Tạp ghi: Tình mẹ
Kim Dinh
Tôi không định ghi lại cảm xúc này bởi vì có thể làm cho người Mẹ sẽ buồn thêm trong ngày vui của con mình. Tuy không phải là một tiệc cưới chính thức nhưng nhiều người thân trong gia đình, bà con họ hàng mà có lẽ chỉ có cơ hội này mới gặp nhau. Vợ chồng tôi lại đóng vai trò người họ hàng “bất đắc dĩ” từ thâm tình người Mẹ qua những nỗi niềm riêng. Tiếng gọi “Bố” mà tôi được từ người Mẹ thốt ra trong lúc gặp gỡ mà tôi đã nghe có lẽ sẽ không giống âm thanh trước đây, ngày Bố Mẹ chú rể chưa phải chia tay bởi mối tình thứ ba nghiệt ngã!
Trên cùng một bàn dài, Bố và Mẹ đều có người mới ngồi cách biệt nhau. Nỗi lòng của con người Mẹ đã hiểu dù con đã lớn và trưởng thành.
Khi người Mẹ nhờ tôi chuyển tiền “lì xì” cho người con, lòng tôi vô cùng xúc động. Người em đi lính phương xa về chung vui với anh mình, cái ví lép xẹp ngoài bắng lái xe không có một cái credit hộ thân. Chỉ có Mẹ mới biết đời lính của con làm gì có tiền, dù là tiêu vặt. Mẹ để ý từng ly từng tí cuộc sống của con. Mẹ đã chắt chiu từ khi con lên 5 tuổi. Tội nghiệp cho con thiếu thốn tình phụ tử.
Tình mẹ thương con, bao la như trời như biển. Không có thứ tình cảm nào đậm đà và cao quý như tình mẹ thương con. Đã có biết bao nhiêu thi ca nhạc phẩm, đã có vô vàn câu hò điệu hát ca tụng tình mẹ thiêng liêng.
“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào.
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào.”
Với giai điệu mượt mà sâu lắng, với ca từ thấm đẫm chất thơ gợi lên những hình ảnh bình dị, gần gũi, nhạc sĩ Y Vân đã viết ca khúc tuyệt vời ca ngợi tình mẹ và tôi đã khóc bất chợt nghe được từ một máy thu thanh mặc dù tôi chưa có cảm xúc được mẹ ôm vào lòng bởi vì một đứa trẻ lên hai đâu biết gì! Tôi chưa có ân phúc được làm mẹ như nhiều phụ nữ khác nhưng hiểu được thế nào là TÌNH MẸ.
Thương con mẹ nào có quản nắng mưa, có ngại gì sớm khuya vất vả… Tình mẹ mãi mãi là như thế. Dẫu ở thời nào, dẫu thuộc nền văn minh văn hóa nào và dẫu ở đâu, tình mẹ muôn đời vẫn thế.
Câu chuyện có thật mà tôi được đọc qua về tình mẹ trongmột cơn động đất lớn đã xảy ra ở xứ Armênia năm 1987, đã chôn vùi hằng ngàn người. Trong số những người bị chôn dưới đống gạch vụn có hai mẹ con bà Suzanna. Hai mẹ con may mắn nằm lọt vào trong một khoảng trống nhỏ. Tất cả lương thực họ có chỉ là một hủ mứt nhỏ. Nhưng chẳng bao lâu hũ mứt cũng hết sạch. Lúc đó đứa con 4 tuổi kêu lên: “Mẹ ơi con khát quá”. Bà Suzanna không biết tìm đâu ra nước cho con. Nhưng tình mẫu tử đã gợi cho bà một sáng kiến táo bạo: bà dùng một miếng kính vỡ cắt đầu ngón tay mình cho máu chảy ra và đưa vào miệng đứa con cho nó mút. Một lúc sau nữa nó lại kêu khát, bà lại cắt một đầu ngón tay nữa. Cứ như thế cho đến cuối cùng người ta cứu hai mẹ con ra. Sau khi ra ngoài, bà mẹ cho biết rằng: “Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết. Nhưng tôi muốn con tôi sống”.
Hình ảnh người mẹ cưu mang đứa con yêu dấu của mình trong lòng dạ suốt chín tháng mười ngày có vẻ quen thuộc đối với mỗi người; thế nhưng có quen thuộc đến mấy đi nữa thì mãi mãi người ta sẽ không bao giờ vét cạn được chân trời huyền nhiệm nơi con người mà chính Thiên Chúa đặt vào trong lòng dạ người mẹ.
Thật vậy, chính con người là một huyền nhiệm, huyền nhiệm ngay từ lúc được thụ thai trong lòng dạ của mẹ. Nhưng ai là người đầu tiên để mang lấy một huyền nhiệm đó nếu không phải là mẹ. Chính Thiên Chúa đã đặt để một huyền nhiệm con người vào trong lòng dạ của mẹ, chính tại đây mà mỗi con người đã được nuôi dưỡng, lớn lên và được sống trong cuộc đời này. Có ai đã tự hỏi, tại sao tôi lại được sinh ra? Tại sao tôi lại được đặt vào trong cung lòng của mẹ tôi? Đó là huyền nhiệm của tình yêu dành cho mỗi một con người. Đó là món quà của tình yêu Thiên Chúa đã dành cho mỗi một con người để hiện hữu trong trần gian này.
Nếu ai có lòng biết ơn đến sự hiện hữu của mình thì mới có thể hiểu ra được lòng dạ của người mẹ, mạch máu nơi người mẹ, giọt sữa của người mẹ và trái tim của người mẹ thiêng liêng và cao quý đến mức nào. Đó là sự thiêng liêng là bởi vì không ai có thể cho mình quyền được sinh ra, chọn lựa được sinh ra ở đâu và thời gian mình được sinh ra. Đó là thiêng liêng cũng bởi vì chính lúc con được thành hình trong dạ mẹ thì cũng là lúc con nhận được chính tình yêu sự sống từ mẹ; chắc hẳn đó không phải là những thứ “thuần vật chất” mà mẹ truyền sang con. Đứa con không phải là một “sản phẩm” từ người mẹ, hay một “loại vật chất” có thể được làm cho lớn lên nhờ “thứ vật chất” từ người mẹ. Không phải như thế! Nhưng chính tình yêu từ mẹ đã làm cho con được lớn lên, và tình yêu nơi mẹ là sự sống mà con được thông truyền, được kín múc. Những gì mà con được nhận lãnh đâu phải chỉ là những thứ vật chất mà đúng hơn là đón nhận chính tình yêu của người mẹ, chính những gì trong con người của mẹ dành tặng cho con, chính những gì của mẹ là của con.
Như thế, chúng ta mới hiểu được rằng, con người của chúng ta đâu phải là một “tai nạn” cho bằng là một hồng ân, một món quà!
Món quà ấy còn tiếp tục được trao ban cho người con yêu dấu của mình bằng sự chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ, chở che… trong cả cuộc đời. Dù người ta có trưởng thành thế nào đi nữa, hình ảnh người mẹ vẫn cứ luôn gần gũi, thân thương trong trái tim con người. Không ai có thể cắt đứt được sợi dây thiêng liêng mẫu tử được bởi vì có từ chối, cắt đứt thế nào đi nữa, thì tình mẹ – con vẫn là như thế, vẫn ở đó, vẫn tồn tại trong trái tim con người. Tình mẹ – con là thiêng liêng, luôn gắn liền với trái tim, với chính con người thì làm sao có thể phá vỡ được.
Tiếc thay, vẫn có người trong thế giới hiện đại này muốn phá vỡ tình mẫu tử đó. Nhiều người đã chọn cho mình một hướng đi “không có tình yêu thiêng liêng”; một hướng đi của thứ hạnh phúc hoàn toàn nằm ở vật chất, tiền bạc mà thôi. Đời sống gia đình đổ vỡ vì người ta đã không chọn tình mẫu tử, tình yêu thiêng liêng làm nhựa sống cho gia đình; không nuôi dưỡng tình yêu trong gia đình và không vun đắp tương quan trong đời sống gia đình. Có lẽ vì người ta đã chọn vật chất nhiều hơn là tình mẫu tử, tình gia đình thiêng liêng thì phải?
Tiếc thay, nhiều người đã không nghiệm thấy được cái đẹp, cái quý nơi tình mẫu tử! Đâu đó, vẫn còn những câu chuyện thương tâm giữa mẹ và con. Đâu đó vẫn còn thấp thoáng những con người chỉ xem mẹ và con như là những “vật chất” mà thôi. Vẫn còn đó nhiều người đã không nghiệm thấy được tình mẫu tử, không nghiệm thấy được chính mỗi con người là món quà của sự thiêng liêng, cao quý như thế nào. Có người đã chọn bỏ đi đứa con yêu dấu của mình vì cho đó là “tai nạn”; có người từ chối tình mẫu tử đẹp đẽ mà Thiên Chúa đã dành tặng cho mình; có người lại chọn một thứ tình mẫu tử “khác lạ” khi không bao giờ muốn con mình được thụ thai trong lòng dạ của mình.
Cần lắm một khoảng lặng lẽ để ai đó có thể hiểu được huyền nhiệm con người đến từ tình yêu. Cần lắm một khoảng lặng để ai đó có thể hiểu được tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý như thế nào.Cần lắm một khoảng lặng để ai đó có thể hiểu được dù thế giới có hiện đại cách mấy đi nữa thì mãi mãi tình mẹ – con vẫn luôn có một ý nghĩa và giá trị độc nhất vô nhị cho cuộc sống này. Cần lắm một khoảng lặng để ai đó có thể hiểu được trong thế giới này, tình yêu mới có thể mang đến cho con người sự sống và hạnh phúc đích thực mà thôi- Khoảng lặng lẽ ấy, một sự thương cảm dành cho TÌNH MẸ.