Ngày nầy (những) năm trước

TẠP GHI

Nguyễn Duy Ân

Tôi tản bộ từ bãi đậu xe đến mái cốc nơi thầy đã sống những ngày cuối cùng, chiếc xe cũ màu vàng tro nằm quạnh hiu bên hông nhà. Nền nhà kho đã di dời nay là nơi dựng ngôi bảo tháp thờ xá lợi thầy đang xây cất dở dang. Đứng ở đây nhìn thẳng ra phía trước chánh điện và thấy sự thiếu hoàn chỉnh của phong thủy mà ngày xưa khi tới xem mảnh đất nầy tôi thầm nghĩ  rằng thầy cũng thông địa lý mà sao chọn nơi nầy: (tả) Long nhỏ yếu, (hữu) Hổ, (tiền) Mã… quá mạnh mà “hậu” (cái) thì mờ nhạt, có lẽ thầy biết vậy nên giữ cho  mặt hồ luôn đầy nước? Nhiều lúc tôi định nêu nhận xét nầy với thầy, nhưng  rồi  lại nghĩ nơi chùa chiền sẽ có Long Thiên Hộ Pháp gia trì câu nệ gì  phong thủy, đất đai !? Nơi đây có vị trí tiện lợi là gần thành thị, lại nằm riêng biệt xa những khu dân cư.

Tôi trở lại nơi bờ hồ. Mới vài hôm sau ngày Giáng sinh, trời còn khá lạnh. Hơn tuần lễ nữa là đúng một năm, ngày thầy về cõi Phật. Tôi ngồi trên bậc thềm nhìn xuống pho tượng “Phật nằm”, nơi trước đây là ngôi nhà cũ thầy làm cốc riêng để ở, trong lúc căn nhà làm chánh điện tạm được dỡ bỏ để xây mới.

Một buổi sáng cũng vào mùa này, tôi lên phụ phác dọn những đám gai bụi, cành nhánh khô quanh bờ hồ, ngày giữa tuần mưa lạnh nên không có ai đến, mưa lay bay nhưng nhờ những tàng cây cao che bớt, gần xế trưa mưa bắt đầu nặng hạt. Thầy mở cửa cốc nói vọng ra: “Anh vào đây rửa tay mà nghỉ đi, mưa lớn rồi!” “Thưa thầy tôi dọn một chút chỗ nầy rồi về luôn, giờ tới chiều chắc mưa lớn.” Thầy nói: “Thôi vào đây nghỉ rồi dùng trưa với tôi .” Tôi buột miệng dạ rồi mới thấy áy náy, thầy tự nấu ăn một mình lại còn đãi khách. Tôi đi xuống, lê từng bước nặng chịch vì khối bùn đất dưới đế giày. Tôi hé cửa nói vào: “Thôi xin phép thầy tôi về, sợ lát nữa mưa to?”  Thầy nói “Không sao đâu, mưa rồi cũng có lúc tạnh, anh ở lại dùng cơm với tôi, có món nầy đăc biệt mời anh. Nay mưa không làm được thì ngày khác, lo gì!”

Tôi đành bước vào. Thầy còn loay hoay nơi bếp. Tôi hỏi: tôi có phụ được gì với thầy không ? Thầy nói xong hết rồi anh ngồi chơi chờ tôi luộc mớ rau muống nầy thôi. Tôi đứng xớ rớ không biết làm gì nên lấy chén đũa đặt lên chiếc bàn nhỏ gần đó. Thầy lấy muối bỏ vào nồi, bỏ rau vào đảo vài lần rồi vớt ra dĩa. Thầy cho nước luộc rau vào tô, cắt miếng chanh vắt vào và cười nói “Thêm được một món canh toàn quốc.” Tôi nói đùa: “Dị giản như thiên lý đắc hỷ.” Thầy nói “Anh cũng có học Dịch à?” “Dạ cũng lõm bõm đôi chút”.

Thầy rót nước tương ra chén, cắt mấy quả dưa chuột, mở hủ chao trên kệ gắp ra dĩa, thầy nói anh ăn thử chao nầy tôi mới làm ngon lắm. Thầy xới một tô cơm lớn đem lên, thầy nói cơm nhiều lắm cứ tự nhiên, lao động cần ăn nhiều.. Thầy lại mời tôi thử chao, tôi lấy muỗng múc miếng chao và mấy lát dưa. Thầy  hỏi tôi thế nào. Tôi nói: rất ngon nhưng mặn quá nếu dùng hằng ngày sợ ảnh hưởng tim mạch thầy ơi! - Tôi biết nhưng ăn ít lại kèm theo rau dưa thì cũng không sao.

Thầy kể lúc còn ở dưới rừng, làm sẵn tương chao, trồng rau củ quanh nhà, đỡ mất thì giờ chợ búa xa xôi.

Tôi nói bây giờ ở đây thầy cũng nên bớt khổ hạnh đi thôi. Thầy cười: “Thiểu dục tri túc” chứ khổ hạnh chi đâu.

Thầy buông đũa trước và nói anh cứ tự nhiên nghe, thầy mở nắp hũ chao nói anh gắp thêm mà dùng. Tôi nói đủ rồi thầy, một mình tôi thanh toán phần rau, dưa nầy đủ mệt.

Thầy đi nấu nước pha trà. Tôi ăn vội cho hết những phần còn lại, trút chén nước tương vào tô nước rau húp sạch rồi đem chén bát xuống bể sink rửa. Thầy nói anh để đó chiều tối tôi rửa một lượt. Tôi nói: Thưa thầy, tiện thể tôi rửa tay luôn.

Tôi lên tủ sách nơi góc nhà, lấy một cuốn ngồi đọc. Thầy đem trà rót ra ly, bên ngoài trời mưa lớn. Thầy hỏi anh xem sách gì đó? Dạ Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim, đọc lại những trang sử thời cận đại mà buồn cho đất nước quá thầy ơi! Thầy hỏi tôi:  “Anh nghĩ sao về sử trong nước bây giờ?” Thưa thầy sử gia VC là bồi bút sử, nô lệ sử, chẳng ai công nhận. Những tội ác “cõng rắn cắn gà, bán nước …” chính  là tội ác của chúng nó, chúng lại trơ tráo đem gán cho Nhà Nguyễn.

Tôi hỏi về phả hệ của thầy ở dòng vua nào, thầy kể sơ lược về một chi nhánh thời các Chúa Nguyễn … chứ không trực hệ với những nhà vua sau này. Thầy hỏi tôi có nhận xét thế nào về một vài vị vua Triều Nguyễn? Thưa thầy tôi thấy cụ Trần Trọng Kim viết là khá trung thực, công tâm. Riêng tôi Vua Hàm Nghi là vị Vua mà tôi kính mến nhất vì có mối liên hệ với ông cố tôi. Thời đó cố tôi là một quan chức nhỏ trong triều, gia phả ghi: Hiệp Lãnh Thị Vệ sung Cấm Binh Vệ Úy thầy có biết đó là chức gì không?

Thầy nói cũng hàm Tam, Tứ  Phẩm… chức nầy tương đương Chánh văn phòng sau nầy, tôi nhớ như vậy không biết có đúng không…

 Sau cuộc binh biến, ông cố tôi theo Vua ra Tân Sở, rồi chết ở đó không rõ trước hay sau khi vua bị Pháp bắt. Khi Pháp dựng Đồng Khánh lên ngôi thì những người chạy theo vua Hàm Nghi và gia đình đều bị ghép tội “phản nghịch chống lại triều đình (thân Pháp)” Sau này khi vua Thành Thái lên thay, cố tôi mới được phục hồi danh dự, ông nội tôi được ban tặng “Hàn Lâm Đãi Chiếu” và kim bài “Miễn Tử”. Gia đình có ra chốn cũ tìm hài cốt, nhưng không còn dấu tích.

Năm 1990 tôi ở vùng kinh tế  Xuyên Mộc về quê thăm có vào Thế Miếu  trong Đại Nội. Trước bàn thờ di ảnh vua Hàm Nghi tôi đã cảm tác mấy câu thơ, xin đọc thầy nghe:                       

Lời Nguyện Cầu

Cố tôi từ buổi phò Vua

Chạy ra Tân Sở dựng cờ Cần Vương

Oán Trời hại đấng Minh quân

Người đành ở lại núi rừng gởi xương

Ông tôi cày, cuốc: ruộng, vườn

Cha tôi nối nghiệp, dứt đường mơ quan

Thấm nhuần đạo lý Thánh hiền

Tháng ngày kín đáo tâm truyền cho tôi

Rủi thay, tôi đứa ngu tồi

Đến khi cha mất, trễ rồi, mới hay!

                        *

Hôm nay quỳ trước linh bài

Thần dân cung kính dâng ngài Tâm hương

Khấu đầu lạy đấng Quân vương

Xin ngài linh hiển độ đường cố tôi

Từ rừng Tân Sở xa xôi

Trở về làng cũ nơi tôi phụng thờ

Tháng ngày cho trọn ước mơ

Trăm năm phiêu bạt, Người giờ ở đâu? 

(Huế tàn Đông, 1990)

Thưa thầy, vì vậy mỗi lần giỗ kỵ ông cố, tôi lại nhớ nghĩ về vua Hàm Nghi. Đọc lại những dòng sử nhà vua lại thương cảm về ông cố.

Lái qua chuyện khác, tôi nói thời đó thi tuyển vào Đại học ngành Y rất gắt, thầy đang học mà bỏ đi xuất gia là phải có căn cơ lớn, sớm tỉnh giác cao, ý chí mạnh phải không thầy. Thầy cười.

Tôi nói: thật ra, hồi đó có nhiều người trai trẻ vào chùa, đa phần để khỏi đi lính, một số vào để hoạt động Việt cộng cho dễ, sau 75 mới lộ chân tướng. Cũng có người thực tu đến nay.

Thầy hỏi tôi vô lính năm nào?

Thưa thầy cũng do hoàn cảnh đưa đẩy.Tôi là con trai một trong gia đình có cha mẹ trên sáu mươi tuổi, nên được hoãn dịch mỗi năm, nếu tổng động viên thì cũng được ở hậu phương. Tôi dự định học hết Trung học thì xin một chức thầy giáo trường làng theo ước nguyện của mẹ tôi. Nhưng khi đang học năm cuối ở Quốc Học thì xẩy ra vụ Phật giáo, đám sinh viên, học sinh hô hào biểu tình bãi khóa liên miên, tôi và những nhóm phản đối cho rằng chúng nó bị Việt cộng xúi dục. Chúng nó gây sự, chụp mũ chúng tôi là tay sai “Chính phủ Độc tài”. Rồi xẩy ra đảo chánh ông Diệm. Ở làng tôi, Việt cộng bắt đầu lộng hành, ra phá Ấp Chiến Lược, bắt cóc thủ tiêu ám sát nhân viên xã ấp và những ai chúng nghi là thân chính quyền Quốc gia. Đám thanh thiếu niên và học sinh ở làng quê ùn ùn vô bưng theo “Mặt trận Gỉai phóng”! Ban đêm chúng ra hoạt động: thu tiền, khuyến dụ và hăm dọa những thanh thiếu niên, học sinh phải đi theo chúng. Thấy tình thế nguy hiểm tôi vào Sài Gòn kiếm việc làm để đi học thêm, nhưng rồi  tình hình chiến sự ngày càng khốc liệt, Thủ Đô cũng bất an, trở về làng là không thể. Chết thì ở đâu cũng chết, thà trực diện với nó, chỉ có cách gia nhập quân ngũ.

Thế rồi mọi chuyện như đã được an bài, dù cuối cùng cũng chẳng được gì, trong chiến tranh còn sống sót chưa chắc là điều may mắn, dù thắng hay thua. Với lý tưởng thế gian tôi đã đúng hướng, Nhưng về mặt xuất thế gian có phải đã trễ muộn không thưa thầy?

Thầy nói cũng tùy duyên, không khi nào là sớm cũng chẳng lúc nào là muộn “Tu nhất kiếp, ngộ nhất thời” mà!

-Nói như thầy là để an ủi, nhưng dù sao thì tôi cũng yên tâm. Hy vọng khi chánh điện hoàn tất thầy mở những khóa tu thường xuyên cho Phật tử tu học, hành trì. Tôi đọc tới đọc lui kinh kệ mà chưa thâm nhập được miếng nào.

Tôi định hỏi thầy đã trãi nghiệm như thế nào trong thời gian độc cư ở rừng, nhưng thấy ngồi đã lâu và bên ngoài trời tạnh hẵn, tôi gấp cuốn sách và nói “Thôi để thầy nghỉ trưa, hết mưa rồi tôi ra dọn một lúc nữa.” Tôi đứng lên bỏ sách vào chỗ cũ. Thầy nói anh đem về mà đọc, muốn đọc cuốn nào cứ lấy. Tôi nói về nhà cũng ít thì giờ, lúc nào lên thầy cho mượn đọc ở đây cũng được.

Rồi đến một ngày không lâu, cốc thầy bị hỏa hoạn, tôi lấy làm tiếc đã không nghe lời thầy  mượn mấy cuốn sách quý đem về để tránh ngọn lửa vô thường. Cũng từ đó về sau, chánh điện dần hoàn tất, Phật tử ngày một đông, nhiều lần vừa mới ngồi bàn bạc thế sự, tham vấn đạo pháp với thầy là có khách gọi điện thoại hoặc đến thỉnh nhờ thầy chuyện Phật sự: ma chay tang lễ, cầu siêu, cầu an, hộ niệm, kể cả hỏi thầy những chuyện trởi ơi đất hỡi, nhưng thầy vẫn kiên nhẫn giải thích, căn kẻ khuyên bảo...

Một lần nhân hỏi thầy ý chỉ về một câu chuyện tiền thân Phật, thầy giải thích và nói thầy cũng được thấy một, hai đời trước thầy đã có lần là môt tướng quân bên Nhật. Tôi nói trông thầy cũng có ít nhân dáng người Nhật Bản đó, khi nào nhập thiền thầy quán xem đời trước tôi có thể là thuộc hạ của thầy hoặc là kẻ đối thủ của thầy không chừng? Thầy cười: cũng có thể. Còn trong tam giới quanh đi lộn lại rồi cũng gặp nhau.

Càng lúc thầy càng bận rộn công việc Phật sự, cho đến một ngày thầy ngã bệnh.Mói được chữa lành thầy lại làm việc không ngơi nghỉ cho đến lúc bệnh tái phát khó hồi phục.

Thấm thoắt đã gần ba thập niên. Thầy đã làm lợi lạc nhiều cho Phật tử chúng sinh ở mặt hữu vi.

Tôi thì chưa học hỏi được gì nhiều nơi thầy.

Những bài kinh nhật tụng lục bát dễ nhớ, dễ thuộc: Tứ Đế, Bát Chánh, Vô Ngã…đọc tụng mỗi tuần, nhưng mãi đến gần đây tôi mới hiểu đó là những lời Phật dạy căn cơ cốt lõi nhất, lại không biết khởi từ đâu để hành trì! Mà quỹ thời gian đã cạn dần!

Chóng, chầy:

bốn đại cũng tan

Vía hồn

sáu nẻo

lang thang phương nào

Cõi Trời,

cảnh Phật

thì cao!!!

 12/2022-1/23

Ndân

Previous
Previous

Âm Thoại Viên Theo Chân Các Đại Bàng

Next
Next

Thiên Hồi Ký Thép Đen