Hoa Mai trong thi ca Trung Hoa

Tạ-quốc-Tuấn

Người Trung-quốc rất chuộng hoa mai, coi là hoa đứng đầu các loại hoa, “mai chiếm bách hoa khôi ” 梅占百花 魁. Hơn nữa, khi diễn tả lạc thú của một người sống ẩn dật, không thích làm việc gì khác, ngoài thú trồng mai và nuôi hạc ra, người Trung-Hoa có câu tục ngữ “mai thê hạc tử ” 梅妻鶴子 (lấy mai làm vợ, lấy hạc làm con).

Mai ngoài tên gọi chính là “mai ” 梅 ra, đôi khi còn được gọi là “” 李 (người Việt-nam gọi là “”). Đấy là chưa kể từ “nại ” 奈 (còn viết là 柰) cũng đôi khi được dùng để chỉ một vài loại cây thuộc họ mai, giống như quả tần hay táo tây, người Việt-nam gọi là quả nại.

Người Trung-quốc chuộng chẳng những là hoa mai mà lại còn cả quả mai (tuy một vài người cho rằng quả mai có tính chất độc hại cho người dùng), nhân quả mai làm thuốc trị bệnh ho, và ngày xưa họ dùng rễ mai làm thuốc giải nhiệt.

Mặt khác, vì trước khi cây mai ra lá thì hoa mai đã bắt đầu nở, vào tiết tiểu hàn 小寒 (theo lịch của người Trung-Hoa là vào ngày 5, 6 hay 7 tháng 1 dương lịch) và là cây đầu tiên nở hoa khi mùa xuân tới, cho nên người Trung-Hoa dùng mai làm tiêu biểu cho mùa xuân.

Mai còn được dùng biểu hiệu cho sự sống lâu hay trường thọ, bởi vì hoa mai bao giờ cũng mọc ở trên những cành không lá và trông có vẻ như là không còn sinh hoạt chút nào cho đến khi cực già. Đấy là chưa kể mai còn có liên hệ gián tiếp với sự trường thọ, như truyền thuyết cho rằng Lão-tử 老子, người sáng lập ra Lão-giáo 老教 (còn gọi là Đạo giáo 道教), ra chào đời dưới gốc cây mai.

Hơn nữa, hoa mai trắng như tuyết và gân xanh như ngọc nên thường được ví với người con gái vào lúc dậy thì, nghĩa là hoa mai được dùng tượng trưng cho sự trong trắng còn trinh của người con gái.

Đứng về một phương diện khác mà xét, “mai ” hay “mai hương” 梅香 (= hương thơm của mai) là tên thường được dùng để gọi tì nữ, con sen, của một người con gái trước khi đi lấy chồng, và cả sau khi người ấy lấy chồng nữa. Thí dụ thành ngữ Trung-quốc có câu “mai hương bái bả tử, đô thị nô tài ” 梅香拜把子都是奴才, nghĩa đen là con sen kết bái chị em, tất cả đều là nô tài, và nghĩa bóng là không ai có hơn ai, tất cả đều không phải những người cao quí. 

Mặt khác, vì hoa mai có năm cánh, nên người Trung-Hoa còn dùng hoa mai tượng trưng cho năm sự may mắn của con người (ngũ phúc 五福), tức là thọ 壽 (sống lâu), phú 富 (giàu có), khang ninh 康  寧 (mạnh khỏe, bình yên), du hảo đức 攸好德 (đức hạnh tốt) và lão chung mệnh 老終命 (sống trọn đời).

Ngoài ra, hoa mai được chọn làm “quốc hoa” 國花 bởi vì năm cánh của hoa mai được coi là tượng trưng cho năm dân tộc (ngũ tộc 五族) chính yếu tạo thành dân tộc Trung-Hoa là Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng 漢滿蒙回藏, và đồng thời cũng tượng trưng cho Ngũ Quyền Hiến Pháp 五權, tức là hiến pháp của Trung-hoa Dân-quốc 中華民國 vì được đặt nền tảng trên năm nguyên tắc trị quyền do Tôn Dật-tiên 孫逸仙 (1866-1925) vạch ra: đó là tư pháp quyền 司法權, lập pháp quyền 立法權, hành chính quyền 行政權, khảo thí quyền 考試權 và giám sát quyền 監察權.

Có một câu chuyện truyền thuyết nói rằng xưa có một nhà danh họa lúc đi qua một bãi sa mạc khát nước quá mà không tìm thấy một nguồn nước nào cả, bèn vẽ một quả mai mọng nước, khéo đến nỗi nhìn thấy nó ông chảy nước miếng nhiều, nhờ đó mà không còn khát nữa.

Một chuyện khác cũng thường được kể lại là quân lính của Tào-Tháo 曹操 (155-220) một lần hành quân khát nước quá mà không tìm thấy đâu có nước uống cả. Sau có một vị tướng quân bảo họ nhìn cho chán mắt bụi mai ở đằng xa. Nghĩ tới những quả mai chín mọng nước, quân lính bèn hết khát nước ngay. Từ đó mới có câu ngạn ngữ “vọng mai chỉ khát ” 望梅止渴 (ngắm mai ngừng khát). Ngoài ra, Tào-Thực 曹植 (192-232), con trai Tào-Tháo, có một câu danh ngôn được truyền tụng mãi mãi để khuyên người ta tránh những hành động có thể khiến bị nghi ngờ có ý định hay làm việc gì không tốt: “qua điền bất nạp lý, lý hạ bất chỉnh quan” 瓜田不納履李下不整冠 (không rút giày trong ruộng dưa, không sửa mũ dưới cây mơ).

Mai Hoa  (Viên Tử-tài)

Trong sách Thất Gia Ấn Bạt 七家印跋 (không rõ soạn giả và soạn niên) có một bức ấn họa mang danh Vấn Mai Tiêu Tức  問梅消 息 (Hỏi Mai Tin Tức) của Đinh-Kính 丁敬 khắc theo bức họa của Lý Phương-ưng 李方 膺.

Đinh-Kính, tự Kính-thân 敬身, hiệu Độn-đinh 鈍丁và một hiệu nữa là Long-hoằng sơn nhân 龍泓山人, là một kim thạch gia có tiếng thời trung diệp nhà Thanh (1644-1911).

Còn Lý Phương-ưng, tự Tình-giang 睛江, là một họa gia chuyên vẽ hoa mai. Ông bẩm tính cao ngạo, phóng túng, không chịu gò bó. Sau khi từ quan, ông lui về sống trong một khu vườn nhỏ của nhà họ Hạng 項 ở Kim-lăng 金陵 (nay là thành phố Nam-kinh 南京 thuộc tỉnh Giang-tô 江蘇) cùng với một nhóm danh sĩ đương thời như Hòa Mai-nông 和梅農, Viên Tử-tài 袁子才, v.v.

Viên Tử-tài có một bài thơ tứ tuyệt vịnh mai, Mai Hoa  梅花, đại ý nói rằng vẽ hoa mai vị tất cần đúng thời, vì vậy chớ nên ngạc nhiên thấy họa gia đứng trước hoa đẹp mà vẫn chậm trễ chưa đặt bút vẽ. Đó là bởi vì tuy lọt vào mắt họa gia có hàng ngàn hàng vạn đóa hoa mai ngả nghiêng, nhưng làm đẹp lòng người thì chỉ có hai ba cành mai mà thôi.

寫梅未必合時宜,

莫怪花前落墨遲.

觸目橫斜千萬朵,

賞心只有兩三枝.

Tả mai vị tất hợp thời nghi,

Mạc quái hoa tiền lạc mặc  trì.

Xúc mục hoành tà thiên vạn đóa,

Thưởng tâm chỉ hữu lưỡng tam chi.

(Vẽ mai đâu cần hợp thời nghi,

 Chớ lạ trước hoa bút ngập ngừng.

 Lọt mắt ngả nghiêng ngàn muôn đóa,                    

 Đẹp lòng chỉ có dăm cành thôi.)

Bài thơ của Viên Tử-tài có phong vị, ấp ủ một tâm hồn phóng khoáng, gợi hứng cho Lý Phương-ưng họa ngay một bức tranh hoa mai và khiến cho Đinh-Kính khi nghe được bài thơ đã lấy tay gõ nhịp và ngâm liên miên không ngừng, rồi lập tức khắc theo bức họa của Lý Phương-ưng luôn mấy bức biếu Viên Tử-tài. Bức ấn họa này được gọi là Vấn Mai Tiêu Tức, bao hàm ý nghĩa sâu sắc là hỏi thăm tin tức của cố nhân.

Mai Hoa  (Dữu-Tín)

Mặt khác, thi nhân Dữu-Tín 庾信 (513-581), qua bài thơ Mai Hoa  đã miêu tả kinh nghiệm tìm hoa mai không được của mình.

Năm ngoái mới giữa tháng chạp mà hoa mai đã nở rộ rồi rơi rụng gần hết sạch; thế mà năm nay xuân đã đến từ lâu rồi, nhưng tại sao vẫn chưa thấy mai nở hoa gì cả. Thi nhân không tin nên đã đạp tuyết đi tìm hoa. Trên cành mai tuyết đọng thành băng treo lơ lửng. Thi nhân giơ tay ra với cành mai, tưởng như cuối cùng tìm ra nguyên nhân mãi chưa có mai, nhưng chỉ thấy tuyết đóng băng trên cành mai lả tả rơi xuống đất, chứ chẳng thấy hoa mai đâu cả. Cánh tay giơ cao để với cành mai nên ống tay áo tuột xuống khiến thi nhân thấy giá lạnh. Thi nhân chẳng những là thất vọng vì không tìm thấy hoa mai mà lại còn hối hận là nếu sớm biết là tìm hoa mai không thấy mà khí trời lại rét lạnh như vậy thì đáng lẽ phải mặc nhiều quần áo ấm.

當年臘月半,

已覺梅花闌.

不信今春晚,

俱來雪裡看.

樹動懸冰落,

枝高出手寒.

早知覓不見,

真悔著衣單.

 

Đương niên lạp nguyệt bán,

Dĩ giác mai hoa lan.

Bất tín kim xuân vãn,

Câu lai tuyết lý khan.

Thụ động huyền băng lạc,

Chi cao xuất thủ hàn.

Tảo tri mịch bất kiến,

Chân hối trước y đan.

 

(Năm xưa giữa tháng chạp,

 Đã thấy hoa mai hết.

 Chẳng ngờ cuối xuân nay,

 Hoa mai tìm trong tuyết.

 Cây động băng rụng rời,

 Cành cao tay giơ lạnh.

 Sớm biết uổng công tìm,

 Thực hối mặc áo mỏng.)

 

Toàn bài thơ ý tứ mới mẻ tự nhiên, không tô điểm màu mè, cũng chẳng mang một chút ý ký thác nào cả, mà chỉ là một thứ cảm tình ưu nhã, tình chân ý thiết thôi.

Mai Hoa  (Vương An-thạch)

Hoa mai thường được ca tụng là vì phong độ và phẩm cách của nó, như được Vương An-thạch 王安石(1021-1086) miêu tả qua bài Mai Hoa .

Ở góc tường có dăm cành mai, vượt qua khí trời giá lạnh, một mình lặng lẽ trổ hoa. Từ xa trông đã biết không phải là tuyết, bởi vì có hương thơm của hoa thoang thoảng đưa lại. 

牆角數枝梅,

凌寒獨自開.

遙知不是雪,

為有暗香來.

 

Tường giác sổ chi mai,

Lăng hàn độc tự khai,

Diêu tri bất thị tuyết,

Vị hữu ám hương lai.

Bài thơ này đã được Trần-trọng-San dịch sang thơ Việt ngữ, nhan đề Hoa Mai, và giữ nguyên thể ngũ tuyệt.

Mấy nhánh mai bên tường,

Vượt trời lạnh trổ bông.

Xa trông, không phải tuyết,

Vì có ngầm đưa hương.

Hai câu đầu tả khí trời mùa đông giá lạnh, các loại cỏ hoa thơm ngát và đẹp đã lả tả rơi rụng, nhưng ở một góc tường,  mai không sợ khí trời giá lạnh xâm nhập, một mình lặng lẽ nở hoa, phá tan cái cô đơn lạnh lẽo của thế giới chung quanh. Một chữ “lăng” (= băng; băng giá) đầu câu 2 làm nổi bật lên cái khí cốt quật cường kiên nghị của hoa mai.

Hai câu sau lại biểu thị một ý kiến mới, đem hoa mai so với tuyết trắng. Vương An-thạch một mặt lấy tuyết ví với mai, nhưng mặt khác lại nói là không phải tuyết, bởi vì hoa mai có cái trong trắng của tuyết, nhưng tuyết lại không có cái hương thơm thoang thoảng của hoa mai. Thế mà chính cái hương thơm thoang thoảng đó lại là đặc tính cao khiết thanh nhã độc hữu của hoa mai.

Tuyết Mai  (Lô Mai-pha)

Sự so sánh hoa mai với tuyết trắng thường được các thi nhân Trung-quốc sử dụng. Một thí dụ khác, ngoài Vương An-thạch ra, là Lô Mai-pha 盧梅坡 (người Việt-nam quen đọc là Lư Mai-pha; không rõ lý lịch, chỉ biết là sống trong thời nhà Tống, 960-1280), diễn tả qua bài Tuyết Mai  雪梅, gồm có hai bài (kỳ), và cũng được Trần-trọng-San dịch sang thơ Việt ngữ, mang cùng nhan đề và cùng theo thể thất tuyệt.

Bài thứ nhất nói rằng hoa mai và hoa tuyết tranh nhau khoe vẻ đẹp trong lúc nghênh đón xuân, chẳng bên nào chịu thua bên nào, khiến cho các thi nhân mặc khách không có cách nào bình luận cả, chỉ còn nước gác bút, bởi vì có bình phẩm thì cũng là phí công toi. Hoa mai tất phải thừa nhận là không có cái trong trắng của tuyết đến ba phần, còn hoa tuyết cũng phải thừa nhận thua hoa mai vì thiếu sót không có chút hương thơm trong trẻo của hoa mai.

其一

梅雪爭春未肯降,

騷人擱(a) 筆費評章.

梅須遜雪三分白,

雪卻輸梅一段香.

kỳ nhất

Mai tuyết tranh xuân vị khẳng hàng,

Tao nhân các bút phí bình chương.

Mai tu tốn tuyết tam phân bạch,

Tuyết khước thâu mai nhất đoạn hương. 

(bài 1)

Mai tuyết đua xuân chẳng chịu nhường,

Nhà thơ bình phẩm, cũng là suông.

Mai đành kém tuyết ba phân trắng,

Tuyết hẳn thua mai một chút hương.

Còn bài thứ hai nói rằng hoa mai mà không có tuyết trắng làm tôn thêm vẻ đẹp thì cũng mất đi cái phong vận; trái lại, ngắm thưởng hoa mà không có thơ ngâm vịnh thì chẳng khác chi kẻ phàm tục. Chiều tối rồi, thơ đã làm xong thì tuyết lại rơi lả tả. Mai, tuyết và thơ cả ba hợp lại làm tăng vè đẹp của xuân lên mười phần.

其二

有梅無雪不精神,

有雪無詩(b) 俗了人.

日暮詩成天又雪,

與梅并作十分春.

kỳ nhị

Hữu mai vô tuyết bất tinh thần,

Hữu tuyết vô thi tục liễu nhân.

Nhật mộ thi thành thiên hựu tuyết,

Dữ mai tịnh tác thập phận xuân.

(bài 2)

Có mai không tuyết thiếu tinh thần;

Có tuyết không mai, kẻ tục trần.

Chiều đã xong thơ, trời lại tuyết,

Cùng mai góp đủ mười phần xuân.

Xin mở một dấu ngoặc ở đây. Vì Trần-trọng-San dịch theo bản chép chữ thứ 4 của câu 2 là “mai ” nên đã dịch là “mai ”, chứ không dịch là “thơ ”.

Cả hai bài thơ này bình phẩm hoa mai và hoa tuyết hơn kém nhau ra sao, ở điểm nào, và đồng thời cũng để chứng minh hai thứ phải bồi bổ cho nhau, hà tất phải tranh cường hiếu thắng làm chi, mỗi bên nên khiêm nhượng lùi một bước. Nói cách khác, Lô Mai-pha đề xướng sự khiêm tốn, vì khiêm tốn là một đức tính tốt, mà muốn đạt được nó thì người ta cần phải biết những ưu và khuyết điểm của mình. Mặt khác, muốn thưởng thức được cái đẹp của mùa xuân, cần phải có đủ ba thứ là hoa mai, tuyết trắng và thơ ngâm vịnh hợp lại làm thành một bức tranh xuân tuyệt đẹp, thiếu một thứ không được.

Mai Hoa  (Lâm Bô)

Xưa có một bức tranh họa một nho sĩ ngồi đằng sau một cái bàn trên để nhiều sách, bên cạnh có một tiểu đồng tay mang hai nhánh hoa mai. Nho sĩ này là Lâm-Bô 林逋 (967-1028), một thi nhân nổi danh vì đã sáng tác nhiều bài thơ vịnh hoa mai, mà bài Mai Hoa (có tài liệu chép là Sơn Viên Tiểu Mai  山園小梅) sau đây là một thí dụ.

Trong lúc trăm loài hoa thơm đều bị tàn tạ, điêu linh, héo rụng thì chỉ có một mình hoa mai lại nở rộ tươi đẹp chiếm trọn phong cảnh đẹp đẽ trong khu vườn nhỏ. Bóng mai lưa thưa nghiêng ngả trên làn nước trong trẻo nông nông, mùi hương thơm nhè nhẹ của hoa mai nổi trôi chập chờn trong bóng tối vào lúc hoàng hôn dưới ánh trăng vàng. Chim sương mùa đông muốn bay sà xuống, trước hết  ghé mắt nhìn một cái; bướm phấn nếu biết được hoa mai thanh lệ như vặy ắt hẳn phải tiêu hồn thất phách. May sao còn có bài thơ xoàng của tôi có thể cùng hoa mai thân cận, như vậy đâu cần đến phách gỗ đàn hương ca hát và cũng chẳng cần tay nâng chén vàng rượu ngon mà thưởng thức.

眾芳搖落獨暄(c) 妍,

(d)(e) 風情向小園.

疏影橫斜水清淺,

暗香浮動月黃昏.

霜禽欲下先偷眼,

粉蝶如知合斷魂.

幸有微吟可相狎,

不須檀板共金樽.

 

Chúng phương diêu lạc độc hiêu nghiên,

Chiếm tận phong tình hướng tiểu viên.

Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiển,

Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn.

Sương cầm dục hạ tiên thâu nhãn,

Phấn điệp như tri hợp đoạn hồn.

Hạnh hữu vi ngâm khả tương hợp,

Bất tu đàn bản cộng kim tôn.

Bài thơ này cũng được Trần-trọng-San dịch sang thơ Việt ngữ, nhan đề Hoa Mai, theo nguyên thể.

Trăm hoa héo rụng, một mình hơn;

Chiếm trọn phong quang ở phía vườn.

Nước cạn, lơ thơ nằm xoải bóng,

Trăng mờ, phơ phất nổi ngầm hương.

Chim sương toan xuống, đà nghiêng mắt,

Bướm phấn mà hay, cũng đứt hồn.

May có thơ xoàng gần gũi khách,

Chẳng cần đàn phách với kim tôn.

Bài thơ này của Lâm-Bô, được nhiều người xưa nay tán thưởng, miêu tả hình tượng thanh nhã, cao khiết, siêu phàm, thoát tục của hoa mai và qua đó biểu đạt chí thú cao thượng khác người đương thời của thi nhân.

Chủ yếu là hai câu 3 và 4 rất hay, đã tả hết sức linh hoạt tinh vi phong vận khí chất thần thanh cốt tú, cao khiết đoan trang, u độc siêu dật của hoa mai. Cũng vì vậy mà sau có thi nhân Khương-Quỳ 姜夔 (1155-1221) đã lấy hai chữ “sơ ảnh” và “ám hương” làm tên từ bài (tên làn điệu của bài từ) của bài vịnh hoa mai của ông.

Chúng ta cũng nên biết thêm sơ qua về lý lịch thi nhân.

Lâm-Bô, tự Quân-phục 君復, người Tiền-đường 錢塘 (nay là thành phố Hàng-châu 杭州 thuộc tỉnh Chiết-giang 浙江), khi còn trẻ đã lãng du khắp vùng giữa hai sông Dương-tử 揚子江 (còn gọi là Trường-giang 江, Đại-giang 江, hay gọi tắt là Giang 江) và Hoài 淮水, sau quay trở về Tiền-đường, ẩn cư ở núi Cô 孤山 (vì vậy ông còn được gọi là “Cô-sơn ẩn sĩ” 孤山隱士) bên hồ Tây 西湖 (nay thuộc thành phố Hàng-châu) trong hơn 20 năm. Ông suốt đời không ra làm quan, không lấy vợ, chỉ vui với việc trồng mai nuôi hạc. Do đó người Trung-quốc mới có thành ngữ “mai thê hạc tử ” 梅妻鶴子(lấy mai làm vợ lấy hạc làm con) để chỉ những ngưòi sống ẩn dật như ông. Lúc chết, ông có tên thụy là Hòa-tịnh tiên sinh 和靖先生 (lại có tài liệu chép Hòa-tịnh là tên hiệu của ông). Ông qua lại, xướng thù với nhiều danh sĩ cao tăng và chịu nhiều ảnh hưởng của các thi nhân thời nhà Đường 唐 (618-907), như là Giả-Đảo 賈島 (779-843), Diêu-Hợp 姚合 (781-kh. 859), v.v. Thi phong của Lâm-Bô đơn thuần, ý vị sâu xa. 

Mai (Vương-Kỳ)

Một thi nhân chuyên làm thơ vịnh hoa mai khác là Vương-Kỳ 王淇 (không rõ lý lịch, chỉ biết ông sống trong thời nhà Tống).

Trong bài thơ Mai  梅, thi nhân nói rằng hoa mai thể xác và tinh thần vô cùng thanh bạch thuần khiết, không nhiễm cát bụi trần thế một chút nào cả và tuy sống ở trong nhà tranh vách đất thì đó cũng chỉ là cam tâm tình nguyện mà thôi. Thế mà chỉ nhân vì kết bạn với Lâm Hòa-tịnh nên đã trở thành đầu đề câu chuyện được các thi nhân truyền mãi cho đến tận nay.

不受塵埃半點侵,

竹篱茅舍自甘心.

只因誤識林和靖,

惹得詩人說到今.

 

Bất thụ trần ai bán điểm xâm,

Trúc ly mao xá tự cam tâm.

Chỉ nhân ngộ thức Lâm Hòa-tịnh,

Nhạ đắc thi nhân thuyết đáo kim.

 

(Chẳng chút trần ai bám lấy mình,

 Nhà tranh vách đất tự cam tâm.

 Chỉ nhân kết bạn Lâm Hoà-tịnh,

 Mà được thi nhân nói đến nay.)

 

Bài thơ tuy lấy hoa mai làm đề, ca tụng phẩm cách cao khiết của hoa mai, nhưng thực ra là để ký thác tâm chí sùng thượng nhân cách thanh cao của người quân tử. Những bông hoa mai tuy không sống trong nhung lụa ngọc ngà châu báu, nhà cao cửa rộng, mà chỉ sinh trưởng bên nhà tranh vách đất, nhưng đó không phải là vì bị bắt buộc phải sống như vậy, mà là do cam tâm tự nguyện, an bần lạc đạo, thuận theo tự nhiên, không màng phồn hoa phú quí danh vọng, cho nên không thể nào bị dính chút bụi trần làm nhơ bẩn thanh danh; cũng không tiêu cực buông thả, chỉ tìm thú vui tinh thần trong cuộc sống ẩn dật thanh bạch thuần khiết, giống như Lâm Hòa-tịnh (tức Lâm-Bô đã nói ở đoạn trên) vui với cuộc sống trồng mai nuôi hạc, an nhiên tự tại, cho nên muôn đời được các thi nhân tao khách truyền tụng làm một thiên giai thoại lý thú.

Hai câu đầu dùng hình tượng “trúc ly mao xá” (= nhà tranh rào tre; tương đương với câu “nhà tranh vách đất” của người Việt-nam) làm tăng thêm phẩm chất và cảnh giới cao khiết của hoa mai và đồng thời cũng là của người quân tử.

Hai câu sau dùng một thứ giả thiết khéo léo, mượn việc người đương thời công nhận Lâm Hoà-tịnh để nói lên phẩm cách cao nhã của một ẩn sĩ. Hai chữ “ngộ thức” theo nghĩa đen là “lầm quen biết”, “lầm kết bạn”, nhưng trong bài này thực ra lại là hai chữ được dùng để làm nổi bật ý Vương-Kỳ tôn sùng Lâm Hòa-tịnh.

 Bản Chép Khác.- (a) 閣 các (= gác, lầu; ván gác). (b) 梅 mai (= cây, hoa mai). (c) 鮮 tiên (= cá tươi; tươi; tốt đẹp). (d) 占 chiếm (= chiếm lấy). (e) 斷 đoạn (= đứt; chặt đứt).

Previous
Previous

Lân

Next
Next

Đêm Giao Thừa