Lính biệt kích

Nguyễn Ngọc Hạnh

Hồi mặt trận An Lộc, báo chí có nói tới hai câu thơ của cô giáo Pha viết trên bức tường của một ngôi trường bị bom đạn đã làm đổ xụp:

An Lộc địa sử ghi chiến tích

Biệt Cách Dù vị quốc vong thân

Tôi tuy cũng là quân nhân đối diện với cái chết thường xuyên, nhưng với những Binh chủng oai hùng như BĐQ, Nhảy Dù hoặc TQLC thì lòng rất ngưỡng mộ; còn về Biệt Cách Dù thì cũng từng nghe thấy báo chí đề cập tới Liên Đoàn 81, nhưng cũng không biết đơn vị này thuộc lực lượng nào và do ai chỉ huy, đóng quân ở đâu v v...

Hồi qua núi Sơn Chà, Đà Nẵng đi đổ toán thì chỉ biết tại đây có trại Lôi Hổ, họ ăn mặc quần áo kaki Nam Định của lính chính quy BV, trang bị AK báng xếp, những toán viên mặt lạnh như tiền, ngồi im lìm không hề gợi chuyện với ai, kể cả với phi hành đoàn.

Rồi cách đây gần 10 năm, khi tôi đang đổ lại miếng cement đằng trước nhà, thì thấy có ba người trạc bằng tuổi tôi, mà lại đi với mấy bà vợ, nhòm nhòm ngó ngó như muốn tìm nhà để mướn, nên tôi chào hỏi. Họ cũng đứng lại nói dăm ba câu chuyện và tỏ thực là dân HO mới qua, giờ sống chung trong căn Apartment chật chội, muốn đi thuê căn nhà cho thoải mái hơn.

Tôi hỏi các anh bị tù bao lâu. Họ đáp có người 20 năm, có người 30 năm. Tôi ngạc nhiên hỏi vặn, vậy chớ các anh cấp cao lắm hay sao mà ở lâu vậy? Họ nói là bị ở lâu là vì bị bắt ngoài Bắc hồi năm sáu mấy mà đến gần cuối thập niên 90 mới ra.

Sau cùng tôi mới vỡ lẽ là họ thuộc toán nhảy ra Bắc. Vì công việc cũng đang cần người, nên tôi có nhận một anh đi làm chung. Nghe nói về quá khứ của anh, người bạn tôi cũng kể là hồi xưa anh ta là HSQ đi học lớp Truyền Tin, trong đó có một Nữ Quân Nhân, sau này cô ấy nhảy toán ra Bắc và bị bắt ở ngoài đó. Anh Bạn Biệt Kích trầm ngâm rồi nói rằng:

-Không có đâu anh. Nhiều người thuộc lực lượng khác, có khi họ chỉ nhảy trong nội địa hoặc qua bên kia biên giới Miên, Lào. Những toán nhảy Bắc tôi biết tên hết vì bị nhốt chung với nhau khá lâu, mà khi huấn luyện ở căn cứ Long Thành thì cũng biết nhau nữa. Nữ toán viên không có người nào đâu, và nếu có cũng không có ai bị bắt.

Sau này tôi đọc bài viết của ông Phan Lạc Phúc, có đề cập tới Người tù Kiệt Xuất Đ/uy Nguyễn Hữu Luyện cũng nhảy toán ra Bắc rồi bị bắt.Tôi tìm hiểu qua anh bạn tôi, nhưng anh chỉ là một toán viên thường nên kiến thức tổng thể về đơn vị không có nhiều, vì thế tôi vẫn còn mù mờ về lính Biệt Kích... Cho đến hôm nay, nghe anh Lôi Hổ Nguyễn Hữu Thọ kể lại, tôi mới biết nhiều về lực lượng này.

Lực Lượng Đặc Biệt được thành lập thời cố TT Ngô Đình Diệm, mang một cái tên rất hiền lành là Sở Khai Thác Địa Hình do Đại Tá Lê Quang Tung chỉ huy, nhưng đặt trực tiếp dưới sự chỉ đạo của TT hoặc ông Ngô Đình Nhu. Trong cơ cấu tổ chức của sở thì có phòng E hay phòng 45 đặc trách nhiệm vụ tình báo bên kia vĩ tuyến 17 thường được gọi là Sở Bắc. Toán ra Bắc thường là ba bốn người, nhưng cũng có những toán một người về qua ngả chính thức từ Lào, Miên hay Pháp ... dưới vỏ bọc là Việt Kiều.

Đầu năm 63, Sở Khai Thác đổi thành Bộ Tư Lệnh LLĐB với hai Liên Đoàn 77 và 31. Sở Bắc vẫn duy trì và phối hợp với Toà Đại Sứ Hoa Kỳ. Chính biến 1-11-63 xẩy ra và Đại Tá Tung bị giết chết vì không chịu phản bội TT Diệm. Sau đó Bộ Tư Lệnh LLĐB bị chuyển ra đóng ở Nha Trang. Sở Bắc được tách ra khỏi LLĐB lấy tên là Sở Khai Thác đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tổng Tham Mưu. Chỉ Huy Trưởng là Đại Tá Trần Văn Hổ và các Cố Vấn Mỹ của MACV.

Cùng thời gian này Sở Liên Lạc được thành lập với nhiệm vụ hoạt động xâm nhập ngoại biên trên đất Lào và Campuchia. Các toán Thám Sát được gọi là Lôi Hổ (Thundering Tiger). Chỉ Huy Trưởng của SLL là Đại Tá Hồ Tiêu và đơn vị đóng gần sân banh Quân Đội cạnh bộ Tổng Tham Mưu.

Tóm lại, Sở Bắc (Sở Khai Thác) là toán Biệt Kích nhảy ra ngoài Bắc, Sở Liên Lạc là toán Lôi Hổ nhảy qua Lào và Miên. Cả hai Sở này thuộc Nha Kỹ Thuật, Bộ TTM. Còn Biệt Kích Delta cũng là toán LLĐB, nhưng nhảy trong nội địa.

Lôi Hổ (Sở Liên Lạc) có 3 chiến đoàn:

-CĐ1 Xung Kích CCN đóng tại núi Sơn Chà ngay cửa biển Đà Nẵng gần đài Kiểm Báo Panama.

-CĐ2 CCC (còn gọi là B15) đóng tại Kontum, bên kia sông Dakbla.

-CĐ3 CCS (gọi là B50) đóng tại Ban Mê Thuột.

Mỗi Chiến Đoàn chỉ có 1 Đại đội Thám Sát với 10 hay 12 toán, 1 ĐĐ An Ninh, 3 ĐĐ Trừ Bị.

Toán Thám Sát có 10 hay 12 người gồm 1 SQ Toán Trưởng, 1 HSQ Toán Phó và 10 Biệt Kích Quân. Ngoại trừ SQ và HSQ cán bộ là quân nhân QLVNCH, có số quân đàng hoàng, với Chứng Chỉ Tại ngũ, còn Biệt Kích quân là dân địa phương, có khi là hồi chánh viên đầu quân vào mà người ta thường hay gọi là Biệt Kích Mỹ, vì họ không thuộc QLVNCH và do Mỹ trả lương.

SQ và HSQ lãnh theo bảng lương tương đương với lính Nhảy Dù vì có thêm phụ cấp Bằng Dù và mỗi lần nhảy toán thì có lãnh Công Tác Phí, tôi nhớ là gộp chung lại thì khoảng gấp hai lương người cùng cấp bực bên Bộ Binh.

Ngay cả Phi Hành Đoàn KQ như máy bay quan sát O1, O2, L17 hay Trực Thăng H34 của PĐ 219 cũng đều lãnh công tác phí 3000$/1 lần vượt biên giới. Như vậy PHĐ Trực thăng vừa thả và bốc toán thì được 6000$. Chính vì vậy mà họ sống rất đế vương, binh xập xám không cần đếm tiền mà đo bằng lóng tay, và nói "Thời giờ là cờ bạc".

Đến năm 1971 thì sự yểm trợ của Mỹ giảm bớt rất nhiều nên LLĐB giải tán. TT Thiệu ra lệnh cho Nha Kỹ Thuật gom lại thành những sở sau đây:

-Sở Liên Lạc

-Sở Không Yểm (liên quan đến KQ)

-Sở Phòng Vệ Duyên Hải (HQ và Biệt Hải)

-Sở Tâm Lý Chiến (Đài Phát Thanh Mẹ VN và Đài Gươm Thiêng Ái Quốc)

-Trung Tâm Huấn Luyện Quyết Thắng (Long Thành)

-Sở Công Tác gồm Đoàn 11 và 68 đã có từ trước và khi LLĐB giải tán thì lập thêm Đoàn 71, 72 và 75.

Bây giờ tôi xin nói về Biệt Cách Dù:

-Trước Mậu Thân 1968 LLĐB có 1 Tiểu Đoàn mang tên là 81 Biệt Cách để yểm trợ hành quân cho các toán Delta. TĐ này hoàn toàn là lính QĐVNCH chứ không có CIDG (Dân sự chiến đấu do Mỹ trả lương). Khi các toán Delta đi nhảy toán khám phá ra sự chuyển quân, nơi đóng quân hay kho tàng của VC thì thường gọi KQ đến thanh toán, nhưng cũng đôi khi cần đến lực lượng bộ chiến thì đã có đơn vị Biệt Cách Dù này. Họ chiến đấu dũng mãnh còn hơn Tổng Trừ Bị nữa. Hồi Mậu Thân, vị TĐ Trưởng BC 81 là Th/t Tú đã tử trận.

Sau 1970, LLĐB giải tán, các căn cứ LLĐB dọc biên giới đổi thành Tiểu đoàn BĐQ Biên Phòng, còn các căn cứ sâu trong nội địa chuyển qua Địa Phương Quân trực thuộc Tiểu Khu của Tỉnh sở tại. Các SQ và HSQ kỳ cựu danh tiếng hầu hết được rút về Phòng NKT, hoặc BĐQ còn thì về BCD hết.

Lúc này TĐ 81 BCD đã tăng quân số và trở thành Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, đổi huy hiệu của LLĐB từ con cọp nhảy qua dù thành con chim ưng lồng trong hình tam giác. Họ vẫn giữ bê rê nồi màu xanh, có dù màu đỏ. Những chiến sĩ này vì nhớ tới nguồn gốc đơn vị cũ nên vẫn còn mang trên vai áo huy hiệu LLĐB còn bên kia là BCD. Như vậy LLĐB chính là tiền thân của BCD.

Bây giờ trở lại với các Chiến Đoàn Xung Kích của Lôi Hổ:

-CĐ1 thường nhảy qua vùng thượng Lào, từ Đông Hà theo đường số 9, bay ngang Khe Sanh mà vượt biên giới. Nơi đây đồi núi chập chùng nên khi đã nhảy xuống đất rồi thì di chuyển rất khó khăn. Các máy bay H34 cổ lỗ sĩ của Phi Đoàn 219 lại tỏ ra rất hữu hiệu, nhất là khi bốc hay đổ toán. Nó có động cơ nổ 10 máy nên chịu đạn "chì" hơn loại UH bán phản lực sau này. Thường thì sau khi đã có SQ Tiền Không Sát đi chụp hình bãi đáp ngày hôm trước bằng phi cơ quan sát, cả toán Lôi Hổ, CHT và Trưởng Phi cơ đã vào phòng thuyết trình Hành Quân, và khi đầy đủ TT Võ Trang hay khu trục hộ tống, thì 3 chiếc H34 sẽ vào vùng, họ bay rất cao và chiếc chở toán sẽ cúp ga, làm một cú lá vàng rơi xoắn ốc cho đến gần mặt đất mới tăng ga để đáp. Làm Auto Rotation như thế thì mới tránh khỏi bị bắn rơi, nhưng tay Pilot phải rất giỏi và kinh nghiệm đầy mình. Đổ quân vùng này thì ngoài sự đối đầu với cán binh BV, còn đôi khi phải chơi luôn cả phe Pathet Lào nữa.

Trong đó chỉ một số cách sinh tồn khi lạc vô rừng như phải nhận biết suối, trái rừng nào ăn đuợc, đủ thứ cách như hướng đạo cũng có.

KQ cũng có những khoá Mưu Sinh Thoát Hiểm và học y như Biệt Kích, khoá này học ở Nha Trang. Nó bao gồm cả việc bẫy thỏ, câu cá, ăn con cào cào, nhền nhện; cách làm sao nhúm lửa trong khu rừng ẩm ướt; làm sao giữ hơi ấm trong mưa lạnh để mình còn thân nhiệt. Khi bị địch quân bắt thì phải làm thế nào, khi bị giải đi thì làm sao để trốn thoát; những thế võ cận chiến chỉ cần ra tay bất ngờ là địch chết liền, như đánh vào hạ bộ, chọc thẳng hai ngón tay vào mắt hắn, nghĩa là những thế võ không có tinh thần thượng võ hay Hiệp Sĩ gì nữa, mà chỉ làm sao hạ ngay đối thủ để thoát thân mà thôi.

Thí dụ một tên VC dẫn đầu, người bị bắt đang đi thứ hai và thứ ba, sau cùng là một tên VC nữa. Mình phải giả vờ bị trặc chưn đi chậm lại, thì người bạn mình đi phía trước sẽ có cơ hội trốn thoát bởi vì thằng đi đầu cứ chăm chú phía trước mặt mà thôi, lọt vào khoảng giữa thì chỉ việc vọt ngang mà thoát, mấy tên đi sau khi rượt lên tới tên đầu hàng thì mới biết. Lúc đó phe ta đã chạy xa rồi.

Cú lá vàng xoắn ốc là sao? là bay chậm, vòng vèo? rồi làm sao tăng ga khi gần đất, hay quá vậy ? vì tui tưởng gần đất, bắt buộc phải hạ ga chứ không đâm đầu xuống đất chết sao?

Máy bay có cánh khi động cơ bị trục trặc mà không bị cháy hay nổ, nó có thể nương theo vận tốc mà lượn xuống như con diều hay máy lượn gliding, (dĩ nhiên rất nguy hiểm) còn trực thăng khi bị bắn trúng máy hay động cơ ho khục khặc, pilot phải làm cho động cơ rời nhông hộp số ra để cánh quạt trên lưng có thể quay tự do nên rớt xuống từ từ chứ không rơi như cục đất.

Tuy gọi là loại máy bay có thể lên hay xuống thẳng được, nhưng cứ đáp hay cất cánh tà tà kiểu đó trong mật khu thì Vẹm nó bắn cho bể đít. Khi còn tuốt trên mút mây xanh, ta cúp ga như thể cho máy tắt vậy, cánh quạt trên nóc (rotor) sẽ giảm sức nâng nên máy bay lượn xoắn ốc rơi vào LZ bãi đáp một cách êm ru không tiếng động Phuạch phuạch, nhưng nếu không lên ga mà hãm độ rơi thì chắc chắn là banh càng, xụm bà chè luôn.

Những toán Biệt Kích ra Bắc bằng Dakota C47 thì nhảy dù ra khỏi máy bay, còn Lôi Hổ, toán Delta thì nhảy "tay vo" nghĩa là còn cách đất vài thước là họ đã phóng ra hết trọi, nhanh như sóc. Vùng cây cối chớn chở thì họ du giây toòng teng, và khi đầu giây gần chạm đất là họ buông móc khoá cho tuột dần xuống, mau hay chậm là do bàn tay chỉnh độ nghiêng của sợi giây trước bụng. Theo thường lệ thì toán Lôi Hổ chỉ có 6 người, có khi chỉ 4 người vì họ là thám báo, ghi nhận hoạt động của địch; phá hoại bằng mìn chứ không phải để chiến đấu nghênh cản. Lỡ mà có "tao ngộ chiến" thì họ cũng nổ súng trước rồi dọt liền.

Trong QLVNCH, họ là Binh chủng có số thương vong thấp nhất cũng vì lý do trên, cho dù nhiệm vụ rất nặng nề. Ngoài ra họ còn là những người gan dạ, thông minh và được huấn luyện rất kỹ và cam khổ. Trong quân đội Mỹ, Green beret, Navy Seals cũng là những chiến binh ưu tú nhứt.

ĐẤT VIỆT

Previous
Previous

Nợ một điều không nói

Next
Next

Tạp ghi và phiếm luận: Vân là mây