Người đầu bếp của Tổng Thống

PHẠM PHONG DINH

(Viết để tưởng niệm 100 Năm Sinh Thần Tổng Thống NGUYỄN VĂN THIỆU 1923 – 2023)

Khi Lễ cho xe vào ngã rẽ để ra xa lộ, thì một cơn mưa đá ầm ầm bất ngờ đổ xuống. Những giọt nước mưa đã đông đặc lại thành những hạt tròn trắng đùng đục, rất giống như những viên ngọc trai, dội rào rào lên nóc chiếc xe còn mới toanh của chàng. Lễ rên lên trong lòng. Chết, không khéo sau cơn mưa, nóc xe, bửng trước, bửng sau sẽ lốm đốm lổ chổ những vết hõm cùng khắp. Lễ liên tưởng đến những cái hố vẫn thạch trên mặt chị Hằng. Vẫn chưa hết, sau trận mưa đá, chàng phải tấp xe vào một chỗ nào đó trên con đường rộng thênh thang và dài hun hút này tìm chỗ ẩn trú. Vì rất có thể, một trận cuồng phong trốt xoáy đi tiếp theo ngay sau sẽ cuốn chiếc xe, trong đó có thằng người khốn khổ là chàng, quay cuồng đảo lộn và quẳng nó lật nhào xuống dãi cỏ mênh mông bên đường, dễ dàng như người ta ném một cái hộp lon rỗng.

Lễ âu lo nhìn một cái vệt nhỏ mảnh như một sợi chỉ đen đang uốn éo trong một điệu vũ ma quái xuất hiện từ phía chân trời. Chàng vẫn thường tà tà ngồi trên sofa nhẩn nha gác chân lên chiếc bàn cà phê uống bia, hờ hững nhìn những con trốt tàn phá cây cối, nhà cửa của thiên hạ trên màn ảnh truyền hình. Nhưng giờ đây rất có thể chàng sẽ bị “dính”, đến lượt hình ảnh của chàng trong cơn bão xoáy sẽ lên tivi cho những người khác xem. Thượng đế có lẽ có lúc tiếc nuối là đã tạo nên một cái lục địa đẹp đẽ và sung mãn như thiên đường như thế này, nên ngài đã cũng sáng tạo nên những cơn trốt xoáy để tàn phá bớt đi những công trình của ngài. Hình như để nhắc nhở người thế gian, rằng trong bất cứ một cái thái quá nào, dù là ở dạng toàn hảo, cũng phải có một chút giọt đắng không mong muốn. Những khoảnh khắc hạnh phúc yên bình và hưởng thụ của một năm cần phải có những giây phút tai ương gọi là tạo nên lẽ cân bằng trong trời đất.

Chiếc xe đã được lên kín hết kiếng, mà Lễ vẫn có thể nghe được tiếng ù ù dữ dội của những con gió cọ sát dữ dội kéo lướt trên mặt kim loại và thủy tinh, tạo thành những tiếng rít veo véo buốt óc. Con trốt dần dần phình lên như một cái túi lớn, nó vặn vẹo, trời đất, hung hãn tiến về phía Lễ. Trong đám hơi gió màu xám đen mờ mịt, dường như Lễ trông thấy hình thù dị dạng của một con quỷ. Chàng đã có thể nhìn thấy hằng hà sa số những vật nhỏ không tên, những mảnh vụn cây cối, hoa lá, gạch, gỗ, tôn thiếc, đất cát bay tán loạn theo chiều xoáy dữ dội của con trốt.

Chợt Lễ thấy một chiếc xe nhỏ cũ đậu xịch vào trong lề đường đang nổi đèn chớp tắt báo nguy. Trong ánh sáng mù mù của một buổi chiều giông gió mùa hè, dường như chàng trông thấy có hai con người đang lom khom nép vào một bên xe vẫy tay cầu cứu. Lễ không thể không giảm tốc độ để nhìn rõ những người này là ai. Trong cơn hoạn nạn cùng chung, chàng không thể bỏ mặc người ta, điều đó không nằm trong bản chất con người chàng. Hình như là một ông già và một cô gái, hoặc là một bà lão cũng không chừng, vì khuôn mặt người đàn bà được trùm kín bằng một chiếc khăn.

Gió thổi quá mạnh, hai bóng người ôm lấy nhau dựa vào thành xe vẫy tay rối rít. Lễ cho xe chàng tấp ngay phía sau chiếc xe bị nạn. Chàng trông thấy hai dáng người nhỏ thó, chắc là người Á Đông như chàng. Có thể là đồng bào đồng hương cũng không chừng. Chàng mở cửa xe nhảy xuống. Suýt nữa chàng đã bị gió thổi ngã xuống cái rãnh bên đường, nếu chàng không kịp níu lấy cánh cửa xe. Chàng thử gào lên bằng tiếng Việt trong tiếng hú của gió:

- Xe bị hư hả?

Chàng nghe tiếng “bà già”, ô hay sao trong trẻo thế, và tuyệt, bà trả lời bằng tiếng Việt:

- Anh ơi, xe hư, làm ơn...

Lễ bước từng bước nặng cứng, hai cánh tay chàng bơi trong không khí để đẩy thân hình tới trước. Cái đầu của chàng đến mục tiêu trước nhất, rồi mới đến phần thân thể còn lại, cuối cùng là cái mông của chàng. Chàng trông thấy “bà già” đang giương đôi mắt đen lóng lánh nhìn chàng ánh lên vẻ biết ơn. Thì ra là một cô gái. Và một ông già. Lễ kêu lớn:

- Xe bị làm sao vậy?

Cô gái lắc đầu:

- Em không biết...

Lễ khoát tay:

- Thôi bỏ đó, bác và cô qua xe tôi, nhanh lên!

Đi ngược chiều gió đã khó. Nhưng đi xuôi theo nó cũng đâu phải là chuyện dễ. Không khéo sẽ bị nó hất tung tới trước như những hòn đá lăn. Lễ đành phải nắm lấy bàn tay mềm nhưng lạnh của cô gái, vì cô ta đứng gần chàng nhất:

- Nắm lấy tay bác cho thật chắc nghe. Rồi, mình đi, cẩn thận...

Cuối cùng thì ba con người khốn khổ cũng chui trốn vào được chiếc xe của Lễ. Ông già dường như có vẻ lạnh, mặt mũi ông tái xanh, đôi môi thâm đen mím lại để ghìm một tiếng rên. Có lẽ họ đã đứng dưới mưa chờ xe và chắc chắn là đã bị ướt lạnh. Lễ lại lò mò nhảy ra khỏi xe loạng choạng mở bửng sau kéo mấy chiếc áo khoác nằm trong cái bọc nylon lớn mà chàng đã bỏ quên từ hồi mùa đông năm ngoái. Tính đãng trí của chàng vậy mà lại hóa hay trong lúc cần kíp này.

Bi kịch mới chỉ là bắt đầu. Lễ phóng xe tới trước, vì chàng đã trông thấy một chiếc cầu xi măng dài thấp thoáng trong đám bụi cát xám xịt. Lễ tắt máy xe và gài thắng tay. Chàng hấp tấp nói với cô gái:

- Mình tạm trốn con trốt dưới cái gầm cầu này.

Cô gái ngơ ngác:

- Mình chạy luôn không được sao anh!

Lễ lắc đầu tỏ vẻ thành thạo:

- Không được đâu, núp dưới này an toàn hơn.

- Tại sao?

Lễ gãi đầu:

- Tôi cũng không biết nữa. Nhưng tôi nhớ có một ông nhà văn nhà báo nào đó viết bài gặp trốt xoáy biểu phải nhảy trốn dưới gầm cầu là hơn.

Cô gái mĩm cười nhìn chàng, có một chút chế giễu ánh lên trong đôi mắt màu nâu đen thăm thẳm của nàng:

- Tại sao là một nhà văn mà không phải là một nhà khoa học, nếu ông ta tán dóc thì sao?

Ông già can thiệp vào cứu nguy cho Lễ:

- Cậu nói đúng đó con, ba thấy người ta làm như vậy trên tivi ...

Để chứng minh cho lời ông lão là đúng, vài ba chiếc xe khác chạy xịch tới đậu sau xe của Lễ. Một đám mấy người Mỹ và vài đứa nhóc tì kéo nhau nhảy ào ào xuống. Lễ cũng giúp cô gái trùm khăn dìu ông già trượt xuống triền dốc bên chân cầu. Khi đã ngồi tựa vào thành chân cầu, ông già cuộn mình trong chiếc áo khoác dầy của Lễ hấp háy đôi mắt:

- Cám ơn cậu nhiều lắm, không có cậu thì tui với con Tiểu Quyên biết làm sao đây.

Lễ khiêm tốn:

- Có gì đâu bác, dù sao mình cũng là đồng hương mà.

Cô gái trùm khăn cũng nhỏ nhẹ tiếp lời:

-  Em cám ơn anh đã giúp ba em và em.

Đến lúc này thì Lễ mới có được một vài giây phút đối diện thực sự với nàng. Tiểu Quyên ngồi bó gối, hai cánh tay vòng lấy đôi chân thu rút người lại vì những cơn gió lạnh thổi luồn vào. Trông nàng giống như một con mèo nhỏ cuộn người trong chiếc áo khoác dài lê thê của chàng. Nàng có khuôn mặt nhỏ, làm cho đôi mắt to đen của nàng dường như lớn thêm ra hơn kích thước bình thương, làm Lễ chợt nhớ đến những đôi mắt thật to của những cô gái Ấn Độ. Đôi mắt nàng man mác ánh lên một nỗi buồn thăm thẳm nào đó. Cô gái tựa chiếc cằm tròn nhỏ lên trên đầu gối đăm đăm nhìn chàng trai. Nhưng khi Lễ đưa mắt nhìn sang, thì nàng lại bẽn lẽn cúi đầu tránh.  Lễ muốn nói một câu thân ái nhẹ nhàng, thì chàng nghe ông già ho khúc khắc vài tiếng, ông đưa hai bàn tay lên kéo cao cổ áo.

Lễ chợt trông thấy những ngón tay dị dạng của ông lão. Dường như, nếu Lễ không nhìn lầm, những cái móng đã biến đi đâu mất. Chỉ còn trơ lại những đầu ngón tay bằng thịt, với những vết thẹo dúm dó. Chạm phải đôi mắt của Lễ, ông già giật mình đút nhanh hai bàn tay trở vào túi áo khoác. Mười đầu ngón tay của ông dậy lên một cảm giác tê đau tưởng tượng từ cõi quá khứ sâu thẵm mờ mịt. Ông già rùng mình nhắm mắt lại. Ông không muốn nhìn lại những cơn ác mộng cũ vẫn hãy còn chập chờn trong ký ức của mình.

Có tiếng kêu xôn xao của bọn trẻ con và những người Mỹ làm ông lão giật mình mở bừng mắt ra nhìn. Tiểu Quyên đang co rúm người nép vào phía sau vai ông, chàng trai trẻ thì ngồi xịch về phía trước ra dáng che chở. Tiếng gió giật ù ù cuốn tới từ phía bên kia con đường. Con trốt uốn éo cuộn tròn, như người ta xoắn một chiếc áo vừa giặt xong, hùng hổ xông tới chiếc cầu. Con trốt lớn quá. Những người ngồi trốn dưới gầm cầu chỉ trông thấy có một phần phía dưới cùng của nó, mà đã thấy đám bụi mù bị cuốn xoáy lớn như một tòa nhà cao tầng. Như vậy thì phần trên của con trốt càng phải to kinh khủng. Có lẽ phải to đến hàng trăm thước. Không khéo nó cuốn phăng chiếc cầu đi cũng chưa biết chừng.

Gió ầm ầm quật những mảnh vật chất trong lòng nó lên mặt cầu tạo thành những âm thanh chói buốt nhức óc. Cái chân con trốt cứ đảo qua đảo lại bên cạnh chiếc cầu làm những đám cỏ cao ngã nghiêng rạp xuống theo. Lễ tái mặt nhìn về phía chiếc xe mới của mình. Chàng chỉ mới lái nó ra từ hãng xe chưa được một tuần. Con trốt xoáy nhảy múa vòng vòng cách chiếc xe chỉ có vài chục thước. Nếu nó tiến về hướng chiếc xe thì không còn gì để nói nữa, chắc là phải đi khai bảo hiểm thôi. Kia kìa, trời đất, nó đã tiến tới đoàn xe. Chỉ còn chừng một chục thước nữa thôi. Đột nhiên con trốt ngần ngừ một chút, rồi nó đổi hướng, ngoằn ngoèo uốn éo quạt một đám bụi cát vào dưới gầm cầu, làm bọn người khốn khổ phải ôm đầu úp mặt nằm dài xuống. Trong một động tác phản xạ vô thức, Lễ choàng tay kéo hai cha con Tiểu Quyên xuống và đưa lưng về hướng gió để che chở. Chàng cảm thấy làn da dưới chiếc áo sơ mi mỏng nóng rát như bị xát lửa. Lễ cố ghìm một tiếng kêu thảng thốt, chàng có cảm giác rằng đầu của cô gái đang nép sát hơn vào cánh tay của mình.

Thời gian như ngưng đọng lại hàng thế kỷ, dài như những sợi tơ nhện đung đưa phập phồng dai dẳng trên một góc nóc chân cầu. Tiếng ầm ầm như sấm động của con trốt xoáy đã chỉ còn là một âm thanh mỏng mảnh líu ríu từ khoảng cách rất xa. Nó đã đổi hướng tiến về phía rặng cây xanh nằm mút tận bên kia cánh đồng cỏ. Lễ xoay người nhìn ra ngoài. Chàng thấy con trốt giờ đây chỉ còn là một sợi chỉ đen nhỏ hiền lành.

Khi Lễ đưa hai cha con ông già trở lại chiếc xe hư của họ, thì cả ba người đều lúng túng không biết phải làm gì trước nhất. Cô gái đan hai tay vài nhau tỏ vẻ bối rối. Nàng đưa mắt nhìn con đường dài hun hút, đôi vai nhỏ gầy co rút lên trong một trạng thái lo lắng tột cùng. Trông nàng rất tội nghệp, rất giống tình cảnh ngặt nghèo của cô bé quàng khăn đỏ cần được một người thợ săn cứu giúp. Lễ nhìn đồng hồ tay. Đã trễ lắm rồi. Nhưng chẳng lẽ chàng đành bỏ mặc hai con người khốn khổ cô đơn này được sao. Lễ móc chiếc điện thoại cầm tay ra nói với ông già:

- Bây giờ như thế này, cháu xe gọi xe đến kéo chiếc xe của bác và cô... à, cô Tiểu Quyên về lại thành phố...

Tiểu Quyên cắn môi lo lắng:

- Nhưng mà anh ơi, ba với... em đâu có quen ai trong thành phố này.

Lễ cố dấu một tiếng thở dài. Đành vậy thôi. Số mệnh đã nhờ chàng mang vác giùm nỗi khốn khó giùm cho những con người tội nghiệp này. Mà chàng thì chưa từng bao giờ từ chối làm một cái gì đó tốt cho những người cần đến chàng. Lễ ôn tồn trấn an cô gái:

- Thôi được rồi, cứ đem xe đi sửa trước. Trong thời gian chờ đợi, nếu không ngại thì tôi mời bác và cô về nhà ba má tôi tạm trú. Khi chiếc xe sửa xong bác với cô tiếp tục lên đường.

Lễ vô tình không để ý cái rùng mình của người thiếu nữ. Nàng sợ lắm hai tiếng lên đường. Cha và Tiểu Quyên đã dong ruỗi trên những con đường mờ mịt thiên lý nhiều lần lắm rồi. Chiếc xe cũ kỹ như một con ngựa già nua tận tụy cố hết sức tàn lực mới đưa được hai cha con nàng đến đây. Rồi nó khục khặc thở hắt ra những đám khói đen ảm đạm như cuộc đời những người chủ của nó. Chiếc xe đã làm xong nhiệm vụ của nó. Có lẽ nó chết thật rồi…

Tiểu Quyên không dám tin ở đôi mắt của mình, khi chiếc xe bóng loáng của Lễ chạy thẳng về phía một chiếc cổng sắt sơn màu bạc sáng óng ánh. Chiếc cổng tự động mở rộng ra hai bên cho chiếc xe tiến vào, để Tiểu Quyên trông thấy một ngôi nhà lớn tường đá trắng xóa, những cửa kính trong suốt và cái mái ngói đỏ tươi cao vút lên giữa những tàng cây xanh. Ôi chao ơi, ở cái đất Mỹ này người ta đã làm thế nào mà giàu được đến như thế kia. Tiểu Quyên chạnh lòng so sánh căn biệt thự với cái phòng nhỏ cũ kỹ của hai cha con nàng trong một cái chung cư đầy người Mễ và người da đen. Ở đó, nàng sợ lắm những đôi mắt thao láo trắng dã của bọn đàn ông và những tiếng cười hô hố nham nhở của bọn con trai đuổi theo từng bước chân luống cuống của nàng. Nhưng những người đàn bà tốt bụng đã quát nạt bọn họ và che chở cho cô gái người Việt bé nhỏ. Hai cha con nàng phải thay đổi chỗ ở nhiều lần. Nhưng chỗ nào thì cũng như nhau, nếu được thuê với cùng một giá tiền khiêm tốn đến như vậy. Tiểu Quyên đột nhiên thấy mắt mình cay cay. Lạ chưa, cái con nhỏ này, tại sao lạ vậy kìa. Mình đã chẳng từng trông thấy những cái nhà còn to hơn cái nhà này sao.

Lễ nhảy xuống mở cửa xe, chưa kịp nói gì, thì từ bên trong ngôi nhà môt cô gái trẻ đẹp trong trang phục đắt tiền bước ra kêu lên:

- Anh Hai, anh đi đâu lâu vậy? Ba mẹ mới gọi về đây nè!

- Phượng, ba gọi gì anh?

Phượng nói nhanh:

- Nguy rồi anh Hai ơi, anh chạy ra nhà hàng nhanh lên...

Lễ giật mình nắm tay em gái:

- Phượng, nói anh nghe, chuyện gì?

Phượng đan hai bàn tay bối rối:

- Ông đầu bếp chánh tự nhiên bị trúng gió hay trụy tim gì đó, xe chở ông vô bệnh viện rồi. Còn anh thì đi đâu mất tiêu!

Lễ vò đầu kêu lên:

- Thôi chết, anh phải ra đó liền...

Lễ chạy ào ra xe. Chàng đã vịn tay lên cái nắm cửa, chợt chàng nhìn thấy hai cha con Tiểu Quyên đang đứng bơ vơ giữa sân nhà. Lễ chạy trở vào nói với Phượng:

- Phượng, anh nhờ em tiếp đãi bác và cô Tiểu Quyên này chờ anh về.

Phượng hóm hĩnh liếc mắt nhìn Tiểu Quyên hỏi nhỏ:

- Bạn gái của anh hả?

Lễ nhăn mặt:

- Tầm bậy tầm bạ!

Ông già rất nhanh chóng nhận ra tình thế khó xử của chàng trai. Ông tiến đến trao hai cái áo khoác mà Lễ đã cho cha con ông mượn dưới chân cầu:

- Cám ơn cậu nhiều lắm, cậu bận chuyện gia đình thì cứ đi đi. Thôi, cha con tôi cũng xin từ biệt cậu.

Lễ ôm hai cái áo khoác trong lòng ngạc nhiên:

- Ủa, bác phải ở lại đây chờ lấy xe chứ ...

- Thôi cám ơn cậu, không dám làm phiền cậu thêm nữa, để cha con tui  xoay sở cũng được mà ...

Ông lão xoay lưng nắm tay con gái bước ra cổng. Lễ chạy theo nắm lấy tay ông già:

- Bác định đi đâu trong lúc trời gần tối như thế này?

Ông già ngần ngừ không biết phải trả lời như thế nào. Tiểu Quyên cúi đầu nói nhỏ:

- Anh cũng biết là ba và Quyên phải đi mà ...

Lễ nhăn trán suy nghĩ, chợt chàng đánh chách hai ngón tay :

- Thôi thế này vậy, mời bác với cô trở lên xe cùng cháu chạy ra ngoài đó coi có gì rồi mình... tính tiếp...

Khi Lễ cùng với hai cha con Tiểu Quyên bước vào bên trong nhà hàng, thì hai ông bà Đại Phát đang hết sức bối rối, không biết phải xoay sở làm sao trong tình cảnh ngặt nghèo bất ngờ kỳ lạ như thế này. Ngày khai trương nhà hàng mới, khách khứa người ta ngồi đông đầy như vậy mà ông đầu bếp chính bỗng nhiên lăn đùng nằm thẳng cẳng trên mặt đất không chịu nấu nướng gì nữa. Tấm thân to lớn dềnh dàng của ông giật giật, đôi mắt của ông trợn lên nhìn trừng trừng cái trần nhà bếp. Một anh bếp phụ hoảng hốt kêu ầm lên:

- Trúng gió... ông Bảy trúng gió, kêu xe cứu thương mau lên...

Có người nhanh chân chạy ra chận chiếc xe cứu thương chỉ đường cho nó quẹo vào con đường nhỏ phía sau nhà hàng. Ông Bảy đã được chở đi một cách êm thắm. Khách khứa người ta bắt đầu kêu món, nào đâu biết nhà hàng đang bối rối, giấy biên món đưa vào càng nhiều thì anh phụ bếp càng muốn phóng ra cửa sau cho nhanh, vì anh có biết nấu gì đâu, ông Bảy sai đâu thì anh cứ theo lệnh mà làm. Còn cái đám khách danh dự được mời những bàn riêng, có thực đơn riêng, càng chết lớn. Toàn là bạn bè, thân hữu trong giới buôn bán hay tình thân. Chẳng lẽ để cho họ ngồi ngáp ruồi và chịu nhịn đói đến bao giờ. Ông Đại Phát lo lắng hỏi anh bếp phụ:

- Anh Đạt, anh nấu được không?

Đạt gãi đầu gãi cổ:

- Dạ thưa ông chủ, nấu thì cũng được, nhưng có nhiều món “siêu” quá tui nấu không nổi!

Ông Đại Phát chặc lưỡi:

- Thì cứ nấu đi!

- Còn cái màn biểu diễn ngoài đó tui làm không được đâu...

Ông Đại Phát nhăn mặt:

- Bỏ luôn chứ biết làm sao?

Bà Đại Phát đang ngồi nói chuyện câu giờ với đám khách thân hữu, trông thấy cậu con trai lớn đi vào bà mừng quá bước ra đón:

- Lễ, con đi đâu, chuyện nhà hàng rối rắm lắm...

Vầng trán bà nhíu lại lo âu:

- Ngày khai trương mà làm ăn bết bát như vậy chắc không khá!

Lễ nắm tay mẹ trấn an:

- Mẹ đừng lo, thế nào rồi cũng có cách mà ...

- Cách gì? Mẹ thấy không có cách gì hết. Chắc phải xin lỗi khách rồi mình đóng cửa thôi con!

Ông già cảm thấy mười đầu ngón tay của mình nóng ran lên như có hàng trăm mũi kim chích vào. Chúng đang cựa quậy trong bóng tối của cái túi chiếc áo khoác cũ. Ông nhắm nghiền mắt lại giữa những vầng ánh sáng êm dịu từ những ngọn đèn gắn trên tường. Có nên hay không, hỡi hai bàn tay và mười ngón tay của ta. Ngón tay cái của ông mò tìm những đầu ngón tay đầy chất thịt nham nhở. Ôi, mỗi ngày chúng kéo rứt mất của ông một cái móng tay. Mười ngày đi đứt mười cái móng. Mỗi cái móng tay rời khỏi tấm thân còm cõi của mình, ông thấy như người ta cắt mất từng mẫu ruột gan. Tim ông ứa máu. Tại sao trên cõi thế gian đầy phiền não này người ta không thương yêu nhau, mà lại đối xử với nhau tàn nhẫn đến vậy.

Ông nằm trong căn phòng đá nhỏ, lạnh lẽo tối tăm, hai ống chân bị hai thanh sắt tròn kẹp xuống khóa chặt trong một cái cùm gỗ. Cái thân thể gần như là trần truồng trong những mảnh giẻ rách gọi là áo quần của ông nằm dán lên sàn xi măng lạnh đến nỗi xương cốt muốn mục vụn ra. Ông rên ư ử như một con chó già cỗi và kiệt lực. Mười đầu ngón tay đầm đìa máu hành hạ ông trong mùa đông lạnh giá ấy...

Ôi mấy trăm đêm trường ông không ngủ được. Vì lạnh, đói và đau. Đau thể xác và đau cả tinh thần. Nhưng dù ông có biết chuyện quốc gia bí mật gì đi nữa, thì ông cũng nhất quyết thà chịu chết chứ không làm kẻ phản bội tổ quốc. Và trên hết phản bội con người mà ông hằng kính trọng, nấu những món ngon nhất cho ông ấy. Khi người ta thả ông về, ông thề không bao giờ dùng đến hai bàn tay với mười ngón tay tàn tật của ông cho cái công việc ấy nữa. Nhiều người quen cũ biết tài ông đã đến nài nỉ mời ông làm cho họ. Nhưng cứ mỗi lần đi qua những khu ăn uống hào nhoáng của thành phố mang tên một lão già, nhìn những khuôn mặt bóng đỏ mập bự , những tiếng cười hê hả khả ố, những cánh tay ngã nghiêng ôm ấp những thân thể gái đẹp, dĩa chén ê hề thức ăn nhầy nhụa, những chai rượu nằm lăn lóc bên những cái ly sóng sánh chất nước màu nâu chát đắng, ông già thấy ông không thể để cho mười ngón tay ông chịu đựng sự nhục nhã  khi phải phục vụ những cái con quái vật còn có thể được gọi là con người ấy.

Ông già mở bừng mắt ra:

- Cậu Lễ ơi, hồi nãy tui nghe cô Phượng nói ông đầu bếp chính nhà hàng bị trúng gió phải không?

Lễ bần thần quay lại:

- Dạ phải bác.

Ông già hít một hơi dài:

- Cậu nói ông bà đừng lo, vì cậu, tui sẽ nấu thay cho ông ấy!

Lễ giật mình, chàng tưởng mình nghe lầm:

- Bác... bác nói thật chứ?

Bà Đại Phát lạ lùng nhìn ông già. Một con người tầm thường trong bộ quần áo rẻ tiền không có một chút gì chứng tỏ điều ông ta nói là hoàn toàn tỉnh táo cả. Nhưng ông già mĩm cười tự tin nhìn bà. Chợt một luồng ký ức lướt nhanh trong tiềm thức của bà, giống như một sợi chỉ sáng nhỏ đong đưa trên một cái nền tối thẫm. Bà Đại Phát lúng túng hỏi cậu con:

- Ông này..., mẹ dường như đã từng... biết, ông đây là ai vậy con?

Ông già từ tốn trả lời:

- Cha con tui chuyên nghề nấu bếp, nếu bà không chê thì tui sẽ nấu tạm cho ông bà đêm nay, ngày mai ông bà có thể tìm người khác.

Bà Đại Phát ngẩn người không biết phải trả lời như thế nào. Lễ cảm động nắm tay ông già:

- Cháu tin bác!

Chàng cười cười:

- Vậy thì bây giờ mời bác trổ tài cho.

Lễ quay sang Tiểu Quyên dịu dàng:

- Cô Tiểu Quyên vui lòng giúp ba mẹ tôi chứ?

Cô gái đỏ bừng mặt lên:

- Em chỉ biết phụ chạy bàn cho ba em thôi.

Nàng ngước lên nhìn sâu vào mắt chàng:

- Anh không biết đâu, ngày xưa dưới tay ba em có nhiều người phụ bếp lắm đó, nhiều lắm. Ba em nấu cho...

Nhưng ông già đã nhẹ đặt tay lên vai con gái ngăn lại. Cô gái mím môi cúi đầu xuống. Ông Đại Phát đang nóng lòng trông đợi con trai, trông thấy chàng ông mừng quá chạy tới kêu:

- Lễ con...

Chợt nhìn sang ông già, ông Đại Phát sững người trân trối. Ông đưa tay vỗ trán, lắc đầu cố tìm trong ký ức một mảnh nhỏ của thời gian trong quá khứ. Đôi môi ông dần dần mở to cho một tiếng kêu thảng thốt:

- A..., có phải là anh Yan... anh là anh Yan Ngọc, anh là...

Ông già đưa tay lên:

- Xin ông đừng nói nữa...

Ông Đại Phát chộp lấy hai vai ông già lắc mạnh:

- Tại sao không chứ? Anh là anh Yan Ngọc đây mà...

Bà Đại Phát cũng kêu lên mừng rỡ:

- Trời ơi, là anh Yan mà tôi không nhận ra ngay. Mình ơi, dường như Trời Phật đã gửi anh Yan đến đấy.

Ông Đại Phát ôm chầm lấy ông già xúc động:

- Vậy mà người ta đồn là anh đã chết ngoài miền Bắc rồi.

Yan Ngọc lặng thinh không nói năng gì. Người ta đồn gần đúng. Khi bè bạn trong tù khiêng thây ông ra nghĩa trang trong chiếc đệm rách thì bỗng nhiên ông cựa quậy hai cái bàn chân đã lạnh giá. Bạn bè lại khiêng ông trở vào. Cái tội duy nhất mà đã suýt đưa ông xuống lòng đất bắt nguồn từ hai bàn tay của ông.

- Ngọc, anh hãy thành thật khai báo rồi sẽ được khoan hồng. Là người gần cận với ông ta trong nhiều năm, anh phải là một nhân vật quan trọng biết được nhiều bí mật. Chúng tôi đã điều tra kỹ lắm rồi, cái nghề anh làm chỉ là để che dấu cho những hoạt động tình báo của anh. Những người làm việc dưới quyền anh đều đã khai báo hết rồi. Anh là tay sai đế quốc, anh là thành phần nguy hiểm chống lại chúng tôi.

Yan Ngọc mệt mỏi nhìn người hỏi cung mình. Một thanh niên đáng lẽ phải gọi ông bằng chú hay bác, chứ không phải bằng anh. Một tên nhãi nhép vắt mũi chưa sạch. Yan Ngọc đưa đôi mắt sưng húp lên nhìn cái bóng đèn vàng đung đưa trên đầu:

- Tôi đã nói rồi hàng trăm lần với các anh, tôi chỉ là một người đầu bếp bình thường, người ta mướn tôi thì tôi làm vậy thôi.

Người thanh niên nện tay lên bàn:

- Láo, tại sao anh không làm cho những nhà hàng khác mà phải mò vô trong đó làm? Anh là tình báo nghe ngóng chuyện trong phủ tên tổng thống của anh…

Yan Ngọc muốn cười vào mặt gã, nhưng cái môi sưng bầm như hai mếng thịt trâu của ông lại làm cho tiếng cười trở thành tiếng rên:

- Chỗ nào trả lương cao và đối xử tử tế thì mình làm, tôi nghe ngóng thì có lợi lộc gì cho tôi.

Lại một cái đấm nặng như búa vỗ vào đôi môi Yan Ngọc. Trước khi gục xuống bàn ngất đi ông còn nghe tiếng chửi thề của người thanh niên:

- Chỉ biết có tiền, đúng là giọng điệu của bọn đánh thuê... 

Lễ kéo Yan Ngọc trở về với hiện tại:

- Ủa, hóa ra ba mẹ đã quen biết với bác Văn...Ngọc này từ trước?

Ông Đại Phát vui vẻ quàng tay lên vai người bạn già:

- Trời ơi, ba mẹ đã từng nếm những món của ông Yan nấu, ông Bảy chưa xứng làm đệ tử của bác Yan này đâu.

Bà Đại Phát phát nhẹ vai chồng hân hoan:

- Anh Yan nhận nấu ăn cho nhà hàng mình đêm nay đó!

Ông Đại Phát không thể không nhảy dựng lên, không tin rằng vừa nghe thấy gì:

- Cái gì? Anh Yan Ngọc nhận nấu ăn cho mình. Bà thấy không, đúng là ở hiền gặp lành mà.

Yan Ngọc cười buồn:

- Nhưng chỉ một đêm nay thôi, ngày mai ông bà tìm người khác!

Bằng động tác của một con cáo già trong ngành thương mại, ông Đại Phát vừa dìu Yan Ngọc đi vào nhà bếp vừa dịu ngọt tỉ tê:

- Anh còn đi đâu nữa, anh cứ ở đây với tôi. Ngày xưa “ổng” đối xử với anh như thế nào thì ngày nay tôi còn làm hơn “ổng” nữa. Tôi không để anh thiệt thòi đâu.

- Bây giờ “ổng” ra sao?

- Vẫn mạnh khỏe. Năm ngoái tôi có gặp “ổng”, ổng có nhắc anh đó.

- Ông cho tôi xin địa chỉ và số điện thoại của ổng đi.

Ông Đại Phát hơi khựng lại, ông nhăn trán. Cho địa chỉ, lão Yan chắc chắn sẽ thót qua đó nấu nướng cho “ổng” sao, ông đâu có dại đến thế. Ông Đại Phát sởi lởi:

- Ổng ở bên Anh quốc lận, nghe nói ổng mới dời qua Mỹ ở miền Đông, để tôi tìm hỏi rồi cho anh hay sau. Bây giờ xin mời anh vào trổ tài cho, thực khách đã đói rả ruột cả rồi.

Được đội lại cái nón trắng tinh lên đầu, mặc dù hình dáng của nó khác nhiều với cái ông đội ngày xưa, Yan Ngọc có cảm giác như mình đang sống lại từ cõi quá khứ ủ ê. Ông vừa được tái sinh. Được mặc chiếc áo nhà bếp, mặc dù nó khá là lạ lùng với chiếc tạp dề ông choàng trước ngực ngày xưa, nhưng Yan Ngọc cảm thấy thân thể ông được bao bọc bằng một nỗi thân quen ấm áp  dịu dàng. Mùi dầu mỡ, mùi thịt cá, xoong chảo, môi, giá, muỗng nĩa, trời ơi, những người bạn thân thiết của ngày xưa, ông già có cái cảm giác lạ lùng, rằng dường như chúng đang tíu tít nhảy múa chào mừng ông.  Yan Ngọc đưa hai bàn tay lên nhìn mười ngón tay dúm dó của mình. Ôi mười ngón tay mà ngày xưa ta đã nấu cho gần như là tất cả những con người quan trọng nhất trên quả địa cầu này, trong những buổi dạ hội tiệc tùng huy hoàng.

Yan Ngọc lững thững đi theo sau chiếc xe làm bằng chất thép không sét sáng choang như một người mộng du. Ngày xưa, ta đã từng biểu diễn những tuyệt chiêu tranh tài với quần anh trong thiên hạ, “ổng” hớn hở lắm. “Ổng” vỗ vai ta: “Mơ xừ Yan, hai bàn tay của anh đã làm vinh dự cho đất nước mình nhiều lắm”. Vì vậy mà sau cái ngày tang thương ấy, bọn chó đẻ đó đã hủy diệt hai bàn tay của ta, để ta không còn nấu nướng gì được nữa. Dù có nấu được, cứ thử dâng cho ta của cải cả thế gian này, xem ta có nấu cho những cái con người gọi là vượn ngợm ấy không.

Ôi, ta cám ơn cái chương trình nhân đạo mà đã đưa hai cha con ta qua được đến xứ sở chói chang này. Ôi, phải chi bà Yan còn sống, ta ước gì bà sống với ta thêm chừng một năm nữa để cùng đi với ta, để cùng với ta quì xuống hôn mảnh đất tự do này. Thân cò lặn lội ở ven sông. Nuôi nỗi năm con với một chồng.  Em đã không sống, để cùng chia sẻ quãng đời còn lại quá đỗi cô đơn này với ta. Ta đội ơn em đã nuôi dưỡng ta, nuôi đám con ta bằng những giọt mồ hôi mặn đắng, những giọt máu cạn kiệt của em. Mười lăm năm trời ta ở trong đáy địa ngục, thì ở ngoài cõi hỗn độn đó em đã làm gì để bảo bọc gia đình, với hai bàn tay mềm yếu của một cô tiểu thư đài các. Ta đã quì bên mồ em bằng tấm lòng thành kính dâng lên một người đàn bà Việt Nam cao cả. Ta đã gục đầu chết ngất lên những chùm cỏ già héo vàng phủ hoang lạnh thê lương trên nấm đất đỏ mà em đang nằm ở dưới trước ngày ta cùng con lên đường. Rồi cũng sẽ có một ngày ta trở lại đem xương cốt em qua đây để ta được gần cận em đến ngày ta nằm dưới lòng đất.

Chiếc xe đã được kéo lên trên một cái sàn cao để thực khách có thể nhìn thấy được rõ cuộc biểu diễn. Yan Ngọc không buồn nghe những lời tán tụng hoa mỹ của ông chủ nhà hàng. Ông nghe loáng thoáng cái gì là đầu bếp có bằng cấp Tây, Tàu, cái tên Yan Ngọc tại sao có. Ông đưa mắt tìm kiếm Lễ. Một người hầu bàn trẻ, điển trai vui tươi tiến đến chào ông:

- Chào bác Yan.

Yan Ngọc mĩm cười đáp lại:

- Cậu làm tôi chút nữa đã không nhận ra .

- Thưa bác, cháu đã từng làm nghề hầu bàn những năm đầu mới đặt chân lên đất Mỹ này. Bây giờ cháu mới biết bác là Yan Ngọc, chứ không phải Văn Ngọc.

- Họ của tôi đúng là Văn, nhưng trùng với âm Tây là Yan, dễ cho người ngoại quốc phát âm hơn.

Có một bí mật tuyệt đối mà Yan Ngọc yêu cầu ông Đại Phát đừng xưng tụng trong lời giới thiệu. Và ông chủ đã giữ lời. Yan Ngọc đã để ý một bà mà khuôn mặt đặc trưng giúp ông đoán có thể là người Pháp lẫn lộn trong đám người Mỹ và Việt. Bằng một động tác quí phái của một người đầu bếp lừng lẫy, Yan Ngọc tiến xuống gần đưa tay ra mời bằng một giọng Paris chính cống:

- Mời madame lên đây, tôi sẽ rất vinh dự nếu madame chiếu cố giúp cho một tiết mục.

Bà đầm kêu lên:

- Ôi trời, đã lâu lắm tôi mới được nghe lại tiếng Pháp Paris, tôi người Montreal ở Canada.

Yan Ngọc mời bà Montreal đứng cách chiếc xe bếp của ông chừng vài bước và đưa cho bà một cái khay bạc trên có một cái dĩa không, nhã nhặn dặn dò:

- Xin bà cứ đứng như thế này, bà gọi món tôm xào cải phải không?

- Oui! Tôi với ông nhà tôi thích món tôm lắm.

- Vậy xin cho phép tôi đãi ông bà món này.

Yan Ngọc bước trở về chiếc xe. Tiểu Quyên đã cho một cái chảo tròn đáy sâu lên bếp lửa, nàng đổ một ít dầu hay chất lỏng nào đại loại như thế vào sẵn trong chảo. Khi Yan Ngọc trở lại đứng trước chiếc chảo, thì sức nóng của lửa đã làm cho dầu trong chảo cháy phừng lên thành một ngọn lửa nửa xanh nhạt nửa da cam rất đẹp. Yan Ngọc đưa hai tay lên nhìn một lần nữa, như một nhà phẫu thuật sắp bước vào một ca mổ lớn. Ông ném một chùm cải rỗ xanh thẫm vào ngọn lửa. Một tiếng xèo vang lên ngọt ngào cùng với đám hơi trắng mù mịt bốc lên đưa hơi thơm bay cùng khắp. Yan Ngọc ném tiếp vào chảo những con tôm trắng bạc và những thứ gia vị cần thiết. Mùi tôm biển bay lên lừng cả phòng ăn. Yan Ngọc nói lớn:

- Thưa quí vị, tôi xin tặng madame món tôm xào cải này. Ấy, madame đứng yên, à... được rồi đó

Yan Ngọc cầm cái cán chảo nẩy nẩy đám cải và những con tôm chín nhảy lên xuống trông rất giống như một nhà ảo thuật sắp sửa tung tuyệt chiêu kỳ ảo nào đó. Cái chảo đang tung lên tung xuống trong tay người đầu bếp, đột nhiên thực khách thấy hoa mắt lên, vì những chùm cải xanh biếc hợp cùng với những con tôm màu đỏ đã được Yan Ngọc hất ra bay lên cao tạo thành một đường cầu vòng đầy màu sắc và, chúa ơi, chúng đã đáp xuống đúng vào giữa chiếc dĩa của bà người Pháp Montreal. Bà đầm đứng lặng người sửng sốt trong tiếng vỗ tay hoan hô vang dậy của mọi người. Cái tuyệt chiêu này Yan Ngọc đã học được của một ông đầu bếp già người Đài Loan…

 Đêm đã khuya, những người khách cuối cùng đã rời khỏi nhà hàng. Hai cha con ông Yan Ngọc chậm rãi bước ra khỏi nhà hàng, trong lòng ông già dậy lên nhiều câu hỏi lớn. Cha con ông ở lại làm việc cho ông bà Đại Phát, phần lớn là vì ân nghĩa với Lễ. Nếu không có Lễ giúp đỡ, thì có thể ông và Tiểu Quyên đã gặp hung hiểm trong cơn trốt xoáy dạo đó rồi. Ông bà Đại Phát cũng đã đối xử rất tốt với cha con ông. Họ đã trả lương rất hậu và giúp đỡ tìm kiếm nơi ở vừa ý. Ông và Tiểu Quyên không còn phải phập phồng lo sợ sống trong những căn phòng chung cư chật hẹp cũ kỹ, ẩm mốc, bọn du thủ du thực nhung nhúc như rươi. Yan Ngọc định đi về miền Đông tìm người chủ cũ. Gặp lại ông chắc “ổng” mừng lắm. Nhưng nghĩ đến Tiểu Quyên ông lại thôi. Tội cho nó, nó là con gái mà cứ phiêu bạt giang hồ như ông hoài đâu có được. Ông còn phải dành tiền cho con đi học. Ông định bụng làm ở đây một thời gian rồi xin một vài tuần phép đi thăm “ổng” cho trọn tình nghĩa. Ai nói gì thì nói, chứ hồi xưa ông ta đối với vợ chồng ông chí tình lắm. Có một đêm ổng đòi ăn cháo khuya. Yan Ngọc bưng khay lên thì thấy ông đang ngồi trầm tư trên chiếc ghế bành nhìn ra ngoài trời sao. Ông ta xoay chiếc ghế lại nói với Yan Ngọc:

- Anh Yan Ngọc à, tôi muốn những người lính đã chết phải được nằm trong những cái nghĩa trang thật đẹp, anh có ý kiến gì không?

Yan Ngọc bị bất ngờ trước một câu hỏi ra ngoài phạm vi chuyên môn của mình, ông bối rối đưa tay lên chiếc cằm lún phún râu:

- Tổng Thống đã hỏi thì tôi phải trả lời, chứ lĩnh vực này tôi không rành lắm. Tại sao Tổng Thống không hỏi ý kiến một ông kiến trúc sư có phải hơn không?

Ông ta gật gù:

- Có, tôi có gặp mấy người rồi.

Bỗng nhiên ông ta đứng dậy hăm hở:

- Để tôi đưa anh coi mấy cái đề án này hay lắm!

- Nhưng trước nhất Tổng Thống hãy dùng cháo đã...

- Thôi để đó, tôi hết đói rồi...

Ông ta kéo trong hộc bàn mấy tờ giấy cuộn. Ông trải chúng lên bàn chỉ cho Yan Ngọc thấy hình vẽ những cái nghĩa trang:

- Bây giờ thì anh coi đi rồi cho tôi biết anh thích hình vẽ nào.

Yan Ngọc im lặng quan sát từng đồ án một. Tất cả đồ án đều vẽ những cái cổng nghĩa trang thật to và thật bề thế, rất xứng đáng với niềm mơ ước của “ổng”. Nhưng không hiểu sao, Yan Ngọc lại thích một cái hình vẽ đơn sơ, trong đó chỉ có bức tượng của một người lính đang ngồi gác súng trên đùi, ánh mắt của anh nhuốm một chút u buồn nhìn về phía trời xa. Đằng sau bức tượng đồng là hai hàng cây dương liễu chạy dài thẳng tắp. Yan Ngọc đọc thấy tên đề án: TIẾC THƯƠNG. Ông rụt rè chỉ vào cái hình vẽ này:

- Nếu Tổng Thống không cho là tôi quê mùa thì tôi nghĩ rằng tôi thích cái đồ án này nhất!

Ông ta cười khà lên một tiếng lớn rồi vỗ vai người đầu bếp:

- Anh chọn rất đúng. Tôi cũng chọn đồ án này. Bây giờ thì tôi ăn cháo được rồi.

Yan Ngọc gãi đầu:

- Nhưng cháo đã nguội, để tôi đi hâm lại.

- Thôi khỏi, có cháo ăn là quí lắm anh ơi. Ngoài kia lính mình ăn gạo sấy nguội lạnh quanh năm thì sao.

Vì những cái kỷ niệm đại để như vậy nên lúc nào Yan Ngọc cũng thấy quí trọng người chủ cũ của mình…

Lễ nhảy xuống xe đi vào, vừa vặn chạm phải Tiểu Quyên đang lửng thửng bước ra, chàng đưa tay niềm nở:

- Trời khuya quá rồi, tôi đưa bác và Tiểu Quyên về nhé?

Ông già đi trước ậm ừ từ chối khéo:

- Cám ơn cậu, hằng ngày cha con tôi vẫn xoay sở được mà.

Lễ kề vào gần bên Tiểu Quyên hỏi nhỏ:

- Tiểu Quyên nói thật với tôi đi, ngày xưa bác Yan nấu cho ai vậy?

Nhìn đôi mắt thành khẩn mà nàng đọc thấy trong đó một cái gì vừa dịu dàng vừa nồng nàn, Tiểu Quyên không nở từ chối một câu trả lời. Tiểu Quyên áp đôi môi tươi hồng vào gần chàng trai thì thầm:

- Em chỉ nói cho một mình anh biết thôi. Ngày xưa ba em là ông đầu bếp của ... Tổng Thống đó! Không phải ông tổng thống đầu hàng đâu!

                                                                                    PHẠM PHONG DINH

Previous
Previous

Đỗ Trường – Người Chuyên Chở Văn Học Miền Nam Qua Vũng Lầy Lịch Sử

Next
Next

Giai Nhân Tự Cổ...