Những ngày tháng khó quên trong đời lính
"Anh 20 vào quân ngũ, em 16 đến vũ trường” lời Y Vũ.
Dù Y Vũ đã giã từ cõi đời đi vào miền miên viễn nhưng đối với tôi lời nhạc của Y Vũ luôn lôi cuốn tôi của một thời lớn lên trong tao loạn. Lớn lên ở một vùng quê hẻo lánh mang tên gọi Mỹ Sơn, về phía Bắc giáp giới quận Tiên Phước, phía nam là tỉnh Quảng Ngãi, hướng Tây là dãy Trường Sơn bao la cây cối đâm thẳng vào Nam và hướng đông bờ biển Đại dương không quá 20 cây số đường chim bay. Tôi lớn lên với đồng lúa vàng những rừng chè, rừng quế, từng bụi chuối, vườn khoai và xa xa trên dãy Trường Sơn thấp thoáng vài buông Thượng, chỉ được nghe tiếng chim kêu vượn hú vào những hoàng hôn và nhìn những đàn nai tơ xuất hiện khi thu về. Thời thái bình cửa thường bỏ ngỏ là đây! Người dân quê nghèo nàn, chất phát quanh năm với ruộng lúa, vườn khoai dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn như thế nào họ cũng cứ chịu đựng đời này sang đời khác mà chẳng ai muốn xa quê hương để mưu sinh.
Năm tôi chừng 10 tuổi ba mẹ tôi phải rời vùng đất phì nhiêu để tránh bom đạn chiến tranh và lúc đó tỉnh Quảng Nam được chia ra thành 2 tỉnh, từ quận Thăng bình trở vào Nam và một vùng đất Quảng Ngãi cũng bị cắt ra để thành lập tỉnh Quảng Tín thời Tổng thống Ngô Đình Diệm và được Cụ Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ đến cắt băng Khánh thành năm 1961. Và tôi có cơ hội xem lính Nhảy dù biểu diễn nhảy dù ngay tỉnh lỵ. Sau làn khói xanh, đỏ một phi cơ lớn hơn bay tới và từng cánh dù rơi ra từ phía sau tạo nên những nụ hoa không gian tỏa khắp bầu trời làm tôi ngưỡng mộ vô cùng, họ vừa đẹp trai và oai phong quá trong bộ đồ rằn ri màu huyết đậm trên đầu chiếc beret đỏ… họ thật là thần tượng của tuổi trẻ chúng tôi. Ở thời điểm này, hoàn cảnh bất ổn đang trên đà xảy ra, buộc gia đình chúng tôi thay đổi cuộc sống toàn diện, ba tôi đổi sang nghề công chức, mẹ tôi bôn ba lo cho chúng tôi và tôi thật sự cắp sách đến trường nơi xa lạ.
Trong thời gian mòn ghế nhà trường từ Phan Chu Trinh, Đà nẵng đến Trần Cao Vân, Tam kỳ khá dài nhưng cũng đến lúc ra đi với mảnh bằng Tú tài phần 2.
Cổng trường Sư phạm Quy Nhơn
Ba tôi ép tôi phải vào ngành Sư phạm và có 2 nơi để chọn cho gần nhà, đó là Đại học Sư phạm Huế và Sư phạm Quy Nhơn. Thi vào Sư phạm gồm có 2 phần nhưng may quá tôi đã lọt được cả 2 phần viết và oral ở Quy Nhơn nên tôi bỏ ngang cơ hội thi vào Sư phạm Huế và thế thì ba mẹ tôi vui mừng vì con mình đâu phải đi lính. Thế rồi thời gian cũng lướt đi nhanh, gia đình chờ ngày con trai của mình ra trường và tìm nơi bình an để tôi còn được gõ đầu trẻ em nhưng tất cả không xảy ra như vậy. Vì thấy nghề gõ đầu trẻ em không phù hợp và buồn chán. Mê lính nhảy dù! Tôi gạt gia đình để chọn đời quân ngũ, tôi mượn cớ “mùa hè đỏ lửa” phải nhập ngũ, năm đó tôi tròn 20. Ghi danh tại thị xã Quy Nhơn và rồi được đưa đến trung tâm 2 Nhập ngũ Nha trang. Sau khi làm thủ tục xong, tôi có tấm thẻ bài đeo vào cổ với tên, số quân và loại máu cùng với túi quân trang nào quần áo mùng mền. Trong những ngày ở đây để chờ nhập khóa, tôi ra vào và ghé phòng ăn Sinh viên sĩ quan (SVSQ) mỗi ngày 2 lần. Cuối tuần xin phép về thăm gia đình nhưng tôi chỉ trở lại Quy Nhơn thôi, đâu dám về nhà biết đâu mà thưa, bị lộ tẩy… và tạo buồn rầu lo lắng của ba mẹ! Hơn nữa, dù sao cũng là kỷ niệm của gần 2 năm trong ghế sư phạm, tôi không quên bánh ướt, bún riêu ở văn trường, cuối tuần đón xe lam về phố xem cine, ăn trái cốc, uống nước mía bịch nylon. Đôi lúc mẹ tôi cho thêm tiền, tôi rủ vài người bạn ghé đường Gia long uống trà Lipton và ăn bánh Patê chaud cùng bạn lắng nghe những điệp khúc thời LU&P… Trở lại trung tâm 2 sau vài lần về phép, tôi được gọi tên nhập khóa và cứ tưởng rằng mình sẽ vào Thủ đức nào ngờ đoàn xe GMC chở ngược về hướng Bắc quốc lộ 1 và đổ chúng tôi xuống chân núi đèo Rù Rì nơi đó được gọi là trại tiếp nhận, chúng tôi ở đây hơn 1 tháng mới gởi sang Đồng đế để nhập khóa, sau gần 1 năm huấn luyện từ binh sĩ đến cấp Sĩ quan trung đội trưởng và chiến dịch Tâm lý chiến nơi vùng đất đỏ biển hồ Pleiku với vui buồn lẫn lộn thêm yêu thương, lắm kỷ niệm tràn ngập…chúng tôi được trở lại quân trường tiếp tục học phần còn lại và rồi ngày mãn khóa cũng đến, một sĩ quan tốt nghiệp trường Hạ sĩ quan, tôi chọn binh nghiệp binh chủng Nhảy dù như ước mơ…không còn là huyền thoại nữa, đến Bộ chỉ huy Sư đoàn Nhảy dù nằm trong trại Hoàng Hoa Thám để trình diện và theo học khóa dù mãn khóa sau một tháng huấn luyện căn bản với 6 lần nhảy thực tập, tôi trở thành người lính Nhảy dù chính gốc với bằng nhảy dù trên túi áo, tôi được bổ sung về phục vụ trong Tiểu đoàn 9 với chức vụ Trung đội trưởng cho đến ngày 30/4/1975.
Cuộc đời nhà bình ngắn ngủi nhưng đã cho tôi những đoạn đường khắc khổ thắm máu đào rơi, đượm tình huynh đệ trên trận mạc từ đầu mùa hiệp định Paris 1973, triển miên đóng chốt để giữ đất, giữ dân nơi tuyến đầu Quảng trị những ngày tháng này tuy bình yên, địch và ta cùng tắm chung một suối, đêm về lắng nghe chương trình Dạ Lan mỗi đêm và cũng cho bộ đội Việt cộng nghe theo làm cán bộ Việt cộng tức giận, lừa đêm tối cộng quân đột kích tấn công đơn vị chúng tôi làm bị thường vài binh sĩ, chúng tôi tức giận phản công lại và cộng quân tố cáo chúng tôi vi phạm ngưng bắn! Thế rồi, tiểu đoàn được lệnh về Sài gòn, chúng tôi mừng quá, mua vài thứ hàng làm quà xuôi Nam. Chúng tôi được GMC chở thẳng tới phi trường Đà Nẵng bỏ lại bao đồng đội đã cùng ra đi nhưng không trở lại, phải trả lời sao với vợ con họ đây! Tôi có 2 lính trẻ vừa về trung đội tôi chưa được 1 tuần đi tắm suối bị cộng quân phục hận bủa 2 trái B40 thân xác không gói trọn nón sắc. Tuy không sống chung được bao lâu nhưng cay đắng quá, tụi nó chết quá sớm để biết nếm mùi của lính Nhảy dù.
Sau khi lên đường đến Bà rịa, Vũng tàu để nhảy những saut bồi dưỡng cánh dù lơ lững trời xanh nhắc cho mình đang đi mây về gió và những cánh dù khác cũng đang tung tăng với gió để về điểm hẹn! Quá hạnh phúc sau những tháng ngày ngưng chiến theo hiệp định Paris. Ở lại Bình giả thêm một tuần ứng chiến, đơn vị tôi được trở lại Sài gòn nằm trong hậu cứ Trần Thanh Phương bảng danh của Tiểu đoàn 9 Nhảy dù để tái bổ sung và không lâu khoảng đầu tháng 8, 1974 chúng tôi có lệnh hành quân mới, máy bay C-130 cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất bốc chúng tôi tới phi trường Đà nẵng và được GMC đưa chúng tôi vào Đại Lộc, Quảng nam.
Trận Thượng Đức - Cuộc thư hùng
Nam-Bắc cuối cùng
Với bổn phận và trách nhiệm của một trung đội trưởng tôi thật sự đi vào chiến địa đẫm máu. Lúc này tiểu đoàn 9 chúng tôi chịu trách nhiệm trục lộ chính của cuộc tiến quân, mà đại đội 92 chịu trách nhiệm đánh vào đồi 383 để hướng về đồi 1062, Trung úy Nhơn điều động đại đội, xuất quân dọc theo cánh đồng ruộng cận sông Vu gia và làng Hà nha, chiếm lĩnh dãy đồi thấp để hướng vào mục tiêu chính. Sau những ngày đêm bò từng tất đất, hứng chịu đủ loại phi đạn tầm xa và súng cối 82 ly của cộng quân bắn không ngớt rồi từng đợt tấn công dữ dội của cộng quân, tôi thật sự đi vào chiến địa máu đổ thịt rơi này. Nó khủng khiếp hơn mùa hè đỏ lửa, nó tàn bạo hơn Tết Mậu thân… bởi chúng tôi quân số với 2 Lữ đoàn (1&3) chưa đầy 6,000 binh sĩ lại chống chọi với Sư đoàn 304 Điện biên và 324 với hơn 20,000 quân cộng sản chưa kể Sư đoàn 320, 329B và 711 thuộc QĐ2/CSBV chờ sẳn để xé xác người lính Nhảy dù chúng tôi và phải nói đơn độc chiến đấu với đạn dược giới hạn, không có quân bạn hậu thuẫn …và đường đi vào mục tiêu quá chông gai, nào mưa phùn, gió rét, cái lạnh xé da, cây cối chằng chịt, với những hang đá cao vèo và cộng quân đã bám giữ, làm cản trở bước tiến quân, phần nữa quân cộng sản bao vây tứ bề nã đạn không ngớt, vừa đánh vừa đi, thỉnh thoảng binh sĩ đạp mìn con cóc bay mất chân lúc nào không biết! Lấn chiếm được từng khe đá, trớ mình trốn đạn lại bị những con vét nằm trong lá ủ bóm chân hút máu no rồi lại rớt, trong đêm tối đạp phải những ổ ong dẽ từng đàn ong hoảng hốt bay ra đốt chúng tôi sưng cả mặt mày nhưng cũng may nhờ chiếc áo poncho che mưa, che gió ngăn cản được sự quấy rầy của đàn ong, mỗi bước tiến quân là thêm phần đổ máu, càng đi thì quân số càng hụt dần nào chết nào bị thương, tôi ngồi núp đạn bên hang đá cùng đồng đội móc bao gạo sấy đã ngâm nước mấy ngày qua đút vào miệng nhai lót bụng và thầm nghĩ nếu không may chết sớm thì đỡ hành thân xác hơn, cứ miệt mài như thế này rồi đến lúc cũng hy sinh. Sau cơn bạo chiến ác liệt giữa 2 bên Đại đội 92 của chúng tôi hoàn toàn kiểm soát đồi 383 để các đơn vị khác nhẹ đường vào 1062.
Sau gần tháng chiến đấu tôi không may bị thương nơi chân vì mảnh đạn pháo. Tôi được chuyển về bệnh viện Duy Tân ở Đà nẵng để điều trị vết thương đúng tháng sau, tháng 10, 1974 vì nhu cầu chiến trường thiếu hụt quân số tôi được lệnh trở lại đơn vị và tiếp tục hướng dẫn trung đội vào mục tiêu được giao phó với thần chết đón chào. Trong tháng 10 này, đôi bên giằng co nơi đồi 1062 và vùng lân cận quá dữ dội không cọp nào chịu nhả miếng mồi đồi “1062”. Cứ thay phiên nhau mà chiếm giữ, xác thịt lính dù và quân cộng sản nằm la liệt bên nhau bốc mùi hôi thối. Tôi tự nhủ, tuổi trẻ chúng ta chết cho ai đây? Và chết để được gì? Trong lúc lệnh ngưng bắn đã được thỏa thuận giữa 2 bên trong hiệp định Paris hơn 1 năm rồi nhỉ! Và nếu tôi biết vâng lời cha mẹ, hay đừng nghe “Những tâm hồn hoang lạnh” điên hận của Y Vũ mà Thanh Thúy đã rên rỉ…”anh sinh ra làm lính chiến, em trọn kiếp đến vũ trường, những bân khân của lòng anh, những chua cay của đời em…” thì nay đâu phải tự trách chính mình! Hay tại vì tôi thích chết cho màu nón đỏ! Sau khi cộng quân dùng mọi hoả lực để lấy lại đồi 1062 do Tiểu đoàn 3 Nhảy dù trấn thủ, lần này Tiểu đoàn 3 Nhảy dù bị thương vong quá nhiều nên bị cộng quân tràn ngập. Một lần nữa Tiểu đoàn 9 Nhảy dù vào cuộc, nhận trách nhiệm chính đánh thẳng vào đồi 1062 và được sự yểm trợ của phi đoàn A-37 thả 2 trái bom xuống đồi, một trái khác rơi sát chúng tôi hú hồn không gây thương tích và đơn vị Sư tử chúng tôi thần tốc vừa tiến vừa nhả đạn vào mục tiêu hầu hết cộng quân bị tiêu diệt và chúng tôi làm chủ tình hình đồi 1062. Sáng nay, nằm trên đồi máu thấm lạnh và mùi tanh của thịt người nhưng sao bình yên quá, không tiếng súng giữa hai bên, ánh nắng mặt trời nhẹ nhàng vươn lên từ phương đông Đà nẵng như mang đến cho chúng tôi một tin vui nào đó để cứu lấy mạng sống của con người, chiến trận đã bớt giằng co hơn mấy ngày hôm trước, thật yên lặn không tiếng súng, có lẽ vì quân số của cộng quân kiệt quệ không đủ sức để tiếp tục chiến đấu và quân cộng sản cũng thừa biết đụng với đơn vị thiện chiến Nhảy dù khó bề chiến thắng! Dù hoàn toàn chiếm giữ ngọn đồi ở giờ phút chót nhưng chúng tôi cũng có lệnh lui binh và nhờ Tác chiến điện tử gài mìn trước khi rút quân. Ba tháng vất vã với hơn 500 chiến binh Nhảy dù đã hy sinh và gần 2,000 nữa phải gởi lại phần thân xác chung quanh ngọn đồi máu lửa ấy, chưa nói bên cộng quân chết hơn 2,000 bộ đội và hơn 5,000 bị thương tích. Đơn vị chúng tôi về dưỡng quân ở gần Hoà vang cách Đà nẵng không quá 20 cây số. Đến trung tuần tháng 3, 1975 đơn vị chúng tôi được lệnh về Sài gòn, bàn giao căn cứ lại cho đơn vị bạn Thuỷ quân lục chiến. Lữ đoàn 1 của chúng tôi rời vùng I sau cùng bằng phi cơ. Lữ đoàn 2&3 bằng phương tiện đường thủy do Hải quân vận chuyển. Phi cơ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, chúng tôi thả bộ về hậu cứ trong một buổi chiều ấm áp, hiền hòa của thủ đô Sài Gòn rực rỡ bình yên và không ai ngờ rằng đây là những ngày tàn của cuộc chiến và những đau thương, uất ức, máu đổ, xương rơi, phân ly tử biệt trong hơn 20 năm qua sắp đến ngày chấm dứt.
Tôi nhẹ quăng chiếc ba lô dưới chân giường bố của đại đội, réo thằng Thiếu úy Mỹ, chuẩn úy Vinh và Trung sĩ Thụ ra chợ Sư đoàn nhấm một ly cafe sữa đá, hít một hơi thuốc capstan nó hạnh phúc làm sao khi nhìn bà con qua lại trong khu chợ. Nổi vui mừng và thảnh thơi chưa đầy 24 giờ đồng hồ lại nhận lệnh “gọn gàn” để bước vào chiến địa đẫm máu mới.
Tiểu đoàn 9 Nhảy dù vào Xuân lộc
Lúc 3 giờ sáng, thành phố Sài Gòn còn say ngủ thì đoàn xe GMC chở chúng tôi băng qua các đường phố như muốn từ giả từ đây! Đoàn xe chạy chập chờn mờ mịt trong đêm tối như báo hiệu cái bất hạnh sẽ xảy ra cho quê hương mình, riêng người lính Nhảy dù luôn vô tư, không nghĩ đến và xem chuyện ấy thật bình thường như những lần hành quân khác vì có chiến trận nào người lính Nhảy dù không đổ máu… đoàn xe dừng lại ở Trảng bom, tất cả 3 tiểu đoàn 1,8,9 thuộc Lữ đoàn 1 Nhảy dù xuống xe và tiếp tục không vận bằng phi cơ trực thăng đủ loại thuộc Sư đoàn 3 và 4 Không Quân cung cấp, hướng về thị xã Xuân Lộc, Long Khánh và gần tiếng đồng hồ trực thăng đổ chúng tôi đến bãi đáp gần các xã Bảo định, Bảo bình và cách thị xã Xuân Lộc chưa đầy 3 cây số. Chúng tôi lại được chào đón thật khủng khiếp với vô số tiếng đạn từ quân cộng sản nhưng đó cũng là thử thách kinh nghiệm đối với chiến binh Nhảy dù, những rừng chuối, rừng trà, mía … hầu như bị bão đạn kéo qua không chừa 1 cây nào huống chi là con người! Tôi nín thở nhảy ra khỏi phi cơ chờ cơ hội tử thần đến. Binh sĩ nhảy dù phản chiến rất nhanh nhẹn và nhờ đó quân địch bớt tấn công trong gần vài giờ sau chúng tôi lấn chiếm được các bìa rừng để phá tang tuyến đầu của cộng quân đang ẩn núp trong vườn cam Tướng Lê Văn Tỵ và tiếp tục tiến quân vào các nơi khác gần ấp Bảo định nơi xứ của cộng đồng Công giáo nơi quân cộng sản chưa mò đến. Trong buổi chiều rạng tối, đơn vị Nhảy dù chúng tôi không may bị ngộ nạn với xứ Cha nổ súng ngay vào chúng tôi không may vị Tiểu đoàn trưởng Trung tá Nguyễn Văn Nhỏ bị đạn cối bắn ra và bị thương, đơn vị chúng tôi phải ra lệnh đội nón beret đỏ và hô to Nhảy dù đến, may quá bên trong xứ đạo của Cha nhận diện được giữa phe ta. Trong gần tuần lễ đối đầu với các sư đoàn chính quy cộng sản, chúng tôi phải tận lực vứt nhổ những cứ điểm của cộng quân để cho đơn vị bạn đỡ phần ăn pháo, thế rồi tiếng súng cũng nhẹ dần và đơn vị chúng tôi đã làm tròn bổn phận yểm trợ Sư đoàn 18 Bộ binh của Chuẩn tướng Lê Minh Đảo chỉ huy, đang gánh chịu khỏi lửa thần tốc mà tôi thiết nghĩ họ chưa bao giờ nghĩ đến! Sự bình an trở lại với thị xã Xuân Lộc chưa đầy mấy hôm, quân cộng sản chỉ pháo kích cầm chân, Chuẩn tướng Lê Minh Đảo thường hay tổ chức họp báo và phi cơ lên xuống hằng ngày. Tôi được may mắn đóng quân sát bộ chỉ huy Lữ đoàn nên được nghe rõ ràng như sau: Lời Trung tá Đỉnh gợi ý với Chuẩn tướng Đảo nên đặt bộ chỉ huy hành quân riêng và địa điểm dã chiến để tiếp xúc báo chí cho an toàn tránh pháo địch…và quả thật ngày nào có họp báo là đêm đến bị ăn pháo dài dài. Bất ngờ, chúng tôi được lệnh di tản trong đêm tối, Nhảy dù lui binh dọc hai bên sườn đồi núi tỉnh lộ để tránh bị phục kích và pháo kích, trên trục lộ chính dành cho tiểu khu Long Khánh cùng các đơn vị bạn và vì vậy cộng quân tha hồ chận đường phục kích đưa đến sự bất ổn chết chóc cho đơn vị bạn lui binh nhưng dù sao đơn vị Nhảy dù chúng tôi cũng đã liên tục phá tan những chốt phục kích của cộng quân trong chốc lát để đỡ tổn thương cho đơn vị bạn và dân chúng ùa theo. Trên đoạn đường lui quân khá chông gai đầy tổn thương cho đơn vị khi đến ngã ba Dầu giây, đơn vị chúng tôi lại nhận khẩn lệnh rời vị trí gấp khoảng 3 cây số để giữ mức an toàn và sau này biết tin 2 trái CPU thả xuống ngã ba Dầu giây. Về đến Bình giã trung đội tôi còn lại 14 anh em thế là một nửa đã nằm lại chiến trường Long Khánh.
Tôi rơi lệ mà nhìn đồng đội đứa còn đứa bỏ đơn vị ở lại nơi nào đó của Xuân Lộc địa. Dù biết chăm ngôn “không bỏ rơi đồng đội” nhưng nằm trong hoàn cảnh vô cùng kiệt huệ phương tiện, lại có lệnh vu vơ không đánh mà chạy. Đây cũng là lần đầu và lần cuối cuộc đời làm lính Nhảy dù nhận được những oan nghiệt nhất trong chiến trận.
Đơn vị chúng tôi được dưỡng quân gần Quốc lộ Sài Gòn-Vũng tàu, vài hôm sau cộng quân tấn công tỉnh lỵ Phước ty và trường Thiếu sinh quân, đơn vị tôi lại phải xông vào cuộc chiến giải tỏa khu chợ Mới vừa bị cộng quân chiếm đêm qua và đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi đánh giặc trong thành phố, sau đó có lệnh rút về cầu Cỏ may, trên đoạn đường lui binh, cộng quân pháo dữ dội trên quốc lộ vì vậy chúng tôi tách vào rừng sát để trớ pháo không ngờ mặt nước biển dâng lên làm một số binh sĩ chết đuối vì không biết bơi. Chúng tôi đóng quân gần cầu Cỏ may và được tăng viện chi đoàn thiết giáp để ngăn chận cộng quân tiến vào thị xã Vũng tàu, trong vài ngày thì nhận lệnh buông súng, giận tức vô biên…trên đường lui binh đến trung tâm huấn luyện Rạch dừa, chiếc xe M-113 đi đầu bị cộng quân bắn bể xích, Chuẩn uý Vinh bị thương nhẹ nơi tráng, chúng tôi liên tục phản công để mở đường và tới được bải sau Vũng tàu, cộng quân tiếp tục pháo kích làm cho tình cảnh hỗn loạn, tôi bảo Chuẩn úy Vinh đi theo tôi nhưng Vinh từ chối xin ở lại, chúng tôi rời đoàn xe bằng đón tàu đánh cá của dân làm phương tiện về Gò công và tiếp tục ra khơi gặp hạm đội Mỹ đón. Cuộc đời nhà binh chấm dứt nơi đây, không phương hướng, thiếu gia đình vô tổ quốc…là đây!
Mũ đỏ Bùi Quang Thống
Cánh dù viễn xứ DFW.
Ghi chú:
Trong phạm vi bài viết, tôi chỉ ghi lại những gì thuộc về mình… còn chiến trận quá to lớn nên tôi không thể ghi chép hết. Tuy nhiên cũng có những sai sót. Mong được bỏ qua. Thân tặng các Mũ đỏ xuất thân từ Đồng Đế đã cùng chung đoạn đường khổ nạn này:MĐ Út, MĐ Thiện, MĐ Vinh, MĐ Kiệt, MĐ Bình, MĐ Quang, MĐ Sơn, MD Hùng thuộc TĐ9ND.
Sư tử là danh hiệu của Tiểu đoàn 9 Nhảy dù.
Nhảy dù cố gắng.
BQT/ĐĐ92/TĐ9/LĐ1ND