Tạp ghi: Nước mắt chảy ngược

Thái Hóa Lộc

Một sự kiện buồn luôn ở mãi trong đầu tôi từ khi tôi vừa mới lên lớp Nhất là thời gian má tôi mất… Tôi không thể quên lúc đó vào khoảng 2 giờ sáng ngày 26 tháng Chạp năm 1957! Ba anh em bổng choàng dậy ngơ ngác khi nghe tiếng khóc từ ba tôi rồi chúng tôi cùng bật khóc theo và biết được từ nay chúng tôi là ba đứa trẻ mồ côi mẹ!

Thời gian và cuộc sống nối đuôi nhau, tôi đi học, đi lính… Đến tháng 5 năm 1975 vào tù Cộng sản và được thả ra, vượt biên để cuối cùng sống tha hương nơi đất khách quê người. Tôi không có cơ hội nào dù ngắn ngủi để săn sóc ba tôi cũng là thầy tôi trước khi tôi bước vào trung học Cường Để Qui Nhơn trong lúc người tuổi già bệnh hoạn tại quê nhà.

Cuộc sống ở xứ người tôi gặp nhiều hoàn cảnh cười ra nước mắt. Tôi không có ý định phê phán với suy nghĩ thật thoáng “nhà ai nấy sáng”. Cha mẹ nào mà chẳng thương con, người ta thường nói là “nước mắt chảy xuôi” đâu có bao giờ “nước mắt chảy ngược” đâu…

Tuy nhiên, nhiều trường hợp xảy ra mà chưa bao giờ nghĩ rới. Những sự việc tôi không thể nào hiểu nổi tôi đã gặp qua như chuyện một cụ bà sống cô đơn trong một căn phòng chật hẹp, đồ đạc ngổn ngang không có lối đi. Đến lúc bà chết đi mới biết bà có 12 người con gồm có “con ông – con bà và con chúng ta” nhưng lại chết trong cô đơn lạnh lẽo một mình.  Trong ngày tang lễ ở nhà quàn có thùng phúng điếu kêu gọi ông đi qua, bà đi lại còn nghĩ tình đến người quá cố. Những người quen biết không khỏi ngậm ngùi chua xót về lòng hiếu thảo của những người con bà đã sanh nặng đẻ đau hay có công nuôi dưỡng! Sau đó cũng không lâu, tôi lại nghe chuyện kể về một người mẹ khác được chăm sóc từ vợ chồng người anh cả hơn mười mấy năm trời không hề tính toán. Chẳng may người anh bị bệnh phải vào bệnh viện, mọi việc phụ thuộc vào người vợ chạy người chạy xuôi kiếm từ miếng ăn cho gia đình và săn sóc cho chồng không còn là chỗ dựa cho mẹ. Cũng từ đó, người mẹ không còn được yên ấm một nơi mà phải lưu động sau khi động ý luân phiên chăm sóc. Người mẹ như món vật thừa ném đi ném lại, chỉ mong đến ngày hết phiên mình mà lòng nhẹ nhỏm và nhiều chuyện cười ra nước mắt của người mẹ cũng bắt đầu từ đó…    

Người Việt từ xưa đã có câu: “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng/Con nuôi cha mẹ tính tháng kể ngày”. Nhưng nào ai biết, để trở thành người con hiếu thảo có khi còn khó hơn trở thành… tỷ phú. Khi còn nhỏ, con cái là báu vật của cha mẹ. Tới lúc trưởng thành, dù có là ông to bà lớn cỡ nào, con cái vẫn là những đứa trẻ trong mắt cha mẹ mà thôi. Nhưng khi cha mẹ già đi, họ trở thành gánh nặng của những đứa con…

Cuộc sống với những mưu sinh, lo toan… cứ thế cuốn trôi đi, những đứa con có khi vô tình lãng quên trách nhiệm với cha mẹ, rồi trở thành kẻ bất hiếu. Nhưng cũng có không ít người sẵn sàng dẫm đạp lên tất cả đạo lý cuộc sống, quay lưng lại với cha mẹ chỉ vì những lợi ích cá nhân.

Tôi còn nhớ lúc lên đệ lục và là lớp 7 bây giờ, học Việt văn tôi được học về Lục súc Tranh Công và Nhị Thập Tứ Hiếu. Những bài văn vần thầy bắt buột các học sinh phải học thuộc lòng. Sau này chương trình này bị bỏ quên và cũng vì thế chữ Hiếu ngày xưa không còn được hiểu như trước nữa.

Cây có cội, nước có nguồn, làm người ai cũng có Tổ tiên, Ông bà, Cha mẹ. Người Việt nam xem đây là tình cảm thiêng liêng cao quý nhất, trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời điểm nào, và không giờ phút nào lại không nghĩ đến công ơn sinh thành dưỡng dục cù lao của Cha Mẹ :

“Công Cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Nhắc đến ơn Cha cao như núi, nghĩa Mẹ như nước chảy từ nguồn. Người xưa đã dạy : “Hiếu vi vạn hạnh chi tiên”, trong muôn đức hạnh của con người, Hiếu là đức hạnh trọng yếu thứ nhất. Cha Mẹ, hy sinh tất cả đời sống của mình cho con, mong con khi khôn lớn sẽ trở thành người hữu dụng cho xã hội sau này :

“Công cha bao năm tình thương lai láng,
Nghĩa mẹ đậm đà, chín tháng cưu mang,
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn,
Biết lấy gì đền đáp nghĩa khó khăn… .”

Tác giả Lý Văn Phức tự là Lân Chi, hiệu là Khắc Trai, người làng hồ khẩu, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Nội, sinh vào năm ất Tỵ (1785). Ông thi đỗ cử nhân vào năm 1819, niên hiệu Gia Long thứ 18. Ông trải ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Ðức.

Trong cuộc đời làm quan, ông bị nhiều lần thăng giáng, và được cử đi công cán nhiều nước ở Viễn đông. Năm 1849, ông bị bệnh mà mất, nhà vua liền cho truy thụ Lễ Bộ Hữu Thị Lang.

Để giới thiệu truyện Nhị Thập Tứ Hiếu, Lý Văn Phức đã nói về sự hiếu thuận là trọng trong đạo làm người. Con người quên công sinh thành của cha mẹ không còn xứng đáng đứng trong trời đất nữa:

Người tai mắt đứng trong trời đất,
Ai là không cha mẹ sinh thành,
Gương treo đất nghĩa trời kinh,
Ở sao cho xứng chút tình làm con.
Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết
Thì suy ra trăm nết đều nên,
Chẳng xem thuở trước Thánh Hiền,
Thảo hai mươi bốn, thơm nghìn muôn thu.

Ông tóm tắt những ý chính trong bao nhiêu truyện của các bậc hiếu tử, từ những người đỗ đạt ra làm quan cho đến những hạng thứ dân, không ai có thể vượt qua đạo lý cổ nhân, và không ai quên được Tam cương và Ngũ thường. Cho nên, mọi người đều phải xem chữ hiếu là trọng:

Bấy nhiêu cổ tích cổ nhân về trước.
Cách nghìn xưa như tạc một lòng,
Kể chi kẻ đạt người cùng,
Lọt lòng ai trốn khỏi vòng di luân,
Buổi công hạ cảm thân dày đội,
Xa hương quan gần cõi Thánh Hiền,
Trông vào những thẹn bóng đèn,
Muốn lưu gia phạm, nên truyền quốc âm.

Cha mẹ nuôi con bể hồ lai láng,

Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày

Câu chuyện mới đây mà tôi đọc trên Google cũng thấm thía về chữ hiếu của những người con…

“Xưa, có hai vợ chồng một nhà nọ làm ăn chí thú. Họ sinh được ba người con, đều là con trai. Hai vợ chồng nuôi con rất chăm chút. Từ lâu, tay họ làm ra rất nhiều tiền của, ruộng vườn, nhưng có miếng gì cũng nhịn ăn để dành, những mong gây dựng cho mỗi con một cơ nghiệp riêng. Cho đến ngày cưới vợ cho đứa thứ ba xong, chồng bảo vợ:
– Chúng ta nhờ trời “con có của nên”. Nay chúng ta đã đến kỳ răng long tóc bạc mà con thì đã khôn lớn cả. Vậy cũng nên chia tài sản cho chúng nó làm ăn, đứa nào lo phận nấy, để khỏi có sự tranh giành sau này. Có vậy mới yên hưởng tuổi già được!

Thấy vợ ưng thuận, ông già bèn cho mời họ hàng làng nước lại lập chúc thư. Ông chỉ để lại cho mình và vợ một phần nhỏ tài sản để dưỡng lão, còn bao nhiêu của chìm của nổi đều chia hết cho các con.

Tuy đã ngoài 60 tuổi nhưng ông già vẫn còn khỏe mạnh và chưa chịu để tắt chí kinh doanh. Vì thế, sau khi phân chia tài sản cho các con xong, hai vợ chồng lại lao vào công việc làm ăn. Với phần của dưỡng lão, họ lại đưa ra buôn bán. Không ngờ thần tài còn vượng, lãi mẹ đẻ lãi con, tiền bạc lại tuôn về như nước chảy. Không đầy bảy tám năm sau, họ lại trở nên giàu có như trước. Trong khi đó thì ba đứa con của ông, phần thì thiếu kinh nghiệm, phần thì siêng ăn nhác làm, nên cơ nghiệp mới nhen lên chưa được bao lâu đã trở nên sa sút.

Một hôm, cả ba đứa con đều tìm đến gặp bố mẹ và nói:

– Bây giờ bố mẹ ngày một yếu hèn. Theo ý chúng con, bố mẹ chỉ nên nghỉ ngơi tĩnh dưỡng cho khỏe, để phần tài sản lại cho chúng con quản lý, chúng con sẽ xin phụng dưỡng bố mẹ đến mãn đời.

Ông già trả lời:

– Bố mẹ cũng muốn như vậy lắm. Nhưng ngặt vì xưa nay cha mẹ nuôi con thì được, còn con nuôi cha mẹ có phải dễ đâu!

– Bố mẹ đừng lo gì cả. Bọn con nói tiếp. Người ta không có của cha mẹ để lại cũng nuôi được cha mẹ thay, huống hồ phần tài sản của bố mẹ như thế thì lo gì mà chẳng nuôi được!

Ông già nghĩ ngợi hồi lâu rồi hẹn ba tháng nữa sẽ trả lời. Xung quanh nhà ông già là một vườn cây ăn quả. Ở đấy có rất nhiều tổ chim. Một hôm ông bảo trẻ con lối xóm trèo lên cây muỗm tìm cho mình một tổ chim. Đứa trẻ trèo một chốc bắt xuống cho ông một tổ trong có bốn con: một cặp vợ chồng chào mào và hai con chim con. Ông già thả bố mẹ nó ra rồi làm một cái lồng đẹp, bỏ hai con chim non vào đó. Đoạn cho treo lồng lên cây. Và ông thấy hàng ngày chim cha và chim mẹ ríu rít mang mồi về bám vào lồng, thò cổ vào mà đút cho con. Ông già ngẫm nghĩ: – “Loài chim rất yêu con, dù con có bị bắt cũng không chịu bỏ”.

Khi hai con chim đã khôn, ông già lại sai bọn trẻ tìm cách bắt cho được hai con chim cha và mẹ lại. Bắt được rồi, ông bỏ chúng vào lồng mà thả hai con chim con kia ra. Nhưng vừa được phóng thích, hai con chim bay một mạch mất hút, không hề trở lại. Việc đó làm cho ông suy nghĩ nhiều. – “Đồ bội bạc! Chẳng có con nào nhớ tới bố mẹ của nó cả, nói gì tới chuyện đút mồi nữa”. Và sau đó ông già kết luận: – “Con người ta cũng vậy thôi. Chỉ có trả nợ xuống mà không có trả nợ lên!”

Ba tháng trôi qua, ba đứa con của ông già lại đến giục bố mẹ trả lời. Ông già kể cho họ nghe chuyện chim chào mào vừa qua, nói lên những nhận xét của mình rồi đáp:

– Bố mẹ chẳng phải muốn giữ của lại làm gì đâu! Khi hai tay buông xuôi rồi, có mang được tý gì xuống âm phủ đâu mà giữ. Nhưng bố mẹ nghĩ rằng những đứa con thường chăm chút cho con mình hơn là cho bố mẹ. Vả chăng, khi đang có ăn thì còn có tình có nghĩa, khi đã túng thiếu rồi thì nào biết bố mẹ là gì nữa. Vì vậy, bố mẹ muốn ở riêng ra như thế này cho đến khi nhắm mắt tắt hơi, làm được gì ăn nấy, không phải làm phiền đến các con!

Nghe nói thế ba đứa con hết lời thề thốt. Đứa thứ nhất thề rằng dù các em có bỏ bố mẹ chăng nữa thì nó cũng sẽ chăm lo cho bố mẹ đầy đủ. Đứa thứ hai thề rằng nó sẽ không để cho bố mẹ phiền hà lấy một câu. Đứa thứ ba thề rằng dù nó có nghèo khổ đến đâu, thì cũng đi ăn xin về nuôi bố mẹ. Bà vợ ông cũng bảo:

– Con nó đã thề thốt như thế, ông nên nghĩ lại! Chim khác, người khác, ông ạ!

Cuối cùng thấy vợ con nói đi nói lại mãi ông già dần dần xuôi lòng, bèn lại mời họ hàng một lần nữa chia phắt tất cả tài sản còn lại cho ba đứa con mà không dành lại cho mình một tý gì.

Trong những năm đầu, ba anh em phụng dưỡng bố mẹ rất tử tế. Miếng ngon vật lạ hễ nghe đâu có bán là cố tìm mua cho bố mẹ ăn. Nhưng từ năm thứ ba trở đi việc hầu hạ đã có phần chểnh mảng. Thêm vào đó, công việc làm ăn của họ lại không khấm khá gì. Cả ba đứa con ông cụ đều là những tay “phá gia chi tử” không kém cạnh gì nhau, nên số tài sản của bố mẹ chia cho không mấy chốc lại đội nón ra đi mất cả. Sự khó khăn ngày một in sâu trên nét mặt họ. Và việc chăm sóc bố mẹ lại càng chểnh mảng. Hơn nữa, ba anh em họ, nhất là ba chị em dâu thường ganh tỵ nhau từng đồng tiền bát gạo. Trước kia cả ba hàng năm góp tiền lại cho một người để nuôi bố mẹ. Dần dần sự đóng góp không được đầy đủ như trước. Thấy kẻ này thiếu một vài quan, người nọ cũng nhất định giữ lại chừng ấy không chịu đưa. Về sau, họ bàn nhau mỗi người luân phiên nuôi bố mẹ một năm. Nhưng người anh cả sợ rằng lỡ ra bố mẹ chết sớm thì người chưa nuôi có lợi, mà người đã nuôi sẽ bị thiệt thòi, nên rút xuống nửa năm, rồi lại rút xuống ba tháng. Cuối cùng họ đồng tình mỗi người nuôi một tháng, nhưng không theo thứ tự nào cả mà bằng cách rút thăm. Càng già gân cốt càng suy, đi lại không được, do đó càng đòi hỏi phải chăm chút nhiều hơn. Thế mà trái lại, mỗi ngày sự nuôi nấng cha mẹ mỗi tệ, thậm chí con chỉ mong đến kỳ hạn để tống bố mẹ đi…”

Cứ như vậy chưa đầy ba năm bố mẹ vì không chịu được đói và rét, lần lượt qua đời. Do truyện này mà có câu:

Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể,
Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày.

Hay là:

Cha mẹ nuôi con bể hồ lai láng,
Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày.

Thời buổi bây giờ cha mẹ nào có phước lắm mới có những người còn hiếu thảo từ lời nói đến hành động. Những người con ở xa chỉ có thể giữ được chữ hiếu trong lòng hoặc lời thăm hỏi qua điện thoại. Muốn làm người con hiếu thảo phải có thời gian chăm sóc cha mẹ mới hiểu nỗi chịu đựng của những con hằng ngày với cha mẹ ! Thế mới biết làm người có hiếu còn khó hơn trúng số độc đắc! Xin cùng suy ngẫm hai câu sau đây:

Nước mắt chảy xuôi: Chỉ làm nguôi ký ức...!

Nước mắt chảy ngược: Mới thấm được niềm đau...!

Previous
Previous

Gia Định Là Nhớ, Sài Gòn Là Thương

Next
Next

Phù Cát Trong Tôi