Nhân 75 năm ngày Thánh Ghandi (2023-1948)
Thánh Gandhi trong phim ảnh.
Trọng Đạt
Léon Tolstoi (1828-1910) không chỉ là tiểu thuyết gia trứ danh của nước Nga, ông còn là nhà cách mạng, người đã tranh đấu chống chính quyền quí tộc phong kiến, áp bức bóc lột nông dân tới xương tủy. Từ năm 1884 trở đi, Tolstoi đã trở thành nhà lãnh đạo, giới nghèo, nông dân, các môn đệ theo ông ngày càng đông đảo. Ông kêu gọi họ không tuyên thệ, không đóng thuế, không nhập ngũ, xóa bỏ quyền tư hữu… Uy tín và ảnh hưởng của ông trong quần chúng và nhất là thế hệ trẻ rất mạnh đe dọa nền anh ninh quốc gia, thời ấy người ta nói nước Nga có hai Nga Hoàng: Nicholas Đệ II và Léon Tolstoi.
Đường lối bất bạo động của Tolstoi thất bại cho tới mấy chục năm sau Mahatma Gandhi, một người tự nhận là môn đệ của Tolstoi đã phát động thành công cuộc tranh đấu giành độc lập bằng đường lối bất bạo động khiến cho kẻ thù phải khâm phục, viết nhiều sách ca ngợi và đưa cuộc đời tranh đấu của ông lên màn bạc.
Gandhi, một cuốn phim vĩ đại của điện ảnh Anh-Ấn, quay năm 1982, đạo diễn kiêm sản xuất Richard Attendoroughs, vai chính do tài tử nổi tiếng người Anh Ben Kingsley đóng, các tài tử phụ Candice Bergen, Edward Fox… Phim đã đoạt nhiều giải thưởng giá trị: 9 giải thưởng Oscars của Hàn Lâm Viện Mỹ, 3 giải thưởng của Hàn Lâm Viện Anh (Phim hay nhất, giải đạo diễn và giải diễn viên) 3 giải Golden Globe (Quả Cầu Vàng) của Mỹ 1983 (Diễn viên, Đạo diễn, Phim ngoại quốc hay nhất), ngoài ra còn được nhiều giải thưởng của Los Angeles film Critics và National Board of Review. Trong phần giới thiệu, người ta nói, phim đã được thực hiện trong 20 năm (After 20 years in the making, this masterful epic garnered nine Academy awards...) có lẽ kể cả thời gian thu thập tài liệu.
Cuốn phim đã làm sống lại cuộc đời của một vĩ nhân và giai đoạn lịch sử đẫm máu thời Thực dân đế quốc. Phim thực hiện rất công phu, tốn kém, có giá trị về lịch sử, nghệ thuật, đạo đức. Truyện phim cảm động sâu sắc nhưng trên thực tế không được chú ý mấy, không nổi tiếng bằng The Last Emperor (Vị Hoàng Đế Cuối Cùng, năm 1987). Những phim hay giá trị chưa hẳn đã được nhiều người hoan nghênh ưa thích.
Phim ảnh của Anh Quốc không nổi bằng Ý, Nhật, Mỹ. Hồi xưa khoảng 1960 tại Sài Gòn chúng tôi có được xem vài phim Anh như Le Chemin De La Haute Ville, Ma Vie Commence En Malaisie... thập niên 90 chúng tôi có xem một số phim Anh, họ hay thực hiện những phim vĩ đại tốn kém. Nghệ thuật trong các phim Anh nhìn chung vững vàng, công phu, tài tử của họ ăn mặc chững chạc đứng đắn hơn các phim của Mỹ và Âu Châu. Đây là một trong những phim nổi nhất của điện ảnh Anh Quốc.
Mahatma Ghandi con người không tài sản chức vụ, Ngài không phải là nhà cầm quyền, nhà bác học hay thiên tài nghệ thuật. Với trang phục nghèo nàn đơn sơ, lòng yêu nước vô bờ bến Ngài đã lãnh đạo cuộc tranh đấu bất bạo động trường kỳ để giành độc lập đưa tới thắng lợi. Gandhi không phải chỉ là người yêu nước, có công giành đôc lập cho tổ quốc, cởi bỏ được ách nô lệ ngoại bang, Ngài còn được coi như tấm gương sáng cho cả thế giới về đạo đức, về tình yêu nhân loại. Tướng Marshall, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ nói:
“Gandhi, phát ngôn viên của lương tâm nhân loại, Người đã biến khiêm tốn, sự thật thành sức mạnh hơn cả một đế quốc”.
Nhà bác học Einstein phát biểu:
“Các thế hệ sau khó mà tin rằng một con người bằng xương thịt như thế đã đi trên trái đất này”
Theo dư luận báo chí cuối năm 2000, Gandhi đã được coi như một trong những bộ mặt tiêu biểu của thế kỷ. Ông sinh ngày 2/10/1869, là con nhỏ trong một gia đình thuộc giai cấp quan lại, lấy vợ năm 13 tuổi, bà vợ cùng tuổi với ông do gia đình sắp đặt. Hai người sống với nhau cho tới khi bà mất năm 1946, gia đình có bốn người con. Năm 19 tuối Gandhi sang Anh học luật, năm 1891 về nước, hai năm sau sang Nam Phi làm việc, ông ở lại đây 21 năm để tranh đấu cho những người Ấn sang làm công nhân tại đây được đối xử bình đẳng, đó là một khúc quành trong cuộc đời tranh đấu của Người.
Gandhi được coi là nhà lãnh đạo tinh thần và chính trị lớn lao của Thế kỷ thứ 19 với một đường lối đấu tranh mới lạ “ Bất bạo động”, người chịu ảnh hưởng của nhà văn hào Nga Tolstoi, chính Gandhi tự nhận là môn đệ của Tolstoi. Cuộc tranh đấu bất bạo động đã đạt thắng lợi vẻ vang khiến cả thế giới phải thán phục.
Phim Gandhi có mục đích ca ngợi cũng như nêu tấm gương đạo đức, yêu nước của nhà lãnh đạo tinh thần, người ta coi ông như một vị thánh.
Phim đoạt nhiều giải thưởng, được Đức Giáo Hoàng khen hay.
Sơ lược truyện phim.
Tại Nam Phi, một thụôc địa của Anh, những công nhân hầm mỏ Ấn ly hương làm việc bị đối xử bất bình đẳng, Gandhi làm việc tại đây từ 1893, ông lãnh đạo cuộc tranh đấu giành quyền bình đẳng, bất bạo động, cam go, gian khổ, ông tổ chức đình công. Cuối cùng chính quyền thuộc địa phải nhượng bộ, cuộc tranh đấu đạt kết quả tốt. Gandhi sống tại Nam phi 21 năm, về nước 1914.
Trong nước, các vị nhân sĩ và lãnh đạo tôn giáo đã bắt đấu biết tiếng của Gandhi, họ tổ chức tiếp đón Ngài long trọng tại bến tầu. Gandhi từ bỏ âu phục, ông chỉ mặc bộ quần áo đơn sơ của dân tộc, các viên chức thuộc địa Anh thấy vậy cả cười bảo.
-Ông luật sư Gandhi trông như thằng cu li cu leo vậy!
Khi ấy các phong trào quốc gia Ấn Độ đều kính trọng Gandhi và tôn Ngài lên làm thủ lãnh, trong năm năm Ngài đã trở thành nhà lãnh đạo, lấy bất bạo động làm đường lối, tình thương và sự thật làm phương châm.
Gandhi thăm dân nghèo, được các nhân sĩ khuyến khích, Người đi khắp nơi trong nước thăm dân cho biết sự tình, tới đâu cũng được muôn người ái mộ, cảnh sát và chính quyền bắt đầu lo ngại. Khởi đầu Ngài kêu gọi đình công, bãi thị thế rồi chợ búa, hoả xa… đều ngừng lại, mọi hoạt động tê liệt. Chính quyền Thực dân ra lệnh bắt giam Gandhi, năm 1919 họ ra luật chống chính quyền là có tội.
Ngày 13/4/1919 tại Amritar, một cuộc biểu tình không bạo động của hàng vạn người Ấn đã bị đàn áp dã man. Thiếu Tướng Anh Dyer đã ra lệnh bắn vào đám biểu tình bất kể đàn bà trẻ nít đã khiến cho khoảng 400 người ngã gục, hằng nghìn người khác bị thương.
Gandhi và các nhà lãnh đạo Ấn độ khác được chính quyền tiếp kiến, họ nói nếu không có người Anh, Ấn Độ sẽ hỗn loạn, Gandhi nói.
“Người Anh tại đây chỉ có 100 ngàn, các ông không thể nào chống lại 350 triệu người Ấn Độ, chúng tôi sẽ tranh đấu bất bạo động cho đến khi các ông trao trả quyền tự trị cho chúng tôi”.
Xã hội Ấn hồi ấy nhập cảng nhiều vải Anh khiến cho người dân thất nghiệp, nghèo đói, Gandhi cho đó là nguyên do khiến dân tộc ông phải lầm than khốn khổ. Sau vu đàn áp biểu tình dã man , tàn sát nhiều người dân vô tội, Gandhi quyết đẩy mạnh đấu tranh hô hào nhân dân đốt hết quần áo nhập cảng của họ, toàn quốc hưởng ứng bất hợp tác, bất bạo động, nơi nơi người dân Ấn đốt quần áo nhập cảng của ho. Một cuộc sô sát giữa người biểu tình và và cảnh sát, một số cảnh sát Ấn bị đánh chết. Gandhi kêu gọi ngưng tranh đấu vì có bạo động nhưng các nhà lãnh đạo khác như Nerhu, Jinnah can gián Ngài, họ nói.
-Thưa Ngài cuộc đình công bất hợp tác đang có kết quả, chỉ có chút bạo động thôi, bỏ qua đi, không sao.
Nhưng Gandhi không chịu, Người tuyệt thực vì muốn nhắc cho nhân dân Ấn biết rằng đường lối bất bạo động với phương châm tình yêu và sự thật. Cả nước ngưng tranh đấu vì muốn Người chấm dứt tuyệt thực. Gandhi tự dệt vải, may quay áo để khuyến khích nhân dân tự túc vải vóc, tự túc về kinh tế, khuyến khích tự do trong lao động và cũng để cạnh tranh nghề dệt với nước Anh và chuẩn bị tự trị. Năm 1930 chính phủ Anh ra đạo luật Salt-act, bắt dân phải mua muối của chính phủ, dân không được làm muối nếu không có phép của chính quyền. Gandhi muốn chứng tỏ cho họ biết muối của đất nước ông, dân có quyền làm muối, ông dẫn đầu một đoàn hằng trăm người đi bộ gần 400 cây số ra biển làm muối.
Gandhi tiếp tục tranh đấu suốt thời gian Thế chiến, vào tù ra khám biết bao lần. Năm 1947 Ấn Độ được trao trả độc lập nhưng vừa hết giặc ngoài lại tới thù trong, Hồi Giáo thiểu số chống lại Ấn Độ giáo. Nhà lãnh đạo Hồi Jinnah cho biết họ không chịu để người Ấn cai trị họ, Gandhi đề nghị ông ta lập chính phủ, Nehru nhà lãnh đạo Ấn giáo phản đối vì sợ dân chúng nổi loạn. Jinnah muốn Hồi Giáo thành lập Hồi Quốc tại Pakistan. Gandhi ra sức hoà giải tôn giáo nhưng bất thành, Jinnah đòi thành lập Pakistan nếu không sẽ có nội chiến. Thế rồi Pakistan được thành lập một quốc gia riêng biệt. Tại biên giới Ấn-Hồi 1947 sẩy ra sô sát bạo động giữa nhân dân hai nước, tại Pakistan người Ấn bị đàn áp, tại Ấn người Hồi cũng bị bạo hành. Bạo động diễn ra liên tục y như có nội chiến.
Gandhi tuyệt thực để phản đối cảnh nồi da sáo thịt, cả nước Ấn cũng như Hồi đều ngưng bạo động để mong Người chấm dứt tuyệt thực.
Ngày 30/1/1948, Gandhi chấm dứt tuyệt thực, còn yếu lắm, người ta dìu ông đi tham dự một buổi cầu nguyện, một tên quá khích Ấn Độ giáo dùng súng lục bắn ông ba phát chết tại chỗ. Gandhi thốt lên.
-Ôi Thượng Đế!
Lễ Quốc táng thật vĩ đại, nước Ấn và cả thế giới vô cùng xúc động, các viên chức trên thế giới đến dự tang lễ để tỏ lòng cung kính người đã đạt tới tự do. Xác Gandhi được hoả táng rồi rắc xuống sông Hằng”
Tài dàn cảnh của Richard Attenborough đã khiến cho cuốn phim vô cùng sống động hiện thực, khán giả có cảm tưởng như lịch sử đang diễn ra trước mắt họ. Diễn xuất của Ben Kingsley nổi bật lên giữa các vai khác, người ta không thể ngờ vai Gandhi lại do một người Anh diễn xuất giống Ngài đến thế tuy có điều là con người thật của thánh Gandhi gầy ốm hơn.
Cuốn phim cũng phơi bầy cho thấy bộ mặt tàn ác dã man của chế độ Thực dân ăn trên ngồi chốc, núp danh nghĩa tự do, công bình, truyền bá văn minh qua cảnh tàn sát những người bất bạo động và đánh đập tàn nhẫn những người trong tay không một tấc sắt. Chua chát thay, nó lại do những tên lính tay sai Ấn Độ bắn vào đồng bào họ và đánh đập những người cùng xứ sở với mình.
Dầu sao người Anh cũng đã can đảm nói lên cái quá khứ xấu xa tàn ác của họ một cách khách quan trong khi người Pháp, qua phim L’indochine, một cuốn phim nói về Việt Nam đã lảng tránh không dám phơi bầy chế độ Thực dân tồi tàn của họ mà còn có ý tô điểm thêm một cách giả dối.
Sở dĩ cuốn phim được người Anh thực hiện một phần vì sự cảm phục một vĩ nhân, vì muốn nêu một tấm gương sáng về đạo đức chính trị cho cả nhân loại, mà cũng có thể vì lòng hối hận quá khứ tội lỗi của họ. Không phải rằng người ta chỉ ca ngợi kết quả của cuộc đấu tranh giành độc lập, thực ra lương tâm, đạo đức của Ngài mới là điều đáng nói.
Gandhi tin tưởng vào bất bạo động, nó đòi hỏi ta phải can đảm chịu đựng, Ngài sống đơn giản, không sát sinh, phát huy một chủ trương mà Ngài gọi là Satyagraha. Nguyên tắc của nó là cam đảm, bất bạo động, tình thương và sự thật, thực hiện các nguyên tắc ấy quan trọng hơn là thành công , nguyên tắc đã tranh đấu cho dân tộc Ấn Độ và thay đổi xã hội đất nước.
Cảnh cuối phim, Gandhi bị một tên Ấn Giáo quá khích ám sát, hắn cho rằng Người quá dễ dãi với các tôn giáo thiểu số như Hồi Giáo để rồi sẽ làm suy yếu nước Ấn Độ. Khi rắc hài cốt Gandhi trên sông Hằng Hà người ta nhắc lại danh ngôn bất hủ của Ngài.
“Chúng ta thấy qua lịch sử, con đường sự thật và tình thương luôn luôn thắng lợi. Sự tàn ác, sát nhân... chỉ thắng được một thời gian rồi cũng sẽ thất bại sụp đổ tan tành”
Đó là cảnh cảm động nhất trong phim hoà cùng những điệu nhạc Ấn Độ buồn mênh mang. Từ cảnh Gandhi bị ám sát cho tới lễ Quốc táng vĩ đại và rắc hài cốt trên sông Hằng Hà, những thước phim đầy nước mắt đã khiến cho khán giả vô cùng xúc động. Người ta tiếc thương cho một vĩ nhân đã hy sinh trọn đời cho đất nước và cuối cùng cuộc đời Ngài đã kết thúc bi thảm.
Cuốn phim không phải chỉ làm sống lại cuộc tranh đấu giành độc lập cao đẹp của một dân tộc, của một nhà lãnh đạo đáng kính , nó cũng ca ngợi tình thương, lòng can đảm và ý chí của một con người đã làm lên lịch sử bằng tình thương.
Tinh thần tranh đấu bất bạo động của Thánh Gandhi đã là ngọn đuốc soi đường cho những cuộc tranh đấu kiên cường vì dân chủ, tự do, độc lập của các nước Á Châu để giải phóng con người khỏi cảnh áp bức lầm than, nô lệ.
Một cuốn phim giá trị cả về lịch sử và tài liệu, tràn đầy tình yêu nhân loại.
Trọng Đạt