Lịch sử bài hát “Happy Birthday”

Ngày 22 tháng 9 năm 2015, bài hát chúc mừng sinh nhật  “Happy Birthday”  chính thức được tòa án tuyên bố tháo bỏ bản quyền.

Trong suốt nhiều thập kỷ trước đó, bài hát này là một nguồn lợi nhuận lớn khi nó mang về tới 2 triệu USD mỗi năm. Bất kỳ khi nào  “Happy Birthday”  xuất hiện trên phim, show diễn trên TV hay quảng cáo, thì người sử dụng phải trả tiền bản quyền.

Đã có lần, chỉ vì đội ngũ phụ trách chương trình dự báo thời tiết trên kênh Channel 9 gây bất ngờ với người dẫn chương trình bước sang tuổi 50 bằng việc hát bài “Happy Birthday” khi chương trình vẫn đang phát sóng, thế là vài tuần sau, nhà đài nhận ngay cái hóa đơn đập vào mặt đòi tiền bản quyền. Cũng vì rắc rối bản quyền này, các nhà hàng đều phải có bài hát chúc mừng sinh nhật riêng của họ để tránh bị đòi tiền.

Thế nhưng tiền bản quyền chảy về túi ai?

Quay lại khởi nguồn của bài hát “Happy Birthday”.

1. SÁNG TÁC:

Bài hát ban đầu dưới cái tên  “Good Morning To All”  được chị em Patty Hill và Mildred Hill sáng tác vào năm 1893. Patty thì là giáo viên trường mầm non, còn Mildred là nhạc sĩ và nghệ sĩ dương cầm có tiếng. Mildred cũng từng nghiên cứu về âm nhạc dân tộc và bà chính là người đã viết bài về âm nhạc của những người Mỹ gốc Phi với lời tiên đoán rằng cái giai điệu và âm sắc của “Negro Music” sẽ ảnh hưởng lớn đến âm nhạc của nước Mỹ.

Quay lại với cô em gái Patty, cô giáo viên gõ đầu trẻ này thấy các bài hát cho trẻ con hát trong lớp thường quá khó về mặt giai điệu nhạc cũng như lời hát và cảm xúc không phù hợp lứa tuổi. Vì vậy, vào năm 1889, bà và Mildred bắt đầu viết nhạc thiếu nhi. Bài “Good Morning To All” là một trong những sáng tác đầu tiên. Bài hát mang một giai điệu mà trẻ con có thể hát theo được, mà đồng thời lại vẫn đủ sức hấp dẫn với người lớn về mặt âm nhạc. Cái giai điệu có sự lặp lại, đối xứng, và cũng vừa đủ biến đổi theo từng cung bậc cao dần lên và lại đi xuống.

Bài hát càng được phổ biến rộng rãi khi phần lời “good morning” được chuyển sang “happy birthday”.

2. BẢN QUYỀN:

Đã có một thời gian dài bài hát được sử dụng mà không ghi tên tác giả hay trả tiền bản quyền. Vào năm 1934, Patty và một người chị em gái khác trong nhà – Jessica (lúc này Mildred đã qua đời) trao quyền cho công ty Clayton F. Summy Co. để in loạt ấn phẩm sách nhạc trong đó có bài hát của chị em nhà Hill. Tất cả đều được đăng ký bản quyền. Đến năm 1988, thì công ty này được hãng Warner mua lại và sở hữu bài hát trên, và rồi sau đó là Time Warner sau lần sáp nhập.

Khoản tiền bản quyền của “Happy Birthday” mang lại cho những người sở hữu ban đầu là $15.000 - $20.000 / năm vào cuối thập niên 1940 và đầu 1950, và tăng lên $50.000 / năm trong thập niên 60, rồi tiếp tục tăng lên $75.000 vào thập niên 70. Cho đến những năm 90, bài hát đã mang lại tới hơn $1 triệu hàng năm và đạt đỉnh ở con số 2 triệu đô.

Dưới thời Time Warner, 2/3 số tiền trên chảy vào túi công ty còn 1/3 còn lại được trả cho Hill Foundation được lập bởi gia đình nhà chị em Hill (vì cả Patty lẫn Mildred đều không lập gia đình và có con cái).

3. THÁO BỎ BẢN QUYỀN

Vào năm 2013, Jennifer Nelson - một nhà làm phim tài liệu về bài hát này đã phát hiện ra rằng “Happy Birthday” giờ phải được sử dụng miễn phí. Cô phản đối cái hóa đơn $1.500 mà Warner Music gửi tới để sử dụng nhạc bài này và vì thế dẫn tới vụ kiện tụng.

Bằng chứng mà Jennifer đưa ra là lời bài hát xuất hiện chính thức lần đầu trong quyển sách nhạc phát hành năm 1922. Theo luật bản quyền năm 1998, tất cả các nhạc phẩm được sáng tạo trước năm 1923 phải được miễn phí.

Thế là ngày 22/9/2015, tòa án tuyên bố bản quyền của “Happy Birthday” được gỡ bỏ. Không những thế, một số trường hợp đã thanh toán tiền cho Warner Music cũng được hoàn lại. Vì thế, vào tháng 12 năm đó, hãng này đồng ý trả lại một khoản tiền tương đương 14 triệu USD cho những công ty và cá nhân đã phải chi trả chi phí bản quyền này.

Previous
Previous

Chiến tranh Quốc Cộng tại Việt Nam (1954-1975) của tiến sĩ Lê Đình Cai qua lời giới thiệu của nhà văn Võ Hương An

Next
Next

Một chút trao đổi với GS Lê Đình Cai về cuốn sách mới xuất bản “Chiến tranh Quốc - Cộng tại Việt Nam” (1954 - 1975)