Tạp Ghi: Chết Đi Đời Sau Có Sống Lại?
Bài viết này tặng anh Tr. người bạn cùng giáo xứ của tôi
Phêrô Thái
Sau Thánh Lễ nhà thờ Thánh Phêrô với Cha khách ghé thăm giáo xứ vào chiều Thứ Bảy tuần qua. Anh Tr., người bạn tôi thắc mắc ưu tư hỏi tôi: “Anh có tin sau khi chết đi mình có được sống lại không?”.
Tôi được biết anh là người thuộc gia đình đạo gốc còn tôi là tân tòng chỉ biết đạo và trở thành Kitô hữu khi đã 60 tuổi đời…Câu trả lời của tôi chắc chắn là anh không bao giờ tin được nhưng tôi biết đức tin trong anh đang có sự xung đột mạnh mẽ.
Tôi không thể trả lời trực tiếp với anh là tôi tin hay không nhưng tôi cho anh biết là bây giờ tôi cũng như anh, an hem mình chưa chết thì làm sao trả lời chính xác câu hỏi mà anh đặt ra cho tôi và cho mọi người là có hay không? Tôi chỉ góp ý cho qua chuyện là chúng ta hãy làm tốt khi còn sống để thấy lòng thanh thản lúc tuổi già. Chúng ta chưa chết để biết có được sống lại hay không? Điều này là những gì được lập đi lập lại mà tôi đã nghe đi nghe lại nhiều lần ở các tang lễ người Công giáo, tôi biết chỉ là “ngôn ngữ đạo”.
Trên các cáo phó, phân ưu tôi vẫn thấy những điều mâu thuẫn đăng trên báo, đọc trên đài phát thanh địa phương của các gia đình công giáo khi có người thân từ trần và thường không quên kèm theo ba chữ “về với Chúa”. Tôi tự hỏi: “Đã về với Chúa sao còn lại buồn”. Điều này chứng tỏ niềm tin chết là về với Chúa và khi chết đi đời sau sẽ sống lại vẫn còn là một ấn tượng qua phúc âm, kinh thánh hơn là “ngộ” theo tư tưởng của Phật giáo.
Nhân một chuyến đi Nam Cali, vợ chồng tôi ghé thăm mộ cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng và rất nhiều Kitô an nghỉ ở nghĩa trang này và tôi tự hỏi tại sao lại có dòng chữ: ‘Nơi an nghỉ cuối cùng, vì những người đã chết đâu có nằm đây mãi mãi? Và trên mộ bia Việt Dzũng có ghi 4 câu thơ trong bài thơ “Tự Tình Khúc”:
Chiều nay ai ra mộ vắng
Thắp giùm tôi nén hương tàn
Thương người nằm sâu đất lạnh
Đang buồn quê hương nát tan…
Còn nhiều câu khác mà tôi đọc trên các mộ bia nổi tiếng quen thuộc gần đó: “Xin cho các linh hồn được an nghỉ đời đời”; hoặc “Tiễn đưa ông/bà X. đến nơi an nghỉ cuối cùng”, có thể làm cho người ta hiểu, chỉ có linh hồn được cứu thoát, còn thân xác thì mãi mãi an nghỉ trong lòng đất. Nguy hại hơn trong suy nghĩ có người cho rằng hạnh phúc thiên đàng có thể bị hiểu sai, giống như một giấc ngủ triền miên vĩnh viễn.
Cách nói: “Linh hồn Phêrô/Maria đã qua đời” (như trong kinh Vực Sâu) có thể làm cho người ta hiểu là linh hồn ấy đã chết, mà thực ra thì linh hồn được Chúa dựng nên bất tử. Trong phụng vụ, bản dịch Việt ngữ đã rất chi tiết khi đề rõ: “Ông Bà Anh Chị Em ... T đã nhắm mắt lìa đời”. Điều đó muốn khẳng định: cầu nguyện cho người qua đời tức là cầu nguyện cho người ấy được ơn cứu rỗi vinh quang cả hồn và xác.
Do ảnh hưởng của thuyết Nhị nguyên, đã có một thời người ta khinh ghét thân xác, cho rằng thân xác là tù ngục của linh hồn. Theo thuyết này thì linh hồn con người được một vị thần lành dựng nên và xác thịt lại do một thần dữ dựng nên để giam cầm linh hồn. Vì thân xác làm cho linh hồn ra xấu xa nên phải hành xác để nó không làm hại đến linh hồn. Quan niệm này ảnh hưởng nhiều đến lý tưởng tu trì thời trung cổ, được biết đến với những hình thức hãm mình ép xác và “đánh tội” rất nghiêm ngặt. Lối suy nghĩ này cũng tồn tại nơi nhiều người công giáo, cho rằng “xác đất vật hèn” nên ít để ý tới việc chăm sóc phần mộ người quá cố. Với cách lý luận và thực hành “đào sâu chôn chặt”, nhiều người đã mất phần mộ của người thân chỉ một thời gian ngắn sau khi họ qua đời. Rất may là từ vài thập kỷ trở lại đây, việc xây cất và chăm sóc phần mộ đã được nhiều người quan tâm để ý.
Như thế, thân xác không nghỉ yên mãi mãi trong nấm mộ, cũng không vĩnh viễn tách lìa khỏi linh hồn. Trong cuộc sống trần gian, thân xác đã cộng tác với linh hồn để tôn vinh Chúa và làm những việc lành. Khi một người chết, thì linh hồn tách rời khỏi thể xác. Thân xác sẽ bị mục rữa trong lòng đất, còn linh hồn thì được dẫn đến trình diện Thiên Chúa và chịu phán xét, ngôn ngữ bình dân gọi là “cuộc phán xét riêng”. Linh hồn con người bất tử, nhưng thể xác con người, mặc dù đã mục nát trong lòng đất, cũng sẽ được sống lại để kết hợp với linh hồn vào ngày tận thế.
Thiên Chúa không chỉ cứu chuộc linh hồn, mà là cứu chuộc con người toàn vẹn. Không chỉ linh hồn được hưởng Thánh nhan Chúa trong hạnh phúc vĩnh cửu, mà là cả con người, tức là hồn và xác. Những người công chính sẽ được chiêm ngưỡng Chúa (bằng thị giác), cảm nghiệm sự tốt lành của Chúa (bằng trái tim) và được ca tụng Chúa muôn đời (bằng môi miệng).
Như thế, nấm mồ không phải là chốn định cư vĩnh viễn của con người. Nghĩa trang không phải là nơi an nghỉ cuối cùng. Nấm mồ và nghĩa trang chỉ là một điểm dừng, một “phòng đợi” nơi đó thân xác chờ đợi để được kết hợp với linh hồn. Đó là ý nghĩa của lời tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”.
Để giải tỏa mối băn khoăn về thân phận của thân xác và về sự sống bên kia cái chết, Thánh Phaolô đã viết cho giáo dân Côrintô: “Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: Gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí” (1 Cr 15, 42-44).
Sự phục sinh của Người là một lời hứa hẹn và bảo đảm rằng chúng ta cũng sẽ được phục sinh với Người. Trong sự sống lại của Người, chúng ta thấy hé mở niềm hy vọng của đời sống vĩnh cửu. Lời tuyên xưng “xác loài người ngày sau sống lại” đi liền với lời tuyên xưng vào sự sống đời đời cũng chứng minh cho thấy hạnh phúc Nước Trời dành cho con người trọn vẹn gồm cả thân xác và linh hồn. Vào ngày tận thế, người lành kẻ ác đều sẽ sống lại, nhưng người lành sống lại để được sống hạnh phúc, còn người ác sống lại để bị kết án một lần cho mãi mãi. Đức Giêsu đã khẳng định điều đó: “Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,29).
Những người theo đạo Ông Bà tưởng nhớ người đã khuất vào dịp Thanh Minh. Những anh chị em Phật giáo cầu nguyện cho cha mẹ vào dịp rằm tháng Bảy, gọi là “xá tội vong nhân”. Người công giáo cầu nguyện cho cha mẹ và những người qua đời mỗi ngày. Một cách đặc biệt, Giáo Hội dành cả tháng 11 dương lịch để cầu nguyện cho các linh hồn. Bên nấm mộ của những người thân, chúng ta ôn lại những kỷ niệm với người đã nằm xuống, đồng thời suy tư về ý nghĩa cuộc đời, về lối sống hiện tại của mình.
“Nay người, mai tôi”, thành ngữ ấy nhắc nhở cho chúng ta thấy mình đang đi về một đích điểm, đó là sự chết. Tuy vậy, đối với những ai tin tưởng và cậy trông nơi Chúa, thì sự chết sẽ là khởi đầu cho cuộc gặp gỡ hạnh phúc với Thiên Chúa. “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Lời tuyên xưng ấy giúp chúng ta tìm ra định hướng cuộc đời.
Tôi nhớ khi tôi biết đạo cũng là tuổi thọ 60 và nhớ đến ca khúc khá vui của nhạc sĩ Y Vân, ông đã đưa vào lòng tôi những suy ngẫm đậm chất triết lý về sự mong manh, ngắn ngủi của kiếp người. Ca khúc “60 năm” phần nào diễn tả một sự thật trần trụi về sự sống – cái chết, cũng như thốt lên nỗi niềm nuối tiếc của kiếp nhân sinh: “Em ơi có bao nhiêu - 60 năm cuộc đời. 20 năm đầu - sung sướng không bao lâu. 20 năm sau - sầu thương cao vời vợi. 20 năm cuối - là bao.” Sống để rồi chết – đó là quy luật có phần nghiệt ngã, nhưng là quy luật bất di bất dịch không ai không phải ngang qua. Chính tác giả Thánh vịnh cũng thốt lên mấy lời vừa như có tính khẳng định, lại vừa có chút nuối tiếc, thêm chút thắc mắc, nhưng cũng đầy ý khuyên răn:
“Đời chúng con tàn tạ, kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài.
Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.” (Tv 90,9-10).
Như vậy, việc sinh ra của bất kỳ con người nào trên trái đất này đều mang sẵn một “bản án tử hình”. Bản án ấy luôn treo lơ lửng trên đầu và không ai biết trước được thời điểm thi hành án. Kẻ trẻ - người già, kẻ bệnh - người đang khỏe, kẻ đạo đức - người tội lỗi, kẻ quyền cao chức trọng - người thấp cổ bé họng, kẻ vui - người buồn... tất cả đều có thể ra đi bất cứ thời điểm nào dù muốn dù không. Như thế, phải chăng cuộc sống quá ư vô nghĩa và hết sức phi lý như chủ nghĩa hư vô phương Tây trong thời đại của triết gia Nietzsche rao giảng mà chính triết gia đã mạnh mẽ tố cáo: Hư vô chủ nghĩa dạy người đời rằng: “Đời không đáng sống. Tất cả mọi sự đều vô ích. Thôi, cứ sống cho qua ngày. Sống chờ đợi. Chờ chết”
Buông trôi. Có thể gọi những người sống mà không quan tâm đến ý nghĩa cuộc đời, không tìm hiểu tại sao mình lại sống để rồi phải chết là những kẻ buông trôi. Họ bước vào cuộc đời không lý do vì họ chẳng để ý gì đến lý do; và rồi họ kết thúc cuộc sống cũng chẳng cần hỏi tại sao. Ấy vậy mà khi đang sống, họ vẫn lo “chạy”, thậm chí là cật lực chạy từ ngày này qua ngày khác để tích lũy, để thỏa mãn nhu cầu, để nở mày nở mặt với thiên hạ,... và rồi họ chết.
Để kết luận tôi chỉ xin chia sẻ với anh Tr. Một điều là trong cuộc sống chúng ta luôn có cảm giác nuối tiếc và đau khổ kèm theo. Đó là sự dày vò lớn lao cho đến tận cuối cuộc đời. Những ngày còn lại của chúng ta về danh vọng chẳng là cái gì cả. Mà phải sống cho đến chết, đừng chết khi đang sống…!!!