Theo chồng bỏ cuộc chơi

Đại tá Nguyễn Kim Tây sinh năm 1933 xuất thân khóa 10 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, đơn vị cuối cùng là Liên Đoàn Trưởng 7 Biệt Động Quân. Bị tù Cộng Sản 17 năm và sang định cư Hoa Kỳ diện HO tại Dallas. Cùng chịu đựng 17 tù đã đến Dallas-Fort Worth gồm có Thiếu tướng Đỗ Kế Giai, Đại tá Nguyễn Kim Tây,  đại tá Lê Đình Luân, Trung Tá Huỳnh Kim Hiếu, Thiếu tá Nguyễn Văn Ngươn… Tất cả đã ra đi chỉ còn lại Trung tá Huỳnh Kim Hiếu!

Đại tá Nguyễn Kim Tây đã từ trần năm 2002 lúc bấy giờ phu nhân của ông là bà Phạm Thị Ngọc Điệp chưa tròn 50 tuổi và hai con lúc đó còn quá nhỏ. Bà phải vất vả làm nhiều việc ngay cả ban đêm để lo cho hai con ăn học nên người. Mặc dù không được sức khỏe nhưng bà vẫn cố gắng và cuối cùng lâm trọng bệnh phải ra đi bỏ lại hai con. Một cháu trai đã lập gia đình và cháu gái vẫn còn độc thân.

Nhưng từ nay, bà không còn vướng bận trần gian tảo tần lo lắng. Bà đã bỏ lại tất cả để theo chồng về bên kia thế giới.

Xin cầu nguyện Hương Linh bà Phạm Thị Mộng Điệp, Pháp danh Diệu Hiền siêu thoát bên kia bờ hạnh phúc với người chồng thân yêu của mình.

Đề ghi lại kỷ niệm với người chồng quá cố, chúng tôi xin đăng lại bài viết Trận Đánh Cuối Cùng của Tiểu Đoàn 58 BĐQ đề nhớ lại cố Đại tá Nguyễn Kim Tây

NVDL

Trận Đánh Cuối Cùng Của Tiểu Đoàn 58 BĐQ

Đại tá Nguyễn Kim Tây

Ngày 13-3-75, Tiểu đoàn 58 BĐQ của tôi chỉ huy, đang đánh giải tỏa áp lực của địch quân tại quận lỵ Dầu Tiếng. Tiểu đoàn tôi được tùng thiết với Thiết đoàn M-113 của Trung tá Dương chỉ huy trưởng Thiết đoàn. Chúng tôi và ông Dương thật là ăn ý. Nhiệm vụ của Tiểu đoàn tôi tấn công tiền diện. Tôi bàn với Đại úy Phan Xuân Hiệp chia đơn vị ra làm hai cánh. Tôi cánh A, Đại úy Hiệp cánh B. Yểm trợ cho nhau, tiến từng bước, khi cách hàng rào giây thép gai quận 10 mét, cánh A tôi bám sát địa thế. Bắn yểm trợ tối đa cho cánh B xung phong tiền diện. 15 phút cánh B đã xung phong và chiếm lại quận lỵ, giải vây cho một số đồng đội Địa Phương Quân và cứu được Thiếu tá Quận trưởng.

Hai cánh A, B chúng tôi bắt tay nhau và tràn qua MT lùng địch. Đang hăng máu, thì từ trên không, ông Tướng Khôi gọi máy. Ông chỉ thị cho tôi, sau 15 phút rút toàn bộ TĐ ra quốc lộ. Sẽ có trực thăng đến bốc toàn bộ gia đình về căn cứ Long Bình nhận lệnh mới. Tướng Khôi chỉ thị Trung tá Dương nhận mục tiêu của đơn vị tôi vừa chiếm, bàn giao Trung tá Dương và nhờ Trung tá Dương bốc ra và chuyển về chung sự Bình Dương 6 kí lô còn kẹt.

Riêng tôi thì điều động, rút theo thứ tự các đại đội 1, 2, 3, BCH/TĐ và đại đội 4 bao chót. Ra đến quốc lộ, được bốc ngay về căn cứ Long Bình thuộc Liên đoàn 7 BĐQ, Liên đoàn tổng trừ bị cho Bộ TTM. Ngay đêm ấy được lệnh của Bộ TTM điều động toàn bộ Liên đoàn 7. Phải có toàn bộ 3 tiểu đoàn BĐQ gồm 32, 58 và 85 cùng đại đội Pháo binh cơ hữu và trung đội hỏa tiễn TOW có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc 8 giờ ngày 14-3-75.

Đúng 9 giờ, C-130 lần lượt chở từng tiểu đoàn và đại đội Pháo binh và hỏa tiễn TOW.

Tiểu đoàn 58 của tôi di chuyển chót, 16 giờ tiểu đoàn tôi đã có mặt tại phi trường Pleiku toàn bộ. Ngay lúc bấy giờ địch quân pháo dữ dội vào phi trường. Kể từ sau 16 giờ phi trường coi như bị khóa, không còn phi cơ lên xuống nữa cho đến ngày 17-3-75 thì Pleiku bỏ ngỏ luôn.

Ngay khi toàn bộ LĐ7 đến Pleiku, tôi được điều động lên đỉnh núi Chicara thay cho một tiểu đoàn Bộ binh bạn. Tiểu đoàn BB về Pleiku nhận nhiệm vụ khác. Ngay đêm 14-3, sau khi tiểu đoàn tôi lên đỉnh Chicara, tôi vừa báo cáo về BCH/LĐ7 thì địch quân từ hướng Thanh An bắt đầu pháo đủ loại 82, 107 ly. Tôi lệnh cho con cái vào vị trí hầm hố có sẵn. Chịu trận suốt đêm ấy, tiếp tục các ngày và đêm sau. Cứ từ 30 đến 45 phút là chúng pháo. Đơn vị tôi cứ thế chịu trận 3 đêm 2 ngày. Không ngủ nghê được, ông nào ông nấy phờ râu. Tổng cộng đến phút này có 6 chai whisky nhẹ, không cần tăng. Đến sáng ngày 15-3 đơn vị chúng tôi được lệnh bỏ đỉnh đồi Chicara rút về Hàm Rồng, giữ bộ chỉ huy BĐQ Quân đoàn 2. Vỏn vẹn chỉ có 20 giờ xả hơi và ngủ lấy lại sức. Tại quận lỵ Thanh An, Liên đoàn của Trung tá Long "Bao tử" đã bị địch tràn ngập và bao vây.

Chúng tôi lại được lệnh. Đến ngã ba đường vào Thanh An, giữ an ninh cho hai đại đội Pháo binh gồm 155 ly và 105 ly. Hai đại đội Pháo nổ ròng rã suốt đêm vào quận Thanh An do yêu cầu của Trung tá Long để mở đường máu về Hàm Rồng. Nhưng vô hiệu quả, địch bao vây quá kín, chúng xiết chặt vòng vây nên toàn bộ Liên đoàn Trung tá Long không rút ra được ngã ba Thanh An.

7 giờ 25 sáng ngày 17-3-75, tôi nhận được lệnh của Đại tá Nguyễn Kim Tây gọi lên BCH/LĐ họp khẩn. Sau phiên họp bỏ túi cấp tốc là đơn vị tôi TĐ58/BĐQ yểm trợ cho hai đại đội Pháo binh rút về Phú Bổn. Nghĩa là bỏ, không yểm trợ cho Thanh An nữa, mà bỏ Thanh An là bỏ cả Pleiku. Lệnh của Đại tá Tây, TĐ58/BĐQ yểm trợ Pháo binh đi trước, kế đó là BCH/LĐ, TĐ85 tiếp theo, TĐ32 bao chót.

Chúng tôi vừa đi vừa chạy, đến tỉnh Phú Bổn lúc 14 giờ 45. Tại tỉnh Phú Bổn bỏ ngỏ, không có bóng dáng ai cả. Từ Tỉnh trưởng đến một anh lính Địa Phương Quân cũng không thấy, nghĩa là tỉnh Phú Bổn hoàn toàn bỏ ngỏ.

Liên đoàn 7BĐQ tạm dừng chân tại sân bay Phú Bổn, phía sau hai tiểu đoàn 32 và 85 cũng như hai đại đội Pháo binh tạm thời bố trí hai bên đường.

Tôi đích thân đi một vòng trong phạm vi tỉnh Phú Bổn quan sát động tĩnh, thì được biết hướng Tây bắc, Trung tá Biên, Liên đoàn trưởng đang điều động Liên đoàn cơ hữu của ông cộng Chi đoàn M-113 đang ngăn chặn địch từ hướng Tây bắc vào tỉnh Phú Bổn.

Sau khi làm một vòng quan sát, tôi nhớ lại ngày thất nghiệp về BCH/TƯ ngồi phòng binh thư hay nghiên cứu binh thuyết. Tôi chợt nhớ thành bỏ trống, chắc chắn có phục binh và phải có đơn vị chủ lực vận động chiến. điều này phải có.

Trở về BCH/LĐ, tôi trình bày cho Đại tá Nguyễn Kim Tây biết. Sau khi nghe tôi báo cáo tỉ mỉ, Đại tá Tây quyết định phải chiếm đỉnh đèo Cheo Reo làm đầu cầu cho các đơn vị và Pháo binh phía sau tiếp tục lên và đổ đèo, tiến thẳng về quận lỵ Phú Túc.

BCH/LĐ chia ra hai thành phần, A và B. Thành phần cánh A do Đại tá Tây trực tiếp chỉ huy. Tiểu đoàn của tôi cũng phân hai thành phần, A và B. Thành phần cánh A do tôi điều động, gồm có ĐĐCV, đại đội 1 và 2. Nhiệm vụ yểm trợ giữ an ninh cho thành phần cánh A của Liên đoàn tiến chiếm đỉnh.

Cánh B của tiểu đoàn do Đại úy Phan Xuân Hiệp, TĐP chỉ huy gồm đại đội 3 và 4. Yểm trợ cho BCH nhẹ LĐ, sẽ lên đỉnh sau, sau khi LĐ và cánh A tôi chiếm xong đỉnh đèo.

Tại tỉnh Phú Bổn dưới chân đèo, gồm cánh B của LĐ7 do Trung tá Nguyễn Hạnh Phúc chỉ huy, gồm có đại đội Pháo binh và hỏa tiễn TOW, tiểu đoàn 85 và 32. Trong lúc đó tôi đang điều động hai đại đội dàn hàng ngang, tiến chiếm đỉnh đèo, theo chiến thuật nấc thang. Khôi hài nhất là khi đơn vị chúng tôi tiến từng bước yểm trợ cho nhau tiến lên đỉnh đèo thì đồng bào từ Pleiku chạy về hướng Tuy Hòa. Đồng bào thì tay xách, tay bồng bế, lưng mang, tranh nhau vượt lên đỉnh, họ lại tranh nhau với chúng tôi tràn lên tiến trước chúng tôi. Nhìn thấy cảnh hổn độn tôi đâm ra hoảng. Phải hò hét, yêu cầu họ lùi về sau cho quân tôi tiến lên. Vừa hò hét vừa giải thích khan cả cổ họng, 20 phút sau họ mới chịu nghe và lùi về phía sau. Cũng may thời gian này không đụng địch. Nếu đụng thì điều chắc chắn là đồng bào không khỏi gục ngã trước họng súng của địch và ta.

Khi chúng tôi chiếm xong và làm chủ tình hình trên đỉnh thì nghe dưới chân đèo hướng Phú Bổn, súng nổ dòn quá. Tôi liền đến chỗ Đại tá Tây để biết tình hình dưới chân đèo. Thì ra địch vận động chiến đến đánh và bao vây chân đèo. Các tiểu đoàn 32, 85, đại đội Pháo binh và hỏa tiễn TOW đang chống trả kịch liệt. Cánh B TĐ tôi do Đại úy Hiệp đang dàn quân giữ an ninh dọc theo dòng suối, có cầu bắt ngang trước khi lên đèo. Nhiệm vụ là mở đường cho LĐ và các đơn vị phía sau tiếp tục tiến lên đỉnh đèo. Trận chiến phía sau càng lúc càng ác liệt. Sau một tiếng đồng hồ giao tranh, Đại tá Tây xin phi pháo đến yểm trợ. 40 phút sau khi phi cơ đến, oanh tạc chung quanh trận tuyến. Đến 18 giờ 50, tiếng súng tạm thưa dần. Nhưng địch quân vẫn còn bao vây, thế nên các đơn vị phải lo hầm hố bố trí tại chỗ chờ sáng. Trong đêm địch vẫn quấy phá. Sáng hôm sau chúng áp dụng chiến thuật cố hữu là tấn công rạng đông vào các mặt. Nhưng các đơn vị đã tiên đoán trước, nên đâu đấy sẵn sàng chờ giờ tấn công.

Quả nhiên lúc 6 giờ 15 sáng chúng mở đợt tấn công. Bên dưới chân đèo BCH nhẹ LĐ do Trung tá Phúc điều động, các đơn vị chống trả kỹ. Sau một tiếng đồng hồ tấn công bất thành, chúng điều động các mặt rút ra xa khỏi tầm súng của ta. Phía trên đỉnh cao, Đại tá Tây và tôi quan sát bao quát tình hình thì thấy chúng đang điều động bao vây chân đèo, không cho LĐ và các đơn vị tiến lên đèo.

Đại tá Tây không chần chờ, lệnh cho Trung tá Phúc điều động cánh B, TĐ 58 do Đại úy Hiệp tháp tùng Chi đoàn Thiết vận xa M-113 mở đường máu lên đỉnh. Sau 20 phút, Đại úy Hiệp phá được vòng vây và lần lượt các đơn vị tiến theo sau, lên đèo. Khi lên đèo, gặp các toán trung cản của địch chận phá. Cách đỉnh 40 mét thì Đại úy Hiệp bị một viên xuyên qua cổ họng. Tôi nghe máy 25 gọi tôi "45, 45, đây Thái Bảo". Tôi vội cầm ống liên hợp trả lời: "Thái Bảo, đây 45 tôi nghe". Bên kia ông Hiệp trực tiếp trả lời tôi trên máy: "45, 45 đây Thái Bảo BC. Tôi "X"- K nhẹ. Giờ phút này 45 điều động hai thằng con mình lên đỉnh". Nghe đến đây thì không còn nghe ông Hiệp nói nữa.

Tôi biết chắc rằng ông Hiệp bị thương nặng. Tôi tiếp tục điều động hai đại đội bám Thiết vận xa M-113 lên đèo. Sau hơn 15 phút, cánh B của TĐ tôi lên đỉnh an toàn, tôi cho tiếp tục qua mặt tôi và tiếp tục đổ đèo tiến thẳng về hướng quận lỵ Phú Túc. Cuối cùng LĐ7 chúng tôi qua được đỉnh Cheo Reo, tiến thẳng về hướng Phú Túc. Phần tôi vừa điều động đơn vị vừa chạy theo lên phía trước để bốc Đại úy Hiệp lên xe jeep tôi. Tôi phải đích thân lái xe chạy hết tốc lực len lỏi qua mặt các đơn vị đang đổ đèo. Cuối cùng bắt kịp đoàn Thiết vận xa, tôi bốc được Đại úy Hiệp qua xe tôi. Tôi cho sĩ quan trợ y trực tiếp săn sóc đồng thời xin được trực thăng đến tản thương ông Hiệp về Quân y viện Nha Trang.

Bây giờ Đại tá Tây điều động đơn vị tôi trực tiếp tiến thẳng đến quận Phú Túc. Theo sau lần lượt là các đơn vị của LĐ. Đến quận Phú Túc lúc 19 giờ 45 cách quận độ 30 mét tôi cho lệnh nằm lại bám sát. Điều động thám báo của TĐ vào nghe ngóng tình hình. Quả nhiên sau đó 10 phút, thám báo trở lại báo cáo cho tôi biết là quân lỵ bị địch chiếm và đang cố thủ. Tôi báo cáo cho Đại tá Tây biết tình hình phía trước. Ông không cho tiến vào ngay bây giờ, mà cho lệnh bố trí chu vi nằm phòng thủ chờ sáng, quyết định sau.

Sáng hôm sau, lúc 7 giờ ngày 19-3, Đại tá Tây bảo tôi cho thám báo bám sát theo dõi tình hình bào cáo về BCH/LĐ quyết định. Nhưng tôi đã cho lệnh thám báo nằm sát hàng rào kẻm gai quận từ đêm hôm qua, tôi liền báo cáo ngay, khi nhận lệnh của Đại tá Tây. Tình hình địch không đông lắm, có 57SKZ đã đặt sẵn trên pháo đài ngay chính diện cửa ngỏ vào quận lỵ.

15 phút sau, Đại tá Tây tăng phái cho tôi 3 chiến xa M-48 và phải đích thân tôi ngồi trong xe của một trong ba xe để tiến vào chánh diện, bắn trực xạ vào pháo đài. Trái, phải đã có hai TĐ 85 và 32 hai bên cạnh sườn. Sau khi tôi điều động tiến thẳng vào cổng và bắn đại bác cơ hữu trong chiến xa M-48, hai phút sau pháo đài sập, tất cả ba đơn vị đồng loạy xung phong chiếm quận Phú Túc dễ như trở bàn tay. Địch bỏ xác tại chỗ 6 tên, số còn lại bỏ rút chạy về hướng Đông bắc. Lệnh Đại tá Tây tiếp tục tiến thẳng về hướng Tuy Hòa.

Chiều ngày 19-3-75 lúc 17 giờ chúng tôi đến Sông Ba. Tại Sông Ba vì suối sâu rộng khoảng 200m nước chảy như cắt. Tại đây xe cộ ứ động qua sông không được, đồng bào di tản và đủ các binh chủng đông nghẹt tại bờ sông. Anh em Công binh đang hì hụt bắc cầu phao. Tôi báo cáo tình hình cho Đại tá Tây biết và đề nghị: Ta di chuyển cặp theo dòng suối. Mục đích khám phá sự bám sát địch và tìm khúc cạn hẹp cho đơn vị vượt sông. Được sự chấp thuận của Đại tá Tây. Di chuyển cặp sát bờ suối, đi độ 500m đến khúc sông hẹp tôi cho thiết lập đầu cầu và căng giây vượt suối. Đến 21 giờ đêm LĐ đã qua sông an toàn. Lệnh Đại tá Tây cho tôi nằm lại án ngữ Trung cảng, cho LĐ và các đơn vị vượt qua tiến thẳng về phía quận Sơn Hà. Đơn vị tôi đi sau cùng, khi các đơn vị khác đã qua hết. Đến quận Sơn Hà 4 giờ sáng ngày 19-3-75. Tại đây BCH/LĐ7 được trực thăng đến bốc về Nha Trang. Riêng tiểu đoàn tôi còn nguyên vẹn, nên Đại tá Tây cho lệnh tôi điều động TĐ58 về Tuy Hòa.

Tôi điều động đơn vị. Băng rừng (cắt rừng theo phương giác đã dựng). Đơn vị di chuyển 5 ngày 5 đêm, sáng Thứ Sáu ra đến Tuy Hòa. Sáng ngày 25-3 toàn bộ tiểu đoàn 58 và một số sĩ quan và binh sĩ hai tiểu đoàn 32 và 85 không còn đơn vị theo tôi về đến Tuy Hòa lúc 11 giờ 45.

Lý do hai tiểu đoàn 32 và 85 không còn đơn vị là vì khi đụng địch tại chân đèo Cheo Reo đã bị thiệt hại gần như tan rã. Tiểu đoàn trưởng TĐ 32 Thiếu tá Hà Mộng Thúy bị sập cầu rớt chiến xa xuống suối sâu tử trận. TĐ85/BĐQ Thiếu tá Hoàng Đình Độc bị thương được trực thăng bốc về Nha Trang Số quân của hai TĐ không còn bao nhiêu lại hỗn quan hỗn quân mạnh ai nấy tự động rời đơn vị, tự động tìm đường về Sàigòn. Đặc biệt là đại đội Pháo binh cơ hữu LĐ tan hàng tại chân đèo. (Sau này gặp lại một số anh em trong đại đội trọng pháo kể lại). Khi VC tràn ngập, chúng bắt sống một số rất đông, trong đó có Thiếu tá Đào Văn Khôi, trưởng phòng 3 BCH/BĐQ Quân đoàn 2.

Tiểu đoàn tôi tập trung tại sân bay Tuy Hòa, chờ lệnh của BCH trung ương. Đến 15 giờ 30 thì trực thăng của Thiếu tướng Đỗ Kế Giai Chỉ huy trưởng BCH trung ương đáp xuống phi trường. Thiếu tướng Giai gọi tôi đến tại trực thăng chỉ thị lệnh: TĐ 58 của tôi còn nguyên vẹn, trở về giữ Trung tâm huấn luyện BĐQ Dục Mỹ và chờ lệnh của BCH trung ương điều động sau.

Tiểu đoàn được di chuyển về Trung tâm Dục Mỹ bằng đoàn xe của Quân vận có sẵn tại phi trường Tuy Hòa. Khi đến Trung tâm Dục Mỹ vào lúc 19 giờ 45 phút, tôi vào trình diện Đại tá Đại, Chi huy trưởng TTHL. Tại đây tiểu đoàn được nghỉ quân tại khán đài và chung quanh vũ đình trường.

Sáng ngày 28-3-75 tôi phân bốn phía bốn nơi các đỉnh cao quanh Trung tâm. BCH/TĐ và đại đội Y tế về đóng trên đỉnh đèo. Ngày ngày tôi cho tuần thám theo các đội hình đặc biệt của BĐQ để tìm và phát giác tình hình địch. Đơn vị tôi nằm tại đây 5 ngày, không ngày nào mà không hoạt động tuần thám.

Đùng một cái, đêm 29-3-75 tại quận Diên Khánh, Chiến đoàn Nhảy Dù bị vỡ vì áp lực của địch quá mạnh. Quận Diên Khánh coi như bỏ ngỏ. TTHL/BB Lam Sơn, TTHL/BĐQ và TTHL/Pháo Binh lần lượt rút ra hướng ngã ba Ninh Hòa.

Trong khi bỏ ba TTHL rút ra Ninh Hòa, mạnh ai nấy bắn bừa bãi lên các tiền đồn của các đại đội và BCH/TĐ58/BĐQ. Tôi tưởng là địch từ hướng quận Diên Khánh tràn xuống. Một mặt điều động các đại đội cố thủ, một mặt liên lạc về BCH. Nhưng liên lạc mãi không được, khàn cả cổ khi gào thét trên máy AN/PRC25.

Tưởng là Trung tâm Truyền tin của BCH/TTHL bị hư nên trở ngại liên lạc, tôi quyết định bỏ đỉnh núi Đèo, điều động BCH/TĐ và đại đội Công vụ vào Trung tâm xem động tĩnh. Từ núi Đèo vào TTHL 4 cây số. Khi đến nơi tôi nhìn vào thấy TTHL đang cháy. Tôi liền đi thẳng vào BCH quân trường thì không còn một ai cả, đến phòng truyền tin cũng trống không. Mọi người đều bỏ Trung tâm rút chạy. Thấy hướng đang cháy tôi đến xem, thì ra kho Quân tiếp vụ, sau khi bị tẩu tán, bị đốt kho.

Tôi lần về hướng các kho đạn và kho xăng, thấy còn nguyên. Tôi liền cho lệnh đại đội Công vụ đốt trước khi rút. Chúng tôi và đại đội CV rút đi. Di chuyển đến núi Đèo, tôi liền cho lệnh bốn đại đội 1, 2, 3, và 4 bỏ các điểm cao chung quanh TTHL, rút quân toàn bộ ra giữ ngã ba Ninh Hòa.

Từ núi Đèo ra ngã ba Ninh Hòa 8 cây số, tôi cho lệnh các đại đội vẫn giữ đội hình sẵn sàng tác chiến, với đội hình tùy nghi Đại đội trưởng áp dụng tùy theo từng địa thế. Khi toàn bộ TĐ ra đến ngã ba Ninh Hòa, thì thấy từ hướng bắc Quốc lộ 1, từ Tuy Hòa, đủ các binh chủng mạnh ai nấy chạy bộ về hướng Nha Trang. Đủ cả dân chúng, quân đội lẫn lộn tranh dành nhau chạy. Tôi xét thấy cảnh hỗn quân hỗn quan nhưng cũng có liên lạc vô tuyến về Nha Trang nhưng liên lạc mãi không được. Chẳng thấy ma nào trên hệ thống hành quân cả.

Tôi quyết định giải tán TĐ58/BĐQ ngay tại Ninh Hòa. Đến giờ phút này nhận thấy binh sĩ nhốn nháo đã muốn rời đơn vị chạy theo làn sóng quân dân từ hướng Tuy Hòa về Nha Trang. Tôi nhìn đồng hồ đã 19 giờ 45. Liền tập trung các đại đội trưởng đến và cho lệnh giải tán đơn vị. Toàn bộ vũ khí máy móc truyền tin tập trung phá hủy. Mạnh ai nấy tìm đường về Long Bình, Biên Hòa, nếu còn tập trung về BCH Liên đoàn 7 BĐQ.

Riêng tôi vẫn giữ lại hai máy AN/PRC25 và một chú tà lọt. Mấy thày trò tôi đi bộ về Nha Trang. Đến Nha Trang đúng 23 giờ đêm, thày trò mò vào Phòng Thông tin để biết tình hình tại Sàigòn. Nhưng khi tôi đến một ngã tư gần Phòng Thông tin thì nghe loa phóng thanh gọi sĩ quân và binh sĩ bỏ súng đến trình diện chính quyền cách mạng. Biết Nha Trang đã có địch, thày trò chuồn thẳng về hướng Phan Rang.

Đến Phan Rang tôi lần mò chen chúc vào cổng phi trường Cam Ranh, gần tiếng đồng hồ không sao vào được. Vì tại đây dân quân đông như kiến cỏ, họ chen nhau vào phi trường, hy vọng nhờ phi cơ chở về Sàigòn. Vì tại Cam Ranh vẫn còn chưa có VC mà vẫn còn nghe thấy máy bay đủ loại C47, C123 và C130 vẫn còn cất cánh. Chiếc lên chiếc xuống đều đều, chở đồng bào và quân nhân về Sàigòn.

Khi tôi lọt đến cổng sắt phi trường thì có tin từ trong ra là hết phi cơ rồi. Quả thật lucù bấy giờ mới sực nhớ là không có còn phi cơ lên và xuống nữa. Nhìn lại đồng hồ tay chỉ đã 5 giờ sáng ngày 1-4-75. Lại chen để ra ngoài cũng gần tiếng mới ra được quốc lộ. Mệt quá, bốn thày trò chúng tôi ngồi tại chính giữa quốc lộ nghỉ mệt. Tôi bảo hai chú truyền tin: "Thôi bây giờ hai chú hủy hai máy đi, xong ráng tìm đường về Sàigòn (Long Bình) được càng sớm càng tốt. Tôi bảo hai chú ấy lột hai máy PRC-25 ở lưng ra, chính tôi phá hủy bằng súng Colt. Xong đâu đấy bốn thày trò chúng tôi chia tay. Từ Cam Ranh cuốc bộ đến Phan Rí xem lại đồng hồ đã 13 giờ. Bụng đói và quá mệt, tôi và chú tà lọt tìm đến nhà dân tá túc đại trước hành lang mà ngủ một giấc lấy sức. Sau khi ăn xong gói mì tôm ngâm nước dừa, ngủ một giấc dài ngon lành đến chạng vạng, thày trò tôi đã tỉnh và lại tiếp tục cuốc bộ đến Phan Thiết.

Đại Tá Nguyễn Kim Tây và Đại Uý Đặng Văn Thạnh

Tại Phan Thiết, nơi bãi biển người đông như kiến. Ghe nào ghe ấy chật như nêm. Đủ mặt anh hùng Bộ Binh, Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, dân chúng, đàn ông đàn bà trẻ con đầy cứng trên các ghe sẵn sàng ra khơi trước khi thủy triều lên. Tôi loanh quanh tại Phan Thiết cho đến ngày 4-4-75 không tìm được ghe nào mà họ cho xuống cả. Cũng may gặp được một ghe nhỏ của một ông đánh cá. Ông ta bảo tôi: "Ghe tôi nhỏ, chỉ chở hai bộ ván gõ, nhưng cho hai ông quá giang mỗi người $3000." Tôi đồng ý, vào nhà ông ta nghỉ chờ, sáng mới ra khơi.

Ghe đã sẵn sàng đậu ngoài khơi, đúng 3 giờ khuya ngày 5-4-75 ông chủ ghe dánh thức hai thày trò chúng tôi dậy lội từ trong bãi ra nơi ghe đậu. Lên ghe xong nhưng cũng phải chờ nước lên mới ra khơi được. Đúng 5 giờ, ghe cho nổ máy, thì súng từ trong cứ bắn ra đủ loại. Vì số quân nhân các binh chủng trên bãi không có ghe để đi, nên bực tức bắt cứ ghe nào cho nổ máy là trong bãi bắn ra. Ghe tôi từ từ ra khơi, các ghe khác cũng nổ máy và cũng từ từ theo ra khơi. Ngồi dưới hầm ghe nghe máy nổ tưởng chừng như một trận ác chiến lớn lao.

Chiều ngày 5-4-75 ghe cặp bến Long Hải lúc 19 giờ. Khi lội lên bãi gặp An Ninh Quân Đội Phước Tuy chận lại và yêu cầu vứt bỏ vũ khí và máy móc mới được lên bãi. Xong đâu đấy lại tìm vào nhà dân lo cơm nước ngủ một giấc chờ sáng, cuốc bộ ra Bà Rịa. Từ Bà Rịa tìm phương tiện quá Giang về đến Long Bình nghỉ ngơi mấy ngày chờ gôm bị đến ngày 15-4-75 Tiểu đoàn về đầy đủ chỉ thiếu 15 chú. Sau khi gôm bị xong thì được tăng cường một số đông sĩ quan binh sĩ của Quân khu I và III. Tiểu đoàn nhảy vọt từ bảng cấp số cũ 365 tăng vọt 836 theo bảng cấp số mới.

Thành lập Sư đoàn BĐQ. Gồm hai sư đoàn 104 và 106. LĐ7BĐQ nằm trong sư đoàn 106 BĐQ, đóng tại Phú Thọ (ngay trong trường đua Phú Thọ), Liên đoàn 7 BĐQ trách nhiệm mặt Phú Lâm, từ xa cảng miền Tây đến Cây Da Xà. Tiểu đoàn 58 của tôi trách nhiệm chiếm các cao ốc, chận địch từ hướng Long An lên, hai tiểu đoàn bạn, 32/BĐQ trách nhiệm từ Mũi tàu dọc theo Xa lộ Đại Hàn, 85/BĐQ tăng phái cho Tiểu khu Gia Định.

Chiều ngày 28-4-75, lúc 19 giờ, địch quân từ hướng Long An tràn vô Xa cảng miền Tây và hướng Cây Da Xà. Tôi cho lệnh các khẩu đội đại bác SKZ75 và 57 cũng như 6 khẩu đại liên gồm đại liên 30 đại liên M-60 (lấy hết trong kho đem ra bố trí sẵn sàng tiếp địch).
Ý định tôi chờ địch càng gần càng đẹp. Một mặt tôi chỉ thị cho sĩ quan CTCT khẩn yêu cầu đồng bào lui về hướng trường Minh Phụng (trường học của người Hoa), tại nơi đây đã có BCH/LĐ7 đang đóng quân.

Đúng 21 giờ 17 phút, Việt cộng xung phong ồ ạt vào tuyến phòng thủ của đơn vị tôi, trong khi còn cách xa tuyến phòng thủ 200m. Đứng trên nóc bằng tầng lầu 3, tôi nhìn xuống thấy rõ mồn một nhưng chưa đúng tầm sát hại của các loại vũ khí cầm tay như M16 và lựu đạn ném tay M67. Địch quân không quen tấn công thành phố, nên chúng chạy vào như là đàn vịt rất ngon sơi. Suốt đời binh nghiệp 22 năm quân ngũ, chưa trận nào tôi thấy địch đông như vậy. Đã có kinh nghiệm xem phim quân đội Hoa Kỳ phản công trận Nhật tấn công ngọn đồi Bataan, Philippines, nên tôi chờ địch quân vào cận tuyến mới cho lệnh nổ súng. Khi còn cách 30m rồi 20m rồi 10m. Rất hồi hộp và sướng run, tôi nổ súng Colt cầm tay khai hỏa và bồi tiếp một quả lựu đạn Mini. Đồng loạt một tuyến dài từ xa cảng miền Tây đến gàn Cây Da Xà, tất cả đều bóp cò vang. Súng nổ dón, đứng trên cao ốc nhìn xuống địch quân ngã như sung rụng. 2/3 ngã tại chỗ, số còn lại rút chạy ra xa tầm súng.

Đại Tá Nguyễn Kim Tây và BCH Liên Đoàn 5 BĐQ

Tôi đứng cạnh khẩu súng cối 81 ly đặt trên cao ốc, cho lệnh bắn chận bít chúng lại. Sáu con gà cồ đại liên 50 và M-60 gáy rộ, địch ngã trông thấy khoái mắt. Chỉ 10 phút sau không còn thấy bóng và nghe súng chúng bắn trả vào. Tôi cho lệnh ngưng tác xạ.

Từ khi ấy cho đến sáng ngày 29-4-75, đúng 6 giờ sáng đại đội báo cáo có 7 binh sĩ ta bị thương. Tôi cho lệnh Đại úy Huỳnh Lập Quốc, Trưởng ban 3 xin tản thương về Tổng y viện Cộng Hòa.

Đúng 7 giờ tôi điều động các đại đội tung quân ra trước tuyến tuần tiểu rẽ quạt, tìm và tiêu diệt số địch quân chém vè tại chỗ. Các đại đội báo cáo đã tịch thu một số lớn trên xác chết địch trên trăm khẩu đủ loại.

Vũ khí tịch thu tôi cho chất thành đống trong nhà thờ Phú Lâm. Suốt cả ngày 29-4-75 địch không dám mở đợt tấn công nào cả. Đứng trên cao ốc đặt ống nhòm nhìn ra hướng Tân an thấy địch rõ ràng, chúng đang bố trí các hỏa tiễn. Tôi cho lệnh các đại đội dàn quân ngoài tuyến. Một binh sĩ một hố cá nhân, phải sâu đến cổ. Đích thân tôi và Đại úy Hiệp đi kiểm soát hố đến 18 giờ thì hố cá nhân hoàn tất.

Đến 22 giờ đêm 29-4-75, địch lại tràn vào tấn công. Tôi và Đại úy Hiệp cho lệnh các đơn vị chống trả mãnh liệt, địch không sao tiến đến tuyến TĐ chúng tôi được. Tôi để Đại úy Hiệp lo việc đốc thúc TĐ chống trả. Tôi lo gọi Pháo binh từ trong sân bay Tân Sơn Nhất bắn ra chận hậu địch, nhưng đến nay địch đông quá, lớp này ngã lớp khác bám vào, có cả dân chúng bị VC lùa đi trước quân của chúng. Đây là một trở ngại cho chúng tôi. Trọn đêm 29 rạng ngày 30-4-75 Pháo binh Tân Sơn Nhất bắn yểm trợ cho TĐ thật là chính xác. Địch chết và bị thương vì Pháo binh khá nhiều. Đến 5 giờ sáng ngày 30-4-75 chúng không thể tấn công tuyến dàn quân của TĐ được. Chúng lui ra xa và điều quân đến bao vây đồn Bà Hôm.

Tuy nhiên, chúng vẫn còn một thành phần khá hùng hậu yểm trợ cho đơn vị súng nặng của chúng. Chúng cho pháo lai rai vào tuyến phòng thủ của chúng tôi. Giờ phút cuối cùng của trận đánh để đời. Điều đặc biệt cho đơn vị chúng tôi, là suốt một đêm phòng thủ, cho đến sáng ngày 30-4-75, mặc dù chúng tung quân tấn công TĐ, nhưng TĐ chống trả đến bốn đợt tấn công của địch rất ư là mãnh liệt, và cả TĐT cho đến giờ phút chót, không một binh sĩ nào trong đơn vị bị thương và tử trận cả. Điểm đặc biệt trong đời quân ngũ của tôi, đây đúng là một phép lạ.

Nhưng đến mười giờ ngày 30-4-75, TT Dương Văm Minh kêu gọi trên đài phát thanh Sàigòn: "Buông súng xuống chờ lệnh tại chỗ". Từ lúc ấy chúng tôi không còn được chiến đấu nữa. Sau đó bị chúng đưa đi các trại tù cải tạo. Trong miền Nam thì tại Long Giao, Long Khánh, Suối Máu, Biên Hòa, Rồi chúng đưa ra Bắc, Sơn La, Yên Bái, Hà Nam Ninh.

Rồi giờ đây sống lang thang nơi xứ lạ quê người. Nhưng điểm đặc biết của tôi hằng mong mỏi khi còn đang ở tù Cộng Sản là: Tự Do, Tự Do và Tự Do.

DDT

Nguồn: bdqvn

Những tháng đầu năm 1977, hơn 300 anh em chúng tôi cấp Đại Tá bị tách ra làm hai, một nửa chuyển vào Trại 3 phía trong Trại Cốc. Tổ chúng tôi vẫn tại chỗ. Trong một lần các bạn trong Trại 3 đi mua nước mắm ngoài chợ Yên Bái. Sau đó, nhân đi lao động gặp nhau, anh Nguyễn Kim Tây (Đại Tá Biệt Động Quân) kể chuyện. Vì trong một lần lao động ngoài trại, thằng quản giáo Tổ của anh Tây tên là Tước mà lúc ở Trại Cốc chúng tôi thường gọi là “Tước mặt đỏ”, vì mặt của hắn lúc nào cũng đỏ như người say rượu. Hắn nói đường xe lửa xã hội chủ nghĩa trên đất Bắc này rộng 1.4 thước. Vì vậy mà lần này có dịp ra Yên Bái, anh đo thử xem sao. Nếu thật sự đường xe lửa 1.4 thước là tiến bộ lắm. Ra đến nơi, việc đầu tiên là anh Tây dùng bàn tay đo đường rầy xe lửa. Đúng 4 gang tay, hay là trên dưới 8 tấc (0.8m). Anh lại lấy sợi dây từ trong túi ra đo nữa để về trại đo lại trên cây thước. Anh cột hai đầu dây làm dấu bề ngang đo được.

Ngày hôm sau, trong lúc lao động, anh đến trước mặt “Tước mặt đỏ”, anh cười cười với vẻ thắng thế:

“Báo cáo cán bộ. Đường xe lửa ngoài Yên Bái có 8 tấc chớ đâu phải 1.4 thước cán bộ.” Tước mặt đỏ quát liền:

“Đảng với nhà nước đã nói 1.4 thước là 1.4 thước. Anh dám xuyên tạc đảng với nhà nước phải không?”

Anh chàng Tây chúng tôi bèn nổi gân cổ để biện minh:

“Tôi đo 8 tấc thì tôi nói 8 tấc chớ tôi đâu có nói sai, sao cán bộ nói tôi xuyên tạc.”

“Anh không được lý sự. Về chỗ làm.”

Sau lần đó tôi không rõ là anh Tây còn bị gì nữa không, nhưng qua mẫu chuyện bé tí xíu và sự thật sờ sờ trước mắt mà chúng nó vẫn phải hiểu khác đi, khác đến mức ngu đần không thể tưởng. Họ nhắm mắt, chỉ để tai mà nghe theo đảng với cái nhà nước độc tài, và cái miệng để phát lại những gì tai nghe, mà không cần mắt thấy sự thật. Nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, là cái máy nhào nặn ra những thế hệ có bộ óc đầy bụi mờ bao phủ, có hai mắt nhưng mù lòa, một lỗ tai để nghe một chiều, và nửa cái miệng đủ để phát như cái máy cát-xét. Tội ác này bắt nguồn từ ông Hồ với “Mười năm trồng cây trăm năm trồng người”.

Theo tác giả Trần Trung Đạo thì câu nói đó ông Hồ lấy ý từ câu: “nhất niên chi kế mạc như thọ cốc, thập niên chi kế mạc như thọ mộc, bách niên chi kế mạc như thọ nhân”. Nghĩa là kế hoạch cho một năm không gì bằng trồng lúa, kế hoạch cho mười năm không gì bằng trồng cây, kế hoạch cho trăm năm không gì bằng trồng người. Và câu này trong văn học Trung Hoa thời phong kiến xa xưa.

Kết quả là ông Hồ và nhóm đàn em của ông đã trồng lên được những thế hệ như vậy đó! Thế hệ hiện nay và nhiều thế hệ mai sau, không thể nào dung thứ tội ác dã man này do ông Hồ và tất cả những đảng viên lãnh đạo trong bộ chính trị, cơ quan lãnh đạo có quyền uy tuyệt đối, từ khi cái đảng độc tài tàn bạo đó hình thành đến ngày sụp đổ. Sự không thể dung thứ này, áp dụng với những kẻ đó đã chết cũng như đang sống. Và không biết đến bao giờ, vết nhơ tàn bạo này mới được xóa sạch, cho những thế hệ mai sau có cơ hội đối mặt với những con người tử tế trên thế giới năm châu? Tội cho dân tộc Việt Nam dưới chế độ xã hội chủ nghĩa biết chừng nào!

Phạm Bá Hoa

Previous
Previous

Cuộc hội ngộ sau 47 năm của gia đình Mỹ với người con Việt Nam chưa một lần biết mặt

Next
Next

Chiến tranh Quốc Cộng tại Việt Nam (1954-1975) của tiến sĩ Lê Đình Cai qua lời giới thiệu của nhà văn Võ Hương An