Những cuộc hành quân bí mật đầu tiên trên đường mòn HCM

Bắt đầu từ năm 1961, 1962, cơ quan Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (CIA) huấn luyện và tài trợ liên đoàn Quan Sát số 1 VNCH để chống lại các hoạt động của cộng sản trên đường mòn HCM.

 Trong suốt cuộc chiến tranh Đông Dương Thứ Nhất (1946 – 1954), quân cộng sản nơi miền bắc Việt Nam cố gắng chuyển quân dụng, vũ khí của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (Trung Cộng) vào miền nam, tiếp tế cho đồng bọn trên chiến trường miền nam Việt Nam. Kế hoạch tiếp tế cho chiến trường phương nam rất khó khăn vì lý do “cái eo” của Việt Nam (miền trung) rất hẹp và có nhiều đồn bót quân đội thuộc điạ Pháp. Theo một phương thức khác, đường dây tiếp vận của cộng sản là một hệ thống đường mòn chạy dọc theo đường biên giới phiá đông nước láng giềng Lào, qua cán chảo (panhandle) trước khi quay trở vào phần đất Việt Nam.

Sau một thời gian ngưng hoạt động ngắn (giữa thập niên 1950 – Hiêp định Genève), đến mùa Xuân 1959, quân đội Bắc Việt bắt đầu xử dụng lại những con đường mòn này để chuyển người, vũ khí, quân dụng vào miền nam Việt Nam. Nỗ lực này theo sau việc quân đội Bắc Việt tiến vào đất Lào ngày 14 tháng Mười Hai năm 1958, chiếm đóng khu vực hướng tây vĩ tuyến 17 vùng phi quân sự. Hệ thống đường mòn tiếp vận cho chiến trường miền nam bắt đầu có tên là đường mòn HCM.

Không bao lâu, cả hai chính quyền Hoàng Gia Lào và VNCH đều biết chuyện quân đội Bắc Việt tái xử dụng hệ thống đường mòn. Rõ ràng có vấn đề cho cả hai quốc gia, tuy nhiên người Lào ít bận tâm, do đó quân cộng sản cùng với dân công “tỉnh bơ” vận chuyển vũ khí cùng đồ tiếp vận trên đất láng giềng.

Chỉ có chính quyền miền nam ở Saigon lo ngại. Trong năm 1959, lo ngại muốn biết thêm tin tức về mức độ xâm nhập của địch trên đường mòn HCM, giới chức VNCH bắt đầu thương thuyết với chính quyền Hoàng Gia Lào cho phép QLVNCH thám sát khu vực phiá tây Lao Bảo theo đường số 9 vào đất Lào. Để giữ bí mật, quân biệt kích VNCH sẽ mặc quân phục Lào. Đến cuối năm (1959), quân VNCH (biệt kích) thường xuất hiện trong một tiền đồn (căn cứ tạm, bán thời gian) đặt trong làng Ban Houei Sane trên đất Lào.

Việc quân đội Bắc Việt xử dụng hệ thống đường mòn trên đất Lào bị ảnh hưởng bởi một biến cố xẩy ra. Trong tháng Tám năm 1960, một Đại Úy Nhẩy Dù trong quân đội Lào tên là Kong Le nắm quyền kiểm soát thủ đô Vientiane (Vạn Tượng), tuyên bố quốc gia “trung lập”. Vấn đề khủng hoảng chính trị xẩy ra, các sĩ quan trong nhóm “khuynh tả” tụ họp lại ở phiá nam Lào, bàn chuyện “chống đảo chánh”. Trong khi đó nhóm cộng sản Lào, gọi là quân Pathet Lào ủng hộ Kong Le. Đến tháng Mười Hai, tất cả các nhóm kéo về thủ đô Vientiane đánh lẫn nhau, gây thiệt hại nhiều cho thành phố.

Trận nội chiến xẩy ra khắp nơi trên đất Lào, trong tháng Giêng năm 1961, tiểu đoàn 12 quân đội Hoàng Gia  thường đóng quân phòng thủ phiá nam nơi làng Tchepone được lệnh di chuyển về hướng tây theo giòng sông Mekong (Cửu Long) đến thị trấn Thakhek. Thay vào Tchepone là tiểu đoàn 33 mới thành lập gồm quân tình nguyện (BV33).

Cảm thấy cơ hội “lấn đất” đã đến, đặc biệt dọc theo hành lang đường mòn HCM, quân đội Bắc Việt với sự yểm trợ của Pathet Lào (cộng sản Lào) tấn công vào Tchepone và Muong Phine gần đó ngày 29 tháng Tư năm 1961. Cả hai thị trấn đều rơi vào tay quân Bắc Việt trong vòng một ngày, mặc dầu được tăng cường một đơn vị Pháo Binh Thái Lan đến. Tiểu đoàn 33 bỏ chạy về Ban Houei Sane.

Kế hoạch của quân Bắc Việt trên đất Lào trở nên rõ ràng, sáu tháng trước đó họ đã thanh toán một tiền đồn (quân đội Hoàng Gia) ở Sam Luang nơi phiá nam. Tuy nhiên quân đội Hoàng Gia Lào vẫn hiện diện trong vùng, ngăn cản sự phát triển đường mòn HCM qua hai tỉnh Saravane và Attopeu trên đường vào vùng cao nguyên nam Việt Nam. Một đại đội thuộc tiểu đoàn BV43 đóng trong làng từ tháng Tám năm 1960, bị tràn ngập hôm 14 tháng Mười. Một tuần sau, ngày 21 tháng Mười, hai cánh quân lính Bắc Việt tiến vào tỉnh Kontum VNCH, chiếm đóng trong năm ngôi làng Thượng nơi hướng bắc Dak Pek (sau này là trại LLĐB Dak Pek, cải tuyển thành TĐ88/BĐQ/BP, căn cứ Đức Phong). Đến ngày 8 tháng Mười Một, các đơn vị Bắc Việt rút trở qua đất Lào. Đó là lần đầu tiên, quân đội Bắc Việt xâm lăng miền nam Việt Nam, kể từ sau trận chiến tranh Đông Dương Thứ Nhất.  

Những hoạt động của quân đội Bắc Việt làm giới chức cao cấp trong chính quyền miền nam Việt Nam lo ngại. Sau các trận tấn công ngày 29 tháng Tư năm 1961, vài viên chức cao cấp áp lực Tổng Thống Ngô Đình Diệm lấy lại Tchepone. Lo ngại chính quyền Bắc Việt phản ứng, tuyên truyền (Tchepone trên đất Lào), ông Diệm bỏ qua, ra lệnh giới hạn việc băng qua biên giới, giúp đỡ tiểu đoàn 33 Hoàng Gia Lào (đơn vị bảo vệ Tchepone).

Đơn vị đi tiếp viện VNCH bao gồm quân thuộc sư đoàn 1 Bộ Binh, được quân biệt kích liên đoàn 1 Quan Sát tăng cường. Đơn vị biệt kích là đơn vị chính yếu trực thuộc phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống, một danh xưng mơ hồ cho chiến tranh ngoại lệ, tình báo. Khởi thủy là Phòng Sáu (6) thời Pháp thuộc, phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống chuyên lo về phản gián. Sau khi bàn giao cho VNCH năm 1954, đã thay đổi danh xưng hai lần trước khi Trung Tá Lê Quang Tung được trao cho nhiệm vụ điều hành.  

Ông Tung là một sĩ quan được Tổng Thống Diệm tín nhiệm. Cũng như ông Diệm là người miền trung theo đạo Thiên Chúa. Cá tính thầm lặng đưa ông Tung thăng cấp bậc từ Trung Úy lên Trung Tá trong vòng hai năm. Trong khi điều hành ngành phản gián cho văn phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống, ông ta “xin ra” vào đầu năm 1957 khi người Hoa Kỳ giúp đỡ VNCH thành lập một liên đoàn Lực Lượng Đặc Biệt.

Bắt đầu với 70 sĩ quan, hạ sĩ quan được phòng LL/PTT tuyển chọn, được huấn luyện nhẩy dù và thông tin liên lạc. Trong mùa hè năm 1957, 54 quân nhân trong đơn vị này được đưa đi Nha Trang thụ huấn khóa biệt kích do toán huấn luyện Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ đảm trách.  Chu kỳ huấn luyện đầu tiên này có tên là “Cycle Cramer”, tên Đại Úy Cramer (tử nạn trong tháng Mười khi dậy thực tập về chất nổ). Kết qủa có 38 khóa sinh đầu tiên tốt nghiệp làm thành phần nồng cốt cho liên đoàn 1 Quan Sát, tiền thân của Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam.

Là một đơn vị trong quân đội VNCH, liên đoàn 1 Quan Sát được bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ lẫn cơ quan Trung Ương Tình Báo (CIA) yểm trợ. Đơn vị phát triển nhanh chóng, trong tháng Ba năm 1958, toán Cycle Cramer huấn luyện cho nhóm B, rồi C, D tiếp theo, mỗi nhóm gồm 50 sĩ quan, hạ sĩ quan tuyển chọn trong quân đội VNCH. Các quân nhân sau khi thụ huấn được chia ra các tiểu đội 15 người.

Mặc dầu được huấn luyện tốt, trang bị đầy đủ, liên đoàn 1 Quan Sát không được thành công như mong muốn trong ba năm đầu. Đại Tá Tung chỉ tập trung nỗ lực vào các hoạt động bí mật nơi miền bắc Việt Nam, một nhiệm vụ do cơ quan CIA yểm trợ mà phòng LL/PTT bắt đầu từ đầu năm 1958. Cấp chỉ huy liên đoàn 1 Quan Sát là Đại Úy Đàm Văn Qúy, một người thuộc sắc dân thiểu số Thổ nơi miền bắc Việt Nam, lúc nào cũng đặt đơn vị trong tình trạng sẵn sàng thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên, ngoài chuyến hành quân tảo thanh VC trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, ít khi đơn vị hành quân xa, ra khỏi thành phố Nha Trang.

Cho đến tháng Mười Một năm 1960, liên đoàn 1 Quan Sát mới được “rửa tội” bằng hỏa lực. Lữ đoàn Nhẩy Dù tổ chức đảo chánh, chiếm giữ vài khu vực trong Saigon, chống lại vị tổng thống đang dần dần mất uy tín Ngô Đình Diệm. Là người trung thành, khi được tổng thống gọi, Đại Tá Tung đưa liên đoàn từ Nha Trang về Saigon cấp tốc, tấn công đơn vị Nhẩy Dù trong khu vực trường đua Phú Thọ.

Sau cuộc đảo chánh thất bại, Đại Úy Đàm Văn Qúy được thăng cấp và giao cho chỉ huy tiểu đoàn 3 Nhẩy Dù. Thay ông ta là Đại Úy Bùi Thế Minh, một người theo đạo Phật, tuy nhiên đã có thời gian theo nhóm người Thiên Chúa chống cộng trước đó nên được sự tin tưởng của Tổng Thống Diệm và cấp chỉ huy trong phòng LL/PTT.

Dưới quyền Đại Úy Minh, liên đoàn được trao nhiệm vụ trợ giúp tiểu đoàn 33 (BV33) trên đất Lào trong mùa Xuân năm 1961. Ngày 5 tháng Năm, với quân số khoảng một nửa tiểu đoàn bao gồm quân biệt kích và sư đoàn 1 Bộ Binh, băng qua biên giới Lào Việt. Quân Việt Nam giúp phần còn lại tiểu đoàn 33 Hoàng Gia Lào lập phòng tuyến mới ở Ban Houei Sane. Quân biệt kích di chuyển xa về hướng tây 6 cây số nằm án ngữ cho tuyến phòng thủ. Một đơn vị Pháo Binh VNCH cũng di chuyển đến Lao Bảo để yểm trợ quân bạn.

Trong khi mọi chuyện đang xẩy ra, chính quyền Tổng Thống Kennedy tức giận vì quân đội Bắc Việt thao túng ở bên Lào, đặc biệt chuyện “lấn đất” hành lang phiá đông nam quốc gia này. Ngày 6 tháng Năm 1961, chính quyền Hoa Kỳ cho phép một chương trình bí mật chống lại Bắc Việt trong vùng Đông Nam Á. Là một phần trong chương trình, liên đoàn 1 Quan Sát được trao thêm nhiệm vụ chống lại VC trong miền nam Việt Nam. Một nhiệm vụ quan trọng khác, liên đoàn cho biệt kích giả thường dân xâm nhập vào phiá nam Lào, tìm kiếm tấn công đường giao liên của quân đội Bắc Việt. Những toán biệt kích này sẽ phối hợp với các đơn vị tấn công VNCH quân số khoảng 100, 150 người.

Để áp dụng chương trình bên Lào, chính quyền Hoa Kỳ trao nhiệm vụ cho ban Nghiên Cứu Hỗn Hợp (Combined Studies Division – CSD), một tiểu ban “Dân Sự Chiến Đấu” CIA đặt trụ sở trong tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Saigon. Đại Tá Gilbert Layton điều hành tiểu ban này (CSD), phiá Việt Nam do Thiếu Tá Trần Khắc Kính, chỉ huy phó phòng LL/PTT, đã thụ huấn xong khóa huấn luyện biệt kích Cramer chỉ huy. Làm việc với nhau, họ thảo ra chương trình Lei Yu (tiếng Madarin có nghiã là Mưa Sấm), sau đó đổi qua tiếng Anh là Typhoone, tiếng Việt là Lôi Vũ.

Thiếu Tá Kính xử dụng những toán biệt kích có sẵn trong liên đoàn 1 Quan Sát cho hành quân Lôi Vũ thay vì toán 15 người. Sau đó ông ta xem lại, xây dựng toán biệt kích 14 người “toán này có thể chia ra bốn tổ ba (3) người, thêm người chỉ huy và nhân viên truyền tin”. Ông ta nói thêm “Toán dễ chia ra trong trường hợp dưới áp lực của địch”. Đến giữa mùa hè năm 1961, 15 toán biệt kích (14 người trong toán) được đánh số từ 1 đến 15 tập họp trong căn cứ “Typhoon” gần trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Tất cả các toán biệt kích đều đã trải qua khóa huấn luyện nhẩy dù, biệt kích. Trong căn cứ, các toán Lôi Vũ nhận chỉ thị (lệnh hành quân) về nhiệm vụ của họ.

Phòng LL/PTT và CSD phải xây dựng đơn vị tấn công (2 đại đội) khi các toán biệt kích tìm ra căn cứ của địch. Đầu tiên, Thiếu tá Kính lên bộ tư lệnh sư đoàn 22 Bộ Binh trên Kontum, nơi có nhiều quân nhân sắc tộc thiểu số Thái, sống trên vùng đồi núi miền bắc trước đây. 160 người được tuyển chọn, đưa về Thủ Đức trong tháng Bẩy để được huấn luyện nhẩy dù, biệt kích. Sau khi huấn luyện xong, đại đội có tên là ĐĐ1 Biệt Kích Dù dưới quyền chỉ huy của Đại Úy Lương Văn Hơi, tốt nghiệp khóa 8 Đà Lạt, một người Thái trong vùng Điện Biên Phủ, đã từng chiến đấu trong tiểu đoàn 3 Nhẩy Dù.

Sau đó Thiếu Tá Kính đi Sông Mao, bộ tư lệnh sư đoàn 5 Bộ Binh, nơi có nhiều quân dân thiểu số Nùng, sống ở Mống Cái bờ biển miền Bắc. Ông ta tuyển chọn một đại đội rồi cũng đưa về Thủ Đức huấn luyện. Đó là đại đội 2 Biệt Kích Dù dưới quyền chỉ huy của Trung Úy Voòng Chay Mênh, một người Nùng đã tham dự chương trình White Star trước đó.

Trong lúc hai đại đội Biệt Kích Dù trải qua giai đoạn cuối việc huấn luyện, Thiếu Tá Kính đi bước đầu thả các toán biệt kích trong tháng Tám năm 1961. Toán biệt kích Lôi Vũ 1 do Thiếu Úy Nguyễn Văn Tôn làm trưởng toán lên chiếc Douglas C-47 không phù hiệu trong phi trường Tân Sơn Nhất bay qua biên giới Lào đến không phận tỉnh Attopeu. Toán biệt kích nhẩy dù xuống khu rừng phiá đông dọc theo bờ sông Se Kamane. Tất cả mặc quân phục không có phù hiệu, mang theo tiểu liên K Thụy Sĩ, để chính quyền Saigon có thể chối cãi trường hợp họ bị bắt.

Ngày hôm sau, ba toán biệt kích Lôi Vũ số 2, 3, 6 lên một C-47 bay sang Lào, nhẩy dù xuống khu vực thả toán 1 ngày hôm qua. Ít hôm sau, hai toán 7, 8 nhẩy dù xuống phiá nam nơi thả bốn toán trước đó. Sau khi các toán biệt kích nhận được thả dù tiếp tế, họ chia ra đi thám sát khu vực hoạt động. Cuộc hành quân biệt kích này thực hiện trong mùa mưa, gây khó khăn cho các toán biệt kích trong vấn đề di chuyển và quân đội Bắc Việt cũng hạn chế hoạt động. “Chúng tôi rất ít khi chạm địch”, theo lời Thiếu Úy Đặng Hưng Long trưởng toán Lôi Vũ 6.

Sau gần ba tháng hoạt động, các toán biệt kích gom lại, di chuyển bộ về hướng biên giới Lào-Việt. Lúc đó hai đại đội Biệt Kích Dù đã được không vận lên Kontum, có thêm hai Trung Sĩ y tá LLĐB/HK Paul Campbell và Ray James vừa mới sang Việt Nam từ Okinawa. Từ Kontum, đoàn quân di chuyển bằng xe đến một tiền đồn gần làng Ben Het (tam biên, sau này là trại LLĐB Ben Het, TĐ95/BĐQ/BP). Đến nơi, Đại Úy Hơi đại đội trưởng ĐĐ1 lấy ra một toán quân 90 người, di chuyển qua Lào lên đón bốn toán Lôi Vũ (1, 2, 3, 6) ở phiá bắc rồi đưa về. Cùng lúc, toán quân thứ hai đi đón hai toán ở phiá nam (7, 8). Một tuần lễ sau, cả hai đại đội Biệt Kích Dù cùng các toán Lôi Vũ về đến Ben Het an toàn.

Trong tháng Chín, Thiếu Tá Kính phác họa một cuộc hành quân Lôi Vũ thứ hai nơi hướng nam Tchepone. Lý do vấn đề từ cuộc hành quân trước, các phi công C-47 không thả các toán biệt kích đúng mục tiêu, hai toán biệt kích 5, 10 được đưa sang căn cứ không quân Hoa Kỳ Takhli ở Thái Lan, lên phi cơ Curtiss C-46 Air America (CIA thuê). Với phi công, phi hành đoàn người Hoa Kỳ, hy vọng hai toán biệt kích sẽ được thả đúng mục tiêu hơn. Theo Miles Johnson, một trong ba chuyên viên nhẩy dù Hoa Kỳ đi theo chuyến bay “Họ ngồi rất chật chội (2 toán biệt kích), chúng tôi dùng giấy carton che cửa sổ bật đèn sáng bên trong máy bay cho họ bớt căng thẳng”.

Khi chiếc phi cơ C-46 bay vòng trên không phận phiá nam Tchepone, hai toán biệt kích Lôi Vũ (5, 10) nhẩy dù xuống một ngọn đồi nhỏ gần làng Muong Nong. Mọi chuyện không êm xuôi, một biệt kích quân bị thương nơi lưng lúc đáp xuống. Sau khi thiết lập liên lạc với bộ chỉ huy, toán biệt kích yêu cầu trực thăng cứu thương vào di tản. Điều này gây rắc rối cho Saigon, lúc đó hành quân Lôi Vũ chỉ được phép xử dụng phi cơ có cánh bay qua biên giới, chưa được phép xử dụng trực thăng. Cuối cùng, viên phó trụ sở CIA (Saigon) cũng chấp thuận và một phi cơ VNCH Sikorski H-34 bay đi cứu.

Việc đưa trực thăng cứu thương vào gây nguy hiểm cho các biệt kích quân còn ở lại. Địch quân theo dõi chiếc trực thăng đáp xuống, xác định vị trí hai toán biệt kích rồi tấn công, bắt sống quân nhân y tá trong toán 5. Cả hai toán biệt kích bỏ chạy về đến tiền đồn của VNCH ở Lao Bảo.

Cho chuyến hành quân kế tiếp, CIA và phòng LL/PTT quyết định trong tháng Mười Một, thiết lập lại sự hiện diện nơi phiá nam Attopeu. Lần này để tăng cường thêm sức chiến đấu, toán 4 sẽ xâm nhập cùng với một trung đội trong đại đội 2 Biệt Kích Dù. Trở lại với Không Quân VNCH, hai toán quân nhẩy xuống gần bờ sông Se Sou. Sau khi che dấu bao gạo gần bãi thả dù, quân biệt kích chia nhau đi nhiều hướng thám sát. Không như lần thám sát Attopeu trước, có nhiều dấu vết của địch. Theo lời trưởng toán 4 Cẩm Ngọc Huân “Chúng tôi có thể nhìn thấy ánh lửa nấu cơm của địch và nhiều hoạt động khác”.

Thời tiết gây trở ngại cho máy bay tiếp tế, khi quân biệt kích quay trở lại bãi thả dù, bao gạo dự trữ của họ bị chuột ăn hết. Quân biệt kích quyết định đi đến phi trường Attopeu với hy vọng đổi được đồ ăn với quân đội Hoàng Gia Lào. Trên đường di chuyển, quân biệt kích theo dõi một ngôi làng, trông thấy đàn ông xay lúa, mặc quân phục mà họ cho là đơn vị Hoàng Gia. Điều này làm cấp chỉ huy yên tâm hơn.

Sáng hôm sau, quân biệt kích lên máy báo cáo mục đích của họ rồi tiếp tục đi về hướng tây (ngôi làng). Sau khi di chuyển được khoảng 100 thước, họ bị bắn, Huân kể lại “Chúng tôi nhìn thấy dấu chân người nhưng vẫn tin là quân đội Hoàng Gia. Tôi la lớn bằng tiếng Lào, yêu cầu họ ngừng bắn”. Khi tiếng súng im, một trung đội bao vây quân biệt kích. Trong khi quân biệt kích hạ thấp súng để tỏ ý thân thiện, họ bị ra lệnh bỏ vũ khí xuống, đầu hàng. Cẩm Ngọc Huân nhận ra địch quân là một đơn vị hỗn hợp Pathet Lào và Bắc Việt, đã quá muộn để chiến đấu.

Khi quân cộng sản đi tịch thu súng, ba quân biệt kích Lôi Vũ, ba biệt kích Nùng vụt chạy vào rừng, hướng về Attopeu. Phần còn lại bị dẫn độ vào sâu trong rừng khoảng một cây số, thẩm vấn. Máy truyền tin của quân biệt kích vẫn còn tốt và họ bị ép buộc gọi về bộ chỉ huy báo cáo xin tiếp tế. Người lính truyền tin làm theo lệnh, nhưng khôn ngoan gửi thêm mật mã để báo động cho bộ chỉ huy, họ đang gặp nạn.

Lo lắng các biệt kích quân đang gặp nguy hiểm, Thiếu Tá Kính tính chuyện kế tiếp. Để có thời gian, ông ra lệnh cho quân biệt kích (bị bắt) quay trở lại bãi thả dù. Ông ta dự trù thả thêm quân biệt kích nơi hướng tây để lùa địch chạy về hướng đông, nơi có một đơn vị bộ binh VNCH bố trí sẵn dọc theo biên giới. Tuy nhiên đơn vị bộ binh VNCH từ chối tham gia kế hoạch của ông ta.

Một cách khác, Thiếu Tá Kính liên lạc với đối tác Hoàng Gia Lào của ông ta, yêu cầu xử dụng không quân thả bom. Sau bốn ngày, ông ta lên máy ra lệnh cho quân biệt kích chuẩn bị nhận hàng tiếp tế. Quân cộng sản cùng với tù binh biệt kích không ngờ bị phi cơ T-6 Không Lực Hoàng Gia Lào oanh kích. Lợi dụng lúc phi cơ thả bom, thêm ba biệt kích quân trong đó có nhân viên truyền tin toán 4 chạy thoát vào rừng.

Nổi điên vì sự chậm trễ, lừa đảo, quân cộng sản bắt các biệt kích quân cởi giầy ra (để khỏi chạy trốn). Đi chân không, tay trói sau lưng, các biệt kích quân được cho biết phải đi chừng  một tuần lễ đến một phi đạo trong rừng, sau đó sẽ có phi cơ đưa ra bắc. Chỉ một ngày sau, một số biệt kích trốn thoát, chạy về Attopeu, trong đó có trưởng toán Lôi Vũ 4 Cẩm Ngọc Huân. Cuối cùng chỉ còn một quân nhân biệt kích bị bắt.

Được biết chuyện biệt kích quân VNCH, vị chỉ huy quân đội Hoàng Gia Lào ở Attopeu, Đại Tá Khong Vongnarath ra lệnh cho hai đại đội đi đón các quân nhân biệt kích đang chạy trốn. Đến cuối tháng Mười Một, 35 biệt kích quân đến Attopeu, Thiếu Tá Kính xin một phi cơ C-47 qua Lào đưa quân biệt kích về Việt Nam.

Để tránh thảm họa vừa qua, các toán biệt kích Lôi Vũ trở lại Tchepone đầu tháng Mười Hai. Trong sáu toán biệt kích chọn lọc, hai toán 1 và 5 nhận nhiệm vụ lần thứ hai. Với kinh nghiệm, trưởng toán 5 Nguyễn Ngọc Giang xin giảm nhân sự toán xuống sáu người để dễ di chuyển. Thiếu Tá Kính đồng ý, các toán khác vẫn giữ 14 người.

Sau khi ba toán biệt kích đã xâm nhập, ba toán còn lại lên hai chiếc C-47 trong phi trường Tân Sơn Nhất, bay đến mục tiêu. Sau khi bay nhiều vòng trên đầu bãi thả dù, không liên lạc được ba toán biệt kích dưới đất, họ phải bay về. Đêm sau, phi cơ bay trở lại và bắt liên lạc đưọc với quân bạn.

Trên chiếc phi cơ đầu, trưởng toán 5 Giang nhẩy ra trước với máy truyền tin để trong ba lô treo lủng lẳng giữa hai chân. Đó là một sai lầm lớn. Khi anh ta rơi xuống xuyên qua cành lá rậm rạp, máy truyền tin lôi anh ta, đập xuống đất rất mạnh, gẫy xương quai hàm. Toán viên trong toán 5 tìm thấy anh ta một tiếng đồng hồ sau. Họ dấu trưởng toán 5 Giang trong một hang động, lấy đi vũ khí của anh ta vì sợ anh ta tự sát. May thay, máy truyền tin vẫn tốt, quân biệt kích liên lạc xin trực thăng vào di tản.

Một lần nữa Thiếu Tá Kính được CIA chấp thuận cho phi hành đoàn H-34 Việt Nam bay qua đất Lào. Lần này chiếc H-34 được hai chiếc Douglas A-1 Skyraider hộ tống. Đích thân Thiếu Tá Kính ngồi trên một chiếc C-47 điều động việc cấp cứu. Theo kế hoạch, ông Kính bay lên vùng trước, trong khi hai trực thăng H-34 lấy thêm xăng ở Khe Sanh. Sau khi hai chiếc khu trục A-1 cất cánh từ phi trường Đà Nẵng, ít phút sau bị mất liên lạc. Không liên lạc được với phi cơ A-1, kế hoạch cấp cứu phải hủy bỏ, sau này được biết cả hai phi cơ A-1 đâm vào núi Ba Lòng.

Không còn trực thăng cứu thương vào di tản, bốn người trong các toán biệt kích ở lại bảo vệ Giang. Quân đội Bắc Việt truy lùng toán biệt kích làm họ phải bỏ chạy về Lao Bảo. Ngày 10 tháng Mười Hai, Giang cùng y tá toán 1 bị bắt.

Đến cuối năm, hành quân Lôi Vũ có vài thay đổi bề mặt. Từ tháng Bẩy, một biệt kích liên đoàn 1 Quan Sát đi theo chuyến phi cơ thả dù tiếp tế bị bắt, khi phi cơ bị bắn rơi nơi miền bắc, đã khai phần nào về hành quân Lôi Vũ. Do đó, liên đoàn 1 Quan Sát đổi tên 77 (ngày 7 tháng Bẩy năm 1954, Tổng Thống Diệm nắm quyền). Cũng trong vụ phi cơ rơi nơi miền bắc, một nhân viên phi hành đoàn khai tên Đại Úy Bùi Thế Minh, nên Thiếu Tá Phạm Văn Phú được chỉ định thay làm liên đoàn trưởng liên đoàn 77. Ông Phú đã từng làm tiểu đoàn phó một tiểu đoàn nhẩy dù, nhẩy dù xuống Điện Biên Phủ và bị bắt khi căn cứ thất thủ.

Dưới quyền Thiếu Tá Phú, ông ta yêu cầu lập thêm hai đại đội Biệt Kích Dù 3 và 4. Đại đội 3, Thiếu Tá Kính chọn những quân nhân nhẩy dù VNCH đã thuyên chuyển ra đon vị khác, sau này ông ta thú nhận, đa số vi phạm kỷ luật. Đại đội 4 đa số là người theo đạo Thiên Chúa tình nguyện qua sự giới thiệu của linh mục Mai Ngọc Khuê. Đại đội này dưới sự chỉ huy của Trung Úy Trần Khắc Khiêm, em trai Thiếu Tá Kính.

Với bốn đại đội Biệt Cách Dù, hành quân Lôi Vũ trở lại đầu năm 1962. Không như lần trước xâm nhập vùng hành quân từ hai hướng bắc nam, lần này chỉ xung quanh Tchepone, không nhẩy dù, xâm nhập bằng đường bộ từ Khe Sanh.

Đại đội 1 Biệt Cách Dù với bốn toán biệt kích Lôi Vũ bắt đầu trong tháng Giêng. Họ di chuyển bộ đến một tiền đồn ở Lao Bảo sát biên giới. Sau đó theo hướng nam đến Muong Nong. Theo kế hoạch, đoàn quân này phải “nằm vùng” bốn tuần lễ, nhưng ít lâu khi vào đến khu vực hành quân, họ bị phát hiện bắn xối xả. Sau khi bốn biệt kích quân bị thương, họ phải rút lui về Lao Bảo. Theo lời một cấp chỉ huy Biệt Kích Dù “Ở Lao Bảo có 2 khẩu 105 ly và một đại đội thuộc sư đoàn 1 Bộ Binh. Từ căn cứ này, chúng tôi có thể  đánh và chạy về hướng Tchepone”.

Cho đến cuối mùa Hè năm 1962, hành quân Lôi Vũ đóng quân ở Khe Sanh và Lao Bảo. Đến tháng Mười, một hiệp định Quốc Tế về hòa bình được áp dụng cho nước Lào, đòi hỏi tất cả quân đội viễn chinh (ngoại quốc) phải ra khỏi quốc gia Lào. Quân đội VNCH rút ra khỏi Lao Bảo, hành quân Lôi Vũ chấm dứt.

Tổng kết hành quân Lôi Vũ có 41 lần toán biệt kích hành quân xâm nhập, kéo dài từ một tuần đến ba tháng. Một chuyến xâm nhập đáng kể là lần xâm nhập theo dõi phi đạo nơi phiá tây Tchepone kéo dài hai tháng, nơi mà quân đội Bắc Việt xử dụng phi cơ vận tải chở đồ tiếp vận. Thêm vào có tám cuộc hành quân cấp đại đội do tin tức tình báo các toán biệt kích Lôi Vũ đem về.

Mặc dầu hành quân Lôi Vũ đã chấm dứt, nền hòa bình trên đất Lào không được lâu. Đầu năm 1963, Bắc Việt vi phạm nền hòa bình của nước láng giềng, có nhiều bằng chứng cho thấy họ gia tăng xử dụng hệ thống đường mòn HCM. Để đáp ứng tình thế, chính quyền Hoa Kỳ cho phép hành quân “vượt biên”, thâu thập tin tức tình báo. Một vòng thứ hai về các hoạt động bí mật phá hoại đường mòn HCM sắp bắt đầu.

Ken Conboy là cựu phó giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Á Châu ở thủ đô Washington.

James Morrison là một sĩ quan về hưu sau 30 năm phục vụ trong quân đội.

Cả hai đã viết nhiều tài liệu về quân sử Á Châu, hành quân bí mật.

Đọc thêm: Shadow War (Chiến Tranh trong Bóng Tối): Cuộc chiến bí mật của CIA trên đất Lào. Tác Giả Ken Conboy, James Morrison.

 Dallas, Texas 03/17/2014

vđh     

Tác giả Ken Conboy, James Morrison                                                                                                    

Previous
Previous

Thư từ ngoài mặt trận Chiến dịch Desert Shield-Desert Storm

Next
Next

HOÀI NIỆM MỘT THỜI YÊU QUÝ NHẤT TRÊN ĐỜI