TẠP GHI: PHẠM QUANG MINH (OMELY PRINTING)
Tôi không còn nhớ lần đầu đã quen Minh Omely từ lúc nào? Nhưng một điều chắc chắn là không dưới ba mươi năm! Tôi cố lục lại trong tiềm thức hình ảnh của Phạm Quang Minh đẹp trai, hào hoa nhưng cuộc sống thật đơn giản và an phận…
Tôi biết rõ và hiểu Minh hơn là khi cùng làm chung một địa chỉ trong khu warehouse của chợ Vạn Thành cũ nhưng cả hai đã share tiền thuê với nhau. Minh chuyên về in ấn còn tôi đang làm báo Người Việt Dallas và Đài Phát Thanh Việt Nam Hải Ngoại. Cũng từ đó, sự gắn bó giữa hai chúng tôi như không rời nhau cho đến khi Minh phải về dùng cơm tối với vợ và hai con. Nhưng đôi khi có bạn bè đến dù đang làm việc hay đến giờ phải về với vợ con Minh cũng không bỏ bạn bè mà kéo dài cuộc vui đến khuya. Đối với tôi thì không còn có sự chọn lựa vì nơi làm việc cũng là nhà khi cần tắm rửa lại căn phòng trong chung cư của anh chị Trần Văn Nhị. Anh Nhị nguyên Thiếu tá phụ tá Chiến tranh Chính Trị Tiểu Khu Châu Đốc, mười năm tù miền Bắc, có máu văn nghệ và rất yêu nghề truyền thanh. Anh đã giúp tôi một vài tiết mục trong chương trình trong giờ rãnh rỗi hay cuối tuần. Anh phụ trách chương trình nhạc yêu cầu về khuya, đặc biệt là phối hợp với chị Thy Lan qua chương trình “Đường Về Miền Tây”. Anh rất am hiểu người miền Tây, những tỉnh lỵ sầm uất hay làng mạc hẻo lánh, những địa danh anh đã đi qua. Anh đã từng kể cho tôi nghe những chuyện sau bức màn nhung sân khấu, những kỷ niệm với các nghệ sĩ như Kim Loan, Băng Châu, Phương Hồng Quế…Cũng chính nơi này, người bạn trẻ Ngô Ngọc Hùng đã sáng lập Đài Phát Việt Nam Hải Ngoại đã hướng dẫn đưa tôi trở lại sinh hoạt trong giới truyền thanh sau khi giã từ Đài VBS mà một thời gian tôi điều hành với sự phụ giúp đặc biệt của chị Thy Lan, Liên Bích. Nhưng sau đó có vài lý do bất khả kháng, tôi không thể tiếp tục với Việt Nam Hải Ngoại và chia tay với Ngô Ngọc Hùng! Cả hai anh Trần văn Nhị đã ra đi ba năm trước và Ngô Ngọc Hùng cũng chia tay với mọi người vì bệnh covid-19 năm vừa qua! Sự ra đi nào đều có một sự mất mát đau buồn luyến tiếc với những kỷ niệm vui buồn theo ngày tháng!
Phạm Quang Minh thường mọi người hay gọi là Minh Omely. Tôi còn nhớ với phương tiện sẵn có về in ấn, tôi bày thêm chuyện phát hành một tập san hàng tháng lấy tên là Omely. Tôi lo phần bài vở và trình bày còn Minh chịu trách nhiệm về in và Minh không từ chối! Hai số đầu nổi đình nổi đám cũng gây tiếng vang tại địa phương. Một vài bài dựa theo chủ đề tên của tập san là Omely nên cũng có một vài chuyện viết chuyên về “nửa kín nửa hở” và bài phiếm luận “Đàn ngang cung”. Một số người góp ý không tán thành, hơn nữa phần “chạy” quảng cáo để nuôi sống, phát triển Omely cũng khó khăn, cả tôi và Minh không có nhiều thời gian ra ngoài đã ngậm ngùi đình bản vĩnh viễn. Nhưng chính thời gian này tôi và Minh gần gũi nhiều hơn nên mỗi ngày chiều về “rửa tay gát kiếm”, chúng tôi đều lai rai vài chai trước khi chia tay. Tửu lượng của tôi ngày càng tiến bộ, nhiều người muốn cụng ly cũng phải e dè. Tôi còn nhớ có lần anh Nguyễn Văn Giêng phụ trách phần quảng cáo báo Người Việt có dịp chung vui với nhóm chúng tôi, ngoài tôi và Minh ra có Bùi Quốc Hưng, Vương Minh Triệu, Nguyễn Thạch Qui và vài người bạn nữa…Tôi cũng đã ghi lại kỷ niệm với anh Nguyễn Văn Giêng lần ấy cụng ly 100% ba chai liên tiên và ngủ tại chỗ. Hình như ngày nào cũng có tiệc vui tuy không đình đám nhưng không bao giờ thiếu vắng…
Một sự kiện bất ngờ trong đời tôi không thể quên là trước ngày tôi “lên xe hoa về nhà vợ”. Địa điểm xuất phát đến nhà cô dâu là nhà in Omely và Đài Phát Thanh Tiếng Nước Tôi cũng là Tòa soạn Báo Người Việt Dallas. Dũng “đen” đã tử nạn đã đề nghị dùng hai chiếc xe Limousine màu trắng làm phương tiện rước dâu, mặc dầu tôi chỉ cần một chiếc mà thôi nhưng mọi trong nhóm gồm có Minh, Triệu, Hưng không đồng ý. Xe trước đi đón dâu, xe Limousine theo sau hộ tống và trên xe gồm những người trong “gia đình Omely”. Trên xe Dũng trang bị đầy đủ cả, bàn uống rượu và rượu đủ loại. Trên đường từ “nhà chú rể” là nhà in Omely + Tòa soạn báo Người Việt Dallas không xa lắm, di chuyển không quá mười phút. Nhưng hai chiếc Limousine thì không thể nào vào khu chung cư nhỏ hẹp trên đường Beltline nên một chiếc phải đậu bên kia dãy chung cư đối diện và tiếp tục chung vui với cô dâu-chú rể. Nếu đơn giản chỉ có vậy thì chuyện ngày tôi lấy vợ đâu có gì đặc biệt. Tôi còn nhớ trước ngày “lên xe hoa” Minh căn dặn nhiều lần là tối hôm đó tôi phải ở tại nhà in Omely không được đi đâu cả vì có nhiều anh em bạn đến chúc mừng và mọi người có một món quà đặc biệt cho tôi. Lúc bấy giờ tôi không nghĩ ra cái chiêu trò gì Minh và bạn hữu dành cho tôi. Minh “ra lệnh” cho tôi phải rời khỏi nhà in Omely và trở lại sau hai giờ đồng hồ!
Một sự bất ngờ và ngạc nhiên rất nhiều xe đậu bên ngoài và khi bước vào bên trong, nhà in Omely có ánh đèn màu lấp lánh không khác gì hộp đêm ở Saigon trước đây hay tưởng chừng như bước vào club của Mỹ mà thình thoàng tôi đã từng vào với các người bạn. Không khí đang im lặng nhưng khi tôi bước vào bổng vỡ òa tiếng cười và từ bên trong một “Eva bị ăn trái cấm” xuất hiện! Người nghệ nhân này xuất hiện lấp lánh dưới ánh đèn mờ ảo với những điệu múa chung quanh tôi. Trò chơi phá lệ ngoài sức tưởng tượng làm cho tôi nhớ mãi cho đến khi thăm Minh lần cuối. Vợ chồng tôi và chị Hạnh, người bạn đời của Minh nhắc đến ngày Minh những ngày còn sống trong khi Minh nằm im trong chiếc quan tài. Minh như một người đang nằm ngủ, bình thản và vô tư. Tôi đưa tay xoa bộ râu quai nón “rất đàn ông” rồi đưa bàn tay nắm tay Minh, tôi thật sự chưa thấy “sự chết” từ con người Minh thoát ra. Tôi nghĩ Minh còn sống, những gì chúng tôi đang nói về Minh và Minh đã hiểu được. Minh bỏ chúng tôi ra đi chứ không phải chúng tôi bỏ Minh đâu? Minh còn trẻ so với tuổi đời được gọi là già để phải ra đi. Nhiều người không muốn bỏ Minh ở lại một mình trong chiếc quan tài đêm nay và chờ ngày biến thành tro bụi. Họ luyến tiếc vây quanh. Một sự bất ngờ xảy ra là số bạn trẻ đã thực hiện một nghi thức vô cùng xúc động “Tống Tửu Tiễn Biệt” Phạm Quang Minh. Tôi nhận ra có Tâm (Thomas) Nguyễn, chồng ca sĩ Hồng Ngọc. Những ly rượu được rót ra từng người cầm trên tay tiến về phía quan tài của Minh. Họ mời Minh cùng uống ly rượu cuối cùng trên trần thế để đưa tiễn người anh, người chú về miền vĩnh cữu.
Thương nhớ Minh Omely!
Cầu nguyện linh hồn Giuse sớm hường nhan thánh Chúa
Thái Hóa Lộc