Kỷ niệm ngày cũ Trường Bộ Binh Thủ Đức
Lễ mãn khóa Bất Khuất trường bộ binh Thủ Đức
Đêm chiêu hồn tử sĩ
Hai hàng phi lao dọc theo sân Vũ Đình Trường uốn éo vang rền lên những bước chân rầm rập kiêu hùng của hàng ngàn vong linh các khóa đàn anh đã vùi thây trên đất mẹ, nay đang tìm đường về trường cũ chứng kiến khóa đàn em nối bước theo sau. Mặc dù Tổ Quốc đã hạ bút vàng Ghi Ơn huynh trưởng lồng trên ba nền sọc đỏ và cạnh bên là hai hàng đuốc đang bừng bừng cháy sáng mong sưởi ấm các anh cứ an lòng yên nghỉ. Nhưng những tiếng nỉ non rì rào ấy vẫn tràn ngập khắp cả sân Vũ Đình Trường rộng mênh mông đầy bóng tối như lời chào hỏi gặp lại bạn bè xưa cùng nhau về dự kiến khoá đàn em sắp ra trường. Có những dáng đi khập khiễng te tua vì trước lúc linh hồn phó dâng cho sông núi, thân thể đã bị nát tan nơi chiến trường. Có những thở dài ngước lên nhìn bầu trời bằng đôi mắt sâu hoắm.
Mười hai ngọn đuốc do 12 sinh viên sĩ quan đứng hầu theo đội hình chữ V bập bùng nơi đài Trung Nghĩa tỏa ra ánh sáng oai hùng đưa đường cho các anh linh đàn anh về lại Trung Nghĩa Đài cho khóa đàn em tưởng niệm đêm cuối cùng để sáng mai làm lễ ra trường.
Hàng ngàn sinh viên sĩ quan khác đứng im bất động trong bóng đêm. Có hai sinh viên sĩ quan bưng vòng hoa tưởng niệm nghiêm cẩn kính chào.
Ầm. Một tiếng pháo lệnh vang lên. Toán thủ Quốc Quân Kỳ gồm tám sinh viên sĩ quan ung dung đi những bước thật chậm và dài lên tam cấp đài Trung Nghĩa. Nón màu bạc bóng sáng, găng tay trắng màu tang buồn chào đón anh về, những người con tổ quốc không quên tên.
Lệnh thao diễn vang lên trong âm u: “Thao diễn …Nghỉ. Nghiêm!”. “Súng chào …Bắt!”
Sáu hầu tá kỳ gác chéo súng thành hai giá cho quốc và quân kỳ ngơi nghỉ ngược chiều nhau như trùm phủ mọi vong hồn của các tử sĩ vị quốc vong thân. Tiếng kèn chiêu hồn trầm lặng vang lên. “Đêm khuya âm u, ai khóc than trong gió đàn. Hồn ai đang thổn thức trên sông ? Hồn quân Nam đang khóc non sông. Sát khí ngất đất bao lớp thây muôn bóng huyền. Không gian như lắng nghe bao oan hồn.”
Trong thinh không im lặng đó, tiếng gió rung lên, tiếng lá thét gào hòa tiếng đì đùng của đại pháo nơi xa vọng về như gầm gừ đe dọa những người trẻ sắp bước vào cuộc chiến, sắp làm quen với Charlie, Tân Cảnh, Pleime, sắp đến tọa độ Delta đầy những vỡ vụn, sắp ra tận cổ thành Quảng Trị dựng lại cờ bay, sắp về Đồng Tháp giữ gìn U Minh Hạ. Rồi đây bàn tay học trò sẽ sưng tấy lên đẫm máu cuốc sẻng đào chiến hào phòng thủ. Óc học trò sẽ long lên với tiếng gầm đại pháo bắn phủ đầu. Trận Bình Long, An Lộc còn âm u trong óc, những xích sắt vượt biên sang Hạ Lào. Những thân người bị đốn ngã trong chiến thuật biển người cuồng ngông. Đời tuổi trẻ xếp hàng dài trước mặt những hầm chông hố mìn của đám người sinh nơi đất Bắc, tử ở phương Nam. Thật không còn gì lựa chọn trong thế đấu tranh tự vệ, giữ gìn một phần đất của tự do cho nhân bản con người thêm cao vút.
Hàng ngàn những bóng hồn tử sĩ, hàng ngàn những chiến sĩ trẻ lặng thinh bên nhau trong không gian im vắng ấy, cuối đầu chào buồn tổ quốc quá đọa đày. Hãy ngẩng lên …”đi, ta đi xây tương lai đời mới”
Một tiếng gầm vang lên:
-Sinh Viên Sĩ Quan??
Những tiếng long trời đáp lại:
-Sẵn sàng!
Tuổi trẻ đã sẵn sàng đi khắp tận miền quê hương gìn giữ. “Nước cuốn réo rắt như thiết tha gọi quốc hồn”. Tuổi trẻ sẽ ven theo biển hình cong chữ S nghe sóng đánh dạt dào những bài tình ca mẹ xưa ru ngủ giấc thanh bình. Sẽ trèo lên núi với đụng mây cho đời bên dưới bình yên. Sẽ về vùng Cửu Long giữ chiếc cầu cho hai bờ qua lại, cho học trò e ấp dáng ngây thơ. Cho những cuộc tình có cơ gặp gỡ. “Dân đau đớn khóc giang san phải hồi ngửa nghiêng”. Sẽ cùng dựng lại cột riềng xã tắc cho ngay ngắn chỉnh tề thoát khỏi bàn tay tàn phá của cộng nô.
Cuộc chiêu hồn tử sĩ chấm dứt nhưng những sinh viên sĩ quan hầu đuốc và bưng hoa vẫn còn thay nhau tiếp tục ở lại suốt cả đêm như trả ơn và ngưỡng mộ lưu luyến với các hồn về dự. Thôi thì các huynh trưởng hãy về đi những nơi các huynh trưởng nghỉ ngơi phần đời còn lại. Ngày mai đàn em sẽ theo ánh sáng xung phong, đem về phần đất của tổ tiên đã mất, đem về sự thịnh vượng và hòa bình. Chớ lo, tuổi trẻ quyết tâm và sạch sẽ như viên pha lê trong nắng. Chuyện gì thì chuyện, quyết không quên Mẹ Việt Nam đang dãi dầu đớn đau.
Huynh trưởng, hồn ơi. Xin hãy cùng đàn em nguyện một lời “Cùng nhau khấn non nước thiêng liêng” Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm là trên hết.
Siết chặt tay nhau chào buồn huynh trưởng ra đi.
Ngày mai, đàn em ra trường.
Ánh ban mai của sáng rạng ngày 20 tháng 10 năm 1973 thật là rực rỡ. Rực rỡ bởi nắng vàng tháng mười và rực rỡ bởi lòng các siêu huynh trưởng mong mỏi được chuẩn bị làm lễ ra trường sau cả năm dài học tập đã tới. Rồi đây sẽ rời khỏi những phòng giảng thênh thang nhưng buồn ngủ muốn chết. Rời khỏi những bãi tập đầy cát nóng và nắng nung người và cũng những cơn buồn ngủ mê man. Rời cô sương sáo nước da bánh mật mê tơi. Rời khu gia binh với nợ nần chồng chất bởi những buổi cơm trưa chiều và cà phê, bi da giải trí. Khu gia binh không được bán rượu, bán bia nên không bao giờ có những buổi nhậu tét kèn nên sổ nợ cũng không cao ngập khỏi đầu cho lắm.
Ít tuần nay, các siêu huynh trưởng khóa 8B+C/ 72 cứ ăn ở không dạo chơi quanh quẩn trong trại, nghe nhạc viết thư tình, viết di chúc để lại chứ chẳng còn hứng thú rảo tìm đàn em phạt vạ như thời gian còn làm đại huynh trưởng nữa. Giam mình nơi đây, kỷ luật quân trường cả năm dài đăng đẳng, lòng chỉ muốn bung ra khám phá chân trời lạ của đời nhà binh. Nhưng khi ra ngoài thì mới thấy, mái trường là nơi ấm cúng dễ thương. Các bài học đã xong. Lựa chọn đơn vị đã rồi. Những phù hiệu đã mua, mướn may vào áo trận. Chỉ còn đợi ngày chính thức ra trường.
Và hôm nay, ngày ra trường. Tuổi trẻ đã trưởng thành trong trường kỳ hít đất nhảy xổm, vác giò lên hàng rào kẻm gai cho máu chảy về tim. Đứng im ba lô nón sắt trùm poncho bồng súng chịu trận ở giữa trời trưa nắng. Trình diện chào tay cùng cây bã đậu ngu ngơ. Qua rồi, qua rồi những đêm thay áo đổi quần bò lê lết chịu hình phạt dã chiến đến nửa khuya. Những sáng sớm thắp đèn cầy chà láng giao thông hào cùng buổi ăn điểm tâm một mẩu bánh mì đường. Và tiếng rầm rập chạy bộ tập thể dục vòng quanh sân Vũ Đình Trường lúc tinh mơ.
Sáng nay, ngày lễ mãn khóa đợi chờ. Cha mẹ sẽ vào dự lễ, người yêu, người bạn, người bồ, người nhờ mượn giả dạng làm bồ cũng sẽ vào Thủ Đức chứng kiến những con chim sắp được xổ lồng. Những trai trẻ ưởn ngực làm người lớn. Giả từ hàng bã đậu thân không còn các mục gai lởm chởm vì bao nhiêu bàn tay vỗ vào cho thế chào tay được thẳng. Giả từ cái giường sắt hai tầng, thằng nằm trên phủi chân giũ cát lọt vào thằng nằm dưới. Giả từ những cú đánh lộn chớp nhoáng vì không hài lòng nhau. Thôi thì giả từ Một Hai Ba Bốn. Chiến trường sẽ không cần đếm nhịp nữa, mà chỉ có lao thẳng vào mục tiêu.
Vậy nên sáng hôm nay nhiều rực rỡ lắm. Khoá 8, quân phục đại lễ đã chỉnh tề không một lớp bụi sót lại của kỳ đi diễn hành. Giày bốt, dĩ nhiên soi mặt thấy bóng hình rõ nườm nượp. Tất cả đều như mới vừa cắt chỉ ra lò. Khóa đã tập hợp đầy đủ thành năm khối tức năm đại đội 31, 32, 33, 34, 35 đứng đợi.
Mỗi khối như vậy có một sinh viên sĩ quan đẹp trai đứng trước làm đại diện. Tôi cũng muốn đứng trước khối làm đại diện, nhưng ông sĩ quan kêu thôi anh cứ vào hàng mà đứng. Và người mà lẽ loi đứng trước tất cả mọi người là thủ khoa của khóa. Mà cái huông lạ kỳ cho hầu hết mọi quân trường là thủ khoa hay leo lên bàn thờ sớm hơn tất cả. Chắc có lẽ vì sự hãnh diện của thủ khoa nên luôn chọn các binh chủng gần mặt đất hơn mặt trời nên lìa đời sớm hay sao? Tôi vẫn không bao giờ thích làm thủ khoa.
Sân Vũ Đình Trường đã đông người đến dự. Khán đài được che mái làm cho mát. Nơi khán đài có con đường nhựa thật đẹp cùng hàng cây bã đậu xum xuê. Con đường mà cách đó một năm về trước, các huynh trưởng đã dợt các tân khóa sinh tụi tôi một trận te tưa. Và cũng chính con đường đó, chúng tôi các đại huynh trưởng cũng dợt khóa đàn em tơi tả. Nay, con đường này, đầy bóng mát lại chứng kiến những người tuổi trẻ lên đường. Lên đường về miền cát nóng có bom rơi đạn nổ, có một chuỗi dài xung phong, có mộ bia và chân gỗ. Và cũng có những hào hùng. Rồi chút nữa đây, con đường này sẽ trở thành con đường tình tự. Những thân nhân và bồ bịch sẽ khoát vai nhau cùng các tân chuẩn úy đi dạo con đường tình. Đường tình đó mang một tên kiêu hùng dù chứa đựng nhiều đớn đau máu đổ: Đại lộ Bình Long.
Trên khán đài, sĩ quan xướng ngôn cao giọng:
-Nghiêm! Lễ rước Quốc, Quân Kỳ!
Cà rùng …tùng tùng…
Toán thủ kỳ xuất hiện, tám sinh viên sĩ quan xếp hai hàng ngang. Sinh viên bên phải thủ Quốc Kỳ, bên trái thủ Quân Kỳ. Sáu sinh viên bồng súng theo sau hầu tá kỳ. Theo nhịp trống bước đều …Bước!
Vẫn thong dong, bạn giữ lá quốc, quân kỳ cho phẳng. Vẫn trang nghiêm, bạn giữ lá quốc quân kỳ cho oai. Bạn có sáu tay súng theo hầu, bạn có một tiểu đoàn theo bảo vệ, bạn có một trung đoàn dỏi mắt nhìn trông, bạn có một sư đoàn cùng yểm trợ. Bạn có cả một miền Nam cùng sống chết. Bạn làm lá cờ rơi, cả một miền sa vào địa ngục. Bạn cẩn thận cho dùm. Ba mươi tháng tư nghẹn ngào. Lá cờ rơi.
Nhưng ngày 20 tháng 10, 1973 lá cờ còn bay trong gió. Cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu.
-“Lễ bàn giao Quốc, Quân Kỳ bắt đầu!”
Khoá đàn em nghiêm chỉnh bước lên. Khoá đàn anh hô to:
-“Nhiệm vụ của tôi đến đây là hết. Bàn giao Quốc Quân Kỳ lại cho anh”
Đôi tay đưa ra luyến tiếc. Đôi tay nhận lấy vui mừng.
Sóng trước vừa cuốn thì sóng sau tiếp nối. Những sóng tràn lũ giữ gìn bờ cõi quê hương. Chỉ tiếc và hận rằng một tính toán sai lạc của người lãnh đạo đã phá vỡ những cơn sóng nhồi. Sóng sau lạc nhịp cùng sóng trước khiến bờ quê hương biến dạng thành một màu trắng tang buồn.
Khi quốc và quân kỳ đã yên vị thì trên khán đài dàn kèn đồng trổi lên những bài hùng ca chào đón quan khách tham dự. Cấp nhỏ đến trước và cấp lớn đến sau.
Giọng người sĩ quan xướng ngôn:
-“Nghiêm! Trung Tướng Phạm Quốc Thuần chỉ huy trưởng trường bộ binh Thủ Đức… đến.”
Dàn nhạc trổi lên kèn khai quân hiệu tức đoạn dẫn nhập để đến kèn hiệu giành riêng cho từng cấp bậc, chức vụ khác nhau. Đoạn dẫn nhập giành cho cấp Tướng được lập đi lập lại đến ba lần, âm thanh cao vút và thúc dục rộn ràng.
Bỗng một chiếc máy bay trực thăng xuất hiện đảo một vòng trên trời và đáp xuống cạnh hai chiếc M113 dấu khuất cạnh bờ tường cả mấy ngày nay. Bao nhiêu ánh mắt đổ dồn về đó.
Giọng sĩ quan xướng ngôn vang lên:
– Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa … đến!
Kèn khai quân hiệu lại vang lên cũng là ba lần và kế tiếp là kèn hiệu của tổng thống chính là khúc cuối của bài quốc ca “Công dân ơi, mau hiến thân dưới cờ. Công dân ơi mau làm cho cõi bờ thoát cơn tàn phá …”.
Đột nhiên trên khán đài có một biến cố nhỏ xảy ra, nhóm cận vệ của tổng thống bằng một thân thủ phi phàm thoát cái dùng chiêu cầm nã thủ tuyệt luân khóa hai tay của một người đàn ông mặc áo quần dân sự đứng gần nơi khán đài và đồng thời khống chế luôn một người mặc áo quần nhà binh đứng xa đó hơn năm thước tây. Diễn biến xảy ra thật mau lẹ, nếu không nhìn thì sẽ không thấy. Cả hai đều bị áp giải về dinh của Chỉ Huy Trưởng ngay phía sau cuả khán đài.
Giọng người xướng ngôn lại vang lên:
– Lễ mãn khóa cho sinh viên sĩ quan khóa 8B+C thường xuyên. Bắt đầu. Xin kính mời tổng thống và chỉ huy trưởng duyệt hàng quân!
Cả hai vị lãnh đạo cùng lên xe Jeep mui trần duyệt hàng quân trong tiếng nhạc quân hành, dừng lại chào kính Quốc Quân Kỳ và cùng đến nghiêng mình trước đài Trung Nghĩa.
Tiếp theo đó, sĩ quan thuộc ban điều hành của trường báo cáo quân số của khóa cùng những thành tích tham dự vào chiến dịch An Dân khắp toàn quốc cũng như đã về tham dự diễn hành ngày Quân Lực vừa qua.
Những bước chân mà đã làm rộn lòng người từ những trại tỵ nạn giành cho dân chúng An Lộc, Bình Long trong hớt hãi chạy trốn lũ cộng sản tràn về cho đến các thôn ấp đìu hiu hẻo lánh, các sinh viên sĩ quan đều hăng hái dẫm qua không ngần ngại. Các sinh viên sĩ quan đã trưởng thành trong bước diễn hành oai nghiêm trên đại lộ Trần Hưng Đạo, trên mọi nẻo đường đất nuớc từ bờ sông Thạch Hãn đến tận rừng chàm Cà Mau, xứng đáng là một sĩ quan của quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Tổng thống và quan khách nghe qua lộ rõ những ngạc nhiên cùng niềm thán phục những tuổi trẻ phi thường đang đứng nghiêm như tượng đá đợi chờ một hiệu lệnh xuất quân. Đi bất cứ nơi nào hỡi rường cột của quốc gia.
Bằng giọng xúc động, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiêu thốt ra lời hiệu triệu:
-Tổ quốc đang cần đến các bạn sĩ quan. Đồng bào đang mong đợi sự bảo vệ. Giang sơn cần xây dựng. Nhiệm vụ của các tân sĩ quan rất nặng nề. Các anh đã sẵn sàng chưa?
Tiếng gào như sấm động:
-Sẵn sàng!
-Nhân danh Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa. Tôi đặt tên cho khóa 8B+C là khóa Bất Khuất.
Khóa Bất Khuất vẫn còn mãi đến nay cho dù một số đông Bất Khuất vẫn còn trong địa ngục lao tù vì lá cờ đã ngậm ngùi dời ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, nhưng lòng Bất Khuất vẫn còn là bất khuất, vẫn chiến đấu đến cuộc đời cuối cùng chứ không thể hét lên rồi chạy. Ôi đớn đau vô vàn cho tuổi trẻ thật là ngỡ ngàng chới với. Tuy nhiên có chới với chứ không ngã nghiêng. Bất Khuất vẫn thủ lá Quốc Quân Kỳ nơi hải ngoại, mặc cho mưa, mặc cho bão, mặc tuyết, mặc việc làm. Bất Khuất vẫn giữ lá cờ cho phẳng.
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vừa dứt lời thì một tiếng nổ to …Rầm! Một cụm khói hình quả nấm bốc lên như chứng giám lời thề Bất Khuất thà chết chứ chẳng hèn. Bất khuất như các đàn anh Ngũ Tướng tuẩn tiết chứ không tháo chạy với vòng vàng vợ lớn vợ bé, vợ sơ-cua. Bất khuất như đàn anh Thiếu Sinh Quân Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn viên đạn cuối bay rền ra, súng chỉa ngay đầu còn la lớn Việt Nam muôn năm!
-“Quỳ xuống các sinh viên sĩ quan”
Hàng ngàn người lặng lẽ quỳ xuống. Chân trái chống góc vuông. Đầu gối phải rướm máu sân Vũ Đình Trường vừa được trải thêm đá cuội sắc nhọn như đo lòng chịu đựng của các tân sĩ quan. Quỳ để nhận cấp bậc và trách nhiệm lên vai. Quỳ để thử thách những ngày tới sẽ là bảo tố.
Quỳ xuống để vốc đất quê hương ngửi mùi thơm tinh khiết được tạo bởi bao nhiêu giòng máu đỏ đổ ra của các đàn anh kiêu hùng. Những vết thương đau đớn của mùa hè Quảng Trị, của An Lộc nát tan, của Hoàng Sa sóng vỗ, của Kontum pháo trùm đã tạo thành mùi thơm tinh khiết đó.
Lúc quỳ xuống thì hàng trăm trái sáng được rút ngòi phựt lên một màu sáng huy hoàng. Bừng cháy sáng soi bao nhiêu anh hùng vô danh vị quốc vong thân. Ánh sáng như soi đường những toán viễn thám xâm nhập rừng sâu lỡ mất cơ hội trở về.
-Nón chuẩn bị?
-Nón sẵn sàng!
-Nón?
-Xuống!
Tay trái nhẹ nhàng tháo nón xuống bưng nón vào lòng như ấp ủ, canh vành mũ sao cho song song cùng mặt đất. Tất cả động tác đều đồng nhịp thuần nhuyễn và thật gọn gàng.
Lon chuẩn úy được Tổng Thống cài lên vai của thủ khoa. Lon chuẩn úy được các tướng lãnh cùng quan khách danh dự cài lên vai của các sinh viên đại diện cho từng đại đội.
Ầm! Lại một tiếng nổ to. Tiếng hùng hồn của những trái khói phun lên dựng thành lá cờ màu vàng ba sọc đỏ mang nặng thật nhiều gian truân. Phải giữ lá cờ ấy mãi. Lá cờ của tổ quốc Việt Nam. Lá cờ của tự do và nhân ái. Lá cờ của dấu hiệu cho dân chạy nạn cộng sản tìm đường về.
Thủ khoa đứng dậy vung kiếm chào và thét lên lời thề cùng sông núi:
-“Chúng tôi, tân sĩ quan khoá Bất Khuất xin thề rằng: Mãi mãi trung thành với Tổ Quốc và Quân Đội”
Bên dưới ngàn người vung tay phải chéo góc 45 độ đồng thanh thét lớn:
-Xin thề.
-“Thề rằng: Quyết tâm bảo vệ đất nước và non sông”
-Xin thề
-“Thề rằng: Chiến đấu cho sự tự do của dân tộc đến giọt máu cuối cùng”
-Xin thề
Những cánh tay trai trẻ vung lên góc 45 độ quyết liệt. Vung lên hướng về những bãi chiến trường sôi động ầm ì tiếng nổ vỡ lồng ngực và tiếng đạn vút bay để thề cùng toàn dân đồng bào. Vung tay về đỉnh núi Charlie mà đàn anh quân đội cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo ở lại đến khúc cuối và tấm thẻ bài vùi sâu vào lòng mộ bởi đại pháo địch quân, bởi lời thề chiến đấu đến giọt máu ngừng rơi. Vung tay hướng về hải đảo Hoàng Sa có người anh Thiếu Tá Nguỵ Văn Thà cùng chìm vào đại dương với chiến hạm. Vung tay góc 45 độ hướng về không trung thề cùng sống chết với Thần Điêu trong gió. Các anh cứ an lòng. Nhiệm vụ của các anh vừa chấm dứt đã có chúng tôi cùng lên
-“Đứng dậy các Tân Sĩ Quan”
Và bài hùng ca Xuất Quân vang rầm như sấm động bởi ngàn người trẻ cùng ca. Trên trời bỗng nổi lên sấm chớp. Dưới đất mặt bỗng rung rinh. Xuất quân vượt qua ngàn dặm đất mòn núi lỡ. Xuất quân lên tận vùng cao nguyên rừng núi trùng trùng. Xuất quân về địa phương có mồ đào đợi sẵn. Xuất quân vô rừng sâu, xuất quân xuống đồng bằng. Quân đi không ngần ngại không đắn đo. Quân đã sẵn sàng.
Thủ khoa rút thanh kiếm bạc khoa vòng chào kính. Đoạn quay lại đối diện đoàn quân:
-Tiểu đoàn theo lệnh tôi! Bên trái …Quay! Đàng trước …Bước!
Đoàn quân đi về cuối điểm của Vũ Đình Trường để chuẩn bị quay lại bước những bước diễn hành qua khán đài danh dự. Quân kỳ thả xuống góc 45 độ để chào trả Tổng Thống và các tướng lãnh tham dự. Quốc kỳ vẫn nghiêm trang đứng thẳng không phải chào kính một ai. Nhưng ai cũng phải nghiêm chỉnh chào Quốc Kỳ vì đó là tổ quốc. Một tổ quốc được xây dựng và bảo vệ bởi nhiều thế hệ bằng mồ hôi ròng chảy, bằng máu đỏ tuôn trào, bằng cả xương chồng như tháp. Nên quốc kỳ không ngả 45 độ chào người mà quốc kỳ lặng lẽ phủ lên choàng ấm những anh hùng vừa ngã ngựa.
Tiếng chân bước rầm rập diễn hành ngang qua khán đài. Người góc trái nạt nhỏ: “Nhìn trái …Chào”. Bài ca Xuất Quân hùng hồn khi nãy giờ lại vang lên lần nữa. Quan khách cùng gia đình thân nhân vỗ tay ròn rả phụ nhịp. Hồn tử sĩ nơi Trung Nghĩa Đài ngậm ngùi lắng nghe trong giọt lệ rơi.
………………………………………………………………………………………………………
Này bao hùng binh tiến lên
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến
Bước oai nghiêm
Theo tiếng súng đi tung hoành
Đại đội 31. Mười sĩ quan thiếu úy trẻ đi tung hoành trên khắp 4 vùng chiến thuật đã không còn về nữa.
Quân Việt Nam đi hồn non nước xây thành.
Đi là đi chiến đấu
Đi là đi chiến thắng
Đi là mang mối thù thiên thu.
Đi là đi chiến đấu
Đi là đi chiến thắng
Bước lên đây người Việt Nam
Đại đội 32. Tạm biết mười lăm tân sĩ quan bước lên thành hồn tử sĩ
Kèn vang theo tiếng chân
đang dập dồn xa xa
Tiếng gào thiết tha.
Đại đội 33. Hai mươi ba tiếng gào thiết tha còn vang vọng mãi từ đấy đến nay.
Ngàn lời chính khí đưa
Ầm ầm tiếng thét hoà
Rầm rầm tiếng súng sa trường xa.
Đại đội 34. Nhiều hơn mười lăm sĩ quan đã gác súng lên thành giá chéo cho quốc, quân kỳ gác lên ngơi nghỉ.
Hồn say khi máu xương rơi tràn đầy,
ngập biên khu
Oán thù khắp nơi.
Từng bụi lốc cuốn rơi
Từng giọt máu sáng ngời
Một đường kiếm thép oai hùng đưa
Đại đội 35. Hơn mười sáu tân sĩ quan tra kiếm vào vỏ, ngậm ngùi hòa vào bụi lốc ngập biên khu.
Những tên tuổi Phan Trường Chiến, Phạm Bá Ruân, Phùng Đình Kiền, Cao Hữu Võ, Nồng A Xìn, Hoàng Bá Thường, Trần Văn Lớn, Lưu Quang Trung, Hồ Văn Phúc, Kha Nghệ, Kha Tắc, Hồ Mai, Trần Lâm, Huỳnh Chợ v…v và nhiều nữa đã được quốc kỳ phủ kín hình hài và về lại đài Trung Nghĩa.
Mai này, khóa đàn em nếu có, cũng sẽ đốt đuốc mời hồn về truy điệu trong buổi lễ chiêu hồn.
Giờ đây nắng vẫn còn đẹp, cây vẫn còn tươi, lá xanh đầy cành. Cuộc diễn hành chấm dứt lễ mãn khóa. Những bước chân sẽ còn lưu lại sân Vũ Đình Trường.
Mời cha mời mẹ, mời người bồ thân mến đi dạo một vòng quanh trường, những nơi một thời đã sống. Những vết tích còn đầy.
Cảm ơn trường Mẹ tôi luyện.
Cảm ơn những năm tháng vui buồn. Cảm ơn lá quốc, quân kỳ luôn che chở.
Này bao hùng binh tiến lên….
Kiến Hôi 344 viết với sự trợ giúp của nhiều niên trưởng và bạn cùng khóa Bất Khuất.