Nhân ngày Đại Hội Biệt Động Quân tưởng nhớ một người lính Biệt Động Quân

Những ai đã từng nhìn qua những hình ảnh về cuộc chiến tranh Việt Nam, chắc cũng có lúc đã bắt gặp hình ảnh một người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đang bị thương tật, bị đuổi ra nơi chữa trị của mình là Tổng Y Viện Việt Nam Cộng Hòa vào chiều ngày 30-4. Tấm hình nhỏ không có nhiều sự thuyết minh nhưng chỉ với ánh mắt của người thanh niên đau đớn, mệt mỏi đang chống nạng bước đi, đã là sự ám ảnh không lời đến tận cùng. Trong bộ quân phục có vẻ mặc vào vội vã, anh lính VNCH đó bước đi và lọt vào khung hình, trở thành một dữ liệu giằng xé im lặng, như một vết thương không bao giờ lành về một câu chuyện có thật: Những người thương bệnh binh bị chĩa súng, đuổi ra đường, ngay sau khi quân bộ đội Bắc Việt tràn vào Sài Gòn.

Nhiều năm trôi qua, người ta vẫn tự hỏi, người lính ấy còn sống không, giờ này người đàn ông ấy ra sao…? Như mọi tấm ảnh trắng đen khác của những ngày tháng 4-1975 làm nhức nhối người xem – kể cả thế hệ chưa bao giờ trải qua ngày tháng đó – câu hỏi đó chất chứa với muôn vàn điều u uẩn trong lòng.

Với đôi chút thông tin vặt, chút hình ảnh và luôn dò hỏi… thật bất ngờ là đúng vào Tháng Tư, của 46 năm sau, sự có mặt của người lính ấy bỗng bất ngờ hiện ra trong cuộc tìm kiếm nhiều ngày của chúng tôi – những người miền Nam thế hệ hôm nay. Thật kỳ diệu: Ông vẫn còn sống, hiện ở Chơn Thành, Bình Phước.

Người lính ấy, hạ sĩ nhất Võ Phùng Dương, Số quân: 74/145 811, KBC: 3506, Tiểu Đoàn 52, Liên Đoàn 3, Biệt Động Quân, vẫn im lặng tồn tại non nửa thế kỷ qua nhiều biến động của cuộc đời. Thật khó nói đó là những điều đắng cay số phận hay kiên cường cao quý của ông: Khi gặp, ông vẫn giữ được nụ cười bình dị, hiền lành và kiểu trò chuyện chơn chất khi tiếp chúng tôi tại ngôi nhà nhỏ của mình.

Đi tìm một ánh mắt câm lặng

Hạ sĩ nhất Biệt Động Quân VNCH Võ Phùng Dương

Suốt đoạn đường dài từ Sài Gòn tìm đến nhà của ông Dương, chúng tôi chia nhau nhìn lại tấm ảnh về người lính trẻ (lúc ấy, ông chỉ mới 22 tuổi) khi bị đuổi ra khỏi giường bệnh và cố lết đi về nhà ở Quận 4, Sài Gòn, trong một buổi chiều nghiệt ngã của đời mình. Không ai trong chúng tôi tin được, người sắp gặp mặt, đó lại là một chứng nhân của sự kiện, lại là một nhân vật nổi tiếng từ bức ảnh luôn được chia sẻ trên các trang mạng, bản tin quốc tế, đặc biệt vào mỗi Tháng Tư.

Con đường dẫn vào nhà ông Dương im vắng đến lạ, nắng gắt oi bức đuổi theo mọi nơi. Đến con chó của nhà gần đó, nằm trong bóng râm cũng mệt mỏi nhìn chúng tôi mà không buồn sủa. Nhiều năm trước đó, khu vực này xác xơ, khốn khó và được gọi là vùng kinh tế mới.

Ông Dương có lối nói chuyện thuần chất nông thôn miền Nam, dễ làm người đối diện gần gũi, tạo nên sự cảm mến tức thì. Ngồi với nhau chỉ vài giờ đồng hồ, mà tưởng chừng như ai nấy đã thân thiết lâu rồi. Mỗi khi cao hứng lúc kể chuyện quá khứ, ông bật cười lớn, và nhất là khi kể về ngày tháng cũ, có lúc ông phấn chấn, lớn giọng mô tả không chút e ngại.

“Người chụp tấm hình đó, là bạn của chú, cũng bị đuổi từ Tổng Y Viện ra, ảnh tên Lài. Sẵn tay đang cầm cái máy Kodak, ảnh kêu tên chú rồi chụp luôn. Không ngờ tấm hình đó sống dai vậy”, ông Dương cười buồn, và nói rằng giờ cũng không biết Lài ở đâu, còn sống hay đã chết với những ngày tháng cam go không thua gì như cuộc chiến, sau cái Tháng Tư đó.

Buổi chiều ngày 30-4-1975, khi mọi người đang nằm trên giường bệnh, khắp nơi cứ mỗi lúc tràn về những tốp thương binh mới, nằm chật cả lối đi, chen chúc nhau ở mỗi phòng. Dù là ngày cuối cùng của cuộc chiến, đã có lệnh đầu hàng từ trưa, nhưng có vẻ giao tranh vẫn không dứt hẳn. Có những người được đưa vào với vết thương mới, tuôn máu không ngớt. Bất ngờ, tràn vào khắp ngõ trong Tổng Y Viện là những nhóm lính quân phục miền Bắc, súng AK chĩa lăm lăm, đằng đằng sát khí, lên giọng quát.

“Họ nói sao khi đuổi mọi người, kể cả những người vừa mới mổ xong, phải ra bệnh viện?”, ông Dương cười, suýt bật thành tiếng chửi thề, “Họ nói giọng Bắc, kêu đ*t mẹ chúng mày cút ra hết”. Theo lời ông kể, người ta hình dung rằng đây là một chủ trương có tính toán chứ không phải là ngẫu hứng từ viên chỉ huy cực đoan nào đó. Bởi theo lệnh phát đi và nòng súng hướng dẫn, những người thương bệnh binh VNCH đó phải nhanh chóng tựa vào nhau đi ra bằng ngõ sau và những ngõ phụ, chứ không phải là cổng chính, Mục đích rất rõ là không muốn tạo sự chú ý với dân chúng, hay để cho giới phóng viên nước ngoài còn trụ lại Sài Gòn có thể ghi hình được.

Ông Dương lúc đó, chỉ còn một chân, cố chống nạng đi. Vết thương đó, ông nhận vào tháng 2 năm 1975, trong một trận tử thủ ở ngay Bình Phước. Xe tăng bộ đội Bắc Việt tràn vào với biển người nhưng vẫn bị 3 tiểu đoàn đã tơi tả của phía ông chận lại. Lúc đó, quân VNCH chỉ còn lại những thành phần tử thủ, nhiều người đã bỏ đi, súng đạn không còn nhiều. 3 tiểu đoàn mà ông Dương có mặt, quyết cầm cự mặt trận trong lòng đô thị chỉ còn hơn khoảng 500 người. Trong khi đó, ráo riết tiến công để dứt điểm, tin cho biết 3 sư đoàn của Bắc Việt áp sát với đủ các loại hỏa lực yểm trợ.

“Bây giờ kể lại, mới thấy ngày đó những lính trẻ tụi tôi đánh dữ dằn ra sao. Riêng phía Biệt Động Quân tụi tui thì được huấn luyện chiến đấu trong lòng đô thị, trong khi đó, quân Bắc Việt sau khi ra khỏi rừng thì mất lợi thế do không biết địa hình, nên dù mạnh hơn, nhưng nhiều đợt xông lên đều bị chúng tôi đánh chặn, bắn cháy cả loạt xe tăng đi đầu”, ông Dương cười ha hả, nói. Ngay vào lúc giằng co không phân thắng bại ấy, thì đột nhiên có lệnh rút quân. Thế trận vỡ ngay từ lúc đó. “Chính vì khi chuyển thế rút quân, tui mới bị đạn 12.7 bắn ngay chân, nát mọi thứ”.

Ông Dương được chuyển về Tổng Y Viện, và cắt chân ngay vì sợ hoại tử, cũng như không thể cứu chữa gì được. Từng ngày, ông cảm nhận được sự sụp đổ của Sài Gòn đến khi thấy thêm thương bệnh binh nhập vào, mà các nơi đánh chặn thì mỗi lúc càng gần Sài Gòn hơn.

Ông Dương đi lính từ năm 1971, và tham gia nhiều trận ở An Lộc, Long Bình… những năm tháng đó khi cùng đồng đội chia lửa ở mọi trận tuyến, dù thế nào đi nữa, ông đã có một phía chọn lựa của mình rõ ràng, không hề nao núng, đó là một nước VNCH tự do của mình, nơi đó, có anh em, có cha mẹ, ngôi nhà… mà ông phải bảo vệ.

“Vì sao có những người đã bỏ chạy, nhưng sao chú và những người lính khác vẫn tiếp tục trụ lại?”, ông Dương không thể giải thích hết bằng ngôn từ đơn giản của mình, ông thoáng suy nghĩ và tả rằng, “Là nghĩ tới cái chết. Mình thua thì mình cũng sẽ bị bắn chết, thôi thì chiến đấu để chết ngay ở mặt trận, phải tốt hơn là bị quỳ rồi bị chĩa súng bắn, đúng không?”.

Dĩ nhiên, ông Dương tóm tắt vậy. Nghe cũng không có gì là quá đặc biệt, nhưng đằng sau đó, đó chính là trùng trùng khí chất của hàng hàng những quân nhân VNCH trong cuộc chiến: Nghĩa vụ, tổ quốc và danh dự nằm trong máu và trái tim, sâu và chân thành đến mức không thể hoa mỹ ngôn từ. Sâu đến mức đã có người mỉm cười tuẫn tiết khi thất trận, mạnh mẽ đến mức có người đã dõng dạc kết tội kẻ kết liễu mình bằng tuyên ngôn của nền tự do bị tước đoạt.

Và rồi vào buổi trưa ngày 30, đang nằm trong Tổng Y Viện, đột nhiên mọi người nghe tin đầu hàng từ Tổng thống Dương Văn Minh. Ông Dương và nhiều người nữa, kêu “trời ơi” và chết lặng. Đằng sau lời đầu hàng đó, là một đại diễn biến khác, dù không hình dung rõ được, nhưng những người lính đó biết chắc rằng sẽ không thể có bình yên như những bài hát và lời kêu gọi tình anh em trên đài phát thanh của đạo quân vừa tiến vào Sài Gòn. “Đ.mẹ, gì đầu hàng, kỳ vậy?”, ông Dương kể mình la lên như vậy ở phòng bệnh. Có người cũng thảng thốt như ông.

Hạ sĩ nhất Biệt Động Quân VNCH Võ Phùng Dương

Câu chuyện hạ sĩ nhất Võ Phùng Dương chống nạng bước ra khỏi Tổng Y Viện VNCH hay bị hỏi là “sao biệt động quân mà mặc đồ bộ binh”. Tại ngôi nhà của mình ở Chơn Thành, Bình Phước, đúng buổi trưa 30 tháng Tư, đủ 46 năm kỷ niệm đó, ông Dương nhớ lại, cười ngất “Lúc đó bị chĩa súng đuổi ra, ai quơ được bộ đồ nào mặc được là lo bận đi ra, còn sợ tụi nó không vui bắn luôn nữa chớ”.

Ông Dương về nhà, và lại trải qua 5 năm tù với cái chân cụt của mình. Do ông nghĩ mình là thương phế binh nên không cần tập trung làm gì, thế nhưng ông bị áp giải mang đi vì tội “ngoan cố không trình diện”. Lúc vào ở trại tù A20, ông có hỏi cán bộ là mình bị án bao lâu, viên cán bộ quản trại nhếch mép “20 hay 30 năm… tùy theo thái độ hối cải của các anh”.

Quay trở lại nhà vào cuối năm 1979, ông mới hay nhà của ông bị trưng thu, anh chị em, cả mẹ già… đều đi kinh tế mới ở Bình Phước. Hỏi ra mới biết là quân quản khu vực đến nói là nên đi kinh tế mới để ông được ra trại, bị giam 2 năm thôi. “Tụi nó gạt để lấy nhà, chứ chính tụi nó cũng không biết khi nào chú được thả về”, ông Dương kể.

Từ đó, ông Dương sống bằng nghề cạo mủ cao su cho một chủ đất. Công việc ngày qua ngày và được ông chủ thương, giúp cất cho cái nhà kề bên. Cuộc sống của ông Dương chọn Bình Phước làm chỗ trú thân, không muốn bị phiền nhiễu bởi thế sự nữa.

Dựng mộ cho đồng đội

Thế rồi một ngày khi không quá khó khăn, ông Dương chợt nhớ đến đồng đội của mình, đặc biệt là những người đã nằm lại ở Bình Long năm 1972. Ông gom góp tiền bạc và đi đến An Lộc, mua một rẻo đất nhỏ, đi bốc mộ, tìm hài cốt đồng đội theo trí nhớ… tập hợp về chung ở nơi mà ông gọi tên là nghĩa trang An Lộc.

Có cả thảy 81 ngôi mộ như vậy nằm ở đó, ông Dương chi tiết lập bản đồ, tên họ những ai còn ghi lại được để hy vọng sau này thân nhân tìm tới, dễ nhận ra hơn. Công việc của ông kéo dài từ năm 2012 đến năm 2013 thì hoàn thành tương đối. Công việc khởi đầu thì lặng lẽ nhưng sau đó thì có thêm người biết, cùng bắt tay nhảy vào tiếp sức với ông. Danh sách những quân nhân ở nghĩa trang này được ghi lại với nét chữ nắn nót: “Tui ít học lắm, không có giỏi chữ nghĩa đâu”.

“Tui nhớ trận đó dữ lắm, năm 1972 mà. Ác liệt vô cùng. Phải nói là đánh như xi-nê luôn”, ông Dương nói.

Theo Quân sử, An Lộc là địa bàn quân sự chiến lược tối quan trọng đối với Quân lực Việt Nam Cộng hòa vì đây là cửa ngõ Tây Bắc ngăn chận quân Bắc Việt tiến về thủ đô Sài Gòn sau khi quận lỵ Lộc Ninh rơi vào tay họ ngày 7 tháng 4 năm 1972.

Trận An Lộc là trận then chốt mà phía Hà Nội tin chắc là sẽ thắng, nên khi đó, bà Nguyễn Thị Bình, trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Giải phóng miền Nam (cờ nửa xanh nửa đỏ) mạnh miệng tuyên bố chỉ trong vòng 10 ngày nữa An Lộc sẽ là thủ đô của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chính vì vậy mà có đến 7 đợt tấn công (kể từ ngày 13-4) không ngừng phía Bắc, để cố chứng minh cho lời tuyên bố nói trên.

Thế nhưng, trong cuộc đánh chặn và đối diện cả hai đợt tấn công dữ dội của phía Bắc Việt phối hợp với Mặt trận Giải phóng miền Nam, quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã chiến thắng vẻ vang và tuyệt đối, trong đó, có sức trẻ của ông Dương, và sự hy sinh của nhiều bạn bè ông.

Quân sử ghi, phía cộng sản tấn công trực tiếp thị xã An Lộc có Sư đoàn 9, 2 trung đoàn pháo binh 28 và 42, 4 tiểu đoàn pháo phòng không và tiểu đoàn tăng thiết giáp 20, về sau tăng cường thêm tiểu đoàn tăng thiết giáp 21. Tham chiến ở vòng ngoài là Sư đoàn 5, 7 và Đoàn C30B. Kéo dài nhiều ngày, phía cộng sản thoái lui, chấp nhận thất bại. Dòng tin ngắn gửi về Hà Nội, sau này được tiết lộ, là “25 xe tăng thì đến 18 chiếc bị bắn cháy hoặc hư hại nặng”.

Trung tướng Nguyễn Văn Minh của Việt Nam Cộng hòa, khi tiếp xúc với báo chí tại Lai Khê ngày 31 tháng 5/1972 đã mô tả trận chiến này là trận đánh khó khăn nhất và dài nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Ông tuyên bố: “Cộng sản đã đạt được một lợi thế ngay từ đầu với quân số đông gấp bốn lần, và quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã phải chấp nhận khá nhiều tổn thất. Tuy nhiên, sau 54 ngày giao tranh, Cộng quân đã thiệt hại ít nhất là 30.000 bộ đội trong tổng số 4 sư đoàn. Mưu đồ của Cộng sản mong tiến đánh thủ đô Sài Gòn đã hoàn toàn bị chặn đứng tại An Lộc”.

Chính tay ông Dương chôn cất những đồng đội mình ở nơi vùng đất giao tranh đó. Thỉnh thoảng có người từ hải ngoại về tìm thân nhân của mình tại An Lộc, được ông Dương giúp đỡ, có ghi lại tin tức cám ơn hoặc nhắc về ông. Nhưng đó cũng là những lúc công an địa phương đến “làm việc” với ông về việc tập kết thành một nghĩa trang nhỏ như vậy. “Tụi nó rầy rà lắm, nhưng riết rồi chú cũng quen vì mình cũng làm một mình chứ có băng nhóm gì đâu, vả lại, chuyện đã lâu rồi”, ông Dương bồi hồi nhớ, “cũng may sao trời xui đất khiến khi đó mình làm, ít ai để ý, mà chính quyền địa phương cũng cho qua, chứ không biết bây giờ làm thì có được vậy không”.

Điều làm chúng tôi bất ngờ là câu chuyện cải táng 81 nấm mộ đồng đội đó của hạ sĩ nhất Võ Phùng Dương không phải là câu chuyện ông định kể, mà bất ngờ bật ra khi chúng tôi hỏi han về thời đi lính của ông, vào lúc chuẩn bị chia tay ra về.

“Tui thấy mình còn sống được, anh em thì chết hết rồi, nên thôi thì quy tập lại cùng nhau. Tình thương, tình đồng đội thôi mà, khi mấy ông công an hỏi, tui cũng chỉ biết nói như vậy”, ông Dương nói đến đây, là lúc giọng ông chùng xuống, buồn buồn. “Lúc sau này người thân của của các hài cốt đến quay phim, đưa lên mạng gì đó, nên công an biết, đến nói này nói nọ, kiếm chuyện với tui…”, ông bật cười, đời ông tới nay, 68 tuổi, vẫn chưa quen biết làm quen với mạng xã hội hay smartphone.

Chia tay chúng tôi, đưa ra tới tận cửa, ông bước đi với dáng khỏe mạnh và tự tin, dù một bên là chân gỗ. Người cựu quân nhân VNCH khiến chúng tôi, trên đường về, cứ im lặng suy nghĩ điều ông nói. Khi hỏi về tâm trạng của ông là một thương phế binh VNCH, và cũng bị nhà nước hiện thời đối xử với định kiến, liệu ông có mặc cảm là một kẻ thua trận không? Ông Dương bật cười lớn sảng khoái “Người ta đầu hàng chứ tụi tui có nói mình đầu hàng đâu? Không đầu hàng thì sao gọi là thua?”.

Tuấn Khanh

Previous
Previous

Thư Cho Người Bạn Già

Next
Next

Đoạn trường “Hát Ô”