Trái Tim Việt Nam Và Cụ Nhiếp Ảnh Gia
Trần Thu Miên
(Tuỳ bút mùa thu 2023)
Tình cờ gặp ông cũng như đã tình cờ gặp rất nhiều người, nhưng sau vài câu xã giao, tôi có cảm tình ngay. Dù chưa hỏi tuổi của ông, tôi cũng đoán được ông ít nhất cũng ngoài 80. Dáng người mảnh khảnh, cao, hai con mắt tinh nhanh, và giọng nói miền nam khoan thai mềm dịu. Chiếc máy chụp hình ông cầm trên tay không phải là loại máy bình thường. Tôi vội nghĩ ông cụ này phải là một chuyên gia nhiếp ảnh. Chờ đến lúc chương trình sinh hoạt ở hội trường chấm dứt, tôi chạy lại bên ông và chào.
“Chào chú, chú chụp hình tự bao giờ ạ?”
“Từ thời còn ở Việt Nam.” Ông trả lời với ánh mắt sáng lên.
“Cháu mới học chụp hình, chú cho cháu theo làm đệ tử nhá.”
‘’Được chứ, khi nào rảnh đến nhà tôi chơi.”
“Chú cho phép cháu hỏi, Trời cho chú bao nhiêu mùa xuân rồi?” Tôi có thói quen cà rởn hỏi tuổi người mới gặp kiểu này, khiến ông hơi khựng lại nhìn tôi, nhưng nụ cười hiền vẫn trên môi.
“Tuổi Tây 89 còn tuổi Ta 90 rồi đấy.”
Chúng tôi trao đổi thông tin để liên lạc rồi tôi phải chào ông ra về sớm. Cứ tưởng ông sẽ không liên lạc, nhưng vài ngày sau tôi đã nhận được điện thoại của ông.
“Tôi M.V. đây, rảnh đến nhà, tôi chỉ cho chụp hình.”
“Vâng chú, lúc nào cháu đến được?”
“Chiều nay. Gọi tôi 30 phút trước khi đến.”
“Vâng.”
Xem lại địa chỉ ông cho tôi để tìm định vị. Nhà ông chỉ cách nhà tôi khoảng 20 phút đi xe. Google Map dẫn tôi đến trước một ngôi nhà nhỏ, nhưng tôi tưởng là sai địa chỉ. Lái xe thêm đoạn đường nữa nhưng nhu liệu dẫn đường ra hiệu cho xe quay vòng lại ngay trước căn nhà ấy. Ra khỏi xe, tôi bước đến trước nhà và đọc lại số nhà hai ba lần cho chắc. Ở thời này, gõ cửa nhà người lạ dễ bị bắn chết như chơi. Ký giả Molly Hennessy-Fiske trong bài đăng trên tờ Washington Post, ngày 26 tháng 9, 2023 đã viết “To live in Texas is to live surrounded by guns.” Nói nôm ra là sống ở bang Texas là sống với súng ống quanh mình. Từ năm 2101, dân Texas có thể đeo súng trong người đi khắp nơi mà không cần giấy phép. Thế kỷ 21 rồi, nhưng nhân loại dường như vẫn còn sống như thời tiền sử, thời con người đối xử với nhau kiểu ăn miếng trả miếng. Bạo lực là cách giải quyết các vấn đề tranh chấp hay trả thù thay vì giao tế xã hội hay trí tuệ. Chính vì vậy mà dù biết số nhà là chính xác, tôi vẫn ngại không dám đi vào gõ cửa. Căn nhà bên ngoài quá tiều tuỵ. Tường gỗ cũ mục, lớp sơn đã tróc loang lổ khắp chỗ. Tôi thắc mắc nhà này có người ở không? Cuối cùng tôi đưa điện thoại ra gọi cụ. Chuông điện thoại reo vài hồi cụ mới trả lời.
“Ai đây?”
“Cháu đang trước cửa ạ.” Tôi hồi hộp trả lời vì sợ mình sai địa chỉ. May quá, người mở của bước ra chính là cụ.
“Vào đây!” Cụ chậm rãi mở cửa, nhìn tôi vẫy tay gọi với nụ cười hiền lành.
Vừa bước vào sân, con chó mực to từ sau nhà chạy lên sủa vài tiếng làm tôi hoảng hồn choáng váng, đứng khựng lại. May quá, chó nhà cụ rất hiền vì sau vài tiếng sủa, nó đứng yên vẫy đuôi nhìn tôi. Thời tiết Texas mùa hè năm nay ngày nào cũng trên 100 độ F. Đứng ngoài chờ cụ mở cửa mà mồ hôi nhễ nhãi trên trán trên lưng. Tôi theo cụ bước lên vài bậc thang trước cửa để vào nhà. Cụ vừa mở hé cửa, một luồng hơi nóng tạt vào mặt tôi như hơi lửa xông ra từ một lò nướng bánh Pizza. Phải len lỏi theo sau cụ vào vì trong nhà bừa bãi, chật ních đủ mọi thứ từ giây điện, máy chụp hình và dụng cụ phụ tùng nằm la liệt trên nền nhà. Ngẩng mặt lên, tôi thất kinh vì sơn trần nhà như những tờ giấy cũ đong đưa sửa soạn rơi xuống đất. Mùi ẩm thấp xông xộc vào mũi tôi. Nhìn vào các góc nhà, chỗ nào cũng thấy bụi, rác và phân chuột. Nhất định là cụ đang sống với cả một bầy chuột trong nhà này. Sau khi cụ dẫn tôi len lỏi đi xem các dụng cụ nhiếp ảnh la liệt khắp nơi, cụ chỉ tôi bàn làm việc của cụ. Nhà không có phòng khách, cũng chẳng có ghế ngồi, ngoài hai cái ghế cũ, một ghế có chỗ tựa lưng dành cho cụ ngồi làm việc trước màn ảnh máy điện toán và một ghế nhỏ, có lẽ dành cho khách. Cụ nhường tôi ghế có lưng tựa, nhưng tôi từ chối và vội ngồi trên cái ghế cũ kỹ bụi bặm bên cạnh. Sau khi ngồi vào ghế, cụ mở máy điện toán lên và khởi động nhu liệu Photo Shop, chỉ cho tôi cách điều chỉnh hình cho rõ nét, thêm bớt màu sắc hay ghép những tấm ảnh khác nhau vào một. Tôi cũng đang học các sử dụng Photo Shop trong lớp nhiếp ảnh ở đại học cộng đồng, nhưng vẫn còn nhiều trở ngại. Thấy cụ sử dụng nhu liệu này trơn tru khiến tôi rất ngưỡng mộ. Ngồi vài phút, ông cụ đứng lên lấy máy chụp hình ra chỉ cho tôi cách sử dụng, nhưng tôi vội vã xin cụ đợi lần tới vì tôi phải về nhà. Thật ra tôi không thể chịu đựng được cái nóng cộng mùi ẩm thấp, mùi mốc và phân chuột nên tìm cách chia tay cụ, và hứa sẽ gặp lại cụ sớm.
Trên đường về, vừa lái xe tôi vừa nghĩ về cụ. Hình ảnh nội thất chật hẹp, bừa bộn, tường và trần nhà bong sơn, hư hỏng, cứ lảng vảng trong đầu tôi. Thế kỷ 21 rồi, sao lại có một ông cụ Việt Nam ở Hoa Kỳ sống một mình trong ngôi nhà hư nát bừa bộn như thế này chứ. Đây thật là một chuyện dường như hoang tưởng, nhưng lại có thật. Tôi nghĩ về những ngày đầu đời tỵ nạn, tôi sống một mình trong ngôi nhà tiền chế còn được gọi là mobil home gần 50 năm về trước. Dù nhà tôi ở cũng bừa bãi sách vở và tàn thuốc lá, nhưng không thể so sánh nổi với căn nhà của cụ Nhiếp Ảnh này được. Về đến nhà tôi lấy điện thoại, mở những tấm hình chụp vội trong nhà cụ chỉ cho vợ xem, cô nhanh nhẩu bảo: “Anh tìm cách sửa nhà cho cụ nhanh đi. Mai ra mua cái máy điều hoà hay máy quạt đến gắn cho cụ. Nóng thế này sống sao được.” Có vợ động viên, tôi thấy mình lên tinh thần. Sáng dậy, tôi điện thoại cho em Đ. hàng xóm rủ em đi Home Depot với tôi tìm máy điều hoà hay máy quạt mang biếu ông cụ. Cả tuần lễ tiếp theo, tôi cứ lan man nghĩ về cụ rồi nẩy ra ý là mình phải rủ bạn bè đến dọn và sửa nhà cho cụ. Căn nhà xuống cấp khó có thể cứu vãn được, nhưng ít nhất cũng phải giúp sơn lại trần nhà, xếp đặt lại nội thất, và sửa máy điều hoà cho cụ. Tôi gọi anh bạn kể là mình mới gặp một cụ già neo đơn, sống trong ngôi nhà hư hỏng không tưởng nổi và muốn tìm cách giúp cụ.
“Mày đúng là hồ đồ lo chuyện bao đồng.” Bạn trả lời không cần suy nghĩ. Tôi đem chuyện này kể cho một người khác thì lại được nghe ngay những câu hỏi rất thực tế.
“Tại sao không khuyên ông cụ vào nhà dưỡng lão mà ở?” Hay “Ông không có con cháu gì hay sao?”
Các bạn tôi có lẽ không biết rằng nhiều người già chỉ muốn sống trong căn nhà quen thuộc cho đến lúc không thể nữa. Thật ra vì đã có thời gian tôi được Viện Nghiên Cứu Quốc Gia Về Tuổi Già (National Institute on Aging) tài trợ cho việc học hậu tiến sĩ và nghiên cứu vác vấn đề tâm lý xã hội của người già nên tôi thông cảm cho quyết định của các cụ già không muốn rời bỏ căn nhà quen thuộc để vào sống trong viện dưỡng lão, dù tình trạng căn nhà mình đang ở có hư hỏng hay tồi tàn ra sao. Không nản lòng vì ý kiến tiêu cực của vài người bạn, tôi rủ Đ., người em hàng xóm, đi với tôi đến thăm cụ rồi mời cụ đi ăn trưa để có dịp hỏi thăm về gia cảnh của cụ. Bữa ăn trưa ở một nhà hàng Việt Nam dù không lâu nhưng tôi đã biết thêm vài chi tiết về dĩ vãng và gia cảnh của cụ. Ngày trẻ cụ là một người tài hoa rất có năng khiếu về kỹ thuật. Cụ đã từng làm trong ngành truyền thông từ thời nền công nghệ và kỹ thuật truyền thông ở Việt Nam còn man khai. Cụ đã được hai vị Tổng Thống của Việt Nam Cộng Hoà ban khen. Sang Hoa Kỳ cụ làm việc sửa và sơn xe ô tô nhiều năm. Cụ say mê nhiếp ảnh và đã từng được giải thưởng nhiếp ảnh của toà báo nổi tiếng ở Dallas, Texas. Mấy chục năm qua, cụ đã chụp hình cho nhà thờ, nhà chùa và rất nhiều hội đoàn ở vùng này. Tôi hỏi ý cụ là có đồng ý cho tôi và một vài người bạn đến giúp sơn lại trần nhà và sắp xếp đồ đạc cho ngăn nắp.
“Cộng đồng người Việt ở Dallas đã có thiện ý giúp tôi sửa nhà. Họ gây quỹ được một số tiền và giao cho một ông võ sư nổi tiếng ở đây để sửa nhà cho tôi, nhưng hình như ông võ sư này đã sài hết tiền bà con quyên góp rồi. Điện thoại hỏi ông mãi không được.” Ông cụ trả lời và nhìn tôi có chút nghi ngờ về đề nghị của tôi.
Sau bữa ăn, chúng tôi về nhà cụ và cụ nhanh nhẹn đem máy chụp hình ra dạy tôi cách chụp hình nghệ thuật. Tôi cũng vội lấy điện thoại ra chụp thêm một số hình ảnh nội thất nhà của cụ để gửi cho bạn bè xem. Nhà cụ nóng quá nên tôi đề nghị cụ ra ngoài vườn đứng dưới gốc cây cho thoáng dù nhiệt độ bên ngoài hôm ấy lên đến 105 độ F, thế mà vẫn mát hơn trong nhà cụ. Nghe cụ chỉ dạy cách sử dụng máy chụp hình chừng 5 phút, tôi ra hiệu cho Đ. xin chia tay cụ về sớm, hẹn lần khác.
Trở về nhà sau khi thăm cụ lần này, tôi quyết định cách gì cũng phải giúp cụ nhiếp ảnh sơn lại trần nhà và thu xếp đồ đạc cho gọn gàng. Tôi nghĩ đến Tr. vợ của người bạn thân tên D. hỏi ý kiến cô về việc sơn sửa nhà cho cụ nhiếp ảnh. Thấy Tr. nhiệt tình tham gia vào việc sơn sửa nhà cho cụ, tôi cũng an lòng. Vợ đồng ý tham gia thì đương nhiên chồng cũng vậy. Có sự hậu thuẫn của D. và Tr., tôi nghĩ có lẽ phải tổ chức gây quỹ để thực hiện việc này. Dù mình đã có kinh nghiệm tổ chức gây quỹ cho những sinh hoạt bác ái và văn hoá, nhưng chỉ trong khuôn khổ nhà thờ hay cộng đoàn nhỏ, những nơi có nhiều người quen biết. Tôi về lại Arlington vài năm qua, nhưng chưa có liên hệ hay sinh hoạt nào gần gũi với nhà thờ hay cộng đồng nên việc gây quỹ ở nhà thờ hay cộng đồng có lẽ không khả thi và ảo tưởng. Thêm nữa, mình chưa bao giờ gây quỹ để sửa nhà cho ai nên không có kinh nghiệm. Đây chắc là việc làm hơi phiêu lưu. Cuối cùng tôi liên lạc ngay với hai sinh viên cũ, một người đang làm việc ở Quốc Hội Hoa Kỳ, một người đang dạy ở đại học New York hỏi ý kiến có nên thiết kế một chương trình gây quỹ trên nền GoFundMe để mời người quen đóng góp chi phí cho việc sơn sửa nhà của ông cụ không.
“Thầy nghĩ là cần bao nhiêu thì đủ sửa và sơn nội thất nhà cho ông cụ?” Cô sinh viên cũ của tôi hăng hái hỏi.
“Chắc vài ngàn thôi. Em có nghĩ ra cách gây quỹ nào tiện nhất không?”
“Nếu chỉ cần vài ngàn thì thầy cứ hỏi những người quen, em tin chắc là ai cũng ủng hộ dự án này. Em sẽ đóng góp cho dự án.” Cô nói bằng giọng rất tự tin khiến tôi cũng an tâm.
Việc rủ bạn bè góp tay tưởng là khó, nhưng ngay sau khi tôi gửi ra một tâm thư ngắn, dự án đã thu được đủ số tiền để bắt đầu hoàn tất mục tiêu. D., bạn tôi, nhận làm thủ quỹ và đứng ra thu xếp việc sửa và sơn nhà cho cụ.
Vợ chồng D. có nhiều kinh nghiệm mua bán nên anh ta đã mua một số tủ thép văn phòng dù không phải mới tinh, nhưng vẫn còn tốt và đẹp mắt. D. một mình xếp những tủ thép lên xe pickup truck rồi hẹn gặp tôi ở nhà cụ nhiếp ảnh. Sáng sớm thứ Bảy, tôi đến nhà cụ phụ bạn khiêng những tủ thép cao đặt tạm dưới mái chỗ đậu xe. Chương trình sơn sửa, dọn dẹp bắt đầu. Dĩ nhiên là tôi và bạn bây giờ không còn là sinh viên cứng cáp năng động của hơn 40 năm trước. Bạn trẻ hơn tôi vài tuổi nhưng cũng đã lên hàng lão rồi. Biết sức mình có hạn, tôi đã nhờ một người quen cũng là một chức sắc của một hội Công Giáo Tiến Hành giúp. Sau khi nghe tôi miêu tả về tình trạng ngôi nhà cụ nhiếp ảnh, anh ta rất hăng hái và hứa sẽ rủ thêm vài người ở nhà thờ đến phụ.
“Em có thể sơn nhà, không đẹp như chuyên nghiệp nhưng bảo đảm không tệ.” Anh nói rất tự tin.
“Quá tốt, ông có biết ai giúp sửa máy điều hoà không?” Tôi hỏi thêm.
“Anh hỏi đúng người rồi. Em làm việc này mà.”
Nghe anh hăng hái trả lời, tôi cảm thấy rất an tâm nên hẹn anh đi với D. và tôi đến nhà cụ nhiếp ảnh để anh xem xét tình trạng máy điều hoà và góp thêm ý về việc thu dọn và sơn trần nhà. Anh bạn Công Giáo mặt thâm trầm theo D. và tôi vào nhà vì chúng tôi có chìa khoá để ra vào cho tiện. Anh len lỏi, lách mình theo chúng tôi bước chậm giữa sự bừa bộn, ngổn ngang của đồ đạc, dụng cụ, và quần áo từ phòng này sang phòng khác. Ánh mắt của anh không còn hăng hái như những lời anh nói với tôi trên đường đến. Có lẽ sau khi chứng kiến sự bề bộn trong nhà và những hư hại trên trần nhà anh ta trở nên e ngại. Lúc ra ngoài xem xét tình trạng của máy điều hoà , điều đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là bầy ong bay quanh tường bên cạnh cửa sổ chỗ đặt máy điều hoà cũ.
“Có tổ ong lớn trong tường nhà.” D. bảo lúc đứng trên thang khám sát máy điều hoà trong khi những con ong cứ bay vờn qua vờn lại trên đầu anh.
Anh bạn Công Giáo và tôi hơi luống cuống vì lũ ong bay vù vù bên tai. Chúng tôi đưa tay vẫy đuổi ong, nhưng càng vẫy chúng càng bám sát.
“Đứng yên, đừng đuổi chúng, càng đuổi, chúng càng bay đến tấn công.” D. nhìn chúng tôi bảo.
Sau khi xem xét căn nhà của cụ nhiếp ảnh, D. và tôi quyết định sẽ bắt đầu công việc thu dọn và sơn nhà cho ông cụ vào thứ Bảy tuần tới. Trên đường về, anh bạn Công Giáo ít nói hơn lúc chúng tôi trên đường đi. Tôi linh cảm là anh sẽ bỏ cuộc, nhưng vẫn hỏi “Ông xem có rủ được ai trong nhà thờ đến giúp thu dọn nhà ông cụ thứ Bảy tuần tới nhá.” Anh ta gật đầu rồi quay sang chuyện khác. Sau khi chia tay anh, tôi liên lạc ngay với Hnh. cô bạn thời sinh viên và là Phật Tử thuần thành của một ngôi chùa gần thành phố tôi đang ở.
“Hi Hnh., anh D. và anh đang giúp thu dọn và sơn trần nhà cho ông cụ già neo đơn. Em hỏi xem có ai bên chùa đến giúp tụi anh thứ Bảy tuần tới được không?”
“Dạ được, để em hỏi.” Cô trả lời không đắn đo.
Hnh. cho tôi tên người trưởng gia đình Phật Tử ở chùa Pháp Quang và anh hứa sẽ gửi một nhóm bạn trẻ Phật Tử đến giúp. Trước ngày chúng tôi bắt đầu, anh bạn Công Giáo điện thoại cho tôi bảo “Em đã tìm người đến giúp anh, nhưng ai cũng bận rồi.”
“Không sao, tôi đã có vài em trong gia đình Phật Tử bên chùa sẽ đến giúp.” Tôi trả lời.
“Nếu vậy chắc em không cần đến nữa.” Anh ta nhanh nhẩu nói.
“Ông bận thì không cần đến.” Tôi trả lời.
“Vậy lần tới có dự án mới, anh cho em biết nhá.” Anh ngập ngừng bảo.
“Rất tốt. Tôi sẽ báo cho anh.” Tôi trả lời, lắc đầu ngao ngán, rồi ngưng cuộc điện thoại.
Tôi thầm nghĩ là nếu mình nhờ anh ta cầu nguyện cho công việc được suôn sẻ, có lẽ anh sẽ mau mắn nhận lời và sẵn sàng đọc hàng trăm câu kinh mà chẳng nề hà chi.
Chúng tôi hẹn nhau khoảng 9 giờ sáng thứ Bảy sẽ gặp nhau tại sân nhà ông cụ. Khi tôi đến đã thấy D. và hai người nữa đang chăm chú vào chỗ tổ ong, một ông lão ngoài 70, bạn của D. và một người mặc đồ an toàn trắng toát nom như phi hành gia trên phi thuyền lên mặt trăng. Lúc tôi đến gần, nghe giọng nói của người mặc áo an toàn, tôi mới biết là anh của D.. Vì đang nuôi ong nên anh có sẵn quần áo an toàn và dụng cụ để lấy cái tổ ong ra khỏi tường nhà. Các bạn thanh niên thuộc Gia Đình Phật Tử đến khoảng 10:00 sáng. Tôi nhờ họ giúp dọn nội thất cho ông cụ, nhưng ong đã lọt vào trong nhà khiến các bạn hoảng sợ nên họ vừa khua tay đuổi lũ ong vừa làm việc. Dường như buổi sáng hôm ấy ai cũng bị ong chích cho ít nhất là một lần. Nhóm thanh niên Phật Tử chỉ có thể làm việc đến quá trưa thì các em phải đi về. Người anh của D. cũng rời sau khi đặt cả tổ ong vào trong thùng nhựa khá lớn rồi khiêng lên xe. Anh vẫn phải mặc bộ áo an toàn trên đường lái xe về nhà. D., ông T. và tôi ở lại với bà Th., em họ của ông cụ, bà khá lớn tuổi rồi, dáng người mảnh khảnh nhưng rất năng hoạt. Chúng tôi làm đến khoảng 3:00 giờ chiều thì chia tay nhau vì ai cũng mệt nhừ có lẽ vì tuổi tác. Ngày Chủ Nhật mọi người nghỉ để đi chùa hay nhà thờ. Tôi là người Công Giáo, nhưng hôm nay việc đi nhà thờ không quan trọng bằng trở lại nhà ông cụ dọn dẹp cho xong để thợ sơn đến sơn nhà cho cụ sớm. Tôi đến nhà cụ sáng Chủ Nhật lúc 10:00 giờ. Hôm nay có ba người, bà Th., một thanh niên người Tàu có vợ Việt, người quen của bà Th. và tôi. Chúng tôi khiêng các đồ đạc ngày hôm qua đã được mang từ trong nhà ra để tạm ngoài sân vào nhà kho cho cụ. Gọi nhà kho cho sang, nhưng thật ra là cái “lều” lợp tôn khá vững chãi, nền trải xi măng, nhưng không có tường che bốn phía. Mưa bão lớn, nước mưa vẫn có thể tạt vào trong nên tôi đã mua hai tấm bạt lớn để phủ lên đồ trong lều phòng mưa tạt vào. Công việc thu dọn nội thất và xếp lại nhà kho coi như ổn. Tôi báo cho D. biết để xúc tiến việc sơn trần nhà và sửa những gì có thể trong giới hạn của ngân quỹ do bằng hữu đóng góp.
Ba anh thợ sơn người Mễ, D. thuê, làm việc rất chăm chỉ và tử tế. Sau hai ngày, việc sơn nhà coi như tạm xong, nhưng trời đổ mưa bất ngờ. Thời tiết Texas thay đổi bất ngờ và cực kỳ khắc nghiệt. Trận mưa bão tháng 11 dù không lớn, nhưng đủ làm cây đổ và lụt lội ở vài nơi. Khu nhà ông cụ cây cối không bị đổ gẫy. Tuy nhiên, vì mái nhà đã quá cũ và hư hại nhiều chỗ nên một góc trần nhà vừa được sơn xong đã rơi xuống vì bị dột sau trận mưa . Các anh thợ sơn bảo tôi họ đã cố gắng hết sức, nhưng không thể sửa được như ý muốn vì số tiền D. trả họ chỉ đủ cho việc sơn lại trần nhà chứ không sửa mái nhà. Việc sửa mái nhà ngoài khả năng chuyên môn của họ. Ông cụ đã phải lấy một thùng hứng nước mưa để tránh mưa dột làm ướt cả nền nhà. Tôi suy nghĩ về việc này, nhưng chưa tìm ra giải đáp thuận lợi. Trong khi chờ đợi tìm cách giúp ông cụ tránh mưa dột xuống nhà, tôi giục D. thu xếp để ráp máy điều hoà cho nhà cụ vì thời tiết miền Bắc Texas bắt đầu trở lạnh. Tôi rùng mình nghĩ lại chuyện ông cụ đã phải ở trong căn nhà này lúc thời tiết nóng trên 100 độ F suốt mùa hè vừa qua. Ở vùng này thời tiết có thể thay đổi vài chục độ trong một ngày. D. hẹn tôi đến giúp anh sửa lại tường nhà chỗ đã bị gỡ gỗ ra để bắt tổ ong và ráp máy điều hoà cho nhà cụ được sưởi ấm kịp lúc thời tiết trở lạnh. Trong lúc làm phụ cho D. cưa gỗ để sửa tường nhà, tôi chợt nhớ về thời gian mình làm thợ phụ cho một người Mỹ chuyên sửa nhà cũ ở miền ven vịnh Mississippi. Dạo ấy, còn là sinh viên tuổi 20 nên việc khiêng vác gạch hay gỗ dễ dàng hơn bây giờ, thế mà thoáng một cái, tôi đã trở thành một lão ông. D. còn trẻ hơn tôi và có nhiều kinh nghiệm về việc sửa nhà nên làm việc thoăn thoắt, từ cưa ván đến đóng đinh, việc nào cũng trơn tru. Sau khi sửa xong chỗ tường đã bị gỡ ra để bắt tổ ong, chúng tôi ráp máy điều hoà cho ông cụ, rồi hẹn nhau tuần tới trở lại làm cho xong những gì cần phải làm trước khi thuê người chuyên môn tẩy uế nhà đến để làm sạch nhà cho ông cụ.
D. bảo tôi kêu gọi thêm người đến giúp vì hai chúng tôi không thể nào làm tất cả mọi việc trong một ngày. Tôi liên lạc lại nhóm thanh niên của gia đình Phật Tử, nhưng họ đã có chương trình sửa soạn cho ngày lễ Tạ Ơn bên chùa. Một vài bạn Công Giáo tôi quen cũng bận bịu vì họp hành hay đọc kinh. Cuối cùng tôi rủ được hai người bạn, Đ. và H. Đ. là người em hàng xóm mới đi làm ở xa về, chưa kịp nghỉ ngơi, đã bị tôi rủ đi sửa nhà cho ông cụ. H. là bạn học cùng một trường đại học với tôi ngày xa xưa, bây giờ đã về hưu nên có thời giờ làm công tác xã hội. Bốn người chúng tôi đến nhà ông cụ sáng sớm thứ Bảy để hoàn tất những gì cần phải làm. H. và tôi lo xếp đặt và thu dọn rác trong nhà. Có lẽ hàng chục năm qua, nền nhà của ông cụ không được quét dọn. Tất cả các góc nhà đều có phân chuột, tôi chưa từng thấy phân chuột ở đâu mà nhiều như thế. Chúng tôi cũng tìm thấy cả xác chuột đã chết khô trong góc nhà. Đứng nhìn đống rác trên nền nhà, tôi nhớ về thời sinh viên được làm việc thu dọn nhà của bà phó viện trưởng Đại Học Bắc Texas, lúc ấy gọi là North Texas State University ở Denton, bây giờ đã đổi tên là University of North Texas. Cứ hai tuần tôi đến nhà bà hút bụi, lau chùi nhà vệ sinh, nhà bếp, cắt cỏ, rồi tắm cho hai con chó to lớn nhưng rất hiền. Ở quê tôi các bác bợm nhậu có thể nấu vài nồi rựa mận lớn, đủ cho cả làng nhậu. Bà trả tôi 17 đô một lần hay 34 đô một tháng, hơn lương tôi làm 30 đô cho 20 giờ một tuần ở đại học. Mỗi lần tôi nhớ về công việc làm dạo ấy, tôi vẫn thắc mắc tại sao bà không trả tôi 18 đô hay 20 đô cho chẵn?
D. và Đ. đều có kinh nghiệm sửa nhà nên nhận nhiệm vụ sửa chỗ trần nhà bị dột, rồi leo lên mái nhà, lấy một tấm bạt lớn che chỗ mái đã bị hư hại, hy vọng mưa sẽ không còn thấm xuống trần nhà và gây ẩm ướt cả nền nhà. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, chắc chỉ có công hiệu khoảng nửa năm thôi. Khoảng 2 giờ chiều, anh em chúng tôi hoàn tất những việc cần phải làm cho giai đoạn cuối cùng của dự án sửa nhà cho cụ già neo đơn. Còn lại việc sau cùng là tẩy uế nội thất, việc này phải được một người chuyên môn với các dụng cụ và các loại chất tẩy rửa cần thiết làm. Vì là chủ nhân của nhiều căn hộ cho thuê nên D. đã có sẵn người làm được việc quan trọng này. Bà Th., em họ của ông cụ, luôn có mặt khi chúng tôi đến làm việc, bà đã báo cho chúng tôi biết là người lau chùi nhà làm việc rất hoàn hảo. Nghe vậy lòng tôi dấy lên một niềm vui khó tả. Ít ra Thanksgiving và Christmas năm nay, nhà ông cụ sẽ sạch, gọn gàng và ấm cúng hơn những năm trước.
Chúng tôi chấm dứt việc sửa nhà cho ông cụ dù còn rất nhiều thứ cần phải làm nhưng ngoài tầm tay của chúng tôi. Thật tình mà nói, chúng tôi không thể sơn sửa, dọn dẹp nhà cho ông cụ nếu không có sự hưởng ứng nhiệt tình của những người bạn ở khắp nơi, từ Washington, D.C. sang đến Arizona, từ Boston xuống Florida rồi từ New York xuống Texas. Các bạn tôi, dù không thấy tận mắt tình trạng nhà của ông cụ, họ không đặt vấn đề tại sao phải làm việc này. Ai cũng nhanh nhẹn mở rộng tấm lòng chia sẻ cho dự án này. Người đứng ra gánh vác và thực hiện những việc nặng nhọc là D. Tình bạn giữa chúng tôi đã bắt đầu từ sân đại học hơn 40 năm trước. Thật ra mà nói, nếu không có vợ chồng D. cộng tác, có lẽ việc sửa nhà cho ông cụ vẫn còn là một ý tưởng hay chỉ là một đề nghị. Sau cùng, tôi xin cảm ơn ông cụ và bà Th., em họ của ông cụ, đã không ngăn cản việc làm của anh em chúng tôi. Có thể họ đã nghi ngờ chúng tôi có ẩn ý gì phía sau, nhưng đấy cũng chỉ là phản ứng rất tự nhiên thôi vì chúng tôi là những người hoàn toàn xa lạ, họ chưa từng quen biết. Bà Th. nhờ tôi gửi rất nhiều lời cảm ơn đến những người bạn đã cộng tác trong dự án xã hội này. Nhưng thật ra tôi biết các bạn tôi đã nhận được niềm hạnh phúc ngọt ngào vì họ đã mở rộng trái tim mình để chia sẻ mà không hề thắc mắc gì. Ai cũng mong và cầu chúc cho ông cụ nhiếp ảnh sẽ sống những ngày tháng còn lại trong ngôi nhà dù cũ kỹ nhưng sạch sẽ, thoáng mát, và ấm áp hơn. Thế nào cũng có độc giả bảo rằng quanh ta rất nhiều người không nhà để ở, hay nếu có nhà thì tình trạng còn tệ hơn nhà của ông cụ nhiếp ảnh này, tại sao anh em chúng tôi sơn và dọn nhà cho cụ mà không làm cho người khác. Tôi trả lời rằng dĩ nhiên là chúng tôi rất muốn góp tay chia sẻ với mọi người và với cuộc đời, nhưng chúng tôi cũng như những hạt cát trong sa mạc nên chỉ đưa tay với được những hạt cát gần mình. Riêng với ông cụ nhiếp ảnh, chúng tôi chia sẻ trái tim mình với ông không phải vì ông là bà con ruột thịt của chúng tôi, nhưng vì ông là người Việt Nam, là đồng hương, chia chung thân phận lưu vong như chúng tôi. Đơn giản vậy thôi.