Những Gì Còn Nhớ Về Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức VNCH

Khóa đàn anh gắn alpha cho khóa đàn em

Ai trong chúng ta, khi đã một lần được huấn luyện tại Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức đều có ít nhiều kỹ niệm không quên. Tôi dù chỉ được thụ huấn giai đoạn 1 khoa 24 năm 1966 ở trường nhưng đối với tôi trường đã mở ra trong tôi bao nhiêu kỹ niệm và kinh nghiệm bổ sung cho tôi về tình huynh đệ, tính kiên nhẫn, sự chịu đựng cho suốt những năm tháng của cuộc sống sau khi rời trường sang học chuyên môn, ra đơn vị, biệt phái về Viện Định Chuẩn và sống tha phương cho đến ngày nay.

Nhìn lại những hình ảnh cũ của Trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức trong bài viết "Niềm vui quân trường" của Nguyễn Thừa Bình, lòng tôi vô cùng xúc động và những kỹ niệm vui buồn của mấy tháng ở quân trường lại hiện về rất rõ.

Tôi cũng có những niềm vui ngay những ngày đầu vào quân trường. Xúng xính trong bộ đồ trận, lúng túng chỉnh quai nón sắt, cột dây giầy sao cho đúng cách. Học cách trải drap giường để làm lại cho ngay ngắn trước khi chạy ra sân tập họp. Ra tập họp phải đúng giờ không thì bị phạt "hít đất". Sáng nào cũng điểm tâm với bánh mì với chuối già, cơm nhà bàn thường xuyên, thỉnh thoảng mới ăn cơm câu lạc bộ, học tập và tập quân sự suốt ngày. Có lúc ở bải ngồi nghe sĩ quan huấn luyện giảng, dưới ánh nắng thiêu đốt mà ngủ thiếp đi hồi nào. Dù vậy, khi được thăm viếng, người yêu của tôi khen tôi trông rắn rỏi beau trai hơn, tôi nhìn ánh mắt nàng thì tôi cũng nhận ra đó là những lời khen chân thật. Lúc nào nàng cũng là một trong số ít người bịn rịn chia tay tôi trước khi rời khỏi khu thăm viếng.

Nhắc tới nàng tôi thấy nhớ thương nàng nhiều. Lúc nào nàng cũng không bỏ một buổi đi thăm trường Bộ Binh và cả bên trường Quân Cụ. Khi tôi ra trường sắp đổi ra đơn vị, nàng bịn rịn báo tin mẹ nàng muốn tôi phải tiến tới, nếu không thì phải gả nàng cho người đang đi hỏi nàng.

Chúng tôi rất khổ tâm vì hoàn cảnh của tôi trước mắt chưa có hướng đi cho bản thân làm sao gánh thêm trên vai gia đình của riêng mình? Chúng tôi đi chơi với nhau vài ngày sau đó và nàng cũng cảm thông với suy nghĩ của tôi "người lữ hành cô độc". Chúng tôi không còn gặp nhau nữa từ ngày tôi ra đơn vị.

Bẳng đi mấy năm sau, người anh họ của nàng cũng là bạn làm việc chung với tôi ở Phòng thí nghiệm đất đai, khu Quarry Biên Hòa cho tôi biết tin buồn chồng nàng là sĩ quan nhảy dù tốt nghiệp Trường Vỏ Bị Đà Lạt đả tử trận. Hình ảnh người thiếu phụ trẻ để tang chồng trong thời chiến đả làm tôi đau buốt tâm can.

Dù chỉ sống với nhau chung trong một trung đội, khi tôi được chuyển sang trường Quân Cụ, thì Nguyễn Tự Lập người bạn cùng trung đội nằm giường đối diện với tôi còn ở lại quân trường và sau khi mản khóa, anh được thuyên chuyển về đơn vị địa phương quân ở Ba Xuyên. Lập có gia đình trước tôi, nên hể có phép là về Saigon thăm cha mẹ và người vợ trẻ. Ngày tôi được biệt phái về Viện Định Chuẩn, lúc trụ sở còn ở số 30 Gia Long, thì Lập có ghé chơi. Chúng tôi đi ăn với nhau, và Lập hứa tháng sau về sẽ ghé gặp tôi.

Tháng này rồi lại tháng khác, tôi nóng lòng ghé nhà bố mẹ của Lập thì ôi bạn Lập bạn không còn nữa, sao lại như thế được? Lập đi lấy lương về cho đơn vị và ghe bị phục kích, anh đả ra đi khi người vợ sắp sanh. Tôi bùi ngùi thắp nén hương cho anh ở nghĩa trang Biên Hòa. Nay vật đổi sao dời, không biết mộ anh còn đó không, nhưng tôi vẫn thương tưởng và nguyện cầu cho vợ con anh an bình và anh linh của anh đả siêu thoát, những đau buồn ngang trái của kiếp người đã tan loảng vào hư không.

Làm trai lớn lên trong chiến tranh, những ngày tháng nhập ngủ và ra đơn vị đả cho tôi mục kích bao nhiêu thảm trạng của chiến tranh. Tôi đả khóc cho thân phận mình và cho thân phận quê hương trước những điêu tàn đổ nát, những chia ly tang tóc.

Trong cái bé nhỏ của kiếp người, tôi chỉ biết tu tập để tự chữa cho những vết thương của chính mình và góp lời kinh thoa dịu đau thương của bạn bè, đồng bào tôi còn trên quê hương hay trôi dạt khắp bốn phương trời.

Previous
Previous

Nỗi buồn cuối đời của một người lính già lưu lạc

Next
Next

Mẹ Ở Đâu?... Về Với Con