Tạp ghi: Tình bạn ở cuối đời

Thái Hóa Lộc

Lúc còn trẻ tôi đọc truyện Tàu khá nhiều nhưng không mấy quan tâm tìm hiểu những chuyện đề cao về tình bạn. Tuy nhiên, khi bước vào tuổi bát thập đọc đi đọc lại tôi lại càng cảm thấy thấm thía chuyện xưa thời Xuân Thu Chiến Quốc như Bá Nha – Tử Kỳ, Quản Trọng – Bảo Thúc Nha,  và Việt Nam có Nguyễn Khuyến với Dương Khuê nhưng tôi vẫn thích chuyện Bá Nha – Tử Kỳ!

Bá Nha họ Du tên Thụy, người ở Sính Đô nước Sở (nay là phủ Kinh Châu, tỉnh Hồ Quảng). Tuy là người nước Sở, nhưng làm quan cho nước Tấn, chức Thượng Đại Phu. Tử Kỳ, họ Chung tên Huy, nhà tại Tập Hiền Thôn, gần núi Mã Yên, ở cửa sông Hán Dương, là một danh sĩ ẩn dật, báo hiếu cha mẹ tuổi già nua, làm nghề đốn củi (Tiều).

Một hôm, Bá Nha phụng chỉ vua Tấn đi sứ qua Sính Đô nước Sở, vào triều kiến vua Sở, trình quốc thư và giải bày tình giao hiếu giữa hai nước, được vua Sở và quần thần thiết tiệc khoản đãi. Bá Nha nhơn dịp nầy đi thăm mộ phần tổ tiên, thăm họ hàng, xong vào từ biệt vua Sở trở về nước Tấn.

Khi thuyền trở về đến cửa sông Hán Dương, nhằm đêm Trung Thu, trăng sáng vằng vặc, phong cảnh hữu tình, Bá Nha cho lịnh cắm thuyền dưới chân núi Mã Yên để thưởng ngoạn. Cảm thấy hứng thú, muốn dạo chơi một vài khúc đàn, Bá Nha liền sai quân hầu lấy chiếc lư ra, đốt hương trầm xông cây dao cầm đặt trên án. Bá Nha trịnh trọng nâng đàn, so dây vặn trục, đặt hết tâm hồn đàn lên một khúc réo rắt âm thanh, quyện vào khói trầm, chưa dứt, bỗng đàn đứt dây.

Bá Nha giựt mình tự nghĩ, dây đàn bỗng đứt thế nầy ắt có người nghe lén tiếng đàn, bèn sai quân hầu lên bờ tìm xem có ai là người nghe đàn mà không lộ mặt. Quân hầu lãnh lịnh lên bờ thì bỗng có người từ trên bờ lên tiếng:

– Xin đại nhân chớ lấy làm lạ, tiểu dân là tiều phu kiếm củi về muộn, trộm nghe được khúc đàn tuyệt diệu của Ngài.

Bá Nha cười lớn bảo:

– Người tiều phu nào đó dám nói hai tiếng nghe đàn với ta, sao ngông cuồng thế?

– Đại nhân nói sai quá vậy. Há chẳng nghe: Thập thất chi ấp, tất hữu trung tín (Một ấp 10 nhà ắt có nhà trung tín). Nếu đại nhân khinh chỗ quê mùa không người biết nghe đàn, thì cũng không nên có người khảy lên khúc đàn tuyệt diệu.

Nghe đáp xong, Bá Nha hơi choáng váng, hối hận những lời vừa thốt ra, vội bước ra mũi thuyền, dịu giọng nói:

– Người quân tử ở trên bờ, nếu thực biết nghe đàn, biết vừa rồi ta khảy khúc gì không?

– Khúc đàn đại nhân vừa tấu đó là: Đức Khổng Tử khóc Nhan Hồi, phổ vào tiếng đàn, lời rằng:

Khá tiếc Nhan Hồi yểu mạng vong,
Dạy người tư tưởng tóc như sương.
Đàn, bầu, ngõ hẹp vui cùng đạo,

Đến cuối câu ba thì dây đàn đứt, còn lại câu bốn là:

Lưu mãi danh hiền với kỹ cương.

Bá Nha nghe xong, đúng quá, mừng rỡ sai quân hầu bắc cầu lên bờ mời người quân tử xuống thuyền đàm đạo.

Bá Nha thấy tiều phu đã thấy rõ lòng mình qua tiếng đàn, lấy làm kính phục, liền gác đàn, sai bày tiệc rượu, đối ẩm luận đàm. Hai người hỏi nhau tên họ, nguyên quán, nghề nghiệp.

Bá Nha lại sanh lòng cảm mến Tử Kỳ về sự hiếu với phụ mẫu, nên xin kết nghĩa anh em với Tử Kỳ, để không phụ cái nghĩa TRI ÂM mà suốt đời Bá Nha chưa từng gặp. Hai người đến trước bàn hương án lạy Trời Đất, rồi lạy nhau 8 lạy kết làm anh em. Tử Kỳ nhỏ hơn Bá Nha 10 tuổi nên làm em. Hai anh em đối ẩm cùng nhau tâm sự mãi cho đến sáng mà không hay. Tử Kỳ vội đứng lên từ biệt.

Thời gian lặng lẽ trôi qua. . . Nhớ ngày ước hẹn với Tử Kỳ, Tử Nha tâu xin vua Tấn cho nghỉ phép về thăm quê nhà.

Bá Nha thu xếp hành trang đến núi Mã Yên kịp ngày Trung Thu ước hẹn. Kìa là núi Mã Yên mờ mờ sương lạnh, tịch mịch, không một bóng người.

Bá Nha nghĩ thầm, năm trước nhờ tiếng đàn mà gặp được tri âm, đêm nay ta phải đàn một khúc để gọi Tử Kỳ. Rồi sai đốt hương trầm, đem Dao cầm ra so dây. Bá Nha đặt hết lòng nhớ nhung của mình vào tiếng đàn réo rắt, bỗng trong tiếng đàn lại có hơi ai oán nổi lên. Bá Nha dừng tay suy nghĩ: Cung Thương có hơi ai oán thảm thê, ắt Tử Kỳ gặp nạn lớn. Sáng mai ta phải lên bờ dọ hỏi tin tức về Tử Kỳ.

Đêm ấy, Bá Nha hồi hộp lo âu, trằn trọc suốt đêm, chờ cho mau sáng, truyền quân hầu mang theo Dao cầm, 10 đỉnh vàng, vội vã lên bờ, tiến vào núi Mã Yên. Khi qua cửa núi, gặp ngã ba đường, chưa biết nên đi đường nào, đành ngồi chờ người trong xóm đi ra hỏi thăm. Không bao lâu, gặp một lão trượng tay chống gậy, tay xách giỏ, từ từ đi lại. Bá Nha thi lễ, hỏi:

– Xin lão trượng chỉ giùm đường đi Tập Hiền Thôn?

– Thượng quan muốn tìm nhà ai?

– Nhà của Chung Tử Kỳ.

Vừa nghe 3 tiếng Chung Tử Kỳ, lão trượng nhòa lệ, nói:

– Chung Tử Kỳ là con của lão. Ngày Trung thu năm ngoái, nó đi đốn củi về muộn, gặp quan Đại Phu là Du Bá Nha kết bạn tri âm. Khi chia tay, Bá Nha tặng hai đỉnh vàng, nó dùng tiền nầy mua sách học thêm, ngày đi đốn củi, tối về học sách, mãi như vậy, sức khỏe hao mòn, sanh bệnh rồi mất.

Bá Nha nghe vậy thì khóc nức nở, thương cảm vô cùng. Lão trượng ngạc nhiên hỏi quân hầu thì biết thượng quan đây chính là Du Bá Nha, bạn tri âm của Chung Tử Kỳ. Chung lão biết vậy lại càng bi thảm hơn nữa nói:

– Mong ơn thượng quan không chê con lão hàn tiện. Lúc mất, nó dặn rằng: Con lúc sống không vẹn niềm hiếu dưỡng, lúc chết không vẹn nghĩa tri giao, xin cha chôn con nơi cửa núi Mã Yên để thực hiện lời ước hẹn với quan Đại Phu Bá Nha.

Lão phu y lời con trối lại. Con đường mà thượng quan vừa đi qua, bên phải có một nấm mộ mới, đó là mộ của Tử Kỳ. Hôm nay là đúng 100 ngày, lão mang vàng hương ra cúng mộ.

– Việc đời biến đổi, may rủi không lường. Xin Lão bá đưa đến mộ Tử Kỳ, bốn lạy cho vẹn tình tri kỷ.

Khi đến phần mộ, Bá Nha sửa lại áo mũ, sụp lạy khóc rằng:

– Hiền đệ ơi, lúc sống thông minh anh tuấn tuyệt vời, nay chết, khí thiêng còn phảng phất, xin chứng giám cho ngu huynh một lạy ngàn thu vĩnh biệt.

Lạy xong, Bá Nha phục bên mồ, khóc nức nở. Sau đó, Bá Nha gọi mang Dao cầm tới, đặt lên phiến đá trước mộ, ngồi xếp bằng trên mặt đất một cách nghiêm trang, so dây tấu lên một khúc nhạc thiên thu, tiễn người tri âm tài hoa yểu mạng.

Bỗng thấy gió rừng thổi mạnh, mây đen kéo lại, u ám bầu trời, hồi lâu mới tan. Có lẽ đó là anh hồn của Tử Kỳ hiển linh chứng giám. Tấu khúc nhạc xong, Bá Nha phổ lời ai oán, thay lời ai điếu, vĩnh biệt bạn tri âm, rồi đến vái cây Dao cầm một vái, tay nâng đàn lên cao, đập mạnh vào phiến đá trước mộ Tử Kỳ, đàn vỡ tan nát, trục ngọc phím vàng rơi lả tả.

Chung lão không kịp ngăn, sợ hãi nói rằng:

– Sao đại quan hủy cây đàn quí giá nầy?

Bá Nha liền ngâm 4 câu thơ thay câu trả lời:

Dao cầm đập nát đau lòng phượng,
Đàn vắng Tử Kỳ, đàn với ai?
Gió Xuân khắp mặt bao bè bạn,
Muốn kiếm tri âm, ôi khó thay!

– Nguyên do là vậy. Âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật cao siêu. Nhân đây, xin mời thượng quan đến nhà lão để lão cảm tạ tấm lòng tốt đẹp của thuợng quan đối với con lão.

– Cháu quá bi thương, không dám theo bá phụ về quí phủ e gợi thêm nỗi đau lòng. Nay nghĩa đệ vắn số mất rồi, cháu kính dâng lên bá phụ và bá mẫu 10 đỉnh vàng, một nửa dùng mua mấy mẫu ruộng làm Xuân Thu tế tự cho Tử Kỳ, một nửa xin để phụng dưỡng bá phụ và bá mẫu trong tuổi già. Chừng cháu trở về triều, dâng biểu lên vua xin cáo quan, cháu xin đến rước bá phụ, bá mẫu đến an hưởng tuổi già.

Nói xong, Bá Nha lấy vàng dâng lên, rồi khóc lạy mộ Tử Kỳ một lần nữa, mới trở về thuyền. Chung lão cảm động không cùng, nghẹn ngào đứng lặng nhìn theo bóng Bá Nha cho đến khi khuất bóng…

Tôi bắt đầu câu chuyện Bá Nha – Tử Kỳ để trở về một câu chuyện có thật đời thường của mình qua sự ra đi đột ngột của anh Hội trưởng Hồ Văn Toại. Cùng tuổi đời  là“Giáp Thân” và theo tuổi vào trường “giấy thế vì khai sinh năm 1946” . Anh vào trường tư thực Bồ Đề và tôi vào trường công lập Cường Để Qui Nhơn. Anh với tôi không là bạn cùng trường cùng lớp như bạn Trần Quang Hồng lại là người cùng lớp Đệ Nhất A1 dưới mái trường Cường Để Qui Nhơn và anh đang ở thành phố này. Hội Ái hữu Bình Định đã tổ chức một buổi lễ tiễn đưa anh Hồ Văn Toại ngay tại nhà quàn thành phố Grand Prairie và vợ chồng anh Trần Quang Hồng có tham dự… 

Anh em trong Hội Bình Định yêu cầu, tôi bất đắc dĩ đứng ra điều hợp chương trình tưởng niệm anh Toại tại nhà quàn Bean-Massey Burge ngày 13 tháng 12 năm 2023. Tôi đảo mắt nhìn về phía dưới tìm người quen một thời với tôi cùng lớp là anh Lào và anh Hồng. Tôi nhớ lại nụ cười và giọng nói của anh Toại vô tình đã ám ảnh tôi suốt đêm khi nghe tin anh Nguyễn Văn Tường cựu Hội trưởng Không Quân Dallas người đầu tiên báo tin về sự ra đi của anh trong lúc tôi đang dự lễ Tưởng niệm Thầy Nguyễn Đăng Liên tại Hội Thánh Tin Lành Plano vào chiều Thứ Sáu, ngày 13 tháng 12 năm 2023. Thật sự ban đầu tôi không thể tin, bời vì người báo tin không phải là người của  Hội Bình Định. Cảm giác sự thật chính khi tôi tự đưa bàn tay mình đặt trên bàn tay anh trong quan tài. Cảm giác giữa người chết và người sống mà cách mấy ngày trước chúng tôi bắt tay nhau chia sẻ về tiệc tổ chức ngày Đại lễ Quan Trung sắp tới!

Trong cảm giác mất mát và tìm về mà tôi đã gặp  Trần Quang Hồng, bạn tôi tham dự tiễn đưa anh Hồ Văn Toại ngày  hôm ấy để tôi quyết định gửi lời nhắn: “Tôi đắn đo muốn chia sẻ với vợ chồng bạn một điều là tôi không biết cá nhân tôi đã làm phiền bạn điều gì không? Bời vì mấy ngày gần đây có nhiều người hởi thăm tôi là vợ chồng bạn có mời vợ chồng tôi tham dự buổi tiệc do vợ chồng bạn khoản đãi nhiều người vào tối Chúa nhật này. Tôi nghĩ rằng việc mời hay không mời là chuyện bình thường và chủ đích người mời. Cũng vì lẽ đó, vợ chồng bạn có thể quên chúng tôi là chuyện thường. Trong suy nghĩ của tình bạn và không ngần ngại gửi đến vợ chồng bạn những lời này. Nếu vợ chồng tôi thật sự có điều gì làm vợ chồng bạn buồn thì chúng tôi thành thật xin lỗi. Mọi thứ khác đối với chúng tôi điều không quan trọng...”. Cuối cùng chúng tôi đã được mời và chúng tôi nhận lời tham dự - “Cảm ơn Ngọc Anh. Ngày mai vợ chồng tôi sẽ tham dự. Đừng quan tâm chỗ ngồi và ăn uống. Tôi rất quý vợ chồng Ngọc Anh, ngoài tình bạn với Hồng hai bạn đã giúp đỡ và ủng hộ tôi rất nhiều trong các các công tác xã hội. Chùng tôi muốn nhìn thấy sự thành công và niềm vui của gia đình bạn…”

Khi tôi ghi lại những dòng cảm xúc này để tìm hiểu chính tôi đến từng góc khuất của tâm hồn hay chia sẻ sự mất mát của nỗi buồn đang ấp ủ về tình bạn và cuộc đời. Tôi đã không đến nếu không phải Trần Quang Hồng là người bạn cùng lớp cùng trường và những gì mà vợ chồng đã bạn đã hỗ trợ cho chúng tôi; đặc biệt chương trình giúp đỡ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hoà tổ chức tại Giáo xứ Thánh Phêrô năm 2019. Vợ chồng chúng tôi đến tận nhà xin yểm trợ $2,000.00 nhưng vợ chồng bạn đã giúp số tiền lên đến $5,000.00. Chúng tôi vô cùng xúc động và biết ơn!

Ông bà Trần Quang Hồng – Ngọc Anh –  Con trai - 4 cháu trai

Chúng tôi đã đến tham dự buổi tiệc vui chào mừng 34 năm thành lập hệ thống Nhà hàng Cindi’s. Đây là tiệc vui hàng năm cảm ơn sự làm việc chung sức của các nhân viên đã đưa sự thành công và phát triển công ty Cindi’s từ ngày thành lập đến năm 2023 là 34 năm. Tiếp theo cũng là tin vui, chủ nhân của Cindi’s Restaurant là Ngọc Anh thông báo sinh nhật thượng thọ của  phu quân Trần Quang Hồng đúng 80 tuổi. Trong lời đáp từ là lời cảm ơn nồng nhiệt của anh Trần Quang Hồng ca tụng người vợ đảm đang, tài ba xinh đẹp của mình. Hôm nay gia đình anh hạnh phúc, con cháu đề huề nhờ người vợ hiền Ngọc Anh

….Vợ chồng tôi đã trọn niềm vui ngày hôm ấy. 

Tôi vẫn muốn trái tim mình mở rộng, và tìm thấy tình bạn đích thực trong cuộc đời mình trong những ngày tuổi đời còn lại.

Previous
Previous

Cái bóng của vị thầy tu

Next
Next

Tuy Hòa một thời gió cát