Thầy bói Sài Gòn xưa
Mỗi năm, hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Trên phố đông người qua
Năm nay đào lại nở
Chẳng thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ !
Hai đoạn thơ giản dị của Vũ Đình Liên không ngờ ở lại với đời lâu đến thế. Lâu đến nỗi, hầu như mỗi lần Tết đến, có dịp viết bài về xuân, là mỗi lần ‘các nhà văn’ lại nhớ đến hoa đào nở với ông đồ già như biểu tượng một cài gì đẹp đẽ nhất đã đi qua, và không bao giờ trở lại.
Ngày Tết, nhớ ông đồ già. Nhớ những ông đồ già, những cụ đồ già với mực tàu giấy bản, với ngọn bút lông. Đó là các cụ xưa kia đã ngồi bên lề đường để viết câu đối bán cho khách mang về treo trong ba ngày Tết. Nhưng không phải chỉ có thế. Hình ảnh ấy còn gợi cho ta nhớ đến các ông thầy, thầy đoán mạng, thầy coi số, coi tướng, gọi chung là thầy bói, đã hàng chục năm hành nghề ở quê hương xưa, đã từng tạo nên một phong trào vô cùng phát đạt, đặc biệt tại Sàigòn.
Ngày Xuân đi lễ Lăng Ông là một hình ảnh đẹp làm sống lại cảnh phồn vinh đã thực sự có một thời tại miền Nam thân yêu. Ghi lại đầy đủ, càng đầy đủ càng hay, về các vị thầy bói đã một thời tạo nên một phong trào phát đạt như đã nói trên, cũng là một đóng góp đáng kể vào ‘công cuộc bảo tôn văn hóa’ vậy.
Các Thầy tại Lăng ông
Lăng Ông là lăng đức Tả Quân Lê Văn Duyệt ở Gia Định, còn gọi là Lăng Ông Bà Chiểu. Lăng không phải chỉ là một nấm mộ được xây thành chung quanh, mà là cả một dinh cơ rộng lớn, kiểu như lăng các vua nhà Nguyễn ngoài Huế vậy : lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức…Tại đây có rất nhiều thầy bói hành nghề. Có những người đi lại ngay trong lăng, giữa lúc thiện nam tín nữ nhân ngày xuân đi lễ đình chùa, và nhất là đến Lăng để xin xăm, gieo quẻ, cầu nguyện hôn nhân. Thường các thầy bói trong Lăng ngồi rải rác khắp nơi và tự động di chuyển. Trải ra một chiếc chiếu hoa và đặt ‘đồ lề’ lên trên. Có khi bày ra một chiếc bàn nhỏ với vài chiếc ghế nhẹ.
Phần đông các thầy bói đều thuộc lớp các cụ xưa, mặc áo dài đen và đội khăn đóng. Nhưng cũng có người muốn tỏ ra thuộc giới có tân học, mặc đồ tây và đeo kính ‘trí thức’. Cũng có người mặc bộ bà ba bình dân cho thoải mái và có vẻ ‘bất cần đời’. Tuy ăn mặc khác nhau, nhưng đã gọi là thầy bói thì vị nào cũng bày ra chỗ hành nghề các thứ giống nhau: một bộ bài tây, ít quyển sách chữ Hán, những xâu chân gà luộc phơi khô, cái mu rùa để bốc. Ngoài ra còn có đèn nhang, giấy màu đỏ và bút lông, mực xạ.
Các ông thầy này đón khách ngay cửa vào Lăng, trong khi các vị thầy khác đều có chỗ ngồi nhất định. Những chỗ ngồi này đều có đóng thuế môn bài hàng năm khoảng chừng một ngàn đồng cho chính phủ, và vì vậy họ có kê được bàn ghế đàng hoàng, có tấm ‘tăng’ để che mưa nắng, có khi còn có mái lợp như một phòng nhỏ, trên bãi cỏ. Bên hông trái Lăng Ông, trên một phía lề đường Trịnh Hoài Đức là nơi họ tập trung, chừng 20 vị. Thường là họ đoán vận mạng, tình duyên cho khách theo thẻ xăm rút được.
Lăng Ông nổi tiếng với vụ này đến nỗi trong một bài hát của ban hợp ca AVT có đoạn rất tếu :
Năm mới đừng để vợ la
Đừng chơi cờ bạc đừng ra bót nằm
Chi bằng đi lễ Lăng Ông
Đầu Xuân năm mới xin xăm cầu tài
Mồng một đi lễ Lăng Ông
Cầu anh đắc lộc bằng trăm ngày thường
Các Thầy Bói Người Tàu
Tại một số khách sạn sang trọng ở Chợ Lớn xưa kia như Bát Đạt, Phượng Hoàng, Đồng Khánh, có một số các ông thầy người Trung Hoa nổi tiếng đặt trụ sở hành nghề và cũng thu hút khách người Việt thuộc giới ‘tư sản mại bản’ ! Họ có những cái tên nghe thật quyến rũ (về phương diện huyền bí) như : Sơn Đầu Bạch Vân Đại Sư, Đại Lục Tiên, Hà Thiết Ngôn Đại Sư…
Các vị bốc sư người Trung Hoa này thường tự xưng là bốc sư đại tài từ Hồng Kông sang và tự tạo cho mình một vẻ tiên phong đạo cốt đặc biệt. Tuy vậy, một khi họ đã đặt trụ sở hành nghề thì điều trước tiên để đến với….các tiên ông vẫn là tiền! Các thầy này không biết nói tiếng việt nên tất nhiên phải có thông dịch viên nếu không phải là người Tàu. Ngoài ra, còn có mấy vị nữa cũng mang những đại danh rất là kiếm hiệp như : Sơn Đầu Mã Ngọc Long, Mã Cơ Sanh !
Vào khoảng năm 1971, 1972 quý vị thầy này chỉ coi tay tài lộc trong hai năm cũng đòi năm ngàn, chọn ngày làm ăn buôn bán thì mười ngàn, lấy số tử vi thì ba chục ngàn. Họ xưng danh đại sư từ bên ‘đại quốc’ qua, và dù chỉ một lần, họ cũng hấp dẫn được khách hiếu kỳ hay hữu sự tìm đến họ. Họ sống một cuộc đời sung túc, vương giả, bay từ nước nọ qua nước kia, suốt đời ở khách sạn, ăn cao lương mỹ vị tại các đại tửu lầu.
Thật ra các vị thầy Tàu này đến Việt Nam hay các nước vùng Đông Nam Á thì có thể bịp được, chứ riêng dân Trung Hoa ở Chợ Lớn thì không tin. Họ cho rằng đó chỉ là những tên vô tài bất tướng, không có nghề nghiệp gì để sống bên chính quốc nên mới phải đi tha phương cầu thực như vậy.
Thầy bói của các nhân vật chính trị
Vào khoảng năm 65-67 tại Sàigon, hễ dở những tờ báo ở trang quảng cáo ra, ai cũng phải để ý đến những dòng bốc thơm các vị thầy bói. Nào là ‘giáo sư thần học’, ‘chiêm tinh gia’, ‘maitre’, ‘quỷ cốc đại sư’…Họ làm ăn phát đạt, có uy thế mạnh mẽ, được trọng vọng nể vì bởi chính các nhân vật hàng đầu của quốc gia.
Không ai không biết chuyện đầu năm Nhâm Tý, đại tá Trần Văn Lâm giám đốc Việt Tấn Xã đã long trọng mời ba ông thầy Huỳnh Liên, Minh Nguyệt và Khánh Sơn lên đài truyền hình nói trước dân chúng về vận mạng quốc gia. Cũng không ai quên (nếu đã được biết) thầy Vũ Hùng ở đường Nguyễn Trãi Sàigòn đã treo tại phòng khách của thầy một bức tranh sơn mài tuyệt đẹp, có khắc hàng chữ :’Ông Nguyễn Bá Lương, Chủ Tịch Hạ Nghị Viện, kính tặng nhà tướng số Vũ Hùng’
Người ta cũng được nghe nhiều giai thoại về những cuộc tiếp đón các nhân vật lớn của chính quyền miền Nam của một ông thầy nổi tiếng ở Cao Nguyên. Ông thầy Chiêm còn trẻ và không mặc áo dài, đội khăn xếp như ai. Ông mặc Âu Phục đúng mốt nhưng kiểu trẻ và luôn luôn diện kính ‘mát’, trông rất ‘bô trai’ .Nếu không biết ông từ trước thì khó ai trông thấy ông đi bát phố (khu Hòa Bình) mà lại ngờ được đó là một ông thầy bói! ông tỏ ra là một người khôn ngoan lanh lợi. Tuy vậy, với tư cách thầy bói, ông đã xử sự như người đời xưa, như trong chuyện Tàu. Người ta đồn rằng chính ông đã được hân hạnh đón tiếp các nhân vật lừng danh : Cụ Phan, ông Nguyễn, ông Hà… và đã làm một cử chỉ rất điệu là là sụp xuống lạy và nói : ‘Ngài quả là có chân mạng đế vương !’ Người ta cũng ghi nhận rằng do lời tiên đoán và sự xuất khấu đầu đảnh lễ của ông thầy, trong một năm nào đó , tại miền Nam, đã có tới 11 vị có chân mạng đế vương ra tranh chức tổng thống! chừng đó, đủ chứng tỏ uy tín của ông thầy Chiêm lớn lao như thế nào.
Cũng không phải chỉ riêng ở nước ta, mà hình như ở đâu thì chính khách cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề bói toán. ‘Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.’ Không tin hẳn, nhưng nếu cứ bói thử thì vẫn còn hơn là tự quyết định vận mệnh quốc gia. Có lẽ ở quốc gia nào, dù Tây phương hay Đông phương, thì mỗi chính khách đều có riêng một ông thầy, cũng như một ông bác sĩ tư, một bà bí thư riêng nữa vậy!
Với các chính khách, các thầy không những bấm độn, coi tướng, mà còn đưa ra những lời khuyên để thay đổi tướng mạo cho được ông thành danh toại hơn. Ví dụ, một vị tướng có một khuôn mặt quá ngắn và lưỡng quyền cao, thì được ông thầy cho hay như vậy phúc đức sẽ từ lưỡng quyền trôi tuốt luốt hết. Muốn cho công danh phát triển được lâu bền thì phải làm cho khuôn mặt dài ra, bằng cách để một chòm râu thòng xuống. Quả nhiên khi để râu dài như vậy, khuôn mặt tướng quân thon hơn, tướng mạo đổi khác nhiều lắm. Cũng có trường hợp một chính khách đầu đã bạc phải nhuộm, nhưng ông thầy cho biết nếu nhuộm tóc sẽ ảnh hưởng xấu đến cái tướng đang phát rất tốt đẹp. Vì vậy nhà chính khách đành buộc lòng để nguyên đầu tóc bạc phơ, trong lòng buồn vô hạn !
Những anh em, phần lớn là văn nghệ sĩ, nhà báo, hay ngồi ở quán Givral ngày xưa còn nhớ chuyện người ta kháo nhau rằng đáng lẽ cuộc đảo chánh hay ‘cách mạng’ năm 1963 phát động sớm hơn, nhưng vì các thầy đã bấm độn thấy là không được, nên đã phải dời qua ngày 1/11/63 đấy !
Cũng có vị chính khách được thầy bói khuyên là nên luôn luôn thắt cà vạt màu xám có sọc màu hồng, và ông đã âm thầm làm như vậy trong bao nhiêu năm trời. Những giai thoại trên chứng tỏ rằng ở một giai đoạn lịch sử đã qua, các vị thầy bói đã có ảnh hưởng thật lớn, nếu không nói là đã đóng những vai tro quan trọng trên chính trường.
Nguồn Vi Khuê