Nguyên tắc căn bản để xây dựng một cộng đồng vững mạnh.

Dẫn nhập:

Một cộng đồng vững mạnh không phải tự nhiên mà có, một cộng đồng vững mạnh chỉ đạt được bằng những đóng góp nho nhỏ của mỗi cá nhân, trong bất kỳ lãnh vực nào để phát huy những nền tảng văn hóa tốt đẹp của tập thể người Việt cho người bản xứ nơi quốc gia mình đang cư ngụ. Trong sinh hoạt của cơ cấu Cộng Đồng không phải lúc nào cũng là màu hồng, cho nên không thể đòi hỏi cái gì cũng hoàn hảo. Tuy nhiên, nếu muốn có một ban quản trị của Cộng Đồng vững mạnh thì mỗi cá nhân tham gia phải hội đủ yếu tố dấn thân, tham gia bằng cái tâm và ý muốn phục vụ tha nhân , cố gắng và nổ lực biến những suy nghĩ của riêng mình trở thành những việc làm cụ thể , để tất cả mọi người cùng chung vai đóng góp công sức cho các công việc xây dựng Cộng Đồng.Thật vậy, công việc tham gia dấn thân của chúng ta vào sinh hoạt tổ chức Cộng Đồng tại địa phương mình đang cư ngụ là một sự tự nguyện và nhất là quan tâm đến phúc lợi của đồng hương,đừng bao giờ chủ trương rằng  chúng ta tham gia vào Cộng Đồng để được nổi tiếng hay dùng nó cho lợi ích cá nhân hay phe nhóm.

Hành trang của chúng ta mang theo để có cơ hội tham gia vào ban quản trị của Cộng Đồng là lập trường chính trị của người Việt quốc gia chân chính,phải nắm vững nguyên tắc sinh hoạt dân chủ nhưng kỷ luật, và khả năng nhạy bén để giải quyết nhanh chóng những vấn đề khó khăn. Chỉ khác một điểm là bối cảnh mình đang sinh hoạt là những người đồng hương thân hữu cùng sinh hoạt trong ban quản trị Cộng đồng chứ không phải như sinh hoạt với bạn bè hay người thân trong gia đình . Vì vậy chúng ta phải tế nhị, khôn ngoan trong giao tế và tế nhị trong việc quyết định những vấn đề quan trọng.

Quyết định để tham gia trong ban quản trị Cộng Đồng là một quyết định rất quan trọng. Sinh hoạt trong cơ cấu Cộng Đồng, nếu chúng ta làm được việc, thành công trong các công tác được giao phó thì mọi chuyện suôn sẻ. Ngược lại khi thất bại hoặc những chuyện không tốt  đẹp xảy ra trong nội bộ Cộng đồng thì tên tuổi của chúng ta sẽ bị “đem lên bàn mổ”. Cũng cần phải ý thức sinh hoạt trong ban quản trị Cộng Đồng là công việc rất nhiêu khê, làm dâu trăm họ nhất là một khi được bầu vào vai trò chủ tịch. Thông thường, thành viên của ban chấp hành Cộng đồng, những người mà chúng ta sẽ làm việc họ gồm đủ mọi thành phần, lứa tuổi, trong số đó đôi khi chúng ta mới chỉ tiếp xúc đôi lần, chưa làm việc chung, chưa biết rõ về xuất sứ cũng như cá tính. Vì vậy, nhiệm vụ lãnh đạo cộng đồng càng đòi hỏi sự khéo léo, tế nhị và quyết đoán để giải quyết những xung khắc ngay trong cơ cấu lãnh đạo công đồng. Kinh nghiệm cho thấy, một trong những xung khắc thường gặp là sự đối chọi giữa 2 thành phần, một bên thuộc giới trẻ, năng động, kiến thức kỹ thuật cao, không có nhiều kinh nghiệm về những thủ đoạn gian manh của VC. Và bên kia thành phần “cao niên”, nhiều kinh nghiệm với cộng sản, nhưng lại thường có cung cách muốn “xoa đầu” giới trẻ.  

Phương cách điều hành cộng đồng.

 Bạn cần làm những gì trong vai trò lãnh đạo Cộng Đồng

_ Thứ nhất là phải minh bạch về tiền bạc, chi tiêu phải có biên nhận, thu nhập phải được thủ quỹ ghi đày đầy đủ trong sổ sách, cứ ba tháng phải báo cáo tài chánh cho ban Giám Sát.

_ Thứ hai là tránh những tình cảm lăng nhăng, rất dễ gây ngộ nhận cho người phối ngẩu và sẽ tạo những hình ảnh không tốt trong tương lai.

_ Thứ ba là phải làm gương, dẫn đầu trong mọi công tác, kể cả những công tác có tính cách “tay chân”, ví dụ như việc chuẩn bị hội trường cho một buổi sinh hoạt cộng đồng, vị chủ tịch cần tới sớm, với quần Jean và áo sơ mi để xông xáo làm việc với anh em; khi công việc sắp hoàn tất mới đi thay đồ vest để tiếp khách.

_ Thứ tư là phải biết phân nhiệm, khuyến khích những thành viên khác trong ban quản trị nhận trách nhiệm làm trưởng ban tổ chức mỗi công tác, ví dụ chị B làm trưởng ban tổ chức cho ngày Lễ Hai Bà Trưng, anh H làm trưởng ban tổ chức cho chương trình Phát Học Bổng cho học sinh xuất sắc niên khóa 2018, vv…

_ Thứ năm là phải cố gắng tạo sinh hoạt trong hài hòa tương kính, hướng dẫn các quản trị viên không lên án người khác một cách vu vơ hay loan truyền những lời đồn đãi tiêu cực, vô trách nhiệm. Thông thường, đối phương lợi dụng những nhược điểm của các thành viên trong Ban Quản Trị Cộng Đồng để gây hoang mang, tạo sự phân hóa trong nội bộ, cũng như tạo sự mâu thuẫn giữa Cộng Đồng với các hội đoàn khác với mục đích là chia rẽ để dễ bề khuynh đảo, ngõ hầu làm nhụt chí những người có lòng với đồng hương và dân tộc .

Kết luận:

Mỗi người trong chúng ta đều có một ước mơ là cộng đồng VN hải ngoại được vững mạnh, vì đây là thành trì để chúng ta hỗ trợ tích cực cho công cuộc dân chủ hóa tại quê nhà. Muốn được như vậy thì nhu cầu xây dựng ban quản trị ở mỗi địa phương thật sự vững mạnh là điều cần thiết. Nhưng đây là một lãnh vực công tác đòi hỏi nhiều thời giờ, tâm trí, và cả tài chánh nữa. Đồng thời, để lãnh đạo thành công một cộng đồng, ngoài kiến thức, quyết tâm, còn cần phải khôn khéo, tế nhị và sự tận tuỵ ở mức rất cao. Thành công trong công tác tham gia Ban Quản Trị Cộng đồng, xuyên qua đó, nhân có những cơ hội ,tiếp xúc với các cấp chính quyền sở tại, cũng là cửa ngỏ mở ra cho những Quản Trị Viên mạnh dạn tham gia “giòng chính” qua các chức vụ dân cử tại địa phương./.

Thái Tố

Previous
Previous

Không chỉ là một giấc chiêm bao

Next
Next

 Nhân 75 năm ngày Thánh Ghandi  (2023-1948)