc trình bày thêm, hoặc bổ túc gì đó thêm không. Anh có dự định làm những điều đó không?
J: Tôi nghĩ là tôi sẽ chẳng thay đổi gì cả.
D: Vậy là anh rất hài lòng về quyển sách?
J: Vâng, tôi hài lòng. Đây là một quyển sách khá dày . . .
D: Không, không dày lắm đối với tôi. Tôi thực sự thưởng thức quyển sách. Anh có dự định gì thêm trong tương lai không, hay cứ để quyển sách như vậy?
J: Tôi cố gắng tìm thêm tài liệu từ phía Việt Nam, nhưng việc đó khó hơn nhiều.
D: Anh J. Cám ơn anh rất nhiều.
J: Vâng, Cám ơn anh.
Cuộc phỏng vấn của tôi hai năm trước với J. Veith vào dịp 30/4 cũng dính dáng rất nhiều đến Thiên Mệnh Không Còn.
Gửi link để anh xem và xin gửi luôn script nếu anh muốn đăng:
Video:
https://youtu.be/_6xHcAt_avI?si=kf9ikDSi6BGow38H
Text:
Dũng.