Thị Trấn Biến Mất

Thuở bé tôi vẫn nhìn về phía núi Vọng Phu để lòng bồi hồi thương cho hai bóng người hóa đá. Bà tôi cũng kể rằng vùng núi ấy có kẻ ngậm ngãi tìm trầm, đi lạc trong rừng mấy mươi năm, khi tìm về được quê nhà thì đã hóa thành con vượn không còn nói được tiếng người. Thỉnh thoảng, ở chợ Ninh Hòa tôi rất sợ khi nhìn thấy có một vài người da đen thui, tóc quăn tít, đàn ông mặc khố, đàn bà địu con trên lưng. Chắc họ từ núi Vọng Phu xuống. Có người nói họ là người Thượng ở Buôn Sim.

Buôn Sim chỉ cách thị trấn Ninh Hòa khoảng 14 km theo hướng quốc lộ 21. Người dân quê tôi không gần gủi với vùng đất này bởi khí hậu nơi ấy vô cùng khắc nghiệt. Nằm trong lòng chảo của nhiều rặng núi, buôn Sim là một vùng khô cằn, sỏi đá, đêm quá lạnh, ngày quá nóng.

Sau hiệp định Geneve vài năm, Buôn Sim bổng biến thành một quân trường khổng lồ gồm ba trung tâm huấn luyện Pháo Binh, Biệt Động, Lam Sơn.

Và cái tên Dục Mỹ ra đời.

Khác với thời chống Pháp mà người lính là những “áo anh rách vai, quần tôi có hai miếng vá”, các quân nhân miền Nam được huấn luyện và trang bị rất quy củ với các doanh trại khang trang, bề thế.

Với số lượng quân nhân trong ba trung tâm huấn luyện kèm theo gia đình của sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, thị trấn Dục Mỹ mọc lên giữa bốn bề núi non, tuy nhỏ bé nhưng vô cùng nhộn nhịp.

Cũng giống như những thị trấn mới toanh trong phim cowboy miền viễn tây, Dục Mỹ là nơi quy tụ của quá nhiều người tứ xứ về đây mang theo các giọng nói từng vùng.

Người có máu làm ăn cũng vội vàng tìm về đất hứa.

Chợ Dục Mỹ cung cấp đủ để nấu được các món ăn đặc trưng kiểu Sài Gòn, Bắc, Huế…. .

“Vợ Lính” thong dong chẳng cần làm việc, chỉ lo cơm nước và nuôi con…

Những chuyến xe lam như con thoi nối liền Ninh Hòa – Dục Mỹ. Người dân Ninh Hòa bây giờ hướng về thị trấn mới như một thị trường hấp dẫn, nơi họ có thể làm giàu nhờ nghề cung cấp thực phẩm.

Nhà Thờ và Nhà Chùa đã được xây. Các xe schoolbus được biến từ xe GMC của ba quân trường chở con quân nhân xuống Ninh Hòa học ở các trường trung học. Những cô cậu học trò đã từng ngồi trên những chiếc GMC “cải tiến”này, nay đã trên dưới sáu mươi và tôi tin rằng dầu ở chân trời góc bể nào họ không bao giờ quên những chuyến xe chở học sinh kỳ lạ nhưng đầy ắp niềm vui một thuở.

Chủ nhật, con phố Dục Mỹ “Đi dăm phút trở về chốn cũ” có bóng dáng của những “thiếu úy”, “trung úy” trẻ trung, quân phục thẳng nếp, thong thả dạo gót rồi ghé vào một tiệm sách có cô bán hàng xinh xinh.

Bên con suối Dục Mỹ vài quán cà phê ra đời có tiếng nhạc hòa trong tiếng ầm ào thác đổ.

Người lính miền Nam thuở ấy vẫn còn mang vẻ thư sinh lãng mạn. Ra trận, thay vì nhìn tới trước “nhắm thẳng quân thù mà bắn”, (*) họ quay nhìn lại phía sau “Người đi khu chiến, thương người hậu phương” (**)

Biến cố 1975 như một cơn động đất dữ dội làm sụp đổ hoàn toàn trung tâm huấn luyện. Toàn bộ cư dân gồm quân nhân từ ba trung tâm huấn luyện cùng gia đình họ đều chạy khỏi Dục Mỹ, tan tác hãi hùng như mãnh vỡ của một trái phá…

Thị trấn bỗng chốc như bị thần đèn mang đi đâu mất.

Dục Mỹ trở lại là Buôn Sim hoang vắng thuở nào.

Cũng còn một số người ở lại vì họ không biết đi đâu về đâu và họ trở thành dân của một vùng kinh tế mới mang tên Ninh Sim.

Và người dân Ninh Sim đã phải làm gì để tồn tại khi 100% mang trên đầu bản án lý lịch xấu, con cái chắc chắn không được vào đại học, người thân không biết còn sống hay đã chết trong các trại “cải tạo”?

Nếu người Ninh Hòa khi ấy kiếm sống bằng cách bám vào bến xe đò và ga xe lửa với các chuyến đi buôn lậu gạo, đường, thuốc lá, đạp xe ba gác, làm phu khuân vác …thì người dân Ninh Sim Dục Mỹ kiếm sống bằng cách bám vào núi rừng. Họ lên núi đào khoai mài, cắt tranh, lấy đót. Họ “ngậm ngãi tìm trầm” và có người đã mất xác trong rừng sâu núi thẳm. Họ chặt củi, hái trái rừng, trồng khoai mì, trồng mía. Họ tìm cách sống trong im lặng, chịu đựng mặc cho loa phường ngày ngày vang lên giọng tự hào chiến thắng giặc Mỹ để toàn dân xây dựng thiên đường Xã Hội Chủ nghĩa.

Và tượng đá bồng con trên non cao kia chắc đã nhiều lần rơi lệ thương cho cảnh con người bức hại con người.

Năm ngoái, anh Phạm Văn Nhàn trở về Ninh Hòa, rủ vợ chồng tôi đi thăm lại Dục Mỹ, nơi anh có thời gian rất lâu là sĩ quan của quân trường Lam Sơn.

Xe ghé lại núi Đeo, nơi vẫn còn tháp huấn luyện của quân trường Biệt Động nằm bên Khu Mưu Sinh.

Khu Mưu Sinh được dựng bên một dòng suối đã biến mất nhưng ngôi tháp vẫn còn.

Anh Nhàn muốn chụp một tấm hình có người lính già trở về thăm ngọn đồi kỷ niệm.

Qua khỏi Dục Mỹ chúng tôi nhìn thấy những đồng mía bạt ngàn, những đàn bò gầy ốm đang gặm cỏ trên những cánh đồng nắng cháy.

Đến khoảng cây số 17 anh Nhàn cho dừng xe.

“Hình như trung tâm Lam Sơn hồi trước ở đây mà sao tui không còn nhìn thấy gì hết?”

Rồi anh ghé vào hỏi thăm một cô hàng nước:

“Cô ơi trung tâm Lam Sơn ở đâu hả cô”

Cô hàng nước mỉm cười, chỉ tay xuống đất:

“- Dạ ở ngay đây này”

Anh Nhàn nhìn quanh. Chẳng còn gì là dấu vết của một địa danh lừng lẫy! Anh bước thêm vài bước, chẳng thấy phố, thấy người chỉ thấy toàn mía là mía.

Hơn mười năm tồn tại, Dục Mỹ của ba quân trường bây giờ chỉ là cát bụi thời gian.

Huyền Chiêu

Previous
Previous

Những vị bác sĩ thiên thần Mũ Đỏ.

Next
Next

Nhớ về Trường Bộ Binh Thủ Đức